CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (4)

06/ 04/ 2023

 CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (4)

Roger Faligot

Nguyễn Trung Kiên trích dịch  (kỳ 4)

(Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3)

 

CHƯƠNG 2

CƠ QUAN MẬT VỤ CỦA MAO

Vào ngày 1 tháng Năm năm 1995, một buổi lễ kỷ niệm nhẹ nhàng nhưng xúc động đã diễn ra tại Bắc Kinh. Thay mặt Tổng thống Boris Yeltsin, nhà Hán học nổi tiếng đồng thời là Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Rogachev đã trao tặng danh hiệu cao nhất của nước Nga cho một mật vụ Trung Quốc, để ghi nhận những đóng góp của ông trong việc bảo vệ Liên Xô. Đây là một buổi lễ kỷ niệm kép, cho cả điệp viên Trung Quốc được vinh danh và cho cả Liên bang Xô-viết, quốc gia mà sau đó đã bị giải thể bởi sự thúc đẩy của chính Yeltsin. Nhưng các quan chức Nga không quên những người đã đóng góp cho chiến thắng của Liên Xô chống lại Đế chế thứ Ba, trong cái mà họ gọi là “Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Và đây là một cơ hội tuyệt vời để tăng cường tình hữu nghị Trung-Nga mới được phục hồi.

Tên của người mật vụ, vừa tròn 100 tuổi vào năm 1995, là Diêm Bảo Hàng, và các điệp vụ mà ông đã thực hiện thực sự có ý nghĩa: vào tháng Năm năm 1941, ông là một trong những người đã cảnh báo Điện Kremlin về việc Hitler sắp tấn công Liên Xô. Bốn năm sau, thông tin về việc ông làm gián điệp cho quân đội Nhật Bản đã giúp Stalin mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Nhật Bản.

Con trai của ông Hàng, Diêm Minh Phục, thay mặt cha nhận huy chương với đôi mắt ngấn lệ. Diêm Minh Phục đã tự mình đứng đầu một cơ quan tình báo chính trị quan trọng, “Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất” (Tongzhan Gongzuo Bu), cho đến tháng Sáu năm 1989, khi ông bị cách chức vì bày tỏ sự đồng tình với các sinh viên biểu tình cho dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, ông chủ trì một tổ chức phi chính phủ liên quan đến “hoạt động từ thiện”. Là người có nguyên tắc mạnh mẽ, Diêm Minh Phục tự hào về người cha mà ông đã theo chân vào thế giới tình báo chuyên nghiệp. Ông, giống như cha mình, sinh ra ở Mãn Châu. Năm 1941, khi ông mới mười tuổi, cha của ông - một luật sư đồng thời là một mật thám - đã trở thành một thành viên của nhóm thân tín xung quanh vợ của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh, và vị tướng Quốc dân Đảng Trương Học Lương. Mặc dù Trương là một đảng viên nòng cốt của Quốc dân Đảng, nhưng ông đã tuyên bố rõ ràng rằng mình từng bắt cóc Tưởng Giới Thạch vào tháng Mười Hai năm 1936, để ép buộc Tưởng gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại người Nhật. Thật vậy, dưới ảnh hưởng song song của Liên Xô và ngay sau đó là Hoa Kỳ, những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà cộng sản đã thành lập một liên minh mới, Mặt trận thống nhất thứ Hai, để chống lại quân đội của Hirohito, đạo quân xâm lược đất nước sau cuộc tấn công ban đầu vào Thượng Hải vào tháng Tám năm 1937.

Matxcơva đã đồng ý hỗ trợ cho liên minh này, viện trợ khoảng 450 triệu đô-la cho Tưởng Giới Thạch từ mùa Thu năm 1937 đến tháng Mười Một năm 1940. Đổi lại, Hồng quân Trung Quốc được tổ chức lại và đặt dưới quyền chỉ huy của Ủy ban Quân vụ Quốc dân Đảng. Bát Lộ Quân đã chiến đấu ở phía Tây Bắc, trong khi Tân Tứ quân hoạt động ở phía Nam sông Dương Tử.

Điều này giải thích tại sao Chu Ân Lai lại ở Trùng Khánh, thủ đô của một Trung Quốc “thống nhất” trong chiến tranh với Nhật Bản, vào mùa Xuân năm 1941. Chu, đang lãnh đạo cơ quan ngoại giao cộng sản non trẻ, đã chỉ thị cho Diêm Bảo Hàng thu thập càng nhiều thông tin càng tốt từ những người trong những người theo chủ nghĩa dân tộc bên trong ông đã cố gắng để thâm nhập vào. Năm 2005, Diêm Minh Phục, người đã đợi mười năm sau buổi lễ tôn vinh cha mình để tiết lộ chi tiết về mối quan hệ này, tiết lộ rằng cha anh đã có nhiều mối quan hệ cấp cao, “bao gồm cả những nhân vật quan trọng của chính phủ, bà Tưởng Giới Thạch và Tôn Kế, con trai của bác sĩ Tôn Trung Sơn, và nhiều người khác.

Các bữa tiệc rượu cocktail ngoại giao mang đến cơ hội trao đổi thông tin tình báo giữa những câu chuyện nhỏ nhặt tầm thường. Vì vậy, vào một ngày đẹp trời vào tháng Năm năm 1941, Diêm Bảo Hàng được mời đến dự một bữa ăn tối để vinh danh tùy viên quân sự Đức — Đức Quốc xã đã không tuyên chiến với Trung Quốc. Trong bữa tiệc này này, ông tình cờ nghe được Tôn Kế nói rằng Adolf Hitler dự định khởi động Chiến dịch Barbarossa vào khoảng ngày 20 tháng Sáu. Tôn kín đáo xác nhận thông tin, trước khi báo cáo lại cuộc trò chuyện trực tiếp với Chu Ân Lai, người đã gửi một bức điện mã hóa tới trụ sở phe cộng sản của Mao Trạch Đông tại Diên An. Từ đó, thông tin được chuyển qua các kênh thông thường: qua Quốc tế Cộng sản, qua phái viên thường trực của Mao tại Liên Xô. Theo người Trung Quốc, đây là cách Stalin có thể chuẩn bị để ngăn chặn một thảm họa thậm chí còn lớn hơn thảm họa xảy ra vào mùa Hè năm đó.

Không dừng lại ở đó, Diêm Bảo Hàng đã không nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình. Bốn năm sau, Trần Canh, người từng là trưởng cơ quan đặc nhiệm ở Thượng Hải năm 1931 trước khi trở thành người đứng đầu bộ phận chính trị của Quân ủy Hồng quân, yêu cầu Tôn cung cấp thông tin về quân đội Nhật Bản ở Quan Đông, phía Đông Bắc, để tìm hiểu về bất kỳ cuộc tấn công có kế hoạch nào của quân đội tinh nhuệ của họ vào Liên Xô trong tương lai gần. Tôn đã rất khéo léo để có được thông tin cực kỳ chính xác về việc triển khai quân đội, kế hoạch phòng thủ, loại vũ khí, chi tiết về quân số và đơn vị cũng như tên của các tướng lĩnh quân đội.

Tin tức tình báo mà Tôn thu thập được cho biết rằng quân đội của Stalin đã thành công trong việc nghiền nát quân đội Nhật Bản vào tháng Tám năm 1945. Vào ngày 8 tháng Tám, chỉ hai ngày sau khi Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima vào ngày 6, và 1 ngày trước khi họ thả quả bom thứ hai hai ở Nagasaki, Liên Xô tham chiến chống lại Nhật Bản. 80 sư đoàn Liên Xô - nửa triệu người được yểm trợ bởi 26.000 loại vũ khí, 3.700 xe tăng và 500 máy bay - đã khiến quân đội Quan Đông do Tướng Yamada Otozo chỉ huy tan tác thành từng mảnh. Với sự giúp đỡ quan trọng từ các gián điệp Trung Quốc, người Liên Xô cuối cùng đã có thể trả thù cho thất bại của Nga Sa hoàng trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.

Tình tiết này tiết lộ hai sự thật quan trọng: thứ nhất, những người cộng sản Trung Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quốc tế Cộng sản và các cơ quan mật vụ của Liên Xô; và thứ hai, Chu Ân Lai, vào thời điểm Nhật Bản đầu hàng, vẫn nắm quyền kiểm soát đối ngoại, chính trị và tình báo ngoại giao của ĐCSTQ. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Mao, ông đã bị buộc phải nhượng lại cho Khang Sinh quyền kiểm soát các cơ quan phụ trách lực lượng dân quân, phản gián và đàn áp nội bộ. Như chúng ta sẽ thấy, đây là một sự lựa chọn không may khiến ĐCSTQ gần như tự hủy diệt.

KHANG SINH THÀNH LẬP CƠ QUAN MẬT VỤ

Vào ngày 29 tháng Mười Một năm 1937, trong trung tâm thành phố Diên An, với tường rào bao quanh, nơi Mao Trạch Đông đặt đại bản doanh, bỗng trở nên náo nhiệt lạ thường. Người ta chưa từng thấy máy bay bay qua thành phố, nhưng hôm đó một máy bay ném bom Tupolev TB3 từ Moscow đã hạ cánh xuống một đường băng được chọn ngẫu nhiên, đang đông cứng bởi băng tuyết. Trên máy bai có Khang Sinh, Nhà-mật-thám-Vĩ-đại của Trung Quốc; Vương Minh, người mà người Nga muốn áp đặt làm Tổng Bí thư của ĐCSTQ; và hai chuyên gia tình báo Trung Quốc, những người sau này trở thành bộ trưởng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trần Vân và Tăng Sơn. Tất nhiên, chưa kể đến vợ và tình nhân của Khang Sinh, tức là chị em Tào Dật Âu và Tô Mai. Theo chỉ thị nghiêm ngặt của Điện Kremlin, Khang và nhóm của ông, cùng với Mao, đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật ở Diên An.

Một tiểu sử của Tăng Sơn bao gồm một hình ảnh rất đáng chú ý: bức ảnh chụp tất cả các hành khách trên máy bay— ngoại trừ phụ nữ — và ban tiếp đón. Ở trung tâm, Mao, thoải mái và khỏe khoắn, cầm điếu thuốc trên tay, mặc một chiếc áo khoác đã sờn, cài cúc, trên đầu đội mũ chỉ huy Hồng quân. Bên trái oong là Khang Sinh, trong một bộ quaan phucj sang trọng và một chiếc mũ lưỡi trai trang nhã được tô điểm bởi một ngôi sao màu đỏ, có thể nhận ra bằng tư thế của giáo viên và cặp kính gọng thép của trí thức ông. Ở bên phải, Vương Minh, người đàn ông do Nga biệt phái, nhìn ra xa, ngoài khung hình.

Những ngày sau đó, thật bất ngờ khi Khang Sinh nhận được lệnh của Mao tiếp quản quyền lãnh đạo Cục Bảo vệ Chính trị, do Vương Thủ Đạo - một dân quân ở Hồ Nam - chỉ huy đầu từ năm 1935. Vào mùa Hè năm 1938, Khang được lệnh tái cấu trúc và tiếp quản cơ quan mật vụ mới của ĐCSTQ, có tên gọi vô hại là “Bộ Xã hội Trung ương”. Trong tiếng Trung Quốc nó được gọi là Trung ương Xã hội Bộ (中央社会社), hoặc gọi tắt là Trung Xã bộ (中社社) hoặc Xã hội Bộ (社会社); trong tiếng Anh, nó được gọi là SAD. “ĐCSTQ đã hợp nhất tình báo và CI (Phản tình báo) vào Bộ Các vấn đề xã hội vào khoảng năm 1936, nhưng Khang chịu trách nhiệm về cơ cấu tổ chức cuối cùng của bộ này từ sau năm 1938,” Matt Brazil, một chuyên gia Úc về tình báo Trung Quốc giải thích. “Ba tổ chức đã được hợp nhất vào SAD: Chi nhánh Đặc biệt (đã nói ở trên); Cục Bảo vệ Chính trị, cơ quan đảm bảo an ninh cho khu vực hậu phương Đỏ trước cuộc Vạn Lý Trường Chinh và an ninh cho Mao trong thời gian đó; và Văn phòng Cảnh vệ (Baowei chu) chịu trách nhiệm bảo vệ Mao ở [Diên An] và một cơ quan cảnh sát địa phương và cơ quan CI. Dưới thời Khang và cấp phó của ông là Lý Khắc Nông, SAD đã mở rộng ra tất cả các tỉnh mà ĐCSTQ đang giành quyền kiểm soát. SAD có các cán bộ làm an ninh quân sự, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, tình báo quốc tế và tình báo trong nước. Các thành viên của SAD được trả nhiều tiền hơn và có các đặc quyền cũng như quyền tiếp cận thực phẩm mà các thành viên khác trong nhóm không có”.

Nói cách khác, SAD đã phân nhánh theo mọi hướng. Khang Sinh được bảo vệ bởi một nhóm thư ký riêng, “ những người thân tín” của ông: Lý Tiếu, Phù Hạo (1) - đại sứ tương lai tại Nhật Bản - và Triệu Diệu Bân, một tham mưu trưởng đào tẩu sang phe Quốc dân Đảng vào năm 1949. Chị em Tào Dật Âu và Tô Mai đi theo Khang Sinh xung quanh như hai nàng chó cảnh, nhưng cũng để ghi chép hồ sơ với thông tin về tất cả các đồng chí — những mẩu thẻ nhỏ được buộc lại bằng sợi dây leo mà sau này sẽ rất hữu ích cho những người làm công tác lưu trữ của Đảng.

Khang Sinh đầu tiên định đẩy phó giám đốc Lý Khắc Nông, người được coi là “mắt của Chu Ân Lai”, ra khỏi nhóm thân tín. Thoạt nhìn, phương thức tổ chức mà Khang lựa chọn được lấy từ mô hình Liên Xô: Phòng 1 đề cập đến hành chính và nhân sự; Phòng 2, phụ trách tình báo; Phòng 3, phụ trách phản gián; và Phòng 4, phân tích thông tin tình báo. Ngoài ra còn có một bộ phận tổng hợp, một bộ phận của các đơn vị đào tạo sĩ quan. Hai bộ phận đặc biệt bổ sung đã được thiết lập, tương ứng cho an ninh và “bộ phận thực thi” (智四部). Các liên lạc viên bên ngoài được quản lý bởi một đồng chí cũ khác từ Thượng Hải, Phan Hán Niên, người chịu trách nhiệm về các hoạt động liên lạc phức tạp với cơ quan tình báo Nhật Bản, với mục đích thu thập thông tin về Quốc dân Đảng.

Mối quan hệ với Hội Tam hoàng cũng rất khó khăn. Một số hội kín đã bán mình cho người Nhật, chẳng hạn như hội “Ngô Chu Hồng Nhân” (Wu Zhou Hong Men); những nhóm yêu nước nửa vời (chẳng hạn như Thanh Bang ở Thượng Hải), trong khi những nhóm khác vẫn yêu nước và sẵn sàng cộng tác với những người cộng sản. Cuộc Vạn Lý Trường Chinh và việc di chuyển đến Diên An sẽ không thể xảy ra nếu Mao không duy trì một số hội trung thành với Ca Lão hội (Gelaohui), mà các thành viên bao gồm Chu Đức, nhà lãnh đạo quân sự khác của cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và Đặng Thiệu Xương, cha của Đặng Tiểu Bình.

Nhà sử học Hàn Quốc Park Sang-soo, một chuyên gia về các hội kín nông thôn, khẳng định: “Nói cách khác nếu xương sống của Vạn Lý Trường Chinhlà cộng đồng đáng kinh ngạc của người Khách Gia, thì hậu cần của nó được đảm bảo bởi hội kín ‘Ca Lão hội’, mà nhiều hội viên của nó sau này là đảng viên cấp cao của ĐCSTQ”.

Công việc rất nhạy cảm trong việc giải quyết những mối quan hệ này với các hội kín và Hội Tam hoàng rơi vào tay người chỉ huy thứ hai tại SAD, Lý Khắc Nông, người đã đích thân đảm nhiệm khi ông trở về Vân Nam vào năm 1941 sau ba năm được biệt phái như là cấp phó của Chu Ân Lai và với Bát Lộ Quân. Chính Chu đã nhấn mạnh rằng Lý được đưa vào nhóm thân tín của Khang Sinh.

Khang Sinh đã thành lập một trường tình báo tại “Vườn Hẹn hò” (2) để đào tạo các mật vụ và các sĩ quan chính trị của mình. Ngô Đức Phong, hiệu trưởng do Khang bổ nhiệm, đã nhận được chỉ thị để truyền bá đường lối của Đảng: “Chúng ta phải quên những gì chúng ta đã học ở Moscow và phát triển lực lượng tình báo kiểu Trung Quốc của chúng ta”. Trong số các giáo viên của trường có đoàn viên Ngô Đức, thị trưởng Bắc Kinh, người dạy kinh tế, và Trần Vân. Trần Vân, một chiến binh đất Giang Tô, như chúng ta đã thấy, là một thành viên của nhóm điệp viên được tổ chức lại tại Thượng Hải, Teke, sau vụ đào tẩu của ảo thuật gia họ Cố. Sau khi trở về từ Moscow cùng với Khang, ông được giao vai trò quan trọng là Trưởng Ban Tổ chức của ĐCSTQ. Từ năm 1940 trở đi ông phụ trách Nha Kinh tế Tài chính Trung ương. Trần có thể được coi là cha đẻ của hệ thống tình báo kinh tế của các nhà cộng sản Trung Quốc. Sau năm 1949, ông là một trong những kiến trúc sư chính của Kế hoạch 5 năm đầu tiên. Ở phương Tây, có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng người Trung Quốc, không giống như người Nhật, đã không tham gia vào thời kỳ đầu này trong cái mà ngày nay được gọi là “tình báo kinh tế” và gián điệp tài chính-thương mại. Vai trò của Trần đã chứng minh điều ngược lại - rằng phần lớn chiến lược gián điệp của cộng sản đã được dành cho tình báo kinh tế kể từ khi CHND Trung Hoa ra đời.

Dưới thời Khang Sinh, SAD - cơ quan mật vụ mới của ĐCSTQ - xử lý những chi tiết nhỏ nhất của đời sống chính trị và kinh tế, đồng thời duy trì các điệp viên trong quân đội, chính trị, kinh tế và các cơ quan tình báo quốc tế. Trên hết, vào năm 1943, Khang nắm quyền kiểm soát ‘Tiểu ban hoạt động trong lòng địch’, nơi các đặc nhiệm SAD và các sĩ quan tình báo quân đội làm việc. Với sự hỗ trợ của Mao, Khang Sinh không ngừng bành trướng thế lực của mình vượt ra ngoài lực lượng an ninh chính trị. Cái tên thơ mộng “Khu vườn hẹn hò” nhanh chóng được các cán bộ ĐCSTQ sợ hãi như một hang ổ kinh hoàng, đầy ác mộng: không chỉ là trụ sở của Khang, mà nó còn có các phòng thẩm vấn và nhà tù được xây dựng trên sườn đồi đầy đất sét, nơi các nghi phạm bị thẩm vấn cho đến khi họ tuyên án bản tự phê bình của họ và cam kết một lời thú nhận chính thức trên giấy. Điều này sẽ khiến họ, tùy trường hợp, có thể nhận một viên đạn vào sau gáy, hoặc quyền được trình bày tại một “phiên đấu tranh” công khai, trong đó họ sẽ tự buộc tội và chịu đựng sự ngược đãi của công chúng.

Sự mở rộng phạm vi này của Khang tiếp tục: ngày càng tham lam, ông nắm quyền kiểm soát mọi thông tin liên lạc, áp đặt lên đầu tay sai của mình là Lý Cường, cựu giám đốc đài phát thanh bí mật ở Hồng Kông và Thượng Hải. Điều này cho phép ông tiếp cận nội dung của tất cả các báo cáo do các đặc vụ Liên Xô ở Diên An gửi lại về Hồ Nam. Trên đường đi, Khang cũng thành công trong việc khiến Đặng Phát, giám đốc an ninh, bị giáng chức và La Thụy Thanh, giám đốc tình báo quân sự, bị cách chức.

Bằng cách nào đó, ngay từ năm 1938, Khang cũng đã giành được quyền kiểm soát Cơ quan Mật vụ của Hồng quân Trung Quốc. Đây là một điều gì đó nghịch lý, vì ông chưa từng tham gia cuộc Vạn Lý Trường Chinh dài 12.000 km, cũng như chưa từng chỉ huy một đơn vị quân đội nào, không giống như các “thống chế” nổi tiếng Chu Dức, Lâm Bưu, Trần Nghị, Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và La Vinh Hoàn. Cơ quan điệp báo bí mật này, do Diệp Kiếm Anh đứng đầu, là tiền thân của Cục 2 thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân, được đại diện bởi các tùy viên quân sự tại các đại sứ quán trên thế giới, sau khi CHND Trung Hoa thành lập năm 1949.

Các tướng lĩnh quân đội đã thành công trong việc buộc Khang Sinh phải chia sẻ quyền lực đối với cả trung đoàn đồn trú, nơi chịu trách nhiệm bảo vệ Diên An và Cục 2 của Quân ủy Trung ương của Đảng, nơi chỉ đạo chiến lược chiến tranh. Đương nhiên, chính Mao đã chủ trì cuộc họp sau này. Nhưng điều này hầu như không tạo ra sự khác biệt nào, vì Khang Sinh đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại và tiếp tục mở rộng vòng ảnh hưởng của mình. Năm 1943, ông đã giành được quyền kiểm soát các cơ quan tình báo quân đội của hai tập đoàn quân chính, “Bát Lộ Quân” và “Tứ Lộ Quân mới”, những tập đoàn quân này đã nổi bật trong mọi trận chiến lớn chống lại quân Nhật.

Để củng cố vị trí trên tòa nhà quyền lực rộng lớn này ở Diên An, Khang đã phế bỏ hai bậc thầy. Đầu tiên, ông cách ly các đại biểu Liên Xô do mình theo dõi - những người đã đến Trung Quốc với tư cách là mật vụ của Stalin, để báo cáo về tình hình hoạt động của các đồng chí Trung Quốc đang tiến triển. Đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản Peter Vladimirov (tên thật là Vlasov) đã không còn là “con mắt của Moscow” ở Diên An, và hơn thế nữa đã trở thành một con tin. Sau đó, bằng cách liên kết chặt chẽ với Mao, Khang đã ngăn Vương Minh, một người từng sống lưu vong ở Moscow, hạ bệ Mao - điều mà Điện Kremlin muốn. Ông quyết định hạ độc Vương, với một liều lượng thuốc độc nhỏ, giống như trong một truyền thuyết cổ đại nào đó. Khang Sinh, mặc dù đã bị Liên Xô chỉ định ngay từ đầu, nhưng bây giờ đã tích cực chống lại họ.

Đại diện Liên Xô Vladimirov đã giữ một cuốn nhật ký đầy những bí mật trong suốt thời kỳ này. Trong đó, ông phàn nàn về việc bị cách ly đến mức chỉ được phép gặp Khang Sinh và Tiểu Lý, thư ký riêng của ông. Ông hiếm khi đượcgặp Mao. Khang ngày càng chống đối Liên Xô hơn. Vào ngày 4 tháng Hai năm 1943, sau khi vui mừng vì quân Đức đã bị nghiền nát tại Stalingrad, Vladimirov đã ghi lại trong nhật ký của mình:

Tôi đã không nhầm trong những kết luận trước đây của mình. Khang Sinh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng của Chủ tịch. Mao Trạch Đông thờ ơ với những vấn đề thực tiễn của chủ nghĩa xã hội. Ông bị nhồi nhét bởi những câu chuyện không chính xác của Khang Sinh ở đất nước chúng ta; trong trường hợp này đây là nguồn thông tin duy nhất của ông. Về phần Khang Sinh, ông thật sự vui mừng quá đỗi khi vu khống chúng tôi. Ông là kẻ thù truyền kiếp của Liên Xô, ông đã kích động Đảng Bolshevik và không tiếc nỗ lực ngăn cản ĐCSTQ củng cố ý thức hệ.

Trong hơn 500 trang hồi ký, Vladimirov mô tả sự sụp đổ kéo dài đầy bất hạnh của Diên An, cốt lõi của cuộc cách mạng, dưới sự bảo trợ kép của Mao và Khang — những tiết lộ này đều là sự hợp tác đáng ngạc nhiên hơn nữa từ Khang - một cán bộ được nhào nặn trong sự cứng rắn về ý thức hệ của chủ nghĩa Stalin.

Nhiều mâu thuẫn đã xảy ra và Vladimirov không phải là người duy nhất để ý đến chúng. Nhưng Khang Sinh có một thủ thuật khác trong tay mình: “Nữ hoàng của những trái tim”. Kể từ tháng Mười Hai năm 1937, cựu nữ diễn viên điện ảnh được gọi là “Táo Xanh”, người cùng làng với Khang – làng Gia Thành, ở Sơn Đông - và người thậm chí từng bị đồn là tình nhân của ông, đã trở thành một thành viên trong nhóm thân cận của ông. Sau khi gia nhập ĐCSTQ, cô đến Diên An và nàng được Khang giới thiệu với Mao. Mao ngay lập tức bị nàng mê hoặc. Từ đó ông chỉ biết mê mệt nàng; tất cả những người tình khác của ông đều bị ruồng bỏ, và vị trí nàng không hề bị thách thách thức, giống như phi tần yêu thích của hoàng đế đã từng làm trong các thời đại trước đó.

Bất chấp những lời chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Diên An phản đối cuộc hôn nhân của họ, người phụ nữ trẻ nhanh chóng trở thành ‘Mao phu nhân’ thứ ba, được biết đến với tên mới là Giang Thanh. Người vợ thứ hai bất hạnh của Mao, Hạ Tử Trân, đã được gửi đến Liên Xô, nơi bà bị nhốt trong một nhà thương điên dành cho người mất trí. Nhiều phụ nữ khác cùng hoạt động với Mao, kể cả nhà báo người Mỹ Agnes Smedley, cũng bị sa thải.

Hẳn phải nhắc đến một điều rằng Giang Thanh rất ngưỡng mộ Sư phụ Khang, như bà ta gọi là Khang Sinh. Điều này chỉ nâng cao địa vị của Khang với tư cách là ông chủ quyền lực trong bóng tối, vì bà không chỉ là vợ của Mao mà còn là thư ký riêng của Khang, với tầm ảnh hưởng chính trị cũng như cá nhân. Những người duy nhất được phép gặp Mao bất cứ lúc nào dù ngày hay đêm là Khang Sinh và nam thư ký riêng của Mao, người sau này được giao một vai trò quan trọng trong Cách mạng Văn hóa những năm 1960. Người đó là Trần Bá Đạt, người từng đứng đầu bộ phận tuyên truyền của Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ. Quyền hiệu trưởng của trường này sau đó được giao cho không ai khác ngoài chính Khang Sinh.

Năm 1942, Khang, kết hợp tư tưởng của mình với các kỹ thuật trị an của mình, đã phát động một chiến dịch nội bộ với tư cách là người đứng đầu cơ quan mật vụ để thanh trừng những người có ảnh hưởng trong Đảng, bao gồm Vương Minh, người mà Stalin muốn dùng để thay thế Mao. Mục đích của “phong trào chỉnh phong” (zhengfeng) này là tạo ra sự tự phê bình, vu cho là gián điệp, và loại bỏ các phần tử phản cách mạng. Nó gợi lại các cuộc thanh trừng của chủ nghĩa Stalin và các phiên tòa ở Moscow mà Khang đã chứng kiến và tham gia sáu năm trước đó, trong cuộc đàn áp cộng đồng người châu Á tại các trường đại học ở Liên Xô.

Bắt đầu với thế giới khép kín của các nhà văn chỉ trích sự quan liêu của Diên An, chiến dịch đã tập hợp các nhà lãnh đạo chính trị bao gồm Trần Vân, Chu Đức, Diệp Kiếm Anh, Lưu Thiếu Kỳ và một số nhà cộng sản hàng đầu khác của Trung Quốc. Ban đầu, nó tập trung vào các cuộc thảo luận nhóm về “điều chỉnh phong cách làm việc”, và các bài viết của Mao về nghệ thuật và văn học. Nhưng nó cũng báo trước “các phiên đấu tranh” và các phiên tòa công khai và sỉ nhục của Cách mạng Văn hóa, mà các nhà lãnh đạo nổi bật nhất là Giang Thanh, Khang Sinh và Trần Bá Đạt.

KHANG SINH, NGƯỜI PHÁT MINH RA CHỦ NGHĨA MAO

Từ năm 1942 đến năm 1944, được Mao khuyến khích, Khang Sinh bắt đầu săn lùng gián điệp và buộc các phần tử “lệch lạc” của Đảng phải tự phê bình, thay đổi quan điểm tư tưởng và cam kết “cải tạo tư tưởng”. Các nhà văn bị nhắm đến bao gồm Đinh Linh và Vương Sĩ Hà (bị những người cộng sản ám sát năm 1947), trong khi cuộc săn lùng bắt đầu đối với tất cả các cán bộ “đang bị lầm đường” ủng hộ phe đang được Moscow hậu thuẫn thay vì tuân phục Mao.

Khang Sinh tuân theo nguyên lý của chủ nghĩa Lenin rằng “Đảng tự củng cố bằng cách tự thanh trừng”, với việc đổi mới các cuộc họp quần chúng. Vào ngày 8 tháng Sáu năm 1942, ông tổ chức một cuộc biểu tình, trong đó các nhà lãnh đạo khác nhau lên tiếng ủng hộ việc mở rộng chiến dịch [thanh trừng]. Đây có thể được coi là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong lịch sử của chủ nghĩa Mác - sự phát minh ra tệ sùng bái Mao Trạch Đông và sự ra đời của chủ nghĩa Mao.

Vào ngày 16 tháng Mười Hai năm 1942, trong khi các cán bộ đang “đấu tranh” để cải tạo tư tưởng của họ, Khang Sinh đã gây ra sự chú ý tại một cuộc họp ngoài trời, nơi ông tuyên bố rằng sự “lệch lạc” chính trị có liên quan chặt chẽ với việc trở thành một điệp viên.

“Đây là phát hiện tuyệt vời”, ông giải thích bằng giọng the thé của mình. “Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai tội danh gián điệp và khuynh hướng lệch lạc. Một người không phải theo khuynh hướng lệch lạc, như chúng ta đã có xu hướng tin tưởng, tình cờ hay do nhầm lẫn. Điều này chắc chắn mang tính biện chứng, đó là vì người dó là điệp viên Nhật Bản hoặc gián điệp Quốc dân Đảng — hoặc cả hai. Chúng ta phải bắt đầu một cuộc thanh trừng tàn nhẫn để loại bỏ tận gốc hai bệnh dịch này khỏi Diên An, bởi vì bằng cách chiến đấu chống lại khuynh hướng lệch lạc, chúng ta làm suy yếu những âm mưu bí mật của kẻ thù và ngược lại”.

Bài diễn thuyết mang tính tố cáo của Khang đã mở đường cho những vụ lạm dụng kinh hoàng. Khang Sinh đã phát động một triều đại khủng bố ở Diên An và các khu vực khác dưới sự kiểm soát của những người cộng sản, và một loạt các kỹ thuật đàn áp khổng lồ và đa dạng đã vốn vẫn đang được các an ninh chính trị sử dụng vào năm 201 9. Chúng bao gồm việc thành lập “Nhóm kiểm tra vụ án Trung ương” để thảo luận về số phận của nghi phạm, các phương pháp ‘bức cung tín’ (逼供信) buộc một lời thú nhận sai để tạo án nhằm chống lại bị cáo; phương pháp ‘tư tưởng cải tạo’ (思想 改造), cải tạo tư tưởng hoặc tẩy não, cho phép bị cáo nỗ lực sửa chữa tư tưởng sai lầm của họ (điều này sẽ có thời điểm vinh quang trong Chiến tranh Triều Tiên); và cải tạo thông qua lao động cưỡng bức, vốn đã tồn tại trong Hán tự với cái tên ‘lao cải’ (劳改).

Vì Khang Sinh tin chắc rằng ít nhất 30% thành viên trong mỗi tổ chức là gián điệp và những kẻ phản cách mạng, nên các “nhân viên xã hội” của công tác phản gián, như đôi khi họ được gọi vậy, phải tìm cho đủ mức ‘hạn ngạch’ này —cái mà cuối cùng Khang đã dựa vào đó thành lập một hệ thống điều tra, sử dụng các kỹ thuật tra tấn và thẩm vấn, vốn lấy cảm hứng từ truyền thống tra tấn trong suốt hàng thiên niên kỷ của Trung Quốc, được cập nhật bởi chủ nghĩa Stalin của thế kỷ XX nhằm phù hợp với các yêu cầu của thời đại. Trong số các hình thức tra tấn phổ biến mà băng đảng của Khang Sinh thực hiện là “ ‘cắt bằng tre’: dùng gai tre để bẻ gãy móng tay. Chọc đuôi ngựa qua mắt: một sợi lông từ đuôi ngựa cắm vào dương vật; Đi qua một người phụ nữ: nước từ một vòi hẹp được bơm vào âm đạo phụ nữvới áp lực lớn; Đưa cho khách một thức uống: ép xuống cổ họng một lượng nước lớn; sau vài gõ đầu tiên, cơn đau đã trở nên cực kỳ khủng khiếp; Treo bằng ròng rọc: nạn nhân bị dây da buộc vào tay và treo lên; Xông hương: với tù nhân bị treo trên xà bằng cánh tay, nén nhang cháy âm ỉ vào nách; khi rút cây hương ra nạn nhân sẽ bị cháy một mảng da; Kéo xuống đường: người tù bị trói và trói vào đuôi ngựa, rồi bị lôi đến chết vì con ngựa bị quất roi; Tự đào huyệt: người tù tự đào huyệt chôn mình rồi bị đẩy vào trong đó và bị chôn sống.

Có một sự điên rồ trong không khí tại Diên An, như Vladimirov đã lưu ý trong các báo cáo đầy tính cảnh báo mà ông gửi tới Moscow: “Ngày 24 tháng Sáu năm 1943: Các gián điệp của Quốc dân Đảng bị bắt. Có bao nhiêu điệp viên? Và điều gì cho phép Mao Trạch Đông có quyền nghi ngờ bất kỳ người cộng sản nào mắc tội phản quốc? Và nó thuộc loại quyền nào, quyền có trí tuệ tối cao?”.

“Ngày 30 tháng Sáu năm 1943: Khang Sinh thể hiện một thái độ đặc biệt đối với tất cả các loại hành vi mờ ám. Có ấn tượng rằng không có mối nguy hiểm thực sự nào đe dọa các điệp viên thực sự của Nhật Bản, Quốc dân Đảng và các đặc vụ khác trong Khu vực đặc biệt, nếu họ tôn trọng Khang. Có bao nhiêu nhân vật đáng ngờ thuộc mọi phe phái được hưởng sự tự tin và bảo vệ của các lãnh tụ hàng đầu của ĐCSTQ! Nhưng những người cộng sản trung thực không nằm trong số những người mà bộ phận [của Khang] ủng hộ… Khang Sinh không được lòng đảng, nhưng ông cũng đã cài người của mình vào đó. Các báo cáo bí mật cũng như tố cáo thông qua ‘những lời tố giác’ tại các cuộc họp - đây đời cuộc sống nội bộ của ĐCSTQ”.

Vào ngày 6 tháng Chín năm 1943, Mao và Khang Sinh đã phát động một chiến dịch “cải tổ nghiệp vụ gián điệp”, trong đó, như Vladimirov giải thích, “mọi người - dù già hay trẻ - đều bận bịu săn lùng gián điệp hoặc bị lộ diện”. Ở giai đoạn điều tra này, ĐCSTQ đã hết tiền. Tuy nhiên, khi một số nhà lãnh đạo hiểu rằng đã đến lúc phải chấm dứt những hoạt động như vậy, họ rõ ràng có nguy cơ bị cáo buộc là gián điệp. Ngay cả Chu Ân Lai cũng trở nên nghi ngờ trong mắt Khang Sinh. Dù sao thì Chu cũng đã từng tiếp xúc với Quốc dân Đảng ở Trùng Khánh. Có lẽ sự hợp tác của ông đã bắt đầu vào năm 1927, tại Học viện Quân sự Hoàng Phố. Có thể sự phản bội năm 1931 của Cố Thuận Chươngở Thượng Hải trên thực tế không phải là một tai nạn đáng tiếc. Và Chu đang tiếp xúc với Nhóm Quan sát của Quân đội Hoa Kỳ - một phái bộ được Tổng thống Roosevelt cử đến Diên An vào tháng Chín năm 1944 để điều phối cuộc chiến chống lại quân Nhật, được gọi là ‘Nhiệm vụ Dixie’ của Đại tá Barrett.

Tuy nhiên, hầu như không thể tấn công Chu - người có sự ủng hộ toàn diện của cả Mao và Liên Xô. Điều này trở nên rõ ràng sau khi một cú ngã ngựa không may ở Diên An khiến ông phải nhập viện ở Liên Xô - mặc dù điều này không ngăn được SAD tấn công những người trong nhóm của ông, bao gồm cả Tiền Tráng Phi, người từng cứu cả ban lãnh đạo của Đảng bằng cách thông báo cho các lãnh tụ cộng sản tại Thượng Hải về vụ đào tẩu của nhà ảo thuật Cố. Tiền không may bị bắt, bị tra tấn và hành quyết. Chính những yếu tố khiến chuyên gia toán về học này trở thành anh hùng - vì đã xâm nhập vào bộ phận truyền thông của Tưởng Giới Thạch - giờ đây đã chống lại ông. Khang Sinh tin rằng điệp viên hai mang đã trở thành điệp viên tay ba. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tấn công bạo lực nhắm vào người bất hạnh họ Tiền này là do ông đã thực hiện sứ mệnh của mình với tư cách là một trùm cộng sản vào năm 1931 dưới sự chỉ đạo của Trần Vân và Chu Ân Lai, mà Khang Sinh không được thông báo.

Trong khi đó, Chu đã thành công trong việc trả tự do vào phút cuối cho Trần Mộ Hoa, một thành viên của bộ máy ngoại giao mà ông đã thiết lập, người sau này đã nổi tiếng nhờ các hoạt động đối ngoại của bà ở châu Phi, nơi bà thúc đẩy liên kết thương mại và thiết lập chương trình kế hoạch hóa gia đình. Khang buộc tội bà làm gián điệp. Lỗi thực sự của bà là liên hệ với một vị tướng của Quốc dân Đảng. Nhưng Khang đã vượt qua ranh giới đỏ trong dịp này; ông đã tấn công quá nhiều gián điệp và phản cách mạng, thậm chí còn nghi ngờ một trong những người con trai của Mao.

  (còn tiếp)

 *

Nguồn: Roger Faligot (2019). 'Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping'. London: Hurst, 2019.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: