INTERNAL TALK 22 - TRIẾT HỌC HIỆN SINH CỦA JEAN-PAUL SARTRE - ĐINH HỒNG PHÚC - 14 thg 02, 2022

22/ 02/ 2022

Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) có lịch sử ra đời từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ ở giữa thế kỷ 20 vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh triết học, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như thần học, kịch nghệ, nghệ thuật, văn học và tâm lý học. Jean-Paul Sartre, triết gia, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia và nhà hoạt động chính trị người Pháp, chính là một trong những cái tên lớn nhất xây dựng một hệ thống lý thuyết vững chắc cho chủ nghĩa triết học đặc biệt này.

Triết học hiện sinh của Jean-Paul Sartre có phạm vi rất rộng vì diễn trình tư tưởng của ông có nhiều bước ngoặc. Trong khi ở Berlin nghiên cứu Hiện tượng học của Husserl khoảng thời gian 1934-1935, ông viết tác phẩm Tính siêu việt của Tự ngã (Transcendental Ego). Năm 1943, ông đúc kết toàn bộ 10 năm nghiên cứu tiếp sau đó bằng tác phẩm lừng danh Tồn tại và hư vô (Being and Nothingness). Sau đó, ông chuyển từ hiện tượng học sang chủ nghĩa Marx. Jean-Paul Sartre không chỉ là một nhà Hiện sinh mà còn là một nhà Marxist. Từ năm 1945, bước chuyển từ Hiện tượng học sang chủ nghĩa Marx được thể hiện rõ nét qua văn bản Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Existentialism is a Humanism). Năm 1960, ông trình làng bộ sách 2 tập Phê phán lý tính biện chứng (Critique of Dialectical Reason). Sau đó, đi vào các hoạt động chính trị và bắt đầu viết những bài viết xoay quanh kinh tế chính trị. Hành trình tư tưởng của Jean Paul Sartre rất phong phú nhưng được giới thiệu ở Việt Nam nhìn chung khá phiến diện và hạn hẹp, người ta chỉ tiếp cận chủ yếu từ phương diện văn chương qua các tác phẩm kịch và tiểu thuyết: Buồn nôn, Ngôn từ,… Quyển Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh cũng có nhiều định kiến dành do các triết gia hiện sinh vô thần như Sartre.

Về cơ bản, chủ đề trung tâm của triết học hiện sinh của Sartre luôn là "hiện hữu" và con người. Sartre lập luận rằng về cơ bản có hai loại hiện hữu. Đầu tiên là tồn-tại-tự-mình (being-in-itself - l'en-soi), được mô tả là cố định, hoàn chỉnh, và hoàn toàn không có lý do gì cho nó - nó chỉ là vậy. Điều này về cơ bản giống như thế giới của các vật thể bên ngoài. Cái thứ hai là tồn-tại-cho-mình (being-for-itself - le pour-soi), mà phụ thuộc vào cái cũ cho sự tồn tại của nó. Nó không có bản chất tuyệt đối, cố định, vĩnh hằng và tương ứng với ý thức của con người. Vì vậy, sự tồn tại của con người được đặc trưng bởi "hư vô" - bất cứ điều gì mà chúng ta tuyên bố là một phần của đời sống con người là sự sáng tạo của chính chúng ta, thường xuyên thông qua quá trình nổi dậy chống lại những ràng buộc bên ngoài. Đây là điều kiện của nhân loại: tự do tuyệt đối trên thế giới. Sartre đã dùng một câu nói nổi tiếng “tồn tại có trước bản chất“ để giải thích ý tưởng này, một sự đảo ngược của siêu hình học truyền thống và quan niệm về bản chất của thực tại. Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre hoan nghênh nhu cầu tự do và cá tính của con người. Với hiện hữu, bản chất (cách tồn tại) của vật là being (là); của con người là becoming (trở thành). Con người không bao giờ yên phận, không bao “là” mà vượt qua khỏi cái “là”, sáng tạo các giá trị chứ không phải sống phục tùng giá trị, không phải “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Con người luôn có sự ưu việt - luôn là một sự trở thành - vượt ra khỏi chính mình để nằm trong kích thước của một sự trở thành - dự phóng, phóng mình về phía trước, về tương lai. Muốn phóng mình vào tương lai thì ta phải lựa chọn. Khi là một hữu thể (existent), ta tự do trong việc lựa chọn, được phóng mình vào trong những khả năng lựa chọn và chính hành vi lựa chọn đó đã tiền giả định bản thân sự hiện hữu chúng ta không phải là cái gì định sẵn mà tự do (theo nghĩa đó là cấu trúc bản thể của con người chứ không phải tự do theo nghĩa chính trị - không phải là điều gì mà đó ai đó ban cho ta) và không có gì biện minh cho lựa chọn của chúng ta cả. Ta sinh ra không phải là một thằng hèn, không phải một người tội lỗi hay không tội lỗi mà dựa trên hành động của chính ta. Tự do tới đâu, trách nhiệm tới đó, tự do tuyệt đối, trách nhiệm tuyệt đối. Con người anh phụ thuộc vào cách anh tồn tại. Không thể nhân danh điều gì để biện minh, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh vì như vậy là dối trá, ngụy tín, tự lừa dối bản thân, là lối sống không đích thực, quên mất mình là chủ thể kiến tạo nên ý nghĩa của cuộc sống. Đây chính là một khái niệm trách nhiệm rất căn bản của Sartre.

Tuy triết hiện sinh của Sartre đề cao cá nhân nhưng cần nhấn mạnh rằng cá nhân đó nằm trong mạng lưới kết nối, tồn tại với người khác, không thể thoát ly ra khỏi điều đó, con người phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình dẫu là hành động vô cớ nhất. Bất cứ hành động nào cũng sẽ dẫn đến hệ quả nào đó vì khi thực hiện hành vi sẽ nằm trong mối liên đới với một tồn tại khác. Ví dụ, một hành vi vô cớ như phóng một con dao ra cửa sổ tối om, không biết là có ai đó đang ở bên ngoài, nhưng rốt cục người đó vẫn chết. Do vậy, cần phải soi xét lại hành vi của mình với tư cách là một thành viên của cộng đồng, chúng ta không thể hiện hữu trong cõi riêng mà phải sống với người khác. Triết học hiện sinh của Sartre không đồng nghĩa với việc buông thả như nhiều ý kiến lên án mà thực chất nó gắn liền với tự do và trách nhiệm. “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: