SARTRE VÀ TIẾNG GẦM SƯ TỬ
Matthew C. Eshman
Nguyễn Trung Kiên dịch (kỳ 1/2)
Sartre sinh tại Paris vào ngày 21 tháng 6 năm 1905, cha ông qua đời 15 tháng sau đó, mẹ đưa ông về nhà ông bà ngoại tại vùng ngoại ô Paris. Chủ yếu được ông ngoại dạy dỗ cho đến khi lên mười, Sartre tuyên bố ông từng tin rằng mình đã trở nên nổi tiếng từ khi lên chín tuổi - một niềm tin chắc chắn đã cổ vũ ông trong suốt những tháng năm đầu đời. Thật vậy, nỗi khao khát đầy ám ảnh ấy đã thôi thúc ông phải viết, và, như chúng ta đã thấy, đã góp phần hình thành nên các trước tác của ông. Tuổi thơ của Sartre gắn liền với rất nhiều bệnh tật, bao gồm bệnh nhiễm trùng mắt (từ khi lên 3-4 tuổi) vốn sẽ khiến ông gần như bị mù mắt bên phải trong suốt quãng đời còn lại. Năm 1915, Sartre theo học trường Lycée Henri-IV, được coi là một trong những trường dự bị uy tín nhất trong hệ thống trường công lập của Pháp, nơi Sartre gặp Paul Nizan - người bạn thân thiết nhất kể từ đó. Mẹ của Sartre tái hôn vào năm 1917 và gia đình rời Paris đến La Rochelle [thành phố biển miền Tây nước Pháp (ND)], nơi Sartre theo học một trường trung học địa phương có chất lượng thấp hơn đáng kể. Sartre mô tả bốn năm tiếp theo là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời ông do mối quan hệ phức tạp với cha dượng (người đã gây áp lực cho ông phải từ bỏ văn chương để học toán và khoa học), cùng với việc ông bị bắt nạt ở trường. Sau này, Sartre diễn giải sự bắt nạt như là một thứ bạo lực giai cấp, không chỉ trong học đường mà còn tràn ra đường phố, với những cuộc đánh nhau giữa những đứa trẻ thuộc gia đình lao động và những đứa trẻ trong gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cũ. Trải nghiệm ban đầu về bạo lực rõ ràng đã để lại cho Sartre dấu ấn quan trọng (với sự quan tâm ngày càng tăng của ông đối với hiện tượng bạo loạn từ cuối thập niên 1940 về sau). Vì sợ ảnh hưởng xấu, cha mẹ Sartre đã trở lại Paris, nơi Sartre gặp lại Nizan tại trường Lycée Henri-IV. Sartre vẫn tiếp tục theo học tại Henri-IV cho đến năm 1922, với hai năm cuối cùng tham gia các lớp học (được gọi một cách không chính thức là ‘hypokhâgne’ và ‘khâgne’) được thiết kế để chỉ để dành cho học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đầy mệt mỏi và cực kỳ cạnh tranh để thi vào Trường Sư phạm phố Ulm (ENS). Vào thời điểm đó, ENS là trường uy tín nhất của khối ‘Các trường đại học lớn’ (Grandes Ecoles), là nơi không chỉ đào tạo nhiều trí thức vĩ đại nhất của Pháp mà còn ươm mầm cho giới tinh hoa chính trị trong tương lai.
Điều đáng để giải thích ở đây là ban đầu Sartre tìm thấy triết học là một “sự chán chường lớn”, và về sau này, bởi sự phản đối của Beauvoir, Sartre tuyên bố rằng, đối với ông, các hình thức biểu đạt văn chương luôn quan trọng hơn triết học. Sự trở lại chính thức của Sartre với triết học là kết quả của việc giới thiệu về Henri Bergson (trong một lớp học vào năm thứ hai để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào ENS). Sartre tin rằng nghiên cứu triết học sẽ có lợi cho khát vọng văn chương của ông, và sự giao thoa giữa phân tích triết học và trí tưởng tượng văn học sẽ thẩm thấu vào phần lớn các tác phẩm của Sartre cho đến cuối đời. Một đặc điểm khác trong các tác phẩm Sartre là nó có xu hướng thách thức các quy tắc nghiêm ngặt của văn học. Một mối quan hệ tương hỗ quan trọng giữa các tư tưởng triết học của Sartre, được thể hiện dưới dạng văn chương trong các vở kịch và tiểu thuyết của ông, và các ví dụ cụ thể có thể là các màn trong một vở kịch, vốn sẽ khuyến khích sự phân tích triết học. Một cái gì đó tương tự về mối quan hệ giữa bộ môn tâm lý triết luận của Sartre và mối quan tâm của ông đối với thuật chép tiểu sử, một lần nữa cho mối quan hệ giữa xu hướng lý thuyết hóa chính trị, xã hội học, tâm lý học và lịch sử của Sartre.
Năm 1924, Sartre và Nizan cùng đỗ vào ENS, nơi nhiều nhà triết học nổi tiếng của Pháp từng theo học, như Henri Bergson, Jean Hyppolite, Maurice Merleau-Ponty, Louis Althusser, Michel Foucault, Jacques Derrida, và Alan Badiou. Mặc dù chuyên về triết học, nhưng ông đọc rộng về văn học đương đại, phân tâm học, tâm lý học và xã hội học, trong một nỗ lực tự thân để biến ông trở thành người hiểu biết nhất. Tham vọng về nhận thức trong thời kỳ đầu của Sartre đã được kết hợp bởi công việc phi thường mà ông theo đuổi: việc viết lách, theo Sartre, đã trở thành một ‘chứng loạn thần kinh-hiện sinh’, vốn sẽ thúc đẩy tham vọng không ngừng của ông. Sartre mô tả những năm tháng ở ENS là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Ông nổi tiếng trong các bạn đồng môn của mình với một trí tuệ vượt trội và thái độ chống độc tài một cách mạnh mẽ. Là một sinh viên đầy lôi cuốn, một ca sĩ giỏi, một nghệ sĩ dương cầm cừ khôi, và một người hài hước, ông thường biểu diễn những tiểu phẩm hài cho các bạn học xem. Trong khi Sartre tỏ ra ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, thì mối quan tâm về chủ nghĩa cộng sản của Nizan, và về chủ nghĩa xã hội của Raymond Aron chắc chắn đã có ảnh hưởng đến ông. Trong thời gian này, cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1930, Sartre không tham gia các cuộc bỏ phiếu hay các hoạt động hoạt động chính trị, mặc dù về mặt cá nhân, ông ủng hộ phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và hoan nghênh Mặt trận Bình dân ở Pháp. Trong thời kỳ này, Sartre cũng viết ba truyện ngắn có xu hướng tiền-hiện sinh, ‘Une défaite’ [Sự thất bại] (1927), ‘Er the Armenian’ (1928) và ‘La Légende de la vérité’ [Truyền thuyết về sự thật] (1931) – và viết hồi ký mà bây giờ được biết đến với cái tên ‘Carnet Dupuis’ (1932). Sartre đã cố gắng để xuất bản hai truyện đầu tiên được và cảm thấy thất vọng vì chúng bị từ chối. Cuối cùng, ‘La Légende de la vérité’ cũng đã được xuất bản.
Năm 1928, Sartre khiến mọi người ngạc nhiên khi ông trượt kỳ thi ‘l’gagrégation’, một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao và mang tính đặc thù về chuyên ngành để cho thí sinh có thể dạy học tại trường trung học. Người ta thường cho rằng thất bại của Sartre xuất phát từ những nỗ lực của ông để đưa ra câu trả lời mang tính khác biệt, trong khi khi các vị giám khảo lại mong đợi một sự diễn giải mang tính truyền thống. Vào tháng 7 năm 1929, Sartre gặp Simone de Beauvoir trong khi chuẩn bị thi lại kỳ thi này. Hai người trở thành bạn đồng hành trọn đời (và là vợ chồng trong một thời gian ngắn) mặc dù họ không bao giờ kết hôn. Sartre và Beauvoir cùng vượt qua kỳ thi ‘l’gagrégation’ (chàng đỗ thủ khoa, nàng đỗ á khoa). Chủ đề của kỳ thi năm đó là về sự ngẫu nhiên và tự do. Sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nhiệm vụ dự báo thời tiết, Sartre xin đi thỉnh giảng tại Nhật Bản để vượt qua nỗi sợ hãi phải trở thành giáo viên tỉnh lẻ. Đề nghị của ông bị từ chối, và số phận của ông dường như đã được định đoạt: Sartre được chỉ định giảng dạy tại một trường trung học ở Le Havre [hải cảng miền Tây Bắc nước Pháp (ND)] (còn Beauvoir đi dạy học tại Marseille, cách đó hơn 900 km). Mặc dù Sartre coi thường Le Havre (sẽ đi vào tiểu thuyết đầu tay của ông với tên Mudville) và không thích dạy học, nhưng nhiều ghi chép đã cho thấy phong cách sư phạm của ông rất độc đáo, đầy thách thức, chuyển tải được nhiều thông tin và truyền được nhiều cảm hứng. Khoảng cách địa lý giữa Sartre và Beauvoir khiến các chuyến thăm Beauvoir của Sartre trở nên khó khăn và góp phần khiến ông bị trầm cảm trong giai đoạn này. Sartre cũng ngày càng ngượng ngùng về ngoại hình của mình. Ông chỉ cao chưa đầy mét sáu, với mái tóc mỏng và đôi mắt hướng ngoại khiến người ta cảm thấy sự bất cân xứng trên khuôn mặt. Sự chán nản của Sartre càng tăng lên khi ông cảm thấy thất bại bởi nhà xuất bản Gallimard từ chối bản thảo đầu tiên, ‘Melancholia’, vốn sẽ trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, ‘La Nausée’ [Buồn nôn].
Một yếu tố khác khiến Sartre bị trầm cảm có thể được hình thành từ sự nhạy cảm đầy đau khổ của ông đối với những cuộc ngẫu sinh [sự sinh tồn đầy phi lý, không mục tiêu và không do ai tạo tác (ND)] đầy tàn bạo, cùng với tính phi lý trong sự hiện hữu của con người. Sartre tuyên bố rằng đã ông đã từng trực tiếp trải nghiệm tính ngẫu sinh của thế giới khi còn là một đứa trẻ, nhưng trải nghiệm về tính ngẫu sinh này được kết tinh thông qua mối tình đầu đối với phim ảnh: tính tất yếu mà các bộ phim mô tả trái ngược hoàn toàn với sự hỗn loạn của đời sống bên ngoài rạp chiếu bóng. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Sartre tập trung nhấn mạnh sự khác biệt này giữa tính tất yếu được thể hiện trong nghệ thuật, trái ngược hoàn toàn với sự ngớ ngẩn và tính ngẫu sinh của thế giới. Sartre bắt đầu phát triển chính thức những tư tưởng của mình về tính ngẫu sinh lần đầu tiên trong một trong các hội thảo của Brunschvicg (năm 1927-1928), trong đó Sartre trình bày một bài nghiên cứu về chủ đề này. Chiến tranh rõ ràng thổi bùng lên ngọn lửa của tính ngẫu sinh, và Sartre đến để tranh luận, chống lại Spinoza, rằng không có gì là tất yếu, và mọi thứ tồn tại (kể cả hư vô) không thể giải thích một cách tường tận tuyệt đối. Thật vậy, ngay cả khi tư tưởng về ‘Thượng đế’ là không mâu thuẫn, và do đó, là không thể tồn tại, như Sartre lập luận trong tác phẩm ‘Tồn tại và Hư vô’, rằng ngay cả một ‘Thượng đế’ đang tồn tại cũng không thể giải thích được sự tồn tại của chính mình, không thể giải thích được tại sao lại việc có một thứ gì đó lại hơn tốt hơn là không có gì. Những tư tưởng tưởng về sự ‘không thể mô tả’ và tính ngẫu sinh đầy tàn bạo này là trọng tâm trong toàn bộ sự nghiệp của Sartre; chúng củng cố ba khái niệm cốt lõi khác, có liên quan chặt chẽ với nhau : tự do cá nhân, trách nhiệm tập thể và khả năng thay đổi mang tính vĩnh cửu của hiện trạng của mỗi con người chúng ta
Đến năm 1937, Sartre và Beauvoir bắt đầu có được vị trí giảng dạy tại Paris (chàng tại trường Trung học Pasteur, và nàng tại trường Trung học Molière), họ sống trong các phòng riêng biệt tại cùng một khách sạn ở Quận 14, phía tả ngạn sông Seine. Tương lai Sartre cũng có vẻ hứa hẹn hơn. Năm 1936, cuốn sách đầu tiên của ông, ‘L’Imagination’ [Trí tưởng tượng] được xuất bản, và năm sau, ông công bố một tác phẩm phê phán Husserl, ‘La Transcendance de l’ego’ [Sự siêu nghiệm của Tự ngã]. Tác phẩm trước trình bày một khảo sát học thuật về quan điểm triết học và tâm lý của trí tưởng tượng, và chương cuối cùng đưa ra một cách đọc gần gũi với phương pháp hiện tượng học của Husserl. Tác phẩm sau khẳng định Husserl đã đánh mất các ý nghĩa của phương pháp của chính ông trong việc đặt ra một bản ngã siêu việt vào trung tâm của ý thức. Truyện ngắn của Sartre, ‘Le Mur’ [Bức tường] xuất hiện trong tạp chí phê bình văn học uy tín nhất của Pháp, ‘La Nouvelle Revue française’ (NRF). Ba truyện ngắn khác cũng xuất hiện trong NRF vào năm 1938, và sau đó được in chung trong tuyển tập ‘Le Mur’. Phần lớn các truyện này này khám phá về tâm bệnh học, trong đó có một nhân vật là kẻ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thích bạo dâm các cô gái điếm. Những câu chuyện này cũng đặt câu hỏi rằng liệu chứng điên có làm thay đổi ý thức sống hay không, hay kẻ điên là ‘người được chọn’. Mỗi câu chuyện bao gồm ít nhất một nhân vật giả vờ tự giấu mình khỏi những khía cạnh đầy bối rối của cuộc hiện sinh của chính hắn, một chủ đề nổi bật trong phần lớn các tác phẩm văn học của Sartre, và được phân tích chính thức trong tác phẩm ‘Tồn tại và hư vô’ như là một tín ngưỡng tồi tệ.
Cũng trong năm 1938, Nhà xuất bản Gallimard đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Sartre, tựa đề đã được đổi từ tựa đề ban đầu của Sartre, ‘Melancholia’, thành tựa đề của Gallimard ‘La Nausée’ [Buồn nôn]. Được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học hiện sinh, cuốn tiểu thuyết mô tả những tín ngưỡng tồi tệ ở cấp độ các nhóm xã hội, cụ thể là xã hội tư sản, và cuộc đấu tranh của nhân vật chính của tác phẩm (rõ ràng dựa trên cuộc sống của Sartre) để tạo ra một thế giới phi lý. Năm 1939, Sartre xuất bản tác phẩm ‘Esquisse d'une théorie des émferences’ [Phác thảo cho một lý thuyết về cảm xúc]. Tác phẩm ngắn này bác bỏ một số luận điểm truyền thống liên quan đến cảm xúc – rằng chúng là thụ động và phi lý – và cho rằng cảm xúc cho phép chúng ta biến đổi một cách kỳ diệu các tình huống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, mang lại cho chúng ta một cảm giác đầy ảo tưởng về khả năng kiểm soát của chính mình. Năm 1940, Sartre công bố tác phẩm ‘L’Imaginaire’ [Cái tưởng tượng]. Dựa trên tác phẩm ‘L’Imagination’ trước đó của ông, đây là một chuyên khảo triết học dài đầu tiên về trí tưởng tượng. Nó bác bỏ luận điểm của Decartes rằng trí tưởng tượng mang tính ngẫu nhiên, mà thay vào đó, nó lập luận rằng kinh nghiệm ý thức sẽ không thể hình thành được nếu không có trí tưởng tượng. Nó bác bỏ luận điểm của Hume rằng các hình ảnh chỉ khác biệt về chất với cảm giác, bởi các bản sao yếu ớt của sự ấn tượng về mặt vật lý của vật thể nằm trong đầu chúng ta. Ngược lại, Sartre lập luận rằng trí tưởng tượng về cơ bản khác với nhận thức, và hình ảnh không tồn tại trong tâm trí một người. Cuối cùng, trong phần kết luận, được viết một cách hợp lý sau khi văn bản chính được hoàn thành, Sartre đưa ra một suy luận mang tính siêu nghiệm: điều kiện cần thiết cho khả năng tưởng tượng ra các đối tượng không tồn tại là: trải nghiệm ý thức phải được thoát khỏi quyết định luận nhân quả. Tất cả các tác phẩm triết học đầu đời này đã giúp Sartre chuẩn bị cho kiệt tác của ông: ‘L'Être et le néant’ [Tồn tại và Hư vô].
Đến cuối những năm 1930, Sartre đã trở thành một ngôi sao đang lên trong nền học thuật Paris, và sự hỗn loạn sẽ sớm xảy ra sau sau đó. Đức tuyên chiến với Pháp vào đầu tháng Chín năm 1939. Với cường độ làm việc đầy ấn tượng của Sartre, thật dễ dàng để quên mất sự thật rằng khoảng thời gian giữa lúc Sartre học tại ENS và cuộc Đại chiến Hai là vô cùng hỗn loạn. Những kẻ phát-xít theo Mussolini đã nắm quyền từ thập niên 1920, Hitler lên nắm quyền vào năm 1933. Trước tình trạng thất nghiệp hàng loạt, lạm phát gia tăng và các vụ bê bối tài chính, Mặt trận Bình dân, một liên minh của các nhóm chính trị cánh tả bao gồm Đảng Cộng sản Pháp (PCF), và Phân bộ Pháp của Liên đoàn Công nhân Quốc tế (Section française de l’Internationale ouvrière - SFIO) đã liên minh để chống lại khả năng thực sự của một cuộc đảo chính của phe phát-xít ở Pháp. Tháng 5 năm 1936, Mặt trận Bình dân giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tuyển cử, và chỉ hai tháng sau, cuộc nội chiến Tây Ban Nha bắt đầu. Các nền dân chủ tự do phương Tây, đặc biệt là Anh và Pháp, đứng ngoài và không làm gì để hỗ trợ phe cộng hòa ở Tây Ban Nha, trong khi Hitler cung cấp vũ khí cho phe phát-xít ở Pháp. Một liên minh gồm các công nhân, nhà văn và trí thức từ khắp nơi trên thế giới đã đến Tây Ban Nha để đấu tranh chống lại Franco nhằm bảo vệ nền dân chủ.
Khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu, Sartre phục vụ như một người dự báo thời tiết ở miền Đông nước Pháp, và cuộc sống trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh vẫn thanh bình đầy vẻ siêu thực. Sartre tiếp tục soạn cuốn sách ‘L’Age de raison’ [Thời đại của Lý trí] vào mùa Thu năm 1938. Ông giữ những cuốn sổ tay, xuất bản sau đó với tựa đề Les ‘Carnets de la drôle de guerre’, ghi lại những suy nghĩ về cuộc sống hàng ngày (và quá khứ của ông), bao gồm các chủ đề như danh tiếng, vinh quang, cái chết, quan hệ với người khác, tình dục, tình bạn, tài sản, quyền sở hữu và tiền bạc. Về mặt triết học, Sartre đề cập đến các khái niệm cốt lõi sẽ được trình bày trong tác phẩm ‘Tồn tại và Hư vô’: tự do, hư vô, ý thức, lịch sử, đức tin xấu xa và tính xác thực. Ông cũng viết thư hàng ngày cho mẹ, cho Beauvoir và những người bạn khác. Thật đáng kinh ngạc, Sartre đã viết hơn một triệu từ trong khoảng thời gian chín tháng siêu thực này. Chỉ riêng những lá thư gửi cho Beavoir đã tới tận 500 trang [Lettres au Castor], và bản cập nhật cho lần xuất bản các cuốn nhật ký chiến tranh của ông chỉ được hơn 600 trang và chỉ bao gồm 6 trong số 15 cuốn nhật ký gốc. Thời kỳ này kết thúc một đầy bi thảm khi Đức bắt đầu tấn công Pháp vào tháng 5 năm 1940.
Ngày 23 tháng 5, Paul Nizan bị giết. Ngày 21 tháng 6 là ngày sinh nhật thứ ba mươi lăm của Sartre, ông bị bắt và bị giam tại một trại tù binh gần Trier. Chín tháng bị giam cầm cấu thành nên một trong những trải nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời Sartre. Trước chiến tranh, Sartre đánh giá cao tư tưởng của Nietzsche về một người trí thức đơn độc, tách biệt khỏi xã hội, và ông chấp nhận chủ nghĩa cá nhân và sự bất tuân, đồng thời vẫn giữ thái độ tương đối thờ ơ với các vấn đề chính trị. Ngược lại, cuộc sống trong tù giúp Sartre nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, vì ông nhận ra rằng tất cả mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội. Những trải nghiệm này đã hun đúc lương tâm chính trị của Sartre, và vấn đề chính trị trong mối quan hệ với đạo đức trở thành ưu tiên của phần còn lại của của cuộc đời ông. Vào giữa tháng 3 năm 1941, vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, hợp lý cùng các giấy tờ y tế giả mạo, Sartre được phóng thích khỏi trại tù binh. Vào ngày 1 tháng 4, Sartre trở về một Paris đã bị xâm lược hoàn toàn. Cờ Đức Quốc xã bay trên đỉnh các tòa nhà. Các bảng tên đường bằng tiếng Đức được dán trên các đại lộ chính và các tuyên truyền của Đức Quốc xã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và đài phát thanh. Thực phẩm, thuốc lá, than đá và quần áo được phân phối và ngày càng trở nên đắt đỏ. Giờ giới nghiêm được áp dụng.
Với sự dấn thân vào chính trị, Sartre ngay lập tức thành lập một nhóm kháng chiến, với thời gian tồn tại ngắn ngủi, phần lớn không hiệu quả, cùng với Merleau-Ponty, Beauvoir và một số người bạn khác từ ENS, có tên là ‘Socialisme et Liberté’ [Chủ nghĩa xã hội và Tự do]. Vào thời kỳ đỉnh cao, nhóm này gồm khoảng 50 thành viên, chia thành các tổ gồm 5 thành viên. Trong thời gian này, Sartre viết một bản tuyên bố gồm 120 điều cho nhóm. Mặc dù không bản sao nào còn tồn tại, nhưng nó đã kết hợp những hiểu biết sâu sắc từ Proudhon và Marx trong một sự pha trộn đầy bốc đồng của một thứ chủ nghĩa xã hội chống chuyên chế, tự nguyện và không tưởng.
Nhóm của Sartre đã không thành công trong việc cố gắng thành lập liên lạc với các nhóm kháng chiến khác, bao gồm cả Đảng Cộng sản Pháp, nhưng ĐCS Pháp đã hoặc thực sự sợ hãi, hoặc chỉ đơn giản là bịa ra một câu chuyện về lời mời hợp tác của Sartre cùng sự từ chối lời đề nghị này. Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn về sự từ chối ĐCS Pháp đối với của Sartre nhóm có liên quan đến Nizan. Nizan từng là đảng viên của ĐCS Pháp nhưng đã rời khỏi đảng này vào tháng 8 năm 1939, khi Hiệp ước không xâm phạm Stalin-Hitler được ký kết. Các thành viên của ĐCS Pháp khởi động một chiến dịch bôi nhọ chống lại Nizan, và sau chiến tranh, năm 1947, Aron, Sartre và những người khác ký một lá thư công khai kêu gọi lãnh đạo ĐCS Pháp cung cấp bằng chứng chống lại Nizan. Ở đây cần nhấn mạnh rằng Hiệp ước Không xâm phạm đã gây chấn động thế giới; nó làm gia tăng nguy cơ chiến tranh và cho phép Liên Xô tái vũ trang, một điều trớ trêu dẫn đến thất bại cuối cùng của Đức quốc xã. Cụ thể, Hiệp ước này đã khiến các tổ chức cánh tả ở Pháp rơi vào tình trạng hỗn loạn. ĐCS Pháp, vốn đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát-xít trong Mặt trận Bình dân, vào mùa hè năm 1940, đã kêu gọi các công nhân chào đón những người lính Đức chiếm đóng, kéo dài đến tháng 6 năm 1941. Cũng nên nhắc lại rằng nhiều người theo chủ nghĩa xã hội đã không từ bỏ ngay lập tức chính phủ Vichy: vào tháng 8 năm 1940, khoảng 80% thành viên của Quốc hội đã bỏ phiếu để trao “toàn quyền” cho Petain, ngay cả khi [Quốc hội đang] phải chịu áp lực. Không có quyết định trong thời gian này là dễ dàng.
Mặc dù Sartre đã nhận được những lời chỉ trích đáng kể vì sự không tham gia vào cuộc kháng chiến bí mật của Pháp, một số trong đó là kết quả của sự hiểu lầm và Sartre đã thực hiện một số hành động mang lại đáng kể rủi ro cho ông. Trên thực tế, ít nhất một (và có thể một vài) thành viên trong nhóm đã bị bỏ tù. Sartre nhận ra nhóm này không hiệu quả và cảm thấy phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc bỏ tù (các) đồng chí. Do đó, Sartre giải tán nhóm vào tháng 10 năm 1941 và dành phần còn lại của việc dạy học và sáng tác. Sartre cũng tham gia vào Comiténational des écrivains (Ủy ban Nhà văn Quốc gia), một phân bộ gồm các trí thức thuộc ĐCS Pháp được thành lập vào cuối năm 1940. [Phân bộ này] bao gồm hầu hết (nhưng không phải toàn bộ) các học giả theo cộng sản, với số một thành viên từng tranh cãi về việc gia nhập của Sartre, và một số phản đối, vào cuối năm 1942 (hoặc tháng 1 năm 1943). Sartre đã viết bài cho ít nhất ba số của tờ tạp chí bí mật ‘Les Lettres Françaises’’ [của phân bộ này]. Đóng góp đầu tiên của ông đã khởi động một cuộc phê phán mạnh mẽ Pierre Drieu La Rochelle – nhà tiểu thuyết và cộng tác viên của tờ tạp chí này, cũng là biên tập viên cho tạp chí ‘La Nouvelle Revue française’ trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng. Bất chấp những chỉ trích về Sartre, ông không bao giờ nói quá và nhấn mạnh một cách rõ ràng đối với vai trò bên lề của mình trong cuộc kháng chiến của Pháp. Ông cũng từ chối Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, năm 1945, được trao trước Thế chiến thứ Hai, để vinh danh các hành động quân sự dũng cảm, bao gồm các hành động kháng chiến anh hùng trong Thời kỳ Pháp bị chiếm đóng.
Trong thời gian còn lại của thời kỳ Pháp bị chiếm đóng, không cần phải ngạc nhiên rằng Sartre đã sáng tác cực kỳ năng suất. Vào tháng 6 năm 1943, vở kịch của Sartre, ‘Les Mouches’ [Con ruồi], dựa trên truyền thuyết Hy Lạp về Orestes và Electra, đã có được diễn trong một thời gian ngắn tại Paris. (Sartre ngây thơ tin rằng ông đã đánh lừa được các nhà kiểm duyệt Đức khi trình bày một vở kịch ủng hộ kháng chiến tại Paris đang bị chiếm đóng. Mặc dù vở kịch bác bỏ sự thụ động và coi trọng trách nhiệm đối với hành động của con người, nhưng không chắc khán giả đã hiểu rằng về bản chất đó là một vở kịch ủng hộ kháng chiến). Sartre cũng hoàn thành kiệt tác của ông, ‘Tồn tại và Hư vô’, xuất bản vào tháng 12, với hơn 700 trang. Ban đầu bị ấn tượng bởi số lượng phát hành cao bất thường của tác phẩm này, nhưng Nhà xuất bản Gallimard đã sớm nhận ra rằng bởi vì tác phẩm này nặng đúng một cân, nên các thủ kho đã mua nó để làm quả cân, do quả cân kim loại của họ đã bị đúc thành đạn dược. Đây là tác phẩm triết học quan trọng nhất của Sartre, đồng thời cũng là tác phẩm khó đọc nhất và khó lĩnh hội nhất của ông. Tác phẩm này này tạo tiền đề cho phần lớn định hướng lý thuyết của Sartre: thế giới có thể thay đổi, chúng ta luôn tự do thay đổi nó, và mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về thất bại của chính mình trong nỗ lực thay đổi thế giới. Điều này hàm ý thêm là, hầu hết chúng ta, trong hầu như mọi lúc, đều tự che giấu những khía cạnh bất đồng về tự do, trách nhiệm và tính phi lý của chính mình. Sartre đã minh họa một cách sắc nét sự tự che giấu này trong vở kịch nổi tiếng nhất của mình, ‘Huis clos’ [Xử kín], được công diễn vào tháng 5 năm 1944. Vở kịch này có một câu nổi tiếng và dễ gây hiểu lầm: “Địa ngục chính là người khác”. Không giống như những cách giải thích phổ biến về địa ngục vốn tồn tại mãi mãi trong Kitô giáo, ta luôn có khả năng tự do lựa chọn việc rời khỏi địa ngục mà ta tự áp đặt cho chính ta: cánh cửa thoát khỏi địa ngục luôn luôn mở.
Sau chiến tranh, Sartre tiếp tục viết cho tạp chí ‘Les Lettres Françaises’, và bài tiểu luận nổi tiếng của ông, ‘La République du Silence’ [Nền cộng hòa của sự im lặng] (về cuộc sống trong thời kỳ Paris bị chiếm đóng, và tinh thần kháng chiến) đã được xuất bản trong số đầu tiên vào tháng 9 năm 1944. Số tạp chí này có tiêu đề cùng tên với bài tiểu luận của Sartre, và nó bắt đầu bằng một lời nói đầu sai lệch, không phải do Sartre viết, nhưng lại giới thiệu Sartre là “người gan dạ và hoạt động bí mật”. Tuyên bố sai lệch này khiến Sartre dễ bị chỉ trích bởi ông không tham gia hoạt động đặc biệt nào, và như ta đã thấy ở trên, ông không bao giờ tuyên bố như vậy. Đầu năm 1945, các tờ báo ‘Combat’ và ‘Le Figaro’ cử Sartre đến Hoa Kỳ (chuyến đi đầu tiên của ông bên ngoài châu Âu) trong khoảng bốn tháng, bắt đầu từ tháng Một. Sartre viết 32 tiểu luận về các chủ đề khác nhau, từ Hollywood, thành phố New York, nhạc jazz và các khía cạnh khác nhau của văn hóa và chính trị Hoa Kỳ. Vào mùa thu năm 1945, Sartre xuất bản các tác phẩm ‘L'âge de raison’ [Thời của lý trí] và ‘Le sursis’ [Sự hối hận] - hai phần đầu tiên của một bộ sách bốn tập ‘Les routes de la liberté"’ [Các con đường tới tự do], với tập thứ tư, ‘La dernière chance’ [Cơ hội cuối cùng], vốn còn đang dang dở, được xuất bản sau khi ông qua đời và vừa được dịch [sang tiếng Anh] mới đây. Trở thành mục tiêu tấn công đáng kể từ phái tả, truyền thông chính thống và những người đấu tranh cho quyền của Công giáo, vào ngày 29 tháng 10, Sartre công khai bảo vệ quan điểm của mình trong một bài giảng nổi tiếng dành cho công chúng: ‘Existentialisme est un humanisme’ [Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản]. Bài giảng này đã được quảng cáo trên một số tờ báo lớn, và khán phòng [nơi Sartre giảng bài] đã chật kín người. Bài giảng được tiến hành trong phòng đứng [không có ghế ngồi (ND)] nên buổi vấn đáp với thính giả phải diễn ra vào ngày hôm sau. Được người viết tốc ký ghi lại và xuất bản vào năm 1946, bài tiểu luận này dễ dàng trở thành tác phẩm được đọc nhiều nhất trong các tác phẩm của Sartre. Đây cũng là tác phẩm mà Sartre hối hận vì đã xuất bản nó. Bài tiểu luận trình bày một sự bảo vệ chống lại bốn chỉ trích chung đối với triết học và văn học của Sartre. Quan trọng hơn, nó đưa ra một sự giới thiệu đầy khiêu khích cho cái mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa hiện sinh triết học dành cho đại chúng, chỉ ra một trạng thái tự do mong manh vốn làm nền tảng cho mọi giá trị, và giải thích tính xác thực đòi hỏi chúng ta phải khẳng định sự tự do của Tha-Nhân như thế nào. Mặc dù gần giống với tác phẩm ‘Tồn tại và Hư vô’, nhưng dù sao thì bài giảng này cũng mơ hồ, không rõ ràng và sử dụng phép tu từ có chủ ý.
Không giống như thời kỳ trước chiến tranh, khi mà Sartre mới chỉ được hưởng một số sự thừa nhận ban đầu trong trong giới văn học Paris, đến cuối năm 1945, tin tức về Sartre tràn ngập trên trang nhất của báo chí. Trở nên nổi tiếng, sự thành công trong văn học của Sartre đã giúp ông độc lập về tài chính, cho phép ông từ bỏ công việc giảng dạy để ngồi viết toàn thời gian. Sự tự do mới này từ các tổ chức học thuật phân biệt Sartre với nhiều người tiền nhiệm của ông, vốn cũng nổi tiếng trong công chúng, ví dụ như Bergson, người gắn liền với môi trường hàn lâm và những ràng buộc mang tính thể chế khác nhau của nó. Sau khi trở về từ Hoa Kỳ vào mùa Xuân năm 1945, Sartre, cùng với Raymond Aron, Simone de Beauvoir, Michel Leiris, Maurice Merleau-Ponty, Albert Ollivier và Jean Paulhan, ra mắt tạp chí ‘Les Temps modernes’ [Thời hiện đại]. Ban đầu được xuất bản bởi Gallimard, tờ nguyệt san của nhóm trí thức cánh tả này đã đi qua vài nhà xuất bản. Tờ tạp chí này mới chỉ dừng phát hành gần đây. Lời giới thiệu của Sartre cho số đầu đã cổ vũ cho nền văn học dấn thân và tấn công vào nền nghệ thuật vị nghệ thuật; nó cũng tấn công mạnh mẽ các nhà văn tư sản như là những kẻ có “lương tâm xấu xa”. Bài tiểu luận này cùng với vị trí tổng biên tập của Sartre tại tờ ‘Les Temps modernes’ đã hoàn toàn biến Sartre trở thành một trí thức vị đại chúng.
Cùng với bài giảng cho đại chúng được thảo luận ở trên, tác phẩm ‘Réflexions sur la question juive’ [Những suy nghĩ về vấn đề Do Thái] của Sartre, lần đầu tiên được xuất bản trên một tờ báo nhỏ vào năm 1946 và hầu như không được chú ý cho đến khi được nhà xất bản Gallimard tái bản vào năm 1954, đánh dấu những gì chúng ta có thể gọi là thời kỳ đạo đức duy tâm của Sartre. Thời kỳ này kéo dài đến năm 1948 khi Sartre từ bỏ những nỗ lực của mình để đưa ra lý thuyết đạo đức mà ông đã hứa sẽ viết ở phần cuối tác phẩm ‘Tồn tại và Hư vô’, và xuất bản sau khi tác giả qua đời với tựa đề ‘Cahiers pour une morale’ [Những ghi chép về vấn đề đạo đức]. Trong ba năm này, Sartre cũng thuyết trình tại UNESCO, vào ngày 1 tháng 11 năm 1946, về trách nhiệm của các nhà văn trong việc giải quyết các mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại, mà đối với Sartre, vào thời điểm đó, bao gồm khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới khác. Tác phẩm ‘Qu’est-ce que la littérature?’ [Văn chương là gì?] của Sartre mở rộng chủ đề này và khuyến khích các trí thức viết ra các tác phẩm bàn về công bằng xã hội, tìm kiếm con đường văn chương mới để tránh sự giả tạo. Năm 1947, Sartre được mời viết lời tựa cho tác phẩm ‘Anthologie de la nouvelle poésie nègre et malgache de langue française’ [Hợp tuyển thơ tiếng Pháp của người da đen và người bản địa Madagascar] của Léopold Senghor. Sartre viết rằng đây là tác phẩm tuyệt vời về ‘nữ thần Orphée da đen’, với hàm ý rằng thơ của người da đen mang tính lật đổ và cách mạng. Bài tiểu luận này đánh dấu cuộc đấu tranh suốt đời của Sartre chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và định vị Sartre trong các trí thức chống chủ nghĩa thực dân.
(còn tiếp)
*(Matthew C. Eshleman giảng dạy triết học tại Đại học North Carolina Wilmington. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Nghiên cứu Sartre Bắc Mỹ, và đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về triết học thời kỳ đầu của Sartre. Tên bài do người dịch tạm đặt)*
(Nguồn: Eshleman, M.C. (2020). “A Sketch of Sartre’s Life”. In: Eshleman, M.C. & C. L. Mui (2020) (eds). ‘The Sartrean Mind’. New York, NY: Routledge, pp. 8-21)