Hành lang chật hẹp: Các nhà nước, các xã hội và định mệnh của tự do

10/ 03/ 2023

 ĐIỂM SÁCH

“THE NARROW CORRIDOR: STATES, SOCIETIES, AND THE FATE OF LIBERTY” (Daron Acemoglu & James A. Robinson, Penguin Press, 2019)

Nguyễn Trung Kiên lược dịch  

 

 

 

 

“THE NARROW CORRIDOR: STATES, SOCIETIES AND THE FATE OF LIBERTY” [Hành lang chật hẹp: Các nhà nước, các xã hội và định mệnh của tự do], của Daron Acemoglu và James A. Robinson, là một trong những cuốn sách mà mọi người sẽ ca ngợi và nhiều người sẽ trích dẫn, nhưng sẽ có ít người đọc – hay ít nhất là đọc hết nó.

Sam Hill, Newsweek, 30/8/2019

 

Tác phẩm này sẽ nhận được rất nhiều lời khen ngợi (trên thực tế, đã có ba nhà kinh tế học đoạt giải Nobel ca ngợi nó), bởi vì đó là một tác phẩm với tham vọng đáng kinh ngạc, nhằm mục đích giải thích tại sao tự do đã tồn tại, hoặc đã không tồn tại, ở mọi thời điểm tại mọi vùng địa lý trên thế giới. Cuốn sách này sẽ được trích dẫn rộng rãi bởi, vì nó đưa ra một sự phê phán gay gắt về chủ nghĩa Trump và chủ nghĩa tư bản hiện thực ở Hoa Kỳ ngày nay, cùng với một cảnh báo nghiêm khắc rằng, "Vâng, chế độ độc tài có thể xuất hiện ở đây." Một số người sẽ thích thú với việc cuốn sách đã hạ bệ chủ nghĩa ưu việt của Hoa Kỳ. Và cuốn sách đủ công bằng để tất cả mọi người với mọi quan điểm chính trị đều thể trích dẫn cuốn sách này cho mục đích cụ thể của họ. Tuy nhiên, [việc đọc hết cuốn sách này] là một thử thách đầy khó khăn, ngay cả đối với những người quan tâm đến chủ đề này và từng yêu thích cuốn sách trước kia của họ, ‘Why Nations Fail’ [Vì sao các quốc gia thất bại].

Tiên đề của tác phẩm ‘Hành lang chật hẹp’ thật đơn giản. Nền dân chủ là tốt nhất trong tất cả các thế giới chính trị, một [mô hình] thúc đẩy sự đổi mới và thịnh vượng. Tuy nhiên, dân chủ không phải là một trạng thái cao hơn mà tất cả các quốc gia rồi sẽ đạt tới khi các nhà lãnh đạo [chính trị] trở nên giác ngộ hơn. Thay vào đó, nó là một kết quả đầy mong manh, dễ tổn thương, và không ổn định. Nền dân chủ đòi hỏi cả một nhà nước mạnh và một xã hội mạnh, và chỉ có thể tồn tại khi cả nhà nước và xã hội trở nên cân bằng một cách hoàn hảo - một trạng thái tạm thời mà ít quốc gia nào từng đạt được, và thậm chí còn ít quốc gia hơn nữa có thể duy trì được. Đi vào hành lang [chật hẹp này] không dễ dàng. Ở lại đó còn khó hơn nữa. Điều kiện chính trị mặc định là tình trạng vô chính phủ và sự hỗn loạn, một tình huống mà hầu hết các xã hội sẽ nỗ lực tối đa để tránh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lựa chọn giữa chế độ chuyên chế (quá nhiều [sự can thiệp của] nhà nước) hoặc chủ nghĩa bộ lạc (quá ít [sự can thiệp].) Đối với một quốc gia, chủ nghĩa chuyên chế sẽ tốt hơn tình trạng vô chính phủ, nhưng sự gia tăng của chủ nghĩa chuyên chế sẽ hạn chế sự thay đổi [theo hướng dân chủ hóa (ND)], bởi nó kìm hãm sự đổi mới và thúc đẩy tham nhũng. (Ví dụ: Chi phí hối lộ lên tới 130.000 đô-la để vào Đại học Nhân dân danh giá của Trung Quốc.)

Sức mạnh to lớn mà cuối cùng lại trở điểm yếu lớn của cuốn sách này là [sự rời rạc] trong các phần của nó. Cuốn sách đầy ắp những lối rẽ ngang đầy thú vị và những mẩu quặng vàng rực rỡ. Có một phần hấp dẫn về triển vọng Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc thế giới, lập luận rằng Trung Quốc sẽ bị sa lầy vì không thể phát triển thành một nền dân chủ. Đất nước này thiếu truyền thống dân chủ, luôn luôn dao động giữa chế độ chuyên quyền cứng rắn ([pháp trị của] Thương Ưởng và chủ nghĩa cộng sản) và chế độ chuyên quyền mềm mại (Nho giáo). Phần tốt nhất là các tác giả đưa ra lập luận bằng cách trích dẫn nhà kinh tế đầu tiên của thế giới, Ibn Khaldun tại Tunis, nổi tiếng vì đã phát minh ra cái mà ngày nay chúng ta gọi là Đường cong Laffer [mô tả mối quan hệ giữa các mức thuế suất có thể với mức thu ngân sách nhà nước được tạo ra từ đó (ND)]. Chính sự uyên bác tuyệt vời này, nhằm liên kết các tư tưởng và sự kiện xuyên qua các không gian địa lý và thời gian lịch sử, khiến cuốn sách này trở nên đặc biệt.

Nhưng tất nhiên hầu hết độc giả Hoa Kỳ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những gì cuốn sách nói về [Hoa Kỳ] chúng ta. Nhiều người (bao gồm cả tôi) đã đưa ra lập luận rằng các tập đoàn ở Hoa Kỳ cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Cuốn sách này lập luận rằng một phần của vấn đề là các doanh nghiệp đã làm quá nhiều rồi. Tóm lại, họ tin rằng vì Hiến pháp còn thiếu sót, nên chính phủ liên bang không thể làm nhiều việc mà đáng ra họ nên làm, và có thể làm một cách hiệu quả, như chăm sóc sức khỏe. Kết quả là nó dựa vào quan hệ đối tác công-tư để đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ. Nó cũng khiến chính phủ liên bang phải hoạt động quá mức ở những khu vực mà nó đã có (hoặc đơn giản là đã giành lấy) quyền hoạt động, như an ninh nội địa và tiến hành chiến tranh.

Một phần đặc biệt thú vị khác được dành cho cách tiếp cận của Hoa Kỳ để điều hành một nền kinh tế, mà các tác giả mô tả là "hãy để thị trường tự vận hành và sử dụng thuế thu nhập lũy tiến để đạt tới sự phân phối đáng mong muốn." Các tác giả cho rằng đây là một sự tách biệt giả tạo của chính trị khỏi kinh tế, và cách thông minh hơn để làm điều đó là tìm hiểu giá cả thị trường để ít phải phân phối lại. Nhưng một trong số những phát hiện xuất sắc nhất của họ là sự trỗi dậy của chủ nghĩa Trump, khi tác giả cho rằng thủ thuật của Trump, lợi dụng một hệ thống chính trị bị bế tắc, với tư cách là người bảo vệ người dân, níu vào giới tinh hoa – những người nghĩ rằng họ có thể đương đầu với các thử thách gay gắt, v.v ... là cùng một thủ thuật được sử dụng bởi các nhà độc tài từ Adolf Hitler ở Đức đến Alberto Fujimori ở Peru. Các tác giả cảnh báo rằng chúng ta không nên tự tin rằng các thể chế của chúng ta sẽ bảo vệ chúng ta. Và các tác giả trích dẫn nhiều ví dụ về các nền dân chủ mà đơn giản là đã sụp đổ, như Cộng hòa Weimar, hoặc tự kết liễu sự tồn tại của mình.

Các tác giả đã dựng nên một khung khái niệm mang tính bao quát để định nghĩa lịch sử là sự đánh đổi giữa quyền lực của nhà nước và quyền lực của nhân dân. Mới nghe qua thì có vẻ hấp dẫn, nhưng để làm cho mọi thứ phù hợp [với khung khái niệm này] thì cần tới quá nhiều biệt lệ và sự giải thích. Điều tôi ghi nhận được là các nền dân chủ thành công dường như là một sự kiện ngẫu nhiên được hình thành bởi những lựa chọn khôn ngoan. Điều này có nghĩa là, những người dù đã học được học hỏi từ lịch sử nhưng vẫn có thể lặp lại [các sai lầm của] nó. Các tác giả không đồng ý, "Tuy nhiên, vấn đề lịch sử không có nghĩa rằng lịch sử là định mệnh." Nhưng họ không cung cấp nhiều dẫn chứng. Giống như trong cuốn sách trước của họ [cuốn ‘Vì sao các quốc gia thất bại (ND)], Acemoglu và Robinson tỏ ra rất xuất sắc trong việc mô tả lịch sử, nhưng chưa thật xuất sắc trong việc chỉ ra tiến trình định hình lịch sử.

Tôi nhận thấy mình liên tục phải lật đi lật lại các trang để xem lại những điều đã trình bày. Rất nhiều lập luận chỉ khác biệt nhau một chút. Cần phải đọc đi đọc lại để hiểu đầy đủ những gì các tác giả đang trình bày. Và họ không làm cho nó dễ dàng hơn bằng cách sử dụng một khái niệm mượn từ Thomas Hobbes [Leviathan – thủy quái (ND)] và tô điểm bằng những uyển ngữ của riêng họ: Paper Leviathan [Thủy quái trên giấy], Red Queen Effect [Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ], Gilgamesh Problem [vấn đề Gilgamesh], Cage of Norms [Chiếc lồng của các Quy tắc], The Blades of Scissors [các lưỡi của những cây kéo]. Acemoglu và Robinson liệt kê 45 "đồng tác giả" trong Lời cảm ơn. Tôi đoán hệ thống thuật ngữ này là một nỗ lực để gắn kết nhiều bài tiểu luận thành một tổng thể chặt chẽ. Tôi không thấy nó hiệu quả. Sử dụng một hệ thống từ vựng mà chúng ta đã quen thuộc sẽ giúp cuốn sách này dễ hiểu hơn một chút.

Có lẽ thật khó khăn khi chỉ trích cuốn sách này vì đã không tuân theo tiêu chuẩn cao một cách thái quá mà nó đặt ra cho chính nó, và thay vào đó chúng ta nên đánh giá cao nó về những gì nó đã thể hiện ra: đây là cuốn sách thông minh và kịp thời về một chủ đề quan trọng.

(Nguồn: https://www.newsweek.com/book-review-narrow-corridor-democr…)

*

CUỘC ĐẤU TRANH VĨNH CỬU CHO TỰ DO

Peter Dizike, MIT News Office, 24/9/2019

Cuốn sách mới của Daron Acemoglu, xem xét cuộc chiến giữa nhà nước và xã hội – cuộc chiến mà đôi khi giúp tạo ra tự do dân chủ.

 

Các nhà nước dân chủ với quyền tự do cá nhân mạnh mẽ đến từ đâu? Trong những năm qua, nhiều lý thuyết lớn đã nhấn mạnh đến một số yếu tố cụ thể, bao gồm văn hóa, khí hậu, địa lý, công nghệ hoặc hoàn cảnh kinh tế xã hội như sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.

Daron Acemoglu có một quan điểm khác: Tự do chính trị xuất phát từ đấu tranh xã hội. Chúng ta không có khuôn mẫu phổ quát nào cho tự do - không có điều kiện nhất thiết nào để tự do có thể ra đời, và không có tiến trình lịch sử nào mà có thể chắc chắn dẫn đến tự do. Tự do không được thiết kế và trao truyền bởi giới tinh hoa, và không có gì đảm bảo quyền tự do sẽ vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả khi nó được quy định trong luật.

Acemoglu, nhà kinh tế và giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói: ‘Dân chủ thực sự và tự do không bắt nguồn từ cơ chế kiểm soát quyền lực hoặc từ thiết kế thể chế thông minh. Tự do bắt nguồn [và được duy trì] trong quá trình vận động xã hội vốn lộn xộn hơn nhiều, mọi người bảo vệ quyền tự do của mình và chủ động đặt ra các ràng buộc về cách áp dụng các quy tắc và hành vi đối với họ’.

Bây giờ, Acemoglu cùng cộng tác viên lâu năm của ông, James A. Robinson, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, đã có một cuốn sách mới đưa ra luận điểm này. “Hành lang chật hẹp: Các nhà nước, các xã hội và Định mệnh của tự do”, được Penguin Random House xuất bản trong tuần này, xem xét cách một số nhà nước nổi lên như những ngọn hải đăng của tự do.

Mấu chốt của vấn đề, đối với Acemoglu và Robinson, là các nhà nước dân chủ-tự do tồn tại ở giữa những các biến thể của tình trạng vô luật pháp và chủ nghĩa độc tài. Nhà nước là cần thiết để bảo vệ người dân khỏi sự thống trị bởi những người khác trong xã hội, nhưng nhà nước cũng có thể trở thành một công cụ bạo lực và đàn áp. Khi các nhóm xã hội tranh giành quyền lực nhà nước và khai thác quyền lực này để giúp đỡ những công dân bình thường, tự do sẽ được mở rộng.

Acemoglu nói: ‘Cuộc xung đột giữa nhà nước và xã hội, nơi nhà nước được đại diện bởi các tổ chức và các nhà lãnh đạo ưu tú, sẽ tạo ra một hành lang hẹp, trong đó tự do phát triển mạnh mẽ. Bạn cần đến sự xung đột này để đạt tới trạng thái cân bằng. Sự mất cân bằng sẽ bất lợi cho tự do. Nếu xã hội quá yếu sẽ dẫn đến chế độ độc tài. Nhưng mặt khác, nếu xã hội quá mạnh sẽ dẫn đến nhà nước yếu mà sẽ không thể bảo vệ các công dân của họ’.

TỪ ‘VẤN ĐỀ GILGAMESH’ ĐẾN ‘HÀNH LANG CHẬT HẸP’

Chịu ảnh hưởng bởi nhà lý thuyết chính trị người Anh, John Locke, Acemoglu và Robinson xác định quyền tự do bằng cách lập luận rằng ‘nó [quyền tự do (ND)] phải bắt đầu bằng việc người dân không bị bạo lực, đe dọa và các hành động hạ cấp khác. Người dân phải được tự do lựa chọn cho cuộc sống của họ và phải có phương tiện để thực hiện chúng mà không phải chịu sự trừng phạt vô lý hay các chế tài xã hội hà khắc’.

Đây là một mối quan tâm gần như vĩnh cửu, các tác giả lưu ý: Gilgamesh, theo sử thi cổ đại, là một vị vua đã ‘vượt quá mọi giới hạn’ trong xã hội. Nhu cầu phải kiềm chế quyền lực tuyệt đối là điều mà các tác giả gọi là ‘vấn đề Gilgamesh’, một trong nhiều thuật ngữ mới của cuốn sách. Một thuật ngữ khác là ‘chiếc lồng của các chuẩn mực’ - điều kiện mà xã hội, khi không có nhà nước, có thể tự tổ chức để tránh bạo lực trên diện rộng, nhưng chỉ bằng cách thông qua các đồng thuận xã hội hạn chế.

Các nhà nước, bằng cách trở thành những người bảo đảm cho tự do, có thể phá vỡ chiếc lồng của các chuẩn mực này. Nhưng các nhóm xã hội phải kiềm chế quyền lực nhà nước trước khi nó kìm hãm tự do thái quá. Khi năng lực nhà nước và xã hội phát triển song song, các tác giả gọi đây là ‘Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ’, ám chỉ một chủng tộc trong tác phẩm ‘Through the Looking Glass’ của Lewis Carroll. ‘Cuộc đua’ này, nếu đủ cân bằng, sẽ xảy ra trong ‘hành lang chật hẹp’, nơi các nhà nước ủng hộ tự do có thể tồn tại.

Acemoglu và Robinson khảo sát các trường hợp cải cách chính trị trong thời cổ đại, từ Athens đến nhà nước Zapotec, và họ định vị được nơi khởi nguồn quan trọng nhất của tự do vào đầu thời kỳ Trung cổ. Các bộ lạc Giéc-manh đã có các hội đồng bán-dân chủ; trong khi đó một số cấu trúc hành chính còn sót lại của đế chế La Mã vẫn tồn tại bên cạnh những thể chế của giáo hội Thiên chúa giáo. Khi đức vua Clovis của chủng tộc Giéc-manh tạo ra một sự kết hợp giữa cấu trúc nhà nước La Mã với các quy tắc và thể chế chính trị của chủng tộc này vào năm 511, một số khu vực của châu Âu đã ‘đứng trước ngưỡng của hành lang’ hướng tới tự do.

Để chắc chắn, có một ‘quá trình lịch sử chậm chạp và đầy đau đớn’; đó là một giai đoạn kéo dài 700 năm trước khi Vua John của vương quốc Anh ký Đại Hiến Chương (Magna Carta) vào năm 1215, một bước ngoặt cho sự phân phối quyền lực hợp pháp vượt lên sự cai trị của vương triều.

Tuy nhiên, các cấu trúc nhà nước được ghép vào một cơ chế cho một xã hội đại diện, thông qua các quốc hội, có nghĩa là cả nhà nước và xã hội có thể mở rộng quyền lực của họ. Như Acemoglu và Robinson đã nói, sự cân bằng ngẫu nhiên này có hiệu quả ‘đưa châu Âu vào hành lang, tạo ra hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ trong một quá trình cạnh tranh không ngừng giữa nhà nước và xã hội’.

‘TỰ DO RẤT MONG MANH’

Acemoglu và Robinson nhấn mạnh, việc châu Âu dẫn đầu trong việc tạo ra các nhà nước đảm bảo cho tự do là không thể tránh khỏi. Các tác giả lưu ý, gần 3.000 năm trước, Trung Quốc cổ đại được tổ chức thành các thành bang, và một cố vấn chính trị có ảnh hưởng thời đó đã viết rằng ‘người dân là chủ nhân của các đấng thần linh'. Nhưng đến thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, được thúc đẩy bởi chính trị gia và nhà lý luận Thương Ưởng, các nhà cai trị Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước hùng mạnh hơn nhiều, trở thành đế chế Tần. Mặc dù có nhiều thời điểm có thể tiến hành các cuộc cải cách tiềm năng, được mô chi tiết trong tác phẩm ‘Hành lang chật hẹp’ này, nhưng trong hầu hết các giai đoạn về sau, nhà nước Trung Quốc vẫn có quyền lực hơn nhiều so với quyền lực của xã hội Trung Quốc.

Hơn nữa, Acemoglu gợi ý, trạng thái chuyên chế tồn tại càng lâu, thì ‘nó càng tự củng cố.’ Ông nói thêm: ‘Càng tồn tại lâu, nó càng thiết lập một hệ thống phân cấp khó thay đổi và càng khiến xã hội suy yếu. Đó là lý do vì tôi nghĩ rằng những mơ ước về một nước Trung Hoa chuyển chuyển đổi suôn sẻ sang một hệ thống dân chủ trở nên viển vông- [nó đã trải qua] 2.500 năm của chế độ độc tài nhà nước’.

Những khảo sát về Hoa Kỳ trong tác phẩm ‘Hành lang chật hẹp’ được tiến hành trong quãng thời gian dài, mặc dù đó là một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều [so với Trung Quốc (ND)]. Hiến pháp Hoa Kỳ và cấu trúc của chính quyền được phát triển vào cuối thế kỷ XVIII, Acemoglu và Robinson viết, là bởi ‘khế ước kiểu Faust’ do những người của phái Liên bang tạo ra để hạn chế cả quyền lực tuyệt đối [của nhà nước] và cả quyền lực của nhân dân. Các tác giả tin rằng, cấu trúc này, đặc biệt là sự nhấn mạnh của nó đối với các quyền của tiểu bang, ‘có nghĩa là nhà nước liên bang vẫn bị suy yếu ở một số khía cạnh quan trọng. Ví dụ, rõ ràng là hệ thống này đã không bảo vệ người nô lệ cũng như người Mỹ gốc Phi khỏi bạo lực, sự phân biệt đối xử, nghèo đói và áp chế’.

Acemoglu và Robinson cũng tin rằng việc tập trung quá nhiều vào ‘sự thiết kế Hiến pháp rất xuất sắc’ là có vấn đề, bởi nó ‘bỏ qua vai trò đặc biệt quan trọng của sự huy động [sức mạnh] xã hội và [hiệu ứng] Nữ Hoàng đỏ. Hiến Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ… là kết quả của sự tranh giành [quyền lực] giữa giới tinh hoa và nhân dân. Việc mở rộng quyền và tự do của Hoa Kỳ đã xuất hiện không liên tục - sau Nội chiến, phong trào dân quyền, và phong trào quyền nữ, và các phong trào khác. Nhưng những quyền tự do này cũng có thể thoái trào nếu các phong trào phản đối của giới chính khách trở nên đủ hiệu quả.

Acemoglu nói: ‘Đó là chiều hướng mà trong đó tự do là mong manh. Nếu bạn nghĩ rằng sự tự do phụ thuộc vào các thiết kế [kiểm soát quyền lực (ND)] thông minh, bạn đã nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy thiết kế hoàn hảo để bảo vệ sự tự do trong mọi trường hợp. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng nó phụ thuộc vào quá trình lộn xộn này, thì đó là một sự tồn tại mang tính ngẫu nhiên và hỗn loạn hơn nhiều.'

ĐỐI MẶT VỚI ‘NHỮNG THÁCH THỨC ĐẦY CẤP BÁCH NGÀY NAY CỦA CHÚNG TA’

‘Hành lang chật hẹp’ hẹp khảo sát nhiều trường hợp xây dựng nhà nước khác trong lịch sử, từ Ấn Độ tới châu Phi đến vùng Scandinavia. Tác phẩm này cũng được phát triển dựa trên các nghiên cứu mà Acemoglu và Robinson đã cùng thực hiện với nhau nhằm khảo sát mối quan hệ giữa xã hội, các thể chế nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Chúng bao gồm các cuốn sách ‘Economic Origins of Dictatorship and Democracy’ [Những nguồn gốc kinh tế của chế độ tài và nền dân chủ] (2006) and ‘Why Nations Fail’ [Tại sao các quốc gia thất bại] (2012). Hai học giả này cũng đã đồng tác giả 36 bài nghiên cứu đã được xuất bản về các chủ đề này (một số nghiên cứu có thêm các đồng tác giả khác).

Acemoglu cũng đã công bố rộng rãi các nghiên cứu về kinh tế học lao động, tác động của công nghệ đối với việc làm và tăng trưởng, và vận động kinh tế vĩ mô. Ông là một trong mười hai giáo sư của MIT được vinh danh trong mùa hè này, và đã trở thành giáo sư của Khoa Kinh tế học tại MIT từ năm 1993.

Quan điểm về tự do của hai tác giả cuốn sách này trái ngược với nhiều mô hình khác. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã giúp tạo ra ý tưởng về một ‘sự kết thúc của lịch sử’ trên bình diện địa chính trị, trong đó các nhà nước sẽ hội tụ về mô hình tự do-dân chủ. Quan niệm đó đã không dự báo chặt chẽ sự phát triển tiếp theo. Các lý thuyết về hiện đại hóa sau Đại chiến Hai cũng không đặt ra một con đường mang tính chuẩn hóa cho sự thịnh vượng trên nền tảng dân chủ dành cho cho các nước đang phát triển.

Theo Acemoglu, ‘Có nhiều đích mà các quốc gia có thể hướng đến. Không có gì đảm bảo rằng một nhà nước chuyên chế hay một nhà nước yếu chỉ tồn tại tạm thời, và cũng không có một tiến trình chắc chắn nào mà có thể lôi kéo mọi quốc gia hướng tới tự do một cách suôn sẻ'

Acemoglu nói, hơn nữa, ‘Lập luận của chúng tôi không phải là một lập luận trong đó văn hóa mang tính quyết định’. Ông nói thêm: ‘Có những quan điểm trong đó kinh tế mang tính quyết định. Quan điểm của chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò của các tác nhân là cá nhân và xã hội, và khẳng định rằng các tổ chức xã hội khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Nó cũng không dựa trên địa lý. Tôi nghĩ rằng lý thuyết của chúng tôi có rất nhiều điểm khác biệt với các lý thuyết [khác]’.

Các học giả đã ca ngợi 'Hành lang hẹp.' Joel Mokyr, một nhà sử học tại Đại học Northwestern, đã gọi nó là 'một cuốn sách vĩ đại [được viết ra bởi] sự sáng suốt và với mang tính học thuật cao', rút ra một kết luận lạnh lùng mà những người có khả năng tư duy nên nhận ra: Tự do là hiếm có vì nó mong manh, được liên kết một cách không hề dễ dàng giữa sự chuyên chế và tình trạng vô chính phủ.

Nền chính trị ngày nay cũng đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận về tương lai của quản trị [xã hội] và của nền dân chủ. Acemoglu nói, theo hướng này, ‘Hành lang chật hẹp’ là một sự gắn kết với quá khứ với mục đích soi sáng hiện tại.

Acemoglu nói: ‘Chúng ta cần suy nghĩ về lịch sử. Chúng tôi viết cuốn sách này bởi chúng tôi nghĩ rằng nó có liên quan đến những thách thức rất cấp bách đối với chúng ta ngày nay. Tạo ra sự cân bằng chính trị đúng đắn, đồng thời huy động [sự tham gia của] xã hội, trong khi không làm suy yếu luật pháp và thể chế, là những thách thức đầu tiên mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Tôi hy vọng quan điểm của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ những vấn đề đó’.

(Nguồn: http://news.mit.edu/2…/narrow-corridor-acemoglu-liberty-0924)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: