CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (2)

11/ 04/ 2023

CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (2)

Vũ Tường

Nguyễn Trung Kiên dịch (Kỳ 2)

(Kỳ 1)

 

 

THẾ GIỚI QUAN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ý thức hệ và thế giới quan là những khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu này. Ý thức hệ có thể được định nghĩa khái quát là một tập hợp các niềm tin và giả định có hệ thống về bản chất và động lực của nền chính trị, trong khi thế giới quan là những niềm tin và giả định cụ thể hơn về bản chất và động lực của nền chính trị thế giới.[43] Mặc dù ý thức hệ có thể bị ảnh hưởng bởi các lợi ích vật chất, nó thường xác định những lợi ích đó là gì.[44]

Phong trào cộng sản Việt Nam nổi lên vào thập niên 1920 như một nhánh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Ý thức dân tộc hiện đại xuất hiện ở Việt Nam thuộc địa vào khoảng đầu thế kỷ XX.[45] Chủ nghĩa dân tộc chống thực dân không phải là một hiện tượng riêng của Việt Nam mà là một xu hướng toàn cầu trên khắp châu Á vào thời điểm đó.[46] Hầu hết các nhà cộng sản Việt Nam bắt đầu sự nghiệp chính trị của họ đơn giản là vì họ được thúc đẩy bởi mong muốn giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, giống như bất kỳ nhà hoạt động chống thực dân nào khác. Theo thời gian, họ trở thành các nhà cộng sản bằng cách tham gia các mạng lưới này ở nước ngoài hoặc bên trong Việt Nam. Karl Marx, Vladimir Lenin, Josef Stalin và Mao Trạch Đông tạo ra ảnh hưởng vĩ đại nhất đến thế giới quan của các nhà cộng sản Việt Nam. Về bản chất, thế giới quan này mô tả nền chính trị quốc tế về cơ bản là cuộc đấu tranh sinh tử của giai cấp vô sản bị áp bức chống lại những kẻ áp bức tư bản chủ nghĩa của họ, bất kể quốc tịch nào. Giai cấp vô sản đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh lịch sử này vì họ đang đứng trên đỉnh cao của một xu thế lịch sử. Xu thế này sẽ mang lại cho loài người một xã hội tiến bộ về vật chất và đạo đức nhất mà nó có thể từng mong đợi.

Trong thập niên 1920, chủ nghĩa Marx-Lenin không phải là một lý thuyết giáo điều như sau này. Vào thời điểm đó, lý thuyết này vẫn đang nằm dưới ánh hào quang được tạo ra bởi những tuyên bố khoa học và tầm nhìn tiến bộ của nó. Tầm nhìn đó vẫn còn là một thực tế mới và đang diễn ra ở Liên bang Xô-viết non trẻ, nơi có nhiều hứa hẹn đối với những người cộng sản trên toàn thế giới. Như Odd Arne Westad mô tả trong trường hợp của Trung Quốc: “tư tưởng về chủ nghĩa xã hội tại châu Âu thời tiền Xô-viết đã hấp dẫn một số người Trung Quốc bởi sự phản đối chủ nghĩa đế quốc, nhưng chính thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã khiến tâm trí họ trở nên sôi sục”.[47] Người ta có thể cảm nhận được sự phấn khích trong những lời của Trường Chinh, một nhà lãnh đạo và nhà lý thuyết chính của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, người đã mô tả ý nghĩa chủ nghĩa Marx-Lenin đối với ông như sau:

“Chủ nghĩa Marx-Lenin trang bị cho chúng ta một thế giới quan cách mạng, soi sáng trái tim và khối óc của chúng ta, giúp chúng ta tìm ra sứ mệnh và ý nghĩa của cuộc đời mình. Nó giúp chúng ta nắm bắt các quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và của tư duy. Nó đặt chúng ta vào trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập để chúng ta có thể nhìn thấy mọi khía cạnh của sự vật, hiện tượng và tìm ra chân lý. Nó giúp chúng ta nắm bắt được những điều thiết yếu, quan trọng và có ý nghĩa nhất trong thế giới phức tạp này... Nó giúp chúng ta hiểu không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai, giúp chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình đối với cuộc sống. Như vậy, chủ nghĩa Marx-Lenin không làm cho trái tim ta cằn cỗi, không đáp ứng được những điều tốt đẹp ở đời như một số người vẫn nghĩ; ngược lại, nó làm cho chúng ta yêu cuộc sống và yêu con người hơn. Nó nâng đỡ tâm hồn chúng ta và chắp cánh cho những giấc mơ của chúng ta. Nó khiến trái tim của chúng ta trào dâng các lý tưởng cộng sản vĩ đại.”[48]

Trường Chinh, một cái bút danh với nghĩa “cuộc hành quân dài” trong tiếng Việt, đã chỉ rõ xuất thân và sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Ông sinh năm 1906 với tên Đặng Xuân Khu trong một gia đình quý tộc địa phương nhỏ ở miền Bắc Việt Nam, bị đuổi khỏi trường trung học dạy nghề vì tham gia biểu tình tưởng nhớ nhà chí sĩ dân tộc Phan Châu Trinh, và trở thành người cộng sản khi mới ngoài hai mươi tuổi, khi đang bị giam nhà tù thuộc địa.

Như tiểu sử của Trường Chinh gợi ý, chủ nghĩa Marx-Lenin được xây dựng dựa trên những thất vọng về chủ nghĩa dân tộc khi nó xâm nhập vào Việt Nam. Không giống như sự lầm tưởng thông thường về mối quan hệ nhất thiết mang tính đối kháng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin với tư cách là một lý thuyết không chống lại tính dân tộc.[49] Marx và Engels lập luận rằng giai cấp vô sản “phải vươn lên trở thành giai cấp lãnh đạo của quốc gia và tự kiến tạo nên quốc gia”.[50] Trong bối cảnh đó, Lenin hỏi: “Có phải ý thức tự hào dân tộc Đại-Nga xa lạ đối với chúng ta, những nhà vô sản có nhận thức giai cấp? Chắc chắn không! Chúng ta yêu ngôn ngữ của chúng ta và đất nước của chúng ta, chúng ta đang làm hết sức để nâng cao nhận thức về dân chủ và xã hội chủ nghĩa cho khối quần chúng đang làm việc cực nhọc của nó (ví dụ, chín phần mười dân số của nó)”.[49]

Cam kết ủng hộ các phong trào chống thực dân của Moscow chắc chắn đã giúp chuyển đổi chàng tuổi trẻ Hồ Chí Minh và nhiều người Việt Nam khác sang chủ nghĩa cộng sản. Việc chuyển đổi của họ đến lượt mình lại bắt đầu một quá trình suy nghĩ kéo dài, hỗn độn và đầy căng thẳng cho mỗi cá nhân và cho cả phong trào nói chung. Một câu hỏi quan trọng mà người Việt Nam phải đối mặt từ rất sớm liên quan đến mối quan hệ giữa họ và cách mạng thế giới. Cuối cùng, họ đã hình thành được một thế giới quan trong đó cách mạng Việt Nam được hình dung như một bộ phận cấu thành của cách mạng thế giới. Cuộc cách mạng vô sản thành công ở Việt Nam là một bước tiến của cách mạng thế giới, vốn sẽ diễn ra trong từng quốc gia, từng khu vực.

Là một thành tố của cách mạng thế giới chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, cách mạng Việt Nam không chỉ quan tâm đến độc lập dân tộc. Các nhà cộng sản Việt Nam không hy sinh lợi ích quốc gia như đối thủ của họ đã cáo buộc, mà đồng nhất lợi ích đó với các tầng lớp lao động tại Việt Nam và ở những nơi khác. Đối với họ, giải phóng dân tộc là quan trọng nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu tình trạng áp bức và bóc lột giai cấp vẫn tiếp diễn. Các nhà cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng cuộc cách mạng của họ có thể thúc đẩy cả hai nhóm lợi ích, và đó là cách tiếp cận duy nhất để có thể thực hiện điều đó. Câu hỏi chính mà họ phải đối mặt trong suốt cuộc cách mạng không phải để hy sinh các lợi ích cho người khác, mà là làm thế nào để phân chia nhiệm vụ cách mạng vào các mục tiêu nhỏ hơn để đạt được lợi thế chiến thuật tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào.

Do đó, thuật ngữ “quốc gia” đối với các nhà cộng sản Việt Nam đã có thêm một nội dung cụ thể. Định nghĩa về quốc gia của họ dựa trên lợi ích giai cấp cũng chung như ngôn ngữ hoặc dân tộc chung. Chẳng hạn, theo quan điểm của họ về lịch sử dân tộc, các nhà cộng sản Việt Nam không tự hào về mọi thứ thuộc về người Việt Nam; thay vào đó, họ tiếp nhận những truyền thống có thể được coi là được tạo ra và duy trì bởi “các tầng lớp lao động” (chẳng hạn như “các cuộc nổi dậy của nông dân”), và phủ nhận những truyền thống được quy cho “các giai cấp thống trị” (chẳng hạn như văn hóa Nho giáo và sự áp bức phụ nữ).

Về chính trị, các nhà cộng sản Việt Nam coi những người Việt Nam thuộc “giai cấp bóc lột” là một nhóm thiểu số trong cộng đồng quốc gia Việt Nam. Những giai cấp này không đại diện cho quốc gia và cần phải bị loại bỏ mặc dù họ là người thuộc dân tộc Việt. Đồng thời, mặc dù các công nhân Pháp mang quốc tịch Pháp nhưng họ có chung quyền lợi với quần chúng Việt Nam vì cả hai đều bị thực dân và đế quốc Pháp bóc lột, áp bức. Đối với các nhà cộng sản Việt Nam, những người mà chỉ nhìn thấy sự chia rẽ dân tộc Pháp-Việt và mà không nhận thấy sự đoàn kết liên quốc gia giữa các giai cấp công nhân Pháp và Việt Nam đã trở thành nạn nhân của một hình thức chủ nghĩa dân tộc “tư sản” và “hẹp hòi ”.

Khi trở thành những người cộng sản, các nhà cách mạng Việt Nam không phải từ bỏ dân tộc tính của mình mà vẫn có được tư cách thành viên trong tình đồng chí với các nhà cộng sản, các đảng cộng sản và các phong trào cộng sản quốc tế. Theo quan điểm của họ, tình đồng chí không chỉ là một liên minh an ninh hay kinh tế, mặc dù đó là một phần quan trọng.[50] Về mặt khái niệm, tình đồng chí được hiểu là một hình thái vật chất của một hiện tượng lịch sử được gọi là “Thời đại của Cách mạng Tháng Mười [Nga] ”. Nền tảng đạo đức của nó là tinh thần quốc tế vô sản được định nghĩa như là sự đoàn kết giữa các đảng chính trị của giai cấp công nhân trên nhiều cộng đồng quốc gia. Trong điều kiện lý tưởng, các thành viên của tình đồng chí có chung tinh thần vô sản và quyền lợi của giai cấp công nhân không bị rào cản địa lý cản trở và không bị uế tạp bởi tình cảm dân tộc hẹp hòi.

Mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác là nền tảng của chính sách đối ngoại Việt Nam xuyên suốt và sau cuộc cách mạng. Cho đến cuối thập niên 1950, các nhà cộng sản Việt Nam đã tưởng tượng ra tình đồng chí trong điều kiện lý tưởng của nó và bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc và hoàn toàn tin tưởng vào Liên Xô. Họ coi sự lãnh đạo của Liên Xô đối với cách mạng thế giới là một điều kiện lịch sử tất định, không phải là một sự mâu thuẫn với các nguyên tắc bình đẳng thể hiện trong tình đồng chí. Giới lãnh đạo Liên Xô không bắt buộc các quốc gia nhỏ hơn phải phục tùng Moscow, cũng như không coi các quốc gia nhỏ hơn này ở vị trí thấp kém hơn. Tuy nhiên, thái độ của các nhà lãnh đạo cộng sản chủ chốt của Việt Nam đối với Mátxcơva đã thay đổi sau cuộc xung đột Trung-Xô vào đầu thập niên 1960. Họ liên minh với Mao và lên án chính sách chung sống hòa bình của Khrushchev là đi chệch khỏi sứ mệnh của cách mạng thế giới. Tuy nhiên, họ cũng không tán thành những nỗ lực của Mao trong việc thành lập một Quốc tế Cộng sản mới vốn có thể báo hiệu sự chia rẽ chính thức trong khối Xô-viết. Vượt lên quan điểm lý tưởng hóa, họ trở nên thực tế hơn trong thái độ của mình trong khi vẫn trung thành với chủ nghĩa quốc tế.

Mặc dù mối quan hệ giữa quốc gia Việt Nam cộng sản và những người anh em của nó không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nhưng điều đáng chú ý là lòng trung thành kiên định với chủ nghĩa quốc tế. Cho dù mang tính hoang tưởng, thực tế, hoặc tự lấy mình làm trung tâm, trong toàn bộ quá trình này, những các nhà cộng sản cách mạng Việt Nam không bao giờ tưởng tượng đến việc phá bỏ tình anh em. Mặc dù họ mong được các nước anh em giúp đỡ, nhưng nói rằng họ liên minh với các nước anh em chỉ để mong được giúp đỡ về vật chất sẽ là một sự sỉ nhục đối với họ.

Mức độ sâu sắc của cam kết của họ đối với tình anh em là rất rõ ràng bởi sự đối lập với thái độ dành cho các nước đang phát triển không phải là quốc gia cộng sản. Một mặt, các nhà cách mạng Việt Nam thể hiện tình đoàn kết và duy trì các mối quan hệ với các dân tộc và phong trào ở các nước bị đô hộ và lệ thuộc. Trong tư tưởng của họ, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân châu Âu và chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã tạo thành một mặt trận lớn của cách mạng thế giới. Họ kiên quyết ủng hộ tiến trình phi thực dân hóa và xây dựng các mối quan hệ thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau với các thuộc địa cũ, bao gồm cả những nước như Ấn Độ, nơi phong trào dân tộc chủ nghĩa “tư sản” dẫn đầu quá trình phi thực dân hóa. Đổi lại, sự ủng hộ cách mạng từ các dân tộc bị áp bức khác trên khắp thế giới đã tạo động lực rất lớn cho người Việt Nam.

Mặt khác, các mối quan hệ của nước Việt Nam cách mạng với các nước được gọi là thuộc “Thế giới thứ Ba” không sâu rộng như với các nước anh em trong khối cộng sản. Người Việt thấy ít có lợi ích khi học hỏi từ các nước kém tinh thần cách mạng hơn họ. Trung Quốc và các nước trong khối Xô-viết, chứ không phải các quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba khác, là nơi họ cử hàng nghìn sinh viên và cán bộ đến học tập. Trong thập kỷ đầu tiên sau khi lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã sao chép khá trung thực các thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế của Liên Xô và Trung Quốc - từ Hiến pháp năm 1936 của Stalin đến sự sùng bái cá nhân của ông, từ cải cách ruộng đất đến tập thể hóa, và từ kế hoạch hóa tập trung đến mối bận tâm xây dựng công nghiệp nặng - dưới tên gọi của các tổ chức cụ thể như báo ‘Sự thật’ [‘Pravda’ trong tiếng Nga], báo ‘Nhân dân’ [‘Nhân dân nhật báo’ của Trung Quốc ], Đoàn Thanh Niên Công Sản [Komsomol hay Liên đoàn Cộng sản Thanh niên của Liên Xô], và hộ khẩu [từ Trung Quốc]. Những sự vay mượn này không nên được hiểu là cho thấy tiếng Việt không có khả năng tư duy độc lập và nguyên gốc. Thay vào đó, họ truyền tải sự nhiệt tình của mình về những ý tưởng cách mạng tiên tiến nhất vào thời điểm đó và tham vọng hiện thực hóa những ý tưởng đó trong bối cảnh lịch sử ít có lợi cho những ý tưởng đó hơn nhiều so với Liên Xô hay Trung Quốc.

Nếu không ghi nhận đầy đủ nhân tố Việt Nam, sẽ khó đánh giá được sự phong phú trong tư tưởng và trí tưởng tượng của họ bao hàm ý nghĩa cuộc sống, lịch sử xã hội loài người, những quan niệm mới về dân tộc và thế giới, và vị trí của Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng toàn cầu. Thế giới quan của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam không hoàn thiện ngay từ đầu mà phát triển theo thời gian khi lý tưởng của họ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Về mặt cá nhân, họ không thông thạo lý thuyết Marx-Lenin một cách đồng nhất, và họ cũng không luôn đạt được sự đồng thuận về cách giải thích các khái niệm cách mạng cụ thể. Là một nhóm cách mạng, thế giới quan có hệ thống và cấp tiến của họ đã phân biệt sâu sắc họ với những người khác trong phong trào chống thực dân, cũng như định hình một cách mạnh mẽ quỹ đạo của cách mạng Việt Nam.

VAI TRÒ CỦA Ý THỨC HỆ TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ý thức hệ đóng ba vai trò lớn trong cách mạng Việt Nam. Vai trò đầu tiên của ý thức hệ là nó được sử dụng như một tài liệu hướng dẫn hoặc như một chiếc la bàn. Ý thức hệ xác định nhiệm vụ của cách mạng không chỉ là độc lập dân tộc mà còn là những sự biến đổi xã hội và những đóng góp cho cách mạng thế giới. Ý thức hệ đã cung cấp cho các nhà cách mạng Việt Nam một tầm nhìn rõ ràng về tương lai dưới dạng một xã hội theo mô hình của hệ thống Xô-viết. Tầm nhìn đó đã giúp họ kiên định với viễn cảnh dài hạn và vượt qua những thử thách ngắn hạn. Ý thức hệ cung cấp cho họ chiếc ống nhòm để giải thích và diễn giải các sự kiện thế giới cách xa hàng ngàn dặm và ít tác động trực tiếp đến Việt Nam. Trong suốt cuộc cách mạng của họ, ý thức hệ đã giúp các nhà cộng sản Việt Nam nhận định về bản chất và xu hướng của chính trị thế giới và về hành vi của các quốc gia nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Ngoài ra, ý thức hệ Lênin-nít coi chiến tranh như là sự bành trướng của cách mạng. Trong một số tình huống, điều này gợi ý các chiến lược chiến tranh đặc biệt chú trọng đến việc huy động quần chúng trong việc triển khai các đơn vị chủ lực. Nếu không có khái niệm Lênin-nít về tương quan lực lượng, Hà Nội có thể đã bị tấn công bởi hỏa lực khổng lồ của Hoa Kỳ.

Không phải lúc nào ý thức hệ cũng giúp các nhà cách mạng Việt Nam đi đúng hướng, và thậm chí người ta có thể cho rằng nó thường xuyên khiến họ hiểu sai về các sự kiện thế giới. Ví dụ, cách giải thích của họ về hành vi của Hoa Kỳ thường quá giáo điều và tiêu cực. Việc họ sử dụng các khái niệm Lênin-nít trong việc vạch ra các chiến lược chiến tranh đã gây ra những tính toán sai lầm và tổn thất nghiêm trọng cho các lực lượng cách mạng trong Tết Mậu Thân (1968). Trong giai đoạn sau 1975, họ hoàn toàn hiểu sai về tình hình thế giới. Sự trung thành về ý thức hệ đã tạo ra kẻ thù ở khắp nơi một cách không cần thiết. Niềm tin của họ vào mô hình Stalin-nít đã gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế Việt Nam. Chế độ ngày nay đã mất tính chính danh vì Đảng Cộng sản vẫn bám vào một học thuyết lỗi thời. Vấn đề là: Ý thức hệ đã gây ảnh hưởng và giúp các nhà cách mạng Việt Nam giải thích nhiều quyết định của mình, nhưng không giúp xác định thành công hay thất bại của chúng trong bất kỳ nỗ lực cụ thể nào. Niềm tin ý thức hệ mãnh liệt rằng lịch sử và công lý đứng về phía họ chỉ đơn giản là mang lại cho các nhà cách mạng sự can đảm (hoặc sự liều lĩnh vô ích, từ một góc độ khác) để chống lại những kẻ thù trong và ngoài nước đầy hùng mạnh – dù là kẻ thù thực sự hay kẻ thù tưởng tượng - trong khi các khái niệm do ý thức hệ hình thành tạo cho họ một số công cụ để hoạt động nhưng kết quả lại được hình thành bởi nhiều yếu tố khác.

Vai trò thứ hai của ý thức hệ là đóng vai trò như một sợi dây liên kết các thành viên trong phong trào cộng sản trong nước và quốc tế. Ở trong nước, đó là chất keo ràng buộc các Đảng viên với nhau, rõ ràng nhất là trong giai đoạn trước khi nắm quyền. Chỉ cần họ thực sự tin tưởng vào ý thức hệ, công tác truyền bá ý thức hệ đã làm say mê các Đảng viên và giúp họ kiên trì đối mặt với khó khăn, gian khổ. Các nguyên lý ý thức hệ bộc lộ rõ ràng về tổ chức của Đảng, chính sách về đảng viên, các quy trình hoạt động tiêu chuẩn của Đảng và cách truyền đạt của Đảng tới quần chúng (tuyên truyền). Về đối ngoại, ý thức hệ đã liên kết các nhà cách mạng Việt Nam với một mạng lưới xuyên quốc gia gồm các nhà nước và phong trào có chung niềm tin vào cùng một ý thức hệ. Trong giai đoạn trước khi nắm quyền lực, mạng lưới này đã cung cấp thông tin, đào tạo, hỗ trợ và sự bảo vệ khỏi các mật thám Pháp. Mạng lưới này đã giải cứu phong trào Việt Nam sau khi nó gần như bị tiêu diệt bởi sự đàn áp của thực dân vào năm 1931 và năm 1940. Mạng lưới này tạo động lực cho các nhà cách mạng phối hợp chiến lược của họ với phong trào cộng sản và công nhân thế giới để tận dụng các nguồn lực sẵn có.

Một lần nữa, ý thức hệ không phải lúc nào cũng hữu ích, và tạo ra nhiều vấn đề cho cách mạng Việt Nam cũng nhiều như những lần nó giúp ích. Trong suốt thập niên 1940, các nhà cộng sản Việt Nam nhận được ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ từ mạng lưới xuyên quốc gia của các phong trào công nhân và cộng sản. Mạng lưới này chỉ đơn giản là phớt lờ Đông Dương và để mặc nó cho chủ nghĩa đế quốc. Nếu Liên Xô thua Đức thì cách mạng Việt Nam sẽ thất bại. Tương tự như vậy, nó sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn nếu những người cộng sản Trung Quốc thua trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc đại lục. Sự sụp đổ của hệ thống mạng vào cuối thập niên 1980 đã góp phần kết thúc hiệu quả cách mạng Việt Nam.

Suốt thập niên 1960, ý thức hệ là nguồn gốc của xung đột phe phái gay gắt tại Hà Nội và giữa Bắc Việt Nam và các đồng minh của nó. Ý thức hệ đã cổ vũ cho chủ nghĩa bè phái bởi vì chủ nghĩa Marx-Lenin đủ rộng lớn để được giải thích theo nhiều cách. Sự bất đồng ý thức hệ với Matxcơva và Bắc Kinh đã tạo ra một khó khăn đáng kể cho Hà Nội, bởi cuộc cách mạng cần sự ủng hộ của cả hai đảng anh em này. Sự bất đồng ý thức hệ khủng khiếp trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam suốt thập niên 1960 có thể đã phá hủy cuộc cách mạng. Một lần nữa, điểm đáng chú hơn là: ý thức hệ được gắn trong sự tổ chức của Đảng Cộng sản và trong mạng lưới xuyên quốc gia đã có ích cho các nhà cách mạng Việt Nam ở một số khía cạnh, nhưng cuối cùng đã không giúp họ thành công.

Vai trò thứ ba của ý thức hệ trong cách mạng Việt Nam là trở thành công cụ cốt yếu để xây dựng một nhà nước liên kết chặt chẽ. ”Chuyên chính vô sản” đã biện minh cho việc tập trung quyền lực trong các cơ quan nhà nước, đồng thời bạo lực không ngừng và có hệ thống đã được thực hiện để chống lại những kẻ phản cách mạng. Các nguyên lý ý thức hệ được triển khai nhằm tái cấu trúc xã hội theo tầm nhìn Stalin-nít mà các nhà cách mạng Việt Nam ấp ủ. Chẳng hạn, cải cách ruộng đất đã sử dụng các nguyên lý ý thức hệ để phân loại dân cư nông thôn và khiến người dân trong cùng một làng chống lại nhau; trong quá trình này, Đảng có thể mở rộng quyền kiểm soát của mình xuống cấp thôn làng. Ý thức hệ đã tạo ra những biện minh để nhà nước kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế. Các luận điểm ý thức hệ mạnh mẽ hoặc có tính sáng tạo, dù được hình thành tại địa phương hay vay mượn từ mạng lưới xuyên quốc gia của các phong trào cộng sản và công nhân, đều cung cấp nội dung cho việc tuyên truyền hiệu quả của nhà nước. Sự truyền bá ý thức hệ là một công cụ có hệ thống để tạo ra sự tuân phục nhà nước trong dài hạn.

Tuy nhiên, ý thức hệ đã hỗ trợ xây dựng nhà nước với sự tốn kém về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Khi nhà nước mở rộng sự kiểm soát quan liêu, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng. Mỗi làn sóng cải cách nông nghiệp và cải cách nền kinh tế theo hướng xóa bỏ tư bản chủ nghĩa diễn ra triệt để (1953-1956, 1958-1960, 1976-1978) đều dẫn tới các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Những nỗ lực có hệ thống và kiên trì của các cấp chính quyền cách mạng nhằm thúc đẩy và thực thi niềm tin giáo điều vào chủ nghĩa Marx-Lenin đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển của khoa học, tư tưởng và văn hóa. Khi giới lãnh đạo miễn cưỡng từ bỏ kế hoạch hóa tập trung và hợp tác xã nông thôn vào cuối thập niên 1980, Việt Nam là nước nghèo thứ ba và là một trong những nước bị áp bức nhất ở Đông Nam Á.

Xét về đường lối cụ thể và định hướng chung về đối ngoại của Việt Nam, ý thức hệ đóng vai trò trung tâm trong quyết định quyết định gia nhập khối Xô-viết năm 1948 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Nếu các nhà cách mạng Việt Nam không phải là những người cộng sản, thì họ đã không đã đưa ra quyết định đó. Những cân nhắc về mặt ý thức hệ sau đó đã góp phần vào quyết định của VNDCCH về việc chấp nhận các Hiệp định Geneva. Hơn nữa, các nguyên nhân ý thức hệ giải thích tại sao VNDCCH đứng về phía Trung Quốc trong xung đột Trung-Xô, nhưng lại không ủng hộ đề xuất của Bắc Kinh hình thành một Quốc tế Cộng sản mới trong những năm 1963-1964, bất chấp lời đề nghị viện trợ đáng kể của Bắc Kinh. Niềm tin mang tính ý thức hệ vào sự thống nhất của phe xã hội chủ nghĩa đã khiến Hà Nội lên án những nỗ lực của Nam Tư, Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc vào nhiều thời điểm khác nhau trong việc theo đuổi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của riêng họ. Chính niềm tin này đã thúc đẩy Hà Nội nỗ lực cứu khối Xô-viết khi nó đang hấp hối. Ý thức hệ là nhân tố chính trong việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1990 và sự tôn trọng của Việt Nam đối với Trung Quốc kể từ đó. Do đó, những bằng chứng có nguồn gốc rõ ràng và mang tính quy nạp cho thấy ý thức hệ là rất quan trọng trong suốt cuộc cách mạng Việt Nam và là không thể thiếu cho việc giải thích chính sách đối ngoại quan trọng và định hướng chung của quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Những chính sách này có thể mang tính nhìn xa trông rộng hoặc bị nhầm lẫn, và các mối quan hệ đối ngoại có thể có lợi hoặc bị bất lợi đối với lợi ích quốc gia của Việt Nam, nhưng sự ảnh hưởng của ý thức hệ là không thể phủ nhận.

Tất nhiên, ảnh hưởng đó tăng giảm theo thời gian. Trong toàn bộ tiến trình cách mạng, các thập niên 1940 và thập niên 1980 là hai giai đoạn khi mà ảnh hưởng này đã đã giảm xuống. Trong cả hai thời kỳ này, cuộc cách mạng đều mong manh ở trong nước và bị cô lập trên trường quốc tế. Trong thập niên 1940, Đảng đã tan rã sau cuộc nổi dậy thất bại vào năm 1940. Trong thập kỷ đó, Đảng đã bị cô lập phần lớn khỏi cuộc cách mạng thế giới. Trong thập niên 1980, Việt Nam trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nghiêm trọng, bị phương Tây cấm vận kinh tế và bị hầu hết các nước trong Liên Hợp Quốc cô lập về mặt ngoại giao. Nếu các sự kiện quốc tế và trong nước tạo động lực cho chủ nghĩa thực dụng, thì những thay đổi trong sự lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tiết ý thức hệ trong cả hai thời kỳ. Một sự lãnh đạo mới từ ương của Đảng đã được thành lập ở Bắc Việt Nam vào năm 1941, với sự trở lại của Hồ Chí Minh. Tương tự, thập niên 1980 chứng kiến sự chuyển đổi dần dần từ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ sang Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh. Cần lưu ý rằng, trong cả hai thời kỳ, cách mạng Việt Nam hoàn toàn không tách rời khỏi chủ nghĩa chính thống giáo điều do Moscow chỉ đạo. Trong thập niên 1940, Hồ và Trường Chinh đã tuân theo chính sách của Quốc tế Cộng sản rằng những người cộng sản phải hợp tác với các nhà dân tộc chủ nghĩa để đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát-xít. Trong thập niên 1980, những nhà cải cách Việt Nam như Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh đã đi theo Gorbachev cho đến năm 1988. Tuy nhiên, khi họ nhận ra rằng Gorbachev đã đi chệch khỏi đường lối chính thống, họ cho rằng ông là kẻ phản bội và ủng hộ cuộc đảo chính (thất bại) chống lại ông.

ĐỀ CƯƠNG CỦA CUỐN SÁCH

Trong Chương 1, tôi trình bày cách chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam và các nhà cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu đã phát triển hiểu biết của họ về khái niệm cách mạng như thế nào. Chương 2 lần theo những bước phát triển của phong trào cộng sản Việt Nam qua thập niên 1930, chặng cuối của sự kết tinh một tầm nhìn cách mạng. Việc đạt được sự thống nhất về tầm nhìn cấp tiến trong giới lãnh đạo phong trào cho thấy mâu thuẫn ý thức hệ, đặc biệt là giữa Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của ông, đã bị phóng đại nhiều trong các nghiên cứu hiện có.

Thập niên 1940 là một thời kỳ quan trọng khi các nhà cộng sản Việt Nam giành chính quyền, tổ chức nhà nước và trở thành một thành viên của khối Xô-viết. Chương 3 sẽ cho thấy rằng, ngay cả khi đang theo đuổi sự nhìn nhận về ngoại giao từ Hoa Kỳ và đàm phán hòa bình với Pháp, họ vẫn cố gắng thu hút sự chú ý và ủng hộ của các đồng chí Liên Xô và Trung Quốc vốn không quan tâm đến họ. Bằng chứng được trình bày trong chương này bác bỏ rõ ràng giả thuyết “cơ hội bị bỏ lỡ” vốn phổ biến trong các tài liệu về Chiến tranh Việt Nam.

Trong Chương 4, tôi chuyển sang thập niên 1950 và thảo luận về việc lòng trung thành đối với ý thức hệ có thể đã định hình các quyết định quan trọng của Đảng như thế nào. Chương 5 tập trung vào cuộc tranh luận ý thức hệ giữa các lãnh tụ Việt Nam vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 để đối phó với sự chia rẽ Trung-Xô. Các sự kiện từ cuối thập niên 1960 đến cuối Chiến tranh Việt Nam được phân tích trong Chương 6. Trong giai đoạn này, các tư tưởng và chính sách của Việt Nam bắt đầu phản ánh cái mà tôi gọi là “chủ nghĩa quốc tế tiên phong”. Các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn cam kết sâu sắc đối với chủ nghĩa quốc tế trong khi ngày càng trở nên tự mãn và thể hiện một niềm tự hào quốc gia đầy tự tin rằng Việt Nam là đội tiên phong của cách mạng thế giới.

Trong suốt thời kỳ hậu chiến, các chiến thắng tàn lụi và những bi kịch được tích tụ. Trong Chương 7, tôi lập luận rằng chủ nghĩa quốc tế tiên phong là nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam không tận dụng được trật tự thế giới thuận lợi sau chiến thắng của những người cộng sản năm 1975. Chương 8 nghiên cứu thập niên 1980, thập niên đã chứng kiến sự phát triển của quan hệ Xô-Việt. Việc Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô vào giữa thập niên 1980 đã giúp phe do Trường Chinh đứng đầu kích động sự ủng hộ đối v cải cách kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn và sự sụp đổ sắp xảy ra của các chế độ cộng sản Đông Âu vào năm 1989 đã làm cho các lãnh tụ Việt Nam hoảng sợ. Họ tố cáo Gorbachev và tìm cách liên minh với Trung Quốc để cứu chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Cách mạng Việt Nam đã kết thúc một cách hiệu quả vào cuối thập niên 1980 khi mô hình chủ nghĩa Stalin bị từ bỏ ở trong nước, khối Liên Xô tan rã và một số lãnh đạo cao nhất của Đảng qua đời trong vòng vài năm. Tuy nhiên, các di sản của ý thức hệ đã tỏ ra khá lâu bền. Như đã thảo luận trong Chương 9, quan điểm về ‘sự đấu tranh giữa hai khối’ đối với nền chính trị thế giới vẫn còn mạnh mẽ trong nền chính trị Việt Nam ngày nay bất chấp sự xuất hiện của các thế giới quan khác. Vai trò trung tâm của ý thức hệ xuyên suốt cuộc cách mạng Việt Nam mang lại nhiều ý nghĩa cho các cuộc tranh luận học thuật sẽ được thảo luận trong phần kết. Những cuộc tranh luận này liên quan đến Chiến tranh Việt Nam, và chính trị thời kỳ cách mạng và hậu cách mạng.

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: