• KHÔNG SỐNG BẰNG NHỮNG SỰ GIẢ DỐI: LỜI KÊU GỌI LÒNG CAN ĐẢM VÀ SỰ THẬT TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
    09/ 02/ 2023
    KHÔNG SỐNG BẰNG NHỮNG SỰ GIẢ DỐI: LỜI KÊU GỌI LÒNG CAN ĐẢM VÀ SỰ THẬT TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY           Alexander Solzhenitsyn         Nguyễn Trung Kiên dịch         [*Solzhenitsyn viết bài tiểu luận này vào năm 1974 và nó đã lan truyền trong giới trí thức Moscow vào thời điểm đó. Nó được đề ngày 12 tháng Hai, cùng ngày mà cảnh sát mật đột nhập vào căn hộ của ông và bắt ông. Ngày hôm sau, ông bị trục xuất sang Tây Đức. Bài tiểu luận này là một lời kêu gọi lòng can đảm về đạo đức và là ánh sáng cho tất cả chúng ta – những người luôn coi trọng sự thật.*]         *         CÓ LÚC CHÚNG TA thậm chí không dám thì thầm. Bây giờ chúng ta viết và đọc sách báo ngoài luồng, và đôi khi khi tụ tập trong phòng hút thuốc ở Viện Khoa học, chúng ta thẳng thắn phàn nàn với nhau: Họ đang giở trò gì với chúng ta, và họ đang lôi chúng ta đi đâu? Vô cớ khoe khoang thành tựu về công nghệ vũ trụ khi mà nghèo đói và sự tàn phá đang tràn ngập quê nhà. Đề cao các chế độ man rợ xa xôi. Kích động nội chiến. Và chúng ta đã liều lĩnh nuôi dưỡng Mao Trạch Đông bằng chi phí của mình - và chúng ta sẽ là những người bị bắt đi lính để chống lại ông ta, và sẽ buộc phải đi. Có lối thoát nào ở đây không? Và họ đưa ra xét xử bất kỳ người nào họ muốn, rồi họ đưa những người ôn hòa vào trại tập trung - luôn luôn là họ, còn chúng ta thì bất lực.         Mọi thứ gần như đã chạm đáy. Một cái chết của linh hồn mang tính phổ quát đã chạm đến tất cả chúng ta, và cái chết thể xác sẽ sớm bùng phát và tiêu diệt cả chúng ta và con cái của chúng ta - nhưng như trước đây chúng ta vẫn mỉm cười một cách hèn nhát và lầm bầm rằng mình chẳng liên quan gì. Nhưng chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó? Phải chăng chúng ta không có sức mạnh?         Chúng ta đã mất nhân tính một cách vô vọng đến mức để đổi lấy khẩu phần lương thực khiêm tốn hàng ngày, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi nguyên tắc, từ bỏ linh hồn, từ bỏ mọi nỗ lực của những người đi trước và mọi cơ hội cho con cháu của chúng ta – miễn sao đừng làm phiền đến sự tồn tại mong manh của chúng ta. Chúng ta thiếu lòng kiên định, niềm tự hào và sự nhiệt tình. Chúng ta thậm chí không sợ cái chết hạt nhân rộng lớn, và chúng ta không sợ Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chúng ta đã trú ẩn trong các kẽ hở. Chúng ta chỉ sợ những hành động được thúc đẩy bởi lòng can đảm dân sự.         Chúng ta chỉ sợ bị tụt lại phía sau đàn gia súc và đi một mình - và đột nhiên nhận thấy mình không còn bánh mì trắng, không còn gas để sưởi và không có hộ khẩu tại Moscow.         Chúng ta đã được truyền dạy trong các khóa học chính trị, và theo cách tương tự đã được nuôi dưỡng ý tưởng để sống thoải mái, và phần còn lại của cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội của mình. Cuộc sống hàng ngày định hình nên nhận thức. Nó liên quan gì đến chúng ta? Điều gì ở nó là bất khả đối với chúng ta?         Nhưng chúng ta có thể - mọi thứ. Nhưng chúng ta dối mình để an toàn. Và không phải họ là người phải chịu trách nhiệm về mọi thứ - chính chúng ta, chỉ chúng ta. Người ta có thể phản đối: Nhưng thực ra đồ chơi có thể nghĩ bất cứ thứ gì bạn thích. Những cái khóa mõm đã được nhét vào miệng của chúng ta. Không ai muốn lắng nghe chúng ta và không ai yêu cầu chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể buộc họ phải lắng nghe nghe? Suy nghĩ của họ là không thể thay đổi.         Sẽ là tự nhiên nếu ta phỏ biếu để loại bỏ họ - nhưng không có cuộc bầu cử nào ở nước ta. Ở phương Tây, người ta biết về các cuộc đình công và biểu tình phản đối - nhưng chúng ta quá bị áp bức, và đó là một viễn cảnh khủng khiếp đối với chúng ta: Làm sao một người có thể đột ngột từ bỏ công việc của mình và xuống đường? Tuy nhiên, những con đường chết chóc khác được khảo sát trong suốt thế kỷ qua bởi lịch sử nước Nga cay đắng của chúng ta không dành cho chúng ta, và thực sự chúng ta không cần chúng.         Giờ đây, những sự trừng phạt đã hoàn thành công việc của mình, khi mọi thứ đã được gieo trồng đã nảy mầm trở lại, chúng ta có thể thấy rằng những người trẻ tuổi và đầy kiêu mạn, những người nghĩ rằng họ sẽ kiến tạo nên một đất nước công bằng và hạnh phúc thông qua khủng bố, nổi loạn đẫm máu và nội chiến, tất cả trong số họ đã bị nhầm lẫn. Không, cảm ơn, hỡi những kẻ đã nhào nặn nên nền giáo dục này! Bây giờ chúng ta biết rằng các phương pháp bỉ ổi sẽ tạo ra những kết quả bỉ ổi. Hãy để cho bàn tay của chúng ta được sạch sẽ!         Một vòng luẩn quẩn - nó đã khít chưa? Và có thực sự là không có lối thoát? Và chỉ còn một việc để chúng ta làm, đó là chờ đợi mà không hành động? Có lẽ điều gì đó sẽ xảy tự nó xảy ra? Nó sẽ không bao giờ xảy ra miễn là chúng ta hàng ngày thừa nhận, mở rộng và củng cố - và không tách mình khỏi khía cạnh dễ nhận thấy nhất của nó: Những sự dối trá.         Khi bạo lực xâm nhập vào cuộc sống yên bình, khuôn mặt của nó rạng rỡ với sự tự mãn, như thể nó đang giăng biểu ngữ và la toáng lên: “Ta là bạo lực đây. Hãy chạy đi, nhường đường cho ta – ta sẽ nghiền nát chúng mi”. Nhưng bạo lực sẽ nhanh chóng già đi. Và nó đã đánh mất niềm tin vào bản thân, và để duy trì một bộ mặt đáng kính, nó kết nạp sự giả dối làm đồng minh của nó - vì bạo lực không phải ngày nào cũng đè lên vai tất cả mọi người. Nó đòi hỏi chúng ta chỉ tuân theo những sự giả dối và sống với những sự giả dối đó hàng ngày - tất cả lòng trung thành dành cho những sự giả dối đều nằm ở đó.         Và điểm mấu chốt đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất để giải phóng bản thân không bị lãng quên của chúng ta nằm ngay ở đây: Các cá nhân không tham gia vào những sự giả dối. Dù dối trá che dấu mọi thứ, dù dối trá bao trùm lấy mọi thứ, nhưng ta sẽ không tiếp tay cho chúng.         Điều này sẽ tạo ra sự vượt ngục thoát cái nhà tù tưởng tượng vốn được hình thành nên bởi sự không hành động của chúng ta. Đó là điều dễ dàng nhất đối với chúng ta, nhưng lại tạo ra sự tàn phá thảm khốc nhất đối với những sự giả dối. Bởi vì khi người ta từ bỏ sự giả dối, nó chỉ đơn giản là cắt đứt sự tồn tại của chúng. Giống như bệnh nhiễm trùng, chúng chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể sống.         Chúng ta không tự hô hào bản thân. Chúng ta chưa đủ trưởng thành để tiến vào các quảng trường và gào lên sự thật của chúng ta hoặc để thể hiện những gì chúng ta đang nghĩ. Điều đó không cần thiết.         Điều đó thật nguy hiểm. Nhưng chúng ta hãy từ chối nói điều mà chúng ta không nghĩ.         Đây là con đường của chúng ta, con đường dễ dàng và dễ tiếp cận nhất, mà đã có tính đến sự hèn nhát cố hữu vốn đã sâu rễ bền gốc trong mỗi chúng ta. Và nó dễ dàng hơn nhiều - thậm chí còn nguy hiểm khi nói điều này - hơn là kiểu bất tuân dân sự mà Gandhi chủ trương.         Con đường của chúng ta là xóa bỏ ranh giới băng đảng. Nếu chúng ta không dán những mảnh xương và vây của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta không khâu những mảnh vải vụn thối rữa lại với nhau, chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến những sự giả dối trở nên bất lực và lắng xuống nhanh chóng.         Cái mà lẽ ra nên bị lột truồng sau đó sẽ thực sự bị lột truồng trước toàn thế giới.         Vì vậy, trong sự rụt rè của chúng ta, mỗi người chúng ta hãy đưa ra lựa chọn: Cho dù có ý thức, chúng ta vẫn là nô lệ của sự giả dối - tất nhiên, điều đó không phải vì khuynh hướng, mà là để nuôi sống gia đình, nuôi dạy con cái của mình bằng tinh thần dối trá - hoặc từ bỏ những sự giả dối và trở thành một người lương thiện đáng được cả con cái và người đương thời kính trọng.         Và từ ngày đó trở đi, mỗi chúng ta:         • Do đó, sẽ không viết, ký tên hoặc in ấn theo bất kỳ cách nào một cụm từ mà theo ý kiến của ta là đang bị bóp méo để sai với sự thật.         • Sẽ không thốt ra cụm từ như vậy trong cuộc trò chuyện riêng tư, không thốt ra trước sự chứng kiến của nhiều người, không tự mình hay thay mặt người khác thốt ra, không thốt ra khi bị người khác nhắc nhở, kích động;         • Sẽ không mô tả, nuôi dưỡng hoặc truyền bá một ý tưởng nào mà ta chắc chắn nhận thấy nó sai lầm hoặc bị bóp méo so với sự thật, cho dù đó là trong hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc.         • Sẽ không trích dẫn ngoài ngữ cảnh, bằng lời nói hay bằng văn bản, một trích dẫn duy nhất để làm hài lòng ai đó, để làm yên ấm cái tổ ấm của chính mình, để đạt được thành công trong công việc của mình, nếu ta không chia sẻ hoàn toàn ý tưởng được trích dẫn, hoặc nếu nó có không phản ánh chính xác vấn đề đang được đề cập.         • Sẽ không cho phép mình bị buộc phải tham gia các cuộc biểu tình hoặc mít-tinh nếu chúng trái với mong muốn hoặc ý chí của mình, sẽ không giăng một áp-phích hoặc khẩu hiệu mà ta không hoàn toàn chấp nhận.         • Sẽ không giơ tay biểu quyết cho một đề xuất mà ta không thông cảm chân thành, sẽ không bỏ phiếu, cả công khai lẫn bí mật, cho một người mà ta cho là không xứng đáng hoặc đáng ngờ.         • Sẽ không cho phép mình bị lôi kéo đến một cuộc họp mà có thể sẽ diễn ra một cuộc thảo luận gượng ép hoặc bị bóp méo về một vấn đề. Sẽ ngay lập tức rời khỏi một cuộc họp, phiên họp, bài giảng, buổi biểu diễn hoặc chiếu phim nếu ta nghe thấy một người nói dối, hoặc tuyên truyền vô nghĩa hoặc vô liêm sỉ về ý thức hệ.         • Sẽ không đăng ký hoặc mua báo hoặc tạp chí trong đó thông tin bị bóp méo và sự thật chính yếu bị che giấu. Tất nhiên chúng ta đã không liệt kê tất cả các sai lệch có thể và cần thiết từ sự giả dối. Nhưng một người thanh lọc bản thân sẽ dễ dàng phân biệt các trường hợp khác bằng cách nhìn nhận sự thanh lọc của mình.         Không, mọi người lúc đầu sẽ không giống nhau. Lúc đầu, một số sẽ bị mất việc làm. Đối với những người trẻ muốn sống với sự thật, điều này, ngay từ đầu sẽ làm phức tạp cuộc sống trẻ trung của họ rất nhiều, bởi vì những lời tán tụng bắt buộc bị nhồi nhét bởi những sự giả dối, và cần phải lựa chọn.         Nhưng không có kẽ hở cho bất kỳ ai muốn trung thực. Vào bất kỳ ngày nào, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất một trong những lựa chọn nêu trên, ngay cả trong trường hợp an toàn nhất về khoa học kỹ thuật. Sự thật hoặc giả dối: Hướng tới sự độc lập về tinh thần hoặc về sự nô lệ tinh thần.         Còn nếu một người nào không đủ can đảm để bảo vệ linh hồn mình - đừng để hắn tự hào về quan điểm “tiến bộ” của mình, đừng để hắn khoe khoang rằng hắn là một viện sĩ hay một nghệ sĩ nhân dân, một nhân vật nổi tiếng hay một vị tướng. Hãy để hắn tự nói với chính mình: “Ta là một con cừu trong bầy cừu, và là một kẻ hèn nhát. Đối với ta tất cả đều như vậy, miễn là ta được ăn no và mặc ấm”.         Ngay cả con đường này, con đường khiêm tốn nhất trong tất cả các con đường phản kháng, cũng sẽ không dễ dàng cho chúng ta. Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều so với việc tự thiêu hoặc tuyệt thực: Ngọn lửa sẽ không bao phủ cơ thể ta, nhãn cầu của ta, sẽ không bùng phát vì sức nóng, và bánh mì nâu cùng nước sạch sẽ luôn có sẵn cho gia đình ta.         Một dân tộc vĩ đại của châu Âu, những người Tiệp Khắc, dân tộc mà chúng ta từng phản bội và lừa dối: Họ đã không cho chúng ta thấy làm thế nào mà một bộ ngực dễ bị tổn thương có thể đứng vững ngay cả khi chống lại xe tăng nếu có một trái tim xứng đáng bên trong lồng ngực?         Bạn nói rằng điều này sẽ không dễ dàng ư? Nhưng nó sẽ là điều dễ dàng nhất trong tất cả những lựa chọn khả thi. Nó sẽ không phải là một lựa chọn dễ dàng cho một thể xác, nhưng nó là một lựa chọn duy nhất cho một linh hồn. Đúng vậy, đó không phải là một con đường dễ dàng. Nhưng đã có những người, thậm chí hàng chục người trong số họ, qua nhiều năm đã duy trì tất cả những quan điểm này và sống với sự thật.         Vì vậy, bạn sẽ không phải là người đầu tiên đi theo con đường này, nhưng sẽ tham gia cùng những người đã đi. Con đường này sẽ dễ dàng hơn và ngắn hơn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta thực hiện nó bằng nỗ lực chung và nắm chặt tay nhau. Nếu có hàng nghìn người cùng đi với chúng ta, họ sẽ không thể làm gì chúng ta. Nếu có hàng chục nghìn người cùng đi với chúng ta, thì chúng ta thậm chí sẽ không nhận ra sự thay đổi của đất nước của mình.         Nếu quá sợ hãi, chúng ta nên ngừng phàn nàn rằng ai đó đang làm chúng ta ngạt thở. Chính chúng ta đang làm điều đó. Sau đó, chúng ta hãy cúi đầu xuống nhiều hơn nữa, chúng ta hãy than khóc, và hỡi người anh em, sự tiếp tay của các nhà sinh học, vốn sẽ giúp cho nỗ lực của họ để đọc được những suy nghĩ của chúng ta, ngay cả điều này cũng sẽ trở nên vô ích và vô vọng.         Và nếu chúng ta có đôi chân đầy sợ hãi, ngay cả khi bước đi những bước đầu tiền này, thì chúng ta đã trở thành kẻ vô dụng và vô vọng, và sự khinh bỉ của Pushkin nên dành lại cho chúng ta:         “Tại sao lại phải trao hoa trái của tự do cho bầy gia súc?         Di sản của chúng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cái ách chiếc roi”./.         *         (Nguồn: https://intheravine.wordpress.com/…/alexander-solzhenitsyn…/"
  • INTERNAL TALK 22 - TRIẾT HỌC HIỆN SINH CỦA JEAN-PAUL SARTRE - ĐINH HỒNG PHÚC - 14 thg 02, 2022
    22/ 02/ 2022
    Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) có lịch sử ra đời từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ ở giữa thế kỷ 20 vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh triết học, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như thần học, kịch nghệ, nghệ thuật, văn học và tâm lý học. Jean-Paul Sartre, triết gia, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia và nhà hoạt động chính trị người Pháp, chính là một trong những cái tên lớn nhất xây dựng một hệ thống lý thuyết vững chắc cho chủ nghĩa triết học đặc biệt này. Triết học hiện sinh của Jean-Paul Sartre có phạm vi rất rộng vì diễn trình tư tưởng của ông có nhiều bước ngoặc. Trong khi ở Berlin nghiên cứu Hiện tượng học của Husserl khoảng thời gian 1934-1935, ông viết tác phẩm Tính siêu việt của Tự ngã (Transcendental Ego). Năm 1943, ông đúc kết toàn bộ 10 năm nghiên cứu tiếp sau đó bằng tác phẩm lừng danh Tồn tại và hư vô (Being and Nothingness). Sau đó, ông chuyển từ hiện tượng học sang chủ nghĩa Marx. Jean-Paul Sartre không chỉ là một nhà Hiện sinh mà còn là một nhà Marxist. Từ năm 1945, bước chuyển từ Hiện tượng học sang chủ nghĩa Marx được thể hiện rõ nét qua văn bản Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Existentialism is a Humanism). Năm 1960, ông trình làng bộ sách 2 tập Phê phán lý tính biện chứng (Critique of Dialectical Reason). Sau đó, đi vào các hoạt động chính trị và bắt đầu viết những bài viết xoay quanh kinh tế chính trị. Hành trình tư tưởng của Jean Paul Sartre rất phong phú nhưng được giới thiệu ở Việt Nam nhìn chung khá phiến diện và hạn hẹp, người ta chỉ tiếp cận chủ yếu từ phương diện văn chương qua các tác phẩm kịch và tiểu thuyết: Buồn nôn, Ngôn từ,… Quyển Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh cũng có nhiều định kiến dành do các triết gia hiện sinh vô thần như Sartre. Về cơ bản, chủ đề trung tâm của triết học hiện sinh của Sartre luôn là "hiện hữu" và con người. Sartre lập luận rằng về cơ bản có hai loại hiện hữu. Đầu tiên là tồn-tại-tự-mình (being-in-itself - l'en-soi), được mô tả là cố định, hoàn chỉnh, và hoàn toàn không có lý do gì cho nó - nó chỉ là vậy. Điều này về cơ bản giống như thế giới của các vật thể bên ngoài. Cái thứ hai là tồn-tại-cho-mình (being-for-itself - le pour-soi), mà phụ thuộc vào cái cũ cho sự tồn tại của nó. Nó không có bản chất tuyệt đối, cố định, vĩnh hằng và tương ứng với ý thức của con người. Vì vậy, sự tồn tại của con người được đặc trưng bởi "hư vô" - bất cứ điều gì mà chúng ta tuyên bố là một phần của đời sống con người là sự sáng tạo của chính chúng ta, thường xuyên thông qua quá trình nổi dậy chống lại những ràng buộc bên ngoài. Đây là điều kiện của nhân loại: tự do tuyệt đối trên thế giới. Sartre đã dùng một câu nói nổi tiếng “tồn tại có trước bản chất“ để giải thích ý tưởng này, một sự đảo ngược của siêu hình học truyền thống và quan niệm về bản chất của thực tại. Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre hoan nghênh nhu cầu tự do và cá tính của con người. Với hiện hữu, bản chất (cách tồn tại) của vật là being (là); của con người là becoming (trở thành). Con người không bao giờ yên phận, không bao “là” mà vượt qua khỏi cái “là”, sáng tạo các giá trị chứ không phải sống phục tùng giá trị, không phải “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Con người luôn có sự ưu việt - luôn là một sự trở thành - vượt ra khỏi chính mình để nằm trong kích thước của một sự trở thành - dự phóng, phóng mình về phía trước, về tương lai. Muốn phóng mình vào tương lai thì ta phải lựa chọn. Khi là một hữu thể (existent), ta tự do trong việc lựa chọn, được phóng mình vào trong những khả năng lựa chọn và chính hành vi lựa chọn đó đã tiền giả định bản thân sự hiện hữu chúng ta không phải là cái gì định sẵn mà tự do (theo nghĩa đó là cấu trúc bản thể của con người chứ không phải tự do theo nghĩa chính trị - không phải là điều gì mà đó ai đó ban cho ta) và không có gì biện minh cho lựa chọn của chúng ta cả. Ta sinh ra không phải là một thằng hèn, không phải một người tội lỗi hay không tội lỗi mà dựa trên hành động của chính ta. Tự do tới đâu, trách nhiệm tới đó, tự do tuyệt đối, trách nhiệm tuyệt đối. Con người anh phụ thuộc vào cách anh tồn tại. Không thể nhân danh điều gì để biện minh, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh vì như vậy là dối trá, ngụy tín, tự lừa dối bản thân, là lối sống không đích thực, quên mất mình là chủ thể kiến tạo nên ý nghĩa của cuộc sống. Đây chính là một khái niệm trách nhiệm rất căn bản của Sartre. Tuy triết hiện sinh của Sartre đề cao cá nhân nhưng cần nhấn mạnh rằng cá nhân đó nằm trong mạng lưới kết nối, tồn tại với người khác, không thể thoát ly ra khỏi điều đó, con người phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình dẫu là hành động vô cớ nhất. Bất cứ hành động nào cũng sẽ dẫn đến hệ quả nào đó vì khi thực hiện hành vi sẽ nằm trong mối liên đới với một tồn tại khác. Ví dụ, một hành vi vô cớ như phóng một con dao ra cửa sổ tối om, không biết là có ai đó đang ở bên ngoài, nhưng rốt cục người đó vẫn chết. Do vậy, cần phải soi xét lại hành vi của mình với tư cách là một thành viên của cộng đồng, chúng ta không thể hiện hữu trong cõi riêng mà phải sống với người khác. Triết học hiện sinh của Sartre không đồng nghĩa với việc buông thả như nhiều ý kiến lên án mà thực chất nó gắn liền với tự do và trách nhiệm. “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”.
  • INTERNAL TALK 23 - TRIẾT HỌC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚNG TA? - DƯƠNG NGỌC DŨNG - 21 thg 02, 2022
    05/ 03/ 2022
    “Triết học” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại φιλοσοφία (philosophia), có nghĩa là tình yêu với sự thông thái. Các nhánh chính của triết học bao gồm: siêu hình học (metaphysics - nghiên cứu bản chất của thế giới), nhận thức luận (epistemology - nghiên cứu về bản chất, nguồn gốc và phạm vi của quá trình nhận thức), luận lý học (logics - nghiên cứu quy luật và cấu tạo chính xác của tư duy) và luân lý học (ethics - hệ thống hóa, bảo vệ và khuyến nghị các khái niệm về hành vi đúng và sai). Với phạm vi nghiên cứu sâu rộng như vậy, dường như triết học truy tầm sự thông thái trong mọi vấn đề chung và cơ bản của con người, từ thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, cho đến những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức. Triết học phân biệt mình với những môn khoa học khác bằng cách giải quyết những vấn đề đó trên tinh thần phê phán mang tính duy lý trong việc lập luận, phương pháp tiếp cận một cách có hệ thống. Triết học giúp chúng ta chất vấn những giả định của chúng ta bằng cách đặt câu hỏi. Không có ngành học nào khác đặt ra nhiều câu hỏi như Triết học. Cho dù đó là biện minh cho quyền con người, cân nhắc ý nghĩa của sự tồn tại, hay tìm ra hình thức chính phủ tốt nhất, Triết học luôn thúc đẩy sự tò mò của nhân loại. Những câu hỏi của triết gia có nguy cơ lật đổ những ý nghĩ thông thường và làm rối loạn cuộc sống vì họ trăn trở mọi điều, không có câu hỏi nào là quá nhỏ hay quá lớn đối với Triết học. Một đêm mát trời, bỗng dưng họ hỏi “Tôi là ai, nếu vậy thì bao nhiêu?”, chẳng hạn. Chính vì những đặc điểm đó mà triết học giúp được rất nhiều cho những kẻ hay trăn trở đó, về cơ bản là 3 điều. Thứ nhất, triết học giúp rèn giũa tư duy phản biện (critical thinking) bằng cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía, “lắng nghe như một quan tòa - krínō”. Thứ hai, triết học giúp chúng ta có một trí tuệ cởi mở, bớt thành kiến và biết lắng nghe những quan điểm khác chúng ta. Cuối cùng là bao dung - một đặc điểm vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong chính trị - bao dung ở đây không phải theo nghĩa ba phải mà là đón nhận, quan sát, xem xét, nhận thức vấn đề từ đó giúp con người định hướng thái độ và hành động của mình một cách đúng đắn.
  • INTERNAL TALK 24 - NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG GIAO TIẾP XÃ HỘI - DƯƠNG NGỌC DŨNG - 28 thg 02, 2022
    21/ 03/ 2022
    Giao tiếp xã hội là một điều rất quan trọng trong cuộc sống. Hầu như ai cũng thừa nhận sự quan trọng của nó nhưng không thực hành rèn luyện nhiều. Giao tiếp không hẳn là phải từ hai người trở lên, mà khi đối thoại một mình cũng là giao tiếp. Giao tiếp không đơn thuần là nói mà còn là gửi email, tin nhắn,… 3 cách truyền đạt: lời lẽ, giọng nói, ngôn ngữ hình thể. Theo các nhà ngôn ngữ học, trọng tâm của giao tiếp là thông điệp “message” - ý muốn truyền tải. Vậy thì phải có người gửi thông điệp đó - sender và người tiếp nhận thông điệp đó - recipient. Khi tiến hành giao tiếp phải có mục đích - purpose, để thực hiện những chiến lược, công cụ cần thiết khi giao tiếp. Khi muốn gửi thông điệp, phải nghĩ đến mối quan hệ giữa bạn với người đó như thế nào, phương tiện gửi thông điệp phải phù hợp với đối tượng đó. Ngoài ra, cần phải phát hiện được điểm nhiễu (ngoại sinh, nội sinh) trong cuộc giao tiếp, nếu không, rất dễ tiếp tục mãi câu chuyện giữa hai người không hiểu nhau. Nhiễu ngoại sinh là những tiếng ồn bên ngoài: còi xe, tiếng karaoke,… Nhiễu nội sinh tức là những thành kiến có sẵn trong đầu, chỉ nghe và hiểu những gì mình thích nghe và hiểu, gạt đi những gì khác với quan điểm của mình. Muốn cải thiện giao tiếp, phải lắng nghe những điều khác với thế giới quan của chúng ta dẫu lắng nghe tích cực là một thói quen rất khó rèn luyện. Nên chịu khó lắng nghe, tự đặt công thức giao tiếp, chẳng hạn, nên nghe 2/3, nói 1/3 thời gian. Giao tiếp là tổng thể mọi hoạt động dẫn tới sự kết nối với đối tượng. Nguyên tắc cốt lõi của giao tiếp là làm cho đối phương thích mình. Mà điều một người thích nhất chính là bản thân mình. Nên hãy nói về họ, họ sẽ lắng nghe. Đặc biệt, cố gắng nhớ tên, nhìn vào mắt họ khi giao tiếp. Một khuyết điểm dễ thấy của nhiều nhân viên bán hàng là quá tập trung vào sản phẩm mà không tập trung vào khách hàng, khiến họ không đạt được kết quả kinh doanh như ý. Mời bạn truy cập fanpage Thư Hiên Dịch Trường để xem video clip buổi livestream này: INTERNAL TALK 24
  • INTERNAL TALK 25 - CẤU TRÚC NHÂN CÁCH THEO PHÂN TÂM HỌC - DƯƠNG NGỌC DŨNG - 07 THG 03, 2022
    31/ 03/ 2022
    Phân tâm học là một học thuyết nghiên cứu về tổ chức nhân cách và động lực phát triển nhân cách, khám phá thế giới bên trong con người, nhằm tìm ra lời giải cho những biểu hiện qua hành vi của con người ra ngoài thế giới khách quan. Từ đó, tìm ra những giải pháp để điều chỉnh hành vi của con người, đặc biệt là những hoạt động gây ảnh hưởng đến những giá trị của đạo đức và xã hội. Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, cho rằng nhân cách con người phức tạp, bao gồm ba yếu tố khác nhau cái nó (id), cái tôi (ego), và cái siêu tôi (superego). Cái nó là khía cạnh của nhân cách được điều khiển bởi các nhu cầu cơ bản, là thành tố duy nhất xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Đây thường là bản năng, chẳng hạn như đói, khát hoặc ham muốn tình dục,… Cái nó là vô thức, hành động theo nguyên tắc khoái cảm, đòi hỏi sự thỏa mãn ngay lập tức bất kỳ một ham muốn hay nhu cầu nào. Nếu những nhu cầu này không được thỏa mãn tức thì sẽ gây ra trạng thái lo lắng hoặc căng thẳng. Cái tôi được điều khiển bởi nguyên tắc thực tế, phát triển nên từ bản năng, và nhiệm vụ của nó là đảm bảo những thôi thúc của bản năng được thể hiện ra một cách dễ chấp nhận trong thế giới thực. Nguyên tắc hiện thực chi phối cái tôi sẽ cân đo lợi ích và cái giá phải trả cho hành vi trước khi chủ thể quyết định thực hiện hay bỏ qua hành vi này. Cái tôi vận hành trong cả trạng thái ý thức, tiền ý thức và vô thức. Cấu phần xuất hiện cuối cùng của nhân cách là cái siêu tôi. Cái siêu tôi được điều khiển bởi các nguyên tắc đạo đức, nó chính là cảm nhận của chúng ta về cái đúng, cái sai trong cuộc sống, giúp hoàn thiện và giáo hóa hành vi. Nó đàn áp tất cả những thôi thúc khó mà chấp nhận của bản năng và cố tranh đấu để khiến bản ngã hành xử theo những tiêu chuẩn lý tưởng hóa thay vì theo những nguyên lý hiện thực kia. Bộ ba này không tồn tại độc lập riêng rẽ hay có ranh giới rõ ràng. Những bộ phận này của nhân cách rất linh động và luôn tương tác với nhau trong chủ thể, từ đó gây ảnh hưởng lên toàn bộ tính cách và hành vi của chủ thể. Theo Freud, chìa khóa cho một nhân cách khỏe mạnh là sự cân bằng của bộ ba này. Mời bạn xem video clip buổi nói chuyện này qua: Facebook: https://www.facebook.com/exlibrishermes/videos/341552621245027/ Youtube: https://youtu.be/WUcVkpGgpzQ
  • INTERNAL TALK 26 - NÂNG CAO KỸ NĂNG TƯ DUY PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP - DƯƠNG NGỌC DŨNG - 14 thg 03, 2022
    13/ 04/ 2022
    Tư duy phân tích và Tư duy tổng hợp là hai hoạt động tư duy khác nhau. “Phân tích” có nghĩa là chia nhỏ vấn đề thành nhiều chi tiết, giúp chúng ta xác định những nguyên nhân chính gây ra một vấn đề và Tổng hợp thì ngược lại, tập hợp những mảnh nhỏ chi tiết lại với nhau, giúp chúng ta nắm được bức tranh lớn, nhìn được tổng thể mà không quá sa đà vào chi tiết. Có thể nói, tư duy phân tích là bước đầu tiên để nắm bắt toàn bộ các chi tiết có liên quan và tư duy tổng hợp là bước sau cùng để nhìn nhận chuyện gì đang xảy ra, nó cũng tương tự như các thao tác làm việc của Sherlock Holmes trong tác phẩm của Arhur Conan Doyle, luôn khởi đầu bằng sự nắm bắt những điểm dù là nhỏ nhất rồi suy luận xem chúng gợi ra câu chuyện gì cho những điều đang xảy ra, xâu chuỗi lại để nhìn ra một bức tranh chung. Bán cầu não trái thiên về phân tích và não phải thiên về tổng hợp. Giả định rằng trí tuệ của mỗi người ngang nhau từ khi sinh ra, hai khả năng này cũng không phát triển giống nhau. Phải phân tích và đánh giá vấn đề mỗi ngày để phát triển hai kỹ năng này. Trong khi làm việc, đây chính là 2 kỹ năng cần thiết để tổ chức công việc và cách thức quản lý theo tinh thần khoa học. Cần trang bị các kỹ năng dưới đây để nâng cao tư duy phân tích, tổng hợp: So sánh những vấn đề diễn ra trong lý tưởng và trong thực tế Kiểm định và đánh giá các giả định của mình Xem xét ý nghĩa hàm ẩn và những hậu quả xảy ra khi ta thực hiện hành động nào đó Suy luận, dự đoán, diễn giải các sự việc một cách hợp lý Mời bạn xem video clip buổi nói chuyện này qua: Facebook: https://fb.watch/cmh2FjftQv/ Youtube: https://youtu.be/lA7l3XGxHUM
  • INTERNAL TALK 27 - LÀM RÕ VÀ ĐẶT CÂU HỎI VỀ NHỮNG Ý NIỆM - DƯƠNG NGỌC DŨNG - 21 thg 03, 2022
    18/ 05/ 2022
    Khái niệm là một đối tượng, một hình thức cơ bản của tư duy (bao gồm một ý tưởng, một ý nghĩa của một tên gọi chung trong phạm trù logic, hoặc một sự suy diễn) phản ánh những thuộc tính chung, bản chất của các đối tượng sự vật, quá trình, hiện tượng trong tâm lý học và mối liên hệ cơ bản nhất các đối tượng trong hiện thực khách quan. Thuật ngữ khái niệm bắt nguồn từ ngôn ngữ Latin, concipere, có nghĩa là một cái gì đó được hình thành trong tâm trí, được coi là một đơn vị nhận thức của ý nghĩa. Đó là cách suy nghĩ về một cái gì đó, bao gồm những đánh giá mang tính chủ quan. Trong đời sống, những khái niệm căn bản thường bị hiểu sai. Hầu hết mọi người khi được yêu cầu giải thích ý nghĩa của một khái niệm đều không có câu trả lời hoàn chỉnh. Những khái niệm cơ bản rất dễ gây tranh cãi khi không hiểu rõ tính phức tạp bên trong của khái niệm. Việc không hiểu rõ các khái niệm sẽ gây ra ngộ nhận, hiểu sai về người khác và cuộc hội thoại sẽ không thể đi đến mục tiêu cuối cùng. Khi dễ dàng chấp nhận những ý niệm có sẵn, hoạt động theo phản xạ, tư duy không được cải thiện và luôn bị áp đặt trong một khuôn khổ. Để tránh gây ra những tranh cãi không đáng có trong cuộc hội thoại, cần thống nhất các khái niệm trước khi bắt đầu hội thoại. Mời bạn xem video buổi nói chuyện này qua: Facebook: https://fb.watch/lam-ro-va-dat-cau-hoi-ve-cac-y-niem Youtube: https://youtube/lam-ro-va-dat-cau-hoi-ve-cac-y-niem
popup

Số lượng:

Tổng tiền: