NỀN DÂN CHỦ, KẾ HOẠCH HÓA, VÀ DỮ LIỆU LỚN. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHO THẾ KỶ XXI?

09/ 03/ 2023

NỀN DÂN CHỦ, KẾ HOẠCH HÓA, VÀ DỮ LIỆU LỚN. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHO THẾ KỶ XXI?

Kees van der Pijl, Monthly Review, 1/4/2020

Nguyễn Trung Kiên lược dịch

 

 

 

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, khả năng các giai cấp thống trị ở phương Tây duy trì mức độ thỏa hiệp xã hội ở trong nước đã bị suy yếu hẳn. Như [nhà xã hội học kinh tế Đức] Wolfgang Streeck đã lập luận, sau khi cuộc khủng hoảng hậu chiến bắt đầu vào cuối những năm 1960, các chính phủ vẫn có thể sử dụng lạm phát và nợ công để trì hoãn việc làm sáng tỏ kế ước xã hội ở trong nước. Kể từ năm 2008, những cửa hầm để tẩu thoát này đã bị đóng lại. Các nhóm đầu cơ tài chính, những kẻ đã củng cố một cách đầy nghịch lý vai trò chỉ huy của họ sau khủng hoảng, đã không còn lại gì để mị dân. Ở khắp mọi nơi, các chính phủ đang trôi dạt về chủ nghĩa độc tài và nền chính trị [dựa trên sự] sợ hãi [của nhân dân], cho dù có hay không đáp trả cuộc nổi dậy thực sự (như trong phong trào Áo Vàng tại Pháp). Điều này đã trở thành công thức chính trị, hay khái niệm về kiểm soát [chính trị], về những gì được gọi tên một cách phù hợp nhất là ‘chủ nghĩa tư bản tân tự do mang tính cướp bóc’.

Khối Xô-viết cũng bộc lộ những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên vào cuối thập niên 1960. Bằng cách dùng đến sự đàn áp để đáp trả những nỗ lực [dân chủ hóa] ở Tiệp Khắc nhằm điều chỉnh chủ nghĩa xã hội nhà nước [để phù hợp với] mức độ tiên tiến hơn của lực lượng sản xuất, nó đã tiết lộ rằng hệ thống này đã không còn tiềm năng hiện đại hóa mà không sa ngã vào thị trường và chủ nghĩa tư bản (vốn cũng là một trong những lựa chọn ở Tiệp Khắc, nhưng không phải là quốc gia duy nhất [có lựa chọn này]). Mặc dù vậy, Liên Xô và khối [Warsaw] của nó đã không sụp đổ cho đến tận cuối thập niên 1980, vì vậy tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, các vấn đề và khả năng của nó, tiếp tục gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhà nước Xô-viết trong hai mươi năm tiếp theo. Trong ít nhất một thế hệ, quan niệm rằng chúng ta đang sống trong thời đại của quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ cùng với việc việc hạ chiếc cờ búa liềm trên nóc điện Kremlin vào năm 1991.

Tuy nhiên, sự phát triển của các lực lượng sản xuất và những hạn chế về khả năng kiểm soát xã hội đối với các lực lượng tự nhiên trên thực tế đã bước sang một giai đoạn mới, mang tính cách mạng từ khoảng thời gian của cuộc khủng hoảng ban đầu vào cuối những năm 1960. Giai đoạn này có thể được gọi là Cuộc cách mạng Thông tin – một thời kỳ tập trung vào việc áp dụng các lý thuyết thông tin như điều khiển học kết hợp với những tiến bộ trong công nghệ máy tính và mạng truyền thông kỹ thuật số, đỉnh cao là Internet. Trong các điều kiện của chủ nghĩa tư bản, điều này đã dẫn đến một nền kinh tế tri thức, hoặc ‘noönomy’, nhưng các khả năng tự điều chỉnh mà nó mở ra chắc chắn không tương thích với đặc tính chiếm đoạt tư nhân của chủ nghĩa tư bản.

CÁ NHÂN ĐỐI NGHỊCH VỚI XÃ HỘI

Trong tác phẩm ‘Grundrisse’ [Bản thảo kinh tế chính trị], gồm các ghi chú sơ bộ cho tác phẩm ‘Capital’ [Tư bản], Karl Marx đã suy đoán làm thế nào mà máy móc - một loại tư bản cố định, cuối cùng sẽ phát triển thành một hệ thống tự động hóa. “Các công cụ lao động thông qua các biến thể khác nhau, mà đỉnh cao là ‘máy móc’, hay đúng hơn là ‘một hệ thống máy móc tự động’… được thiết lập bởi một thiết bị tự động - một sức mạnh di chuyển có thể tự di chuyển chính nó. Thiết bị tự động này bao gồm nhiều bộ phận cơ học và trí tuệ, do đó bản thân các công nhân chỉ được tạo ra như là những mối liên kết có ý thức của nó”. Máy móc tự động hóa thể hiện kiến thức xã hội được chuyển hóa thành tài sản mà đang được kiểm soát bởi tư bản: “Sự tích tụ tri thức thức và kỹ năng, của ‘các lực lượng sản xuất chung của bộ não xã hội’, do đó bị hấp thu vào tư bản, trái ngược với lao động… Từ khi máy móc phát triển cùng với sự tích tụ của [tri thức] khoa học trong xã hội, của lực lượng sản xuất nói chung, thì lao động xã hội nói chung tự thể hiện ra không phải ở trong lao động mà ở trong tư bản”.

Điều này tạo ra sự mâu thuẫn mà chúng ta hiện đang trải nghiệm: bộ não xã hội (đại khái là Internet) là mang tính tập thể, tính kết hợp, tính xã hội, nhưng nó lại được kiểm soát bởi tư bản - đó là một nhóm các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Apple, Microsoft và Amazon. Chúng cũng đóng vai trò là tai mắt của tình báo Hoa Kỳ và các quốc gia nói tiếng Anh vốn là đồng minh của Hoa Kỳ, nhóm ‘Five Eyes’ [Ngũ Nhãn – gồm Australia, Canada, New Zealand, Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ], và [các nhóm tình báo này] được đan cài vào các tổ chức tài chính như BlackRock [công ty quản lý đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ] cùng lợi ích mà mà chúng theo đuổi.

Cuộc Cách mạng Thông tin đã tăng tốc sau khi chính quyền Richard Nixon tách đồng đô-la ra khỏi vàng, giải phóng đồng tiền này khỏi nhu cầu cân bằng sổ sách [kế toán] cho đến khi các giai cấp giàu có của thế giới vẫn sẵn sàng lệ thuộc vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, và đồng đô-la Mỹ vẫn còn là vẫn là phương tiện thanh toán ưa thích trong nền kinh tế thế giới. Điều này đã giúp ngành công nghệ thông tin (CNTT), vốn mới chỉ được hình thành vào những thập niên 1980 và 1990, trở thành một hiện tượng của Hoa Kỳ: Thung lũng Silicon. Ban đầu, việc thu thập dữ liệu cho các cơ quan tình báo, vốn đã được ủy thác cho các đại công ty CNTT độc quyền, sẽ tạo ra các vấn đề về lưu trữ, không giống như [các vấn đề về lưu trữ] của ngành tài chính vốn cũng đang phát triển nhanh. Ngay cả các máy trạm lớn nhất cũng không thể xử lý lượng dữ liệu được tạo ra bởi các đổi mới như các công cụ tài chính phái sinh, chứng khoán hóa và siêu đòn bẩy [tài chính]. Năm 1986, một công ty phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu song song dựa trên kiến trúc tầng [cluster architecture], Teradata, đã giao hệ thống đầu tiên như vậy cho Kmart – một chuỗi siêu thị, vốn đã chuyển hóa thành ‘ngân hàng vô hình’.

Ngày nay, ngay cả Google, Facebook, Amazon và các công ty độc quyền còn lại, cùng với một nhà nước giám sát mà chúng liên kết chặt chẽ, đang rất khó kiểm soát lượng dữ liệu phình ra theo cấp số nhân. Được lưu trữ trong hàng nghìn máy chủ thương mại, ‘Dữ liệu Lớn’ được phân tích thông qua các hệ thống chuyên dụng như Hệ thống File của Google, một hệ thống file phân tán, có thể mở rộng nhằm hỗ trợ cho các các ứng dụng [xử lý] dữ liệu chuyên sâu có quy mô lớn. Mặc dù vậy, các chủ sở hữu hệ thống CNTT không có mạng Internet dành cho chính họ. Ngày nay, hầu hết mọi người được kết nối bằng cách này hay cách khác, ngay cả với những vùng đang bị thiếu điện thì cũng đang bắt kịp [sự kết nối] rất nhanh chóng. Điều này làm nổi bật tiềm năng dân chủ của Cách mạng Thông tin, khi mà Internet và công nghệ liên quan “tạo ra những năng lực mới… những năng lực mới này quan trọng đối với người chưa có chúng hơn là những người đã có chúng”.

Thông tin, kiến thức, ngay lập tức mang tính xã hội (về nguyên tắc, người ta có thể sở hữu một mục thông tin mà không làm cho người khác bị tước đoạt [sự sở hữu ấy]), và chỉ có chế độ tư bản, bằng cách gắn quyền sở hữu trí tuệ với, ví dụ, các loại thuốc mới, thì mới ngăn chặn những thông tin như vậy cho việc sử dụng chung. Về mặt kỹ thuật, các lực lượng sản xuất mới sẽ cho phép thế giới tiến tới một xã hội nhân văn hơn, nhưng tất cả các loại mưu mẹo đang được phát triển để sẽ buộc họ quay trở sự trói buộc tư bản chủ nghĩa. Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh Tế thế giới năm 2009 tại Davos đã trình bày một Thỏa thuận Mới về Dữ liệu nhằm biến những người cung cấp thông tin của họ thành chủ sở hữu của loại tài sản đang sinh lợi này. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của đặc trưng mang tính giải phóng [loài người] của rất nhiều khía cạnh trong Thế giới Số này đang che giấu động cơ bóc lột của nó. Sự kết nối mạng ở mọi nơi sẽ xóa tan những rào cản còn lại ngăn cách cuộc sống riêng tư với công việc. Bên cạnh các công việc linh hoạt và tự do, nền kinh tế chia sẻ trong đó mọi khía cạnh của cá tính và tài sản (xe đạp, ô-tô, nhà, v.v.) đều bị buộc phải sinh lợi, đặt mọi sự tồn tại của tất cả mọi người người, vào mọi thời điểm, dưới kỷ luật của tư bản.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng chỉ có thị trường mới có thể điều tiết một nền kinh tế hiện đại do sự phức tạp quá mức của nó, loại trừ việc kế hoạch hóa (luận điểm của nhà ý thức hệ tối cao của chủ nghĩa tư bản tân tự do, Friedrich Hayek), bắt đầu trở nên mong manh trong kỷ nguyên của Dữ liệu Lớn. Sự lựa chọn giữa kế hoạch hóa và tự do luôn mang đặc tính của một một cấu trúc ý thức hệ, được lan truyền bởi Hayek và những trí thức thân cận với ông thuộc tầng lớp đang sở hữu các tài sản tài chính. Khuynh hướng chỉ tập trung vào tính hiệu quả và khuynh hướng tập trung đến nhiều mục tiêu nhân văn khác đều có thể điều tiết lẫn nhau thông qua nền dân chủ, theo nhiều cách, như nhà Mác-xít Ba Lan Wlodzimierz Brus từng tuyên bố vào đầu thập niên 1970.

Một hệ thống kế hoạch hóa tập trung linh hoạt và mang tính điều khiển học, liên kết với các sở thích cá nhân đã được số hóa, có thể tạo ra một khuôn khổ lớn hơn, theo cách mà các siêu thị đáp ứng với các nhu cầu [vô cùng đa dạng] của khách hàng, là một cách điều tiết lẫn nhau như vậy. Hay, như bậc thầy của Thung lũng Silicon Tim O’Reilly đã nói: “Chúng ta đang ở một thời điểm độc nhất vô nhị, khi mà các công nghệ mới giúp giảm số lượng các quy định, trong khi thực sự tăng số lượng các giám sát, và tạo ra các kết quả mong muốn”.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng, trong tình hình [trỗi dậy của] chủ nghĩa chuyên chế như hiện nay, thì những quy định như vậy sẽ được dân chủ hóa?

CUỘC CÁCH MẠNG THÔNG TIN TRONG VIỄN CẢNH LỊCH SỬ

Cuộc Cách mạng Thông tin, được coi là quá trình cuối cùng dẫn đến sự kết nối toàn cầu theo thời gian thực của toàn bộ cư dân trên Trái Đất, có thể được hiểu là sự ‘nén’ không gian-thời gian vĩ đại lần thứ ba trong lịch sử loài người, có thể so sánh với Cách mạng Công nghiệp và, xa hơn nữa, là cuộc Cách mạng Đá mới giúp loài người thuần hóa thực vật và động vật. Một yếu tố chung của ba bước nhảy vọt định tính này nằm trong việc các cộng đồng người đã sử dụng năng lượng Mặt Trời như thế nào, với những lý do rõ ràng rằng những lợi thế ban đầu của các cộng đồng này cuối cùng đã giúp cho các giai cấp thống trị của họ có thể sử dụng [nguồn năng lượng này] trước tiên. Tuy nhiên, cả lợi thế trao đổi [trong thương mại] và năng lực gây chiến tranh trong lĩnh vực đối ngoại cùng cơ hội bóc lột trong các không gian sản xuất và tái sản xuất, chắc chắn cũng tạo ra các khả năng, về tinh thần và vật chất, cho các lực lượng ở bên dưới [giai cấp thống trị]. Nếu giới hạn trong các cuộc Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Thông tin, chúng ta có thể xác định những khác biệt chính giữa hai hình thái chủ nghĩa xã hội mà tôi phân biệt: cái mà tôi gọi là ‘chủ nghĩa xã hội lao động công nghiệp’ và ‘chủ nghĩa xã hội kinh tế số dựa trên Dữ liệu Lớn’.

Cuộc cách mạng công nghiệp có tâm điểm tại ở Vương quốc Anh, huy động các nguồn nhân lực và vật lực của đế chế Anh. Phát sinh từ sự đột biến này, ở bờ Tây của Đại Tây Dương [tức Hoa Kỳ], chủ nghĩa tư bản được củng cố thành một phương thức sản xuất mới, và sự bình đẳng về chủ quyền trở thành phương thức hàng đầu trong quan hệ đối ngoại. Điều này cho phép các quốc gia đối thủ chống lại quyền lực tối thượng của khối các quốc gia nói tiếng Anh, bắt đầu từ nước Pháp chuyên chế, sau đó là đế quốc Phổ-Đức, Nhật Bản, v.v... để bắt kịp về công nghiệp, đặt các đế quốc còn lại với lãnh thổ rộng lớn (Trung Quốc, Ba Tư, Ottoman) trước nguy cơ bị phương Tây cai trị.

Trong suốt thế kỷ sau Cách mạng Công nghiệp, chủ nghĩa xã hội lao động trỗi dậy, như là một lực lượng trực thuộc ‘ở bên trong’, để chống lại cuộc cách mạng này. Phong trào của các công nhân lấy cảm hứng từ Marx, Frederick Engels, và Quốc tế thứ nhất mà họ thành lập, cuối cùng đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, nhưng chủ nghĩa xã hội nhà nước Xô-viết đã buộc phải trở thành đối thủ để đối đầu với trái tim của chủ nghĩa tư bản tự do [là Hoa Kỳ], nhân rộng mô hình của mình, đạt được những thành công đầu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp [lần thứ hai], giống như các đối thủ khác đã thực hiện trước kia.

Ngày nay, chúng ta đang ở giữa một cuộc biến đổi khác, mang tầm lịch sử thế giới - cuộc Cách mạng Thông tin. Ở ngoại vi, nó khiến một phương Tây đang suy yếu do Hoa Kỳ dẫn đầu phải đối đầu với một khối đối các thủ rời rạc và phần lớn đều miễn cưỡng. Tại các quốc gia như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, việc phục hồi chủ nghĩa tư bản hay tái cấu trúc theo hướng tân tự do đã được thực hiện cùng với sự phát hiện ra rằng các quốc gia này không còn được hỗ trợ để bảo vệ chủ quyền của quốc gia mình, mà thay vào đó phải phục tùng sự thống trị toàn cầu của phương Tây. Vì vậy, trong lĩnh vực đối ngoại, các khả năng mới gia tăng sức mạnh cho phương Tây trước tiên, chiếm lĩnh các đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế địa chính trị về mặt quân sự, tình báo, tài chính và văn hóa, duy trì khả năng tấn công bất cứ khi nào quyền bá chủ của nó bị đe dọa. Các hệ thống vốn không thể tiếp cận với các hoạt động tình báo của nhóm ‘Ngũ Nhãn’, chẳng hạn như hệ thống đang được vận hành bởi Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, đang bị tấn công bởi tất cả các phương tiện có sẵn, từ tẩy chay đến bắt giữ con tin, để giữ nguyên sự thống trị này [của phương Tây].

Trong nội bộ [các quốc gia], những thành tựu của Cách mạng Thông tin được đưa vào sử dụng cho việc áp bức giai cấp và bóc lột với cường độ cao. Nhận dạng khuôn mặt cùng với sự giám sát tất cả mọi người 24/7 làm tăng khả năng kiểm soát mang tính toàn trị; trong mọi phân khúc của thang đo sự giàu có, “các hệ thống kỷ luật và kiểm soát cá nhân tạo ra kiến thức nhất định về hành vi của con người mà không phụ thuộc vào sự đồng ý [của người đó]”. Một chuyên gia về kỹ thuật thần kinh của Thụy Sĩ, Marcello Ienca, đang xem xét những hướng mới mà các công ty CNTT lớn đang thực hiện trong việc thao túng não bộ và bản sắc của con người, và cảnh báo rằng thời kỳ mà các công ty này có thể thực sự định hướng sở thích của con người không còn quá xa nữa. Ông lập luận cho “quyền về tính liên tục tâm lý” để ngăn chặn những can thiệp nhằm thay đổi cá tính con người, vốn đã được thử nghiệm trong quân đội.

Các ứng dụng CNTT mới không bị giới hạn ở phương Tây, ngoại trừ ở đây chúng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tinh thần phát sinh từ sự xói mòn của các cơ hội trong đời sống của hầu hết mọi người. Sống khắc khổ để đối phó với những khoản nợ không thể hoàn trả và sự vô trách nhiệm về tài chính, cùng với các cuộc chiến tranh và di cư quy mô lớn đã tạo ra những thói mê tín dị đoạn mới và sự gia tăng của tính hời hợt và sự thô tục trong văn hóa đại chúng. Internet, bộ não xã hội [theo ngôn ngữ của] của Marx, giống như bất kỳ bộ não sinh học nào, cũng là kho lưu trữ của nhiều thứ mà chúng ta thường không thấy phù hợp để thể hiện một cách cởi mở. Tuy nhiên, dưới sự ẩn danh, những người dùng như DonaldDuck2 và những người bạn ảo của anh ta không có ý định tạo ra một vòng xoáy ốc đi xuống, trong đó một thế hệ chính trị gia dân túy mới hành động theo bản năng của họ. Liệu đây có thể là chất liệu xã hội mà một hình thái chủ nghĩa xã hội mới, dân chủ và thân thiện với sinh thái sẽ được dựng lên không?

Các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây buộc phải trở lại vai trò của một đối thủ, bất chấp việc chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản của các quốc gia này, như tại Trung Quốc hay Nga, cho đến nay vẫn chưa thể phát triển các thế giới quan và lối sống mang tính thay thế, có tính gắn kết và đủ hấp dẫn để khẳng định vị thế bá quyền của mình. Trong khi duy trì một biện pháp mệnh lệnh chỉ huy của nhà nước, họ cũng vẫn tiếp xúc với cả học thuyết tân tự do và văn hóa đại chúng phương Tây mà sẽ làm suy yếu sự bảo vệ chủ quyền của họ.

Sau đó, một lần nữa, cuộc Cách mạng Thông tin đã tạo ra một tình huống trong đó những khả năng mới đã khiến các giai cấp thống trị phương Tây mạnh lên trước tiên - nhưng trên cả hai phương diện quan hệ đối ngoại và quan hệ sản xuất, khả năng thực sự áp đặt một chế độ chính trị theo khuynh hướng tân tự do của họ đều mang tính thỏa hiệp. Do đó, để loài người có thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh tập trung toàn diện và sự hủy hoại không thể đảo ngược của sinh quyển, điều cấp bách là cơ sở hạ tầng CNTT phải được minh bạch và được đặt dưới một hình thức kiểm soát dân chủ. Cho đến nay, mọi nỗ lực chuyển giao quyền quản trị Internet và World Wide Web cho các tổ chức đa phương, thậm chí ngay cả sau những tiết lộ của Edward Snowden về sự theo dõi trên quy mô toàn cầu của nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes), đã bị phá hoại ngấm ngầm bởi Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và ICANN – một tổ chức của Hoa Kỳ kiểm soát việc đặt tên miền trên Internet có trụ sở tại California. Thực tế là nền kinh tế tri thức tư bản chủ nghĩa đã phụ thuộc hoàn toàn vào CNTT – thông qua Internet Vạn Vật, các máy móc thông minh được liên kết với bộ não xã hội (Internet), hay nói cách khác – đó là một sự quy định rằng Internet có thể bị ngừng hoạt động vì các lý do chính trị tạm thời và cục bộ. Vì vậy, theo một cách nào đó, khả năng truy cập của Internet phải được đảm bảo trên thực tế rằng nó đã trở thành không thể thiếu đối với hoạt động của nền kinh tế.

Làm thế nào để chúng ta có thể mong đợi các lực lượng tiến bộ có thể tự tháo gỡ khỏi sự rối rắm để đạt được sự minh bạch dân chủ? Điều này, theo quan điểm của tôi, phụ thuộc vào triển vọng kinh tế của các dòng vốn đầu cơ – một thế lực đang dẫn dắt phương Tây. Nỗ lực chặn đứng một cuộc chiến tranh toàn diện và một sự sụp đổ mới tương tự như [cuộc khủng hoảng kinh tế] năm 2008 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một phương thức sản xuất mới, mang tính liên kết, vốn đã hoàn thiện trong phương thức sản xuất cũ mà đã bị hủy hoại bởi sự đầu cơ của giới tài phiệt. Cơ sở hạ tầng CNTT cho chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI phần lớn đã được triển khai - đó là yếu tố quyết định, mặc dù không hoàn toàn mới mẻ. Trong Cách mạng Nga, cũng có những cấu trúc có thể được tiếp quản nguyên vẹn, nhưng chúng không vượt quá sự kiểm soát của nhà nước (của nền kinh tế trong chiến tranh). Nhà nước [Xô-viết] này đã thoái hóa thành nhà nước cảnh sát dưới thời Joseph Stalin, nhưng cuối cùng đã có thể hồi sinh các tiền đề xã hội chủ nghĩa của nó, và để lại cho chúng ta các thử nghiệm về kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số tiếp vốn đang có liên quan đến ngày nay, bên cạnh các di sản khác.

KẾ HOẠCH HÓA XÔ-VIẾT: NỀN KINH TẾ CHỈ HUY VÀ CÁC NỖ LỰC HƯỚNG TỚI KỸ THUẬT SỐ

Chủ nghĩa xã hội (nhà nước) Xô-viết đã được hoàn thiện sau sự thất bại của các cuộc cách mạng thế giới trong giai đoạn 1917-1924. Nhìn nhận lại, điều này đánh dấu thời điểm mà thách thức ‘bên trong', vốn phát sinh từ Cách mạng Công nghiệp - chủ nghĩa xã hội lao động, trở thành thứ yếu so với thách thức ‘bên ngoài”: một nhà nước [Xô-viết] đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Nền kinh tế chỉ huy được hình thành bởi các ‘Kế hoạch 5 năm’ vào cuối thập niên 1920 đã dựa vào sự ép buộc (ban đầu mang tính cực đoan) để bù đắp cho sự kém phát triển về kinh tế của Nga và cuối cùng cho phép Liên Xô đánh bại quân xâm lược Đức Quốc xã. Vào thập niên 1960, khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại sau quá trình công nghiệp hóa ban đầu, sự chuyển đổi sang kỹ thuật số đã được coi là một lối thoát. Một số thành tựu của Liên Xô đã vượt xa thời đại của họ và báo trước kỷ nguyên hiện tại của chúng ta, mặc dù cuối cùng tiềm năng cách mạng của họ đã bị chặn đứng.

Thiết kế máy tính đã bắt đầu tại Viện Hàn lâm Khoa học ở Kiev vào thập niên 1940. Các ứng dụng quân sự là ưu tiên hàng đầu, và giới lãnh đạo Liên Xô muốn phòng thủ đối với hệ thống phòng không được tin học hóa vốn đang được phát triển ở Hoa Kỳ bằng một hệ thống tương đương của chính họ. Cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Nga về khoa học máy tính, ‘Electronic Digital Machines’, được viết bởi Anatoliy I. Kitov, một kỹ sư mang quân hàm đại tá trong lực lượng vũ trang Liên Xô.

Rào cản ý thức hệ đối với các lý thuyết như điều khiển học, vốn cần thiết cho việc sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử, chỉ được dỡ bỏ sau cái chết của Stalin. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1956, lãnh tụ của đảng Nikita Khrushchev đã tố cáo chủ nghĩa Stalin và ủng hộ quy trình tự động hóa các nhà máy. Sau đó, Kitov đề xuất biến mạng lưới phòng không dự phòng đang có sẵn thành ứng dụng dân sự trong thời bình, nhưng ông đã bỏ qua hệ thống phân cấp trong quân đội để trực tiếp báo cáo với Khrushchev để rồi bị tước quân hàm và bị trục xuất khỏi Đảng. Ý tưởng số hóa nền kinh tế chỉ huy vẫn tồn tại, mặc dù một trường phái ủng hộ quan điểm cho rằng lợi nhuận là đòn bẩy của tính hiệu quả cũng đã xuất hiện, do [nhà kinh tế học Xô-viết] Elvsei Liberman khởi xướng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XXII vào năm 1961, một lần nữa Khrushchev tuyên bố bắt buộc phải tăng tốc ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế kế hoạch. Trong giai đoạn này, sau những thành công của Chương trình Không gian Sputnik, sự nhiệt tình của Liên Xô [về ứng dụng công nghệ số] đã vượt qua phương Tây, và quản lý kinh tế dựa trên điều khiển học là một yếu tố chính của sự nhiệt tình này. Một báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ lưu ý rằng các nhà lập kế hoạch kinh tế Liên Xô đã xem điều khiển học là công cụ hữu hiệu nhất cho “việc hợp lý hóa hoạt động của con người trong một xã hội công nghiệp phức tạp”. Báo chí Liên Xô bắt đầu phổ biến ý tưởng về máy tính như là “những cỗ máy của chủ nghĩa cộng sản”, khiến các nhà quan sát Hoa Kỳ cân nhắc rằng, “nếu bất kỳ quốc gia nào đạt tới một nền kinh tế được tích hợp và kiểm soát hoàn toàn, trong đó các nguyên tắc ‘điều khiển học’ được áp dụng để đạt được các mục tiêu khác nhau, thì đó sẽ chính là Liên Xô - quốc gia sẽ đi trước Hoa Kỳ để đạt một trạng thái như vậy”. CIA đã công bố một loạt báo cáo để mở rộng chủ đề này, đặc biệt cảnh báo rằng Liên Xô có thể đang trong tiến trình xây dựng một “mạng lưới thông tin thống nhất”, mà trong sự đánh giá của một số cố vấn của tổng thống John F. Kennedy, rằng nếu Liên Xô thành công [trong việc xây dựng mạng lưới thông tin thống nhất này], thì nó sẽ chôn vùi Hoa Kỳ, như Khrushchev từng tuyên bố.

Tại thời điểm này, Viktor M. Glushkov, nhà toán học và là Giám đốc của Trung tâm Điện toán của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô của Ukraine, đã mường tượng ra một ‘Hệ thống tự động hóa tính toán và xử lý thông tin quốc gia’. Ông đã thuê Kitov đang bị thất sủng làm trợ lý cho mình. Alexei Kosygin, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, khuyến khích Glushkov xây dựng ý tưởng của mình về việc số hóa hệ thống kế hoạch hóa. Tuy nhiên, vào năm 1964, khi một bản thiết kế kỹ thuật số toàn diện cuối cùng đã được đệ trình, [kế hoạch số hóa của] Khrushchev đã bị loại bỏ bởi sự hợp lực của các thế lực bảo thủ và thận trọng [trong Đảng Cộng sản Liên Xô]. Sự lãnh đạo mới trong thời Leonid Brezhnev [làm Tổng Bí thư] (và Alexei Kosygin làm thủ tướng) đã quyết định thúc đẩy tiến trình tự động hóa doanh nghiệp quốc doanh với quy mô lớn hơn, phù hợp với [trường phái của] Liberman, qua đó tất cả các giám đốc doanh nghiệp quốc doanh đều muốn số hóa và lưu trữ tất cả các hoạt động và các dạng tài sản của họ.

Đồng thời, Kosygin đã tham gia vào các hợp tác ở quy mô lớn với các công ty Tây Âu nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Liên Xô. Con rể của ông, [nhà quản lý khoa học] Dzhermen Gvishiani, sẽ thể hiện phản ứng của Liên Xô đối với đề xuất của Hoa Kỳ để khởi động một tổ chức nghiên cứu độc lập chung [giữa Hoa Kỳ và Liên Xô] để đối phó với các vấn đề của xã hội công nghiệp tiên tiến. Đây là tiền đề để hình thành Viện Nghiên cứu Quốc tế về Phân tích các Hệ thống Ứng dụng (IIASA) tại Laxenburg, Áo, trong đó Gvishiani đại diện của Liên Xô tại viện này tới tận năm 1986.

Từ phương Tây, IIASA được coi là một phương tiện để lật đổ chủ nghĩa xã hội nhà nước Xô-viết và – dù điều này không xảy ra – sự ủng hộ của Anh và Hoa Kỳ dành cho viện này đã kết thúc sau sự trở lại với chủ nghĩa tân tự do của Margaret Thatcher và Ronald Reagan. Như chúng ta có thể thấy, điều này cũng làm gián đoạn quá trình hình thành giai cấp xuyên quốc gia của các cán bộ quản lý, những người suy nghĩ có hệ thống và quan tâm đến các vấn đề vượt qua sự chia rẽ Đông-Tây [trong Chiến tranh Lạnh]. Mô hình hóa toán học trên quy mô toàn cầu, chẳng hạn như sự sử dụng nguyên liệu thô hay ô nhiễm khí quyển và đại dương, đã được phát triển tại IIASA, Liên Hợp Quốc và Câu lạc bộ Rome (trong đó Gvishiani đã tham gia kể từ các cuộc gặp đầu tiên của ông với những người đứng đầu các tập đoàn Olivetti, FIAT và những người tiên phong khác trong [tiến trình thiết lập lại quan hệ] thương mại Đông-Tây, cũng là người đã thành lập Câu lạc bộ này).

Công trình của Glushkov, Nikita Moiseev và những người khác về các hệ thống môi trường đã tấn công sâu vào Liên Xô. Phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học Mỹ như Carl Sagan, người lo ngại về thái độ dửng dưng của chính quyền Reagan đối với chiến tranh hạt nhân, điều này đã đạt đến đỉnh điểm trong một báo cáo chung giữa Mỹ và Liên Xô về nguy cơ của chiến tranh hạt nhân. Bằng cách áp dụng lý thuyết phức hợp vào phân tích sinh quyển , người ta đã phát hiện ra rằng nguy cơ tuyệt chủng của sự sống trên hành tinh bởi chiến tranh hạt nhân toàn diện cũng tương đương với nguy cơ tuyệt chủng bởi những thay đổi mang tính hệ thống trong sinh quyển của Trái Đất – những thảm họa bất ngờ có quy mô tương đương nhau.

Loại kế hoạch hóa xuất hiện từ kinh nghiệm này là khác biệt về chất so với loại kế hoạch hóa nền kinh tế chỉ huy mà theo đó một nhà nước theo đuổi tiến trình công nghiệp hóa để bắt kịp đối thủ. Thật vậy, kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số không chỉ là lập kế hoạch với sự trợ giúp của máy tính, mà cuối cùng, phải cung cấp được một lượng lớn Dữ liệu Lớn vào hệ thống máy tính để ‘khám phá’, chứ không phải là ra lệnh để tạo ra kết quả [theo ý muốn] - như chúng ta đang chứng kiến ngày nay đối với các dự báo khí hậu và cả những điều bất định đi kèm với chúng. Sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev được định hướng bởi các khái niệm này, nhưng đã quá muộn để chuyển đổi các cấu trúc xã hội của nền kinh tế chỉ huy sang định dạng kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số để áp dụng vào Liên Xô và khối Xô-viết. Do đó, những nỗ lực với tầm nhìn rộng lớn hướng tới kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số đã thất bại bởi không có các loại cấu trúc xã hội để nó có thể thành công.

Một thử nghiệm thứ hai với kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số đã diễn ra ở Chile trong chính phủ của Tổng thống Salvador Allende. Trong trường hợp này, yếu tố của sự điều chỉnh mang tính điều kiển học, bao gồm khả năng đáp ứng với các vấn đề cung ứng và các cuộc đình công, đã được giải thích rõ ràng, nhưng nó đã bị chặn đứng bởi cuộc đảo chính của Augusto Pinochet vào năm 1973. Stafford Bia, người lãnh đạo dự án Cybersyn của Chile, đã chia sẻ phong cách quản lý tiến bộ của cán bộ IIASA/Liên Hợp Quốc/Câu lạc bộ Rome, nhưng ông đã bị loại khỏi IIASA để bảo đảm tính trung lập về chính trị của viện này. Cấp phó người Chile của ông, Raúl Espejo, đã thoát khỏi nanh vuốt của chế độ khủng bố do Mỹ hậu thuẫn. Điều này dẫn chúng ta đến ‘vấn đề’ khôi phục lại việc kế hoạch hóa dựa trên kỹ thuật số trong thời đại ngày nay.

(Nguồn: https://monthlyreview.org/…/democracy-planning-and-big-data/)

[Các từ, ngữ và giải thích được đặt trong ngoặc vuông [...] là do người dịch thêm vào để làm rõ nghĩa của văn bản]

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: