KHI TRUNG QUỐC NHÌN THẤY TẤT CẢ: NHÀ TÙ TRÒN ĐANG HIỆN DIỆN Ở ĐÂY

14/ 03/ 2023

 

KHI TRUNG QUỐC NHÌN THẤY TẤT CẢ: NHÀ TÙ TRÒN ĐANG HIỆN DIỆN Ở ĐÂY

Ross Andersen

Nguyễn Trung Kiên lược dịch (kỳ 1/2)

 

 

PHÍA TÂY BẮC TỬ CẤM THÀNH, bên ngoài Đường vành đai Ba, Viện Hàn Lâm khoa học Trung Quốc đã dành bảy thập kỷ để xây dựng một khu tập trung các phòng thí nghiệm quốc gia. Gần trung tâm là Viện Tự động hóa, một tòa nhà màu xanh bạc bóng bẩy được bao quanh bởi các cột gắn camera theo dõi. Đây là một viện nghiên cứu cơ bản. Các nhà khoa học máy tính của Viện đang tìm hiểu những bí ẩn cơ bản của trí tuệ nhân tạo. Những đổi mới công nghệ thiết thực hơn của họ - nhận diện bằng mống mắt, tổng hợp giọng nói dựa trên dữ liệu đám mây - được chuyển giao cho các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, cho các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo, và trong một số trường hợp là cho Quân đội Trung Quốc.

Tôi đến thăm Viện này vào một sáng mưa mùa Hè năm 2019. Những người giỏi nhất và sáng giá nhất Trung Quốc vẫn đang lê la sau giờ làm, ăn mặc giản dị với quần áo chơi bóng rổ hoặc quần tập yoga, AirPod bên tai. Trong túi, tôi có một chiếc điện thoại đã bị xóa sạch bộ nhớ; trong ba-lô là một máy tính bị xóa sạch dữ liệu – các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn dành cho các nhà báo phương Tây ở Trung Quốc. Việc đến Trung Quốc với công việc nhạy cảm luôn có nguy cơ bị đe dọa bởi các cuộc tấn công mạng và phần mềm độc hại. Năm 2019, các quan chức Bỉ trong một phái đoàn thương mại nhận thấy dữ liệu di động của họ đã bị chặn bởi một cột ăng-ten được bật lên bên ngoài khách sạn của họ ở Bắc Kinh.

Sau khi bị kiểm tra bởi lớp an ninh của Viện, tôi được yêu cầu đợi ở dưới sảnh với sự theo dõi của camera. Trên các bức tường là áp-phích của các nhà lãnh đạo hậu chiến tự mãn nhất của Trung Quốc. Mao Trạch Đông cao lớn trong bộ quần áo đại cán bốn túi đặc trưng của mình. Trông ông thanh thản, như thể đang hài lòng vì đã giải phóng Trung Quốc khỏi ách thống trị của phương Tây. Bên cạnh ông là một bức ảnh đen trắng mờ nhạt của Đặng Tiểu Bình đến thăm Viện trong những năm cuối đời, sau khi các cuộc cải cách kinh tế của ông đã đưa Trung Quốc vào con đường giành lại vai trò cường quốc truyền thống trên toàn cầu.

Áp-phích nổi bật nhất của sảnh đợi là ảnh Tập Cận Bình trong bộ vest đen sắc nét. Vị Chủ tịch Nước đương nhiệm của Trung Quốc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quan tâm sâu sắc đến Viện này. Công việc của Viện là một phần của chiến lược trí tuệ nhân tạo vĩ đại mà Tập đã đặt ra trong một loạt bài phát biểu Tập nói rằng ông muốn Trung Quốc, vào cuối năm nay, có thể cạnh tranh với các quốc gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu trên thế giới, một cột mốc mà hiện nay đất nước này đã đạt được rồi. Và ông muốn Trung Quốc đạt được vị thế thống trị về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Những tuyên bố của Tập về trí tuệ nhân tạo có một khía cạnh đầy hung hãn. Trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của con người, từ dịch nhanh ngôn ngữ nói đến phát hiện sớm các đợt bùng phát virus. Nhưng Tập cũng muốn sử dụng sức mạnh phân tích tuyệt vời của trí tuệ nhân tạo để đưa Trung Quốc lên đỉnh cao của sự theo dõi. Ông muốn xây dựng một hệ thống kỹ thuật số toàn diện để kiểm soát xã hội, được thực hiện bởi các thuật toán để đưa ra dự báo nhằm xác định những người bất đồng chính kiến tiềm năng theo thời gian thực.

Chính quyền Trung Quốc đã từng sử dụng các sự kiện lịch sử lớn để giới thiệu và thực hiện các biện pháp theo dõi. Trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, các cơ quan an ninh của Trung Quốc đã đạt tới mức độ kiểm soát mới đối với mạng Internet của nước này. Trong thời kỳ bùng phát virus corona ở Trung Quốc, chính quyền Tập đã dựa nhiều vào các công ty tư nhân vốn đang sở hữu dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Bất kỳ thỏa thuận chia sẻ dữ liệu khẩn cấp nào được thực hiện sau những cánh cửa đóng kín trong thời kỳ đại dịch đều có thể trở thành vĩnh viễn.

Trung Quốc đã có hàng trăm triệu camera theo dõi. Chính quyền Tập hy vọng sẽ sớm đạt được mức độ phủ sóng camera theo dõi toàn diện đối với các khu vực công cộng quan trọng. Phần lớn cảnh quay do các camera của Trung Quốc thu thập được phân tích cú pháp bằng các thuật toán đều giúp chỉ ra các loại đe dọa về an ninh. Trong tương lai gần, mọi người dân khi bước vào khu vực công cộng có thể được xác định, ngay lập tức, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để tích hợp họ với một khối lượng cực kỳ khổng lồ các dữ liệu cá nhân, bao gồm mọi giao tiếp bằng ký tự và giản đồ cấu tạo protein độc nhất của cơ thể họ. Theo thời gian, các thuật toán sẽ có thể xâu chuỗi các điểm dữ liệu lại với nhau từ nhiều nguồn - hồ sơ du lịch, bạn bè và cộng sự, các thói quen đọc sách, các lần mua hàng - để dự đoán sự phản kháng chính trị trước khi nó xảy ra. Chính quyền Trung Quốc có thể sớm đạt được một sự siết chặt chính trị chưa từng có đối với hơn 1 tỷ dân.

Trong thời kỳ đầu của đợt bùng phát virus corona, công dân Trung Quốc phải chịu một hình thức chấm điểm rủi ro. Một thuật toán đã chỉ định để dán nhãn cho mỗi người dân - xanh lá cây, vàng hoặc đỏ - để xác định khả năng họ di chuyển hoặc đi vào các tòa nhà tại các siêu đô thị tại Trung Quốc. Trong một hệ thống kỹ thuật số nhằm kiểm soát xã hội đầy phức tạp, những nhãn được dán như thế này cũng có thể được sử dụng để đánh giá thái độ chính trị của mỗi người dân.

Một phiên bản thô sơ của hệ thống như vậy đã vận hành tại Tân Cương, vùng lãnh thổ phía Tây Bắc của Trung Quốc, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đã bị giam cầm - nơi giam giữ lớn nhất đối với một nhóm thiểu số tôn giáo kể từ khi Đức Quốc xã sụp đổ. Một khi Tập hoàn thiện hệ thống này ở Tân Cương, sẽ không có giới hạn công nghệ nào ngăn cản ông mở rộng khả năng theo dõi dựa trên trí tuệ nhân tạo trên khắp Trung Quốc. Ông cũng có thể xuất khẩu nó ra nước ngoài, giúp cho toàn bộ thế hệ các nhà chuyên chế có thể cố thủ trong quyền lực.

Trung Quốc gần đây đã bắt tay vào một số dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng ở nước ngoài - xây dựng siêu đô thị, mạng lưới đường sắt cao tốc, chưa kể đến Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'. Nhưng những điều này sẽ không định hình lại lịch sử giống như những gì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc đang thực hiện, vốn có thể thay đổi cán cân quyền lực giữa cá nhân và nhà nước trên toàn thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ trên khắp các diễn đàn chính trị đều lo ngại về viễn cảnh này. Michael Kratsios (từng là cấp dưới của đồng sáng lập viên Peter Thiel của Paypa), hiện đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật và được Donald Trump chọn làm Giám đốc Công nghệ của Chính phủ Hoa Kỳ, nói với tôi rằng sự lãnh đạo công nghệ từ các quốc gia dân chủ “chưa bao giờ trở nên cấp bách hơn là lúc này” và rằng “nếu chúng ta muốn đảm bảo rằng các giá trị phương Tây được thấm đẫm trong các công nghệ của tương lai, chúng ta cần đảm bảo rằng mình đang dẫn đầu các công nghệ đó”.

Bất chấp những bước tiến đáng kể của Trung Quốc, các nhà phân tích công nghiệp kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ giữ được vị trí dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo hiện tại của mình trong ít nhất một thập kỷ nữa. Nhưng điều này chỉ là một tình huống tốt trong một thời điểm tồi: Trung Quốc đã và đang phát triển các công cụ theo dõi mới đầy mạnh mẽ và xuất khẩu chúng cho hàng chục quốc gia đã và chuẩn bị trở thành chuyên chế trên toàn thế giới. Trong vài năm tới, những công nghệ đó sẽ được cải tiến và tích hợp vào các hệ thống theo dõi toàn diện mà các nhà độc tài có thể vận hành dễ dàng.

Sự xuất hiện của một khối các quốc gia độc tài dựa trên trí tuệ nhân tạo do Trung Quốc dẫn đầu có thể làm biến dạng địa chính trị của thế kỷ này. Nó có thể ngăn hàng tỷ người, tại nhiều vùng rộng lớn trên toàn cầu, không bao giờ được đảm bảo bất kỳ biện pháp tự do chính trị nào. Và cho dù các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có giả vờ kiểu gì đi nữa, thì chỉ có công dân Trung Quốc mới có thể ngăn chặn được điều này. Tôi đã đến Bắc Kinh để tìm kiếm một số dấu hiệu cho thấy họ có thể thực hiện được điều này.

*

KHOẢNH KHẮC CÔNG NGHỆ-CHÍNH TRỊ NÀY đã xuất hiện từ lâu. Trung Quốc đã có vài thế kỷ trong lịch sử 5.000 năm của mình nắm vị trí tiên phong về công nghệ thông tin. Cùng với Sumer và Mesoamerica, Trung Quốc là một trong ba nơi mà chữ viết được phát minh một cách độc lập, cho phép thông tin được lưu trữ bên ngoài bộ não con người. Vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, người Trung Quốc phát minh ra giấy. Công nghệ lưu trữ thông tin giá rẻ, có thể ràng buộc này cho phép dữ liệu - hồ sơ thương mại về Con đường Tơ lụa, thông cáo quân sự, thư từ giữa các thành viên trong giới tinh hoa cầm quyền - đi khắp đế chế trên những con ngựa, được những người du mục thảo nguyên bên ngoài Vạn Lý Trường Thành nuôi, để gia tăng tốc độ truyền tin. Dữ liệu bắt đầu lưu hành nhanh hơn vài thế kỷ sau đó, khi các nghệ nhân thời Đường hoàn thiện kỹ thuật in khắc gỗ, một công nghệ thông tin đại chúng giúp quản lý một nhà nước khổng lồ và đang bành trướng.

Là người cai trị các tổ chức xã hội phức tạp lớn nhất thế giới, các hoàng đế Trung Quốc cổ đại hiểu rất rõ mối quan hệ giữa các luồng thông tin và quyền lực cũng như giá trị của việc theo dõi. Trong thế kỷ XI, một hoàng đế nhà Tống nhận ra rằng các thành quách có tường thành đầy trang nhã của Trung Quốc đã trở nên quá nhiều khiến Bắc Kinh không thể theo dõi hết, vì vậy ông đã dùng người dân địa phương để theo dõi các quan chức địa phương. Vài thập kỷ trước buổi bình minh của kỷ nguyên kỹ thuật số, Tưởng Giới Thạch đã sử dụng truyền thống tự theo dõi này, yêu cầu người dân theo dõi những người bất đồng chính kiến xung quanh họ, để các cuộc nổi dậy của những người cộng sản có thể bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Khi Mao lên nắm quyền, ông sắp xếp các thành phố thành những mạng lưới, biến mỗi ô vuông thành đơn vị vận hành độc lập, nơi các điệp viên địa phương luôn “để mắt đến” các hành vi phản cách mạng, dù tầm thường đến đâu. Trong đợt bùng phát virus corona ban đầu, các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc đã quảng bá đường dây nóng để mọi người có thể báo cáo những người bị nghi ngờ đang che giấu các triệu chứng.

Tập đã sử dụng cụm từ 'đôi mắt tinh anh', với tất cả sự cộng hưởng lịch sử của nó, để đặt tên cho các camera theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo sẽ sớm lan rộng khắp Trung Quốc. Với trí tuệ nhân tạo, Tập có thể xây dựng bộ máy chuyên chế có năng lực đàn áp lớn nhất trong lịch sử, mà không cần đến nguồn nhân lực mà Mao từng cần, để đưa thông tin về bất đồng chính kiến vào một chỗ tập trung duy nhất. Trong các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo nổi bật nhất Trung Quốc - SenseTime, CloudWalk, Megvii, Hikvision, iFlytek, Meiya Pico - Tập đã tìm được các đối tác thương mại luôn sẵn sàng. Và ở vùng của người thiểu số theo đạo Hồi giáo tại Tân Cương, ông đã tìm thấy một lượng dân cư của mình để tiến hành thử nghiệm.

ĐCSTQ từ lâu đã nghi ngờ tôn giáo, và không chỉ do ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx. Chỉ một thế kỷ rưỡi trước - vốn chỉ là ‘ngày hôm qua’ trong trong ký ức của một nền văn minh 5.000 năm tuổi - Hồng Tú Toàn, một nhà thần bí bán-Thiên chúa giáo được các nhà truyền giáo phương Tây cải đạo, đã phát động Cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn, một chiến dịch khải huyền kéo dài 14 năm vốn có thể đã giết chết nhiều người hơn cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ Nhất. Ngày nay, trong hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc, tôn giáo là nguồn thay thế của quyền lực độc tài tối thượng, có nghĩa là nó phải cùng hợp tác với chính quyền hoặc bị tiêu diệt.

Đến năm 2009, người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đã trở nên mệt mỏi sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử và bị tịch thu đất đai. Họ phát động các cuộc biểu tình và nhiều vụ tấn công liều chết nhằm vào cảnh sát Trung Quốc. Năm 2014, Tập đã thẳng tay đàn áp, chỉ đạo chính quyền Khu tự trị Tân Cương phá hủy các nhà thờ Hồi giáo và biến các khu dân cư của người Duy Ngô Nhĩ thành đống đổ nát. Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đẩy vào các trại tập trung. Nhiều người bị tra tấn và phải lao động cưỡng bức.

Những người Duy Ngô Nhĩ được tha khỏi các trại tập trung hiện trở thành nhóm dân cư bị theo dõi đông nhất trên Trái Đất. Không phải tất cả các biện pháp theo dõi đều là biện pháp kỹ thuật số. Chính quyền Trung Quốc đã chuyển hàng nghìn “anh chị em” người Hán đến sống tại các thành phố cổ đại từng nằm trên Con đường Tơ lụa tại Tân Cương, để theo dõi sự đồng hóa cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ với văn hóa Trung Quốc chính thống. Họ dùng bữa với gia đình, và một số “anh cả” ngủ cùng giường với vợ của những người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.

Trong khi đó, các cảm biến tích hợp với hệ thống trí tuệ nhân tạo ẩn nấp ở khắp mọi nơi, kể cả trong ví và túi quần của người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà nhân chủng học Darren Byler, một số người Duy Ngô Nhĩ đã chôn điện thoại di động chứa kinh sách Hồi giáo, hoặc thậm chí giấu thẻ nhớ chứa dữ liệu của họ vào bánh bao để bảo vệ sự an toàn, khi chiến dịch diệt chủng về văn hóa của Tập đạt đến đỉnh điểm. Nhưng cảnh sát đã buộc họ phải cài đặt ứng dụng theo dõi trên điện thoại mới của họ. Các ứng dụng sử dụng các thuật toán để truy tìm “các virus ý thức hệ” suốt ngày đêm. Họ có thể quét nhật ký trò chuyện để tìm các câu Kinh Cô-ran và tìm kiếm chữ Ả-rập trong các đoạn tin nhắn và các file hình ảnh khác.

Người Duy Ngô Nhĩ không thể sử dụng các kỹ thuật vượt tường lửa nào. Việc cài đặt VPN có thể dẫn tới một cuộc điều tra, vì vậy họ không thể tải xuống WhatsApp hoặc bất kỳ phần mềm trò chuyện mã hóa bị cấm nào khác. Mua thảm cầu nguyện trực tuyến, lưu trữ các bản sao kỹ thuật số các kinh sách Hồi giáo và tải xuống các bài giảng từ một giáo sĩ yêu thích đều là những hoạt động đầy rủi ro. Nếu một người Duy Ngô Nhĩ sử dụng hệ thống thanh toán của WeChat để quyên góp cho nhà thờ Hồi giáo, các nhà chức trách có thể chú ý.

Nhiều ứng dụng theo dõi hoạt động song song với cảnh sát, những người kiểm tra điện thoại tại các trạm kiểm soát, kiểm tra nhanh các cuộc gọi và tin nhắn gần đây. Ngay cả một tổ hợp ký tự kỹ thuật số - ví dụ như một tin nhắn gửi cho một nhóm người vừa dự lễ tại một nhà thờ Hồi giáo nào đó - đều có thể dẫn đến việc người gửi tin bị giam giữ. Việc ngừng hoàn toàn các phương tiện truyền thông xã hội không phải là giải pháp, vì bản thân việc không hoạt động kỹ thuật số có thể làm dấy lên nghi ngờ. Cảnh sát được yêu cầu lưu ý khi người Duy Ngô Nhĩ đi chệch hướng khỏi bất kỳ kiểu hành vi bình thường nào của họ. Cơ sở dữ liệu của cảnh sát muốn biết liệu người Duy Ngô Nhĩ có bắt đầu rời nhà của họ qua cửa sau thay vì cửa trước hay không. Nó muốn biết liệu họ có dành ít thời gian nói chuyện với hàng xóm hơn trước đây hay không. Việc sử dụng điện thoại được theo dõi bởi một thuật toán nhằm phát hiện sự sử dụng bất thường nào đó có thể giúp chỉ ra một cư dân chưa đăng ký điện thoại với cảnh sát.

Người Duy Ngô Nhĩ chỉ có thể đi vài dãy nhà trước khi gặp một trạm kiểm soát được trang bị một trong số hàng trăm nghìn camera theo dõi của Tân Cương. Cảnh quay từ camera được xử lý bằng thuật toán khớp khuôn mặt với ảnh chụp nhanh do cảnh sát chụp khi “kiểm tra sức khỏe”. Tại các cuộc kiểm tra này, cảnh sát trích xuất tất cả dữ liệu họ có thể có từ cơ thể của người Duy Ngô Nhĩ. Họ đo chiều cao và lấy mẫu máu. Họ ghi lại giọng nói và quét ADN. Một số người Duy Ngô Nhĩ thậm chí còn bị buộc phải tham gia vào các thí nghiệm khai thác dữ liệu di truyền, để xem cách ADN của người Duy Ngô Nhĩ tạo ra sự khác biệt của cằm và tai như thế nào so với người Hán. Cảnh sát có thể sẽ lấy đại dịch làm cái cớ để lấy thêm dữ liệu từ các thi thể người Duy Ngô Nhĩ.

Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ cũng phải chịu khó khám thai. Một số bị buộc phải phá thai hoặc đặt vòng tránh thai. Những phụ nữ khác bị nhà nước ép triệt sản. Cảnh sát đã tách trẻ em một cách trái phép ra khỏi cha mẹ của chúng, những người sau đó bị giam giữ. Các biện pháp như vậy đã làm giảm tỷ lệ sinh ở một số vùng của Tân Cương xuống hơn 60% trong ba năm.

Khi người Duy Ngô Nhĩ đến rìa khu phố của họ, một hệ thống tự động sẽ ghi nhận. Hệ thống tương tự theo dõi họ khi họ di chuyển qua các trạm kiểm soát nhỏ hơn, tại ngân hàng, công viên và trường học. Khi họ bơm xăng, hệ thống có thể xác định xem họ có phải là chủ xe hay không. Tại đường vành đai của thành phố, họ buộc phải bước ra khỏi ô-tô của mình, vì vậy khuôn mặt và thẻ căn cước của họ có thể được chụp tự động một lần nữa.

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị tịch thu hộ chiếu. Những người Duy Ngô Nhĩ may mắn đang ở nước ngoài được khuyên nên nhanh chóng trở về. Nếu họ không làm như vậy, cảnh sát thẩm vấn sẽ được cử đến nhà người thân và bạn bè của họ. Ra nước ngoài hoàn toàn không phải là lối thoát. Trong cái nhìn lạnh lùng về cách một khối các quốc độc tài trong tương lai có thể vận hành, các đồng minh mạnh mẽ của Tập - ngay cả những người ở các quốc gia đa số theo đạo Hồi như Ai Cập - đã rất vui vẻ khi bắt giữ và trục xuất người Duy Ngô Nhĩ trở về nhà tù lộ thiên là Tân Cương.

*

TẬP DƯỜNG NHƯ ĐÃ SỬ DỤNG Tân Cương như một phòng thí nghiệm để tinh chỉnh các cảm biến và các năng lực phân tích của ‘nhà tù tròn kỹ thuật số’ mới của mình trước khi mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp Trung Quốc. CETC, công ty nhà nước xây dựng phần lớn hệ thống theo dõi của Tân Cương, hiện đang tự hào về các dự án thử nghiệm ở Chiết Giang, Quảng Đông và Thâm Quyến. Theo công ty này, những điều này nhằm tạo “nền tảng vững chắc cho việc triển khai trên toàn quốc” và chúng chỉ đại diện cho một phần của mạng lưới công nghệ theo dõi con người đang kết nối lại với nhau tại Trung Quốc.

Trung Quốc là bối cảnh lý tưởng cho một cuộc thử nghiệm theo dõi toàn diện. Người dân của họ dành lượng thời gian khổng lồ để vào trên mạng Internet. Đất nước này có hơn 1 tỷ điện thoại di động, tất cả đều chứa đầy các cảm biến phức tạp. Mỗi truy vấn ghi lại các lệnh tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm, các trang web đã truy cập và các lượt thanh toán qua điện thoại di động, vốn phổ biến ở khắp nơi. Khi tôi sử dụng thẻ tín dụng gắn chip để mua cà phê ở khu phố Sanlitun sành điệu của Bắc Kinh, mọi người nhìn tôi chằm chằm như thể tôi đang viết séc.

Tất cả các điểm dữ liệu này có thể được đánh dấu thời gian và gắn thẻ vị trí. Và bởi vì một quy định mới yêu cầu các công ty viễn thông phải quét khuôn mặt của bất kỳ ai đăng ký dịch vụ điện thoại di động, dữ liệu của điện thoại giờ đây có thể được gắn vào khuôn mặt của một người cụ thể. SenseTime, công ty đã giúp xây dựng hệ thống theo dõi tại Tân Cương, gần đây đã khoe khoang rằng phần mềm của họ có thể xác định khuôn mặt của những người đang đeo khẩu trang. Một công ty khác, Hanwang, tuyên bố rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của họ có thể nhận ra khuôn mặt của người đeo khẩu trang chính xác đến 95%. Việc thu thập dữ liệu cá nhân của Trung Quốc thậm chí còn thu được từ những công dân chưa có điện thoại. Ở vùng nông thôn, dân làng đã xếp hàng để được các công ty tư nhân quét khuôn mặt từ nhiều góc độ nhằm đổi lấy dụng cụ nấu nướng.

Cho đến gần đây, rất khó để tưởng tượng làm thế nào Trung Quốc có thể tích hợp tất cả những dữ liệu này vào một hệ thống theo dõi duy nhất, nhưng nay thì đã dễ tưởng tượng ra hơn nhiều. Năm 2018, một nhà hoạt động nhân quyền trong lĩnh vực an ninh mạng đã tấn công vào một hệ thống nhận dạng khuôn mặt có vẻ như được kết nối với chính phủ và đang tổng hợp một sự kết hợp đáng ngạc nhiên của các luồng dữ liệu. Hệ thống có khả năng phát hiện người Duy Ngô Nhĩ theo đặc điểm dân tộc của họ và nó có thể biết được mắt hay miệng của người đó đang mở hay đóng, họ có đang cười không, họ có để râu hoặc đeo kính râm hay không. Nó ghi lại ngày, giờ và số sê-ri - tất cả đều có thể theo dõi được đối với người dùng cá nhân - của những điện thoại hỗ trợ Wi-Fi đã đi qua trong tầm phủ sóng của nó. Nó được vận hành bởi Alibaba và tham chiếu đến City Brain, một nền tảng phần mềm được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo mà Chính quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho công ty này xây dựng.

City Brain là một loại trung tâm thần kinh tự động, có khả năng tổng hợp các luồng dữ liệu từ vô số cảm biến được phân bố khắp không gian đô thị. Nhiều ứng dụng được đề xuất của nó là để thực hiện các chức năng kỹ trị tốt đẹp. Ví dụ, các thuật toán của nó có thể đếm số người và ô-tô, để giúp tính thời gian chờ đèn đỏ và lập kế hoạch cho các tuyến tàu điện ngầm. Dữ liệu từ các thùng rác chứa đầy cảm biến có thể giúp việc thu gom rác thải kịp thời và hiệu quả hơn.

Nhưng City Brain và các công nghệ cải tiến của nó cũng sẽ cho phép các hình thức theo dõi tích hợp mới. Một số trong số này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng: City Brain có thể được huấn luyện để phát hiện những đứa trẻ bị lạc, hay hành lý bị thất lạc của du khách hoặc của những kẻ khủng bố. Nó có thể đánh dấu kẻ cướp, người vô gia cư, hoặc những kẻ bạo loạn. Bất kỳ ai trong bất kỳ loại nguy hiểm nào đều có thể kêu gọi sự giúp đỡ bằng cách vẫy tay theo một cách đặc biệt mà trường quan sát của hệ thống máy tính luôn cảnh giác sẽ nhận ra ngay lập tức. Các cảnh sát viên đeo tai nghe có thể được trợ lý giọng nói dựa trên trí tuệ nhân tạo hướng dẫn đến hiện trường.

City Brain sẽ đặc biệt hữu ích trong một trận đại dịch. (Một trong những công ty chị em của Alibaba đã tạo ra ứng dụng mã hóa màu sắc nguy cơ mắc bệnh của công dân, đồng thời âm thầm gửi dữ liệu du lịch và sức khỏe của họ cho cảnh sát). Khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Kinh, một số trung tâm thương mại và nhà hàng trong thành phố bắt đầu quét điện thoại của khách hàng tiềm năng, lấy dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ di động để xem liệu họ đã đi du lịch gần đây hay chưa. Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động cũng gửi cho chính quyền các thành phố danh sách những người đã đến thành phố của họ từ Vũ Hán, nơi virus corona lần đầu tiên được phát hiện. Và các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất mũ bảo hiểm nhận dạng khuôn mặt được nối mạng tới cảnh sát, với thiết bị hồng ngoại tích hợp nhằm phát hiện xem họ có đang bị sốt hay không, để gửi dữ liệu cho chính quyền. City Brain có thể tự động hóa các quy trình này hoặc tích hợp các luồng dữ liệu của nó.

Ngay cả những hệ thống trí tuệ nhân tạo phức tạp nhất của Trung Quốc vẫn còn rất mỏng manh. City Brain vẫn chưa tích hợp đầy đủ các khả năng theo dõi của mình và các hệ thống trước của nó đã gặp phải một số vấn đề về hiệu suất đáng xấu hổ: Vào năm 2018, một trong những camera được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo của chính quyền đã nhầm một khuôn mặt vẽ trên thành xe bus thành một người đi bộ. Nhưng phần mềm ngày càng tốt hơn, và không có lý do kỹ thuật nào để nó không thể được triển khai trên quy mô lớn.

Các luồng dữ liệu có thể được đưa vào một hệ thống giống như City Brain về cơ bản là không giới hạn. Ngoài các cảnh quay từ 1,9 triệu camera nhận dạng khuôn mặt mà công ty viễn thông Trung Quốc China Tower hợp tác với SenseTime lắp đặt, City Brain có thể thu nhận nguồn cấp dữ liệu từ các camera gắn trên cột đèn và treo trên các góc phố. Nó có thể sử dụng các camera mà cảnh sát Trung Quốc giấu trong mũ giao thông và những camera được gắn cho các sĩ quan, cả sĩ quan mặc quân phục lẫn sĩ quan mặc thường phục. Nhà nước có thể buộc các nhà bán lẻ cung cấp dữ liệu từ camera tại cửa hàng, hiện có thể phát hiện hướng nhìn của người mua hàng vào giá đựng hàng hóa, và có thể sớm nhìn thấy các góc xung quanh bằng cách đọc bóng của người mua hàng. Chỉ có những không gian công cộng nhỏ mới không bị theo dõi.

Chính quyền Trung Quốc có thể thu thập cảnh quay từ các thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Họ có thể khai thác các camera gắn trên ô-tô dùng chung hoặc các phương tiện tự lái sắp thay thế chúng: Các phương tiện tự động sẽ được bao phủ bởi một loạt cảm biến, bao gồm một số cảm biến sẽ thu nhận thông tin phong phú hơn nhiều so với video 2-D. Dữ liệu từ một tập hợp khổng lồ các cảm biến có thể được kết hợp với nhau và được bổ sung bởi các luồng City Brain khác, để tạo ra mô hình 3-D của thành phố được cập nhật từng giây. Mỗi lần cập nhật có thể ghi lại vị trí của tất cả mọi người trong mô hình. Một hệ thống như vậy sẽ ưu tiên các khuôn mặt không xác định, có lẽ bằng cách gửi các nhóm máy bay không người lái đến vị trí của khuôn mặt không xác định đó để đảm bảo thu thập đầy đủ dữ liệu.

Dữ liệu của mô hình có thể được đồng bộ hóa theo thời gian với âm thanh từ bất kỳ thiết bị nối mạng nào có micrô, bao gồm loa thông minh, đồng hồ thông minh và các thiết bị Internet Vạn vật ít rõ ràng hơn như nệm thông minh, tã thông minh và đồ chơi tình dục thông minh. Tất cả các nguồn này có thể kết hợp thành một hỗn hợp âm thanh đa kênh, theo vị trí cụ thể có thể được phân tích cú pháp bằng các thuật toán đa âm thanh có khả năng diễn giải các từ được nói bằng hàng nghìn thứ tiếng. Sự kết hợp này sẽ hữu ích cho các nghiệp vụ an ninh, đặc biệt là ở những nơi không có camera: iFlytek của Trung Quốc đang hoàn thiện một công nghệ có thể nhận dạng các cá nhân bằng “giọng nói” của họ.

Trong những thập kỷ tới, City Brain hoặc các hệ thống kế nhiệm của nó thậm chí có thể đọc được những suy nghĩ không thành lời. Máy bay không người lái đã có thể được điều khiển bởi mũ bảo hiểm có khả năng cảm nhận và truyền tín hiệu thần kinh, và các nhà nghiên cứu hiện đang thiết kế giao diện não-máy tính vượt xa tính năng tự động điền, cho phép bạn nhập dữ liệu chỉ bằng cách suy nghĩ. Một nhà nước độc tài có đủ quyền lực xử lý có thể buộc các nhà sản xuất phần mềm đó phải cung cấp mọi hoạt động thần kinh của người dân vào cơ sở dữ liệu của chính phủ. Trung Quốc gần đây đã thúc đẩy người dân tải xuống và sử dụng một ứng dụng tuyên truyền. Chính quyền có thể sử dụng phần mềm theo dõi cảm xúc để theo dõi phản ứng với một kích thích chính trị trong một ứng dụng. Phản hồi bằng cách im lặng hoặc mang tính kiềm chế đối với đoạn văn bản hoặc đoạn clip từ bài phát biểu của Tập sẽ là một điểm dữ liệu có ý nghĩa đối với thuật toán được dùng để đưa ra dự báo.

Tất cả các nguồn cấp dữ liệu trên mặt đất được đồng bộ hóa theo thời gian này có thể được bổ sung bằng cảnh quay từ máy bay không người lái, có camera có khả năng chụp những bức ảnh với hàng tỷ điểm ảnh để có thể ghi lại toàn bộ cảnh quan thành phố ở dạng chi tiết và trong suốt như pha-lê, có thể cho phép đọc biển số xe và nhận dạng dáng đi. Các máy bay không người lái, “chim gián điệp”, đã sà xuống và bay vòng quanh các thành phố của Trung Quốc, ngụy trang thành chim bồ câu. Nguồn cấp dữ liệu của City Brain có thể được tổng hợp với dữ liệu từ các hệ thống ở các khu vực đô thị khác, để tạo thành một ghi chép đa chiều theo thời gian thực về gần như tất cả hoạt động của con người ở Trung Quốc. Các trang trại máy chủ trên khắp Trung Quốc sẽ sớm có thể lưu giữ nhiều góc độ trong bộ phim có độ phân giải cao về mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mỗi người Trung Quốc.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là các hệ thống thuộc phạm vi này vẫn đang được phát triển. Hầu hết dữ liệu cá nhân của Trung Quốc vẫn chưa được tích hợp với nhau, ngay cả trong các công ty riêng lẻ. Chính quyền Trung Quốc cũng không có một kho dữ liệu tổng hợp, một phần là do sự xung đột giữa giữa các cơ quan trong chính quyền. Nhưng không có rào cản chính trị cứng rắn nào đối với việc tích hợp tất cả các dữ liệu này, đặc biệt là đối với việc sử dụng cho an ninh của nhà nước. Ngược lại, theo quy chế chính thức, các công ty tư nhân buộc phải hỗ trợ các nghiệp vụ tình báo của Trung Quốc.

Chính phủ có thể sớm có một hồ sơ dữ liệu phong phú, tự động thu thập cho toàn bộ gần 1,4 tỷ công dân của mình. Mỗi hồ sơ sẽ bao gồm hàng triệu điểm dữ liệu, bao gồm mọi lần xuất hiện của người đó trong không gian được khảo sát, cũng như tất cả các giao tiếp và mua hàng của họ. Nguy cơ đe dọa của họ đối với quyền lực của ĐCSTQ có thể được cập nhật liên tục theo thời gian thực, với điểm số chi tiết hơn so với điểm được sử dụng trong các kế hoạch chấm điểm “tín nhiệm xã hội” mang tính thí điểm của Trung Quốc, vốn đã nhằm mang lại cho mọi công dân điểm uy tín xã hội công cộng dựa trên những thứ như các kết nối với những nền tảng truyền thông xã hội và thói quen mua hàng. Các thuật toán có thể theo dõi điểm số dữ liệu kỹ thuật số của họ, cùng với những người khác, liên tục, mà không bao giờ có cảm giác mệt mỏi của các sĩ quan mật vụ của phát-xít Đức mỗi khi phải làm việc tăng ca. Những hành động tích cực giả - coi ai đó là mối đe dọa cho hành vi vô thưởng vô phạt - sẽ được khuyến khích, để tăng hiệu ứng tích hợp sẵn của hệ thống, để họ hướng con mắt sắc bén về hành vi của chính mình, để tránh sự bất đồng quan điểm dù là nhỏ nhất.

 

ROSS ANDERSEN là Phó Tổng Biên tập của The Atlantic. Bài báo này sẽ xuất hiện trong ấn bản in vào tháng 9 năm 2020 với tiêu đề “Khi Trung Quốc nhìn thấy tất cả”.

(Nguồn: China’s Artificial Intelligence Surveillance State Goes Global - The Atlantic [])

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: