• Bí quyết săn học bổng du học Úc 2025: Hướng dẫn chi tiết từ A-Z
    11/ 04/ 2025
    Vì sao nên săn học bổng du học Úc? Úc không chỉ nổi tiếng với thiên nhiên tuyệt đẹp và chất lượng cuộc sống cao mà còn là một trong những điểm đến du học hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, săn học bổng du học Úc ngày càng trở thành mục tiêu của nhiều bạn trẻ Việt Nam nhờ vào những lợi ích vượt trội mà học bổng mang lại. Dưới đây là những lý do bạn nên nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức cho hành trình này: Giảm gánh nặng tài chính Chi phí du học tại Úc tương đối cao, đặc biệt là học phí và sinh hoạt phí. Một suất học bổng toàn phần du học Úc có thể giúp bạn tiết kiệm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ngay cả những học bổng bán phần hay hỗ trợ học phí cũng là một sự hỗ trợ đáng kể, giúp bạn hoặc gia đình giảm bớt áp lực tài chính. Cơ hội học tập trong môi trường đẳng cấp quốc tế Hầu hết các học bổng đều dành cho những trường đại học hàng đầu như: The University of Melbourne, Monash University, The University of Sydney,... Điều này đồng nghĩa bạn sẽ có cơ hội học tập tại môi trường chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và đội ngũ giảng viên uy tín. Nâng cao giá trị bản thân &   hồ sơ nghề nghiệp Việc săn học bổng du học Úc thành công thể hiện năng lực nổi bật, tinh thần cầu tiến và sự chủ động của bạn. Đây sẽ là điểm cộng cực kỳ lớn trong mắt nhà tuyển dụng sau này, đặc biệt nếu bạn hướng đến các công ty quốc tế hoặc các tổ chức có yêu cầu cao về hồ sơ học thuật. Mở rộng mối quan hệ toàn cầu Khi trở thành sinh viên quốc tế tại Úc, bạn sẽ được kết nối với một cộng đồng học sinh – sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội để bạn mở rộng network, trao đổi văn hóa, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng những mối quan hệ giá trị cho tương lai. Cơ hội định cư và phát triển lâu dài tại Úc Nhiều loại học bổng đi kèm với quyền lợi được ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, thậm chí là hỗ trợ định cư nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện. Điều này mở ra tương lai rộng mở cho những ai có mong muốn sinh sống và phát triển sự nghiệp lâu dài tại Úc. Các loại học bổng du học Úc phổ biến Học bổng chính phủ Úc (Australia Awards Scholarships) Đây là học bổng danh giá do Chính phủ Úc tài trợ, dành cho các sinh viên đến từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.  Đặc điểm: Toàn phần: bao gồm học phí, vé máy bay, sinh hoạt phí, bảo hiểm,... Dành cho bậc Cử nhân, Thạc sĩ và đôi khi là Tiến sĩ Ưu tiên các ngành nghề phục vụ phát triển đất nước như giáo dục, y tế, quản trị công,.. Học bổng của các trường đại học Úc (University Scholarships) Các trường đại học tại Úc đều có học bổng riêng nhằm thu hút sinh viên quốc tế chất lượng cao. Dưới đây là một số loại học bổng nổi bật: Melbourne International Undergraduate Scholarship – ĐH Melbourne Monash International Merit Scholarship – ĐH Monash UNSW International Scholarships – ĐH New South Wales Vice-Chancellor’s International Scholarships – ĐH Macquarie Học bổng từ tổ chức quốc tế/ tư nhân   Ngoài chính phủ và các trường đại học, nhiều tổ chức phi chính phủ, quỹ giáo dục hoặc doanh nghiệp cũng tài trợ học bổng cho du học sinh. Học bổng của AAS (Asean Australia Scholarships) Học bổng Endeavour Leadership Program (hiện đã kết thúc, nhưng có thể thay thế bởi các chương trình tương tự) Học bổng từ các công ty đa quốc gia, tổ chức nghiên cứu Học bổng theo ngành học   Một số học bổng tập trung hỗ trợ các lĩnh vực đang thiếu nhân lực hoặc được ưu tiên tại Úc như: STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học) Y khoa và chăm sóc sức khỏe Môi trường và biến đổi khí hậu Nghiên cứu và phát triển Điều kiện cần để săn học bổng du học Úc Để săn học bổng du học Úc thành công, việc hiểu rõ các điều kiện cần thiết là vô cùng quan trọng. Tùy vào từng loại học bổng (toàn phần, bán phần, học bổng chính phủ hay học bổng của trường), yêu cầu có thể khác nhau. Thành tích học tập (GPA) GPA là yếu tố cốt lõi trong hầu hết các loại học bổng. Học bổng càng giá trị thì yêu cầu về GPA càng cao. Học bổng bán phần: thường yêu cầu GPA từ 7.0 trở lên Học bổng toàn phần du học Úc: thường yêu cầu GPA từ 8.0 – 8.5 trở lên Với chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ: ngoài GPA, bảng điểm đại học phải thể hiện sự ổn định, có định hướng học thuật rõ ràng Chứng chỉ tiếng Anh Úc là quốc gia nói tiếng Anh, nên gần như bắt buộc bạn phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Mỗi học bổng và trường học sẽ có yêu cầu khác nhau: IELTS từ 6.5 trở lên, không kỹ năng nào dưới 6.0 là mức phổ biến Một số ngành như Y, Giáo dục, Luật có thể yêu cầu IELTS 7.0 – 7.5 TOEFL, PTE Academic cũng được chấp nhận ở nhiều trường Hoạt động ngoại khóa, thành tích cá nhân Học bổng không chỉ xét điểm số mà còn đánh giá tổng thể con người bạn: Kinh nghiệm tình nguyện, tham gia câu lạc bộ, tổ chức sự kiện Thành tích thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học,... Giải thưởng học thuật, học sinh/sinh viên giỏi cấp tỉnh, quốc gia,... Bài luận cá nhân (Personal Statement) Đây là linh hồn của bộ hồ sơ học bổng – nơi bạn thể hiện con người, đam mê, mục tiêu học tập và lý do chọn Úc. Bài luận tốt cần: Viết rõ ràng, mạch lạc, cá nhân hóa (không dùng mẫu rập khuôn) Nêu rõ định hướng nghề nghiệp và vì sao học bổng sẽ giúp bạn đạt được điều đó Đánh bật sự khác biệt của bạn so với hàng trăm ứng viên khác Thư giới thiệu (Letter of Recommendation) Thư giới thiệu từ giảng viên đại học, cấp trên hoặc người hướng dẫn học thuật giúp xác thực năng lực và thái độ học tập của bạn. Nên chọn người viết thư hiểu rõ bạn và có uy tín học thuật hoặc chuyên môn Nội dung cần trung thực, có ví dụ cụ thể minh họa cho những điểm mạnh của bạn Quy trình săn học bổng du học Úc Bước 1: Xác định mục tiêu và loại học bổng phù hợp Bước 2: Tìm kiếm học bổng (Website chính thức của các trường đại học Úc, Cổng học bổng Chính phủ Úc, các tổ chức quốc tế hoặc quỹ giáo dục,Website săn học bổng uy tín hoặc trung tâm tư vấn du học,...) Bước 3: Kiểm tra điều kiện và yêu cầu hồ sơ Mỗi loại học bổng sẽ có điều kiện khác nhau. Bạn cần đọc kỹ: Yêu cầu GPA, chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL,...) Có cần kinh nghiệm làm việc không? Có cần viết bài luận cá nhân không? Học bổng bao gồm những gì (toàn phần hay bán phần, có trợ cấp sinh hoạt không,...) Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ học bổng Bước 5: Nộp hồ sơ & theo dõi kết quả Bước 6: Phỏng vấn (nếu có) Kinh nghiệm & mẹo săn học bổng thành công   Việc săn học bổng du học Úc không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay tiếng Anh, mà còn là sự tổng hòa của chiến lược, sự chuẩn bị đúng cách và khả năng “ghi điểm” với hội đồng xét duyệt. Dưới đây là những kinh nghiệm thực tế và mẹo hữu ích giúp bạn nâng cao tỷ lệ thành công khi ứng tuyển học bổng: Lập kế hoạch săn học bổng từ sớm Đừng đợi đến khi học xong mới bắt đầu săn học bổng. Thời điểm lý tưởng là ít nhất 1 năm trước khi nhập học. Bắt đầu luyện tiếng Anh, thi IELTS từ năm 2 – 3 đại học Xây dựng thành tích học tập, tích lũy hoạt động ngoại khóa, tình nguyện Tìm hiểu các loại học bổng ngay từ đầu để có kế hoạch phù hợp Chọn lọc học bổng phù hợp với hồ sơ Không nên “rải hồ sơ” một cách tràn lan. Thay vào đó, hãy tìm học bổng: Phù hợp với ngành học bạn theo đuổi Đúng trình độ (Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ) Phù hợp với học lực và hồ sơ cá nhân Cá nhân hóa bài luận   Bài luận cá nhân (Motivation Letter/Personal Statement) là "trái tim" của bộ hồ sơ. Đừng dùng mẫu có sẵn hay viết chung chung. Viết từ trải nghiệm thật, thể hiện đam mê và mục tiêu học tập rõ ràng Nêu rõ lý do chọn Úc, chọn trường và vì sao bạn xứng đáng được học bổng Đừng ngại thể hiện bản sắc cá nhân – đó là điều khiến bạn nổi bật Nhấn mạnh điểm mạnh bản thân thay vì “kể lể” Nhiều bạn nghĩ chỉ cần GPA và IELTS cao là đủ, nhưng thật ra: Kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khóa, các dự án cá nhân cũng có thể bù đắp điểm yếu học thuật Giải thưởng, bằng khen, các sáng kiến cộng đồng,… đều là “điểm cộng” lớn Luyện phỏng vấn học bổng kỹ lưỡng Một số học bổng, đặc biệt là toàn phần, yêu cầu phỏng vấn: Tập trả lời các câu hỏi thường gặp: “Tại sao bạn chọn ngành này?”, “Kế hoạch sau khi tốt nghiệp?”, “Tại sao bạn xứng đáng được chọn?” Giữ thái độ bình tĩnh, tự tin và trung thực khi trả lời Tham khảo người đi trước và cộng đồng săn học bổng Học từ người đi trước là cách rút ngắn thời gian và tránh sai lầm: Tham gia các nhóm Facebook, diễn đàn về học bổng du học Úc Đọc bài chia sẻ kinh nghiệm, hỏi đáp thực tế từ người đã từng nhận học bổng Tham gia webinar, hội thảo học bổng miễn phí Luôn có “kế hoạch dự phòng” Dù bạn chuẩn bị kỹ đến đâu, học bổng vẫn có tính cạnh tranh cao. Hãy: Ứng tuyển nhiều học bổng phù hợp cùng lúc Xem xét các lựa chọn miễn giảm học phí, vay du học hoặc hỗ trợ tài chính khác Chuẩn bị sẵn hồ sơ để ứng tuyển lại nếu chưa may mắn năm nay
  • Đôi nét về triết gia Plato
    03/ 01/ 2025
    Plato là một triết gia Hy Lạp cổ đại, người đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng phương Tây. Ông được coi là một trong những triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại, cùng với Socrates người thầy của ông, và Aristotle học trò nổi tiếng nhất của ông. Cuộc đời của Plato Plato (427-347 TCN) sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Athens, Hy Lạp. Ông bắt đầu học triết học khi còn trẻ và trở thành một trong những học trò trung thành nhất của Socrates. Sau khi Socrates bị xử tử vào năm 399 TCN, Ông rời Athens và đi du lịch khắp Hy Lạp và Ai Cập. Năm 387 TCN ông trở về Athens và thành lập Học viện Platon, một trong những trường đại học đầu tiên trên thế giới. Plato dạy tại Học viện trong phần đời còn lại của mình, ông đã đào tạo nhiều học trò trở thành những triết gia nổi tiếng. Tại Academia, Plato giảng dạy về triết học, khoa học và nghệ thuật. Tư tưởng triết học Tư tưởng triết học của Plato là một hệ thống triết học phức tạp và toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như: siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học, chính trị học và giáo dục học. Một số tư tưởng triết học quan trọng: Nhận thức luận: Ông cho rằng kiến ​​thức là một quá trình hồi tưởng và chúng ta đã có kiến ​​thức về thế giới ý niệm trước khi chúng ta sinh ra và chỉ cần nhớ lại kiến ​​thức đó. Đạo đức học: đạo đức là một vấn đề của trí tuệ và cho rằng người ta chỉ có thể sống một cuộc sống đạo đức nếu họ có kiến ​​thức về cái thiện và cái ác. Chính trị học: Ông cho rằng một chính phủ tốt được cai trị bởi những người có kiến ​​thức và đạo đức. Giáo dục học: Ông tin rằng giáo dục là một quá trình quan trọng để phát triển trí tuệ và đạo đức. nghệ thuật. Ảnh hưởng của Plato Plato là một trong những nhà triết học quan trọng nhất trong lịch sử và tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến nhiều nhà triết học, nhà khoa học và nhà lãnh đạo chính trị. Lý thuyết về ý niệm của Plato là một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho triết học và đã được sử dụng để giải thích nhiều vấn đề khác nhau như: bản chất của kiến ​​thức, đạo đức, chính trị và có ảnh hưởng sâu sắc đến triết học phương Tây. Tác phẩm của Plato đã ảnh hưởng đến văn học và nghệ thuật phương Tây và đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn học đã được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của ông. Tác phẩm tiêu biểu Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu: Cộng hòa: tác phẩm này đề cập đến lý tưởng của một nhà nước lý tưởng, trong đó các nhà lãnh đạo được đào tạo trong Học viện. Ngày cuối trong đời của Socrates: tác phẩm kể lại cuộc đối thoại giữa Socrates và các học trò của ông trước khi ông bị hành quyết. Yến hội: đề cập đến bản chất của tình yêu. Phaedrus: sách đề cập đến bản chất của ngôn ngữ và tri thức. Ngoài ra một số tác phẩm liên quan về Plato như: Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… Triết học Khổng Tử và Plato Plato trong 60 phút Cập nhật thông tin mới nhất tại Fanpage: Thư Hiên Dịch Trường
  • John Stuart Mill
    03/ 01/ 2025
    John Stuart Mill là một nhà triết học, kinh tế chính trị người Anh. Ông được coi là một trong những nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử chủ nghĩa tự do. Cuộc đời John Stuart Mill John Stuart Mill là nhà triết học, kinh tế chính trị và nhà chính trị người Anh, ông được xem là một trong những nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử chủ nghĩa tự do. Mill sinh ngày 20/05/1806 tại London, Anh. Ông là con trai của nhà triết học và nhà kinh tế James Mill. Ông bắt đầu học tiếng Latinh và Hy Lạp từ năm sáu tuổi và học triết học và kinh tế chính trị từ năm 13 tuổi. Mill bị ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết Utilitarianism của cha mình, một học thuyết triết học đạo đức cho rằng hành động đúng là hành động mang lại lợi ích cho số đông. John Stuart Mill qua đời vào ngày 08/05/1873 tại Avignon, Pháp. Ông được coi là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử chủ nghĩa tự do cho đến ngày nay. Chân dung John Stuart Mill Tác phẩm tiêu biểu Năm 1823, Mill bắt đầu làm việc cho chính phủ Anh trong suốt 20 năm. Trong thời gian này, ông cũng viết nhiều bài báo và sách về triết học, kinh tế và chính trị. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của John Stuart Mill là Bàn về tự do, sách được xuất bản năm 1859. Trong cuốn sách này Mill lập luận rằng tự do cá nhân là điều cần thiết cho sự phát triển của con người. Ông cho rằng chính phủ chỉ nên can thiệp vào hành vi của cá nhân khi cần thiết để bảo vệ người khác khỏi bị tổn hại. John Stuart Mill đã đưa ra một lập luận mạnh mẽ cho quyền tự do cá nhân rằng tự do là một điều kiện cần thiết cho sự phát triển của con người và xã hội. Ông định nghĩa tự do là quyền làm bất cứ điều gì không gây hại cho người khác và ông cũng cho rằng chính phủ chỉ nên can thiệp vào hành vi của cá nhân khi hành vi đó gây hại cho người khác. Một số tác phẩm khác của John Stuart Mill như: Một lý thuyết về tự do Hệ thống logic Các nguyên tắc của kinh tế chính trị Bàn về giáo dục Cập nhật tin tức mới nhất tại Fanpage: Thư Hiên Dịch Trường
  • Nghiệp báo, công lý và vai trò của truyền thông
    27/ 12/ 2024
    Ngày 25 tháng 9 năm 1996, chương trình truyền thanh tại Orlando, Florida có một cuộc nói chuyện nhằm tưởng niệm em bé Ursula Sunshine Assaid đã bị giết chết một cách dã man mười bốn năm trước. Lúc đó bé gái Ursula mới được 5 tuổi, theo hình chụp, là một em bé rất kháu khỉnh, xinh xắn, nhưng em có một bà mẹ hết sức vô tâm. Bà ta yêu và say mê một cách mù quáng tên nhân tình là Donald McDoughal, một tên dã man có một không hai đã tra tấn bé Ursula. Cô bé đã bị bỏ đói cả tuần lễ và cuối cùng chính tay Donald đánh đập em đến chết ngay trước mặt bà mẹ đã mất hết tính người. Người kể lại câu chuyện này một cách hết sức thống thiết trên đài truyền thanh là Rollins. Đúng vào lúc 8 giờ 30 là giờ bé Ursula trút hơi thở cuối cùng cách đây 14 năm, Rollins yêu cầu tất cả những thính giả nghe chương trình của ông có một phút mặc niệm. Không ai nghe lại câu chuyện thảm sát trẻ em này mà không cảm thấy hoang mang, căm phẫn. Họ không hiểu tại sao lại có thể có những bà mẹ và tình nhân dã man đến như thế. Tại sao Susan lại đồng tình với Donald để tra tấn và giết chết chính con ruột của bà? Nhưng trong trại giam, nơi Donald đang “tạm trú” và rất có khả năng được tha trong thời gian sắp tới nhờ sự biện hộ của luật sư, thì không hề có ai mặc niệm gì cả. Một tù nhân tên là Arba Earl Barr, 33 tuổi, đang thi hành án giam tại Nhà Tù Avon Park (Avon Park Correctional Institution), cũng lắng nghe câu chuyện thống thiết của bé Ursula. Tên Barr này cũng là một tay tù tội nợ ngập đầu, lãnh án đến 114 năm tù về tội cướp giật và bạo hành. Ngày 1 tháng 10, theo báo cáo của cảnh sát, trong khi Barr và Donald cùng với 200 tù nhân khác đang sinh hoạt ở sân trại giam sau bữa ăn chiều, Barr đã dùng một cây gậy sắt và đập Donald đến chết ngay trước mặt mọi người. Donald đã bị đánh đến chết y hệt như bé Ursula mười bốn năm trước. Nghiệp báo, công lý, hay tác động của truyền thông? Các nhân viên cảnh sát trại giam nói rằng họ cũng đã đề phòng việc này sau khi nghe bài nói chuyện trên đài phát thanh của Rollins nên đã đặt Donald trong chế độ bảo vệ. Một nhân viên cảnh sát tiết lộ rằng một cú điện thoại nặc danh đã gọi đến trại giam và đề nghị thưởng 1000 đô la cho bất cứ ai giết chết Donald. Sau năm ngày bị biệt giam để bảo vệ, Donald nằng nặc đòi thả hắn ra. Ngay buổi chiều hôm hắn được thả, Donald đã bị Barr dùng gậy sắt đánh chết. Vai trò của đài truyền thanh trong cái chết của Donald như thế nào? Đài phát thanh phủ nhận việc đề cập đến phần thưởng 1000 đô la, nhưng đài không chịu cung cấp cuộn băng ghi âm tất cả những cú điện thoại trao đổi trong buổi nói chuyện hôm đó. Cần ghi chú thêm một chuyện rất ít xảy ra tại Việt Nam: khi một người điều khiển chương trình trên truyền hình hay truyền thanh tại Mỹ, anh ta thường khuyến khích khán thính giả tham gia đóng góp ý kiến bằng cách gọi điện thẳng đến đài để trao đổi trực tiếp. Cũng rất có thể trong những câu trao qua đổi qua lại như vậy một người nào đó trong cơn phẫn nộ đã đề nghị thưởng 1000 đô cho bất cứ ai đập chết “thằng khốn nạn” đó. Barr thú nhận với luật sư của hắn rằng nhiều tù nhân cũng nghe cuộc nói chuyện của Rollins và bàn tán sôi nổi với nhau. Nhiều tù nhân đề nghị dùng mền phủ kín Donald để đập cho hắn một trận nhừ tử. Thậm chí còn có tù nhân còn gọi điện đến cho chương trình phát thanh của Rollins để đề nghị phương án “trùm mền đánh chết” này. Trở lại nhân vật chính Donald McDoughal. Sau khi giết chết bé Ursula hắn bị toà kết án 34 năm tù. Susan bị án ngộ sát (manslaughter) là 15 năm. Đã hai lần Donald suýt chút nữa được công lý dung tha, nhưng tiểu bang Florida lại siết chặt các đạo luật liên quan đến việc phóng thích phạm nhân nên Donald lại phải nằm yên chờ thời. Nhưng một tuần trước khi Donald bị giết trong tù, tòa án tối cao tiểu bang Florida đã lật ngược lại các thay đổi trước đây và như thế Donald rất có khả năng sẽ được phóng thích vào thứ sáu tuần trước. Công lý nước Mỹ lại chuẩn bị ném ra xã hội một tên sát nhân có tầm cỡ, nhưng “may mắn thay” hắn đã đền tội ngay trước khi được thả ra, mặc dù nhân vật “thi hành án” lại là một tên cũng thuộc dạng chẳng ra gì trong xã hội. Rollins hoàn toàn chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến cái chết của Donald trong tù, mặc dù chính bài nói chuyện đầy “cảm hứng” của anh đã dẫn đến việc Donald bị đánh chết. Anh khẳng định: “Chúng tôi chỉ là những người phát biểu ý kiến cá nhân và giúp cho người khác có thể nói lên ý kiến của họ.” Anh cho biết nhiều người vẫn tiếp tục gọi điện và gửi fax đến đài nhờ chuyển tiền thưởng cho “chiến sĩ thi hành công lý” Arba Earl Barr. Phản ứng đối với câu truyện này chắc chắn là hết sức đa dạng. Nhiều người có thể cho rằng cái chết của Donald thể hiện một loại công lý vô hình, nếu không muốn nói thẳng ra là luật quả báo đã chi phối cái chết của Donald. Nhiều người có thể nghiêm khắc đặt vấn đề trách nhiệm của các phương tiện truyền thông. Không thể không nhớ lại vai trò của các parapazzi (phóng viên săn ảnh) đã góp phần gây ra cái chết của công chúa Diana. Dĩ nhiên so sánh giữa nàng Diana xinh đẹp, nhân hậu và tên giết người dã man Donald McDoughal thì thật là bất công, nhưng vai trò của các phóng viên thì như nhau trong hai trường hợp. Đặc biệt là nhân viên điều khiển chương trình Rollins có phương pháp trình bày hết sức hấp dẫn và đầy kích thích, người bình thường nghe còn nổi lòng căm giận muốn quan toà lôi ngay tên sát nhân ra pháp trường, huống hồ gì mấy tay anh chị hầm hố máu “đã hâm nóng sẵn” trong tù. Nhưng đa số là thỏa mãn trước việc công lý được “thi hành ngoài vòng pháp luật” theo kiểu phim ảnh Charles Bronson và họ sẵn sàng “mặc niệm” cho hương hồn Donald McDoughal bằng cách gửi tiền tặng cho Arba Earl Barr.
  • Điện ảnh, Văn học và chữ A màu đỏ
    27/ 12/ 2024
    Chữ A Màu Đỏ (The Scarlet Letter) là một kiệt tác văn học Mỹ thế kỷ 19. Tác giả là Nathaniel Hawthorne (1804-1864), một nhân viên sở thuế hải quan trong bang Massachusetts. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết nói trên cũng nằm ngay trong bang Massachusetts. Bến cảng Plymouth, trong thế kỷ 17 đã bao lần đón những tín đồ Thanh Giáo (Puritans) Anh vượt biển tìm tự do tín ngưỡng, ngày nay vẫn giữ nguyên khung cảnh ngày xưa để thu hút khách tham quan. Câu truyện thật đơn giản nhưng cũng đầy kịch tính: nàng Hester Prynne, đã có chồng tại Anh, đến Mỹ lập nghiệp. Nghiệp đâu thì chưa thấy đã thấy “nợ”: Hester sa vào lưới tình với chàng mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmelsdale và có thai. Đây là một tội nghiêm trọng trong cộng đồng các tín đồ Thanh Giáo. Kẻ có tội có thể bị tử hình bằng phương pháp treo cổ. Thống đốc bang đề nghị khoan hồng cho Hester nếu nàng chịu khai tên “tác giả” đứa con đang nằm trong bụng. Nhưng Hester cương quyết từ chối. Toà xử nàng phải đeo một chữ A màu đỏ trước ngực suốt đời. “A” có nghĩa là “adultery” (ngoại tình). Chàng Arthur đau khổ, hối hận, cũng âm thầm tự khắc lên thân thể một chữ A tương tự. Chồng của Hester sau đó cũng từ Anh vượt biển đến nơi và khi biết vợ phản bội đã dùng một tên giả định cư ngay cùng một thị trấn với Hester và Arthur để “truy tầm” ra thủ phạm đã cho ông mọc sừng và trả thù thật đích đáng. Tác phẩm này lại mới được chuyển thể điện ảnh (cùng tên với tác phẩm) với hai ngôi sao Demi Moore và Gary Oldman. Demi Moore đẹp não nùng trong vai một phụ nữ cương quyết đấu tranh cho tình yêu khiến khán giả quên tuốt đi rằng nếu tác giả Nathaniel Hawthorne được phép sống lại để chiêm ngưỡng cuốn phim này chắc chắn ông sẽ khóc thét lên và lìa trần lần thứ hai. Trong phim chàng Arthur và nàng Hester biến thành Romeo và Juliet của Mỹ, yêu nhau mùi mẫn bốc trời mây. Gary Oldman thủ vai một người hùng đầy nam tính, trong khi nạn nhân bị cắm sừng, chồng Hester, được mô tả như một thứ quỉ Satăng đầy nham hiểm, độc ác. Cuối cùng “chàng” liên kết với mọi da đỏ cho “quỉ mọc sừng” một trận te tua, cứu nàng chạy thoát được dây thừng treo cổ, dông thẳng qua bang California và sống hạnh phúc ở đó. Khán giả chắc chắn ra về trong sự hả hê vì một kết thúc có hậu, không biết rằng Hawthorne tác giả đang chưởi thề ở bên kia thế giới. Trong tiểu thuyết thì khác hẳn. Chàng Arthur bị chết trong tâm trạng dằn vặt đầy hối hận khi đi lạc ra khỏi con đường của Chúa đã vạch ra cho một tu sĩ. Ngay cả ông chồng sau khi trả được thù cũng chết trong sự ân hận nên đã để toàn bộ gia sản cho cô bé Pearl, con của Hester và Arthur. Kết thúc thật nặng nề, buồn thảm. Bao nhiêu học giả đã thảo luận tác phẩm này mà vẫn không đưa ra được một giải thích thoả đáng: tác giả Hawthorne đứng về phe nào: phe của Hester đấu tranh cho tự do yêu đương hay phe đạo đức Thanh Giáo lên án tất cả mọi xúc cảm lãng mạn là phi luân, vô đạo đức? Thật ra thì Hawthorne đã tránh né đưa ra một chủ đề thật minh bạch. Trong nhân vật Hester chúng ta tìm thấy lời biện luận hùng hồn cho một tình yêu rực cháy, bất chấp mọi qui luật xã hội, thách thức nền tảng của tôn giáo. Nhưng trong nhân vật Arthur chúng ta lại tìm thấy một lời khẳng định ngược lại: tình yêu là tội lỗi xấu xa, việc anh sa ngã chỉ chứng tỏ giáo lý Thanh Giáo hoàn toàn đúng: con người ai cũng là tội nhân trong con mắt Chúa. Phải nắm vững giáo lý của Thanh Giáo chúng ta mới hiểu được tâm trạng của Arthur hay nhân vật Goodman Brown trong truyện ngắn Young Goodman Brown mà mọi nhà phê bình đều cho là truyện ngắn hay nhất của Hawthorne. Arthur không hề cho rằng việc anh làm là đúng, trong khi Hester khẳng định sự thật phải phát xuất từ con tim, nơi cư ngụ của những đam mê cuồng nhiệt, bất chấp tiếng nói tỉnh táo của lý trí. Phân tích cuốn tiểu thuyết này chúng ta phải tách cặp tình nhân này ra làm hai tuyến chủ đề đối lập nhau: Hester tượng trưng cho tình yêu hiểu như một khát vọng mạnh mẽ vượt ra khỏi mọi sự khống chế. Arthur tượng trưng cho tình cảm tôn giáo đồng hoá sự gần gũi nam nữ chỉ chứng minh tính động vật sẵn có trong con người và ngăn cản hắn hướng đến các mục tiêu tâm linh cao cả. Và dĩ nhiên Hawthorne không về phe ai cả. Ông không đưa ra câu trả lời cuối cùng vì trong cuộc sống không hề có những câu trả lời cuối cùng, những giải pháp dứt khoát một lần cho mãi mãi về sau. Mỗi một con người phải tự tìm lấy đáp số cho các ẩn ngữ trong cuộc sống. Cũng như Hester tin tưởng rằng rồi một thế giới tươi sáng sẽ đến trong tương lai khi quan hệ nam nữ được xác lập trên một nền tảng đem đến hạnh phúc cho nhau, nhưng nàng không cho mình có đủ khả năng để làm một đấng tiên tri.                               Một thiên thần sẽ mang đến tin vui trong một tương lai xa vời, nhưng thiên thần đó trong trắng, tinh khôi, chứ không dơ bẩn, tội lỗi như nàng. Trong những ý nghĩ này của Hester dường như chúng ta đã chứng kiến sự kết thúc buồn thảm của một trái tim nồng nhiệt. Cuộc đời mà nàng đang sống, đang phải sống, không có lời giải đáp và cũng không mở cửa dẫn đến một lời giải đáp. Kẻ đóng lại cánh cửa từ bên ngoài chính là luân lý của Thanh Giáo.
  • A History Of Philosophy (Copleston)
    27/ 12/ 2024
    Tổng quan về bộ A History of Philosophy A History of Philosophy bao quát một phạm vi rộng của triết học phương Tây từ tiền-Socrates đến John Dewey, Bertrand Russell, George Edward Moore, Jean-Paul Sartre và Maurice Merleau-Ponty. Dự kiến ban đầu gồm ba tập bàn về triết học cổ đại, trung đại, và hiện đại, và viết để dùng làm SGK trong các chủng viện Công giáo, tác phẩm này tăng lên thành 9 tập được xuất bản trong giai đoạn 1946-1975 và trở thành một tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn dành cho các nhà triết học và sinh viên triết học nhờ tính khách quan của nó. Tập 10 và 11 được thêm vào bộ này vào năm 2003 (sau khi Copleston qua đời vào năm 1994) bởi nhà Continuum (về sau trở thành nhà Bloomsbury). Tập 10 Russian Philosophy được xuất bản vào năm 1986 dưới nhan đề Philosophy in Russia. Tập 11 Logical Positivism and Existentialism được xuất bản dưới nhan đề Contemporary Philosophy, bản chỉnh sửa 1972 (tập tiểu luận này xuất bản lần đầu năm 1956) Bộ sách này đã được dịch sang tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Trung, Romania, Ba Lan, và Ba Tư. Tóm tắt nội dung bộ sách A History of Philosophy Sau đây là tóm tắt chi tiết của 11 tập (không phải mục lục đầy đủ): Tập 1: Hy Lạp và Rome Xuất bản lần đầu năm 1946, tập này gồm: Triết học tiền-Socrates Giai đoạn Socratic Plato Aristotle Triết học hậu-Aristotle Như những tập khác trong bộ này, tập này do Image Books (Doubleday) in thành 2 phần, phần đầu kết thúc với chương Plato, phần sau bắt đầu với chương Aristotle. Gerard J. Hughes ghi nhận rằng trong những năm về sau, Copleston nghĩ tập đầu là “tồi tệ” và ước gì ông có thời gian để viết lại. Tập 2: Augustine đến Scotus Xuất bản lần đầu năm 1950, tập này, vốn có nhan đề ban đầu là Triết học trung đại, gồm: Những ảnh hưởng trước thời trung đại (bao gồm Thánh Augustine) Phục hưng Carolingian Thế kỉ X, XI, XII Triết học Do thái và Hồi giáo Thế kỉ XX (bao gồm Thánh Bonaventure, Thánh Thomas Aquinas và Duns Scotus) Copleston còn viết một tác phẩm nhan đề Medieval Philosophy (1952), về sau được sửa chữa và mở rộng thành A History of Medieval Philosophy (1972). Tác phẩm này bàn về những chủ đề giống như tập 2 và 3 của bộ History. Copleston còn viết quyển Aquinas (1955), bàn mở rộng thêm phần trình bày về nhà tư tưởng này trong tập 2. Tập 3: Ockham đến Suarez Xuất bản lần đầu năm 1953, tập này còn mang tít phụ Late Medieval and Renaissance Philosophy và bàn về: · Thế kỉ XIV (bao gồm William of Ockham) · Triết học phục hưng (bao gồm Francis Bacon) · Kinh viện học của thời Phục Hưng (bao gồm Francisco Suárez) Copleston còn viết một tác phẩm nhan đề Medieval Philosophy (1952), về sau được sửa chửa và mở rộng thành A History of Medieval Philosophy (1972). Tác phẩm này bàn về những chủ đề giống như tập 2 và 3 của bộ History. Copleston còn viết quyển Aquinas (1955), bàn mở rộng thêm phần trình bày về nhà tư tưởng này trong tập 2. Tập 4: Descartes đến Leibniz Xuất bản lần đầu năm 1958, tập này còn mang tít phụ The Rationalists và bàn về: René Descartes Blaise Pascal Nicolas Malebranche Baruch Spinoza Gottfried Leibniz Tập 5: Hobbes đến Hume Xuất bản lần đầu năm 1959, tập này còn mang tít phụ Bristish Philosophy và bàn về: Thomas Hobbes John Locke Isaac Newton George Berkeley David Hume Tập 6: Wolff đến Kant Xuất bản lần đầu năm 1959, tập này còn mang tít phụ The Enlightenment và bàn về: Khai minh Pháp(bao gồm Jean-Jacques Rousseau) Khai minh Đức Sự nổi lên của Triết học lịch sử (bao gồm Giambattista Vico và Voltaire) Christian Wolff Immanuel Kant Tập 7: Fichte đến Nietzsche Xuất bản lần đầu năm 1963, tập này còn mang tít phụ 18th and 19th Century German Philosophy và bàn về: Johann Gottlieb Fichte Friedrich Wilhelm Joseph Schelling Friedrich Schleiermacher Georg Wilhelm Friedrich Hegel Arthur Schopenhauer Sự biến chuyển của chủ nghĩa duy tâm  (bao gồmLudwig Feuerbach và Max Stirner) Karl Marx và Friedrich Engels Søren Kierkegaard Thuyết Kant mới Friedrich Nietzsche Copleston còn viết những tác phẩm riêng về hai triết gia được bàn trong tập này: Friedrich Nietzsche: Philosopher of Culture (1942) và Arthur Schopenhauer: Philosopher of Pessimism (1946). Ông còn được Bryan Magee phỏng vấn đề Schopenhauer trên BBC Television vào năm 1987. Tập 8: Bentham đến Russell Xuất bản lần đầu năm 1966, tập này còn mang tít phụ Utilitarianism to Early Analytic Philosophy và bàn về: Chủ nghĩa duy nghiệm Anh (bao gồm John Stuart Mill và Herbert Spencer) Phong trào duy tâm ở Anh (bao gồm Francis Herbert Bradley và Bernard Bosanquet) Chủ nghĩa duy tâm ở Mỹ (bao gồm Josiah Royce) Phong trào dụng hành (bao gồm Charles Sanders Peirce, William James, và John Dewey) Cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa duy tâm (bao gồm George Edward Moore và Bertrand Russell) Tập 9: Maine de Biran đến Sartre Xuất bản lần đầu năm 1975, tập này còn mang tít phụ 19th and 20th Century French Philosophy và bàn về: Từ Cách mạng Pháp đến Auguste Comte (bao gồm Maine de Biran) Từ Auguste Comte đến Henri Bergson Từ Henri Bergson đến Jean-Paul Sartre (bao gồm Maurice Merleau-Ponty) Tập 10: Triết học Nga Mặc dù (theo Gerard J. Hughes) tập 10 của bộ History về triết học Nga từng được dự định viết, tác phẩm của Copleston trong lĩnh vực này gồm 2 quyển không nằm trong bộ này: Philosophy in Russia (1986) và Russian Religious Philosophy (1988). Tác phẩm đầu (được nhà xuất bản ban đầu tuyên bố là “nên được xem cách thỏa đáng là tập đi kèm bộ này) được thêm làm tập 10 bởi Continuum vào năm 2003 (mặc dù nó cũng được bán dưới nhan đề gốc cho các thư viện cho đến năm 2019) Ivan Kireevsky, Peter Lavrov, và các triết gia Nga khác Triết học ở Dostoevsky và Tolstoy Tôn giáo và triết học: Vladimir Solovyov Plekhanov, Bogdanov, Lenin và chủ nghĩa Marx Nikolai Berdyaev và các triết gia lưu vong khác Tập 11: Chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh Được in làm tập 11 trong ấn bản của Continuum từ năm 2003, Chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh là một tập tiểu luận từng được in trong quyển Contemporary Philosophy (1956) của Copleston. Nó bàn về chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh . Tiếp nhận và di sản Viết bài điểm sách cho tập 1 vào năm 1947, George Boas nhận xét rằng “Không có diễn giải [của trường phái Thomistic của Copleston] nào gây hại nhiều cho độc giả của tác phẩm học thuật này. Đa số chúng được để trong ngoặc, như thể chúng được chèn vào để khuyến cáo các chủng sinh rằng dân ngoại sẽ không tiếp thu chúng. Chúng có thể bị loại bỏ, và lịch sử triết học cổ đại ad usum infidelium (đối với dân ngoại đạo) là lịch sử tốt hơn nhiều những bộ lịch sử thông thường. […] Rõ ràng ông biết rõ tác phẩm đời xưa, nếu như ông không cảm thấy mình phải là một Eusebius hiện đại, ông đã có đủ kiến thức để viết bộ lịch sử đích thực. Mặt khác, ông cũng phân chia thời kì và tổng quát hóa. […]. Người ta có thể dành những lời khen tặng cao nhất cho sự uyên bác của Cha Copleston. Thật không may ông đã không thể sử dụng nó để viết một nghiên cứu thật sự độc đáo về những ý niệm triết học. Về tính khách quan của tác phẩm này, Martin Gardner, làm ta nhớ những nhận xét ông đã nêu trước đó, ghi nhận: “Tu sĩ dòng Tên Copleston đã viết bộ lịch sử triết học nhiều tập tuyệt vời. Tôi không nghi ngờ gì về những gì ông tin về học thuyết của đạo Công giáo”. Viết bài điểm sách cho quyển Philosophy in Russia in năm 1986 (được bán từ năm 2003 như tập 10 của ấn bản Continuum), Geoffrey A. Hosking lưu ý rằng tác giả công bằng với những nhà tư tưởng vô thần và chủ nghĩa xã hội như với những nhà tư tưởng tôn giáo, những người mà ông, với tư cách là một thành viên của Society of Jesus, được cho là thông cảm hơn. Và ông nói rằng đó là “một khảo sát có năng lực đáng nể”. Nhưng ông kết luận: “tôi thú nhận có hơi thất vọng vì kinh nghiệm phong phú của Copleston đã không đưa ra những trực quán độc đáo hơn, và nhất là không thôi thúc ông khảo sát câu hỏi quan trọng nhất trong mọi câu hỏi thực hành mà triết học Nga đặt ra”. Viết vào năm 2017, nhà triết học Christia Mercer khen ngợi tác phẩm là “một nghiên cứu minh bạch đáng khâm phục và có tham vọng lớn lao” nhưng nhận xét rằng mặc dù tác giả bao gồm “những nhà huyền học như Master Eckhart (1260-1328) và những nhà kinh viện dòng tên như Francisco Suárez (1548–1617), ông gần như hoàn toàn bỏ qua các sáng tác tâm linh phong phú về mặt triết học của những tác giả nữ quan trọng cuối thời trung đại, ông đã quy giản toàn bộ triết học về một chuỗi các tác giả nam vĩ đại, mỗi người đáp lại người đi trước mình”. Nhà triết học và thần học Benedict M. Ashley đã so sánh A History of Philosophy với những bộ lịch sử triết học nổi tiếng nhất như sau: “Một số bộ lịch sử triết học, như bộ sách đáng khâm phục của Frederick Copleston, chỉ cố gắng đưa ra lý giải chính xác về nhiều triết học khác nhau trong bối cảnh lịch sử chung. Những bộ khác, như Bertrand Russell trong bộ History of Western Philosophy kỳ cục của ông hay Etienne Gilson trong quyển The Unity of Philosophical Experience xuất sắc của ông đưa ra một lập luận để binh vực một lập trường triết học chuyên biệt” The Washington Post: “Tường thuật của Copleston về triết học phương Tây từ lâu đã trở thành một tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn, vốn quen thuộc nhất với giới sinh viên ở dạng bìa mềm nhỏ gọn. Copleston viết sáng sủa, nhưng không có sự hạ thấp của bộ Story of Philosophy dễ đọc hay những thiên vị của bộ History of Western Philosophy khiêu khích của Russell. Nói cách khác, các tập sách của Copleston vẫn là nơi để bắt đầu cho bất kì ai muốn học hỏi về những tư biện lý thuyết của con người về chính mình và thế giới”. Gerard J. Hughes trong The New Catholic Encyclopedia, đã mô tả tác phẩm là “một hình mẫu về tính minh bạch, khách quan, và chính xác về học thuật, đến nay vẫn là tác phẩm chưa bị vượt qua về tính dễ đọc và cân bằng” The Cambridge Encyclopedia of the Jesuits: “[Một bộ lịch sử” khồng lổ 9 tập […] được xuất bản giữa năm 1946 và 1974, Copleston qua đó mà nổi tiếng. Được The Times of London mô tả là “bộ lịch sử toàn diện về suy tư triết học từ tiền-Socrates đến Sartre” (02/04/199), bộ lịch sử của Copleston trở nên nổi tiếng vì nó được viết bằng sự uyên bác về học thuật , phạm vi toàn diện về nội dung, và lập trường tương đối khách quan”. The Review of Metaphysics: “Sử gia triết học nổi tiếng nhất trong thế giới Anh ngữ, và một người mà nhiều người đã mang ơn” Jon Cameron (University of Aberdeen): “Đến nay bộ lịch sử của Copleston vẫn là một thành tựu phi thường và vẫn phản ánh chân thực những tác giả nó bàn trong một tác phẩm nặng về trình bày như thế”. Tháng 09/1979, The Washington Post báo cáo rằng: “Tác phẩm bán chạy nhiều tập [A] History of Philosophy (9 phần, 17 tập) của Frederick Copleston đã bán được 1.6 triệu bản” Các ấn bản A History of Philosophy Copleston, Frederick (2003). A History of Philosophy Vols 1-11. Great Britain: Continuum. ISBN 978-0826469489. Copleston, Frederick (1962–1975). A History of Philosophy. New York, USA: Image Books (Doubleday) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/A_History_of_Philosophy_(Copleston)#Editions.
popup

Số lượng:

Tổng tiền: