HỘI THẢO CÀ PHÊ HỌC THUẬT ĐH THÁI BÌNH DƯƠNG - CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ TRONG KỶ NGUYÊN COVID

29/ 11/ 2021

Khoảng đầu tháng 10 năm nay, hàng ngàn người dân đã rời thành phố Hồ Chí Minh kéo về quê ở các tỉnh miền Đông và miền Tây gây ra ùn tắt kéo dài trong đêm, ngay khi chính quyền thành phố cho phép người dân di chuyển sau hơn 2 tháng thực hiện biện pháp chống dịch covid-19 “ai ở đâu ở đấy”. Có bao nhiêu người hồi hương? Họ là ai và làm gì ở thành phố này? Họ đã ở vào tình cảnh như thế nào mà cứ “về quê rồi tính” bất chấp khuyến cáo ở lại của chính quyền?

Trong phần I của buổi nói chuyện, diễn giả Nguyễn Đức Lộc đã đưa ra mô tả xã hội học về “nhóm người yếu thế”, tức phần lớn những người tạm rời thành phố về quê tránh dịch trong đêm đầu tháng 10. Nhóm này đã được hình thành nhanh chóng sau Đổi mới kinh tế 1986 từ số người di cư đông đảo từ các vùng quê đến Thành phố để tìm việc làm và cơ hội đổi đời. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, số tiền nhóm này gửi về quê hằng năm lên đến 6 tỉ đô la, không hề ít hơn lượng kiều hối của đồng bào hải ngoại gửi về nước hằng năm cho thân nhân. Vậy mà họ phải sống trong những không gian chật hẹp ở thành phố, làm việc trong điều kiện tương đối bấp bênh, đặt mình trong tình trạng vong thân/ tha hóa, và thiếu vắng đời sống tinh thần. Diễn giả cung cấp dữ liệu tương đối toàn diện về nhóm này ở đô thị Việt Nam, đặt hoàn cảnh Việt Nam trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi mô hình kinh tế với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism) trên thế giới vào những năm 70 và 80. Những dữ liệu xác đáng, tuy chỉ mang tính mô tả khoa học, không khỏi khiến người nghe liên tưởng đến những phê phán “con người một chiều” (one-dimensional man) của Herbert Marcuse trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1964 ở Mỹ, cũng như những cách đặt vấn đề của phái mác-xít với vấn nạn nghèo đói, bị bần cùng hóa của tầng lớp công nhân, vô sản vào thế kỉ XIX ở các đô thị châu Âu dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Trong phần II, diễn giả Đinh Hồng Phúc giới thiệu tổng quan về trường phái khắc kỷ cổ đại. Trường phái này thịnh hành cách đây hơn 2000 năm và cũng từng chứng kiến cơn đại dịch khủng khiếp thời đó. Phái khắc kỷ quan niệm triết học là hành động, và tập trung suy tư về “lối sống tốt” (good way of life). Họ đã tiếp tục phát triển các bộ môn logic học, đạo đức học, và vật lý học của truyền thống Hy Lạp, và có nhiều quan niệm khác nhau khi kết hợp chúng với triết học để hình thành một thể tri-hành thống nhất. Những lời dạy thực tế của phái khắc kỷ về kiểm soát cảm xúc, phát triển đức hạnh, và phán đoán chính xác là những bài học thiết thực trong ứng xử ở đời, nhất là trong những hoàn cảnh xã hội ‘cấp bách’ và khác thường như đại dịch bệnh. Bài học quan trọng nhất từ họ là: có những thứ bên ngoài xảy đến mà ta không thể tác động, và có những thứ bên trong ta có thể tác động được. Ta hãy tập trung vào cái sau, chẳng hạn cảm xúc, phán đoán, và hành động của ta. Con người ta thường đau khổ vì tưởng tượng hơn nhiều so với đau khổ thực sự gây ra trên thực tế. Bài học này ắt hẳn rất bổ ích khi người ta phải đối diện với dịch bệnh, và ở trong tình huống có quá nhiều yếu tố mình không thể tác động được.

Trong phần Q&A, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. (1) Làm thế nào để phân định đúng/ sai trong thực tiễn hành động ? Một câu hỏi thoạt trông có vẻ như là một câu hỏi về kỹ thuật ra quyết định (decision making skill) nhưng xét về sâu xa là câu hỏi về lý thuyết chân lý (theory of truth), vốn đã được hỏi trong suốt hàng ngàn năm của lịch sử tư tưởng. (2) Làm thế nào để triết học không chỉ cung cấp những câu trả lời trừu tượng, hình thức cho thực tiễn cụ thể, cấp bách? Thay vì chỉ dừng ở những lời khuyên lý thuyết chung chung như ‘hãy biết tư duy phản biện’, ‘hãy tự phản tư’ sáo rỗng của trường ốc, làm thế nào để tiến một bước xa hơn trên thực tế? Vượt qua vực thẳm giữa lý thuyết và thực tiễn đã luôn là giấc mơ ‘tri-hành hợp nhất’ của triết học. Triết học, trên thực tế, đã có những bước tiến lớn khi cố gắng trả lời câu hỏi này với học thuyết về ‘thực tiễn’ (praxis) của phái mác-xít và châm ngôn dụng hành (pragmatic maxim) của chủ nghĩa dụng hành đương đại. Có lẽ ngày nay đa số người ta đều đồng ý: các ý tưởng phải được cọ xát trên thực tế và thực tiễn chính là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: