SYMPOSIUM CỦA PLATON - MỘT CUỐN SÁCH ĐÁNG ĐỌC CHO NGÀY TÌNH NHÂN

14/ 02/ 2022

Ngày Valentine, ngày dành cho tình nhân, đâu chỉ là ngày đẹp nhất của tuổi trẻ mà còn là ngày đẹp nhất cho những tâm hồn trẻ. Khi chúng ta yêu, chúng ta nhập mình vào tình yêu để sống trọn với nó như một khối nhất thể uyên nguyên nên khó lòng đặt ra những câu hỏi tra vấn về tình yêu. Cũng giống chúng ta, các triết gia cũng thuộc giống nòi tình, cũng yêu say đắm, nhưng khác với chúng ta, họ rất nghiêm chỉnh trong việc suy tư về tình yêu.

Có thể nói, tập sách Symposium (nguyên nghĩa Hy Lạp "uống rượu cùng nhau") của Platon (khoảng 428-348 TCN) là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử triết học luận bàn về nguồn gốc và bản chất của tình yêu. Giống như mọi tập sách khác của Platon, tập sách này được viết theo thể đối thoại, các nhân vật sẽ tranh biện và thuyết trình các quan điểm của mình về tình yêu. Tựu trung, có sáu nhân vật lần lượt trình bày quan điểm của mình là Phaedrus, Paussanias, Eryximachus, Aristophanes, Agathon và cuối cùng là Socrates. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu tóm tắt các diễn giải của họ.

Trước hết, người đầu tiên sẽ trình bày quan điểm của mình là Phaedrus. Theo ông, Tình yêu (Eros) là vị thần cổ xưa nhất trong các vị thần, vì mọi người đều không biết ai là cha, là mẹ của vị thần này. Đó cũng là vị thần đem đến cho cho con người nhiều hạnh phúc nhất, bởi vì vị thần này gợi cho con người biết hổ thẹn khi làm điều sai trái, và ra sức làm điều tốt. Thực vậy, một kẻ đang yêu thì không dám hạ thấp giá trị của mình bằng một hành động xấu trước người mình yêu, cho nên một quốc gia gồm những người yêu nhau sẽ là một quốc gia có phẩm chất đạo đức nhất.

Tình yêu còn gợi dậy lòng dũng cảm và tinh thần tận tụy. Trong tình yêu, kẻ đang yêu đôi khi sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình cho người được yêu. Đấy là những phẩm chất đạo đức có thể làm thần linh ngưỡng mộ và vinh danh. Alcestis, người sẵn sàng chết vì chồng, và Achilleus, người "không những chết vì người yêu mà còn chết theo người yêu" của mình là Patrocklos được thần linh tỏ lòng khâm phục và ban thưởng là minh chứng cho điều này. Kết thúc bài diễn từ của mình, Phaedrus nói: "Eros là vị thần cổ xưa nhất, uy nghiêm nhất và có khả năng nhất trong việc làm cho con người trở nên can đảm, có đức hạnh, và hạnh phúc cả trong lúc sống lẫn trong lúc chết."

Đến lượt Paussanias, ông bắt đầu diễn từ của mình bằng cách phê phán lập luận của Phaedrus rằng Phaedrus nói như thể chỉ có một vị thần tình yêu, nói cách khác, một loại tình yêu. Thực ra là có hai: Aphrodite Thiên thể và Aphrodite Trần tục. Thần tình yêu của Aphrodite Trần tục chỉ hướng đến thân xác, không phân biệt giới tính, hơn là tâm hồn, chỉ xui khiến ta đi đến những hành động thấp hèn; còn thần ái tình của Aphrodite Thiên thể chỉ quan tâm đến người nam, đương nhiên là trẻ, khỏe, đẹp và thông minh, và xác lập mối quan hệ tốt đẹp suốt đời. Chính những ai cuồng tín thần Aphrodite Trần tục đã làm mất uy tín của vị thần tình yêu này.

Tiếp đó, ông bàn về thái độ ứng xử của các dân tộc liên quan tới chuyện yêu đương. Ở hầu hết các xứ Hy Lạp, trừ Athens, các quy tắc thường rất đơn giản. Ở Elis và Boeotia, do tâm hồn thiển cận, không biết dùng lời lẽ văn hoa, nên người ta tán thành một cách chất phác mối quan hệ lứa đôi. Ở châu Á và các dân tộc man dã, người ta cấm đoán các quan hệ này vì nó nguy hiểm cho các nhà độc tài, như trường hợp tình yêu của Aristogiton và Harmodius đã kết liễu một chế độ độc tài. Ở Athens, tuy mọi người đều tán thành mọi sự điên rồ của tình yêu, nhưng các bậc làm cha mẹ lại coi chừng con cái một cách xét nét, thường thuê người trông nom, ngăn ngừa con trò chuyện với người yêu. Sở dĩ như vậy là bản thân tình yêu không đẹp cũng không xấu. Nó đẹp khi người ta yêu nhau theo những quy tắc đoan trang, và xấu khi theo những quy tắc ngược lại.

Người tiếp theo là Eryximachus trình bày quan điểm của mình về tình yêu. Ông cho rằng tình yêu ngập tràn vũ trụ, không chỉ trong tâm hồn người mà còn ở cả cỏ cây và thú vật. Do đó, định nghĩa về tình yêu cũng phải được mở rộng ra: hiểu như là một nguyên lý hợp nhất và hài hòa của những cái đối lập nhau. Ông lấy hàng loạt ví dụ về các môn khoa học để chứng minh điều này. Chẳng hạn, y học là một khoa học tình yêu trong các cơ thể, liên quan tới trạng thái bệnh tật và lành mạnh của cơ thể, người lương y có tài phải là người thiết lập nên sự hài hòa giữa những cái tương phản như nóng với lạnh, khô với ẩm. Âm nhạc là khoa học tình yêu trên phương diện hài hòa và tiết tấu, vì lẽ chính tình yêu đi từ những yếu tố đối lập nhau như trầm với bổng, âm dài với âm ngắn, đã tạo nên sự hòa âm và tiết tấu. Trong kết cấu của hòa âm và tiết tấu, không có chỗ đứng cho hai loại tình yêu, vì thế nhà nghệ sĩ phải trau dồi tình yêu thanh cao và gạt bỏ tình yêu thấp hèn để sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật. Thiên văn học là khoa học tình yêu trên phương diện sự vận động của các hành tinh và các mùa trong năm. Tôn giáo và chiêm thuật dạy cho chúng ta lựa chọn tình yêu nào tốt đẹp nhất đối với người sống, người chết, và đối với các thần thánh; lòng bất tín là hậu quả của tình yêu phóng đãng. Như vậy, tình yêu có một sức mạnh rộng khắp, khi nó được áp dụng vào điều tốt và được điều tiết theo lẽ công bằng và điều độ thì nó sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, bằng cách làm cho chúng ta sống hòa thuận với nhau.

Đến lượt người thứ tư là Aristophanes. Qua diễn từ của mình, ông cố gắng giải thích cho ta biết tại sao khi yêu người ta muốn hòa tan mình vào với người yêu, thấy mình với người yêu là một chỉnh thể trọn vẹn. Muốn hiểu được bản tính của tình yêu thì trước hết phải hiểu bản tính của con người. Theo ông, tự thuở xưa, con người là sinh thể có hình dáng tròn, bốn tay bốn chân và hai mặt trên cùng một cái đầu, và có ba giống người: giống thuần nam, giống thuần nữ và giống kết hợp nam và nữ. Họ là những sinh thể cường tráng và dũng mãnh. Con người mưu toan trèo lên thiên giới, thần Zeus phạt họ bằng cách chặt họ làm đôi. Từ đó về sau, phần nửa thân thể này của con người đi tìm phần nửa thân thể kia của họ, và hai thân thể ấy tìm gặp được nhau thì ghì chặt lấy nhau với một nỗi ước vọng, khát khao nhau đến độ say ngất. Muốn cho con người khỏi tuyệt giống nòi (để có kẻ còn thờ phụng mình), Zeus đặt các cơ quan sinh dục ra phía trước (trước kia chúng ở phía sau). Vì thế, người đàn ông có thể thỏa được ước vọng của mình và có thể truyền giống để sinh con đẻ cái được.

Vì người nguyên thủy có ba giống thuộc ba giới tính, nên khi nửa này đi tìm nửa kia của mình, giống nào nguyên thủy là thuần nam thì nửa nam này đi tìm nửa nam kia của mình, do đó có tình yêu của những người đồng tính nam, giống nào thuần nữ thì sẽ có tình yêu đồng tính nữ, và giống còn lại sẽ tạo nên tình yêu khác giới giữa nam và nữ. Ba loại tình yêu này đồng tồn tại như là bản tính tự nhiên của con người.

Đến lượt mình, Agathon đưa ra những lý giải của mình về tình yêu bằng cách trước hết phải giải thích thần tình yêu là gì và những lợi ích do thần mang lại cho ta. Thần tình yêu là vị thần hạnh phúc nhất, bởi vì thần là vị thần đẹp nhất và ưu việt nhất trong số chư thần. Đẹp nhất vì thần trẻ nhất trong các thần. Đó cũng là vị thần tinh tế nhất, vì thần ngự trị được trong những trái tim mềm yếu nhất; đó là vị thần tinh xảo nhất, nếu không thì sao thần có thể lẻn nhập vào các linh hồn mà chẳng ai thấy, rồi lại trở ra cũng như vậy; đó là vị thần duyên dáng, màu da tươi mát, bởi thần chỉ sống giữa muôn hoa và muôn hương. Đó là vị thần rất tử tế vì thần không biết tới bạo lực và cưỡng bức; đó là vị thần tiết độ nhất, vì thần ưa tiết độ hơn hoan lạc và coi mọi sự hoan lạc đều thấp kém hơn tình yêu; đó cũng là thần dũng cảm nhất vì thần đã thắng được Ares là vị thần dũng cảm nhất trong các vị thần. Thần cũng là đấng hào hoa nhất, vì thần gây cảm hứng cho thi nhân và nghệ sĩ. Thần tình yêu là hiện thân của điều thiện và sự hứng khởi của xã hội loài người.

Socrates là người phát biểu sau cùng. Sau khi đáp lễ bằng cách khen mỉa Agathon, Socrates xác định ngay tư thế của mình là "chỉ biết nói lên sự thật, và không gì ngoài sự thật" chứ không ca ngợi thần tình yêu với mọi sự hoàn hảo mà không cần biết những sự hoàn hảo như thế có đúng không. Sau một hồi hỏi vặn Agathon những câu như: "Có phải bản chất của tình yêu là yêu ai, yêu cái gì hay không yêu ai, không yêu cái gì?", "Eros có thèm muốn cái gọi là tình yêu hay không?", Socrates nhường lời cho Diotima vốn là một người đàn bà rất sành sỏi về mọi vấn đề của tình yêu. Chính bà đã làm cho Agathon thấy được bản chất của tình yêu. Bà chứng minh cho Agathon thấy rằng tình yêu không đẹp cũng không tốt, nhưng không vì thế mà xấu xí hay tồi tệ, nó ở trung gian giữa hai thứ ấy. Nó không phải là một vị thần vì nó thiếu cái đẹp và cái tốt mà tất cả các vị thần linh đều phải có, tình yêu cũng không phải là cái hữu tử mà nó là một daemon, tức một tinh linh ở giữa thần và người, có trách nhiệm bảo đảm mối quan hệ giữa hai bên.

Về nguồn gốc xuất thân của tinh linh này, nó là con của Poros (thần tài nguyên) và thần Penia (thần nghèo khổ). Cũng như mẹ, nó nghèo khổ, gầy yếu, ăn mặc rách rưới, thiếu thốn, nhưng do ảnh hưởng của cha nó, ưa thích cái đẹp và điều tốt, tính táo bạo, tinh thần tháo vác, ưa chuộng sự khôn ngoan.

Tình yêu là cái mỹ và cái thiện; vì cái mỹ và cái thiện không tách rời nhau. Tình yêu bao giờ cũng ước muốn có cả hai điều đó để có hạnh phúc. Tình yêu nhắm tới sự sinh sản chính vì sinh sản đảm bảo cho con người sự bất tử, ít ra là sự bất tử trong chính bản chất hữu tử của chúng ta. Vì tình yêu là ước muốn rằng cái tốt mãi thuộc về ta nên muốn có điều tốt thì ta cũng phải muốn có sự bất tử. Chính ước muốn về sự bất tử là nguyên nhân của mọi đam mê dục tính và của tình yêu thương con cái. Chính lòng ham muốn bất tử đã chi phối những hành động của con người. Những ai dồi dào về sinh lực thân xác thì yêu đàn bà, bởi họ tin rằng họ sẽ khiến mình bất tử bằng cách sinh con đẻ cái. Những ai dồi dào về tinh thần thì sẽ tìm kiếm một tâm hồn đẹp để sản sinh ra tư tưởng và những hình thức tuyệt hảo nhất.

Diễn trình biện chứng của tình yêu là một tiến trình đi lên. Trước hết, vì ta phải yêu một thân thể đẹp rồi từ đó yêu mọi thân thể đẹp, vì cái đẹp của một thân xác gắn liền với cái đẹp của mọi thân xác khác, rồi phải coi cái đẹp trong tâm hồn ta cao hơn cái đẹp nơi thân xác, lúc đó ta sẽ thấy được cái đẹp trong các quy luật và hành động của con người. Từ những hành động của con người, ta chuyển sang các khoa học để chiêm ngưỡng cái đẹp của chúng và sản sinh ra các diễn từ và những tư tưởng triết học đẹp đẽ nhất, cuối cùng khi lên đến tột cùng chỉ còn một cái đẹp duy nhất, cái đẹp tuyệt đối. Sống để chiêm ngưỡng cái đẹp này là một cuộc sống đáng sống duy nhất. Người nào sống trong sự chiêm ngưỡng đó thì sẽ tạo ra không phải những hình ảnh về đạo đức mà là đạo đức thực sự, được các thần linh quý mến.

Trên đây là sáu diễn giải của người Hy Lạp cổ đại về nguồn gốc và bản chất của tình yêu. Khá thú vị phải không các bạn? Tập sách đối thoại Symposium này đã được Đỗ Khánh Hoan dịch sang tiếng Việt, cùng với một tập sách khác cũng của Platon là Phaedrus, dưới nhan đề Yến hội và Phraedrus - đối thoại kinh điển về tình yêu, giới tính và bản năng (Nxb. Thế giới, 2019). Sách có tại Thư Hiên Dịch Trường, thân mời các bạn ghé đọc.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: