CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (3)

12/ 04/ 2023

CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (3)

Vũ Tường

Nguyễn Trung Kiên dịch (Kỳ 3)

(Kỳ 1, Kỳ 2)

LƯU Ý VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ CÁC NGUỒN TÀI LIỆU

Trong cuốn sách này, tôi sử dụng phương pháp quy nạp và phân tích diễn ngôn để luận giải thế giới quan của các nhà cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ chính mà tôi đặt ra là theo dõi các tư tưởng của họ theo thời gian thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt chú ý đến cách sử dụng các khái niệm chính để giải thích thực tế và khẳng định lập trường chính sách đối ngoại. Trong suốt nghiên cứu này, tôi liên kết ý thức hệ với các chính sách cụ thể, nhưng trọng tâm thực sự là quan hệ đối ngoại rộng lớn. Không phải tất cả các chính sách đối ngoại đều có thể được giải thích trực tiếp bằng lòng trung thành với ý thức hệ, cũng như không thể liên kết chúng với các cuộc tranh luận về ý thức hệ.[53] Khi có thể, tôi tìm cách chứng minh những vấn đề ý thức hệ nào đang bị đe dọa và chúng đã được tranh luận như thế nào trước khi đưa ra các chính sách. Theo thời gian, có thể nhận thấy một khuôn mẫu rõ ràng cho thấy các nhà cộng sản Việt Nam không chỉ trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin mà còn hành động dưới sự hướng dẫn của chủ nghĩa này, bất chấp và bên cạnh đó họ còn quan tâm đến các yếu tố khác.

Tôi sống tại nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những năm 1975-1990 và được tiếp xúc với rất nhiều tuyên truyền của nhà nước suốt thời kỳ từ trung học đến đại học. Tuyên truyền đã thâm nhập vào đời sống của giới trẻ và người già tại Việt Nam không chỉ ở trường học, tại nơi làm việc mà còn thông qua hệ thống truyền thông công cộng phổ biến khắp nơi, tin tức và bài hát cách mạng phát hàng ngày từ sớm đến khuya. Mặc dù hồi đó tôi không có lựa chọn nào khác, nhưng sự tiếp xúc này đã khiến tôi đắm chìm trong diễn ngôn chính trị rằng Việt Nam đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng, dạy tôi những quy tắc và cấu trúc của nó, đồng thời rèn luyện đôi tai của tôi để nhạy cảm với những thay đổi tinh vi trong đó. Kinh nghiệm cũng có giá trị ở chỗ tôi đã trực tiếp trải nghiệm diễn ngôn đó khi nó được sử dụng trực tiếp cùng với hàng triệu người Việt Nam khác, thay vì chỉ tiếp cận nó thông qua các văn bản lưu trữ. Nếu diễn ngôn đó nghe có vẻ cổ hủ đối với hầu hết những người nói tiếng Việt ngày nay, thì vào thời điểm đó, diễn ngôn này vẫn còn sống động, vẫn còn sôi sục những đam mê đầy thô sơ và uy quyền đầy mạnh mẽ. Sống, hay thậm chí người ta có thể nói là thở trong diễn ngôn cách mạng hàng ngày một cách liên tục và ngày càng mạnh mẽ trong suốt mười lăm năm đã giúp tôi tự tin về khả năng đánh giá đúng sức mạnh của nó cũng như những giới hạn của nó trong nền chính trị Việt Nam.

Tất nhiên, kinh nghiệm không thể thay thế cho bằng chứng dựa trên văn bản. Khi mối quan tâm của tôi đối với chủ đề này tăng lên trong thập kỷ qua, tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, mỗi lần vài tuần, để thực hiện các cuộc phỏng vấn và thu thập tài liệu cho dự án này. Cụ thể, tôi đã tiến hành nghiên cứu tại Cục Lưu trữ Quốc gia III ở Hà Nội trong vòng một năm từ năm 2002 đến năm 2003 và một lần nữa vào năm 2013. Tôi cũng đã đọc nhiều loại báo được xuất bản từ thập niên 1920 đến 2000 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội.

Nếu không có các nguồn tài liệu mới xuất hiện từ Việt Nam kể từ thập niên 1990, nghiên cứu này sẽ không thể thực hiện được. Nguồn tài liệu quan trọng nhất của cuốn sách này là năm mươi tư tập ‘Văn Kiện Đảng Toàn tập’ do Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trong thời kỳ 1998-2007. Nguồn này bao gồm khoảng 40.000 trang tài liệu do các Đảng bộ trung ương và địa phương biên soạn và bao trùm bảy mươi năm lịch sử Đảng, từ năm 1924 đến nm 1995. Mặc dù một số tài liệu trong các tập này đã được phát hành trước đó dưới dạng ít hoàn chỉnh hơn, nhưng hầu hết các tài liệu lần đầu tiên được cung cấp cho các nhà nghiên cứu. Điểm mạnh chính của nguồn tài liệu này là phạm vi rộng và sự đa dạng của các loại văn bản, không chỉ bao gồm các phân tích và chính sách của Đảng ở trung ương mà còn cả việc thực hiện ở địa phương, không chỉ về chính trị mà còn cả kinh tế, tuyên truyền và văn hóa. Một điểm mạnh khác của bộ sưu tập này là độ rộng của phạm vi mà nó đề cập đến; các bộ tuyển tập trước đó thường bao gồm một giai đoạn cụ thể của cuộc cách mạng. Các nghị quyết và báo cáo chính trị của hầu hết các cuộc họp của Ủy ban Trung ương trước thập niên 1980 đều được đưa vào, cho phép tôi theo dõi tư tưởng của các nhà lãnh đạo Đảng xuyên thời gian mà không bị ngắt quãng. Đối với thời kỳ thuộc địa khi Đảng hoạt động bí mật, bộ sưu tập bao gồm nhiều tài liệu có được từ các kho lưu trữ của Nga và Pháp.

Không nghi ngờ gì nữa, bộ sưu tập này chỉ đại diện cho một phần nhỏ của kho lưu trữ của Đảng, vốn vẫn bị hạn chế đối với hầu hết các nhà nghiên cứu. Một giới hạn khác của nguồn tài liệu này là thuộc tính được ban hành chính thức của các tài liệu mà nó công bố. Nói chung, đây không phải là nơi để tìm kiếm thông tin về sự tương tác không chính thức trong nội bộ lãnh đạo cao nhất, cũng như không nói nhiều về sự khác biệt trong quan điểm của từng cá nhân lãnh đạo về các chính sách cụ thể. Tuy nhiên, ý định của tôi không phải là viết một lịch sử theo sự kiện về cách mạng Việt Nam. Chúng tôi quan tâm chủ yếu đến những suy nghĩ chính thức và tập thể của các nhà lãnh đạo Đảng về thế giới, bao gồm hình ảnh về bản thân họ và hình ảnh của họ về các quốc gia khác, giới hạn của mối quan tâm đó không bị hạn chế bởi nguồn tài liệu này.

Chắc hẳn các tài liệu trong bộ sưu tập này đã được chỉnh sửa trước khi xuất bản. Mức độ chỉnh sửa rất đa dạng: các tài liệu trước 1975 dường như chỉ được chỉnh sửa nhẹ; những vấn đề trước năm 1945 hầu như không bị chỉnh sửa. Như tôi đã giải thích ở những chỗ khác, việc xuất bản những tập sách này là chưa từng có trong lịch sử Việt Nam cộng sản.[54] Quyết định xuất bản chúng phản ánh nỗi sợ hãi và lo lắng của thế hệ lãnh đạo thứ hai của Việt Nam, những người không tham gia nhiều vào cuộc cách mạng và những người cần mượn tính chính danh của những người tiền nhiệm bằng cách tiết lộ, càng nhiều càng tốt, bảy thập kỷ hồ sơ của Đảng để công chúng xem. Việc xuất bản các tập sách, như Bộ Chính trị đã giải thích trong quyết định của mình, không chỉ để chứng minh quá khứ cách mạng của Đảng mà còn cả những đóng góp của Đảng đối với dân tộc, không chỉ những thành công của Đảng mà còn cả (một số) thất bại của nó. Ví dụ, khối lượng tài liệu được công bố trong giai đoạn 1940-1945, bao gồm một phần đặc biệt với nhiều tài liệu về việc huy động đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, chứ không phải để tiến hành đấu tranh giai cấp. Tập năm 1948 có một tài liệu lần đầu tiên cho thấy Bộ Chính trị đã cho phép thực hiện một tỷ lệ quy địa chủ (1 trên 1.000 người) cho chiến dịch giảm tô. [55] Tài liệu này rất có ý nghĩa vì nó nói rõ rằng các vụ giết người hàng loạt đã được tính trước. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng biết điều gì đang xảy ra, và nói chung không thể đổ lỗi về sự thái quá cho những người nông dân địa phương nhiệt thành. Những ví dụ này cho thấy rằng, ít nhất ở một mức độ nào đó, những người biên tập các tập sách đã cam kết thực hiện nhiều mục tiêu của dự án và không biên tập chúng chỉ đơn thuần để phóng đại các niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và tư cách lãnh đạo của Đảng.

Loại nguồn thứ hai cung cấp thông tin trực tiếp cho nghiên cứu này bao gồm rất nhiều tờ báo, tạp chí, sách, nhật ký cá nhân và hồi ký của Việt Nam được xuất bản trong bảy thập kỷ qua ở Việt Nam.[56] Các ấn phẩm này phong phú về mọi loại thông tin, từ chính trị cao cấp đến đời thường. Những tờ báo được xuất bản vào thập niên 1930 hoặc trước đó rất hữu ích để hiểu được chủ nghĩa cộng sản được miêu tả và tiếp nhận như thế nào ở Đông Dương thuộc Pháp. Từ năm 1945 đến năm 1946, những người cộng sản vẫn chưa kiểm soát các phương tiện truyền thông và tôi đã có thể tiếp cận hàng chục tờ báo được xuất bản bởi các nhóm có mối quan hệ chính trị khác nhau. Các học giả hiếm khi sử dụng một số tờ báo của những cộng sản, chẳng hạn như ‘Việt Nam Độc Lập’ và ‘Sự Thật’, mặc dù đây là những tờ báo chính trong thập kỷ quan trọng 1942-1950. Trong thập kỷ này, khi mục đích trọng tâm trong chính sách của những người cộng sản là để hỗ trợ Đồng minh (1942-1945) và huy động đoàn kết dân tộc và giành độc lập (toàn bộ thời kỳ), sự cổ xúy cho những lý tưởng cộng sản được tìm thấy trong những tờ báo này ở cả hai hình thức tinh vi và công khai, với bằng chứng về các cam kết sâu sắc.

Nhiều cuốn nhật ký cá nhân của những người đương thời, từ các nhà lãnh đạo cộng sản đến các nhà văn và các chiến sĩ, đã được xuất bản trong vòng một thập kỷ qua và đặc biệt tiết lộ về suy nghĩ của người dân thời đó. Nhật ký của các chiến sĩ cộng sản đã hi sinh ở miền Nam Việt Nam nói lên những cam kết về ý thức hệ của họ, bên cạnh lòng yêu nước.[57] Đáng chú ý, một số tác giả của những cuốn nhật ký này như Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc xuất thân từ những giai cấp bị nghi ngờ ở miền Bắc Việt Nam cộng sản, và niềm tin ý thức hệ và sự hy sinh cá nhân của họ cho một chế độ thường xuyên coi thường sự phục vụ của họ là minh chứng xác thực không thể nghi ngờ về sức mạnh của ý thức hệ trong xã hội.[58] Nhật ký của họ không thảo luận về bất kỳ quyết định chính sách đối ngoại nào, nhưng quan hệ đối ngoại của Việt Nam cộng sản không phải do các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nó tạo ra. Ở cấp độ rộng hơn, những mối quan hệ liên quan đến các cuộc chiến tranh đẫm máu trong nhiều thập kỷ được hình thành trên mồ hôi và máu của hàng triệu người.

Hồi ký của những người tham gia các sự kiện lớn là một nguồn quan trọng khác cho nghiên cứu này. Một số hồi ký của các quan chức cao cấp, ví dụ như của Trần Quỳnh và Trần Quang Cơ đã hầu như không được sử dụng bởi các học giả trước đây, mặc dù chúng đã tồn tại trên mạng Internet trong nhiều năm. Những hồi ký này cung cấp thông tin có giá trị về các chính sách cụ thể mặc dù chúng cần được đánh giá cẩn thận để giảm bớt các lý do biện minh có thể có của các tác giả về các chính sách trước đây. Phần lớn các hồi ký cung cấp thông tin về nghiên cứu này thuộc một loại khác: chúng thuộc về các quan chức cấp trung và các nhà cách mạng cũ, những người chưa bao giờ nắm quyền hoặc từ lâu đã không được chế độ ủng hộ. Những ví dụ như Trần Đình Long, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Kiến Giang, Trần Đĩnh, Nguyễn Văn Trân, Trần Thư, Bùi Tín, Hoàng Hữu Yên, và những người khác. Một lần nữa, mục đích chính không phải để tìm kiếm thông tin về các quyết định chính sách đối ngoại cụ thể mặc dù một số hồi ký có chứa thông tin như vậy. Thay vào đó, các cuốn hồi ký rất hữu ích để hiểu được những người khác ngoài các nhà lãnh đạo cao nhất đã suy nghĩ và nói chuyện một cách thân mật về ý thức hệ và chính trị như thế nào.

Mặc dù không hữu ích trực tiếp cho cuốn sách này, nhưng một nguồn tài liệu mới có ý nghĩa từ Việt Nam đáng được đề cập đến. Đây là hàng triệu trang tài liệu lưu trữ của các cơ quan chính phủ thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1975 được đặt tại Cục Lưu trữ Quốc gia III ở Hà Nội. Các tài liệu cụ thể về chính sách đối ngoại thường không có trong kho lưu trữ này, mặc dù các tài liệu về quan hệ đối ngoại thì có. Tuy nhiên, bộ sưu tập hiện có cho thấy sự không thể tranh cãi đối với những cam kết của lãnh tụ Việt Nam đối với việc phát triển chủ nghĩa xã hội ở trong nước, mặc dù nhiều lần thất bại.[59] Riêng bộ sưu tập này cho thấy rằng họ là những nhà cách mạng thực sự với cam kết dành cho việc xây dựng xã hội không tưởng không ít hơn so với Stalin và Mao. Toàn bộ tài liệu lưu trữ này đã được xác thực và củng cố những gì tôi tìm thấy trong các nguồn tài liệu khác.

Hầu hết các lập luận trong nghiên cứu này được tạo ra bằng cách kết hợp các nguồn tài liệu khác nhau. Một ví dụ hữu ích ở đây để cho thấy cách các nguồn kết hợp giúp đánh giá các tuyên bố hoặc vấn đề gây tranh cãi nhất định. Năm 1958, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm cho người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai, trong đó về cơ bản đồng ý với yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ các ghi chép này, không rõ liệu Đồng đã hành động theo ý mình và không chịu áp lực của Trung Quốc hay không.[60] Tuy nhiên, ý định thực sự của Đồng có thể được thăm dò bằng cách kiểm tra chéo ba nguồn khác. Thứ nhất, báo ‘Nhân Dân’, tờ báo của Đảng, dịch và xuất bản thông báo đầy đủ Chu Ân Lai về tuyên bố của Trung Quốc hai ngày sau khi nó đã được thực hiện, trong khi thông báo của Đồng được xuất bản tám ngày sau đó, cùng với tin tức về cuộc biểu tình khổng lồ tại Hà Nội để ủng hộ Trung Quốc.[61] Sẽ khó để lập luận rằng những động thái mang tính xúi giục và công khai đó đã được thực hiện dưới áp lực. Nguồn tài liệu thứ hai cung cấp bối cảnh hữu ích cho ghi chú của Đồng là cuốn nhật ký cá nhân được xuất bản gần đây của Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính và một lãnh đạo cấp cao của Đảng cho đến thập niên 1950. Trong nhật ký của mình, Hiến bày tỏ sự vui mừng khi nghe tin quân cộng sản Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ tay người Pháp vào tháng 5 năm 1950 (Hoàng Sa cũng đã được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền). Hiến nghĩ rằng việc Trung Quốc tiếp quản sẽ giúp cách mạng Việt Nam tiến lên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; ông không nêu ra bất kỳ vấn đề chủ quyền nào. [62] Vẫn còn một nguồn khác: sách giáo khoa ‘Địa lý Thế giới’ được sử dụng ở VNDCCH trong thập niên 1950 được dịch nguyên văn từ sách giáo khoa của Trung Quốc bao gồm các bản đồ thể hiện đầy đủ đường chín đoạn về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. [63] Ba nguồn tài liệu không loại trừ hoàn toàn khả năng Đồng hành động đơn thuần vì tình đoàn kết hoặc một áp lực ngoại giao tinh vi nào đó đã được tạo ra. Tuy nhiên, chúng cùng chỉ ra khả năng lớn hơn là Đồng và các đồng chí của ông tin tưởng coi Trung Quốc là anh em và chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc mà không có bất kỳ điều kiện hạn chế nào.

 

*

 

CHƯƠNG 1

SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG, 1917 - 1930

Hồ Chí Minh, người đã trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, là một trong những người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Lenin. Sau này ông nhớ lại:

“Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tán thành theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái ‘cẩm nang’ đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái ‘cẩm nang’ thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.[64]

Sinh ra với cái tên Nguyễn Sinh Cung (hay Côn) vào khoảng năm 1890, Hồ đã được đi học chính thức một chút từ khi còn nhỏ và trở thành một nhà hoạt động chính trị vào cuối Đại chiến thế giới lần thứ Nhất khi sống ở Pháp.[65] Con đường từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lenin của ông là trải nghiệm chung của nhiều nhà cộng sản Việt Nam, như trường hợp của Trường Chinh. Như Hồ từng thừa nhận, có được niềm tin vào chủ nghĩa Lenin không phải là sự kết thúc mà chỉ là sự khởi đầu của một con đường mới. Phải mất nhiều thời gian và công sức ông mới nắm bắt được đầy đủ các tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Con đường cách mạng là một cuộc vật lộn về trí tuệ, hệt như cuộc vật lộn về thể chất của Nguyễn Ái Quốc (hoặc Quắc hay Kwak trong một số phiên bản), tên mà Hồ đang sử dụng vào thời điểm đó. Có thể quan sát cuộc đấu tranh tinh thần này qua các bài viết của ông: đầu tiên ông thể hiện sự hiểu biết đơn giản và máy móc về khái niệm cách mạng thế giới, nhưng dần dần ông đã bộc lộ một tri thức sâu sắc hơn.

Đến đầu thập niên 1930, Đảng Cộng sản mà Quốc đã thành lập dưới sự hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản đã xác định được tầm nhìn rõ ràng và vững chắc về cuộc cách mạng của họ như một thành tố của cách mạng thế giới. Theo tầm nhìn này, cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: giai đoạn “dân chủ tư sản” và giai đoạn “vô sản”. Giai đoạn đầu nhằm lật đổ sự cai trị của người Pháp, tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất, và sự hình thành của một quốc gia dựa trên một liên minh bộ ba của công nhân, nông dân và binh lính, nhưng với sự lãnh đạo độc tôn của công nhân. Giai đoạn thứ hai sẽ đưa Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thế giới quan Mác-xít – Lênin-nít thống nhất chứ không chia rẽ giữa Quốc và các đồng chí của ông. Họ đều chia sẻ một tình yêu sâu sắc đối với Liên Xô như một phòng thí nghiệm của cách mạng. Họ không nhìn thẳng vào một số vấn đề, nhưng sự bất đồng của họ phản ánh không phải là sự khác biệt trong thế giới quan của họ hoặc lòng trung thành của họ với Quốc tế Cộng sản, mà là thời điểm bắt đầu tham gia phong trào, trình độ học vấn chính thức và năng lực tiếp nhận lý thuyết của cá nhân, và khả năng tiếp cận kịp thời thông tin từ Quốc tế Cộng sản.

“TIẾN HÀNH CÁCH MẠNG QUỐC GIA TRƯỚC, SAU ĐÓ TIẾN HÀNH CÁCH MẠNG THẾ GIỚI”

Vào đầu thế kỷ XX, hệ thống thuộc địa của Pháp ở Việt Nam đã được củng cố và sắp được mở rộng nhanh chóng.[66] Trong ba thập kỷ tiếp theo, chính quyền thực dân tiếp tục xâm nhập sâu vào các làng quê Việt Nam để thực thi quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên cho một nền kinh tế tư bản đang phát triển. Ở nhiều vùng của thuộc địa, tình trạng nông dân không có đất trở nên phổ biến hơn, và sự bóc lột của nhà nước thông qua thuế, lao động cưỡng bức và bắt giam trở nên hiệu quả hơn.

Trái ngược với bối cảnh phát triển thuộc địa ấy là việc thành lập một hệ thống trường học chính thức dạy tiếng Pháp và các môn học khác, việc sử dụng rộng rãi ngôn ngữ mẹ đẻ của Việt Nam là ‘Quốc ngữ’, và sự xuất hiện của công chúng biết đọc.[67] Tương tự như các thuộc địa khác, những xu hướng này đã thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại.[68] Trước thời khắc chuyển giao thế kỷ, vũ trụ quan đối với hầu hết người Việt Nam là không gian văn hóa Đông Á lấy Trung Quốc làm trung tâm. Những tư tưởng từ bên ngoài phạm vi đó hầu như được hấp thụ qua phương tiện ngôn ngữ và thế giới quan của Trung Quốc. Kiến thức về tiếng Pháp đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho thanh niên Việt Nam từ thập niên 1920 trở về sau. Nó không chỉ mang lại những khái niệm mới mà còn liên hệ trực tiếp với các phong trào xã hội và chính trị châu Âu thời đó.

Thuật ngữ được Việt hóa, “cách mạng”, theo nghĩa hiện đại của nó, đã được du nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản và Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ,[69] nhưng không có bằng chứng nào về việc người Việt biết về Marx và Lenin trước Cách mạng Nga năm 1917.[70] Các bài báo trên báo chí tiếng Việt về cuộc cách mạng đó có thể được lấy từ các nguồn của Pháp và Trung Quốc và nhìn chung là không mấy thiện cảm. Ví dụ, tờ ‘Nam Phong’ một tạp chí song ngữ Việt/Trung, ca ngợi chính phủ Kerensky và mô tả các đối thủ của họ, bao gồm cả Lenin, là “tham nhũng” và “bán nước” cho Đức để lấy tiền. [71] Thuật ngữ “Bolshevik” được dịch sang tiếng Việt là “quá khích” [cực đoan].[72] Sau đó, trong một phân tích mở rộng về chính trị Nga, ‘Nam Phong’ đưa tin rằng đảng của Lenin ủng hộ việc sử dụng bạo lực để buộc “những nhà tư bản hùng mạnh” phải nhân nhượng nhiều quyền hơn cho người dân.[73] Đồng thời, những người Bolshevik phản đối chiến tranh, tin rằng điều đó sẽ chỉ có lợi cho các nhà tư bản. ‘Nam Phong’ chỉ trích khuynh hướng bạo lực của những người Bolshevik và sự “phản bội Đồng minh” và “làm ô nhục quốc gia (Nga)” bằng cách ký một hiệp định hòa bình với Đức-Áo”.[74]

Ngược lại, các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Pháp và miền Nam Trung Quốc đã hoan nghênh Cách mạng Nga. Tuy nhiên, họ làm vậy vì những lý do khác nhau. Đặc biệt, các nhà cách mạng lão thành của Việt Nam hy vọng có được sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô hoặc rút ra những bài học thực tế từ cuộc Cách mạng Nga. Phan Bội Châu, nhà cách mạng lỗi lạc nhất lúc bấy giờ và là người trước đó đã từng tìm kiếm sự trợ giúp của Nhật Bản để chống Pháp, đã đến gặp quan chức Liên Xô tại Bắc Kinh vào năm 1920 để hỏi về khả năng hỗ trợ đưa sinh viên Việt Nam sang học tập tại Liên Xô. Ông mô tả thái độ của các quan chức Xô-viết là “thân thiện và trung thực”.[75] Họ hứa sẽ đài thọ mọi chi phí cho những sinh viên quan tâm với điều kiện những sinh viên đó phải tin vào chủ nghĩa cộng sản và cam kết tiến hành cách mạng ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Phan Bội Châu không bộc lộ phản ứng của mình đối với lời đề nghị này nhưng sau đó đã không diễn ra cuộc tiếp xúc nào. Một năm sau, ông viết một bài báo đăng trên tạp chí quân sự Trung Quốc ca ngợi Lenin là một nhà chiến lược cách mạng tài ba.[76] Mặc dù ông ghi nhận chính phủ Xô-viết đã thành lập chính phủ đầu tiên của công nhân và nông dân [chính phủ Lao Nông], nhưng hầu như ông rất ấn tượng, không phải với chủ nghĩa cộng sản, mà với sự thành công của những người Bolshevik trong việc giành chính quyền. Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng kỳ cựu khác cùng thế hệ với Phan Bội Châu, cũng phản ứng như vậy. Trong bức thư gửi Nguyễn Ái Quốc năm 1922, Phan Châu Trinh bày tỏ sự ngưỡng mộ chung đối với cuộc cách mạng năm 1917, nhưng với ông bài học chính từ cuộc cách mạng này là người cách mạng chỉ có thể thành công nếu hoạt động ở trong nước (chứ không phải ở nước ngoài). [77]

Cũng như Phan Bội Châu, sự quan tâm của Nguyễn Ái Quốc đối với cuộc cách mạng Bolshevik bắt nguồn từ sự ủng hộ của Lenin đối với nền độc lập thuộc địa. Không giống như Phan, Quốc cố gắng hiểu chủ nghĩa cộng sản bằng cách nghiên cứu lý thuyết và bằng cách tham gia vào phong trào cộng sản.[78] Quá trình cực đoan hóa này được ghi lại trong các bài viết của ông. Quốc rời những người xã hội chủ nghĩa để gia nhập những người cộng sản ở Pháp vào năm 1920, sau khi đọc và bị thuyết phục bởi luận cương của Lenin về vấn đề thuộc địa. Trong suốt các tác phẩm của mình vào đầu thập niên 1920, Quốc bị ám ảnh bởi chủ nghĩa thực dân và tội ác của nó đối với người dân của mình. Nhưng quan điểm của ông ngày càng trở nên quốc tế hóa và chịu ảnh hưởng bởi khái niệm Lênin-nít. [79]

Ví dụ, trong một bài báo xuất bản năm 1921, Quốc đã trích dẫn các nhà tư tưởng Trung Quốc như Khổng Tử và Mạnh Tử để lập luận rằng sẽ dễ dàng hiện thực hóa chủ nghĩa cộng sản ở châu Á hơn ở châu Âu.[80] Theo ông, việc huy động lao động và quyền sở hữu công cộng về đất đai đã phổ biến ở các xã hội châu Á từ thời cổ đại, điều này sẽ khiến họ dễ tiếp thu những tư tưởng và thể chế cộng sản hơn. Bài báo này có lẽ đơn giản được viết để gia tăng sự ủng hộ của giới cánh tả châu Âu với các cuộc cách mạng ở các thuộc địa, nhưng nó tiết lộ sự hiểu biết nông cạn của Quốc về chủ nghĩa Marx.

Tuy nhiên, đến năm sau, Quốc đã hiểu rõ hơn về học thuyết này. Giờ đây, ông đã có thể hiểu cơ sở xã hội của chủ nghĩa cộng sản và phân biệt chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc. Ở các thuộc địa, ông phàn nàn rằng:

“người ta không hiểu đấu tranh giai cấp là gì, lực lượng giai cấp vô sản là gì cả, vì một lẽ đơn giản là ở đó không có nền kinh doanh lớn về thương nghiệp hay công nghiệp, cũng không có tổ chức công nhân. Trước con mắt người dân bản xứ, chủ nghĩa bônsêvích – danh từ này vì thường được giai cấp tư sản dùng đến luôn, nên đặc sắc hơn và mạnh nghĩa hơn – có nghĩa là: hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả”.[81]

Quá trình cực đoan hóa về trí thức được đẩy mạnh sau khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô vào tháng Sáu năm 1923 theo lời mời của Quốc tế Cộng sản.[82] Các tác phẩm của ông lúc này chủ yếu tập trung vào chủ đề đấu tranh giai cấp. Một trong các chủ đề yêu thích của ông là các phong trào công nhân trên khắp thế giới.[83] Ông cũng chú ý đến các vấn đề giới và chủng tộc trên tại các quốc gia.[84] Ông đã đi từ việc tố cáo chủ nghĩa thực dân đến việc phát động các cuộc tấn công rộng rãi vào “các nền văn minh” của Pháp và Hoa Kỳ.[85] Trong một bài báo có tiêu đề “Hành hình kiểu Linsơ: Một phương diện ít người biết của nền văn minh Hoa Kỳ”, Quốc đã đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản về chế độ nô lệ và bày tỏ tình đoàn kết với người Mỹ da đen. Bài báo bao gồm các mô tả bằng hình ảnh về một số trường hợp ‘hành hình kiểu Linsơ’, một số hình như được dịch từ các tờ báo Mỹ. Đoạn văn dưới đây, mô tả cao trào của một vụ hành hình, thể hiện tài năng viết lách nhạy bén của Quốc và cảm xúc mãnh liệt của ông về sự bất công đối với người da đen:

“Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sưng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. Ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà [da trắng] rạch nát mặt người đó ra… [Sau khi họ đốt cháy thi thể của người da đen,] trên mặt đất nhày nhụa mỡ [bị đốt cháy] và [không gian tràn ngập] khói. [Để lại đằng sau] một đầu lâu đen, nát bét, bị thui cháy, không ra hình thù gì nữa, nhǎn nhó một cách đáng sợ và hình như muốn hỏi vầng dương đang lặn rằng: “Đó là [hành động] vǎn minh ư?”.[86]

Trong thời gian viết báo và tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản, Quốc cũng đã được đào tạo tại trường Đại học dành cho Người cần lao của phương Đông.[87] Chính phủ Xô-viết thành lập trường đại học này vào năm 1921 để đào tạo các thanh niên nước ngoài về chủ nghĩa cộng sản và khoa học cách mạng. Quốc đã đặc biệt ấn tượng với sự đa dạng về quốc tịch của sinh viên trong trường, phần lớn trong số đó đến từ tầng lớp lao động. [88] Trong lớp học, ông mô tả: “các thanh niên của 62 quốc gia ngồi cạnh nhau như những người anh em ”. Họ không chỉ học tập mà còn giúp đỡ công việc ở các nông trại. Họ sống thoải mái khi nhà trường trả tiền phòng, tiền ăn, quần áo và thậm chí còn cho họ một ít tiền tiêu vặt. Họ được hưởng một cuộc sống tri thức phong phú với việc tự do sử dụng thư viện và rạp chiếu phim. Mặc dù họ bị từ chối các quyền tự do chính trị ở nước mình, họ vẫn được mời tham gia quản lý trường học và thậm chí bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương, giống như các công dân Xô-viết. Quốc say sưa kêu gọi “những người anh em ở các nước bị đô hộ” so sánh “nền dân chủ tư sản” với “nền dân chủ vô sản”. [89]

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng cuộc sống ở Liên Xô luôn dễ chịu đối với Quốc. Thư khố của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva vẫn còn lưu giữ một bức thư mà ông viết cho Bí thư Cục Phương Đông của Quốc tế Cộng sản sau khi sống chín tháng ở Moscow.[90] Bức thư yêu cầu giúp đỡ trong việc giải quyết với phòng quản lý nhà ở, nơi đe dọa sẽ đưa ông ra tòa nếu ông không trả số tiền 40 rúp và 35 kopeck mà ông bị cho là đang nợ. Quốc giải thích rằng không phải ông lơ đễnh, mà ông chỉ trả 5 rúp mỗi tháng cho tiền thuê nhà (thay vì toàn bộ tiền thuê, có lẽ như một cử chỉ phản đối?), bởi ngôi nhà ông sống quá ồn ào với bốn hoặc năm người thuê và giường ngủ đầy rệp khiến ông mất ngủ nhiều đêm.

Tuy nhiên, lũ sâu bọ đầy khó chịu, các căn hộ chật chội, và các quy tắc cứng rắn không làm giảm sự ngưỡng mộ của Quốc đối với Liên Xô. Như ông hồi tưởng lại khoảng 20 năm sau:

“Có những kẻ cho nước Nga là một địa ngục. Có những người thì bảo nước Nga là một thiên đường. Đối với [tôi], nước Nga nhất định không phải là một địa ngục, nhưng lúc bấy giờ cũng chưa phải là một thiên đường mà là một nước đang xây dựng có nhiều ưu điểm, nhưng tất nhiên chưa kịp sửa chữa hết những khuyết điểm. Đây đó, người ta còn thấy những vết thương do chiến tranh để lại như những cảnh trẻ mồ côi, thiếu nhà ở, thiếu lương thực, v.v. Song những vết thương đang được hàn gắn dần dần. Khắp nơi, người ta phấn khởi, hy sinh, hăng hái làm việc... [tôi] không quên đây là một nước đã trải bốn năm chiến tranh thế giới và một năm nội chiến... [Tôi] không quên so sánh nước Nga mà cuộc cách mạng đang tiến tới với nước Việt Nam bị nô lệ đã mấy mươi năm”.[94]

Nếu chúng ta có thể tin Quốc, ông không bị ấn tượng bởi mức độ giàu có của Liên Xô cũng như điều kiện xã hội của nó. Đúng hơn, chính lòng nhiệt thành của người dân Xô-viết và những hứa hẹn của cuộc cách mạng đã khiến ông say mê.

Khi Quốc đến miền Nam Trung Quốc vào cuối năm 1924 để làm đặc vụ cho Quốc tế Cộng sản tại Đông Nam Á, hiểu biết lý thuyết của ông đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Trong ba năm tiếp theo, Quốc lãnh đạo Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (sau đây gọi tắt là 'Thanh Niên'), một nhóm cách mạng do ông thành lập. Hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Thanh Niên đã tuyển chọn những hội viên đầu tiên trong số những người Việt Nam lưu vong và tổ chức đưa thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu để đào tạo cách mạng.

(còn tiếp)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: