THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT BẢO DƯỠNG XE MÁY - ROBERT M.PIRSIG

21/ 03/ 2022

Vừa đọc lướt qua cái tựa độc giả sẽ có ấn tượng đây là một cuốn sách vớ vẩn: “Thiền thì có quan hệ gì đến việc sửa xe gắn máy? Vậy thì cũng nên có các tựa sách như: Thiền và việc bán hột vịt lộn, Thiền và nghề mãi dâm, Thiền và việc buôn bán ma túy, vân vân và vân vân.” Nhưng khi tò mò lật thử vài trang chúng ta sẽ cảm nhận ngay đây là một cuốn sách nghiêm túc, thật sự nghiêm túc về phương diện tư duy triết học được thể hiện dưới hình thức tiểu thuyết với một văn phong nhẹ nhàng, bay bổng. Tác phẩm là một thành công đáng mơ ước với bất kỳ tác giả nào: hàng triệu bản đã được bán ra, được phiên dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng, và biết bao bài báo ca ngợi xem là “cuốn tiểu thuyết triết học được nhiều người đọc nhất từ xưa đến nay.”

Cuộc hành trình xuyên nước Mỹ bằng xe mô tô của hai cha con tác giả chỉ là một ẩn dụ đương đại về một cuộc hành trình tâm linh khởi đi từ những truy vấn nền tảng về ý nghĩa của mọi sự trên đời thông qua nhân vật Phaedrus. Đối với nhiều người, những cuộc truy vấn này dường như vô nghĩa, lạc lõng trong một thế giới hoàn toàn bị chi phối bởi Internet và điện thoại di động. Ngay cả những truy cầu tri thức trong truyền thống vốn đặt trọng tâm vào suy tư và chiêm niệm bây giờ cũng có thể được gói gọn trong một từ duy nhất: Google. Tác phẩm được viết ra trong những thập niên 1960, thời chưa hề có Internet hay smartphone, và thái độ ung dung tự tại của hai con người lang thang trên các nẻo đường đi tìm chân lý và sự giác ngộ viên mãn (chẳng phải đây chính là mục đích tối hậu của Thiền hay sao?) có vẻ xa lạ, thậm chí hơi quá lãng mạn, trong cõi đời xô bồ, bon chen hiện tại. Nhưng chính ở điểm xa lạ này mà tác phẩm đã đem đến cho người đọc sức mạnh lớn nhất của nó. Đã tự bao giờ con người đã đánh mất chính bản ngã chân thật hồn nhiên chỉ biết yêu thương và chấp nhận cuộc đời? Trở về nguồn cội, phản bổn hoàn nguyên để có thể nhìn thấu bản lai diện mục của mình trong làn nước trong suốt của giác ngộ, chẳng phải đó không phải là một tâm thế của Thiền Tông? Đương nhiên, ra đi không có nghĩa chắc chắn là sẽ trở về, càng không hề đảm bảo là sẽ tìm thấy. Nhưng nếu không mạnh mẽ dấn bước vào cuộc hành trình, đời sống liệu rằng còn có một ý nghĩa gì chăng? Kiếp nhân sinh đâu phải chỉ có sinh, lão, bệnh, tử? Là người, chúng ta hơn loài vật nhờ có ý thức biết soi chiếu vào bản thân để tìm ý nghĩa cuộc sống. Đành rằng “nhân sinh tự cổ thùy vô tử” nhưng chúng ta vẫn băn khoăn muốn biết ý nghĩa của sự chết, thậm chí còn khao khát chiến thắng tử thần bằng cách thực hiện những công trình lưu danh thiên cổ: “Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” Heidegger, một trong những triết gia vĩ đại nhất của Tây Phương, còn bảo tồn tại người (Dasein) là một hữu thể hành hương về cõi chết (Sein zum Tode). Tác giả của Thiền và bảo dưỡng xe máy mời gọi chúng ta hay can đảm quay lưng lại với cuộc sống thực dụng, thực tiễn, tiền bạc, danh vọng, kèn cựa hơn thua, để một lần hồn nhiên dấn thân vào một cõi suy tư tìm kiếm những giá trị nhân sinh đích thực vẫn chìm khuất đâu đây trong cuộc đời vô tận.

Không những là một cuốn tiểu thuyết triết học đầy thi vị, Thiền và và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy còn thảo luận những chủ đề quan trọng khác như mối quan hệ giữa tư duy triết học và thái độ khoa học, vai trò của tôn giáo trong cuộc sống nhân văn, nhưng vẫn luôn luôn với một phong cách của một nhà văn, chứ không phải của một học giả hàn lâm trường ốc, nghĩa là nhẹ nhàng, sâu lắng, cuốn hút và đậm chất suy tư bắt nguồn từ các trải nghiệm cá nhân hơn là từ việc vùi đầu vào các trang sách trong thư viện. Tôi mạo muội đề nghị rằng thay vì yêu cầu sinh viên ngành triết phải tụng đọc một cuốn giáo trình nhập môn chán ngắt nào đó các giảng viên nên giới thiệu tác phẩm này cho sinh viên để họ có thể tự khởi động quá trình đi tìm kiếm sự minh triết cho chính mình.

TS. Dương Ngọc Dũng - Giám đốc Điều hành Thư Hiên Dịch Trường

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: