CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (4)

13/ 04/ 2023

CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (4)

Vũ Tường

Nguyễn Trung Kiên dịch (Kỳ 4)

(Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3)

 

 

Khi Quốc đến miền Nam Trung Quốc vào cuối năm 1924 để làm đặc vụ cho Quốc tế Cộng sản tại Đông Nam Á, hiểu biết lý thuyết của ông đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Trong ba năm tiếp theo, Quốc lãnh đạo Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (sau đây gọi tắt là 'Thanh Niên'), một nhóm cách mạng do ông thành lập. Hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Thanh Niên đã tuyển chọn những hội viên đầu tiên trong số những người Việt Nam lưu vong và tổ chức đưa thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu để đào tạo cách mạng.

Với tư cách là người huấn luyện, Quốc đã biên tập báo ‘Thanh Niên’ và là tác giả của cuốn sách nhỏ có tựa đề ‘Đường Kách mệnh’. Cuốn sách nhỏ này là bài phân tích lý thuyết đầu tiên và công phu nhất của Quốc cho đến thời điểm đó. Nó mở đầu bằng câu châm ngôn nổi tiếng của Lenin rằng “không có lý thuyết cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. [92] Quốc giải thích “cách mạng” nghĩa là gì và kêu gọi người Việt Nam theo mô hình của cách mạng Nga.[93] Phân tích cách Quốc giải thích khái niệm cách mạng trong cuốn sách nhỏ này là chìa khóa để hiểu thế giới quan về chủ nghĩa Lenin vừa hình thành của ông.

Quốc sử dụng lý thuyết Marx-Lenin - như ông hiểu - để đề xuất một phương pháp phân loại bao gồm ba loại cuộc cách mạng - đó là, các cuộc cách mạng ”tư bản”, “dân tộc” và “trên cơ sở giai cấp”.[94] Theo Quốc, các cuộc cách mạng tư sản là do mâu thuẫn giữa tư bản và địa chủ; các cuộc cách mạng dân tộc là do xung đột giữa một quốc gia bị áp bức và một quốc gia áp bức; và các cuộc cách mạng trên cơ sở giai cấp là do xung đột giữa các nhà tư bản và công nhân-nông dân. Đặt cạnh nhau ba cuộc cách mạng tư sản, dân tộc và dựa trên giai cấp, Quốc tiếp tục phân biệt giữa cuộc cách mạng dân tộc và thế giới. ”Cách mạng thế giới” được định nghĩa như là sự đoàn kết của nông dân và công nhân thuộc mọi quốc gia và chủng tộc trên thế giới “để lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, làm cho tất cả các quốc gia hạnh phúc, [và] tạo ra một thế giới đại đồng”.[93] Cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới khác nhau vì tất cả các tầng lớp xã hội đoàn kết chống lại chính quyền quốc gia đã tạo nên sự kiện trước đây, trong khi giai cấp vô sản của tất cả các quốc gia lãnh đạo sự kiện sau. Quốc tiếp tục:

“Nhưng hai cách mệnh ấy vẫn có quan hệ với nhau. Thí dụ: An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và [ngược lại nếu] công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau". [96]

Một số bài báo của Quốc viết trước đó trên báo ‘Thanh Niên’ một cách máy móc coi tiến hành cách mạng dân tộc là nhiệm vụ đầu tiên của phong trào cộng sản Việt Nam và tiến hành cách mạng thế giới là nhiệm vụ thứ hai khác với nhiệm vụ thứ nhất.[97] Trong “Đường Kách Mệnh”, những gợi ý đã xuất hiện một quan điểm năng động và tinh vi hơn, hợp nhất cách mạng dân tộc với cách mạng dựa trên giai cấp và với cách mạng thế giới. Mạch tư duy vẫn trôi chảy; có lúc Quốc vẫn cố gắng phân biệt các cuộc cách mạng dân tộc và cách mạng dựa trên giai cấp với cách mạng thế giới, nhưng ở những điểm khác, cách mạng thế giới được coi là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều thành phần cả về bản chất (vấn đề dân tộc và giai cấp) và địa lý (An Nam và Pháp).

Quá trình phát triển tư tưởng này rất có ý nghĩa vì ban đầu Quốc chỉ quan tâm đến mối quan hệ thuộc địa giữa Việt Nam và Pháp, nhưng giờ đây đã tiến gần hơn đến một thế giới quan trong đó mối quan hệ đó là một phần của những mối quan hệ khác, cơ bản hơn. Sự tách biệt hoặc ngăn cách giữa các loại cách mạng khác nhau trong tâm trí ông là bằng chứng cho thấy sự chấp nhận hoàn toàn hoặc triệt để đối với thế giới quan của chủ nghĩa Marx-Lenin, trong khi sự hợp nhất của các cuộc cách mạng đó đánh dấu một bước nhảy vọt về mặt khái niệm đối với nhận thức về sự phục tùng hoàn toàn về mặt tinh thần đối với thế giới quan đó. Trong thập niên 1940, Quốc vẫn chủ trương ủng hộ tính ưu việt của cách mạng dân tộc so với cách mạng dựa trên giai cấp ở Việt Nam, nhưng lập luận đó chỉ được hình thành trên phương diện chiến thuật. Về mặt khái niệm, Quốc không còn phân biệt giữa chúng. Như sẽ thấy trong phần tiếp theo, những nhà cách mạng trẻ hơn và được giáo dục tốt hơn sẽ thực hiện các bước tiếp theo để trình bày rõ ràng sự hợp nhất khái niệm đó một cách mạnh mẽ hơn.

“CÁCH MẠNG VIỆT NAM LÀ MỘT THÀNH TỐ CỦA CÁCH MẠNG THẾ GIỚI”

Nguyễn Ái Quốc đến miền Nam Trung Quốc vào thời điểm thuận lợi. Một loạt các sự kiện đã khiến nền chính trị Việt Nam trở nên cấp tiến sâu sắc và chuẩn bị cho việc chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Trước đó vài năm, chính quyền thực dân đã thả nhiều chính trị phạm nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, những người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung Việt Nam. Những nhà lãnh đạo lớn tuổi này đã nhanh chóng phục hồi mạng lưới chống thực dân đang nằm im của họ, và sự trở lại của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên đang hoạt động chính trị.[98] Cơ hội cho những hoạt động như vậy mở rộng với tốc độ phát triển nhanh chóng của báo chí ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1920 và với các cuộc bầu cử được tổ chức cho các Viên Dân Biểu. Cuộc cải cách được thực hiện bởi Alexander Varenne – Toàn quyền Đông Dương mới (1925-1928), mặc dù hạn chế, cũng đã góp phần hình thành nên bối cảnh chính trị cởi mở hơn.[99] Là một lãnh tụ của Đảng Xã hội Pháp, Varenne đã tìm cách kiềm chế sự bạo ngược của chế độ thực dân ở Đông Dương.

Ngay khi môi trường chính trị nóng lên, nó đã bị xáo trộn bởi hai sự kiện cụ thể: một là việc Phan Bội Châu bị bắt ở Trung Quốc và vụ án xử ông ở Hà Nội năm 1925, và hai là việc Phan Châu Trinh từ Pháp trở về Việt Nam và qua đời sau đó vào năm 1926. Hai sự kiện này đã làm dấy lên sự phẫn nộ lớn của quần chúng và gây ra nhiều cuộc biểu tình tự phát của sinh viên chống lại chế độ thực dân. Hàng trăm học sinh bị đuổi học vì tham gia biểu tình; nhiều người sẽ sớm tham gia các nhóm chính trị bí mật.[100]

Nhờ một môi trường tốt đẹp như vậy, ‘Thanh Niên’ đã thu hút được nhiều hội viên ở trong nước, thông qua việc truyền bá vào Việt Nam hoặc thông qua việc đào tạo trực tiếp cho những thanh niên di cư bất hợp pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng ‘Thanh Niên’ không phải là nguồn duy nhất của những tư tưởng cấp tiến cho các thanh niên Việt Nam. Khi Tôn Dật Tiên tổ chức lại Quốc dân Đảng Trung Quốc (Guomindang hoặc GMD) và chuẩn bị để khởi động một chiến dịch quân sự để thống nhất Trung Quốc, chủ nghĩa tam dân của ông (vốn chịu ảnh hưởng phần nào bởi các tư tưởng cộng sản) cũng đã được phổ biến tại Việt Nam. Sách báo nhập từ Pháp và Trung Quốc hoặc xuất bản ở Sài Gòn cung cấp cho người Việt Nam có trình độ ngoại ngữ những cuộc thảo luận về Marx và Lenin có hệ thống hơn nhiều so với tài liệu của ‘Thanh Niên’.[101]

Các nguồn gốc cuối cùng hình thành niên sự cấp tiến đến từ Trung Quốc và Liên Xô. Tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch ra lệnh thảm sát những người cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải, giải tán Mặt trận Thống nhất giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự “phản bội” của Tưởng đã góp phần hình thành chính sách mới, cấp tiến hơn được quyết định tại Đại hội Thế giới lần thứ sáu và Hội nghị toàn thể lần thứ mười của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva, lần lượt vào các năm 1928 và 1929. Tại những sự kiện này, các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã đưa ra lời kêu gọi những người cộng sản trên toàn thế giới tăng cường tính chất vô sản của các đảng của họ và tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp chống lại giai cấp tư sản.[102] Việc Tưởng quay lưng lại với những người cộng sản Trung Quốc cũng gây bất an cho các hội viên của ‘Thanh Niên’ ở miền Nam Trung Quốc. Đến giữa năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đã sang Trung Quốc khi mà ‘Thanh Niên’ ở Quảng Châu đã suy yếu.

Các điều kiện được mô tả ở trên tại Việt Nam và nước ngoài đã kết hợp lại để dịch chuyển trọng tâm của chủ nghĩa cấp tiến từ miền Nam Trung Quốc vào Việt Nam. Đến cuối năm 1928, ở cả ba miền Việt Nam đã xuất hiện những nhóm cách mạng nhỏ. Một nhóm chính là Việt Nam Quốc dân Đảng (VNP) lấy chủ nghĩa tam dân làm nền tảng tư tưởng. Các hội viên của ‘Thanh Niên’ đã tạo ra các nhóm khác, những người hăng hái đưa phong trào lên một tầm cao mới. Sự chuyển dịch này là trái ngược giữa nhóm Tân Việt chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và nhóm Đông Dương ở miền Bắc Việt Nam.

Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt) có nguồn gốc từ Phục Việt Hội, được tổ chức vài năm trước đó bởi các chính trị phạm được thả ra từ Côn Đảo. Các nhà lãnh đạo trẻ của Phục Việt được đào tạo từ ‘Thanh Niên’ nhưng cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Tôn Dật Tiên.[103] Theo bản tuyên ngôn của Tân Việt được soạn thảo năm 1928, nhiệm vụ của nó là “đoàn kết các đồng chí trong và ngoài [Việt Nam], lãnh đạo nông dân, công nhân và binh lính trong nước và liên kết với các nước bị áp bức khác để lật đổ chủ nghĩa đế quốc và xây dựng một nền bình đẳng mới và xã hội nhân từ.”[104] Một khi giành được quyền lực, đảng cam kết thực hiện nền chuyên chính vô sản, các quyền bình đẳng của con người cho mọi công dân, cung cấp phúc lợi cho trẻ em, người tàn tật và người già, và quyền sở hữu công cộng về đất đai và các tư liệu sản xuất khác. Đáng lưu ý hơn, bản tuyên ngôn không đề cập đến chủ nghĩa cộng sản như một mục tiêu cách mạng. Các đảng viên mới được kết nạp phải tuyên thệ trung thành “trước hồn thiêng đất Việt và quy luật tôn nghiêm của cách mạng thế giới”.[105] Rõ ràng, chương trình của Tân Việt mang tinh thần cộng sản nhưng ngôn ngữ của nó không thanh lọc hoàn toàn các khái niệm dân tộc chủ nghĩa như trường hợp của ‘Thanh Niên’.

Nhóm Đông Dương có trụ sở tại miền Bắc Việt Nam cung cấp một sự tương phản thú vị với Tân Việt. Được đào tạo bởi ‘Thanh Niên’, các đảng viên Đông Dương như Ngô Gia Tự và Trịnh Đình Cửu nhanh chóng bất đồng với sự lãnh đạo và chương trình chính trị của ‘Thanh Niên’.[106] Tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của ‘Thanh Niên’ ở Hồng Kông năm 1929, những người này đã ra khỏi cuộc họp khi đa số những người có mặt từ chối yêu cầu giải tán ‘Thanh Niên’ để thành lập một đảng cộng sản mới.[107] Sau khi trở về từ Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Đông Dương đã thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (sau đây gọi là ĐCSĐD).[108]

Tuyên ngôn của ĐCSĐD do Trịnh Đình Cửu soạn thảo cho thấy các nhà lãnh đạo của nó cấp tiến hơn và về mặt lý thuyết có nhiều tham vọng hơn những người đồng cấp của họ ở Tân Việt.[109] Tài liệu bắt đầu với một chương dài về lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin, mà nó khẳng định “không phải là một học thuyết bí ẩn hay sản phẩm của trí tưởng tượng của bất kỳ ai, mà là một hệ tư tưởng khoa học dựa trên các chân lý”.[110] Sau khi phân tích mâu thuẫn giai cấp trong các xã hội tư bản, các tác giả của bản tuyên ngôn cho rằng “khoảng cách giữa các giai cấp tư bản và vô sản ngày nay quá lớn nên cuộc đấu tranh giữa họ phải trở nên tàn khốc: một giai cấp phải thắng và tồn tại trong khi giai cấp kia thua và chết.”[111] Ai sẽ thắng? Nó tuyên bố tiếp: “các nước đế quốc đang xung đột và sẽ sớm gây chiến với nhau trong một cuộc chiến có sức tàn phá gấp nhiều lần cuộc chiến gần đây” (tức là Chiến tranh thế giới thứ Nhất). Đối lập với chủ nghĩa đế quốc là “phe vô sản bao gồm hàng triệu anh em vô sản ở các nước tư bản sẵn sàng giành chính quyền, hàng trăm triệu người dân thuộc địa đang kêu gọi làm cách mạng, cũng như hàng triệu anh em vô sản Xô-viết - tất cả đều liên kết trên một mặt trận do Đảng Cộng sản [Liên Xô] và Quốc tế Cộng sản lãnh đạo”. Bản tuyên ngôn kết luận, dựa trên sự cân bằng lực lượng hiện có, ngày tàn của các xã hội tư bản đã điểm.

Trong cùng bản tuyên ngôn này, các nhà lãnh đạo ĐCSĐD đã kết tội ‘Thanh Niên’ và ‘Tân Việt’ về hai tội danh. Đầu tiên, tư cách thành viên của Thanh Niên và Tân Việt là “dành cho tất cả người Việt Nam”. Các nhà lãnh đạo ĐCSĐD nhận thấy chính sách về dân tộc và đảng viên như vậy là “phi cộng sản”. Họ tin rằng chính sách đảng viên “cộng sản” chỉ nên dựa trên giai cấp. Thứ hai, nhớ lại rằng phương châm của 'Thanh Niên' trước hết là làm cách mạng dân tộc, sau đó mới làm cách mạng thế giới. ĐCSĐD lập luận rằng điều đó là sai lầm, bởi vì “cách mạng dân tộc [nhất thiết phải] là một thành tố của cách mạng thế giới”.[112] Thực hiện một cuộc cách mạng dân tộc đòi hỏi một liên minh quốc gia của tất cả các giai cấp mà không phân biệt tư bản với vô sản, và địa chủ với nông dân. Không chỉ không chính xác, phương châm đó còn là “phi cộng sản”.

Các nhà lãnh đạo ĐCSĐD cũng tin rằng cách mạng Đông Dương phải trải qua hai giai đoạn, nhưng họ xác định các giai đoạn khác nhau, cho thấy họ quen thuộc hơn với các khái niệm của chủ nghĩa Lenin. Do chủ nghĩa tư bản chưa phát triển mạnh và các thế lực phong kiến vẫn còn mạnh ở Đông Dương, các giai đoạn đó bao gồm “cuộc cách mạng dân chủ tư sản” do những người vô sản và nông dân lãnh đạo để lật đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, và một cuộc “cách mạng xã hội” tiếp theo để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản.[113] Công thức hai giai đoạn này xuất phát từ Lenin và hợp nhất các cuộc cách mạng dân tộc, giai cấp và thế giới trong một cơ cấu động duy nhất.[114] Tư duy nhạy bén hơn và ngôn ngữ trong bản tuyên ngôn của ĐCSĐD sáng suốt hơn so với bản “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Cam kết với chủ nghĩa cộng sản rất chắc chắn và rõ ràng, không giống như cam kết của Tân Việt.

Mặc dù các nhà lãnh đạo ĐCSĐD rất tinh vi về mặt lý thuyết, sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ giáo điều trong chiến thuật của mình. Trong giai đoạn “dân chủ tư sản”, họ tin rằng khẩu hiệu thích hợp nên giới hạn ở việc phân chia lại ruộng đất cho nông dân, mà chưa phải là quyền sở hữu công cộng đối với tất cả các ruộng đất.[115] Điều này dường như nhằm tối đa hóa lợi ích của nông dân trong cuộc cách mạng. Mặc dù các nhà lãnh đạo ĐCSĐD muốn Thanh Niên và Tân Việt giải tán ngay lập tức để mở đường cho một đảng cộng sản mới, nhưng họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam Quốc dân Đảng trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng.[116] Bất chấp những lời chỉ trích gay gắt đối với ‘Thanh Niên’, các nhà lãnh đạo ĐCSĐD vẫn dành sự tôn trọng nhất định đối với Nguyễn Ái Quốc.[117]

Sau khi rời Trung Quốc vào giữa năm 1927, Quốc đã dành khoảng một năm ở Liên Xô và châu Âu trước khi sang Xiêm để tổ chức phong trào cộng sản ở đó.[118] Khi đang ở Xiêm, ông nhận được tin từ một thủ lĩnh của ‘Thanh Niên’ báo về những tranh chấp giữa ‘Thanh Niên’ và ĐCSĐD.[119] Tự xưng là đại diện cho Quốc tế Cộng sản, Quốc đến Hồng Kông vào cuối năm 1929 và ngay lập tức triệu tập một cuộc họp để tạo điều kiện cho việc thống nhất tất cả các nhóm cộng sản Việt Nam có trụ sở tại Trung Quốc và Việt Nam. Tại cuộc họp diễn ra vào đầu năm 1930, các đại biểu của ĐCSĐD, Tân Việt, An Nam Cộng sản Đảng (chi bộ Thanh Niên ở miền Nam Việt Nam) và 'Thanh Niên' ở miền Nam Trung Quốc đã nhất trí thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Mặc dù “cuộc họp thống nhất” này đã được coi là một mốc lịch sử của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam trong lịch sử chính thống,[120] nó đã đạt được một chút ngoài thỏa thuận giữa các nhóm để gia nhập một tổ chức mới, ĐCSVN. Các tài liệu được công bố tại cuộc họp này là những bản viết tay ngắn ngủi: biên bản cuộc họp, chương trình hành động của Đảng, điều lệ Đảng, và tuyên bố chiến lược, tất cả khoảng khoảng 10 trang, so với “tuyên ngôn” của ĐCSĐD dài 42 trang. Sự ngắn gọn này có thể phản ánh khoảng cách rất lớn giữa các nhóm về nhiều vấn đề. Cuộc họp cũng không bầu được ban lãnh đạo mới, chỉ đồng ý về quy trình đề cử một Ủy ban Trung ương sẽ được thành lập sau đó.

Một câu hỏi mà các nhà sử học chưa đặt ra là tại sao Quốc không tự nhận mình làm người đứng đầu ĐCSVN tại cuộc họp này. Với quyền hạn của mình với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản và với khả năng triệu tập cuộc họp và buộc đại diện của ĐCSĐD phải thừa nhận sai lầm của mình (xem phần sau), ông hẳn đã có thể đảm nhận vị trí cao nhất nếu ông muốn. Không rõ tại sao ông không làm như vậy, nhưng Quốc là một quan chức trong bộ máy hành chính của Quốc tế Cộng sản chịu trách nhiệm về toàn bộ Đông Nam Á và rất có thể ông không muốn chịu trách nhiệm cá nhân cho ĐCSVN trừ khi được Quốc tế Cộng sản bổ nhiệm vào vị trí này.[121] Bất kể động cơ của ông là gì, điểm mấu chốt là Quốc không tìm cách nắm quyền kiểm soát cá nhân đối với ĐCSVN mặc dù ông có quyền làm như vậy. [122] Tuy nhiên, bởi không có lãnh đạo, nên ĐCSVN chỉ tồn tại trên giấy.

 

Chương trình của ĐCSVN cam kết ngắn gọn, mà không cần chi tiết hơn, đó là: “thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng ruộng đất để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”.[123] Công thức mới này ngắn gọn và thô sơ, nhưng về cơ bản nó không mâu thuẫn với khái niệm “cuộc cách mạng hai giai đoạn” mà ĐCSĐD đã ủng hộ từ trước đó. Theo biên bản cuộc họp, ĐCSĐD bị chỉ trích vì quá hạn chế trong chính sách kết nạp đảng viên, tổ chức “như một nhóm xa cách quần chúng”, và gây ra việc giải tán Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đảng (VNTNCMĐ) và Đảng Tân Việt theo chính sách của Quốc tế Cộng sản (QTCS).[124] Đáng chú ý là, những lời chỉ trích đó dựa trên chính sách của QTCS và chủ yếu nhắm vào hoạt động tổ chức của ĐCSĐD, chứ không phải tầm nhìn ý thức hệ của nó.[125]

Trong việc sửa chữa những sai sót của ĐCSĐD, ĐCSVN xác định kẻ thù chính của cách mạng hẹp hơn, chỉ gồm đế quốc và địa chủ lớn. Động thái này cho thấy một chiến lược linh hoạt, nhưng không phải là một sự thay đổi trong thế giới quan như bản tuyên bố chiến lược của ĐCSVN tại cuộc họp này nói rõ. [126] Trong văn kiện này, ĐCSVN tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để thiết lập các mối liên minh với những giai tầng khác, bao gồm cả giai cấp tư sản, nông dân, trí thức và trung nông, để thu hút sự ủng hộ của họ đối với giai cấp vô sản. ĐCSVN cũng sẽ cố gắng “lợi dụng” phú nông, tiểu địa chủ, trung địa chủ, và các nhà tư sản Việt Nam chưa bộc lộ “khuynh hướng phản cách mạng”. Nhưng rõ ràng có những giới hạn cho mọi liên minh giai cấp, mặc dù đã có sự linh hoạt mới:

“Trong khi liên minh với các giai cấp khác, [chúng ta] phải cẩn thận không làm tổn hại đến bất kỳ quyền lợi nào của công nhân và nông dân; trong khi ủng hộ nền độc lập của An Nam, [chúng ta cần] đồng thời chủ trương và duy trì liên minh với các quốc gia bị áp bức khác và với giai cấp vô sản trên thế giới, đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp”.[127]

Nói cách khác, ĐCSVN mới vẫn duy trì lòng trung thành giáo điều trong khi linh hoạt và thực dụng hơn trong các chiến lược liên minh giai cấp. Hợp tác với các tầng lớp khác ngoài công nhân và nông dân nghèo hoàn toàn là một mục đích chính trị, chứ không phải là sự đoàn kết dựa trên một bản sắc Việt Nam chung. Chương trình của ĐCSVN không đi ngược lại nghị quyết của Đại hội Thế giới lần VI của QTCS vào năm 1928, và Nguyễn Ái Quốc đang đóng vai trò là người trung thành thực hiện chính sách của ĐCSVN vào thời điểm này, ngay cả khi không có sự ủy quyền cụ thể của QTCS và không biết rằng các nhà lãnh đạo của QTCS đã trở nên tả khuynh hơn trong Hội nghị toàn thể lần thứ X của Ban Chấp hành QTCS vào tháng 7 năm 1929.[128] Với một chương trình rất ngắn gọn và không có lãnh đạo, ĐCSVN dường như đã được tạo ra hệt như một hiệp định đình chiến tạm thời mà các chi tiết vẫn còn để ngỏ cho các bên liên quan đàm phán thêm.

Tin tức về những tranh chấp giữa ĐCSVN và VNTNCMĐCH có thể đã đến Moscow cùng lúc với thời điểm Quốc ở Xiêm La. Cuối năm 1929, khi Quốc đang trên đường từ Xiêm La đến Hồng Kông, một cuộc họp của các quan chức QTCS tại Mátxcơva đã được tiến hành và ra lệnh cho các nhóm cộng sản Đông Dương đối địch thành lập một đảng cộng sản.[127] Quốc không biết gì về cuộc họp này. Trong các ghi chú của cuộc họp còn lưu trữ lại, Moscow ca ngợi VNTNCMĐCH đã theo kịp chính sách mới của QTCS nhưng cũng chỉ trích tổ chức này đã mắc nhiều sai lầm trong chiến lược và tổ chức. [128] Những lời khen và chê đều nhắm vào chủ trương của các nhà lãnh đạo VNTNCMĐCH vào tháng 5 năm 1929.[129] Không có lời chỉ trích cụ thể nào được đưa ra đối với Nguyễn Ái Quốc, người đã không lãnh đạo VNTNCMĐ từ giữa năm 1928. Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy Quốc không bị mất địa vị tại QTCS.

Có hai sinh viên Việt Nam tham dự cuộc họp của Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Đó là Trần Phú và Ngô Đức Trì, hai cựu đảng viên của VNTNCMĐCH do Quốc đào tạo và cử đi học ở Mátxcơva năm 1927. Sau cuộc họp, Phú và Trì rời Mátxcơva về Đông Dương với chỉ thị hợp nhất các nhóm cộng sản Việt Nam ở đó. Khi họ đến Hồng Kông, cuộc họp thống nhất mà Quốc triệu tập đã diễn ra.[130] Tuy nhiên, Phú và Trì dường như không được QTCS ủy quyền thay thế Quốc. Khi họ cuối cùng gặp nhau tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 1930, Quốc có đủ thẩm quyền để gửi Trần Phú đi hoạt động tại Hà Nội và Ngô Đức Trì đi hoạt động tại Sài Gòn.[131] Sau đó, trong tháng 3 và tháng 4 năm 1930, Quốc đã được ủy quyền bởi Cục Phương Đông của QTCS có trụ sở tại Thượng Hải để chủ trì việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm tại Bangkok và các hội nghị Đảng Cộng sản Mã Lai tại Singapore. Theo quan điểm truyền thống, Phú được miêu tả là đang đặt ra thách thức đối với sự lãnh đạo của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam của Quốc. Điều này sẽ không có ý nghĩa nếu Quốc chỉ xem vai trò của mình như một đại diện của QTCS mà không phải là lãnh đạo của ĐCSVN. Những sự kiện này gợi ý rằng Phú và Trì chấp nhận thẩm quyền Quốc như là một đại diện của QTCS, trong khi Quốc công nhận họ là các lãnh tụ của ĐCSVN do QTCS ủy nhiệm. Nói cách khác, không có sự cạnh tranh quyền lực nào giữa họ, chỉ có sự phân chia vai trò và nhiệm vụ được chấp nhận lẫn nhau.

Cùng nhau, Quốc, Phú và Trì đã triệu tập cuộc họp mà sau này gọi là Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của ĐCSVN tại Hồng Kông vào tháng 10 năm 1930. Cuộc họp này, cũng có sự tham dự của một số đại diện từ Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh vô cùng biến động của tình hình tại Việt Nam. Tháng 2 năm 1930, ngay sau cuộc họp thống nhất các đảng cộng sản, cuộc khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ ở miền Bắc Việt Nam, do Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) lãnh đạo. Những người nổi dậy đã cố gắng giành quyền kiểm soát một số đồn trú của Pháp ở đồng bằng sông Hồng, và họ đã thành công trong một thời gian ngắn tại thị xã Yên Bái, trước khi bị nghiền nát một cách tàn bạo. Mười ba lãnh đạo của VNQDĐ bị xử chém vào tháng 6 năm 1930 và hàng nghìn đảng viên của họ bị bỏ tù. Sau đó, tình trạng bất ổn đã lan đến Nghệ An và Hà Tĩnh ở miền Trung Việt Nam - lần này do các đảng viên của VNTNCMĐCH hoặc ĐCSĐD tại địa phương lãnh đạo. Phong trào ở đó bắt đầu bằng một cuộc bãi công của công nhân thành phố Vinh vào ngày 1 tháng 5 và nhanh chóng tràn ngập các vùng nông thôn và các tỉnh lân cận.[132] Hàng nghìn nông dân tuần hành, tấn công các tòa nhà của chính quyền, và trong một số trường hợp, hành quyết các quan chức địa phương và quan chức Pháp. Ở một số huyện và làng xã, nông dân thậm chí còn thành lập “chính quyền Xô-viết” để giết địa chủ và chiếm đoạt đất đai của họ. Chính quyền thuộc địa đã đáp trả bằng vũ lực, nhưng phải mất gần một năm phong trào mới bị dập tắt.

Mặc dù ĐCSVN chưa có cơ quan lãnh đạo trung ương và không đóng vai trò trực tiếp nào đối với phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh, nhưng các sự kiện đã xuất hiện để khẳng định những phân tích mới của Đảng về tình hình thế giới kể từ năm 1928. “Luận cương chính trị” của Trần Phú trình bày tại Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1930 hoàn toàn thông qua phân tích đó. Thế giới được cho là đã bước sang một thời kỳ mới vào năm 1928 với cuộc khủng hoảng kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, mối đe dọa của chiến tranh đế quốc và triển vọng tươi sáng của phong trào công nhân trên toàn thế giới.[133] Theo Phú, tình trạng bất ổn lớn ở Đông Dương trong tám tháng trước đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc cách mạng ở đó đã “tiến lên cùng một nhịp điệu rầm rộ” với cách mạng thế giới.[134] Phú vui mừng thấy rằng phong trào công nhân và nông dân Việt Nam giờ đã tự vươn lên và không còn bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc như trước.

Phú trình bày khái niệm “cuộc cách mạng hai giai đoạn” một cách cập nhật và công phu nhất cho đến thời điểm đó. Sự lạc hậu của Đông Dương sẽ không cho phép xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay lập tức, vì vậy cuộc cách mạng ở đó phải bắt đầu bằng giai đoạn dân chủ tư sản. Thành công của giai đoạn này sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh và sức mạnh của giai cấp vô sản, chuẩn bị cho Đông Dương tiến tới giai đoạn tiếp theo của “cuộc cách mạng vô sản”. Như Phú tưởng tượng, lúc đó cách mạng vô sản sẽ có thể thực hiện được vì “[đó] là thời đại cách mạng vô sản toàn thế giới và thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Đông Dương sẽ nhận được sự trợ giúp của các chính phủ vô sản ở các nước khác để phát triển chủ nghĩa xã hội mà không cần phải trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa trước”.[135]

Theo Phú, giai đoạn dân chủ tư sản có hai nhiệm vụ phụ thuộc lẫn nhau là ‘phản phong’ và ‘phản đế’. Nhiệm vụ này không thể hoàn thành được nếu không thực hiện nhiệm vụ kia. Về chính sách ruộng đất, chương trình của Phú có lập trường giai cấp sắc nét hơn chương trình trước đó của Nguyễn Ái Quốc. Quốc hứa sẽ phân phối lại đất đai từ các chủ sở hữu người Pháp cho “nông dân nghèo”.[136] Luận điểm của Phú đề xuất lấy đất không chỉ của địa chủ nước ngoài mà còn của địa chủ bản xứ và từ nhà thờ, để phân phối lại cho “nông dân trung lưu và nghèo, với quyền sở hữu do chính phủ nắm”.[137] Sự khác biệt ở đây là về chiến lược vận động: Quốc muốn vận động địa chủ nhỏ bản xứ và giới tư sản bản xứ, trong khi Phú coi họ là kẻ thù của cách mạng ngay cả trong giai đoạn dân chủ tư sản.[138] Phú cũng nói rõ lần đầu tiên rằng đất phải được sở hữu toàn dân.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này tuyên bố bãi bỏ Chương trình, Tuyên bố Chiến lược và Điều lệ của ĐCSVN do Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc triệu tập tám tháng trước đó.[139] Hội nghị toàn thể cũng đổi tên Đảng từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, và bầu Phú làm tổng bí thư. Đáng chú ý là, mặc dù luận cương của Phú đề xuất một chương trình mới phù hợp hơn với chính sách mới nhất của QTCS, nó không trực tiếp chỉ trích chương trình của ĐCSVN. Những chỉ trích như vậy chỉ được nêu ra trong nghị quyết được ban hành sau cuộc họp. Nghị quyết này đã nghiên cứu sâu về những sai lầm về chiến lược và về tổ chức đã mắc phải trong chương trình đó [của Quốc]. Theo nghị quyết, những sai lầm chỉ ra rằng ĐCSVN đã “quá bận tâm với nhiệm vụ ‘phản đế’ mà bỏ quên các lợi ích giai cấp”.[140] Một lá thư của Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gửi cho các đảng viên vào tháng 12 năm 1930 giải thích rằng những sai lầm trong chương trình của ĐCSVN đã xảy ra do đồng chí triệu tập đại hội hợp nhất đã được cử đi [sang Hồng Kông] với sự phân công rộng rãi nhưng không nhận được bất kỳ kế hoạch cụ thể nào từ QTCS [để thống nhất]. Khi đồng chí ấy đến và biết về những tranh chấp..., đồng chí đã tự mình hành động. Nhiều sai lầm đã hình thành, và chính sách đã không tuân theo kế hoạch của QTCS. Kể từ đó, đồng chí đã thừa nhận những sai lầm đó và đồng ý với Ban Chấp hành Trung ương [của Đảng] để sửa chữa chúng”. [141]

Phần trích dẫn này ít tính mang tính phê bình mà chủ yếu là để giải thích cho các đảng viên không có mặt tại Hội nghị toàn thể đang bị bối rối. Quốc không bị nêu tên, và dường như ông không bị buộc phải sửa chữa những “sai lầm” của mình. Việc Trần Phú lên làm tổng bí thư cũng không có nghĩa là Quốc mất đi quyền lực đối với chủ nghĩa cộng sản Việt Nam hay “thẩm quyền giải thích chính sách của QTC đối với Việt Nam” như Huỳnh Kim Khánh và Quinn-Judge lập luận.[142] Có một thực tế là Quốc đã không cố gắng tự cho mình là người đứng đầu ĐCSVN tại cuộc họp thống nhất; không có sự cạnh tranh quyền lực nào xảy ra, và Quốc cũng không mất vị thế của mình tại QTCS. Chúng tôi không biết ông thực sự nghĩ gì về chính sách mới của QTCS, nhưng Quốc luôn luôn, kể cả tại cuộc họp thống nhất, sẵn sàng tuân theo hướng dẫn của QTCS, và không có lý do gì để mong đợi ông không làm như vậy trong hoàn cảnh này. Như phần trích dẫn này ngụ ý, các đồng chí của ông hiểu rõ tình huống mà “sai lầm” đã phạm phải. Cụ thể, chúng bị mắc phải bởi Quốc đã không còn liên lạc với Moscow, chứ không phải vì ông không tuân theo chính sách mới của QTCS mà ông vẫn chưa kịp tiếp thu.

(còn tiếp)

          

 

 

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: