CÁC DỊCH BỆNH VÀ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

06/ 03/ 2023

CÁC DỊCH BỆNH VÀ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Mitchell L. Hammond, University of Toronto Press, 2020

Nguyễn Trung Kiên lược dịch  

 

 

 

 

Vào năm 1972, có hai nhà khoa học xuất sắc đã cho rằng, việc loại ngăn chặn rủi ro, “dự báo rất có thể về tương lai của bệnh truyền nhiễm là nó sẽ rất âm ỉ”. Một người trong số những người này, Frank Macfarlane Burnet, đã giành được giải thưởng Nobel [năm 1960 (ND)] sau nhiều thập kỷ cống hiến để nghiên cứu về virus và miễn dịch học. Nhiều dấu hiệu chỉ ra một tương lai tươi sáng. Trong một phần tư thế kỷ trước, tiêm chủng đã loại bỏ bệnh bại liệt tại Bắc Mỹ và châu Âu; tỷ lệ tử vong ở trẻ em trên toàn cầu đã giảm dần; một loại kháng sinh mới, penicillin, đã cách mạng hóa việc điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn; và việc loại bỏ hoàn toàn bệnh đậu mùa là trong tầm tay. Burnet thậm chí còn cho rằng giữa thế kỷ XX đã đi đến hồi kết của một cuộc cách mạng: “loại bỏ thật sự các bệnh truyền nhiễm là một yếu tố quan trọng trong đời sống xã hội”.

Sự lạc quan này bây giờ đã lùi ra xa. Bắt đầu từ thập niên 1980, nó đã bị biến mất bởi sự trỗi dậy và tác động bi thảm của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), sự hồi sinh của bệnh lao và sốt rét, và tầm nhìn mới về các mối đe dọa khác như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), bệnh do virus Ebola (EVD) và bệnh do virus Zika. Thay vì một sự tự tin trong việc đẩy lùi những tai họa như vậy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vô số mầm bệnh mới của con người. Họ đã thoáng thấy buổi bình minh của thời đại nhiễm trùng đang trỗi dậy. Các căn bệnh gây chết người là một vấn đề cũ – chúng đã biến mất một phần từ các nước phương Tây, nhưng không bao giờ mất hẳn - và chúng cũng là một vấn đề mới bởi những thay đổi về xã hội, sinh thái và môi trường trong nhiều thế kỷ qua đã biến đổi hiện trạng về sức khỏe và bệnh tật của loài người trên Trái Đất. Tốc độ thay đổi nhanh chóng [của những thay đổi đó] trong những thập kỷ gần đây đã khiến bệnh tật đang gia tăng, thay vì suy giảm, trong các vấn đề toàn cầu.

Tiền đề của cuốn sách này là các bệnh tật và các động lực của tính hiện đại cấu thành lẫn nhau - nói cách khác, các căn bệnh vừa có hình dạng và được định hình bởi các khía cạnh đặc biệt của thế giới hiện đại. Hoặc, như hai học giả gần đây đã nói một cách thẳng thắn hơn: “Vi khuẩn là sự phê phán cuối cùng dành cho tính hiện đại”. Một nghiên cứu về các căn bệnh trong lịch sử cho phép chúng ta suy nghĩ về cách mà thế giới hiện đại hình thành. Nhiều thách thức đương đại, và các công cụ có sẵn để ứng phó với chúng, đã phát sinh từ một sự tương tác phi thường giữa các lực lượng con người, sinh học và môi trường.

Ngay từ đầu, sẽ rất hữu ích khi xem xét ý nghĩa của tính hiện đại, là một thuật ngữ cung cấp khung lý thuyết cho cuốn sách này, nhưng [bản thân thuật ngữ này] vẫn có thể được giải thích và sửa đổi. Mặc dù một số khía cạnh của nền văn hóa hiện tại có thể được mô tả là hậu hiện đại, hoặc như một phản ứng chống lại tính hiện đại, thuật ngữ này vẫn mô tả nhiều khái niệm quan trọng về các khái niệm, các công nghệ và các mô hình xã hội. Ý tưởng về một thế giới hiện đại được định hình trong tác phẩm của nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920). Được viết ra vào đầu thế kỷ XX, Weber đã suy ngẫm về sự thống trị toàn cầu của Tây Âu và Bắc Mỹ, vốn dường như là độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người. Weber nhấn mạnh ảnh hưởng của cách tiếp cận duy lý, có tính toán đối với thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Ông cũng đề xuất rằng niềm tin tôn giáo và sự đoàn kết cộng đồng phần lớn đã được thay thế bằng các quy tắc và các công nghệ vốn được thiết kế để định hình, đo lường và kiểm soát hành động của các cá nhân và nhóm. Mặc dù bản thân Weber rất mơ hồ về sự tiến hóa mà ông nhận thấy, nhiều nhà quan sát phương Tây đã chấp nhận khái niệm “tính hiện đại” như là một thước đo để đánh giá những thành tựu của các xã hội trên toàn thế giới. Sự chấp nhận của các dân tộc ngoài phương Tây về y học dựa trên khoa học của phương Tây, và và về y tế công cộng, cùng sự lan rộng của tiến trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, và sự phát triển của các thể chế chính trị phương Tây đều được coi là dấu hiệu của thịnh vượng và tiến bộ.

Weber đã mô tả nhiều khía cạnh trong thế giới [mà ông đang sống (ND)], nhưng ông cũng bỏ qua những thế giới có ý nghĩa khác trong thời đại của ông vốn chỉ trở nên quan trọng trong thế kỷ qua. Như các nhà phê bình đã chỉ ra, bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, nhiều yếu tố của tính hiện đại ở phương Tây đã bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ phụ thuộc hoặc bóc lột mà người châu Âu tiến hành với các dân tộc khác. Các quốc gia ngoài phương Tây cấu thành nên phần lớn dân số thế giới, và nhiều xã hội có cấu trúc tôn giáo, chính trị và văn hóa phát triển song song theo những con đường mà Weber và các nhà lý thuyết khác không hình dung được. Những câu chuyện về lịch sử thế giới được viết theo quan điểm phương Tây mới chỉ bắt đầu tính đến nhiều tương tác qua lại và sự phát triển độc lập trên toàn cầu đã định hình tính hiện đại cho tất cả mọi người.

Cơ bản hơn nữa là sự dịch chuyển trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên vốn đã diễn ra trong nhiều thế kỷ qua. Trong một thời gian ngắn ngủi thật sự, hoạt động của con người đã trở thành một lực lượng môi trường và sinh thái ảnh hưởng đến toàn hành tinh. Tất nhiên, các xã hội tiền hiện đại cũng đã định hình nên thế giới tự nhiên. Nhiều môi trường, mà các nhà thám hiểm coi là nguyên sơ thực sự chịu ảnh hưởng của sự thao túng của con người, đã tồn tại từ hàng nghìn năm. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian gần đây, con người mới đi qua các lục địa bằng đường sắt và đường cao tốc, hoặc các đại dương được liên kết với nhau bằng các kênh đào lớn, đưa kháng sinh và vắc-xin tới hàng tỷ người và động vật, và thả một lượng lớn thuốc trừ sâu (cũng như các quả bom) từ không trung. Cụ thể, một số nhà sử học đã chỉ ra tầm quan trọng của một “Sự tăng tốc vĩ đại” trong sự thay đổi về nhân khẩu và môi trường sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi hành động của con người ngày càng định hình động lực cơ bản trong sinh quyển của Trái Đất. Cho dù chúng ta xem xét bảy thế kỷ qua hay bảy mươi năm qua, không thể nghi ngờ về hậu quả sâu rộng của sự thay đổi này. Bất kỳ khái niệm nào về tính hiện đại đều phải bao gồm mối tương quan giữa con người VỚI thế giới tự nhiên, cũng như sự phát triển của các xã hội TRONG thế giới.

Từ quan điểm này, phạm vi của những thành tựu và thách thức hiện đại xuất hiện theo những cách thức rất khác nhau vào đầu thế kỷ XXI so với những gì mà nhiều chuyên gia nhận thấy chỉ một vài thập kỷ trước. Y học và y tế cộng đồng đã làm gia tăng đáng kể khả năng phòng ngừa và chữa bệnh, và hai yếu tố đầy ngoạn mục này thậm chí đã giúp loại bỏ các căn bệnh nguy hiểm từ thiên nhiên. Tuy nhiên, lợi ích của những tiến bộ này phải được đo lường đối với các tác động gây bệnh của những thành phố công nghiệp; sự di cư không tự nguyện của hàng triệu người, bao gồm cả sự di cư bắt buộc của nô lệ; sự biến đổi sinh thái của những cảnh quan rộng lớn; sự tàn phá do chiến tranh; và sự bất bình đẳng vốn là một đặc điểm dai dẳng của cộng đồng địa phương và nền kinh tế thế giới. Tác động của các lực lượng như vậy đối với sức khỏe và phúc lợi của con người chủ yếu là do vô tình, và thường không được biết đến, nhưng chúng buộc phải được tính đến khi chúng ta xem xét thế giới hiện đại đã hình thành như thế nào. Một sự xem xét đầy đủ hơn sẽ cho thấy cuộc cách mạng của Burnet có thể gần với sự khởi đầu hơn là kết thúc của nó.

CÁC CĂN BỆNH, CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM, VÀ CÁC NHÀ SỬ HỌC CỦA CHÚNG

Sự suy ngẫm của con người về các căn bệnh và tầm quan trọng của chúng có lẽ đi kèm với những ghi chép sớm nhất về tỷ lệ tử vong và tính dễ bị tổn thương. Các truyền thống truyền miệng cổ xưa và các ghi chép đã liên kết các căn bệnh những các linh hồn hay các lực lượng tối thượng vốn đang chi phối sự tồn tại. Những câu chuyện vốn đã trở thành các tác phẩm thiêng liêng của người Do Thái (‘Tanakh’, cũng là Kinh Cựu Ước của Ki-tô giáo) mô tả cách mà thần Yahweh trừng phạt cả người Do Thái lẫn kẻ thù của họ bằng bệnh dịch hạch. Phần mở đầu của sử thi Hy Lạp ‘Iliad’ kể lại rằng vị thần Apollo đã bắn ra những mũi tên của bệnh dịch hạch như là hình phạt cho sự ngược đãi của một trong những linh mục của mình. Tương tự như vậy, các giáo lý Ấn Độ về bệnh tật trong các văn bản tiếng Phạn ‘Atharvaveda’ và ‘Rigveda’ (kh. 1000 năm trước Công nguyên) cho rằng các căn bệnh bắt nguồn từ hành động của các vị thần hoặc các loài ác quỷ. Ví dụ, nhân vật thần thánh ‘takmán’ được hình thành dưới dạng sấm sét và gây ra những cơn sốt được gieo rắc bởi những cơn mưa gió mùa.

Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, các tác giả viết về y khoa trong các xã hội khác nhau cũng coi sức khỏe liên quan đến sinh lý người và các lực lượng trong thiên nhiên. Khi dân số đô thị và mạng lưới thương mại mở rộng khắp thế giới cổ đại, các nhà quan sát phản ánh về nguyên nhân và tác động của bệnh dịch hạch. Một ví dụ nổi tiếng là Cuộc chiến tranh Peloponnesian, trong đó nhà sử học Hy Lạp Thucydides (kh. 460-400 TCN) mô tả sự tàn phá vào năm 430 TCN bởi sự bùng phát dịch bệnh ở Athens trong cuộc chiến với Sparta. Các nhà sử học đã bị ấn tượng bởi phân tích lạnh lùng, khách quan của ông đối với tai họa nhắm vào Athens, các triệu chứng về bạo lực và sự gây chết người của nó, và sự tan rã của đạo đức trong sự trỗi dậy của thành bang này. Mặc dù không có nội dung mang tính tâm linh, nhưng dù sao Thucydides cũng đã đưa ra mang một thông điệp nghiêm khắc. Mô tả về bệnh dịch hạch theo sau một bài thuyết trình dài của nhà lãnh đạo đáng kính Pericles nhằm tuyên ngôn về những phẩm tính của xã hội Athen. Sự đặt kề nhau giữa những lý tưởng cao cả với một sự đánh giá không rõ ràng về sự sụp đổ xã hội đã ngầm chỉ trích về một sự từ bỏ đáng khinh bỉ đối với các giá trị nền tảng của nó để theo đuổi một ảo ảnh về vinh quang của đế quốc. Trong nhiều thế kỷ, vô số biên niên sử đã lặp lại lời phán xét của Thucydides về Athens với những lời bình luận riêng về sự yếu đuối và sai lầm của con người khi phải đối mặt với chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh.

Thucydides đã trước tác trong một kỷ nguyên quan trọng đối với sự phát triển của nền y học Hy Lạp. Ông đã sử dụng thuật ngữ vốn phổ biến trong thời đại của ông (‘nosos’) để chỉ bệnh dịch hạch Athen. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời ông, một số người Hy Lạp bắt đầu sử dụng thuật ngữ ‘dịch bệnh’ cho các bối cảnh liên quan đến sức khỏe và bệnh tật, mặc dù theo nghĩa khác với nghĩa ‘dịch bệnh’ vốn sẽ sử dụng hàng nghìn năm sau đó. Thuật ngữ này kết hợp một tiền tố, ‘epi’ - có nghĩa là ‘trên, hay ở giữa’, với hậu tố ‘demo’ - một từ chỉ “người dân”. Nó mang một ý nghĩa sâu hơn về một người “đang trở về quê hương” hay “ đang ở trên đất nước mình”. Ở đây, sẽ rất hữu ích để lưu ý rằng các nhà khoa học hiện đại sử dụng các từ Hy Lạp khác theo cách tương tự. Thuật ngữ ‘epizootic’ kết hợp tiền tố ‘epi’ với một thuật ngữ Hy Lạp chỉ động vật, ‘zoon’, để chỉ dịch bệnh được truyền nhiễm cho một hoặc nhiều loài động vật không phải con người. Tương tự như vậy, ‘zoonoses’, hoặc nhiễm trùng zoonotic, là những bệnh được truyền từ động vật sang người.

Sự sử dụng thuật ngữ “bệnh dịch” sớm nhất được biết đến có liên quan đến bệnh tật là một tiêu đề cho bảy cuốn sách có tựa đề “Epidemics”, được viết vào những thời điểm khác nhau từ cuối thế kỷ V và giữa thế kỷ IV trước Công nguyên. Những cuốn sách này đã được gán (giống như nhiều tác phẩm y học của Hy Lạp từ thời kỳ này) cho nhân vật bí hiểm Hippocrates (kh. 460-380 TCN). Danh mục ngắn các tác phẩm của ông, được các nhà nghiên cứu về Hy Lạp cổ đại soạn ra, đã tạo ra ấn tượng rằng Hippocrates đã trở nên nổi tiếng trong suốt cuộc đời ông, nhưng không rõ là liệu có chắc chắn ông đã thực sự viết bất kỳ tác phẩm nào mà sau này được cho là của ông. Nói rộng hơn, các tác phẩm của Hippocrates không từ chối tôn giáo hoàn toàn, nhưng chúng tập trung vào các vấn đề về môi trường, hành vi, sinh lý và tâm lý, như là là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tập của bộ ‘Epidemics’ tập hợp các mô tả lâm sàng về các bệnh có vẻ mang tính điển hình, đặc biệt là các bệnh theo mùa và tại các khu vực cụ thể. Một căn bệnh có thể là bệnh ho vào mùa đông, sốt rét hoặc tiêu chảy trong mùa hè, đó là “những thứ lan truyền và truyền nhiễm trong một quốc gia”. Thuật ngữ này không đưa ra sự khẳng định nào về việc bệnh lây lan NHƯ THẾ NÀO; thật vậy, tác phẩm ‘Epidemics’ quan tâm đến các căn bệnh phổ biến hoặc mang tính đặc trưng trong một môi trường cụ thể, thay vì các căn bệnh bùng phát đột ngột và bất ngờ. Một tác phẩm khác của Hippocrates, có tên ‘Các vùng không khí, sông hồ, khu vực’, đã cung cấp thêm những mô tả về vai trò của các mùa, thời tiết và cảnh quan trong môi trường bệnh tật khác nhau của các khu vực khác nhau.

Bên cạnh các tác phẩm khác của Hippocrates, tác phẩm ‘Các vùng không khí, sông hồ, khu vực’ đã gây ảnh hưởng to lớn. Ở châu Âu, người ta đã lĩnh hội các nội dung y khoa chúng ít nhất là cho đến thế kỷ XVIII. Sau đó, các khái niệm về “dịch” và “bệnh” đã thay đổi, đặc biệt là khi các nhà lý thuyết đã phát triển các khái niệm khác nhau về “bệnh truyền nhiễm” để giải thích cách căn bệnh lây nhiễm từ động vật hoặc người này sang động vật hoặc người khác. Trong tinh thần của các tác phẩm của Hippocrates, những ý tưởng liên quan đến việc truyền bệnh lúc đầu được liên kết với môi trường, và đặc biệt là những thay đổi trong khí quyển dường như thúc đẩy hoặc kìm hãm sự lan truyền của dịch bệnh từ nơi này sang nơi khác. Bắt đầu từ thế kỷ XIX, các nghiên cứu khoa học về ngành nguyên nhân bệnh học - nguyên nhân hay cách gây bệnh - ngày càng tập trung vào hiện tượng nhiễm trùng do hoạt động của vi khuẩn gây bệnh (hoặc gây khó chịu). Hoạt động này này được kích hoạt bằng các loại kính hiển vi mới, có đủ khả năng để quan sát nhiều loại vi khuẩn, và xa hơn nữa, là bằng cách phát triển các quy trình trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu các tế bào, vi khuẩn và các hình thái sống trong tự nhiên khác mà mắt thường không nhìn thấy được.

(Nguồn: https://www.amazon.com/…/dp/1487593740/ref=tmm_hrd_swatch_0…)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: