CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (3)

05/ 04/ 2023

CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (3)

Roger Faligot

Nguyễn Trung Kiên trích dịch  (Kỳ 3)

 (Kỳ 1 Kỳ 2  )

 

 

Ẩn đằng sau cặp kính đen, Lý Khắc Nông có tâm hồn của một nhà báo. Ông sinh ra tại tỉnh An Huy nghèo khó ở miền Đông vào năm Kỷ Hợi (1899). Với dáng người đẫy đà, bộ ria mép và phong thái vui vẻ, ông được mệnh danh là “Đức Phật cười”. Thời trẻ, ông đến Pháp theo chương trình vừa học vừa làm, và có thể trong thời gian đó, ông đã trở thành một trong những đặc vụ đầu tiên của Chu Ân Lai. Dù thế nào, ông đã có ba mươi năm làm gián điệp phục vụ “các vị quan cách mạng”.

Sau khi trở về Trung Quốc, Lý làm việc như một nhà báo. Năm 1926, ông trở thành Phó Tổng biên tập của tờ ‘Quốc dân Nhật báo' của Quốc dân Đảng và là người ủng hộ chiến dịch Bắc phạt của Tưởng Giới Thạch, mặc dù vào thời đểm ông đã bí mật trở thành một chiến binh cộng sản. Ông trở lại Thượng Hải vào năm 1928, nơi ông tiếp tục làm việc với tư cách là một nhà báo và cho Đặc Khoa. Ông dự định được đảm nhận vai trò là nhà mật mã riêng của Tưởng Giới Thạch. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông đã thành công trong việc đột nhập Bộ Tổng tham mưu của quân đội Quốc dân Đảng, và do đó có thể gửi cho “Ngũ Hào” và Khang Sinh các bản sao điện báo trên bàn làm việc của ông. Ông là một phần của mạng lưới bao gồm Tiền Tráng Phi, một nhà cộng sản khác, người đã trở thành thư ký cho Từ Ân Tăng, người đứng đầu cơ quan mật vụ BIS của Quốc dân Đảng.

Trong khi đó, Nhiếp Vinh Trăn, người cũng từng ở Paris và hiện là chuyên gia về điên tín không dây, được giao nhiệm vụ thiết lập một đài phát thanh ở Hồng Kông. Tháng Năm năm 1930, ông đến Thượng Hải, cũng dưới vỏ bọc là một nhà báo, và cùnng hoạt động với Trần Canh, như ông giải thích trong hồi ký của mình:

“Ngoài tôi, những người khác chịu trách nhiệm cụ thể bao gồm Trần Canh, Lý Cường và những người khác… Đó là khoảng thời gian căng thẳng và thú vị. Chúng tôi đã cố gắng đưa một số đồng chí có năng lực cao vào các bộ phận chủ chốt của địch - Lý Khắc Nông, Tiền Tráng Phi và Hồ Để. Với sự giúp đỡ của họ, chúng tôi có thể truy cập liên tục vào thông tin về các tổ chức khác nhau và chúng tôi biết kẻ thù đã phát hiện ra đồng đội nào. Đôi khi, chúng tôi thậm chí còn nhận được thông tin chi tiết về các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của quân đội Tưởng Giới Thạch”.

Một khía cạnh khác trong các trách nhiệm của “Ngài Vương”, bí danh của Trần Canh, là cung cấp hỗ trợ hậu cần cho dịch vụ tình báo của ông cho các đặc vụ từ Moscow. Mặc dù nhiệm vụ này có vẻ mâu thuẫn với các quy định an ninh chặt chẽ tại chỗ, nhưng nó đã được Quốc tế Cộng sản ra lệnh như một phần trong kế hoạch thành lập một văn phòng Viễn Đông và cung cấp hỗ trợ cho các nhân viên của Quốc tế Cộng sản thuộc GRU đã được cử tới Trung Quốc để giúp Tướng Berzin hoành thành các nhiệm vụ. Những người này bao gồm Jean Cremet và Richard Sorge, hai người gặp nhau vào tháng Một năm 1930. Cremet chủ yếu làm việc tại Khu Tô giới Quốc tế Thượng Hải, làm việc với Cục Viễn Đông với tư cách là thanh tra lưu động cho các đảng cộng sản khác trong khu vực (Nhật Bản, Philippines, Đông Ấn Hà Lan, v.v…). Như các báo cáo của ông gửi Trung tâm đã chỉ ra rõ ràng, ông đã được cử đi giúp Hồ Chí Minh thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương, Hồng Kông và Macao. Ông cũng được cử đi thuyết phục Trần Độc Tú, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người đã đoạn tuyệt với phong trào vào năm 1927, quay trở lại và thăm Stalin ở Moscow. Điều này có vẻ như đây hẳn phải là một cái bẫy, gợi ý đến mối liên hệ của Trần với Trotsky đang bị lưu đày.

Cremet đóng giả một thương nhân người Bỉ giàu có tên là René Dillen, trên danh nghĩa ông có hộ chiếu giả. Ông hoạt động cho đến mùa Xuân năm 1931, sau đó ông biến mất khỏi tầm quan sát của Matxcơva - sau khi ảo thuật gia Cố Thuận Chương đào ngũ. Trong khoảng mùa hè Hăm 1930, ông đã được gửi đến để đàm phán việc mua vũ khí tại Thượng Hải, rồi trở về bằng việc hộ tống chiếc tàu của Đệ bát Lộ quân Quảng Tây, một vùng du kích được tổ chức trên vùng lãnh thổ của người Khách Gia đang được lãnh đạo bởi Đặng Tiểu Bình, một đồng chí cũ trong thời kỳ hoạt động ở Paris. Tuy nhiên, trong cuộc hải hành, người cộng sản Breton phi thường ấy đã mất tích trong một cơn bão. “Ông bị kéo xuống vực sâu, đến vương quốc của Long Vương”, như người ta vẫn nói vậy bằng tiếng Trung Quốc. Ông chết đuối trên biển cả.

Cơn thịnh nộ nổi lên ở Matxcơva: chuyện gì đã xảy ra với ông ấy? Một đồng chí người Pháp khác, Joseph Ducroux, người rất quen thuộc với châu Á, được cử đến để tìm kiếm ông. Trên thực tế, lúc này nghiêng về quan điểm của của Trần Canh và Trotsky, Cremet đã quyết định tự đạo diễn vụ mất tích của chính mình, với sự giúp đỡ của Clara và André Malraux. Ông là một trong những người đào tẩu quan trọng đầu tiên của Quốc tế Cộng sản dưới thời cai trị của Stalin.

Trong khi đó, Richard Sorge có phần may mắn hơn - ít nhất là vào lúc này. Ông đã thiết lập một chốt giám sát mới của Liên Xô ở Thượng Hải. Mặc dù ông là đối tượng bị chỉ trích từ trong GRU do tính hữu dụng của mình, nhưng ông đã giúp tổ chức chuyến thăm của một số lãnh tụ của ĐCSTQ tới Liên Xô, bao gồm Chu Ân Lai và Vương Minh. Sorge tiếp tục do thám Nhật Bản, nơi ông bị bắt và bị treo cổ vào năm 1944, mặc dù thông tin mà ông thu thập được ba năm trước đó đủ để cảnh báo Stalin rằng Hitler đang chuẩn bị xâm lược Liên Xô.

ẢO THUẬT GIA HỌ CỐ ĐÀO NGŨ

Joseph Ducroux đã không thành công trong cuộc điều tra về sự biến mất của người đồng chí của mình, người mà ông từng làm việc cùng trong Ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Tất cả những người mà ông tham khảo ý kiến, dù là người Trung Quốc hay người Đông Dương, đều không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về những gì có thể đã xảy ra với Cremet. Đơn giản là ông ấy đã biến mất.

Ducroux đã viết một cuốn hồi ký chưa được xuất bản vào thập niên 1950, trong đó ông kể lại cuộc tìm kiếm Cremet diễn ra như thế nào: “Trên đường từ Paris đến Viễn Đông, tôi dừng lại ở Moscow vào tháng Hai năm 1931 và được ở trong một tư gia trong thành phố, nơi chỉ có Abramov [người đứng đầu OMS] và một đồng chí người Pháp đến thăm. Tôi không có liên hệ trực tiếp với Quốc tế Cộng sản. Trong một trong những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, Abramov đã tâm sự với tôi rằng đã lâu lắm rồi Quốc tế Cộng sản mới có tin tức về Cremet, kể từ khi ông rời khỏi Moscow vào năm 1929. Ông nói với tôi cái tên mà ông ngụy trang để di chuyển, mà tôi đã quên… Ông có hộ chiếu Bỉ. Abramov yêu cầu tôi đi khắp các khách sạn ở Thượng Hải và Hồng Kông để xem liệu tôi có thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của Cremet hay không, và sau đó tôi đã thực hiện, gặp phải vô số trở ngại và không tìm được gì ở cả hai thành phố. Tất nhiên, tôi không thể đến thăm từng khách sạn ở hai cảng quốc tế lớn này. Nhưng những người tôi đã đến hỏi thăm đều không có dấu vết của người đàn ông đang mang cái tên Bỉ này. Tôi đã mất dấu Cremet hoàn toàn”.

Chán nản, Ducroux tiếp tục chuyến đi của mình và tiếp tục đến Singapore, nơi ông được tranh thủ để giúp đỡ các Đảng Cộng sản non trẻ ở vùng Biển Nam (bao gồm Malaysia, Đông Ấn Hà Lan và Miến Điện). Nói cách khác, ông đã đảm nhận sứ mệnh mà Cremet bỏ dở. Ngày 27 tháng Tư năm 1931, ông chuyển đến khách sạn Raffles nổi tiếng ở Singapore với cái tên Serge Lefranc.

Ducroux có lẽ không biết chuyện gì đã xảy ra ở Thượng Hải kể từ khi ông rời thành phố - một sự kiện gây vang dội gây chấn động đầy ẩn ý diễn ra trong Đặc Khoa và rộng hơn là ĐCSTQ. Ảo thuật gia Cố Thuận Chương đã đào ngũ khỏi ĐCSTQ. Ngày 25 tháng Tư năm 1931, sau khi rời thành phố với các lãnh đạo đảng khác, như thường lệ, nhà ảo thuật họ Cố đến Vũ Hán để thực hiện các trò ảo thuật làm vỏ bọc cho nhiệm vụ của mình. Khi ở đó, ông bị phát hiện đang ở trên đường phố với trẻ em mọi lứa tuổi xung quanh, bởi một kẻ chỉ điểm của Quốc dân Đảng, một đảng viên cũ của ĐCSTQ, người đã báo động cho các đặc vụ Quốc dân Đảng tại địa phương. Họ tấn công Cố, bắt giữ ông, và một sĩ quan BIS địa phương đã gửi điện tín đến Nam Kinh để thông báo tin tức tuyệt vời này. Kẻ thù tồi tệ nhất của các đảng viên Quốc dân Đảng, một trong những nhân vật quan trọng nhất của ĐCSTQ, đã bị mắc bẫy hệt như một con chuột cống. Nhưng người đứng đầu BIS, Từ Ân Tằng, đã rời văn phòng để đi khiêu vũ với tình nhân; điều này đã giúp cho Tiền Tráng Phi, người đứng đầu bộ phận mã hóa nhưng quan trọng hơn là một đảng viên cộng sản nằm vùng tại trụ sở Quốc dân Đảng, có thời gian để cảnh báo cho một mật thám quan trọng khác ở Cục Điện báo Trung ương Thượng Hải, Lý Khắc Nông. Lý lần lượt cảnh báo cho Trần Canh, người đứng đầu Tiểu ban 2. Trong những giờ sau đó, Chu Ân Lai, Khang Sinh, Trần Vân (cấp phó mới của Khang), Lý Cường (trưởng bộ phận truyền thông), và Hướng Trung Phát đã tìm được những ngôi nhà an toàn cho khoảng 500 nhà cộng sản. Họ cũng ra lệnh cho Lý Khắc Nông và Trần Canh rời thị trấn.

Một lần nữa, Nhiếp Vinh Trăn thấy mình ở trên chiến tuyến, khi ông kể lại: “Chúng tôi may mắn có được đồng chí Tiền Tráng Phi làm việc trong văn phòng của BIS ở Nam Kinh, người đã giúp chúng tôi tránh được một thảm họa lớn hơn. Khi Tiền, một người cực kỳ thông minh và có năng lực, biết được rằng Cố đã đào ngũ, Tiền đã đi thẳng đến Thượng Hải để báo cho Ủy ban Trung ương về tình hình cấp bách.

“Tôi đến gặp đồng chí Chu Ân Lai, nhưng đồng chí không có ở nhà. Tôi nói với ‘chị’ Đặng [vợ của Chu] và cảnh báo cô ấy hãy chạy trốn. Trong hoàn cảnh như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hành động trước kẻ thù. Chính Chu Ân Lai là người lo liệu mọi việc. Mọi văn phòng của Ủy ban Trung ương và mọi người trong số các đồng chí mà Cố đã biết đã được chuyển đến một địa điểm mới. Tất cả các liên hệ với Cố đã bị phá vỡ. Làm việc cả ngày lẫn đêm, chúng tôi chỉ mất hai ngày để hoàn thành công việc”.

Chu và các đồng đội hành động chính xác. Cố Thuận Chương ngay lập tức phục vụ trung thành cho Trần Lập Phu và Từ Ân Tằng, những điệp viên bậc thầy của Quốc dân Đảng. Ngoài ra, ông đồng ý đứng đầu một bộ phận chống cộng đặc biệt, và viết một cuốn sách hướng dẫn về cuộc chiến chống lại cơ quan mật vụ cộng sản. Trong những ngày sau đó, các cuộc tranh luận đã làm rõ rằng nhà ảo thuật họ Cố thực sự đã tiết lộ tất cả những gì ông biết về tổ chức ngầm của ĐCSTQ. Bất chấp tất cả các biện pháp phòng ngừa mà những người cộng sản đã thực hiện, đã có nhiều vụ bắt giữ tại các thành phố khác nhau. Vào ngày 21 tháng Sáu năm 1931, Hướng Trung Phát, tổng bí thư của ĐCSTQ kể từ sau Đại hội Moskva năm 1928, bị bắt khi đang trốn trong một cửa hàng trang sức trên Đại lộ Joffre cùng với tình nhân của mình, một vũ công ở quán rượu. Ông cũng đề nghị đào ngũ để về với Quốc dân Đảng, nhưng ông đã bị bắn trước khi những người cai ngục của ông nhận được lệnh ân xá ông, do Tưởng Giới Thạch ký.

Là một phần trong kế hoạch phản ứng của mình, Chu Ân Lai quyết định tái cấu trúc bộ phận tình báo của ĐCSTQ. Ban lãnh đạo của các hoạt động tình báo đặc biệt lúc này được tạo thành từ một nhóm gồm 5 chiến binh. Khang Sinh, hiện là người có nhiều quyền lực nhất, xung quanh ông là bốn người khác đã từng được đào tạo tại Liên Xô và cam kết trung thành về tư tưởng: Trần Vân, Quảng Huệ An, Kha Khánh Thi và Phan Hán Niên.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Đài Loan vào nửa thế kỷ sau đó, do tác giả cuốn sách này thực hiện, ông Quan Thư Tử - người sau này cũng đào ngũ sang Quốc dân Đảng, nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ Khang Sinh trong thời kỳ đó. Tôi vừa trở về sau khi học tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Moscow. Tôi đã phải lẩn trốn trong khách sạn Normandie ở Thượng Hải. Tôi gặp Khang trong một căn hộ thuộc thế giới ngầm. Anh rất niềm nở và khác biệt, mặc dù anh hút thuốc lá suốt. Chúng tôi phải đối phó với một vấn đề lớn khác của Moscow: Hilaire Noulens, người đứng đầu văn phòng Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, đã bị bắt. Tôi vưa mới thấy Noulens: ông ấy có chùm chìa khóa lớn nhất mà tôi từng thấy trong đời, cho tất cả các căn hộ bí mật mà ông trông coi”.

Thật vậy, cùng thời điểm vị tổng bí thư của Đảng bị trừ khử, Moscow biết được một thất bại nặng nề hơn nữa sau vụ đào tẩu của Cố Thuận Chương. Ngày 15 tháng 6, Hilaire Noulens, với tư cách là đặc vụ của Quốc tế Cộng sản, cùng vợ ông, đã bị bắt tại Thượng Hải. Cặp vợ chồng vẫn im lặng và không khai bất kỳ điều gì, rồi bị tống vào tù. Mãi đến năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô, con trai họ mới tiết lộ tên thật của họ: Yakov Rudnik và Tatiana Moisseenko. Nhưng từ giấy tờ của họ, được cảnh sát giải mã, hàng chục điệp viên Liên Xô gốc phương Tây tại Thượng Hải đã bị lộ. Nhiều người đã trốn sang Liên Xô. Thật kỳ lạ, người được biết đến nhiều nhất trong số những điệp viên được xác định vào thời điểm đó, Richard Sorge, vẫn bị theo dõi nhưng không bao giờ bị bắt.

Tuy nhiên, một mối nghi ngờ vẫn tồn tại: ngày 1 tháng Sáu năm 1931, Joseph Ducroux, người Pháp, bí danh “Lefranc”, đã bị bắt tại Singapore. Các nhân viên của Tiểu ban Đặc biệt đã tìm thấy trên người ông một cuốn sổ đã được mã hóa rất phức tạp, với địa chỉ Hộp thư bưu điện ở Thượng Hải: HILANOUL BP 208. Thực tế Ducroux có phải là người gián tiếp chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của văn phòng Thượng Hải của Quốc tế Cộng sản hay không? Hay ông nằm trong số những người bị Cố Nhuận Chương tố cáo, và các sĩ quan Anh chỉ đơn giản là chờ đợi trước khi bắt ông, như một cú đá cuối cùng vào cái cây sắp đổ?

Ngày 6 tháng Sáu, lại có một bước lùi khác: Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) bị bắt tại quận Cửu Long, Hồng Kông. Ducroux đã gặp ông trước khi lên đường sang Malaysia, nhưng chi tiết về ông cũng được phát hiện trong các giấy tờ của Hilaire Noulens, được các thám tử làm việc cho Pat Givens, cảnh sát trưởng Anh ở Thượng Hải, phát hiện. Cảnh sát thuộc địa của Nữ hoàng Anh đã hoạt động trên khắp vùng tam giác Thượng Hải - Singapore - Hồng Kông.

Đối với Khang Sinh, cuộc đào tẩu của Cố không hẳn là xấu. Điều đó có nghĩa là ông có thể mở rộng lãnh địa của mình, và nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Tiểu ban thứ 4 của Đặc Khoa, chịu trách nhiệm mã hóa và truyền tin. Chu Ân Lai cũng bật đèn xanh cho Quảng Huệ An để thực hiện các cuộc xử tử trả thù, điều đã giúp Quảng trở thành người đứng đầu mới của Tiểu ban thứ 3. Quảng, biệt danh “Chú bé Sơn Đông”, bắt đầu bằng việc ra lệnh giết ba phụ nữ: vợ của Cố và hai người hầu người Quảng Đông. “Con dao găm của Ngũ Hào” không biết thương xót. Toàn bộ gia đình của Cố bị chôn sống trong các hang động được đào và bịt kín bên dưới thành phố, như một bức điện từ cơ quan mật vụ Pháp tiết lộ:

“Cố Thuận Chương đào ngũ, cả gia đình ông ta bị ám sát, vụ việc bị phanh phui sau vụ bắt giữ Vương Liêu Đích Tử, một tòng phạm với Chu Ân Lai, kẻ đã thú nhận vụ ám sát 11 người vào tháng Sáu năm 1931. Các xác chết được tìm thấy tại ngã ba giữa số nhà 37 phố Ngải Đương Lợi và Đường Prosper Paris, số 33 trong cùng một khu nhà ở Khu Tô giới Pháp, và trong Khu Định cư Quốc tế, số 6 đường Sien Teh Feung”.

Theo Bộ An ninh Pháp, ngày 7 tháng Một năm 1933, một cuộc họp của các cán bộ cộng sản đã diễn ra ở Zao-ka-dou, nơi mà việc tái cấu trúc GPU của Trung Quốc đã được thống nhất: phải có một nhóm điều tra được thành lập để theo dõi những kẻ phản đảng; các đơn vị cần thiết để bảo vệ cho các lãnh tụ của đảng; và một “đội cận vệ” để loại bỏ những kẻ phản bội.

Những quyết định này là một dấu hiệu cho thấy mức độ thâm nhập mà ĐCSTQ bí mật một lần nữa phải đối mặt. Hai tháng sau cuộc họp này, Trần Canh, cựu giám đốc của Tiểu ban số 2, đã bị bắt, khi đang ẩn náu tại nhà của nhà văn vĩ đại của Lỗ Tấn. Người Pháp mô tả ông là “người đứng đầu Tiểu ban số 2”, mặc dù trên thực tế, ông đã bị thay thế hai năm trước đó bởi một đặc vụ ngoại hạng khác, Phan Hán Niên. Bị bắt trên đường Bắc Kinh vào ngày 24 tháng Ba năm 1933, Trần bị kết án một tuần sau đó và giao cho cảnh sát Trung Quốc. Trong mắt Quốc dân Đảng, “Ngài Vương” quan trọng đến mức ông bị chuyển đến Nam Xương, nơi ông bị chính Tưởng Giới Thạch thẩm vấn. Nhưng vào cuối cuộc thẩm vấn, vị lãnh tụ của Quốc dân Đảng đã nhớ lại việc Trần đã cứu mạng mình như thế nào trong trận chiến ở miền Bắc, đã quyết định thả tù nhân của mình, và yêu cầu ông thương lượng một thỏa thuận với các “vị tướng công sản” đang cùng bị giam trong trại của ông. Vào tháng Năm, Trần Canh “vượt ngục”, và chạy trốn đến vùng Giang Tây đang bị Liên Xô kiểm soát. Ông vẫn là nhà người cộng sản và là một chỉ huy trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao.

Sáu tháng sau, một báo cáo của viên cảnh sát trưởng mới của Pháp, Louis Fabre-Fiori cuối cùng đã bị cách chức vì tội tham nhũng và thông đồng với việc Thanh Bang mua thông tin về Cố Thuận Chương, người mà vào thời điểm này đã trở thành người đứng đầu một lữ đoàn chống cộng đặc biệt. Báo cáo của Pháp đã đưa ra chi tiết về Toán Áo Xanh, tổ chức bán quân sự gồm 3.000 người do anh em nhà Trần lãnh đạo, và tiết lộ cơ cấu tổ chức của các dịch vụ đặc biệt của họ:

1. Cơ quan tình báo bao gồm: a) bộ phận tình báo quân sự (Vương Bài Linh); b) một cơ quan tình báo bí mật (Cửu Kiến Trung, Ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng);

2. Một bộ phận điều hành (Cố Thuận Chương), chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động khủng bố, tuyển dụng chủ yếu các sinh viên tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng Phố. Được tạo thành từ các phòng giam bí mật ở Thượng Hải, Hồng Kông, Quảng Châu, Bắc Kinh.

Đứng đầu danh sách đen của Quốc dân Đảng đối với những người công sản cần trừ khử là Triệu Dung, hay còn được biết đến với cái tên Khang Sinh. Khang đã một tay điều hành các hoạt động tình báo đặc biệt tại Thượng Hải, nhưng bây giờ có vẻ như cơ hội của ông đã hết. Chu Ân Lai đã hội quân với Mao. Khang Sinh, bậc thầy về múa rối, đã đến Moscow để làm tay sai vặt cho Stalin.

KHANG SINH ĐẾN MOSCOW

Đầu năm 1933, Khang Sinh được cử đến Moscow để tham gia ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản. Cuộc cách mạng ở châu Âu đang bùng phát khi Hitler lên nắm quyền. Nó bắt buộc phải được hồi sinh ở châu Á. Khang đã được đào tạo về các phương pháp gián điệp và an ninh nhà nước mới của Liên Xô . Ông cũng tham gia vào công tác tuyên truyền - agitprop. ‘Agitprop’, truyền bá thông tin sai lệch và lừa dối đều là vũ khí quan trọng như thu thập thông tin tình báo.

Vào cuối năm 1933, Khang đã đăng một bài báo trên tạp chí ‘Quốc tế Cộng sản’ với tựa đề “Chiến dịch Quốc dân Đảng lần thứ 6 và chiến thắng của Hồng quân Trung Quốc”. Có lẽ đây là một phân tích đơn giản nhằm tìm cách tạo ra sự đoàn kết của giai cấp vô sản trên toàn thế giới với cách mạng Trung Quốc. Nhưng nó có thể nhằm mục đích nhận được sự ủng hộ từ Stalin và các chiến lược gia của ông đối với những nhà lãnh đạo đã từ bỏ cuộc nổi dậy ở thành thị để ủng hộ phong trào du kích dựa vào nông thôn - đặc biệt là vị lãnh tụ cộng sản mới, Mao Trạch Đông, và đội quân nông dân của ông.

Năm sau, Khang Sinh trở thành đồng tác giả một cuốn sách mỏng với đồng chí Vương Minh, một người cộng sản Trung Quốc thuộc ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, người sẽ trở thành tổng bí thư lâm thời tiếp theo của ĐCSTQ, sau khi hoàn thành khóa đào tạo ở Liên Xô. Cuốn sách mỏng ‘Cách mạng Trung Quốc ngày nay’ đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng thông qua bộ máy tuyên truyền của Willi Münzenberg trong Quốc tế Cộng sản.

Khang Sinh được kỳ vọng là sẽ cẩn thận sao chép các phương pháp mới của Liên Xô. Các kỹ thuật của GPU, cảnh sát mật, là những gì mà phong trào cộng sản mạnh mẽ của Trung Quốc đang cần có. Khang chắc chắn đã tán thành những gì André Malraux viết hai năm trước đó: “Quốc tế Cộng sản không có lựa chọn nào khác… Mục đích của nó là cung cấp cho giai cấp vô sản Trung Quốc, càng nhanh càng tốt, ý thức giai cấp mà họ cần có để cố gắng nắm chính quyền… Tôi phải thừa nhận rằng một cơ quan mật vụ kiểu Nga, thậm chí là một cơ quan mật vụ mạnh hơn thế, chắc chắn là một trong những giải pháp khả thi”.

Khang tập trung vào việc giám sát các sinh viên Trung Quốc tại cả Đại học Tôn Trung Sơn và KUTV, trường Đại học Cộng sản của giai cấp cần lao phương Đông. Theo chỉ dẫn, ông theo dõi những người theo chủ nghĩa Trotskist của cựu lãnh đạo ĐCSTQ, Trần Độc Tú. Nhưng trên hết, “Sư phụ Khang” đã học được cách hòa nhập. Ông đắm mình vào kiểu hoang tưởng tập thể do Stalin đặt ra, đó là để lại dấu ấn vĩnh viễn tại Trung Quốc.

Vào năm 1935, “nhà mật thám vĩ đại” của Trung Quốc thậm chí còn suýt đoạt mạng của một trong những nhà lãnh đạo cộng sản lớn, Hồ Chí Minh. Khang là một thành viên trong ủy ban điều tra về những sai sót sau vụ sụp đổ các mạng lưới điệp viên ở Hồng Kông, Thượng Hải và Singapore vào năm 1931. Người phụ trách nghiên cứu hồ sơ của Nguyễn Ái Quốc là Dmitri Manuilsky, Trưởng Ban Kỹ thuật của Quốc tế; Vera Vassilieva, Trưởng Ban Đông Dương; và Khang Sinh. Manuilsky vẫn giữ thái độ trung lập về vụ việc, ông càng phải làm như vậy vì ông chắc chắn có nguy cơ bị quy trách nhiệm vì đã phái hai người Pháp, Cremet và Ducroux, tham gia vào phi vụ thất bại đó. Nguyễn Ái Quốc phải đối mặt với sự quy trách nhiệm cho tình bạn của ông với Borodin, cựu phái viên của Quốc tế Cộng sản, người sau đó đã bị thanh trừng; hoặc sự trốn thoát của Nguyễn khỏi một nhà tù của Anh ở Hồng Kông vào năm 1932. Hay Nguyễn đã từng làm việc với tư cách là một đặc vụ của Cục Tình báo Anh? Rõ ràng Khang Sinh ghét Nguyễn, và đồng chí Vassilieva đã phải dùng tất cả các kỹ năng ngoại giao của mình để cứu Nguyễn vào phút chót, khi cho rằng việc Nguyễn bị cảnh sát Anh bắt chỉ đơn giản là do sự thiếu kinh nghiệm của anh.

Trong khi đó, đối thủ của Stalin, Sergei Kirov, bị ám sát ở Leningrad vào ngày 1 tháng 12 năm 1934, một khúc dạo đầu cho ‘Các vụ án’ ở Moscow. Khang Sinh đã nỗ lực phi thường, và được đền đáp khi được phép tham gia vào một cuộc thanh trừng tàn khốc trong hàng ngũ những người cộng sản châu Á đang lưu vong ở Muscovite. Trong căn phòng của mình ở khách sạn Lux, nơi ông đang sống với vợ Tào Dật Âu và tình nhân Tô Mai (người mà, thật tình cờ, cũng là em gái của vợ ông), Khang thậm chí còn thiết lập một GPU thu nhỏ của riêng mình, “Văn phòng trừ khử bọn phản cách mạng”. Hàng trăm thanh niên Trung Quốc ở Mátxcơva tin theo chủ nghĩa cộng sản đã bị chỉ điểm, gửi tới các trại tập trung, hoặc bắn chết bởi tay chân của Lavrentiy Beria, người đứng đầu tổ chức NKVD mới. Trong số đó, có Tân Âu Dương, cựu lãnh đạo Cục Hai của Đặc Khoa tại Thượng Hải (từng do Khang Sinh đứng đầu), có lẽ do bị quy cho là một kẻ “Trotskyist.”

Không nghi ngờ gì nữa, ‘Các vụ án ở Moscow’ là nguồn cảm hứng cho cuộc thanh trừng hàng loạt, được gọi là Chiến dịch Chỉnh đốn Diên An, do Khang chủ trì vào năm 1942 với sự ủy quyền của Mao. Đến giữa thập niên 1930, Khang Sinh đã hoàn toàn hòa nhập vào bộ máy cảnh sát mật của Stalin. Họ đã tin tưởng ông. Đặc biệt, ông được giao trách nhiệm để mắt đến một vị khách đáng xấu hổ, “Nicholas Elizarov”, thực tế là Tưởng Kinh Quốc, con trai của lãnh tụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Năm 1925, anh được cử đến Mátxcơva để học tập, trong thời kỳ Liên Xô ủng hộ Quốc dân Đảng. Cuộc xung đột đẫm máu giữa Quốc dân Đảng và những người cộng sản vào năm 1927 có nghĩa là giờ đây anh trở thành con tin hơn là một vị khách. Anh thậm chí đã bị buộc phải viết một bản tố cáo chính cha mình, Tưởng Giới Thạch - người được cho là xảo quyệt và độc ác. Nhưng Stalin đã tha cho cả hai cha con: có mọi dấu hiệu cho thấy Stalin có khả năng sớm phải tiếp tục mối liên minh giữa Liên Xô với Tưởng để chống lại quân Nhật, và vì vậy, vào giữa tháng Tư năm 1937, chàng trai trẻ Tưởng được đưa trở về Trung Quốc cùng với người vợ Nga tóc vàng của anh tên là Fayina Ipatevna Vakhreva - từ lâu nàng vẫn là một bí mật của nhà nước Xô-viết.

Không lâu sau khi Tưởng Kinh Quốc rời Liên Xô, hai người con trai Trung Quốc nổi tiếng khác lại lên đường đến đó, họ là con của Mao. Hai tháng trước đó, Khang Sinh đã được cử đến Pháp trong một nhiệm vụ bí mật khác. Đó không phải là chuyến đi Paris đầu tiên của ông. Năm 1936, ông đã ở Paris vài tháng trong thời gian chính phủ của Mặt trận Bình dân nắm quyền, trước khi đến Tây Ban Nha với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản để điều tra các Lữ đoàn Quốc tế, được thành lập để chiến đấu thay mặt cho những người cộng hòa Tây Ban Nha. Nhưng lần này, vào mùa Đông năm 1936–1937, ông được cử đi tìm hai “người di cư bất hợp pháp”, những đứa con mà Mao đã có vào thập niên 1920 với người vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ: Ngạn Thanh và Ngạn Anh. Đây là một trong những mánh khóe mới mà Stalin đã đưa ra: để giữ cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ luôn bị kiểm soát chặt chẽ, ông đã giam giữ các thành viên trong gia đình của họ, giống như một thứ chiến lợi phẩm. Rắc rối trong trường hợp này là, trong khi Tưởng Giới Thạch luôn dành tình cảm thực sự cho con trai mình, thì Mao Trạch Đông dường như ít quan tâm đến các con của ông hơn.

Đúng là trong thời gian chờ đợi, từ tháng Mười năm 1934 đến tháng Mười năm 1935, Mao đã dẫn đầu Vạn Lý Trường Chinh, cuộc rút lui chiến lược với quãng đường dài 12.000 km để tránh quân đội Quốc dân Đảng, và cuộc hành quân của một đội quân gồm 120.000 chiến binh của ĐCSTQ, được giám sát bởi nhiều người Khách Gia, trong đó chỉ còn có 20.000 người đến được Diên An ở tỉnh Thiểm Tây. Ở đó, tại vùng nông thôn heo hút nhất của Trung Quốc, một nhà nước cộng sản phôi thai đã được thành lập. Vào tháng Một năm 1935, Hội nghị Tuân Nghĩa được tổ chức, trong đó Mao đã nắm được quyền lực của ĐCSTQ và tách mình khỏi các lý thuyết của Liên Xô về cách tiến hành chiến tranh cách mạng. Cuộc nổi dậy ở thành thị chỉ dẫn đến thất bại. Mũi nhọn của cuộc cách mạng là giai cấp nông dân.

Chu Ân Lai hội quân với Mao và nắm quyền ngoại giao. Tên của một số tướng lĩnh của ông đã quá quen thuộc với chúng ta: Chu Đức, Trần Nghị và Diệp Kiếm Anh, đã từng hoạt động với Chu ở châu Âu và đóng những vai trò quan trọng, cũng như Trần Canh, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo ở Thượng Hải. Nhà nước non trẻ chỉ thiếu một người đứng đầu cơ quan mật vụ và một bộ trưởng nội vụ có ý chí sắt đá. Stalin đã cử Khang Sinh, cùng với một số cố vấn Liên Xô đến Quốc tế Cộng sản, để chuẩn bị cho chiến thắng cuối cùng, và sự ra đời của cái chỉ có thể gọi là Nhà nước giám sát Trung Quốc. Với sự trớ trêu đáng chú ý, Khang Sinh đã sử dụng các phương pháp mà ông học được ở Moscow để cuối cùng thanh trừng những người Xô-viết và những người ủng hộ họ khỏi cơ quan mật vụ của Mao.

 

 

*

CHƯƠNG 2

CƠ QUAN MẬT VỤ CỦA MAO

Vào ngày 1 tháng Năm năm 1995, một lễ kỷ niệm nhẹ nhàng nhưng xúc động đã diễn ra tại Bắc Kinh. Thay mặt Tổng thống Boris Yeltsin, nhà Hán học nổi tiếng đồng thời là Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Rogachev đã trao tặng danh hiệu cao nhất của nước Nga cho một mật vụ Trung Quốc, để ghi nhận những đóng góp của ông trong việc bảo vệ Liên Xô. Đây là một buổi lễ kỷ niệm kép, cho cả điệp viên Trung Quốc được vinh danh và cho cả Liên bang Xô-viết, quốc gia mà sau đó đã bị giải thể bởi sự thúc đẩy của chính Yeltsin. Nhưng các quan chức Nga không quên những người đã đóng góp cho chiến thắng của Liên Xô chống lại Đế chế thứ Ba, trong cái mà họ gọi là “Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Và đây là một cơ hội tuyệt vời để tăng cường tình hữu nghị Trung-Nga mới được phục hồi.

Tên của người mật vụ, vừa tròn 100 tuổi vào năm 1995, là Diêm Bảo Hàng, và các điệp vụ mà ông đã thực hiện thực sự có ý nghĩa: vào tháng Năm năm 1941, ông là một trong những người đã cảnh báo Điện Kremlin về việc Hitler sắp tấn công Liên Xô. Bốn năm sau, thông tin về việc ông làm gián điệp cho quân đội Nhật Bản đã giúp Stalin mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Nhật Bản.

Con trai của ông Hàng, Diêm Minh Phục, thay mặt cha nhận huy chương với đôi mắt ngấn lệ. Diêm Minh Phục đã tự mình đứng đầu một cơ quan tình báo chính trị quan trọng, “Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất” (Tongzhan Gongzuo Bu), cho đến tháng Sáu năm 1989, khi ông bị cách chức vì bày tỏ sự đồng tình với các sinh viên biểu tình cho dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, ông chủ trì một tổ chức phi chính phủ liên quan đến “hoạt động từ thiện”. Là người có nguyên tắc mạnh mẽ, Diêm Minh Phục tự hào về người cha mà ông đã theo chân vào thế giới tình báo chuyên nghiệp. Ông, giống như cha mình, sinh ra ở Mãn Châu. Năm 1941, khi ông mới mười tuổi, cha của ông - một luật sư đồng thời là một mật thám - đã trở thành một thành viên của nhóm thân tín xung quanh vợ của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh, và vị tướng Quốc dân Đảng Trương Học Lương. Mặc dù Trương là một đảng viên nòng cốt của Quốc dân Đảng, nhưng ông đã tuyên bố rõ ràng rằng mình từng bắt cóc Tưởng Giới Thạch vào tháng Mười Hai năm 1936, để ép buộc Tưởng gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại người Nhật. Thật vậy, dưới ảnh hưởng song song của Liên Xô và ngay sau đó là Hoa Kỳ, những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà cộng sản đã thành lập một liên minh mới, Mặt trận thống nhất thứ Hai, để chống lại quân đội của Hirohito, đạo quân xâm lược đất nước sau cuộc tấn công ban đầu vào Thượng Hải vào tháng Tám năm 1937.

*

VỀ TÁC GIẢ

Roger Faligot là nhà báo điều tra và là tác giả của nhiều chuyên khảo về tình báo châu Âu và châu Á.

*

Nguồn: Roger Faligot (2019). 'Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping'. London: Hurst, 2019

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: