KHI TRUNG QUỐC NHÌN THẤY TẤT CẢ: NHÀ TÙ TRÒN ĐANG HIỆN DIỆN Ở ĐÂY IKỳ 2)

15/ 03/ 2023

KHI TRUNG QUỐC NHÌN THẤY TẤT CẢ: NHÀ TÙ TRÒN ĐANG HIỆN DIỆN Ở ĐÂY

Ross Andersen

Nguyễn Trung Kiên lược dịch (kỳ 2/2)

 

(Mời đọc Kỳ 1 ở đây: https://exlibrishermes.com/khi-trung-quoc-nhin-thay-tat-ca-nha-tu-tron-dang-hien-dien-o-day)

 

 

 

TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY, một số thành viên trong giới trí thức Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về việc trí tuệ nhân tạo bị lạm dụng, đáng chú ý nhất là nhà khoa học máy tính Tăng Nghị và nhà triết học Triệu Thinh Dương. Vào mùa Xuân năm 2019, Tăng đã xuất bản “Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo ở Bắc Kinh”, một tuyên ngôn về nguy cơ trí tuệ nhân tạo can thiệp vào quyền tự chủ, nhân phẩm, quyền riêng tư và một loạt các giá trị khác của con người.

 

Tăng là người mà tôi muốn đến thăm tại Viện Tự động hóa Bắc Kinh, nơi mà, ngoài nghiên cứu về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, anh còn là Phó Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Mô phỏng Não bộ. Anh tìm thấy tôi ở tiền sảnh. Tăng trông trẻ so với tuổi 37, với đôi mắt nhân hậu và thân hình rắn chắc nhưng trông thon gọn nhờ quần thể thao màu đen và áo khoác trùm đầu.

 

Trên đường đến văn phòng của Tăng, chúng tôi đi ngang qua một trong các phòng thí nghiệm của anh, nơi một trợ lý nghiên cứu lướt qua kính hiển vi, xem các tín hiệu điện hóa nhấp nháy liên kết các nơ-ron với nhau qua mô não chuột. Chúng tôi ngồi xuống một chiếc bàn dài trong phòng họp liền kề với văn phòng anh, ngắm nhìn khung cảnh thành phố xám xịt, mờ sương trong khi trợ lý của anh pha trà.

 

Tôi hỏi Tăng về việc “Các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo của Bắc Kinh” đã được tiếp nhận như thế nào. Anh trả lời: “Mọi người nói, ‘Đây chỉ là một vở diễn chính thức của chính quyền Bắc Kinh’. Nhưng đây là công việc của đời tôi.”

 

Tăng đã nói một cách thoải mái về những lạm dụng tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Anh đề cập đến một dự án được triển khai cho một nhóm các trường học ở Trung Quốc, nơi tính năng nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để theo dõi không chỉ việc đi học hay vắng mặt của học sinh mà còn xem từng học sinh có chú ý hay không. "Tôi ghét phần mềm đó,” Tăng nói. ”Tôi phải dùng từ đó: ghét.”

 

Anh đã nói tiếp một lúc, liệt kê nhiều ứng dụng phi đạo đức khác nhau của trí tuệ nhân tạo. “Tôi đã dạy một khóa học về triết lý về trí tuệ nhân tạo,” anh nói. ”Tôi nói với các học sinh của mình rằng tôi hy vọng không ai trong số các em dính líu đến những con robot giết người. Các em chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi sống trên Trái Đất. Có nhiều điều khác các em họ có thể làm với tương lai của mình”.

 

Tăng biết rõ rằng các tài liệu hàn lâm về đạo đức công nghệ thật khô khan. Nhưng khi tôi hỏi anh về hiệu quả chính trị của công việc của mình, câu trả lời của anh ấy kém thuyết phục hơn. Anh nói: “Nhiều kỹ thuật viên trong chúng tôi đã được mời đến nói chuyện với chính quyền, và thậm chí với Tập Cận Bình về những rủi ro tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo. Nhưng chính quyền vẫn đang trong giai đoạn học hỏi, giống như các chính quyền khác trên toàn thế giới.”

 

“Anh có điều gì mạnh hơn quy trình tham vấn đó không?” Tôi hỏi. ”Giả sử có những lúc chính phủ có những lợi ích mâu thuẫn với các nguyên tắc của anh. Anh đang dựa vào cơ chế nào để giành chiến thắng? “

 

“Cá nhân tôi, vẫn đang trong giai đoạn học hỏi về vấn đề đó,” Tăng nói.

 

Các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc gần như không bận tâm lắm về đạo đức công nghệ. Một số đang giúp Tập phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích theo dõi một cách rõ ràng. Sự kết hợp giữa chế độ độc đảng của Trung Quốc và tàn dư của tư tưởng của kế hoạch hóa tập trung khiến giới tinh hoa trong ĐCSTQ vẫn đầy quyền lực trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nhưng trước đây, mối liên hệ giữa chính quyền và ngành công nghiệp công nghệ rất kín đáo. Gần đây, Chính quyền Trung Quốc bắt đầu cử đại diện của mình vào các công ty công nghệ, để tăng cường các chi bộ Đảng Cộng sản tồn tại trong các công ty tư nhân lớn.

 

Bán công nghệ cho các cơ quan an ninh của nhà nước là một trong những cách nhanh nhất để các công ty khởi nghiệp trong ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc thu lợi nhuận. Một công ty viễn thông quốc gia là cổ đông lớn nhất của iFlytek, gã khổng lồ về nhận dạng giọng nói của Trung Quốc. Sự hợp lực là rất nhiều: Khi cảnh sát sử dụng phần mềm của iFlytek để theo dõi các cuộc điện thoại, các tờ báo quốc doanh đã đưa tin ủng hộ. Đầu năm nay, ứng dụng tin tức được cá nhân hóa Toutiao đã đi xa hơn khi viết lại sứ mệnh của mình để nêu rõ một mục tiêu sống động mới: điều chỉnh dư luận với mong muốn của chính quyền. Từ Lập, CEO của SenseTime, gần đây đã mô tả chính phủ là “nguồn dữ liệu lớn nhất” của công ty ông.

 

Liệu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào có thể được đảm bảo bảo vệ ở Trung Quốc hay không vẫn còn chưa rõ ràng, bởi cấu trúc chính trị của đất nước này. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã khiến cho việc độc quyền dữ liệu trở nên khó tránh khỏi. Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi có truyền thống thực thi chống độc quyền đầy tinh vi, công dân vẫn chưa huy động ý chí đủ mức để buộc thông tin phải thuộc về đa số chứ không phải là thứ được sở hữu bơie một số ít kẻ mạnh. Nhưng các công ty độc quyền về dữ liệu tư nhân ít nhất phải tuân theo quyền lực chủ quyền của các quốc gia nơi họ hoạt động. Độc quyền dữ liệu của một quốc gia-nhà nước chỉ có thể được ngăn chặn bởi người dân của họ và chỉ khi họ có đủ quyền lực chính trị.

 

Người dân Trung Quốc không thể sử dụng một cuộc bầu cử để loại bỏ Tập. Và bởi không có cơ quan tư pháp độc lập, chính quyền có thể đưa ra lập luận, dù gây căng thẳng đến đâu, rằng họ phải sở hữu bất kỳ luồng thông tin nào, miễn là các mối đe dọa đối với “sự ổn định” có thể được phát hiện trong số các điểm dữ liệu. Hoặc nó có thể yêu cầu dữ liệu từ các công ty đã đóng cửa, như đã xảy ra trong đợt bùng phát virus corona đầu tiên. Không có báo chí độc lập nào để đưa tin về những yêu cầu này.

 

Mỗi khi khuôn mặt của một người được nhận dạng, giọng nói của họ được ghi lại hoặc tin nhắn văn bản của họ bị chặn, thông tin này có thể được đính kèm ngay lập tức vào số căn cước công dân, hồ sơ của cảnh sát, tờ khai thuế, hồ sơ tài sản và lịch sử việc làm của họ. Nó có thể được đối chiếu chéo với hồ sơ y tế và ADN họ, khi mà cảnh sát Trung Quốc tự hào rằng họ có bộ sưu tập ADN lớn nhất thế giới.

 

*

 

TĂNG VÀ TÔI nói tới một kịch bản toàn cầu đã bắt đầu diễn ra khiến các nhà đạo đức học về trí tuệ nhân tạo và những người đang quan sát Trung Quốc phải lo lắng. Trong trường hợp này, hầu hết các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trên khắp thế giới đều nhận ra những rủi ro của công nghệ đối với nhân loại và phát triển các quy chuẩn mạnh mẽ xung quanh việc sử dụng nó. Tất cả, ngoại trừ Trung Quốc - nơi đang gây ồn ào về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, nhưng chỉ là vỏ bọc. Trong khi đó, đất nước này xây dựng các hệ thống theo dõi quốc gia hoàn thiện và bán chúng cho những nơi mà nền dân chủ còn mong manh hoặc không tồn tại. Những kẻ chuyên quyền trên thế giới thường bị đánh gục bởi các cuộc đảo chính hoặc các cuộc biểu tình của quần chúng, cả hai đều đòi hỏi một tổ chức chính trị cơ bản. Nhưng tổ chức chính trị quy mô lớn có thể chứng minh là không thể trong các xã hội bị theo dõi tự động một cách tràn lan.

 

Tăng bày tỏ lo lắng về viễn cảnh này, nhưng anh không đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Anh không cần phải làm thế: Quốc gia này hiện là nhà bán thiết bị theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Tại Malaysia, chính phủ đang làm việc với Yitu, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, để trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát Kuala Lumpur như một sự bổ sung cho nền tảng City Brain của Alibaba. Các công ty Trung Quốc cũng trang bị cho Singapore 110.000 cột đèn có camera nhận dạng khuôn mặt.

 

Tại Nam Á, Chính quyền Trung Quốc đã cung cấp thiết bị theo dõi cho Sri Lanka. Trên Con đường Tơ lụa cũ, công ty Dahua của Trung Quốc đang rải khắp các đường phố ở thủ đô Mông Cổ bằng các camera theo dõi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Xa hơn về phía Tây, tại Serbia, Huawei đang giúp thiết lập một “hệ thống thành phố an toàn” hoàn chỉnh với camera nhận dạng khuôn mặt.

 

Vào những năm đầu thế kỷ này, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE đã bán cho Ethiopia một mạng không dây với khả năng truy cập tích hợp bằng ‘cửa sau’ (backdoor access) dành cho chính quyền. Trong một cuộc đàn áp sau đó, những người bất đồng chính kiến bị vây bắt để thẩm vấn tàn bạo, trong đó họ buộc phải bật lại âm thanh từ các cuộc điện thoại gần đây mà họ đã gọi [để thử giọng nói]. Ngày nay, Kenya, Uganda và Mauritius đang trang bị cho các thành phố lớn của các quốc gia này những mạng lưới theo dõi do Trung Quốc sản xuất.

 

Tại Ai Cập, Trung Quốc đang tìm cách tài trợ cho việc xây dựng một thủ đô mới. Nó dự kiến sẽ chạy trên nền tảng “thành phố thông minh” tương tự như City Brain, mặc dù một nhà cung cấp vẫn chưa được nêu tên. Ở miền Nam châu Phi, Zambia đã đồng ý mua hơn 1 tỷ USD thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ theo dõi Internet. Hikvision của Trung Quốc, nhà sản xuất camera theo dõi được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới, có văn phòng tại Johannesburg.

 

Michael Kratsios, Giám đốc công nghệ của Hoa Kỳ, nói với tôi rằng Trung Quốc sử dụng “việc cho vay trước khi bán thiết bị viễn thông với mức chiết khấu đáng kể cho các nước đang phát triển, điều này sau đó đặt Trung Quốc vào vị thế kiểm soát các mạng đó và dữ liệu của họ”. Khi các quốc gia cần tái cấp vốn cho các điều khoản của các khoản vay của họ, Trung Quốc có thể đưa quyền truy cập vào mạng của những quốc gia đó như là một phần của thỏa thuận, giống như cách mà quân đội của họ đảm bảo quyền neo đậu tại các cảng nước ngoài mà họ tài trợ. Kratsios nói: “Nếu bạn cho [Trung Quốc] quyền truy cập không được kiểm soát vào các mạng dữ liệu trên khắp thế giới, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng”.

 

Năm 2018, CloudWalk Technology, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Quảng Châu, tách ra từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã ký một thỏa thuận với chính phủ Zimbabwe để thiết lập một mạng lưới theo dõi. Các điều khoản của nó yêu cầu Zambabwe gửi hình ảnh về cư dân của mình - một bộ dữ liệu phong phú, vì Zimbabwe đã hấp thụ các luồng di cư từ khắp các vùng cận Sahara ở châu Phi - trở lại các văn phòng Trung Quốc của CloudWalk, cho phép công ty tinh chỉnh khả năng nhận diện hình ảnh sẫm màu - các khuôn mặt của người da đen, mà trước đây đã được chứng minh là phức tạp đối với các thuật toán của nó.

 

Đã thiết lập các đầu tàu ở châu Á, châu Âu và châu Phi, các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh vào châu Mỹ Latinh, khu vực mà Chính quyền Trung Quốc mô tả là “lợi ích kinh tế cốt lõi”. Trung Quốc đã tài trợ cho Ecuador 240 triệu đô-la để mua một hệ thống camera theo dõi. Bolivia cũng đã mua thiết bị theo dõi với sự trợ giúp bằng khoản vay từ Bắc Kinh. Venezuela gần đây đã ra mắt hệ thống thẻ căn cước công dân quốc gia mới để ghi lại các đảng phái chính trị của công dân trong cơ sở dữ liệu do ZTE xây dựng. Trong một tình huống trớ trêu, trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã bày bán nhiều sản phẩm theo dõi này tại một hội chợ an ninh ở Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ.

*

 

NẾU VƯỢT QUA HOA KỲ VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO , Trung Quốc sẽ trở thành một lực lượng địa chính trị mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với tư cách là người xây dựng tiêu chuẩn của một liên minh độc tài mới.

 

Trung Quốc đã có một số bộ dữ liệu lớn nhất thế giới để cung cấp cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ, một lợi thế quan trọng cho các nhà nghiên cứu của họ. Trong các văn phòng khổng lồ ở các thành phố trên khắp đất nước, những người lao động lương thấp ngồi trên bàn dài hàng giờ đồng hồ, ghi chép các file âm thanh và phác thảo các đối tượng bằng hình ảnh, để làm cho dữ liệu do dân số đông đúc của Trung Quốc tạo ra hữu ích hơn. Nhưng để Trung Quốc trở thành quốc gia có hệ sinh thái về trí tuệ nhất tạo tốt nhất như của Hoa Kỳ, thì lượng dữ liệu khổng lồ của họ sẽ phải được sàng lọc bằng các thuật toán nhận dạng các mẫu vượt xa những gì con người nắm bắt được. Và ngay cả các giám đốc điều hành của công ty tìm kiếm khổng lồ Baidu của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng các tài năng hàng đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo đang sinh sống ở phương Tây.

 

Trong lịch sử, Trung Quốc đã phải vật lộn để giữ chân các ứng viên ưu tú, hầu hết trong số họ ra đi để theo học tại các khoa Khoa học máy tính hàng đầu của Hoa Kỳ, trước khi làm việc tại các công ty thú vị hơn, có nguồn lực tốt hơn ở Thung lũng Silicon. Nhưng điều này có thể đang thay đổi. Chính quyền Trump đã gây khó khăn cho sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ và những người có khả năng bị nghi ngờ. Một nhà khoa học máy học hàng đầu tại Google gần đây đã mô tả các hạn chế về thị thực là “một trong những nút thắt lớn nhất đối với năng suất nghiên cứu tập thể của chúng tôi”.

 

Trong khi đó, các bộ phận khoa học máy tính của Trung Quốc đã dốc hết sức vào trí tuệ nhân tạo. Ba trong số mười trường đại học về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, xét về số lượng nghiên cứu mà họ xuất bản, hiện nằm ở Trung Quốc. Và đó là thành tựu trước khi đất nước này hoàn thành việc xây dựng 50 trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mới theo yêu cầu của “Kế hoạch hành động đổi mới về trí tuệ nhân tạo cho các tổ chức giáo dục đại học” của Tập. Năm 2017, các công ty Trung Quốc đã thu hút 36% vốn đầu tư tư nhân toàn cầu vào ngành trí tuệ nhân tạo, tăng từ chỉ 3% vào năm 2015. Các kỹ sư tài năng của Trung Quốc có thể đi học ở trong nước và làm việc cho một công ty toàn cầu của Trung Quốc, như TikTok, sau khi tốt nghiệp.

 

Trung Quốc vẫn sẽ tụt hậu so với Mỹ về phần cứng máy tính trong thời gian tới. Giống như dữ liệu phải được xử lý bằng các thuật toán để trở nên hữu ích, các thuật toán phải được khởi tạo trong các tầng vật lý - cụ thể là trong các phần bên trong của các vi mạch. Các cấu trúc silicon mảnh như tơ nhện này phức tạp đến mức một vài nguyên tử bị thiếu có thể định tuyến lại các xung điện thông qua các công tắc nơ-ron của con chip. Những con chip tinh vi nhất được cho là những vật thể phức tạp nhất mà con người từng chế tạo ra. Chúng chắc chắn quá phức tạp để có thể nhanh chóng bị đánh cắp bởi các gián điệp công nghệ của Trung Quốc.

 

Các công ty Trung Quốc vẫn chưa thể xây dựng những phòng chế tạo chip tốt nhất, vốn tiêu tốn hàng tỷ đô-la và dựa trên nhiều thập kỷ tích lũy kiến thức tập thể trong nhiều ngành. Được làm mát bằng nitơ và cách ly địa chấn, để ngăn tiếng ồn của một chiếc xe tải chạy qua làm hỏng vi mạch trong ống nghiệm, những căn phòng tự động này cũng tinh xảo không kém gì những tấm silicon thành phẩm của chúng. Và những nơi sản tốt nhất vẫn chủ yếu ở Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

 

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn có thể hạn chế phần cứng chảy vào Trung Quốc, một tình trạng khiến Đảng Cộng sản phẫn nộ. Khi chính quyền Trump cấm bán vi mạch cho ZTE vào tháng 4/2018, Frank Long, nhà phân tích chuyên về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, mô tả đây là lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc ngang bằng với kinh nghiệm của Hoa Kỳ về lệnh cấm vận dầu mỏ Ả-Rập.

Nhưng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đã mang đến cho Trung Quốc một cơ hội đi tắt đón đầu hiếm có. Cho đến gần đây, hầu hết các chip được thiết kế với kiến trúc linh hoạt cho phép thực hiện nhiều loại hoạt động tính toán. Nhưng trí tuệ nhân tạo chạy nhanh nhất trên các chip tùy chỉnh, giống như những chip mà Google sử dụng cho điện toán đám mây của mình để phát hiện ngay khuôn mặt của con gái bạn trong hàng nghìn bức ảnh. (Apple thực hiện nhiều thao tác này trên iPhone bằng chip tùy chỉnh vận hành kiểu neuron người). Vì mọi người đều lần đầu tiên sản xuất các chip tùy chỉnh này nên Trung Quốc cũng không kém xa: Baidu và Alibaba đang chế tạo chip tùy chỉnh cho phương pháp ‘học sâu’ (deep learning). Và vào tháng 8 năm 2019, Huawei đã tiết lộ một con chip ‘học máy’ di động. Thiết kế của nó đến từ Cambricon, có lẽ là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất trong ngành sản xuất chip toàn cầu, được thành lập bởi các đồng nghiệp của Tăng tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

 

Đến năm 2030, Trung Quốc có thể thống trị về trí tuệ nhân tạo Đất nước này có thể sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và sẽ có những khoản chi mới dành cho các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo trong quân đội của mình. Nó có thể có nhiều máy bay không người lái tinh vi nhất. Nó có thể có các hệ thống vũ khí tự động có thể dự báo hành động của kẻ thù sau một thời gian ngắn tiếp xúc với chiến trường và đưa ra các quyết định trên chiến trường nhanh hơn nhiều so với nhận thức của con người. Các thuật toán phát hiện tên lửa của nó có thể làm mất lợi thế hạt nhân của cuộc tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ. Trí tuệ nhân tạo có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực toàn cầu.

 

*

 

TRÊN ĐƯỜNG RỜI Viện Tự động hóa, Tăng đưa tôi đi tham quan phòng thí nghiệm chế tạo robot của anh. Trong căn phòng có trần cao, các sinh viên đang nghịch ngợm với một cánh tay kim loại khổng lồ quái dị và một robot hình người nhỏ được bọc trong một bộ xương màu xám trong khi Tăng kể cho tôi nghe về công việc của anh ấy làm mô hình não. Anh nói rằng hiểu cấu trúc của bộ não là cách chắc chắn nhất để hiểu bản chất của trí thông minh.

 

Tôi đã hỏi Tăng rằng tương lai của trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra như thế nào. Anh nói rằng mình có thể tưởng tượng phần mềm được mô hình hóa mô phỏng bộ não sẽ đạt được một loạt khả năng. Anh nói rằng nó có thể đạt được một số cảm giác tự nhận ra, và sau đó từ từ nhận thức về quá khứ và tương lai. Nó có thể phát triển các động lực và giá trị. Giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa được hỗ trợ của nó sẽ đến khi nó hiểu các tác nhân khác đáng được đồng cảm. Tôi hỏi anh quá trình này sẽ mất bao lâu. Tăng nói: “Tôi nghĩ một cỗ máy như vậy có thể được chế tạo vào năm 2030”.

 

Trước khi chia tay Tăng, tôi yêu cầu anh tưởng tượng mọi thứ đang diễn ra theo một cách khác. ”Giả sử anh hoàn thành mô hình kỹ thuật số, độ phân giải cao của bộ não,” tôi nói. “Và giả sử mô hình đó đạt được một dạng ý thức thô sơ nào đó. Và giả sử, theo thời gian, anh có thể cải thiện nó, cho đến khi nó vượt trội hơn con người trong mọi khả năng nhận thức, ngoại trừ sự đồng cảm. Anh giữ nó ở chế độ an toàn cho đến khi bạn đạt được bước cuối cùng đó. Nhưng rồi một ngày, cơ quan an ninh của chính quyền phá cửa văn phòng của anh. Họ biết anh có sản phẩm trí tuệ nhân tạo này trên máy tính của mình. Họ muốn sử dụng nó làm phần mềm cho một nền tảng phần cứng mới, một chiến binh nhân tạo hình người. Họ đã sản xuất hàng tỷ chiến binh nhân tạo, và họ sẽ không tâm liệu chúng có đạt được sự đồng cảm hay không. Họ yêu cầu mật khẩu của anh. Anh có nói cho họ biế mật không?. Tăng nói: “Tôi sẽ phá hủy máy tính của mình và bỏ đi. Tại thời điểm đó, đã đến lúc tôi phải nghỉ việc và tập trung vào các robot có thể sáng tác nghệ thuật.”

Nếu bạn đang tìm kiếm một triết gia-quân vương để lập biểu đồ quỹ đạo phát triển về đạo đức cho trí tuệ nhân tạo, bạn có thể làm tệ hơn Tăng. Nhưng con đường phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ được định hình bởi các hệ thống chồng chéo của các nền chính trị của các địa phương, các quốc gia và toàn cầu, chứ không phải bởi một vị vua-triết gia khôn ngoan và nhân từ. Đó là lý do tại sao việc Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu về trí tuệ nhân tạo là một viễn cảnh đầy đe dọa: Cấu trúc chính trị của đất nước này đang khuyến khích, thay vì kiềm chế, cách sử dụng tồi tệ nhất của công nghệ này.

 

Ngay cả ở Hoa Kỳ, một nền dân chủ với các quyền con người được bảo vệ một cách hợp hiến, người Mỹ đang đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn sự xuất hiện của một nhà nước theo dõi được xây dựng thông qua hợp tác công-tư (PPP). Nhưng ít nhất Hoa Kỳ có những cơ cấu chính trị có khả năng chống lại một số cơ hội. Ở Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ bị hạn chế theo nhu cầu của ĐCTQ.

Cuối cùng, khi tôi rời khỏi Viện thì cũng đã gần trưa. Mưa trong ngày đã sắp ngớt. Tăng đặt cho tôi một chiếc ô-tô và dẫn tôi đến đó, tay cầm một chiếc ô trên đầu. Tôi tìm đường đến Tử Cấm Thành, nơi ngự trị của đế quốc Bắc Kinh lịch sử. Ngay cả chuyến đi ngắn ngày đến trung tâm thành phố này cũng giúp tôi tiếp xúc với tình trạng theo dõi của Trung Quốc. Trước khi bước vào Quảng trường Thiên An Môn, cả hộ chiếu và khuôn mặt của tôi đều được chụp lại, một trải nghiệm mà tôi cảm thấy tê tái.

Trong chính quảng trường, cảnh sát cầm lá chắn chống đạn to bằng người chạy theo hàng đơn, len lỏi qua những con đường đông đúc của khách du lịch. Sự hiện diện dày đặc của cảnh sát là một lời nhắc nhở ớn lạnh về những sinh viên biểu tình đã bị sát hại ở đây vào năm 1989. Bức Vạn Lý Tưởng Lửa do trí tuệ nhân tạo đang canh giữ của Trung Quốc được xây dựng, một phần, để đảm bảo rằng vụ thảm sát không bao giờ được thảo luận trên mạng Internet của nước này. Để né tránh các nhà kiểm duyệt bằng thuật toán, các nhà hoạt động vì nhân quyền của Trung Quốc dựa vào hình tượng ‘Người đàn ông chặn xe tăng’ tiếp cận một con vịt cao su để tưởng nhớ vụ giết hại sinh viên .

Sự kiểm duyệt với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo của ĐCSTQ đã vượt xa sự kiện Thiên An Môn. Đầu năm nay, chính phủ đã bắt giữ các lập trình viên Trung Quốc đang cố gắng lưu giữ những bản tin đã bị xóa về đại dịch virus corona. Một số bài báo trong cơ sở dữ liệu của họ đã bị cấm vì chúng chỉ trích Tập và ĐCTQ. Chúng chỉ sống sót nhờ người dùng Internet đăng lại chúng trên mạng xã hội, xen kẽ với ngôn ngữ mã hóa và biểu tượng cảm xúc được thiết kế để né các thuật toán. Những cách làm như thế này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn: các nhà phê bình trong nước của Tập từng chế nhạo ông bằng những hình ảnh của gấu Pooh, nhưng những hình ảnh đó hiện bị cấm ở Trung Quốc. Khả năng chỉnh sửa lịch sử và văn hóa của ĐCTQ bằng vũ lực sẽ trở nên sâu rộng và chính xác hơn khi trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc được cải thiện.

Việc giành lấy quyền lực từ một chính phủ kiểm soát triệt để môi trường thông tin sẽ rất khó khăn. Có thể cần đến một triệu hành vi bất tuân dân sự, giống như kịch bản phá hủy máy tính xách tay mà Tăng tưởng tượng. Công dân Trung Quốc sẽ phải sát cánh cùng sinh viên của họ. Ai có thể nói họ có thể chịu đựng những khó khăn nào?

Công dân Trung Quốc dường như chưa cực đoan hóa việc chống lại sự theo dõi. Đại dịch thậm chí có thể khiến mọi người ít coi trọng quyền riêng tư hơn, như một cuộc thăm dò ban đầu ở Hoa Kỳ cho thấy. Cho đến nay, Tập coi phản ứng của chính phủ là một “cuộc chiến tranh nhân dân” đã chiến thắng, một cụm từ cũ khác của Mao, ám chỉ việc huy động toàn dân để đánh tan một lực lượng xâm lược. Người dân Trung Quốc bây giờ có thể dễ chịu hơn trước khi có virus.

Nhưng bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi của Trung Quốc - ít nhất là một số người - đã phẫn nộ với việc chính phủ giữ bí mật ban đầu về sự bùng phát đại dịch. Đối với tất cả những gì chúng ta biết, một số phong trào thanh niên mới ở đại lục đang chờ đợi thời điểm thích hợp để thực hiện một buổi trình diễn về dân chủ. Người dân Hồng Kông chắc chắn cảm nhận được sự nguy hiểm của thời điểm công nghệ-chính trị này. Đêm trước khi tôi đến Trung Quốc, hơn 1 triệu người biểu tình đã đổ ra đường phố tại Hồng Kông. (Tờ báo nhà nước tự do trong khách sạn Bắc Kinh của tôi đã mô tả họ, một cách giả dối, là những người ủng hộ cảnh sát.) Rất nhiều người đã cầm ô vàng trên đầu, đoàn kết với những người biểu tình sinh viên từ nhiều năm trước, và đeo khẩu trang. Một số người đã đạp đổ một cột đèn vì nghi rằng nó có chứa camera nhận dạng khuôn mặt. Kể từ đó, Tập đã siết chặt hơn khu vực này bằng “luật an ninh quốc gia” và có rất ít điều mà người Hồng Kông có thể làm được, với điều kiện tối thiểu là phải có sự giúp đỡ từ một phong trào khác trong đại lục.

Trong chuyến thăm Quảng trường Thiên An Môn, tôi không thấy bất kỳ người biểu tình nào. Mọi người chủ yếu đến nghỉ ngơi, tạo dáng chụp ảnh selfie với bức chân dung ngoại cỡ của Mao. Họ cầm ô, nhưng chỉ để che ánh nắng Mặt Trời tháng Tám. Đi giữa họ, tôi không ngừng nghĩ về sự ngẫu nhiên của lịch sử: Các hệ thống chính trị hạn chế một công nghệ trong quá trình phát triển ban đầu của nó đã định hình sâu sắc tương lai toàn cầu chung của chúng ta. Chúng ta đã học được điều này từ những cuộc phiêu lưu của chúng ta trong việc đốt cháy carbon. Phần lớn quỹ đạo chính trị của hành tinh có thể phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm mà người dân Trung Quốc nhận thức được khi tưởng tượng về viễn cảnh trí tuệ nhân tạo nằm trong tay một chính quyền trung ương hóa. Cho đến khi họ đảm bảo được quyền tự do cá nhân của mình, với một cái giá không thể tưởng tượng được, những người tự do ở khắp mọi nơi sẽ phải nuôi hy vọng rằng những cỗ máy thông minh nhất thế giới sẽ được sản xuất ở nơi khác, bên ngoài Trung Quốc./.


*
________________________________________
ROSS ANDERSEN là Phó Tổng Biên tập của The Atlantic. Bài báo này sẽ xuất hiện trong ấn bản in vào tháng 9 năm 2020 với tiêu đề “Khi Trung Quốc nhìn thấy tất cả”.

(Nguồn: https://www.theatlantic.com/.../china-ai.../614197/)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: