SARTRE VÀ TIẾNG GẦM SƯ TỬ (Kỳ 2)

17/ 05/ 2023

SARTRE VÀ TIẾNG GẦM SƯ TỬ

Matthew C. Eshman

Nguyễn Trung Kiên dịch (kỳ 2) [Kỳ 1]

 

 

Sự lên tiếng của Sartre, được phóng đại bởi sự nổi tiếng của ông, đã gây ra một loạt vụ bê bối. Tháng 11 năm 1946, Sartre trình diễn hai vở kịch, ‘Morts sans sépulture’ [Chết không đất chôn] và ‘La Putain respectueuse’[Con đĩ đáng kính]. Lấy bối cảnh trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng, vở kịch đầu tiên mô tả sự tra tấn các thành viên của lực lượng kháng chiến Pháp và đã khiến Raymond Aron cùng vợ ông giận dữ bỏ ra ngoài bởi tính bạo lực của vở kịch. Vở kịch thứ hai tấn công chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ và dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Hoa Kỳ. Năm 1957, Sartre bị cuốn vào một cuộc tranh cãi khác, trên một chương trình phát thanh được sản xuất bởi các biên tập viên của tạp chí ‘Les Temps Modernes’, trong đó một người bạn của Sartre, Alphonse Bonafé, đã so sánh de Gaulle với Hitler. Sartre đã không đưa ra kết luận, và ông công khai phủ nhận mọi sự so sánh tương tự [giữa hai nhân vật này (ND)]. Tuy nhiên, mọi người đã dành cho Sartre những lời chê bai. Tháng 4 năm 1948, vở kịch của Sartre, ‘Les Mains sales’ [Các bàn tay dơ bẩn], lấy cảm hứng từ vụ ám sát Leon Trotsky, dẫn đến các cuộc tấn công tiếp theo từ ĐCS Pháp, vốn cho rằng vở kịch này cùng với các tiểu thuyết của Sartre là mang tính chống cộng.

Mối quan hệ không thoải mái của Sartre với ĐCS Pháp và sự thù địch [của Sartre] với mọi thứ liên quan đến giai cấp tư sản đã góp phần giải thích tại sao ông gia nhập Tập hợp dân chủ cách mạng (RDR) trong năm 1948. Phong trào cánh tả ngắn ngủi này đã chống lại phái cấp tiến của chủ nghĩa xã hội tự do triệt để, đồng thời bác bỏ chủ nghĩa tư bản tự do, chủ nghĩa Stalin của ĐCS Pháp và chủ nghĩa xã hội dân chủ ‘trung dung’. Sau một số thành công ban đầu trong việc thu hút mọi người tham gia RDR, vốn không bao giờ vượt quá 2.000 thành viên sẵn sàng chi trả hội phí, tổ chức này đã bắt đầu suy thoái, chuyển sang hữu khuynh, và bắt đầu nhận được tài trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ - thời điểm Sartre rời bỏ tổ chức này. Dưới áp lực dữ dội của cuộc Chiến tranh Lạnh, Sartre cuối cùng cũng hỗ trợ, nhưng không bao giờ tham gia ĐCS Pháp.

Mặc dù mối quan hệ phức tạp của Sartre với ĐCS Pháp và Liên Xô không thể được đề cập một cách đầy đủ ở đây, nhưng cần có một vài lời để xua tan những hiểu lầm phổ biến, mà không làm mờ đi những đánh giá sai lầm nghiêm trọng của Sartre. Trong gần như suốt thập niên 1940, các thành viên của ĐCS Pháp (đôi khi chịu áp lực từ Moscow) phê phán mạnh mẽ đối với văn học, kịch và triết học của Sartre, với rất nhiều bài tiểu luận và các tập sách mỏng, phần lớn trong đó là những lời mang tính lăng mạ và tuyên truyền, một thực tế mà các nhà phê bình về Sartre thường bỏ qua vì không thể giải thích được. Những cuộc tấn công này được thúc đẩy mạnh hơn bởi sự ngưỡng mộ ngày càng tăng của giới trẻ Pháp dành cho Sartre, và một phần bởi các tác phẩm của ông, nhưng Sartre đã phản ứng mạnh mẽ với nhiều cuộc tấn công trong tiểu luận ‘Matérialisme et et revolution’ [Chủ nghĩa duy vật và Cách mạng], được xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí ‘Les Temps Modernes’ (1946). Sartre không chỉ bác bỏ các vụ tấn công mang tính đảng phái của ĐCS Pháp, chẳng hạn như của Jean Kanapa và Roger Garaudy, mà còn giải quyết những chỉ trích nặng nề nhưng điềm đạm từ Pierre Naville. Tiểu luận này phác họa một sự thay thế chủ nghĩa Mác bằng chủ nghĩa hiện sinh để làm cơ sở cho hành động cách mạng. Mặc dù hơi rối rắm, tiểu luận này là một tác phẩm mang tính chuyển tiếp cho thấy rõ sự chuyển hướng của Sartre sang một biến thể mới của chủ nghĩa Mác không còn chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin. Vào thời điểm này, ĐCS Pháp đã chuyển sang tấn công Sartre dữ dội và sử dụng các nhân vật có ảnh hưởng lớn, đầu tiên là một cuộc tấn công của Henri Lefebvre, người đã dành hẳn một cuổn sách để phê phán văn chương và triết học của Sartre, và sau đó là một cuộc tấn bằng một cuốn sách dài của George Lukacs: ‘Existentialisme ou marxisme’ [Chủ nghĩa hiện sinh hay chủ nghĩa Mác] (1948). Với tất cả các cuộc tấn công này, tại sao Sartre lại trở thành người bạn đồng hành với ĐCS Pháp vào năm 1952?

Mặc dù Sartre chưa bao giờ chính thức gia nhập ĐCS Pháp, nhưng ông đã trở thành ‘người đồng hành’ trong khoảng bốn năm, từ khoảng năm 1952 đến năm 1956. Tuy nhiên, Sartre đã không dứt khoát phá vỡ lòng trung thành với Liên Xô cho đến năm 1958. Cuối năm 1951, ông chấp nhận lời đề nghị từ lãnh đạo của ĐCS Pháp để tham gia chiến dịch giải phóng Henri Martin, một thủy thủ bị giam cầm trong 5 năm vì phản đối các chiến dịch quân sự của Pháp ở Đông Dương. Năm 1952, khi đang đi nghỉ với Beauvoir ở Italia, Sartre đọc các báo cáo về một cuộc đàn áp của chính phủ đối với các cuộc biểu tình của những người cộng sản chống lại chuyến viếng thăm của một vị tướng Hoa Kỳ, người đang chỉ huy lực lượng quân sự ở Triều Tiên. Các cuộc bạo động nổ ra trên đường phố giữa những người biểu tình và cảnh sát, và đến buổi tối, lãnh đạo ĐCS Pháp Jacques Duclos bị bắt bởi những cáo buộc rõ ràng. Sartre nghi ngờ rằng giới tinh hoa Pháp đang chuẩn bị một cuộc đảo chính. Điều này thúc đẩy Sartre viết một loạt các bài báo, được xuất bản với tựa đề ‘Les Les Communes et la Praix’ [Những người cộng sản và Hòa bình]. Các bài tiểu luận này được đăng trong một vài số của tạp chí ‘Les Temps Modernes’ vào tháng 7, sau đó là tháng 10 và tháng 11 năm 1952 rồi lại tiếp tục được đăng vào năm 1954. Sartre mô tả các sự kiện liên quan đến vụ bắt giữ Duclos và nói rõ rằng ông chỉ đồng ý với ĐCS Pháp đối với một số vấn đề. Sartre đưa ra một số tuyên bố yếu đuối và ngây thơ nhưng tiếp tục đề xuất một lời thỉnh cầu tha thiết để trở lại thời Mặt trận Bình dân. Sartre thấy rõ sự cần thiết phải phục hồi phong trào của người lao động và ông bảo vệ quyền biểu tình và tiến hành bạo lực bởi động cơ chính trị - một loạt các lập luận giúp thấy trước Lời giới thiệu đầy tính kích động của Sartre cho tác phẩm của Fanon, ‘Wretched of the Earth’ [Sự thảm hại của Trái Đất].

Có năm điều cần lưu ý ở đây. Đầu tiên, Sartre đã cùng ký vào một bài tiểu luận do Merleau-Ponty viết nhằm tố cáo các trại lao động cưỡng bức ở Liên Xô, được xuất bản trên tạp chí ‘Les Temps Modernes’ vào tháng 1 năm 1950. Mặc dù đã có một bức thư gửi cho ban biên tập tạp chí, chỉ ra một cách chính xác rằng các trại lao động này đã tồn tại từ thập niên 1930, và lúc đó ‘Les Temps modernes’ không định công bố bức thư trên, nhưng cuối cùng, vào tháng Sáu, Merleau-Ponty đã viết một bức thư phản hồi mang tính phòng thủ và thiếu tính thuyết phục. Sartre cũng đồng ý công bố các tài liệu về các trại lao động cưỡng bức ở Liên Xô [trên tạp chí], nhưng thật không may, các tài liệu này đã được một tờ báo cánh tả đăng trước. Mặc dù người ta có thể nói rằng điều này là quá muộn, nhưng vấn đề ở đây là sự liên hệ của Sartre với ĐCS Pháp và Liên Xô là không đơn giản. Vì vậy, điều thứ hai là, trong khi người ta có thể diễn giải một cách tàn nhẫn rằng Sartre đã liên minh với các thế lực đầy tội lỗi này, nhưng đó là một quyết định thực dụng khi ông liên minh với thế lực ít tội lỗi hơn. Sự ngày càng coi thường giới tinh hoa chính trị Pháp ở Sartre, cùng quan điểm đúng đắn rằng người lao động cuối cùng không bao giờ thoát khỏi sự bóc lột và tha hóa trong các cấu trúc [xã hội] tư bản, kết hợp với việc không có bất kỳ sự thay thế khả thi nào, đã thúc đẩy sự trung thành đầy thực dụng của ông [với Liên Xô]. Về vấn đề này, chúng ta có thể nói thêm, điều thứ ba, rằng Liên Xô đã tích cực tham gia và cung cấp hỗ trợ đáng kể cho các cuộc đấu tranh chống thực dân và giành độc lập [của các dân tộc thuộc địa]. Điểm này trái ngược hoàn toàn với sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ trong việc củng cố chế độ thực dân và lật đổ các chính phủ cánh tả được bầu lên một cách dân chủ trên khắp thế giới. Thứ tư, Sartre mắc một số sai lầm lớn và không thể tha thứ được. Ông đã ủy quyền để công bố một số bài báo ủng hộ Stalin một cách mù quáng. Sau khi Sartre trở về từ Liên Xô vào năm 1954, ông đã xuất bản năm bài báo trên tờ ‘Libération’ (không được nhầm lẫn với một tờ báo cùng tên bắt đầu xuất bản vào đầu thập niên 1970 do Sartre chủ trương). Sartre cố tình đưa ra những tuyên bố sai lầm về cuộc sống ở Liên Xô, ví dụ như công dân có toàn quyền tự do chỉ trích chính phủ. Cuối cùng, sự lầm đường lạc lối của Sartre đã góp phần, theo nhiều cách khác nhau, để ông dần mất đi những người bạn: Albert Camus, Raymond Aron và Maurice Merleau-Ponty.

Trong năm 1958, Sartre nhanh chóng bị kiệt sức. Giữa một lịch trình đi lại và viết lách dày đặc, đôi khi thâu đêm suốt sáng, Sartre viết tác phẩm ‘Critique de la raison dialectique’ [Phê phán lý trí biện chứng] và viết kịch bản sân khấu lớn về Freud cho John Huston [đạo diễn người Hoa Kỳ (ND)]. Vốn uống rượu nhiều và nghiện thuốc lá nặng, từ thập niên 1940, Sartre đã bắt đầu sử dụng một loại thuốc amphetamine (orthedrine) được kê đơn, và đến thập niên 1950 ông bắt đầu sử dụng một lượng lớn hỗn hợp amphetamine có bán trên thị trường với aspirin (được bán dưới dạng Corydrane). Lối sống của Sartre đã buộc ông phải nhập viện bởi suy kiệt do tăng huyết áp động mạch, vốn trầm trọng thêm bởi việc uống rượu ở Liên Xô trong năm 1954. Sartre phải sống chung với chứng tăng huyết áp và các bệnh về mạch máu trong suốt quãng đời còn lại. Sartre buộc phải sử dụng amphetamine liều cao để giữ cho tĩnh mạch của ông không bị tắc nghẽn do hiện tượng co mạch. Sartre biết điều này và chấp nhận hậu quả, thông qua lời bình luận của mình vào tháng 11 năm 1970: “ngay cả khi [việc sử dụng amphetamine của tôi] sẽ khiến tôi chết vào ngày mai, thì việc sử dụng đó thật đáng giá. Ý tôi là, tôi không bao giờ ngủ quá bốn giờ một ngày trong bốn mươi năm qua. Nếu bạn thêm nó lên, điều đó có nghĩa là tôi đã sống đến chín mươi tuổi [trong trạng thái] có ý thức”. Vì lý do sức khỏe, Sartre từ bỏ amphetamine sau khi hoàn thành tác phẩm ‘Critique de la raison dialectique’, cho đến khi ông khởi động lại dự án lớn để viết tiểu sử Flaubert và bắt đầu sử dụng lại Cordryane.

Sartre xuất bản tập đầu tiên của bộ ‘Critique de la raison dialectique’ vào năm 1960, và tập thứ hai còn dang dở được xuất bản sau khi ông qua đời. Một số người cho rằng đây là chuyên luận chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ XX, những người khác lại xem nó quá trừu tượng, không có cấu trúc và dễ gây hiểu nhầm. Sartre hướng đến mục đích tổng hợp chủ nghĩa hiện sinh với chủ nghĩa Mác, một dự án lần đầu tiên được đặt ra trong tác phẩm ‘Question de méthode’ [Tìm kiếm một phương pháp], đồng thời xây dựng một luận thuyết về lịch sử. Tác phẩm này đã dịch chuyển hoàn toàn mô hình cách mạng ra khỏi lãnh địa độc quyền của giai cấp công nhân để tạo ra một khuôn khổ bao gồm tất cả những người bị áp bức, đặc biệt là những người dân xứ thuộc địa. Tác phẩm này cũng đặt nền móng cho các nhà triết học tương lai quan tâm đến việc xây dựng một nền chính trị cánh tả mới, dựa trên một bản thể xã hội không nhấn chìm tự do của con người vào các lực lượng tất định, đồng thời, vượt qua sự phân đôi truyền thống giữa chủ nghĩa cá nhân và chính thể luận mang tính thần thoại. Nói tóm lại, nó tái hiện thực hóa chủ nghĩa Mác, một nỗ lực biệt có liên quan đến thời đại toàn cầu của chúng ta ngày nay.

Vào tháng 2 năm 1960, Sartre và Beauvoir tới Cuba và Brazil. Họ nhiệt tình ủng hộ cuộc cách mạng, gặp gỡ Fidel Castro và Che Guevara. Sartre viết một bản thảo dài 1.100 trang ủng hộ cuộc cách mạng Cuba. (Sự ủng hộ dành cho Fidel Castro của Sartre cuối cùng cũng tàn lụi khi Sartre chỉ trích sự thiếu khoan dung của Fidel đối với các vấn đề nội bộ [của Cuba (ND)].) Sartre, vốn đang có tiếng tăm lấy lừng, đã phát biểu tại Havana và Saõ Paolo. Những lời nói của ông cùng những bức ảnh của ông với Fidel và Guevara lưu hành trên toàn cầu. Như Andrew Leak nhận xét, tại thời điểm này trong lịch sử, “không có trí thức nào, từ trước đây, từng đạt đến [sự ngưỡng mộ của] cộng đồng rộng rãi như vậy”. Cuối năm đó, vào tháng Năm, Sartre đến thăm Nam Tư và gặp Tito. Sau khi Algeria độc lập vào năm 1962, Sartre chú ý trở lại với Liên Xô, nơi ông đã đến thăm chín lần trong bốn năm, và gặp Khrushchev hai lần.

Những chuyến đi đến Liên Xô này được thúc đẩy một phần bởi mối quan hệ tình cảm với hướng dẫn viên và phiên dịch viên Lena Zonina, người mà ông đề tặng trong cuốn tự truyện ‘Les Mots’ [Ngôn từ]. Cuốn sách này, cùng một số cuốn khác, đã chỉ ra sự tập trung lớn của ông đối với nỗi ám ảnh ‘tự-giải cấu trúc’ thông qua việc viết lách. Trong một chuyến đi vào năm 1966, Sartre liên lạc với Alexander Solzhenitsyn và đề nghị gặp gỡ; Solanchitsyn đã từ chối lời đề nghị này. Vào giữa thập niên 1960, Sartre tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Vào tháng 10 năm 1964, Sartre từ chối giải thưởng Nobel về văn học, nhằm nhấn mạnh đến sự độc lập suốt đời của ông đối với các tổ chức. (Ông đã từ chối lời đề nghị bầu vào Viện Hàn lâm Pháp (1949) và không bao giờ tìm kiếm, đồng thời đã từ chối một lời mời đề nghị tham gia Collège de France.) Năm 1965, Sartre từ chối lời mời thuyết trình tại Đại học Cornell để phản đối chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Vào tháng 7 năm 1966, Sartre gia nhập Tòa án quốc tế của Bertrand Russell chống lại các tội ác chiến tranh ở Việt Nam, và vào tháng 11, ông đã được bầu làm chủ tịch điều hành. Trong cùng năm đó, Sartre có một số bài giảng ở Nhật Bản.

Vào tháng 5 năm 1968, nước Pháp bị tê liệt bởi một loạt các cuộc biểu tình và phản kháng dân sự lớn nhất trong lịch sử. Vào ngày 6 tháng 5, Sartre ký một tuyên bố ủng hộ các sinh viên nổi loạn. Năm ngày sau, Sartre đưa ra một tuyên bố trên đài phát thanh, nhấn mạnh mong muốn của các sinh viên khác muốn từ bỏ lối sống trưởng giả của cha mẹ họ, và sự không đồng tình [của sinh viên] đối với các cuộc cải cách nửa vời. Sartre khuyến khích các sinh viên đập phá các trường đại học và xuống đường biểu tình. Ngay sau đó, công nhân Pháp biểu tình với quy mô lớn lớn đến mức cuộc sống bình thường đã bị sụp đổ. Giao thông công cộng ngừng hoạt động, ngân hàng đóng cửa, các nhà máy bị chiếm đóng và hàng hóa như xăng, thuốc lá bị thiếu hụt. Vào ngày 20 tháng 5, Sartre có bài phát biểu ngắn trước các thính giả ngồi chật cứng trong hội trường tại Đại học Sorbonne, vốn đang đang bị chiếm đóng bởi các sinh viên. Khi Sartre thừa nhận không hiểu đầy đủ về các quan điểm của sinh viên, ông nhận ra rõ ràng vai trò phản động của ĐCS Pháp trong việc ngăn chặn sự liên kết giữa các sinh viên và công đoàn lao động. Cuối mùa hè đó, Sartre dứt khoát đoạn tuyệt với Liên Xô khi nước này xâm lược Tiệp Khắc. Năm 1969, Sartre gọi ĐCS Pháp là “đảng bảo thủ lớn nhất ở Pháp”.

Vào cuối thập niên 1960, Sartre cũng tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, mặc dù không đứng về phía nào, trong nỗ lực thúc đẩy một cuộc đối thoại. Sartre luôn ủng hộ quyền của Israel, nhưng ông cũng ngày càng cảm thông với hoàn cảnh của người Palestine. Sartre và Beauvoir tới Ai Cập và Israel vào năm 1967, gặp Nasser và nhận ra rằng mối quan hệ hợp tác giữa Israel và Palestine là không thể. Chỉ vài ngày sau khi trở về Pháp, cuộc ‘Chiến tranh Sáu ngày’ nổ ra. Sau đó, vào năm 1972, Sartre vẫn cố gắng cho một con đường trung gian, khẳng định quyền tồn tại của Israel, đồng thời giải quyết những bất bình của người Palestine. Sartre được trao bằng danh dự của Đại học Jerusalem và tại buổi lễ, ông nói: “Tôi ủng hộ người Palestine cũng nhiều như ủng hộ người Israel, và ngược lại”.

Sau khi đoạn tuyệt với cả ĐCS Pháp lẫn Liên Xô vào cuối thập niên 1960, Sartre từ bỏ ý tưởng của mình về trí thức dấn thân hoặc tham gia và thay thế bằng một khái niệm về trí thức cách mạng. Không còn hứng thú với việc viết các tiểu luận chính trị (và không còn có thể viết được nữa), năm 1970, Sartre ủng hộ tổ chức cấp tiến kiểu Maoist, ‘La Gauche prolétarienne’ (Người vô sản cánh hữu) và tờ báo của họ, ‘La Cause du Peuple’. Bị thu hút bởi sức sống trẻ trung và tâm lý cách mạng của họ, Sartre không chấp nhận tất cả các quan điểm của họ, ví dụ như thái độ bài tinh thần phục quốc Do Thái. Sau khi hai thành viên bị bắt, Sartre nhanh chóng tiếp quản tờ báo và ủng hộ hành động tự phát của họ. Tổ chức phiến quân này được chính phủ Pháp coi là nguy hiểm nhất trong thời gian chống lại một cuộc đấu tranh cách mạng rộng lớn của giai cấp công nhân, trải dài từ các công nhân Pháp phản đối việc đóng cửa nhà máy [không cho công nhân vào làm để tạo áp lực khiến công nhân bãi bỏ các cuộc biểu tình (ND)], cho đến Black Panthers ở Hoa Kỳ [một tổ chức chính trị theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa cách mạng, được thành lập bởi các sinh viên theo khuynh hướng Mác-xít (ND)]. Họ ăn cắp thực phẩm từ các cửa hàng tạp hóa cao cấp và phân phát cho người nghèo, và khi giá vé tàu điện ngầm tại Paris tăng lên, họ đã đánh cắp hàng nghìn vé tàu để phân phát cho công nhân. Sartre bị bắt cùng với một số người khác chỉ vì bán các bản sao của truyền đơn ở trên đường phố, nhưng Sartre ngay lập tức được thả ra.

Trong thời gian này, Sartre tiếp tục viết cuốn tiểu sử mang tính hiện sinh về Flaubert, ‘Idiot de la famille’ [Kẻ ngốc trong gia đình]. Ban đầu được dự kiến chia thành năm tập, Sartre chỉ hoàn thành ba tập, với hai tập đầu tiên được xuất bản vào tháng 1 năm 1971 và tập thứ ba được xuất bản vào năm sau. Ba tập dày gần 3.000 trang. (Bản dịch tiếng Anh chia hai tập đầu thành hai tập, bao gồm bốn tập đầu.) Các tập này đại diện cho các tác phẩm cuối cùng của Sartre. Sartre bị một cơn đột quỵ nhỏ vào cùng tháng khi tập đầu tiên được xuất bản. Sau đó, vào tháng 3 năm 1973, Sartre bị đột quỵ nghiêm trọng hơn, sau đó là xuất huyết ba lần. Sự xuất huyết khiến ông bị mù trong suốt quãng đời còn lại. Không còn có thể viết, Sartre dành phần còn lại của cuộc đời để hỗ trợ phái hữu, phỏng vấn và hợp tác với (hoặc bị lợi dụng bởi) Benny Lévy (bí danh, Pierre Victor). Ngoài ra, họ còn tạo ra một loạt các cuộc hội thoại được ghi lại và xuất bản dưới cái tên ‘Hope Now’ [Niềm hi vọng ngày nay].

Sức khỏe của Sartre ngày càng kém, nhưng ông vẫn hoạt động tích cực một cách đáng ngạc nhiên cho tới tận cuối thập niên 1970. Một cuộc khảo sát ngắn ở đây sẽ là đủ. Năm 1974, Sartre tới Stuttgart để thăm Andreas Baader, một tù nhân đang và tuyệt thực. Baadar điều hành ‘Phe Hồng quân’ khét tiếng, chống phát xít (RAF), còn được gọi là Baader-Meinhof Gang. RAF đã thực hiện một loạt vụ cướp ngân hàng, đánh bom, bắt cóc và hành quyết. Sartre giải thích với giới truyền thông rằng trong khi ông không đồng ý với chiến thuật của họ, ông lên án các điều kiện mà họ đang bị giam giữ: giam cầm đơn độc và tước đoạt cảm giác là một hình thức tra tấn. Vào tháng 4 năm 1975, Sartre đến thăm Bồ Đào Nha, vốn đang bị cai trị bởi tên phát-xít Estado Novo từ năm 1934 đến năm 1973. Sau đó, Sartre đến thăm cuộc nổi dậy phi bạo lực Revolução dos Cravos (Cuộc cách mạng hoa cẩm chướng) để gặp gỡ các sinh viên, công nhân và nhà văn trong quá trình chuyển đổi sang cuộc sống hậu phát-xít. Vào tháng 5 năm 1976, Sartre đã tham gia cùng 50 người đoạt giải Nobel trong một chiến dịch đòi trả tự do cho Mikhail Stern, một chính trị phạm ở Liên Xô. Năm 1979, Sartre và Lévy tổ chức một hội thảo ở Paris về cuộc xung đột ở Trung Đông, có sự tham dự của các trí thức Ả Rập và Israel. Ở đó, Edward Said gặp Sartre, vốn hiện đang bị mù hoàn toàn và hầu như không thể đi lại, về cơ bản là không còn phản ứng gì. Sartre đã cháy bùng suốt cuộc đời mình. Ông tồn tại mãi mãi.

KẾT LUẬN

Vào ngày 19 tháng 4, khoảng 50.000 người đã chật kín đường phố để đưa tang Sartre, và biến ông thành một biểu tượng của lịch sử. Mặc dù Sartre rõ ràng đã phạm một số sai lầm, ngay cả khi có thể giải thích được bằng logic bất ổn của những kẻ kém xấu xa hơn, nhưng ông đã luôn chống lại những kẻ bị họ áp bức. Sartre ủng hộ người Do Thái chống lại người Semite, ủng hộ người nghèo chống lại các nhà tư bản, ủng hộ người người da đen chống nạn phân biệt chủng tộc, ủng hộ người dân xứ thuộc địa chống lại các nhà cai trị thực dân, ủng người Algeria chống Pháp, Hungari và Séc chống Liên Xô, Việt Nam và Cuba chống Mỹ, v.v... Các cam kết của Sartre với những nỗ lực này luôn tạo ra mâu thuẫn giữa đạo đức cá nhân và tham vọng chính trị của ông. Ông tự mô tả mình đã trải qua ba giai đoạn đạo đức: chủ nghĩa duy tâm phi thực tế, chủ nghĩa hiện thực vô đạo và chủ nghĩa hiện thực đạo đức. Tuy nhiên, vượt qua cả ba giai đoạn, Sartre bị kẹt trong cái mà ông gọi là “Nghịch lý hiện tại của Đạo đức”. Từng được thấy trước qua tác phẩm ‘Cahiers pour une morale’ [Những ghi chép về đạo đức] và hiện diện trong đạo đức biện chứng ở giai đoạn trưởng thành của Sartre, nghịch lý này tái xuất hiện trong tác phẩm ‘Saint Genet comédien et martyr’ [Thánh Genet, kịch sĩ và thánh tử đạo]: “Đạo đức đối với chúng ta là không thể tránh khỏi và đồng thời là không thể thực hiện được”.

Trong suốt cuộc đời mình, Sartre vẫn tin rằng, cho đến khi mọi người trải nghiệm sự tự do tối đa trong giới hạn của sự bình đẳng, không ai có thể sống một cuộc sống với tính xác thực cao độ. Sartre nhận ra rằng chỉ có một hình thái xã hội chủ nghĩa không độc đoán, mang tính tự nguyện mới có thể kiến tạo một thế giới như vậy. Để chắc chắn, tầm nhìn mang tính quy định này về một thế giới mà các nhu thiết yếu của cả nhân loại được thỏa mãn có thể xa vời hơn nhiều so với thập niên 1960. Hãy yên tâm, nếu hôm nay Sartre còn sống, ông sẽ vẫn lập luận rằng, tất cả chúng ta, mỗi người chúng ta, đều phải chịu trách nhiệm về Trump, về Brexit, và về tất cả các bệnh tật chính trị-xã hội khác mà chúng ta hiện đang phải chịu đựng. Thật dễ dàng đổ lỗi cho người khác vì bất cứ lý do gì, một hiện tượng xuất hiện ở cả cánh tả và cánh hữu. Rất khó để tự nhận lấy trách nhiệm của mình, không chỉ đối với các hành động đơn lẻ của mỗi cá nhân, mà còn đối với tất cả thế giới chung của chúng ta. Có thể dễ dàng để che giấu một người đứng đầu trong đống hổ lốn của những đức tin xấu, để tự đánh lạc hướng bản thân khỏi bi kịch đang diễn ra của chính mình. Thật khó khăn để nhìn chằm chằm vào vực thẳm hiện sinh và bắt đầu tự lý thuyết hóa về trách nhiệm tập thể và hành động phối hợp.

Liên Xô sụp đổ khoảng chín năm sau cái chết của Sartre và dẫn đến khoảng 15 năm của chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiếu đầy ngạo mạn và những dự báo không có thật của phương Tây. Đối với những người theo chủ nghĩa duy tâm chính trị, chủ nghĩa tư bản dân chủ đã chiến thắng, và chúng ta đã đi đến sự kết thúc mang tính giả định của tiến trình tiến hóa tư tưởng. Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực, với tất cả các thế lực thiện ác đang xáo trộn, thời điểm không thể tránh khỏi của sự đơn cực toàn cầu cuối cùng đã đến: Hoa Kỳ có thể “đặt ra một cách bất ngờ các quy tắc của trật tự thế giới”. Đối với những người theo chủ nghĩa tân tự do, quyền bá chủ mới của “Hoa Kỳ” ngày nay sẽ thấm đẫm vào toàn bộ thế giới cùng với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Bây giờ tất cả chúng ta sẽ tận hưởng điều đang thực sự diễn ra. Chỉ trong vài năm, tất cả những tưởng tượng khiêu khích này đã tự bùng phát trên thực tế: sự kiện 11/9 đã tiết lộ ý tưởng về sự đơn cực là một ảo ảnh nguy hiểm, và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 đã phóng đại nhiều thất bại lặp đi lặp lại của chủ nghĩa tân tự do. Những sự kiện này đã ươm mầm cho một nền văn hóa của chủ nghĩa dân tộc cánh hữu vốn đang nổi lên như cỏ dại trên khắp thế giới.

Nếu cánh tả từ lâu đã thiếu một tầm nhìn thống nhất về sự liên minh sức mạnh giữa các dân tộc trên Trái Đất, thì tác phẩm ‘Phê phán lý trí biện chứng’ của Sartre có thể đang đang nắm giữ những nền tảng lý thuyết mà sẽ giúp mở hé cánh cửa này. Chúng ta chờ đợi một triết gia không diễn giải quá nhiều về những văn bản vừa xuất sắc vừa khó hiểu của Sartre, nhưng tìm thấy nguồn cảm hứng trong tầm nhìn độc đáo nhưng chưa hoàn thành của ông về chủ nghĩa xã hội vô chính phủ theo khuynh hướng dân chủ, và nhu cầu chia sẻ chung của chúng ta. Có lẽ, khi trở về với tinh thần của Marx, chúng ta nên dành ít thời gian hơn để viết những cuốn sách mô tả những khó khăn hiện tại của chúng ta và tiên lượng cho tương lai ảm đạm. Đã có đủ người đã biết rằng chủ nghĩa tư bản đang sai ở đâu: định mệnh rõ ràng của chúng ta bao gồm một con đường mang tính tự sát khi nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên và chúng ta lấp đầy đại dương bằng phế thải nhựa. Đã có đủ người nhận thức đầy đủ về việc chính phủ thông đồng một cách hiệu quả như thế nào với các tập đoàn tư nhân, và làm thế nào các tập đoàn đầu sỏ toàn cầu ngày càng tận hưởng quyền lực không bị kiểm soát bởi các quốc gia tham nhũng. Dành quá nhiều thời gian để viết về những gì sai lầm và những điều tồi tệ sẽ hình thành như thế nào thường liên quan đến nhiều hơn đến đức tin tồi tệ. Chúng ta cần ít ý thức hơn và cần nhiều tư duy chiến thuật hơn. Mệnh lệnh bắt buộc mang tính chiến lược cho thế kỷ XXI sẽ đi tới vấn đề này: làm thế nào để chúng ta có thể phối hợp hành động tập thể và mở rộng nó ra trên bình diện quốc tế? Như Ronald Aronson đã quan sát một chính xác, chúng ta đang mất khả năng tập thể để đối phó với những vấn đề cấp bách nhất vào thời điểm mà những vấn đề xã hội cấp bách nhất chỉ có thể cùng được giải quyết chung. Theo ước tính khiêm tốn của tôi, những trở ngại để hình thành các tổ chức hiệu quả, nhân rộng chúng thành các phong trào xã hội và sau đó điều phối chúng trên bình diện quốc tế không còn là mang tính vật chất. Những trở ngại lớn nhất của chúng ta đối với sự thay đổi xã hội nằm trong giới hạn tập thể của trí tưởng tượng và những lo lắng to lớn về tương lai chung của chúng ta.

Việc Sartre bị mù buộc ông phải từ bỏ việc viết lách, nhưng ông đã tự do lựa chọn tham gia. Ít nhất, hiểu biết sâu sắc của ông rằng chúng ta cần phải chuyển hóa từ trí thức dấn thân thành nhà cách mạng, cũng giúp chúng ta sắp đặt lại sự ưu tiên mà nhiều người trong chúng ta có thể kiểm soát: dành nhiều thời gian để viết nhiều hơn về cách thay đổi thế giới, và ít hơn về những gì cần thay đổi hay những gì sẽ xảy ra nếu không thay đổi. Hãy hãnh động đi, hỡi các bạn của tôi. Bất cứ ai tìm kiếm cảm hứng thay đổi để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, để làm cho thế giới tự do hơn cho tất cả mọi người, thì cuộc đời và các tác phẩm của Jean-Paul Sartre là vừa đủ./.

*(Matthew C. Eshleman giảng dạy triết học tại Đại học North Carolina Wilmington. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Nghiên cứu Sartre Bắc Mỹ, và đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về triết học thời kỳ đầu của Sartre. Tên bài do người dịch tạm đặt)*

(Nguồn: Eshleman, M.C. (2020). “A Sketch of Sartre’s Life”. In: Eshleman, M.C. & C. L. Mui (2020) (eds). ‘The Sartrean Mind’. New York, NY: Routledge, pp. 8-21)

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: