LỊCH SỬ NHƯ LÀ SỰ TIẾN HÓA

10/ 02/ 2023

 LỊCH SỬ NHƯ LÀ SỰ TIẾN HÓA

Nathan Nunn

Nguyễn Trung Kiên lược dịch 

 

 

 

1. GIỚI THIỆU

 

Đối với nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế điển hình, sự liên quan của các quan điểm tiến hóa, chẳng hạn như các quan điểm từ các ngành sinh học tiến hóa, tâm lý học tiến hóa, hoặc nhân học tiến hóa, với nghiên cứu lịch sử kinh tế của tăng trưởng kinh tế dài hạn dường như có vẻ hạn chế. Tầm quan trọng của sự tiến hóa hay của sinh học dường như bị hạn chế trong các chuyên ngành hẹp được định rõ trong kinh tế học vốn nghiên cứu tầm quan trọng của di truyền đối với các kết quả kinh tế. Tuy nhiên, tôi lập luận rằng quan điểm tiến hóa có thể đưa ra những hiểu biết sâu hơn và phù hợp hơn cho việc nghiên cứu lịch sử kinh tế và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đặc biệt, mục đích của tôi là làm giảm khoảng cách nhận thức giữa nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực lịch sử kinh tế và nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực sinh học tiến hóa, tâm lý học tiến hóa và nhân học tiến hóa.

 

Lĩnh vực nghiên cứu tiến hóa có liên quan nhất đến lịch sử kinh tế là nghiên cứu về tiến hóa văn hóa. Lĩnh vực này là một bước phát triển vượt bậc của ngành sinh học tiến hóa và nổi lên như một dòng nghiên cứu quan tâm đến việc hiểu rõ hơn về tâm lý con người, các xã hội loài người, hành vi con người và sự tiến hóa của chúng theo thời gian. Những đóng góp đầu tiên là các nghiên cứu lý thuyết điều chỉnh và mở rộng các mô hình từ sinh học tiến hóa và áp dụng chúng vào quá trình tiến hóa văn hóa.

 

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách đưa ra một mô tả mang tính khái niệm và lý thuyết về văn hóa và về tiến hóa văn hóa. Một phần quan trọng của việc này là mô tả lý thuyết và bằng chứng đằng sau những lợi ích của văn hóa và lý do tại sao nó thực sự đóng vai trò trung tâm của quá trình ra quyết định của con người, và do đó, cũng đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc của xã hội loài người. Có hai khía cạnh của văn hóa và sự tiến hóa của nó đặc biệt quan trọng. Đầu tiên, đó là văn hóa mang tính hiệu quả. Bằng cách dựa vào các truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ, các cá nhân có thể dễ dàng đưa ra quyết định trong những môi trường phức tạp, nơi mà việc tìm ra hành động tối ưu một cách chắc chắn sẽ đầy tốn kém hoặc thậm chí là không thể. Khi môi trường dân cư ổn định theo thời gian, thì việc dựa vào các truyền thống văn hóa đã tiến hóa là một chiến lược hiệu quả.

 

Khía cạnh thứ hai của sự tiến hóa văn hóa là nó mang tính tích lũy. Văn hóa cho phép các xã hội tích lũy một lượng kiến thức đã tiến hóa lớn hơn bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào mà họ có được bằng cách học suốt đời hoặc làm cho phù hợp với tâm trí của họ. Bằng cách tiếp thu sự thông thái về văn hóa của các thế hệ trước, xã hội không cần phải ‘phát minh lại bánh xe’ mà thay vào đó có thể tập trung nỗ lực vào việc bổ sung kiến thức văn hóa tích lũy được của xã hội - tức là cái được gọi là ‘bộ não tập thể’.

 

Sau khi mô tả các cơ sở khái niệm của tiến hóa văn hóa và những lợi ích của nó, tôi sẽ chuyển sang một loạt ví dụ nhằm chỉ ra cách mà quan điểm về tiến hóa của hành vi con người có thể đưa ra cái nhìn sâu sắc về nghiên cứu kinh tế học nói chung và lịch sử kinh tế nói riêng. Tôi thực hiện điều này theo ba cách. Đầu tiên là chỉ ra rằng sự khác biệt giữa tư duy tiến hóa và tư duy kinh tế truyền thống thường nhỏ hơn nhiều so với người ta thường nghĩ. Cụ thể, có nhiều trường hợp phát triển cùng một lôgic, cùng một bằng chứng và một lối diễn giải tương tự nhưng sử dụng thuật ngữ, phương pháp thực nghiệm và dữ liệu khác nhau. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ làm cho người đọc thấy rõ hơn những điểm chung này.

 

Chiến lược thứ hai là làm nổi bật các trường hợp trong đó các nhà lịch sử kinh tế có thể tận dụng những hiểu biết từ các tài liệu về tiến hóa để hiểu rõ hơn về các quá trình lịch sử. Ở đây, tôi sẽ đề cập đến một vài trường hợp đã trở nên rõ ràng với tôi trong nhiều năm. Tôi sẽ thảo luận về cách mà những hiểu biết sâu sắc về tiến hóa, chẳng hạn như sự không phù hợp về môi trường, bộ não tập thể, những cải tiến tích lũy, các nhóm giải pháp rời rạc thay thế tạm thời, sự lựa chọn ở cấp độ nhóm, hiện tượng lưỡng hình giới tính và các chiến lược sinh sản, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về một loạt các khía cạnh khác nhau của lịch sử loài người, bao gồm vốn con người, đổi mới công nghệ, chiến tranh, hình thành nhà nước, hợp tác, cấu trúc xã hội, vai trò của giới, quan hệ họ hàng, cấu trúc xã hội, sự lệ thuộc vào tiến trình lịch sử, và phát triển kinh tế so sánh. Đối với tôi, đây là những ví dụ rõ ràng nhất về những hiểu biết nổi lên từ quan điểm tiến hóa. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi là chúng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

 

Chiến lược thứ ba là làm nổi bật các trường hợp mà nghiên cứu lịch sử trong kinh tế học đã đóng góp vào nghiên cứu về tiến hóa văn hóa. Như tôi sẽ thảo luận, một lĩnh vực nghiên cứu lớn và đang phát triển nhanh chóng trong kinh tế học đã đưa ra quan điểm tiến hóa, do đó cung cấp những đóng góp quan trọng, cả về lý thuyết và thực nghiệm, cho các lĩnh vực tiến hóa bên ngoài ngành kinh tế học.

 

2. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TIẾN HÓA VĂN HÓA

 

Với lập luận của tôi về tầm quan trọng của tiến hóa văn hóa đối với việc nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, trước tiên cần phải xác định thuật ngữ 'văn hóa' có nghĩa là gì. Định nghĩa tiêu chuẩn từ ngành nhân học tiến hóa định nghĩa văn hóa như là tri thức, công nghệ, giá trị, các niềm tin và chuẩn mực có thể được trao truyền qua các thế hệ và giữa các cá nhân. Có rất nhiều ví dụ về văn hóa thay đổi tùy theo ngữ cảnh, nhưng các ví dụ bao gồm các niềm tin tôn giáo/siêu nhiên, cá quan điểm về đạo đức, các chuẩn mực về sự trao tặng và hợp tác, các chuẩn mực về giới, các sở thích ăn uống, những điều cấm kỵ cũng như các truyền thống và những kỹ năng liên quan đến nông nghiệp, xây dựng nhà cửa, săn bắt, v.v…

 

Ngụ ý trong định nghĩa này là văn hóa của chúng ta ảnh hưởng đến các quyết định mà chúng ta đưa ra, và do đó ảnh hưởng đến hành vi của con người. Đối với các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực tiến hóa, điều này thật tự nhiên và hiển nhiên. Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế học, đây không phải là điều mà chúng ta coi là đương nhiên. Thay vào đó, khi xem xét hành vi của con người từ quan điểm kinh tế truyền thống về ‘tính duy lý’, đặc biệt là từ định nghĩa hẹp về tính duy lý, thì một câu hỏi sẽ tự nảy sinh: tại sao văn hóa tồn tại? Tại sao một người nào đó sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì họ được giáo viên, cha mẹ, bạn bè, lãnh đạo nhà thờ, người nổi tiếng, v.v... của họ nói đến? Tại sao các cá nhân không tự mình tìm ra điều gì là tốt nhất, tham gia vào một dạng tính toán duy lúy? Ví dụ, nếu gian lận, ăn cắp hoặc nói dối mang lại lợi nhuận cao hơn, thì tại sao ai đó sẽ bị ảnh hưởng bởi thực tế là các nhà lãnh đạo tôn giáo, cha mẹ, giáo viên hoặc bạn bè có thể nói với họ rằng hành vi này là sai và nên tránh? Đây là những câu hỏi quan trọng, và để hiểu logic đằng sau văn hóa và những lợi ích của nó, bây giờ chúng ta chuyển sang kiểm định lý thuyết về văn hóa. Cụ thể, bây giờ tôi thảo luận các nghiên cưu lý thuyết trong đó văn hóa không được coi là cái tất định, mà văn hóa xuất hiện mang tính nội sinh. Nói cách khác, một đặc điểm quan trọng của các mô hình là chúng cho thấy khi nào các cá nhân sẽ sử dụng văn hóa để định hướng việc ra quyết định của họ và tại sao việc hành động như vậy lại có lợi.

 

A. Tiến hóa văn hóa giúp tiết kiệm các chi phí thông tin

 

Để hiểu được lợi ích cơ bản của văn hóa, trước hết phải nhìn nhận một thực tế quan trọng: Là con người, chúng ta có những giới hạn nhận thức. Thu thập và xử lý thông tin có chi phí cơ hội. Trước những giới hạn này, chúng ta đã phát triển văn hóa và học tập văn hóa, cùng với đó là các giá trị và tín ngưỡng văn hóa. Đây là những công cụ “nhanh chóng và tiết kiệm” cho phép chúng ta đưa ra quyết định hiệu quả hơn nếu chúng ta chấp nhận phiên bản truyền thống của các nhà kinh tế học về tính “duy lý”.

 

a. Lý thuyết

 

Lý thuyết chính thức về văn hóa và sự tiến hóa của nó đã được phát triển khá toàn diện trong các tài liệu về tiến hóa văn hóa và bắt đầu với các mô hình cụ thể của Boyd & Richerson (1985) và Rogers (1988) cùng các tác giả khác khác. Các tác giả xây dựng mô hình về các tình huống trong đó một hành động phải được thực hiện trong một bối cảnh không có sự chắc chắn tuyệt đối (không tốn kém). Chi phí của mỗi hành động phụ thuộc vào môi trường, có thể thay đổi. Các cá nhân có thể tự mình thu thập thông tin và tìm ra hành động tối ưu, hoặc họ có thể dựa vào các truyền thống vốn đã phát triển cho đến thế hệ trước. Họ thực hiện điều này bằng cách chọn hành động của một người từ thế hệ trước. Điều này mô hình hóa hiệu quả quá trình truyền tải các đặc điểm văn hóa hoặc tâm lý qua các thế hệ. Trong những điều kiện rất chung, sẽ luôn có một số người sống dựa vào truyền thống văn hóa của thế hệ trước.

 

Các mô hình cho thấy, trong các điều kiện khá chung, chúng ta nên quan sát sự hiện diện của văn hóa và việc ra quyết định dựa trên các giá trị văn hóa. Có hai lợi ích chính mà văn hóa mang tính quyết định hơn tính duy lý. Thứ nhất, ra quyết định dựa trên văn hóa sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn . Trong phạm vi mà việc ra quyết định dựa trên tính duy lý (theo nghĩa hẹp) đòi hỏi chi phí do thu thập thông tin hoặc xử lý nhận thức, thì hành động dựa trên các giá trị và truyền thống văn hóa sẽ tiết kiệm được những chi phí này. Lợi ích thứ hai là dựa vào văn hóa sẽ thúc đẩy việc học tập bằng cách tích lũy. Bằng cách tuân theo văn hóa của các thế hệ trước, các cá nhân không cần phải ‘phát minh lại bánh xe’ và học lại mọi thứ đã được định hình trong lịch sử xã hội. Ví dụ, nếu xã hội đã học được cách săn bắt hiệu quả, biết được loài thực vật nào không độc, cùng những nghi lễ và tín ngưỡng nào đã giúp xã hội có thể tồn tại hài hòa, thì họ sẽ chấp nhận những thứ này như một điều mặc định, và sự cố gắng cải thiện chúng có thể là một chiến lược tốt hơn có những cá nhân cố gắng tìm kiếm lại những thứ này.

 

b. Bằng chứng

 

Trong mô hình, sự hiện diện của văn hóa ở trạng thái cân bằng là do lợi ích của việc trao truyền văn hóa, đưa ra cách ra quyết định khá chính xác với chi phí thấp. Các nhà nhân chủng học đã ghi lại nhiều ví dụ thực tế về các đặc điểm văn hóa mang tính chức năng đang được tuân theo trong thế giới thực, mặc dù con người không biết lợi ích của chúng. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là chế biến ngô bằng kiềm, đây là phương pháp chế biến ngô truyền thống ở nhiều vùng của Châu Mỹ La-tinh. Trong quá trình này, ngô phơi khô được đun sôi trong hỗn hợp nước và đá vôi hoặc tro, trước khi được nghiền thành bột gọi là ‘masa’. Mặc dù con người chưa biết vào thời điểm đó, nhưng việc cho đá vôi hoặc tro vào nước trước khi đun sôi sẽ ngăn ngừa bệnh pellagra, một căn bệnh do thiếu niacin, xảy ra trong chế độ ăn chủ yếu là ngô. Dung dịch kiềm được tạo ra khi đá vôi hoặc tro được thêm vào làm tăng khả năng hấp thu niacin của cơ thể.

 

Một ví dụ khác về lợi ích của văn hóa và truyền thống:các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu cho 43 loại gia vị từ 4.578 công thức nấu ăn cho các loại thức ăn được chế biến từ thịt trong 93 cuốn sách dạy nấu ăn từ 36 quốc gia. Họ ghi lại một số quy định thực nghiệm phù hợp với việc sử dụng hiệu quả các loại gia vị làm chất kháng khuẩn, mặc dù công dụng này chưa được biết đến. Họ chỉ ra rằng các loại gia vị được sử dụng phổ biến hơn là những loại có nhiều chất kháng khuẩn hơn. Các xã hội ở vùng khí hậu nóng hơn sử dụng nhiều gia vị kháng khuẩn hơn. Gia vị được sử dụng theo nhiều cách và kết hợp để phát huy tối đa đặc tính kháng khuẩn của chúng. Ví dụ, hành tây không có hiệu quả trừ khi chúng được nấu chín và rau mùi không có hiệu quả nếu nó được nấu chín. Trong hầu hết các công thức nấu ăn, hành tây được nấu chín và rau mùi thì không. Một ví dụ khác là bột ớt (ví dụ: ớt đỏ, hành, tỏi, thìa là, v.v.) chứa sự kết hợp của các loại gia vị tạo ra sự bổ sung và tối đa hóa hiệu quả của chúng .

 

Một ví dụ nổi tiếng khác về truyền thống với các lợi ích chức năng chưa được biết đến là từ người Naskapi, những người thuộc xã hội bản địa của từng sinh sống trên các vùng đất mà ngày nay là ở Quebec, New Foundland và Labrador. Sinh kế chủ yếu của người Naskapi là săn tuần lộc. Quyết định nơi đi săn rất quan trọng. Các thợ săn muốn săn ở những địa điểm có tuần lộc. Ngược lại, tuần lộc muốn tránh những nơi có thợ săn. Thực tế, đây là phiên bản hai chiều của trò chơi "tung đồng xu". Chúng ta biết rằng trong một trò chơi như vậy, điểm cân bằng Nash duy nhất là trạng thái cân bằng chiến lược hỗn hợp trong đó người ta chọn ngẫu nhiên mỗi hướng với xác suất bằng nhau. Khó khăn là con người luôn có xu hướng thất bại trong việc chọn ngẫu nhiên và thay vào đó sẽ có xu hướng tuân theo một số mô hình nhất định. Người Naskapi đã hình thành một nghi lễ mà họ thực hiện trước khi đi săn. Họ sẽ đặt xương bả vai của một con tuần lộc vào lửa. Sau đó, nó sẽ cháy và nứt ra và các mảnh xương đã bị đốt cháy của chúng báo cho thợ săn biết nơi họ nên săn. Mặc dù điều này không được họ biết đến, nhưng nghi lễ đã có hiệu quả vì nó cung cấp phương pháp để lựa chọn ngẫu nhiên địa điểm của cuộc đi săn tiếp theo.

 

Tính logic của các mô hình đã được thử nghiệm và xác nhận trong nhiều nghiên cứu. Một dự đoán rõ ràng của các mô hình là ở trạng thái cân bằng, cần có sự phụ thuộc mạnh mẽ vào văn hóa và truyền thống (tức là, học hỏi xã hội nhiều hơn) trong những môi trường không ổn định và khó xác định hành động tối ưu. Trong các tài liệu về tiến hóa, dự đoán này đã được kiểm định bằng các công cụ thực nghiệm

 

Gần đây nhất, dự đoán rằng truyền thống và tính bền vững văn hóa sẽ yếu đi trong những môi trường bất ổn hơn đã được kiểm nghiệm. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu khí hậu học, kết hợp với thông tin về vị trí lịch sử của các nhóm tộc người, để xây dựng các ước tính về sự biến đổi của môi trường tổ tiên qua các thế hệ cho các nhóm tộc người và quốc gia. Họ nhận thấy rằng sự ổn định về khí hậu của tổ tiên trọng hơn so với truyền thống, và sự bền bỉ hơn trong các đặc điểm văn hóa theo thời gian, bao gồm cả hậu duệ của những người di cư đến Hoa Kỳ và các nhóm dân bản địa từ Hoa Kỳ và Canada.

 

B. TIẾN HÓA VĂN HÓA LÀ MANG TÍNH TÍCH LŨY

 

a. Lý thuyết

 

Một đặc điểm quan trọng của mô hình được thảo luận ở trên, mà từ lâu đã được ghi nhận trong các công trình nghiên cứu, đó là, cuối cùng sự tồn tại của văn hóa và truyền thống không làm cho xã hội trở nên khá giả. Về lâu dài, bất kể mức độ hiện diện của nền văn hóa, lợi ích mà con người thu được bị giảm đi. Điều này trái với quan niệm thông thường rằng con người thành công hơn các loài động vật khác vì chúng ta có văn hóa, dẫn đến thành công lớn hơn ở cấp độ nhóm. Các nghiên cứu lý thuyết sau đó đã chỉ ra rằng đặc điểm này không phải do tính đơn giản của nó. Thay vào đó, nó màng tính tổng quát và được tìm thấy trong một nhóm lớn các mô hình mà lợi ích duy nhất của văn hóa là tiết kiệm cho việc thu thập thông tin ở cấp độ cá nhân.

 

Điều này đã dẫn đến việc nhấn mạnh vào ‘sự tiến hóa dựa trên tích lũy của văn hóa’ như một lợi ích chính của văn hóa. Nó liên quan đến lợi ích của việc thu thập thông tin, được nêu bật trong mô hình trên nhưng khác biệt về mặt khái niệm. Nói một cách đơn giản (và sử dụng nhiều từ sáo rỗng), một lợi ích quan trọng của văn hóa nó có nghĩa là chúng ta không cần phải ‘phát minh lại bánh xe’ và chúng ta có thể ‘đứng trên vai của những người khổng lồ’. Chúng ta có thể tiếp thu kiến thức hoặc truyền thống của thế hệ trước mà không nhất thiết phải hiểu đầy đủ về chúng, và xây dựng dựa trên chúng, tiếp tục quá trình đổi mới văn hóa dần dần.

 

Để thấy logic của điều này, hãy xem xét biến thể sau của mô hình trên. Việc thiết lập mô hình là giống nhau ngoại trừ có một chuỗi các trạng thái. Như trước đây, trong mỗi thời kỳ, có một khả năng mà qua đó môi trường chuyển sang trạng thái mới. Ngoài ra còn có một chuỗi các hành vi, với một hành vi mang lại lợi ích cao nhất cho mỗi trạng thái có thể. Ngoài ra, chi phí của một hành vi trong một trạng thái cụ thể đang giảm dần so với hành vi tối ưu của trạng thái đó. Chúng ta sẽ xem các ví dụ bên dưới, nhưng một cách cụ thể người ta có thể nghĩ hành vi đó như một công nghệ được sử dụng để chế tác công cụ hoặc xây dựng nhà ở, hoặc các chiến lược được sử dụng để kiếm thức ăn hoặc săn mồi. Người nào càng đi chệch khỏi chiến lược hoặc công nghệ tối ưu, thì lợi ích mong đợi của họ càng thấp.

 

Không giống như mô hình trên, bây giờ người ta cho rằng tất cả các cá nhân đều có thể sửa đổi hành vi của mình bằng cách học hỏi. Các cá nhân bắt đầu với phỏng đoán ban đầu và sau đó thông qua quá trình ‘thử và sai’ đầy tốn kém để sửa đổi hành vi của họ. Theo logic tương tự như trên, có hai loại: người theo chủ nghĩa truyền thống và người theo chủ nghĩa phi truyền thống. Những người theo chủ nghĩa truyền thống áp dụng hành vi của một cá nhân được chọn ngẫu nhiên từ thế hệ trước và sử dụng điều này làm điểm bắt đầu để họ thử nghiệm. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa phi truyền thống bỏ qua hành vi từ thế hệ trước và sử dụng một hành vi cố định làm điểm xuất phát của họ và họ luôn có được hành vi tối ưu với trạng thái hiện tại. So với những người theo chủ nghĩa phi truyền thống, những người theo chủ nghĩa truyền thống đầu tư ít hơn nhiều vào việc thay đổi hành vi của họ và do đó họ cải thiện hành vi ban đầu ít hơn nhiều so với những người theo chủ nghĩa phi truyền thống.

 

Logic về trạng thái cân bằng của mô hình này tương tự như mô hình trước đó. Miễn là môi trường không thay đổi quá thường xuyên, những người theo chủ nghĩa truyền thống sẽ từ từ hội tụ tới hành vi tối ưu theo thời gian. Sự hội tụ sẽ không nhanh như những người theo chủ nghĩa phi truyền thống - những người vốn sẽ hoàn thành điều này trong một thế hệ, với chi phí học hỏi giảm. Trong mô hình này, mỗi thế hệ mới của những người theo chủ nghĩa phi truyền thống sẽ ‘phát minh lại bánh xe’ và đạt được hành động tối ưu. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa truyền thống xây dựng dựa trên kiến thức tích lũy của thế hệ trước. Hành vi của họ không theo dõi môi trường một cách tối ưu như những người theo chủ nghĩa phi truyền thống, nhưng họ tiết kiệm chi phí thu thập thông tin. Trong mô hình này, chi phí nhuận trung bình trong xã hội tăng lên đối với tỷ lệ những người theo chủ nghĩa truyền thống trong dân cư. Như vậy, mô hình này phù hợp với sự phát triển văn hóa, nâng cao kiến thức hiệu quả và phúc lợi của xã hội.

 

Những lợi ích của tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy càng trở nên rõ ràng hơn khi người ta nhận ra rằng thế giới phức tạp hơn nhiều so với các mô hình cách điệu mà chúng ta sử dụng trong kinh tế học. Chúng ta thường xây dựng mô hình dựa trên những sự thiết lập mang tính giả định trong đó các yếu tố quyết định rất ít, các hàm chi phí vận hành trơn tru và liên tục, và do đó, các điểm cân bằng thường là duy nhất và hoạt động tốt. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Thường có nhiều điểm cân bằng. Phúc lợi của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi một số lượng rất lớn các yếu tố quyết định, bao gồm hành động của chính chúng ta, hành động của người khác, các cú sốc ngoại sinh. Ngoài ra, có những tương tác phức tạp giữa mỗi yếu tố này. Không giống như các mô hình đơn giản của chúng ta vốn vận hành trơ tru cùng các hàm chi phí mượt mà để dễ dàng tính toán ra hành vi tối ưu, trên thực tế, các hàm chi phí vận hành không trơn tru và có tính bất định cao. Trong bối cảnh như vậy, việc tính toán hành động tối ưu theo nghĩa đen là không thể. Tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy làm giảm các vấn đề tối ưu hóa lớn hơn này thành các phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, nơi việc học tập tích lũy có thể diễn ra. Điều này cho phép mỗi thế hệ ‘mày mò’ và phát triển những cải tiến nhỏ từng phần đối với các giá trị, niềm tin hoặc công nghệ hiện tại (tức là văn hóa) của một xã hội. Ngoài ra, các khối đơn giản này có các vấn đề đơn giản hơn và các bề mặt mịn hơn.

 

Do đó, một đặc điểm quan trọng của văn hóa là làm cho các vấn đề tối ưu hóa mà bất kỳ  cá nhân nào trong đời họ đều không thể thực hiện được đối với xã hội lớn hơn khi vấn đề  được giải quyết tăng dần lên qua nhiều thế hệ.

 

b. Bằng chứng

 

Theo quan điểm tiến hóa, bằng chứng tốt nhất về tầm quan trọng của quá trình tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy là sự tinh vi về công nghệ do con người phát triển so với các loài động vật khác, kể cả các loài linh trưởng không phải con người. Ngay từ 10.000 năm trước, con người đã di chuyển đến và có thể sinh sống ở nhiều vùng khác nhau, và thường là những vùng xa xôi trên Trái Đất. Sống trong những môi trường này đòi hỏi sự phát triển các công nghệ như giáo, lao, và sau này cung tên được sử dụng để đi săn; các công cụ bằng đá mài để chế biến giết động vật và tạo hình gỗ, xương và thuộc gia; quần áo và nơi ở là rất quan trọng cho quá trình điều hòa nhiệt độ; dụng cụ tạo lửa cần thiết để nấu ăn, sưởi ấm và soi sáng. Cáp treo, giỏ, và đồ gốm thuận tiện cho việc vận chuyển và cất giữ; các con thuyền mở rộng môi trường săn bắt tại hồ và đại dương; lưỡi câu và dây cước làm công cụ săn mồi cho con người sống ở môi trường ven biển có nhiều nguồn thức ăn giàu protein.

 

Một nguồn bằng chứng quan trọng khác về giá trị của tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy là từ nhiều thực nghiệm tự nhiên, nơi các nhà thám hiểm (thường là người châu Âu) đến một địa điểm mới với công nghệ tiên tiến hơn nhưng không có kiến thức tích lũy về môi trường địa phương. Các nhà thám hiểm châu Âu đến một địa điểm mới là nơi sinh sống của các xã hội quy mô nhỏ hơn. Đây là những xã hội mà các nhà thám hiểm cho là kém phức hợp hơn với công nghệ kém tiên tiến hơn nhiều. Cuộc thám hiểm trải qua những tình huống bất ngờ đòi hỏi các nhà thám hiểm phải ở lại vùng đất mới lâu hơn thời gian dự định của họ. Mặc dù có nhiều kiến thức khoa học và nguồn lực hơn, bao gồm cả các công cụ sinh tồn được sản xuất ra, nhưng các nhà thám hiểm không bao thích ứng kịp và thường bị chết. Nếu không có những lợi ích của tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy, chắc chắn họ không thể tồn tại chứ chưa nói đến việc phát triển trong môi trường mới.

 

Một trong những ví dụ đáng chú ý hơn trong số các thí nghiệm tự nhiên này là Chuyến thám hiểm Franklin năm 1846, trong đó các nhà thám hiểm đã chết đói trên Đảo King William, nơi người Inuit bản địa đã sinh tồn thành công trong hơn 700 năm. Các ví dụ khác bao gồm cuộc thám hiểm năm 1860 của Burke và Wills ở Ausstralia hoặc cuộc thám hiểm Narvaez ở vùng ngày nay là Florida. Hai ví dụ cuối cùng đặc biệt thú vị vì chúng cho thấy rằng một ngoại lệ đối với câu chuyện tiêu chuẩn dường như chỉ xảy ra khi những nhà thám hiểm châu Âu đã mất tích tham gia vào quá trình tiến hóa văn hóa tích lũy, tìm hiểu văn hóa của các dân cư địa phương. Trong trường hợp của chuyến thám hiểm Burke và Wills, tại một thời điểm, các nhà thám hiểm đã được cứu bởi những người săn bắn hái lượm bản địa, họ đã chỉ cho họ cách làm bánh mì từ một loại hạt gọi là ‘nardoo’ [hạt của cây dương xỉ thủy sinh tại châu Úc (ND)], có thể được giã, làm thành bột và nướng như một cái bánh mì. Tuy nhiên, các nhà thám hiểm đã không tuân theo các tập quán văn hóa bản địa để chuẩn bị nardoo một cách chính xác. Họ không ngâm bột với nhiều nước, không để bột tiếp xúc với tro trong quá trình đun, và họ không ăn nardoo từ vỏ trai. Tất cả các thao tác này là một bí quyết giải độc quan trọng để chống lại nồng sinh tố B rất cao trong nardoo. Cuối cùng, bất chấp sự hiện diện của nguồn thức ăn dồi dào xung quanh, cả Burke và Wills đều chết. Có một người nữa, tên là King, trong chuyến thám hiểm đã sống sót đủ lâu để được cứu. Làm sao ông có thể thực hiện điều đó? Bằng cách sống cùng những người dân địa phương. Nói cách khác, bằng cách hoàn toàn dựa vào kiến thức văn hóa được tích lũy của họ. Trong cuộc thám hiểm Narvaez, trong số 300 quân viễn chinh, chỉ có 4 người có thể sống sốt, một lần nữa chỉ vì họ sống cùng những người dân bản địa tại địa phương.

 

Trong một thử nghiệm khác, các tác giả tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng hiệu suất trong các nhiệm vụ cao hơn trong các phiên bản của thử nghiệm tiến hành dựa trên tiến hóa văn hóa thông qua tích lũyNhững người tham gia này có nhiều thông tin hơn khi bắt đầu và do đó không cần phải ‘phát minh lại bánh xe’. Trong bối cảnh này, việc học hỏi từ một lượng kiến thức tích lũy đã giúp họ tránh được những cạm bẫy thường gặp và dễ dàng đạt được những hiểu biết quan trọng hơn so với việc họ tự học.

 

Như tôi sẽ thảo luận dưới đây, một số phát hiện trong tài liệu kinh tế học liên quan đến các khía cạnh khó hiểu của công nghệ và đổi mới công nghệ cung cấp bằng chứng ủng hộ các mô hình tiến hóa văn hóa tích lũy. Hay nói cách khác, các mô hình tiến hóa văn hóa tích lũy cung cấp một khuôn khổ hữu ích có thể giúp các nhà kinh tế hiểu rõ về quá trình đổi mới công nghệ. Tôi trở lại điều này trong Phần 3B.

 

3. NHỮNG HIỂU BIẾT SÂU SẮC TỪ SỰ CÔNG NHẬN LỊCH SỬ NHƯ LÀ SỰ TIẾN HÓA

 

Bây giờ tôi chuyển sang thảo luận về cách một khuôn khổ tiến hóa cung cấp một loạt các hiểu biết sâu sắc có liên quan đến kinh tế học. Tại thời điểm này, một số lưu ý được đặt ra. Mặc dù tôi đã sắp xếp những hiểu biết sâu sắc này thành các tiểu mục, nhưng các ý tưởng không nhất thiết phải từ tiểu mục này tràn sang tiểu mục tiếp theo. Đây nên được coi là những hiểu biết khác nhau đã đến với tôi khi đọc song song về tiến hóa văn hóa và lịch sử kinh tế. Ngoài ra, tôi không nghĩ rằng thông tin chi tiết và kết nối được mô tả bên dưới là hoàn chỉnh hoặc thậm chí mang tính đại diện. Chúng ta sẽ sớm nghĩ về lịch sử như là sự tiến hóa nên vào thời điểm này đây là một vài quan điểm ngẫu nhiên. Cảm nhận của tôi là chúng vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về những ý tưởng và nghiên cứu hiệu quả sẽ xuất hiện từ một quan điểm tiến hóa hơn trong kinh tế học.

 

A. Không phù hợp môi trường

 

Một hệ quả quan trọng của tiến hóa văn hóa là nó có thể dẫn đến sự không phù hợp với môi trường. Trong mô hình của Roges, lợi ích của văn hóa là nó tiết kiệm chi phí thu thập thông tin. Tuy nhiên, cái giá phải trả là khi môi trường thay đổi, những người theo chủ nghĩa truyền thống (tức là những người dựa vào văn hóa để ra quyết định) không chọn những hành động phản ứng chính xác với môi trường như những người phi truyền thống vẫn làm.

 

Các ví dụ nổi tiếng nhất về sự không phù hợp thực sự là từ sinh học tiến hóa. Một là loài rùa biển. Những con mẹ rời đại dương, vào bờ và chôn những quả trứng của mình trên những bãi cát. Một khi rùa biển nở, chúng cần có thể quay trở lại đại dương. Chúng đã phát triển một phương pháp cho phép chúng làm điều này một cách đơn giản: Sau khi sinh ra, vào ban đêm, chúng hướng thẳng về phía bất kỳ ánh sáng rực rỡ nào. Trong môi trường tự nhiên của chúng, ánh sáng sáng duy nhất là sự phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước. Bằng cách di chuyển về phía phản chiếu của mặt trăng, rùa biển hướng về phía mặt nước. Cơ chế phát triển này hoạt động cực kỳ hiệu quả cho đến khi môi trường thay đổi. Trong thế giới hiện đại, nơi các thành phố và xa lộ có ánh sáng rực rỡ thường nằm cạnh các bãi biển, phương pháp dựa trên kinh nghiệm sinh học này kém hiệu quả hơn. Thay vì hướng về đại dương, chúng di chuyển về phía ánh đèn thành phố ở hướng ngược lại với đại dương. Đây là một ví dụ về sự trật khớp. Một đặc điểm hoạt động tốt trong môi trường mà nó tiến hóa lại hoạt động kém hơn trong môi trường mới.

 

Một ví dụ thường được trích dẫn khác là chim dodo (raphus cucullatus), là một loài chim sống trên đảo Mauritius. Do khan hiếm quả mọng và các nguồn thức ăn khác trong những thời điểm nhất định trong năm, chim dodo đã phát triển sẽ tích tụ nhiều chất béo trên cơ thể của nó. Chúng mất khả năng bay nhưng lại phát triển khứu giác nhạy bén cho phép chúng tìm ra số lượng hạn chế quả mọng tồn tại trong thời kỳ khan hiếm theo mùa. Bởi vì không có động vật ăn thịt trên các hòn đảo, chúng không phát triển và các chiến lược đặc biệt để lẩn trốn hoặc bảo vệ trứng của chúng. Nhìn chung, chúng đã thích nghi tốt với môi trường của chúng. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với con người, những kẻ săn mồi như lợn, chuột và chó đã được đưa đến các hòn đảo. Những quả trứng không được bảo vệ và những con chim không bay được không bay xa và loài này nhanh chóng bị tuyệt chủng.

 

Khái niệm về sự không phù hợp cung cấp một khuôn khổ giúp hiểu rõ hơn về thế giới và hiểu rõ hơn về những phát hiện thực nghiệm gần đây trong nghiên cứu lịch sử bằng kinh tế học. Ví dụ, phát hiện rằng việc buôn bán nô lệ ở châu Phi làm giảm mức độ tin cậy đương thời, kết hợp với bằng chứng cho thấy sự tin tưởng tăng lên có liên quan đến thu nhập cao hơn ở cả cấp độ quốc gia và cá nhân, gợi ý rằng mức độ tin cậy hiện tại ở châu Phi có thể là chưa tối ưu. Mức độ tin cậy hiện tại có thể rất phù hợp với khoảng thời gian 400 năm truy quét nô lệ dữ dội mà lục địa này đã trải qua, nhưng chúng có thể thấp hơn mức tối ưu trong môi trường hiện tại.

 

Một trong những ví dụ lịch sử được phát triển tốt nhất về sự không phù hợp là nghiên  cứu về các thương nhân Maghribi và Genova ở Địa Trung Hải thời Trung Cổ. Một nhóm, thương nhân Maghribi, là những thương nhân Do Thái di cư từ Baghdad đến Tunis và đã chấp nhận các giá trị của xã hội Hồi giáo. Họ bắt đầu giao dịch vào đầu thế kỷ XI. Các mối quan hệ về đại lý thương mại của họ dựa vào việc chia sẻ thông tin. Nếu một đại lý lừa một thương gia, thì không có thương nhân nào khác sẽ thuê đại lý. Điều này đã tạo ra một hình thức trừng phạt tập thể, đòi hỏi phải chia sẻ thông tin và hình thành mạng lưới thông tin dày đặc. Nhóm thương nhân khác trong khu vực vào thời điểm đó là các thương nhân đến từ Genoa, những người không tham gia vào hình thức trừng phạt tập thể tương tự đối với các đại lý gian lận. Thay vào đó, các thương gia nhiệt thành theo chủ nghĩa cá nhân và không tham gia vào việc chia sẻ thông tin.

 

Mức lương phải trả để giữ cho một đại lý không gian lận trong chế độ dựa trên tập thể của người Maghribi thấp hơn so với chế độ chủ nghĩa cá nhân của người Genova. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XII, thương mại giữa Tây Ban Nha và Constantinople đã mở rộng đáng kể. Để đáp lại, người Genova mở rộng bằng cách tạo ra các mối quan hệ thương nhân-đại lý mới với những người không phải là người Genova. Hệ quả của việc này là các tổ chức chính thức và các thông lệ pháp lý đã phát triển để tạo điều kiện cho các hình thức trao đổi giữa các nhóm này. Các thể chế xuất hiện là hữu ích cho sự phát triển kinh tế dài hạn. Ngược lại, Maghribi, vì trạng thái cân bằng mà họ đang có, chỉ có thể mở rộng bằng cách tạo ra các mối quan hệ đại lý thương nhân mới trong nhóm của họ. Do đó, các cấu trúc thể chế chính thức hơn đã không phát triển và thương mại tiếp tục dựa vào các cơ chế thực thi phi chính thức như các chuẩn mực xã hội về trừng phạt theo nhóm.

 

Một ví dụ khác về sự không phù hợp đo lường nhận thức về mức độ lưu động giữa các thế hệ ở Thụy Điển, Ý, Pháp, Anh và Hoa Kỳ. Họ cho thấy rằng các mẫu kiểm định từ Hoa Kỳ, cho đến nay, có nhận thức lạc quan nhất về mức độ dịch chuyển kinh tế ở đất nước của họ. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì Hoa Kỳ có mức độ lưu động thấp nhất trong các nước được nghiên cứu. Ngoài ra, đối với các quốc gia khác, các thước đo về tính lưu động dựa trên cảm nhận và tính di động trên thực tế là khá giống nhau. Đối với Hoa Kỳ, tính lưu động được cảm nhận khác xa so với tính lưu động trên thực tế. Do đó, Hoa Kỳ dường như là kẻ bên lè đối với những nhận thức của mình về tính lưu động.

 

Mặc dù điều này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng nguồn gốc của nhận thức sai lầm này rất có thể là do vào thế kỷ XIX, Hoa Kỳ là một nền kinh tế định cư với mức độ di chuyển rất cao và cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, như Vương quốc Anh vào thời điểm đó. Có khả năng môi trường này đã tạo ra một số giá trị và niềm tin đặc biệt của người Mỹ, chẳng hạn như niềm tin vào Giấc mơ Mỹ (bất kỳ ai cũng có thể đạt được nếu họ làm việc đủ chăm chỉ), mong muốn có một chính phủ hạn chế và một nhóm hạn chế các chính sách hỗ trợ kinh tế cho dân cư và/hoặc phân phối lại thu nhập, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe toàn dân hoặc đi học công lập chất lượng cao. Trong khi các yếu tố khác rõ ràng là quan trọng, chẳng hạn như lịch sử của các mối quan hệ chủng tộc, thì yếu tố quyết định chính của những niềm tin này có thể là tính lưu động cao từng trải qua ở Mỹ trong lịch sử. Mặc dù những niềm tin này có thể chính xác và phù hợp với bối cảnh lịch sử, nhưng điều đó không rõ ràng là chúng phù hợp hơn với môi trường hiện tại.

 

a. Không phù hợp mang tính nội sinh

 

Một thiếu sót của chiến lược truyền thống dựa vào văn hóa là các hành động do các cá nhân lựa chọn không theo dõi môi trường một cách chính xác nhất có thể. Nói cách khác, họ tạo ra khả năng không phù hợp với môi trường.

 

Nghiên cứu gần đây về nguồn gốc của Cách mạng Công nghiệp có thể được nhìn nhận qua lăng kính của sự không phù hợp nơi mà sự thay đổi trong môi trường là mang tính nội sinh đối vứi sức mạnh truyền thống trong xã hội. Để thấy điều này, chúng ta một lần nữa quay lại mô hình từ Rogers. Trong mô hình, sự ổn định của môi trường được đưa ra một cách ngoại sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều ví dụ về môi trường bên ngoài - chẳng hạn như điều kiện kinh tế, chính trị, công nghệ, v.v. - được quyết định bởi hành động của con người. Hơn nữa, tốc độ đổi mới công nghệ, tăng trưởng kinh tế và thay đổi chính trị, bản thân chúng, có thể mang tính nội sinh đối với truyền thống trong xã hội.

 

Joel Mokyr (2018), trong cuốn sách ‘Văn hóa của Tăng trưởng ;, lập luận rằng một yếu tố quan trọng quyết định đến Cách mạng Công nghiệp thế kỷ XVIII ở Tây Âu là niềm tin mới mẻ rằng các thế hệ trẻ có thể chấp nhận được việc đặt câu hỏi về sự thông thái của các thế hệ trước. Sự thay đổi trong tư duy này dẫn đến niềm tin văn hóa rằng có thể và mong muốn hiểu được cách vận hành của thế giới tự nhiên, dẫn đến sự đổi mới và sáng tạo tri thức, cuối cùng đã tạo ra lợi ích kinh tế của Cách mạng Công nghiệp. Mokyr lập luận rằng sự hiện diện của đặc điểm văn hóa mới này - sự suy yếu của tầm quan trọng được đặt trên các lối suy nghĩ truyền thống - đã hiện diện ở Tây Âu chứ không phải Trung Quốc, điều này giải thích tại sao, mặc dù có mức độ phát triển kinh tế tương tự, Cách mạng Công nghiệp đã không xảy ra ở Trung Quốc. Ông lập luận rằng "sự tôn trọng đầy tính áp buộc nặng nền đối với ‘người xưa’ đã được cảm nhận trong phần lớn lịch sử Trung Quốc". Theo lập luận này, sự suy yếu của truyền thống, kèm theo kết quả là sự thay đổi văn hóa, là những yếu tố quyết định chính của Cách mạng Công nghiệp và sự thịnh vượng kinh tế hiện tại của Thế giới.

 

B. Giáo dục và sự phát triển văn hóa

 

Bây giờ tôi chuyển sang mô tả về cách thức tiến hóa văn hóa có thể được sử dụng để cung cấp hiểu biết sâu hơn và thực tế hơn về giáo dục, vốn con người và đổi mới công nghệ. Để nhận thấy điều này, tôi chuyển sang định nghĩa về văn hóa. Trong tài liệu về tiến hóa văn hóa, định nghĩa tiêu chuẩn là: “[văn hóa là] sự truyền thừa kiến thức, giá trị và các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua việc giảng dạy và bắt chước. Truyền thừa văn hóa có thể có nhiều cấu trúc khác nhau… Ví dụ, cha mẹ có thể truyền thừa con cái của họ hoặc bạn bè đồng trang lứa có thể truyền thừa lẫn nhau". Định nghĩa này rất giống với định nghĩa điển hình đã được áp dụng trong lĩnh vực kinh tế văn hóa. Ví dụ, Guiso, Sapienza và Zingales (2006) có định nghĩa sau đây “các tín ngưỡng và giá trị phong tục mà các nhóm dân tộc, tôn giáo và xã hội truyền thừa tương đối không mấy thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

 

Thoạt nhìn, hai định nghĩa về văn hóa có vẻ giống hệt nhau về cơ bản, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các nghiên cứu về kinh tế học văn hóa được xây dựng dựa trên các nghiên cứu về tiến hóa văn hóa. Cả hai định nghĩa đều mô tả việc truyền thừa các giá trị và niềm tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong kinh tế học, việc tích lũy và truyền thừa tri thức, trong hoặc qua các thế hệ, không phải là văn hóa. Đó là vốn con người. Khi tôi lần đầu tiên biết đến định nghĩa nhân chủng học, phản ứng tức thì của tôi có thể giống như phản ứng mà bạn có thể đang gặp phải bây giờ. Kiến thức và công nghệ rất khác với văn hóa về mặt khái niệm. Chúng là những ví dụ về vốn con người chứ không phải văn hóa. Nhưng, tôi nhận ra rằng nhìn chung sự khác biệt không rõ ràng và việc phân biệt khái niệm giữa hai loại là một vấn đề và không đặc biệt hữu ích.

 

Lấy ví dụ đối với tri thức về cách tạo ra các mũi tên được sử dụng để săn bắn. Henrich mô tả quá trình này đối với những người săn bắn hái lượm bản địa ở Tierra del Fuego. Quy trình sản xuất này tương đối đơn giản, chỉ cần mười bốn bước và sáu nguyên liệu đầu vào. Ông mô tả một số bước và tôi trích dẫn trực tiếp ông:

 

• Quá trình bắt đầu bằng cách chọn gỗ cho thân của cái tên, tốt nhất là gỗ từ cây chaura, một loại cây bụi thường xanh. Nhờ bền và nhẹ, loại gỗ này là một sự lựa chọn không trực quan vì các cành cây thô ráp đòi hỏi phải duỗi thẳng rộng rãi. (Tại sao không bắt đầu với các nhánh thẳng hơn?)

 

• Gỗ được nung nóng, nắn bằng răng của người thợ thủ công và cuối cùng được hoàn thiện bằng cái cạo, sau đó, sử dụng một viên đá đã được nung nóng trước và có rãnh, người thợ thủ công ấn thân mũi tên vào các rãnh và chà đi chà lại, ép nó xuống bằng một miếng da cáo. Da cáo trở nên được ngâm tẩm với bụi để chuẩn bị cho công đoạn đánh bóng. (Đó có phải thực sự là da cáo không?)

 

• Những mảnh vụn được thu thập từ bãi biển, được nhai và trộn với tro. (Điều gì xảy ra nếu bạn không trộn với tro?)

 

• Sau đó, hỗn hợp được phủ lên cả hai đầu của một thân cái tên đã được nung nóng, sau đó phải được phủ một lớp sơn trắng. (Còn đất sét đỏ thì sao? Bạn có đun nóng nó không?) Điều này chuẩn bị phần đầu và cuối mũi tên.

 

• Hai chiếc lông được chuẩn bị cho việc gắn lông chim vào mũi tên, tốt nhất là lông từ cánh trái của con chim (Điều này có thực sự quan trọng không?)

 

• Lông vũ được buộc vào thân mũi tên bằng các đường gân trên lưng loài lạc đà bản địa, sau khi chúng được làm mịn và làm mỏng bằng nước và nước bọt. (Tại sao không phải là những đường gân từ con cáo mà tôi phải giết để lấy da nói trên?)

 

Học cách chế tạo đầu mũi tên hữu hiệu đòi hỏi nhiều năm học nghề. Kiến thức, phần lớn là bí quyết, được dạy trong một khoảng thời gian dài và phần lớn được hệ thống hóa djwa trên truyền thống. Cơ chế cơ bản và lý do mà một loại lông vũ nhất định được sử dụng hoặc một loại gỗ nhất định vẫn chưa được hiểu rõ. Thay vào đó, việc học hỏi là học từ văn hóa và truyền thống. Trong trường hợp này, văn hóa đồng nghĩa với tri thức và vốn con người. Như chúng ta sẽ thảo luận thêm bên dưới, một người thực sự “học hỏi” nhiều hơn bằng cách áp dụng các truyền thống của văn hóa của người đó.

 

Có rất nhiều ví dụ mà việc tích lũy vốn con người thực sự là tiến trình trao truyền văn hóa - tức là thông tin và kiến thức được chuyển giao thông qua việc học hỏi văn hóa. Những ví dụ như vậy cũng xuất hiện trong các tài liệu kinh tế học, mặc dù điều này thường được gọi là thu nhận ‘bí quyết’ hơn là truyền tải văn hóa. Một ví dụ là trường hợp nổi tiếng về các công ty may mặc tại vùng Desh thuộc Bangladesh, trong đó một phần của thỏa thuận liên doanh vào năm 1980 giữa Daewoo của Hàn Quốc và các các công ty may mặc tại vùng Desh của Bangladesh, 130 công nhân từ các công ty may mặc tại vùng Desh đã được đưa đến một nhà máy may Daewoo ở Busan, Hàn Quốc. Giai đoạn truyền tải văn hóa này đã có tác động mạnh mẽ đến sản xuất hàng may mặc ở Bangladesh. Sản xuất hàng năm tăng từ 43.000 chiế áo sơ mi trong năm 1980 lên 2,3 triệu chiếc vào năm 1987. Trong số 130 công nhân tại vùng Desh đã đến Hàn Quốc, 115 người trong số họ đã rời bỏ các công ty may mặc của Desh để thành lập công ty may mặc của riêng họ vào một thời điểm nào đó trong thập niên 1980.

 

Một ví dụ khác, nhưng trong một bối cảnh được kiểm soát hơn là từ một thử nghiệm có chủ ý thay đổi mức độ truyền tải văn hóa đến các công ty dệt may ở Ấn Độ. Các tác giả nghiên cứu 17 công ty bao gồm 28 nhà máy dệt quy mô vừa (100-1000 công nhân), thuộc sở hữu gia đình, đặt tại Maharashtra, Ấn Độ. Mười bốn của trong 28 nhà máy đã nhận được năm tháng tư vấn quản lý toàn diện, trị giá $250,000. Việc tư vấn nhằm mục đích cải thiện quản lý và hoạt động trong các nhà máy. Họ phát hiện ra rằng trong những tháng sau nghiên cứu, việc xử lý dẫn đến ít lỗi hơn, tiết kiệm hàng tồn kho và năng suất tổng thể cao hơn. Chín năm sau khi xử lý, họ phát hiện ra rằng mặc dù khoảng một nửa số cải tiến quản lý được áp dụng trước đây đã bị bỏ qua, nhưng các nhà máy được xử lý vẫn có năng suất cao hơn nhiều so với các nhà máy không xử lý. Ngoài ra, họ còn tìm thấy thêm các hình thức truyền tải văn hóa. Các thực hành đã hoàn toàn lan rộng đến các nhà máy không xử lý (thậm chí cả những nhà máy không tham gia vào thử nghiệm) thuộc cùng một công ty có nhà máy đã qua xử lý. Nhờ vậy, kiến thức văn hóa đã được truyền tải đầy đủ trong công ty.

 

Henrich (2004b) đã phát triển một mô hình lý thuyết về các quá trình truyền tải văn hóa như vậy. Đối với các nhà nhân học, mô hình là một trong những sự truyền tải văn hóa. Đối với các nhà kinh tế học, đó là một trong những quá trình tích lũy vốn con người. Trong mô hình, mỗi thời kỳ đều có một hình mẫu riêng. Tùy thuộc vào bối cảnh, người này có thể là một nghệ nhân bậc thầy, nhà hiền triết trong làng, hoặc thậm chí là một giáo sư kinh tế. Có N học sinh học hỏi từ hình mẫu, người là cá nhân giỏi nhất và có kỹ năng cao nhất trong thế hệ của họ. Sau khi học từ thầy, kiến thức văn hóa / vốn con người của học sinh được xác định từ việc rút ra bài học. Người có điểm cao nhất sau đó trở thành bậc thầy truyền đạt kiến thức của họ cho những người thuộc tiếp theo thế hệ.

 

a. Đổi mới và Bộ não Tập thể

 

Để định hướng về sự tương đồng giữa truyền tải văn hóa và tích lũy kiến thức, cả về mặt thực nghiệm và lý thuyết, tôi sẽ so sánh hai cách suy nghĩ về kiến thức. Một sẽ quen thuộc với người đọc và là trung tâm của lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Cái khác, sẽ ít quen thuộc hơn, là từ nhân học tiến hóa và nhấn mạnh thực tế là việc tạo ra tri thức xảy ra thông qua một tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy, và truyền tải văn hóa.

 

Tầm quan trọng của hiệu ứng nhờ quy mô cũng đã được xem xét trong khi nghiên cứu về tiến hóa văn hóa, nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thông số liên quan đến việc truyền tải ý tưởng trong văn hóa; cụ thể là mức độ kết nối và học tập xã hội trong một quần thể: γ và θ . Tham số γ nắm bắt các khía cạnh của xã hội ảnh hưởng đến mức độ mà tất cả các cá nhân có thể tham gia vào quá trình đổi mới. Sự hòa nhập có thể nằm trên các ranh giới về giới tính, tình trạng kinh tế xã hội, chủng tộc, dân tộc, nơi sinh, v.v. Tham số θ có thể được coi là phản ánh mức độ gắn kết hoặc kết nối của một quần thể, tạo điều kiện cho việc phổ biến kiến thức hiện có và những đổi mới mới. Trong các tài liệu, đây được xem là yếu tố quyết định bậc nhất cho sự thành công của một xã hội. Như Joseph Henrich đã nói: “Nếu bạn muốn có một công nghệ tuyệt vời, tốt hơn là nên hòa nhập với xã hội hơn là thông minh”. Sự tập trung vào những yếu tố quyết định này của tri thức tổng hợp, vốn dĩ mang tính xã hội, đã được phát triển trong một khuôn khổ khái niệm được gọi là ‘bộ não tập thể’. Trong khung khái niệm này này, chìa khóa để tạo ra tri thức là tiến hóa văn hóa dựa trên tích lũy, và học hỏi xã hội. Đây là cách hiệu quả cho phép con người tiếp cận với một kho kiến thức và công nghệ lớn hơn và có thể phù hợp với bộ não của bất kỳ cá nhân nào. Mạng lưới kiến thức lớn hơn này là ‘bộ não tập thể’ của chúng ta.

 

Quan điểm này cung cấp cái nhìn sâu sắc về những phát hiện từ nghiên cứu gần đây trong kinh tế học nhằm tìm hiểu các yếu tố quyết định của sự đổi mới công nghệ ở Hoa Kỳ. Bell và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ 1,2 triệu nhà phát minh liên kết với hồ sơ thuế để ghi lại các yếu tố quyết định sự đổi mới công nghệ ở Hoa Kỳ, đặc biệt chú ý đến các yếu tố liên quan đến môi trường thời thơ ấu. Họ ghi lại sự khác biệt đáng kể trên khắp Hoa Kỳ, với miền Nam Hoa Kỳ có mức độ đổi mới đặc biệt thấp. Trong khi một phần (khiêm tốn) của điều này được giải thích bởi trình độ học vấn, họ nhận thấy các yếu tố khác đặc biệt quan trọng, bao gồm chủng tộc, giới tính và thu nhập của cha mẹ. Điều thú vị là những tác động này rõ rệt nhất đối với những trẻ em có trình độ học vấn cao nhất, cho thấy rằng giáo dục có thể là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để đổi mới công nghệ. Dường như còn thiếu một thành tố cần thiết ngoài trình độ học vấn và điều đó tương quan với những yếu tố có thể quan sát được như chủng tộc, thu nhập hoặc vị trí dân cư.

 

Quan điểm này cung cấp cái nhìn sâu sắc về những phát hiện từ nghiên cứu gần đây trong kinh tế học nhằm tìm hiểu các yếu tố quyết định của sự đổi mới công nghệ ở Hoa Kỳ. Bell và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ 1,2 triệu nhà phát minh liên kết với hồ sơ thuế để ghi lại các yếu tố quyết định sự đổi mới công nghệ ở Hoa Kỳ, đặc biệt chú ý đến các yếu tố liên quan đến môi trường thời thơ ấu. Họ ghi lại sự khác biệt đáng kể trên khắp Hoa Kỳ, với miền Nam Hoa Kỳ có mức độ đổi mới đặc biệt thấp. Trong khi một phần (khiêm tốn) của điều này được giải thích bởi trình độ học vấn, họ nhận thấy các yếu tố khác đặc biệt quan trọng, bao gồm chủng tộc, giới tính và thu nhập của cha mẹ. Điều thú vị là những tác động này rõ rệt nhất đối với những trẻ em có trình độ học vấn cao nhất, cho thấy rằng giáo dục có thể là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để đổi mới công nghệ. Dường như còn thiếu một thành tố cần thiết ngoài trình độ học vấn và điều đó tương quan với những yếu tố có thể quan sát được như chủng tộc, thu nhập hoặc vị trí dân cư .

 

Phát hiện này có lẽ gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu theo quan điểm kinh tế học truyền thống về đổi mới cộng nghệ, nơi mà, theo họ, một nhà đổi mới đang mày mò trong ga ra của họ và đưa ra một phát minh mới. Tuy nhiên, nằm trong lõi của bộ khung não bộ tập thể là văn hóa được tích lũy và xã hội học tập. Do đó, sự đổi mới công nghệ, mang tính tích lũy, là không thể nếu người ta không lần đầu tiên được tiếp xúc với những ý tưởng, niềm tin, giá trị và mô hình tinh thần. Ngoài ra, vì truyền tải văn hóa theo chiều dọc từ cha mẹ sang con cái là phương thức truyền tải văn hóa cốt lõi, nên không có gì ngạc nhiên khi khả năng đổi mới của một đứa trẻ phụ thuộc vào kiến thức văn hóa của cha mẹ chúng. Như Muthukrishna và Henrich đã nói: “Cấu trúc cơ bản nhất của bộ não tập thể là gia đình. Những người trẻ học văn hóa trước hết được tiếp cận với cha mẹ của họ, và có thể là những người họ hàng (dì, ông, bà, v.v…)”.

 

 (...)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: