CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (2)

04/ 04/ 2023

 CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (2)

Roger Faligot

Nguyễn Trung Kiên trích dịch  (Kỳ 2)

 (Kỳ 1)

 

 

CÁC ĐIỆP VIÊN TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TÁC PHẨM ‘ĐỊNH MỆNH CON NGƯỜI’

Chu Ân Lai đến Hồng Kông ngày 1 tháng Chín năm 1924. Từ đó, ông tiếp tục đến Quảng Châu, nơi ông gia nhập nhóm sĩ quan điều hành Học viện quân sự Hoàng Phố, được thành lập theo sự thúc giục của người Nga và Tôn Dật Tiên, để góp phần vào sự hình thành quân đội quốc gia nhằm chiến đấu với các lãnh chúa tại miền Bắc Trung Quốc.

Nhiều đồng chí từ thời còn ở châu Âu đã cùng ông gia nhập nhóm này, bao gồm Diệp Kiếm Anh, Trần Nghị và Nhiếp Vinh Trăn. Học viện được đặt dưới sự giám hộ của Mikhail Borodin, đại diện thường trực của Quốc tế Cộng sản (QTCS) tại Trung Quốc, và tướng Blücher, người đứng đầu phái bộ cố vấn quân sự của Liên Xô. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên khôn ngoan theo thời gian. Với một lực lượng lên tới 30.000 đảng viên, đảng này đã liên minh với Quốc dân Đảng, và một số nhân vật cao cấp của phong trào cộng sản - như Trần Độc Tú và Mao Trạch Đông - đã trở thành một phần của liên minh lãnh đạo chung, mặc dù chịu sự chi phối của những người Quốc dân Đảng.

Rõ ràng, sự liên kết kép trong quân đội quốc gia đang phát triển dần này đã tạo ra sự mơ hồ nhất định, với “nhà máy sản xuất sĩ quan” Hoàng Phố đào tạo cả những người cộng sản và các đảng viên Quốc dân Đảng. Borodin đã chọn một vị tướng trẻ đầy triển vọng, Tưởng Giới Thạch, để điều hành trường học, với Chu Ân Lai làm trưởng phòng chính trị. Ngoài ra, trong đoàn tùy tùng của Borodin còn có một nhân vật gầy guộc quen thuộc khác từ thời ở Paris: Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh trong tương lai. Tuần trăng mật giữa những người Quốc dân Đảng và những người cộng sản đã đạt đến đỉnh điểm khi người đứng đầu Học viện và người đứng đầu Quân đội Cách mạng Quốc gia, Tưởng Giới Thạch, gửi con trai của mình, Tưởng Kinh Quốc, đến học tại Moscow.

Điều khá ngạc nhiên là Tưởng Giới Thạch đã đặt ra một kế hoạch bí mật: sau khi đánh bại các lãnh chúa, ông quyết định đã đến lúc phải loại bỏ những người cộng sản. Giai cấp tư sản Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì trong việc hỗ trợ ông, nhất là vì những người cộng sản đã độc lập tổ chức các cuộc đình công lớn ở Quảng Châu, Hồng Kông và Thượng Hải. Khi cuộc đình công lớn ở Quảng Châu bắt đầu vào năm 1926, Tưởng đã quyết định trừng phạt những người cộng sản. Việc bắt giữ Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo khác là một phát súng cảnh cáo. Trần Độc Tú, người đứng đầu ĐCSTQ, nghĩ rằng những người cộng sản cần phải tránh xa những người Quốc dân Đảng, mặc dù Borodin, nói bằng giọng điệu của ông chủ mình (Stalin), đã không đồng ý.

Điều này không ngăn cản Borodin đề phòng: vào tháng Mười năm 1926, ông đã gửi vệ sĩ của mình, Cố Thuận Chương, đến Vladivostok, để làm quen với các kỹ thuật gián điệp và kỹ thuật tiến hành cách mạng. Đồng chí Cố là một nhân vật khá phi thường: sinh năm 1902 tại khu ổ chuột Thượng Hải, tuổi thơ ông trôi dạt trong các quán bar, tiệm thuốc phiện, ngoại tình với phụ nữ, ứng xử theo lối của thế giới ngầm và được tuyên thệ vào Thanh Bang. Ông trở thành một ảo thuật gia xuất sắc với nghệ danh Hoa Quang Khải, biểu diễn các buổi xiếc cực kỳ nổi tiếng của mình trong các hộp đêm và sòng bạc nổi tiếng như Grand Monde và Bách hóa Sincere. Ai có thể ngờ rằng ảo thuật gia Cố đã bí mật gia nhập ĐCSTQ?

Sau khi trở về từ Liên Xô, Cố, cùng với Khang Sinh, lãnh đạo mới của một quận ủy tại Thượng Hải, đã tổ chức một nhóm tuần tra của những người cộng sản để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Quốc dân Đảng.

Vào tháng Ba năm 1927, Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu Quốc dân Đảng, đã thành lập quân đội và chính phủ của mình tại Nam Kinh, thủ đô miền Nam. Chỉ trong vài tuần, cho đến ngày 12 tháng Tư năm 1927, mọi thứ bắt đầu sụp đổ đối với những người cộng sản. Tưởng đã vượt xa họ. Vụ thảm sát những người cộng sản đã diễn ra, như nhà báo người Mỹ Harold Isaacs đặt tiêu đề cho cuốn sách của mình, là “bi kịch của cuộc cách mạng Trung Quốc”. Nhà văn trẻ André Malraux sau đó đã xây dựng cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết 'Man's Fate' [Định mệnh con người] của mình dựa trên những sự kiện bi thảm này.

Khi ĐCSTQ đang lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy, hàng nghìn tội phạm từ Thanh Bang đã nói về sự tàn sát của các chiến binh và cảm tình viên cộng sản. Chính quyền và cảnh sát trong các Khu tô giới nước ngoài đã làm ngơ trước cuộc tắm máu đang diễn ra bên ngoài bức tường của họ tại khu phố của người Trung Quốc. Chu Ân Lai, La DiNông, Cố Thuận Chương và Khang Sinh tìm cách trốn trong Khu tô giới của Pháp, nơi họ dành nhiều ngày để lên kế hoạch tổ chức lại Đảng trong khi chờ đợi mọi thứ dịu xuống. Tại những nơi khác ở Trung Quốc, bức tranh hầu như không tươi sáng hơn: vào tháng Chín, tại Hồ Nam, Mao Trạch Đông phải trải qua cuộc nổi dậy ‘Thu hoạch mùa Thu’ đầy thảm khốc, mà vài người sống sót sau đó đã lánh nạn ở vùng sa mạc miền núi Giang Tây trước khi thành lập đội quân cộng sản của riêng họ. Sau đó, vào tháng 12 năm 1927, một cuộc nổi dậy khác, Cuộc nổi dậy Quảng Châu, đã bị nghiền nát; khoảng 15.000 người cộng sản đã bị tàn sát.

TRÒ CHƠI NƯỚC ĐÔI CỦA ĐẠI ÚY PICK

Tình hình này là một thảm họa đối với những người Xô-viết. ĐCSTQ không chỉ bị tàn sát thảm khốc tại một số thành phố lớn của Trung Quốc trong sự trỗi dậy của Quốc dân Đảng; tệ nữa hơn, cảnh sát Trung Quốc đã xông vào đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh, bắt giữ các nhà ngoại giao và thu giữ các tài liệu lưu trữ. Cảnh sát cũng bắt giữ vị lãnh tụ mới của ĐCSTQ, Lý Đại Chiêu, “Lênin của Trung Quốc”, vốn đang trú ẩn ở đó. Ông bị tử hình không qua xét xử vào ngày 28 tháng Tư năm 1927.

Một lượng lớn các tài liệu của Đại sứ quán đã được tập hợp và giải mã, nêu chi tiết các cách thức QTCS và chính phủ Liên Xô thiết lập mạng lưới các tổ chức tình báo ở Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta biết rằng việc phát hiện ra sự thiết lập này nhờ một phần lớn bởi việc nghe lén, vốn không phổ biến vào thời điểm đó, bởi người Anh - chuyên gia trong lĩnh vực này. Tổ chức chịu trách nhiệm nghe lén, Trường Điện tín quân sự và Mật mã của Chính phủ Anh (GC & CS), đã thiết lập các trạm nghe lén tại mọi thị trấn lớn có quân đội Anh đồn trú trên khắp Đế quốc Anh từ năm 1920. Tại Trung Quốc, các trạm này được đặt tại Hồng Kông và Thượng Hải.

Nỗi sỉ nhục mà Moscow phải chịu chỉ tăng lên khi Đới Lực, người đứng đầu cơ quan tình báo của Tưởng Giới Thạch, có các tài liệu dịch và được xuất bản dưới dạng một cuốn sách trích xuất từ các điện tín quân sự của các điệp viên Liên Xô. Một báo cáo được gửi đến Paris bởi cơ quan tình báo Pháp, cũng đã tham khảo các tài liệu này, tóm tắt một lượng thông tin khổng lồ, đã bị thu giữ, và các điệp viên Liên Xô đã thật ngây thơ khi không mã hóa cũng như phá hủy các tập tài liệu sau khi sử dụng xong. Tài liệu số 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 liên quan đến gián điệp và phản gián của Liên Xô. Tài liệu số này 7, đề năm 1925, phác thảo tổ chức chung của cơ quan tình báo ở miền Nam; trong số những điều khác, nó tiết lộ rằng vào thời điểm đó, Liên Xô đã chuẩn bị gửi các điệp viên bí mật đến Hà Nội và Hải Phòng, Macao và Hồng Kông. Tài liệu số 8 là một báo cáo về thu thập thông tin tình báo ở Quảng Đông vào tháng 11 năm 1925. Tài liệu số 9, 10 và 11 đề cập tới việc đối phó với hoạt động phản gián ở Quảng Đông, và cung cấp thông tin thú vị về việc thành lập, phát triển, tổ chức và hoạt động của một tổ chức tình báo ở Quảng Đông được mô phỏng chính xác dựa trên mô hình tình báo quân đội Nga (Cheka).

Và bởi một tin xấu thường biến thành hai, nên vào tháng Năm năm 1927, một đặc vụ được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của GRU ở Trung Quốc đã đào thoát. Pat Givens, người gốc Ireland, chánh thanh tra của Sở Cảnh sát Thượng Hải hẳn đã rất sợ hãi để có thể “thẩm vấn” và “đánh gục” tay điệp viên GRU giàu kinh nghiệm này. Nhưng Evgeny Mikhailovich Kojevnikov, còn được biết đến với cái tên là “Morskoy”, “Dorodin” “Hovans” và “Đại úy Pick” này là ai?

Ông được biết đến rộng rãi là một sĩ quan Sa hoàng đã ủng hộ Cách mạng Bolshevik năm 1917, trước khi tham gia cùng Borodin tại Trung Quốc. Từ năm 1926, ông làm việc cho người đứng đầu lực lượng tình báo quân sự Liên Xô tại Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế, ông đã được Givens tuyển dụng nhiều tháng trước đó và đang bí mật báo cáo mọi điều ông biết về hoạt động của các điệp viên bí mật làm việc tại ngân hàng Dalso-Asian Dalbank, vai trò của các phóng viên của trong Hãng thông tấn Tass, và các nhà hoạt động của những người cộng sản Trung Quốc.

Với vai trò của một điệp viên hai mang - người ta có thể gọi ông là kẻ lừa đảo tình báo - đã được trình bày chi tiết trong một tuyên bố được đưa ra vài năm sau bởi Cố Thuận Chương, người đã từng một nhà ảo thuật trở trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lực lượng tình báo của ĐCSTQ: “Lúc đó tôi còn là vệ sĩ của Borodin, và là một mật vụ ở Hàng Châu và Vũ Hán. Tôi phát hiện ra rằng Eugène Pick, người làm việc cho Borodin với tư cách là một sĩ quan phụ tá, đã đánh cắp từ sếp mình một cuốn sổ tay và một bản báo cáo về các tàu nước ngoài cập cảng Hàng Châu và bán cho lãnh sự Pháp. Pick đang làm điệp viên cho một số lãnh sự quán nước ngoài.”

Pick nói với những thượng cấp người Anh của mình rằng vào ngày 18 tháng Tư năm 1927, ông đã nhận được lệnh từ Borodin để ám sát Tưởng Giới Thạch – người chịu trách nhiệm về vụ tàn sát những người cộng sản ở Thượng Hải gần đây, và vào ngày 1 tháng Năm, ông đã nhận được một mệnh lệnh từ giám đốc INO, S.L. Wilde. Có vẻ như ông đã mất cảnh giác và bị lộ, trong hai tuần sau đó, theo một báo cáo phản gián bị rò rỉ của Pháp, Pick gần như bị bắt cóc bởi một đơn vị đặc công do một tay “Trần mặt rỗ” nào đó đứng đầu.

Chính dưới bút danh của ông, “Đại úy Eugène Pick”, người Nga đào tẩu này đã biên soạn cuốn sách ‘Trung Quốc trong sự kìm kẹp của những người Bolshevik’, trong đó ông đã tiết lộ một danh sách hàng chục điệp viên Liên Xô hoạt động tại Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, những danh sách về về các điệp viên này, thường đi kèm với những ám chỉ mang tính bài Do Thái, không phải do Pick viết một mình, mà là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo của Anh, Pháp và Quốc dân Đảng. Thật vậy, theo tài liệu lưu trữ của Nga, Pick không khác gì một đặc vụ cấp dưới, người đã được Cơ quan Tình báo Anh lúc đầu dự định cho làm chỉ điểm viên.

Điều này hầu như không quan trọng. Ấn phẩm gây khiêu khích đầy sắc bén này này là một vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ. Cuốn sách, có tác động đáng kể trên toàn thế giới, đã củng cố hình ảnh của Tưởng Giới Thạch khi sẵn sàng hạ bệ “Con Rồng Đỏ” Mao Trạch Đông. André Malraux đã tham khảo cuốn sách của Pick cho một số tập nhất định trong tác phẩm ‘Định mệnh con người’ của ông, bao gồm cả vụ ám sát thất bại dành cho Tưởng. Năm 1933 Malraux đã giành giải thưởng Prix Goncourt. Cùng năm đó, Hergé đang viết một tập trong bộ sách ‘Các cuộc phiêu lưu của Tintin’, với tựa đề 'The Blue Lotus' [Sen xanh], trong đó Dawson, cảnh sát trưởng thiếu năng lực của Lực lượng Cảnh sát Anh, người đang bức hại phóng viên trẻ Tintin, có nhiều tương đồng với Pat Givens. Đó là Givens, người Ailen, cho đến năm 1936, chịu trách nhiệm diệt trừ các đặc vụ cộng sản, ông đã được trao Huân chương Ngọc bích từ chính Tưởng Giới Thạch để tuyên dương sự phục vụ trung thành của mình. Đó cũng là Givens, người đứng đầu Chi nhánh Đặc biệt, người đã thao túng toàn bộ vụ Pick từ đầu đến cuối. Như chúng ta sẽ thấy, Malraux đã tô điểm cho cốt truyện của cuốn tiểu thuyết của mình bằng những giai thoại mà ông nghe được từ một người cộng sản đào ngũ sản khác mà ông gặp ở Thượng Hải vào năm 1931: Phó Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Pháp, Jean Cremet.

CÁC CHIẾN DỊCH ĐẶC BIỆT

Mộ gã “Triệu Dung” đầy bí hiểm, với bí danh Khang Sinh, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã nằm vùng trong Khu tô giới của Pháp, mà cảnh sát Quốc dân Đảng của Đới Lực không được phép vào - ngay cả khi Đới, điệp viên chính của Quốc dân Đảng, đến để cầu cứu sự giúp đỡ vị cảnh sát trưởng Étienne Fiori và các thanh tra cảnh sát Trung Quốc. Chánh thanh tra Hoàng Kế Vinh, giống như Đới Lạp, một thành viên của Thanh Bang. Gã “Hoàng mặt rỗ” này, như cách ông được đặt biệt danh, hẳn sẽ tự hào khi biết rằng ông là nguồn cảm hứng cho nhân vật chính trong bộ phim 'Shanghai Express' của Josef von Sternberg, với Marlene Dietrich trong vai diễn Lily Thượng Hải đầy quyến rũ.

Khang Sinh đã rời khỏi Khu tô giới của Pháp để xem một bộ phim khác, một bộ phim của Harold Lloyd, tại Nhà hát Carlton trên đường Park. Đây là vỏ bọc cho nhiệm vụ bí mật của ông, cùng với với “Ngũ Hào”, người đang chuẩn bị rời Trung Quốc để tới Liên Xô để thực hiện nhiệm vụ. Ngũ Hào, tất nhiên, chính là Chu Ân Lai với lòng kiên trì sắt đá, người đã giao trách nhiệm hoạt động tình báo cho Khang trong suốt thời gian ông vắng mặt. Vị trí thức trẻ, con trai của một địa chủ đến từ phía Bắc tỉnh Sơn Đông - quê hương của Khổng Tử - đã không lãng phí thời gian, vì La Diệc Nông đã giao cho ông nhiệm vụ thiết lập mạng lưới gián điệp và xâm nhập vào lực lượng của kẻ thù.

Trong khi những người cộng sản đang bị bắn và bị chặt đầu ở quận Hạp Bắc tại Thượng Hải, Khang đã xoay sở để không bị lộ. Người thanh niên có văn hóa cao và rất giỏi giang này đã trở thành thư ký riêng cho Ngu Hiệp Khanh, Chủ tịch Phòng Thương mại, với sự giúp đỡ của những người phục vụ cũng gốc từ Sơn Đông, người đã giúp ông tìm được việc với vị doanh nhân giàu có này. Ngu là một thành viên của Thanh Bang, và, giống như tất cả các thành viên khác trong ngành công nghiệp, tài chính và thương mại, đứng về phía ông chủ, bạn của ông, Đỗ Nguyệt Sinh, người đã bật đèn xanh cho vụ sát hại những người cộng sản theo yêu cầu của Tưởng Giới Thạch.

Khi họ uống trà, hút thuốc phiện và tán gẫu về các các công ty đang trên đà hưng thịnh của họ, Ngu và Đỗ không có lý do gì để nghi ngờ rằng người trí thức trẻ đeo kính gọng vàng, đang viết tay các đơn đặt hàng và hóa đơn ở phòng bên cạnh lại là người đứng đầu một nhóm gián điệp cộng sản. Làm sao họ có thể biết anh là người chịu trách nhiệm thiết lập một mạng lưới mới, để chuẩn bị cho sự trả thù của những người cộng sản?

Tháng Tám năm 1927, Chu Ân Lai và vợ ông, Đặng Dĩnh Siêu, cải trang thành một cặp buôn bán đồ cổ, rời Thượng Hải đến Đại Liên. Từ đó họ đi tàu tới Moscow. Dưới bí danh Trần Quang, Chu cùng người vợ trẻ của mình vào khách sạn Lux, một tòa nhà đổ nát, nơi trú ngụ của những người đứng đầu QTCS và các đặc vụ bí mật chuẩn bị rời đi làm nhiệm vụ, bao gồm cả gã người Pháp Jean Cremet (phòng 27) và gã người Đức Richard Sorge (phòng 19). Để tiếp tục che giấu hành trình của mình, Chu cũng được đặt một biệt danh Nga, Mos Mosinin.

Ngay sau khi đến Moscow, cặp đôi này đã được gửi đi đào tạo gián điệp tại Trường Gián điệp GRU trên Đồi Lenin, nơi họ học các kỹ năng gián điệp, mã hóa và kỹ thuật phát sóng không dây mới nhất. Mùa Xuân năm 1928, “cặp buôn bán đồ cổ” này đã tham gia Đại hội ĐCSTQ được tổ chức ở ngoại ô Moscow, bên trong một nhà điều dưỡng thuộc sở hữu của GPU. Stalin tuyên bố nó được tổ chức bên ngoài Trung Quốc vì lý do an ninh, nhưng không ai phải chịu thất bại vì điều này: đó là một cách thông minh để Moscow giữ quyền kiểm soát hướng đi mới của ĐCSTQ. Tám mươi bốn đại biểu đã tham gia, cùng với 100 quan sát viên, hầu hết trong số họ là sinh viên của Đại học Tôn Dật Tiên tại Moscow, nơi những thanh niên Trung Quốc trẻ tuổi đang tắm mình trong niềm hoan lạc của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội miễn cưỡng ủng hộ các chiến thuật chính của các nhà lãnh đạo QTCS, những người mà họ đã gặp ngay trước đó: ĐCSTQ phải chuẩn bị cho một động lực cách mạng mới. Nhiệm vụ chính hiện đang thuộc về ĐCSTQ là sự chinh phục quần chúng. Không tiếp tục tiến hành các cuộc nổi dậy, ĐCSTQ phải kiểm soát hoạt động của các phe phái trong Đảng, và xem xét rằng các đơn vị này sẽ là cơ sở cho một phong trào quần chúng rộng lớn mà sẽ mở rộng ra cho toàn bộ nhân dân Trung Quốc.

Nói cách khác, ĐCSTQ - mặc dù có những tổn thất đáng kể, hiện có 40.000 đảng viên - nên khuyến khích thành lập các tổ chức quân sự ở cả thành phố và nông thôn. Mặc dù Mao Trạch Đông, người đầu tiên thiết lập các căn cứ ở nông thôn, đã vắng mặt, nhưng con đường hiện đã mở ra cho cuộc Vạn Lý Trường Chinh này của ông đã giúp ông lên nắm quyền trong suốt hai mươi năm. Trong khi đó, Chu Ân Lai và các thủ lĩnh “vùng đô thị” như Lý Lệ Liên, Trương Quốc Đào và Hướng Trung Phát đã trở về Trung Quốc với mục tiêu sau đây: tạo ra một cấu trúc chiến đấu hiệu quả, với các cơ quan tình báo là tiên phong.

Khi trở lại Thượng Hải vào tháng 11 năm 1928, Chu Ân Lai đã tiếp quản việc chuyển đổi một đơn vị sĩ quan cận vệ nhỏ ở đó, bây giờ đổi tên thành “Trung ương Đặc khoa” (Zhongyang Teke), gọi tắt là Đặc khoa, để thực hiện các hoạt động đặc biệt. Cố Thuận Chương, ảo thuật gia, được giao nhiệm vụ giám sát các nhiệm vụ này cùng với Chu, được hỗ trợ bởi tổng thư ký mới của ĐCSTQ, một cựu thủy thủ tên là Hướng Trung Phát, người từng là lãnh đạo của ‘Hồng Bang’ - Hội Tam Hoàng, và là một đối thủ không đội trời chung của Thanh Bang.

Đặc khoa đã thiết lập các căn cứ bí mật trên toàn bộ Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông. Nhưng Thượng Hải vẫn là trung tâm của cuộc chiến ngầm này. Một chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Trung Quốc đã nói với tôi vào năm 2008 rằng các sĩ quan tình báo vẫn cho rằng, với một sự luyến tiếc quá khứ nhất định, có một mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động tình báo ngày nay của Trung Quốc với và tổ chức ban đầu do Chu Ân Lai thành lập vào thời điểm này. Các Đặc khoa bao gồm bốn tiểu ban: Tiểu ban 1 chịu trách nhiệm bảo vệ chặt chẽ của các nhà lãnh đạo, chuẩn bị sẵn các căn hộ, nơi họ có thể ngủ lại và tổ chức các cuộc họp; Tiểu ban 2 chịu trách nhiệm về thông tin tình báo và phản gián; Tiểu ban 3, ‘Lính canh Đỏ’, là một đội có bảo vệ trước những người được gọi là 'Đại Câu Đôi' và xử lý việc loại bỏ những kẻ phản bội. Cuối cùng, Tiểu ban 4 chịu trách nhiệm liên lạc.

Kể từ thời điểm này, dưới sự lãnh đạo của Khang Sinh, Đặc khoa cũng chịu trách nhiệm chính về an ninh, một lực lượng cảnh sát bí mật được giao nhiệm vụ giám sát chính để theo dõi bạn bè của chính ông. Nhà văn và tiểu thuyết gia Hàn Tố Âm, cha là người Trung Quốc gốc Khách Gia và mẹ là người Bỉ, lần đầu tiên phỏng vấn Chu Ân Lai vào năm 1956 cho một cuốn tiểu sử mà cuối cùng bà đã xuất bản gần ba mươi năm sau đó. Mô tả của bà về chức năng cảnh sát này rất hay: “Đặc khoa giữ hồ sơ mọi đảng viên của Đảng, thu thập tất cả các loại thông tin, trừng phạt sự phản bội, quản lý các đài phát thanh. Nó cũng tổ chức các đội bảo vệ và các chỉ huy cảnh giác, những người thực hiện các vụ giết người không qua xét xử đối với những kẻ bị nghi ngờ phản bội lợi ích của Đảng, những kẻ gây ra sự rò rỉ thông tin hoặc là nguyên nhân khiến các đảng viên khác bị bắt hoặc bị giết. Bí mật, một đặc điểm mà Chu đã bắt đầu tập luyện trong thời gian ở Paris, trở thành một yếu tố thiết yếu của cấu trúc cộng sản”.

Để ngăn chặn rò rỉ thông tin, các đặc vụ Đặc khoa không được phép có bất kỳ mối quan hệ nào với các chiến binh đảng khác. Tổ chức này đã bị ngăn cách đến mức ngay cả tên của nó cũng không được biết đến. Đối với cư dân Thượng Hải, nó được biết đến với cái tên rùng rợn là “con dao găm của Ngũ Hào”; rất ít người biết đến cái biệt danh này của Chu Ân Lai. Nhưng cái tên rõ ràng đã được chứng minh bằng bạo lực mà những kẻ hành quyết Đặc khoa đã ám sát những người bất đồng chính kiến, những người kháng chiến, những kẻ đào ngũ và những đối thủ khác. Người của Khang Sinh và Cố Thuận Chương đã không dừng lại ở việc giết những kẻ phản bội hoặc người cung cấp thông tin: họ sẽ tàn sát cả gia đình. Ở điểm này, họ không khác mấy so với đám tay sai của Tưởng Giới Thạch, nhưng họ cũng làm sống lại một truyền thống tra tấn tinh vi của Trung Quốc cổ đại, nguyên tắc là cái chết được thực hiện càng chậm thì càng gây ra nỗi kinh hoàng.  

 

Viên ngọc trên vương miện của Đặc khoa là Tiểu ban 2, chịu trách nhiệm về tình báo và xâm nhập. Nó có nhiều kết nối được phân thành nhánh, khai thác các mối quan hệ dựa trên gia đình, cộng đồng và địa lý, để thâm nhập vào môi trường văn hóa và nghệ thuật đầy sống động của Thượng Hải. Trong thế giới này, Đặc khoa tạo thành một đội quân nhỏ gồm những người đưa tin, những kẻ buôn lậu và người cung cấp thông tin. Đôi mắt và đôi tai của Ngũ Hào đã được tập trung vào các câu lạc bộ võ thuật, các nhóm văn hóa và tôn giáo, thế giới của âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, “gái bán hoa” trong nhà thổ, và các hộp đêm của người Nga, nơi một số các “cô gái lịch sự” có “làn da trắng nhưng trái tim đỏ”. Khang Sinh, mặc dù bị ám ảnh bởi chủ nghĩa khiêu dâm Trung Quốc cổ đại từ thời nhà Minh, cũng là một khách quen của các hãng phim Thượng Hải. Đây là nơi ông gặp lại một người bạn thời thơ ấu từ Sơn Đông, có thể là người yêu cũ, giờ là một ngôi sao điện ảnh tên là Lan Ping (‘Táo Xanh’). Sau đó, cô trở nên nổi tiếng hơn với tên Giang Thanh, được biết đến với cái tên ‘Mao phu nhân’.

Bằng cách khai thác tất cả các sợi tơ khéo léo này, một mạng lưới kết nối kiểu tơ nhện, hệ thống ĐCSTQ bí mật đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: sử dụng tình trạng tham nhũng đặc hữu trong thành phố để thâm nhập vào Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và lực lượng cảnh sát nước ngoài.

 

CÁC GIÁN ĐIỆP CỦA TƯỞNG PHẢN CÔNG

 

Tưởng Giới Thạch thường được xem là một nhà chiến thuật tài ba và là một nhà hoạt động chính trị vô song, người đã thay thế thành công các đối thủ của mình trong Quốc dân Đảng, nhưng là một chiến lược gia yếu. Ông có thể đã giành chiến thắng trong trận chiến cho Thượng Hải bây giờ. Nhưng liệu ông có thể chinh phục miền Bắc? Thống nhất Trung Quốc bằng sự thất bại của những người cộng sản? Chiến thắng trong chiến tranh? Nó đã được định hình là một cuộc xung đột kéo dài, theo một lý thuyết phôi thai đang được phát triển bởi Mao - người về lâu dài sẽ được công nhận là chiến lược gia tốt hơn của cả ĐCSTQ lẫn Quốc dân Đảng.

 

Dù thế nào, Tưởng Thống chế - hay còn gọi là “Gemo”, như ông thường được biết đến - đã đè bẹp những người cộng sản ở Thượng Hải và có ý định theo đuổi sự thống nhất đất nước bằng cách chinh phục miền Bắc. Nếu thành công trong việc cai trị toàn bộ đất nước, Tưởng sẽ phải dựa vào các gián điệp bậc thầy đầy hung dữ và bất khả xâm phạm như kẻ thù của họ. Các đồng chí thân nhất của Tưởng là hai anh em, Trần Quả Phu và Trần Lập Phu. Họ, giống như ông, đến từ Chiết Giang, có liên hệ với Thanh Bang, và chịu trách nhiệm về tình báo chính trị của cả Quốc dân Đảng và ‘phe Áo xanh’, một nhóm dân quân lấy cảm hứng từ các phong trào phát-xít châu Âu.

 

Người đứng đầu quyền lực nhất trong hoạt động tình báo của Gemo là Đới Lực. Sinh năm 1897, vào năm Dậu, ông cũng đến từ Chiết Giang. Giống như anh em nhà Trần, ông mồ côi cha từ nhỏ, và đến năm mười bốn tuổi, ông trở thành một người lính phục vụ lãnh chúa. Ông gia nhập Học viện quân sự Hoàng Phố, nơi ông kết bạn với nhiều người cộng sản trước khi trở thành người hành quyết họ.

 

Đới đã thiết lập một cơ quan tình báo mới, Cục Điều tra và Thống kê (Diaocha Tongzhi), sau đó được tổ chức lại và đặt dưới sự kiểm soát của quân đội, được đổi tên thành Quân Thống (军统), mặc dù nó vẫn được công chúng biết đến rộng rãi hơn với cái tên “LNS”. Là một thành viên đáng tin cậy của Thanh Bang, Đới trở thành đội trưởng của cảnh sát quân sự vào năm 1927 và đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt những người cộng sản ở Thượng Hải. Thân thiện và lịch sự với khuôn mặt được mô tả là “giống đầu sóc”, Đới tàn bạo kinh khủng. Trên khắp Trung Quốc tràn ngập những câu chuyện về sự tra tấn những người bị rơi vào tay ông, bao gồm cả việc dùng heroin quá liều. Tất cả những điều đó khiến ông mang biệt danh “Himmler của Trung Quốc”. Tin đồn lan rộng, được khuếch đại mạnh mẽ bởi tuyên truyền của những người cộng sản, điều này có thể được giải thích bởi thực tế là một số tù nhân cộng sản nổi tiếng đã chọn “sự quy phục” và để khỏi phải chết chết trong đau đớn tột cùng.

 

Ngày nay, tiểu sử viết về Đới Lạp đã được viết lại khách quan hơn. Ông được cho là đã thiết lập một mạng lưới gồm 100.000 đặc vụ ở Trung Quốc và đã tổ chức một cỗ máy khổng lồ có mạng lưới chân rết vượt ra ngoài Trung Quốc, nhờ một cựu sĩ quan Hoàng Phố khác, tướng Đường Nguyệt Lương, người tổ chức cơ quan tình báo quốc tế sử dụng một mạng lưới tùy viên quân sự. Một hệ thống gây ảnh hưởng đã được xây dựng, với Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch, đứng đầu. Nó nhằm mục đích làm cho Hoa Kỳ của Roosevelt chuyển từ vị trí trung lập sang hỗ trợ Quốc dân Đảng chống lại người Nhật. Đới Lạp cũng là người tiên phong trong việc ngăn chặn thông tin quân báo. Với sự giúp đỡ của một chuyên gia mã hóa và giải mã người Mỹ, Herbert O. Yardley, ông đã có thể thiết lập một hoạt động tình báo tiên tiến. Trong thập niên 1920, các hoạt động tình báo của Tưởng Giới Thạch có thể ngăn chặn các thông tin quân báo cho phép ông đè bẹp các lãnh chúa. Vấn đề duy nhất là hoạt động tình báo cực kỳ tinh vi này đã bị các đặc vụ cộng sản đánh lừa.

 

TRẦN CANH VÀ BRETON CỦA THƯỢNG HẢI

Với nhận thức muộn màng, không thể phủ nhận rằng chính sách của Stalin về việc giải tán ĐCSTQ là có lợi cho hoạt động gián điệp của những người cộng sản. Một số chiến binh không bao giờ tự nhận họ là những người cộng sản và vẫn chưa bị lộ thân phận, giống như những nốt ruồi trong mê cung của các cơ quan thuộc Quốc dân Đảng: Nhóm Áo xanh, BIS, quân đội quốc gia, tình báo liên lạc, v.v...

Sự thâm nhập sâu này được điều khiển bởi Trần Canh, một chiến binh phụ trách Tiểu ban 2 - cơ quan tình báo bí mật của Đặc Khoa. Sinh ra ở Hồ Nam năm 1904 vào năm con Rồng, trong một gia đình địa chủ giàu có, ông học với một gia sư riêng, đọc sâu về triết học Nho giáo, bao gồm cả những phẩm tính của lòng hiếu thảo. Điều này đã không ngăn cản ông trốn nhà ở tuổi mười ba để gia nhập quân đội cộng hòa của Tôn Dật Tiên. Sau một thời gian làm lãnh đạo công đoàn trên các tuyến đường sắt và là người tổ chức đình công, ông gia nhập ĐCSTQ. Ông được đào tạo thành một sĩ quan tại Học viện quân sự Hoàng Phố, nơi ông tốt nghiệp khóa đầu. Trong chiến dịch quân sự ở miền Bắc, ông đã trải qua một sự kiện đóng vai trò quan trọng trong những diễn biến sau này: trong một cuộc phục kích, ông đã cứu mạng Thống chế Tưởng Giới Thạch.

Nhưng Trần Canh chỉ là anh hùng trong một ngày: năm 1926, cùng với Cố Thuận Chương, ông được gửi đến Liên Xô để hoàn thành chương trình đào tạo tại GPU. Trở về Trung Quốc, sau khi tham gia vào các cuộc nổi dậy thất bại khác nhau, ông đã tiếp quản tình báo Đặc Khoa ở Thượng Hải dưới bí danh là “ngài Vương”. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là làm sáng tỏ một bí ẩn: vụ bắt giữ La Diệc Nông - một chiến binh quả cảm, thiện chiến, chịu trách nhiệm thiết lập cơ quan tình báo phôi thai, vào ngày 14 tháng Tư năm 1928 trên đường Gordon, cùng vụ ám sát ông sau đó, diễn ra ngay sau khi ông bị bắt và bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc. Với sự giúp đỡ từ các mối liên lạc của Cố Thuận Chương trong giới cảnh sát và những người bạn cũ của ông ở Thanh Bang, Trần phát hiện ra rằng một phụ nữ nói tiếng Đức đã tiếp cận Cơ quan Tình báo nước ngoài của Vương quốc Anh và đề nghị trao trả hàng trăm nhà cộng sản để đổi lấy một khoản tiền đáng kể. Để chứng minh mình đáng tin cậy, cô đã cho người của Pat Givens địa chỉ của La. Kẻ phản bội là một phụ nữ tên là Hà Trị Hoa. Cô là vợ cũ của Chu Đức, cựu lãnh chúa đã trở thành một vị tướng cộng sản và nằm trong số những người đã trải qua thời kỳ ở Paris. Cô đã từng sống với Chu ở Đức, vào thời điểm “vừa học vừa làm”. Sau khi ở lại Liên Xô, cô đã tham gia ban thư ký của lãnh đạo ĐCSTQ tại Thượng Hải, nơi cho phép cô truy cập vào danh sách các đảng viên. Với sự phản bội hoàn toàn lý tưởng cộng sản, cô đã lên kế hoạch bán hết những đồng đội cũ của mình và sử dụng khoản tiền này để bắt đầu một cuộc sống mới ở nước ngoài.

Sự trả thù của những kẻ trong “đội chó săn” không còn lâu nữa. Những kẻ giết người đã đến nhà của kẻ phản bội và tìm thấy cô trên giường với người chồng mới. Họ đã chĩa khẩu súng ngắn Mauser 7,65 của mình vào cặp vợ chồng. Bị trúng đạn và bị thương nặng nhưng vẫn còn sống, Hà Trị Hoa đã bỏ lại xác của chồng và biến mất. Tuy nhiên, những kẻ giết người của Đặc Khoa đã tìm cách khôi phục danh sách các tên và, đáng kể nhất, để phát đi thông điệp đáng sợ rằng “con dao găm của Ngũ Hào” không bao giờ ngủ. Nó không biết thương hại hay hối hận. Tuy nhiên, trong số tất cả các hoạt động xâm nhập được thực hiện bởi cơ quan của Đới Lực, thành công nhất lại là sự im lặng: các nghiệp vụ mã hóa và liên lạc. Chiến binh chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ này là Lý Khắc Nông. Lý đáng để nghiên cứu sâu hơn một chút, vì sau này ông sẽ trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong thế giới gián điệp Trung Quốc. 

(còn tiếp)
*

VỀ TÁC GIẢ

Roger Faligot là nhà báo điều tra và là tác giả của nhiều chuyên khảo về tình báo châu Âu và châu Á.

*

Nguồn: Roger Faligot (2019). 'Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping'. London: Hurst, 2019.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: