TINH THẦN CỦA LỊCH SỬ
Terry Pinkard
Nguyễn Trung Kiên dịch
[Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hegel (1770-2020]
LỊCH SỬ, HOẶC ÍT NHẤT LÀ NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ, đang ở trong tình trạng tồi tệ trong thời đại này. Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng hiểu biết về lịch sử là quan trọng, nhưng ở Hoa Kỳ, ngoại trừ những trường học ưu tú nhất, việc nghiên cứu lịch sử đang bước vào tình trạng rơi tự do. Thời đại chúng ta dường như có chung sự hoài nghi mà nhà triết học người Đức GWF Hegel (1770-1831) từng lên tiếng khi ông nói rằng bài học duy nhất mà lịch sử dạy cho chúng ta là không ai học được gì từ lịch sử. Tại sao vậy? Hiện tại luôn mới mẻ và tương lai chưa được kiểm chứng, khiến nhiều người đồng cảm với lời tuyên bố của doanh nhân Hoa Kỳ Henry Ford vào năm 1921 rằng lịch sử ít nhiều đã trở thành đống đổ nát. Tuy nhiên, chính Hegel cũng lập luận rằng, mặc dù vạn vật thực sự luôn có vẻ như chưa từng có, nhưng lịch sử đã thực sự cho chúng ta manh mối về mục đích tối hậu của mỗi chúng ta.
Chúng ta là một giống loài đặc biệt: việc trở thành những sinh vật như chúng ta đang hiện hữu luôn là vấn đề đối với chúng ta - một phần bởi chúng ta tự biến mình thành những loại sinh vật giống mình bây giờ, và bởi chúng ta khám phá điều này theo tất cả những cách khác nhau về cách chúng ta đang sống đời sống của mình, cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể. Việc nghiên cứu lịch sử không chỉ liên quan đến việc kể những câu chuyện hay chồng chất lên các sự kiện. Trong cấu trúc lớn hơn của nó, lịch sử là lời kể về việc nhân loại đang tự thực nghiệm việc tìm hiểu bản thân theo vô số cách mà nó đang định hình cho chính nó trong đời sống hàng ngày, và cũng như cách mà những biến đổi lịch sử có liên hệ mật thiết với những thay đổi trong sự tự nhận thức mang tính nền tảng về chính chúng ta. Như Hegel đã đặt vấn đề trong một loạt bài giảng vào những năm 1822-1830, ‘chúng ta’ là sản phẩm đặc biệt của chính mình, và sự nghiên cứu lịch sử trên bình diện triết học là nghiên cứu về cách chúng ta định hình bản thân mình - cái vốn thay đổi theo thời gian.
Không ai từng quan niệm về một lịch sử triết học đầy tinh tế và sống động hơn Hegel. Hệ thống của ông được xây dựng dựa trên ba ý tưởng cơ bản. Đầu tiên, nền tảng cho tồn-tại-người là sự tự ý thức. Đối với con người, khi thực hiện bất cứ điều gì trong bất kỳ cảnh giới hiện thực nào của mình, con người thực sự biết hắn đang làm gì khi hắn đang hành động như vậy. Điều này đúng ngay cả khi chúng ta không suy nghĩ rõ ràng về những gì mình đang làm. Đây là một ví dụ đơn giản: khi bạn đang đọc nội dung này, giả sử bạn nhận được tin nhắn từ một người bạn: ‘Cậu đang làm gì vậy?’. Bạn trả lời ngay lập tức: ‘Tôi đang đọc một bài báo về Hegel.’ Bạn biết mình đang làm gì mà không cần phải suy nghĩ hoặc đưa ra các kết luận. Không cần suy nghĩ gì thêm, bạn biết rằng mình không nhảy dù, đang tắm, đang làm vườn hay đang giải ô chữ. Bạn không nhìn xung quanh và suy luận từ các bằng chứng. Bạn không cần kiểm nghiệm bất kỳ suy nghĩ nội tâm cụ thể nào. Trên thực tế, theo thuật ngữ kiểu Hegel, khi bạn đang làm một việc gì đó và bạn hoàn toàn không biết mình đang làm gì, thì bạn thực sự không làm gì cả. Thay vào đó, mọi thứ chỉ đang diễn ra. Thực tế là, đôi khi chúng ta chỉ nhận thức mơ hồ về những gì chúng ta đang làm. Tuy nhiên, ngay cả sự tự ý thức được phản chiếu, vốn xa cách hơn với thực tại của chính chúng ta, thì cũng chỉ là sự nhận thức sâu hơn về mối quan hệ tự thân sâu sắc và rõ ràng kiểu Hegel: mọi ý thức đều là tự ý thức.
Thứ hai, Hegel cho rằng tự ý thức luôn là vấn đề định vị bản thân trong một loại không gian xã hội của ‘tôi’ và ‘chúng ta’. Nói ‘tôi’ hay nói ‘chúng ta’ chỉ là nói đến một trong hai mặt của cùng một tính biện chứng. Trong nhiều trường hợp, ‘chúng ta’ dường như thêm vào rất nhiều trường hợp của ‘tôi nghĩ’ hoặc ‘tôi làm’, nhưng theo nghĩa cơ bản nhất của nó thì ‘chúng ta’ cũng mang tính cơ bản như ‘tôi’. Về cơ bản, sự tự ý thức của mỗi cá nhân là mang tính xã hội. Tính tổng quát của cái ‘chúng ta’ thể hiện trong các hành vi cá nhân của mỗi chúng ta, nhưng bản thân ‘chúng ta’ không là gì khác ngoài các hành động riêng lẻ của những tác nhân bằng xương bằng thịt. Khi tôi biết mình đang làm gì, tôi cũng ý thức được rằng những gì ‘tôi’ đang hành động cũng có thể chính là cách mà ‘chúng ta’ hành động.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng mặt này của tính biện chứng quan trọng hơn mặt kia: ‘Tôi’ không chỉ đơn thuần là một điểm không có nội dung khác được hấp thụ hoàn toàn trong không gian xã hội (một ‘chúng ta’); cũng không phải ‘chúng ta’ - không gian xã hội - chỉ đơn thuần là sự bổ sung của rất nhiều ‘tôi’ của các cá nhân. Không có người hành động thì sẽ không có hành động; không có hành động thì sẽ không có người hành động. Điều này đôi khi khó nhận thấy. Thông thường, cái ‘tôi’ cố gắng tách mình ra khỏi cái ‘chúng ta’ và nổi loạn để chống lại cái ‘chúng ta’. (Hãy nghĩ về thuyết hiện sinh). Đôi khi cái ‘tôi’ cố gắng hấp thụ hoàn toàn vào cái ‘chúng ta’. (Hãy nghĩ về những gì mà những người theo chủ nghĩa toàn trị đang mơ về). Đôi khi cái ‘tôi’ cố gắng kiểm soát từng giai đoạn của sự công nhận mà nó tìm kiếm từ ‘chúng ta’ bằng cách giả vờ là những gì nó không phải là. (Hãy nghĩ về kẻ lừa đảo). Tất cả những dạng thiếu sót của ‘tôi’ và ‘chúng ta’ đều xuất hiện trong lịch sử theo những cách khác nhau.
Thứ ba, đối với con người, cũng như với bất kỳ loài sinh vật nào, có những cách mà mọi thứ có thể diễn ra tốt hơn hoặc xấu đi đối với các cá thể trong loài. Cây cối không có đất thích hợp sẽ không sinh sôi nảy nở như chúng có thể; những con sói không có phạm vi môi trường thích hợp sẽ không thể trở thành những con sói như chúng có thể. Tương tự, những con người tự ý thức về bản thân cùng xây dựng môi trường gia đình, xã hội, văn hóa và chính trị để có thể trở thành phiên bản mới, khác biệt và tốt hơn so với chính họ. Nhưng những gì chúng ta có thể tạo ra tùy thuộc vào việc chúng ta đang ở đâu trong lịch sử. Các bậc cụ kỵ của bạn không bao giờ mơ ước trở thành lập trình viên. Những người dân làng thời Trung cổ không khao khát trở thành nhà quản lý cấp trung trong một công ty thu gom rác toàn cầu. ’Tôi’ là ai luôn bị ràng buộc với những gì ‘chúng ta’ hành động, nhưng thật sai lầm khi coi những hành vi cá nhân của chúng ta chỉ đơn giản là những hợp phần đơn lẻ của một cái gì đó như những quy tắc chung. Tốt hơn nên nói rằng chúng ta LÀ VÍ DỤ theo những cách tốt hơn hoặc tệ hơn về việc chúng ta thực sự là AI - ví dụ, trong tình bạn, khi chơi cờ, nhặt rau hoặc [thực hiện] quyền công dân. Tính tổng quát của hành động đặt ra các thuật ngữ mà tôi có thể phát triển như bất kỳ tình huống nào trong những tình huống này. Tuy nhiên, chính tôi là người đặt ra cách thức mà tôi trở thành ví dụ cho việc hành động, và tất cả chúng ta đều tham gia vào việc xem cả hai (‘tôi’ và ‘chúng ta’) hội tụ và phân kỳ trơn tru như thế nào.
Là những cá nhân tự ý thức mang tính xã hội, chúng ta định hình lại cuộc sống của mình, mang lại ý nghĩa mới cho những thứ cũ (từ tình dục và thức ăn đến cách cư xử phức tạp trên bàn ăn) để chúng ta có được những thói quen mới, làm đầy thêm dáng điệu của đời sống động vật của chúng theo những cách đáng ngạc nhiên, ổn định hóa, và rồi lại tiếp tục thay đổi. Đây hiếm khi là một quá trình hoàn toàn suôn sẻ. Chúng ta tồn tại với tư cách là những cá nhân-với-các-bản sắc-xã hội trong các không gian xã hội mà chúng ta cùng thiết lập và duy trì. Một số quan hệ xã hội dựa trên vũ lực thô bạo, sự khuất phục và sỉ nhục (chẳng hạn như quan hệ giữa chủ nô và nô lệ). Chiến tranh mang tính phổ quát. Hegel nói, lịch sử trông giống như một bàn giết mổ rộng lớn, nơi mạng sống và hạnh phúc của hàng triệu người đã bị hy sinh.
*
Theo cách mà các loài có ‘đời sống tự ý thức’ đã tự diễn giải và diễn giải lại, lịch sử thoạt đầu có vẻ hơi u buồn. Toàn bộ các nền văn minh và lối sống đều đã tồn tại rồi tiêu vong, những lối sống cũ biến mất. Không có gì có vẻ ổn định. Đề xuất triết học táo bạo của Hegel nhấn mạnh rằng chúng ta thấy tiến trình này như là sự biểu hiện những cách thức mà mỗi dạng cá nhân của đời sống xã hội con người tạo ra căng thẳng [ở trong loài] và căng thẳng ở trong chính nó. Khi những căng thẳng này trở nên quá lớn đến mức lối sống như vậy cuối cùng không có ý nghĩa gì đối với những người tham gia, đời sống nhanh chóng trở nên không thể tiếp tục theo lối cũ. Một khi trở nên không thể tiếp tục, nó sẽ rạn nứt, tan rã, và cuối cùng nhường chỗ cho một lối sống khác. Lối sống mới xuất hiện khi những người sống trong đống đổ nát văn hóa của sự đổ vỡ nhặt nhạnh những phần vẫn còn phù hợp, loại bỏ những phần không còn phù hợp và tạo ra một cái gì đó mới mẻ từ sự đổ vỡ đó. Họ xây dựng một xã hội tự phát triển cho đến khi những căng thẳng và áp lực nội tại mới của chính nó dẫn đến sự suy sụp mới, sau đó một ‘dạng sống’ mới tiếp theo lại xuất hiện từ nó. Khía cạnh này của lịch sử tạo nên hình dạng thay đổi của chính cuộc sống tự ý thức. Hegel đã chọn thuật ngữ 'Geist' trong tiếng Đức (được hiểu là ‘tâm trí’ hoặc ‘tinh thần’ tùy thuộc vào người dịch) để nắm bắt điều đó. Khi ‘Geist’ đi qua các thời kỳ lịch sử, nó mang những hình dạng khác nhau khi nó tự tưởng tượng theo những cách khác nhau, và do đó, đối với những người đang nghĩ về nó, đó là một mục tiêu di động. Câu chuyện về sự phá vỡ và đổi mới này chính là phép biện chứng về lịch sử của Hegel.
Mặc dù nhà triết học Đức bị lãng quên H.M. Chalybäus (1796-1862) đã thuyết phục được nhiều người rằng ‘luận đề-phản đề-hợp đề’ thể hiện phép biện chứng lịch sử của Hegel, bản thân Hegel chưa bao giờ nói về điều này. Hơn nữa, ngay cả trong cái nhìn tổng quan ngắn gọn này, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm của Hegel liên quan nhiều hơn đến công thức đáng ngờ của Chalybäus.
Hegel đã khảo sát lịch sử thế giới để xem liệu có bất kỳ loại logic nào đối với cách thức mà cái ‘tôi’ và cái ‘chúng ta’ tự định hình theo thời gian hay không. Liệu ‘Geist’ có đang tốt hơn trên tất cả các bình diện? Là một người châu Âu của thế kỷ XIX, Hegel không tìm thấy gì để giới thiệu ở các nền văn minh châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Theo ông, tất cả chúng đều đã bị đình trệ tại một mức độ phát triển nhất định mà ông gọi là ‘chủ nghĩa vô thần chính trị’. Theo quan điểm của Hegel, ‘chủ nghĩa vô thần chính trị’ có nghĩa là không thể tồn tại thêm một tòa án nào để kháng cáo ngoài các sắc lệnh của tù trưởng, các bậc quân vương hoặc hoàng đế. Ngay cả khi hoàng đế ban hành luật pháp và thực thi chúng, thì đó vẫn là sự cai trị BỞI luật pháp, đó vẫn là sự cai trị của cá nhân, chứ không phải sự cai trị CỦA luật pháp – vốn không mang tính cá nhân. Trong ‘chủ nghĩa vô thần chính trị’, nguyên tắc chỉ đạo là chỉ một trong các thành viên được tự do (tù trưởng, hoàng đế, v.v.). Một mình ông tự do ban hành luật, những người còn lại phải tuân theo, và không có gì cao hơn để thẩm tra các sắc lệnh. Vì vậy, theo nghĩa đó, chỉ có ‘một’ (thủ lĩnh, hoàng đế, v.v.) có thể được cho là có tự do. Tất nhiên, quan điểm theo lối biếm họa này mô tả nhiều về những định kiến của châu Âu thế kỷ XIX hơn là về các xã hội khác, nhưng quan điểm của Hegel mang tính tổng quát hơn.
Hegel tin rằng chỉ trong thế giới Hy Lạp cổ đại, loài người mới lần đầu tiên vượt ra khỏi ý tưởng rằng chỉ một người trong cộng đồng có thể được tự do, và đến ý tưởng táo bạo rằng một số lượng hạn chế người - những người đàn ông trưởng thành của thành bang - cả hai đều có thể và phải cùng nhau cai trị. Họ đối đầu với nhau như những người bình đẳng, vốn không có quyền hạn mặc định đối với nhau. Hegel nghĩ rằng, hơn nữa, đối với những người Hy Lạp này, họ đều biết mình đứng ở đâu trong trật tự xã hội của họ và họ phải làm gì. Họ cũng cho rằng, nếu mỗi người làm gương cho các yêu cầu duy trì trật tự tại địa vị của chính họ, thì cộng đồng sẽ hài hòa và trở thành một thứ đẹp đẽ. Sự kết hợp này với nhau giữa phong cách cá nhân và đời sống cộng đồng dường như đã tốt đẹp như nó có thể đạt được: tự do cá nhân đầy đủ và hoàn toàn chỉ trong một trật tự xã hội và chính trị quân bình của các công dân tự do.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một sự bất toàn. Người Hy Lạp cũng đánh đồng tự do của họ với sự độc lập. Vì một người có thể hoàn toàn độc lập trong các phán đoán và hành động của mình chỉ khi người khác chăm lo cho các nhu cầu khác của đời sống, nên họ cũng tin rằng họ buộc phải sống trong một thế giới chỉ dựa vào nô lệ và áp bức phụ nữ. Mặc dù một số người Hy Lạp nhận thấy những sự tệ hại này là đáng lo ngại, nhưng hầu hết trong số họ chỉ đơn giản coi chúng là cách vận hành thế giới không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Hegel nhìn thấy sự bất bình ngấm ngầm của người Hy Lạp với chính họ, thể hiện dưới dạng kịch nghệ trong nghệ thuật của họ.
Ví dụ yêu thích của ông là bi kịch ‘Antigone’ của Sophocles. Trong vở kịch này, các con trai và con gái của Oedipus thấy mình trong một tình huống đầy biến động. Hai trong số những người con trai đánh nhau vì sự truyền ngôi của Oedipus. Cả hai đều chết trong trận chiến, và người chú của họ, Creon, đã nắm lấy quyền lực. Creon ngăn cấm các nghi thức chôn cất cho một trong những người cháu trai của mình, nhưng người cháu gái Antigone của ông đã bất chấp ông bằng cách bí mật thực hiện các nghi lễ. Nàng làm như vậy bởi vì đó là yêu cầu tối thượng của nàng, bởi với tư cách em gái, nàng buộc phải thực hiện điều này, nhưng nàng cũng biết rõ rằng yêu cầu tối thượng của mình là phải tuân theo Creon (đặc biệt là khi nàng vẫn còn là một phụ nữ trẻ). Antigone bị kẹt trong một tình huống mà trong đó lẽ phải đối nghịch với lẽ phải. Nàng cũng có yêu cầu tối thượng về việc không được tự quyết định về những mình buộc phải làm - đó là nhiệm vụ của nàng trong đời sống để thực hiện các yêu cầu được đưa ra cho nàng - và đoạn hợp xướng sau đó sẽ lên án rằng đây là nỗ lực tự chủ đầy phi lý của nàng.
Antigone bị cuốn vào đam mê đạt được điều mà phụ nữ thường bị cấm: nàng muốn tự do, một thứ tự do vốn sẽ đòi hỏi nàng phải được công nhận là bình đẳng. Nhưng ai sẽ có thẩm quyền để công nhận sự bình đẳng của nàng? Không phải người chồng (không phải ở Hy Lạp cổ đại). Không phải người con của nàng (nếu nàng có con). Không phải cha mẹ nàng. Không phải em gái nàng. Chỉ có các anh trai nàng mới có thể thực hiện điều đó, và cả hai đều đã chết. Trong niềm đam mê về tự do của mình, Antigone đã cố gắng kêu gọi sự công nhận đó từ người anh trai đã chết của nàng. Như những người từng xem vở kịch nhận ra, tất cả đều kết thúc tồi tệ. Tuy nhiên, thông qua sự thách thức của mình, Antigone đại diện cho những gì đã trở nên sai lầm đối với tư tưởng Hy Lạp: cách nó thiết lập chế độ bình đẳng cho một số người nhưng lại phủ nhận nó đối với những người khác. Khi làm như vậy, Antigone cũng trở thành tiếng nói của những người bị gạt sang bên lề, đòi hỏi được hòa nhập và công nhận như một người trong chúng ta, bình đẳng và tự do như nhau. Nàng đòi hỏi: “Nếu ‘một số người được tự do’, thì tại sao ta lại không?”. Đối với khán giả Hy Lạp cổ đại, điều này tạo ra cảm giác khó chịu mà có thể toàn bộ cảm xúc của họ chẳng có ý nghĩa gì.
*
Khi La Mã cổ đại vươn lên thống trị Hy Lạp, lúc đầu, có vẻ như một lối sống có ý nghĩa hơn đã xuất hiện để thay thế cho sự thất bại đang phôi thai của Hy Lạp, nhưng chính La Mã đã tự hủy hoại lối sống mới này. Vào cuối thời kỳ cổ đại, khi Cơ đốc giáo trở thành tôn giáo của đế quốc La Mã, mầm mống của một ý tưởng mới đã xuất hiện trong mục tiêu di động của đời sống tự ý thức: nếu tất cả mọi người đều là con của một Thượng đế, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em, theo nghĩa ẩn dụ. Chế độ nô lệ và áp bức có thể là quy luật trên Trái Đất, nhưng bình đẳng là quy tắc cao hơn. Mặc dù ban đầu có thể chưa hoàn toàn mâu thuẫn một cách rõ ràng, nhưng mầm mống cho sự tính toán của nó trên thế giới đã được gieo xuống. Nhu cầu của Antigone đang trở nên phổ biến.
Sự pha trộn dễ bị bùng nổ này của sự tự xa lánh, của ‘hư vô’ và sự tức giận trước sự bất công của trật tự thịnh hành đã bùng lên vào năm 1789 trong cuộc Cách mạng Pháp, trong đó những định đề cũ kỹ để duy trì lối sống cũ cuối cùng đã biến mất. Trong sự thức tỉnh của Cách mạng, nó để lại một loại tự do mà bản thân nó không bị ràng buộc bởi quá khứ, vốn rất hiếm hoi trong tự nhiên, và càng hiếm hoi hơn trong tôn giáo. Kết quả là, Hegel đã nắm lấy nó, lúc đầu nó đã để lại cho mình rất ít chất liệu để xây dựng một thế giới mới, ngoại trừ những ý tưởng rất trừu tượng về tự do không bị ràng buộc và những đức tính được cho là ràng buộc hơn của công dân trong việc ủng hộ chính phủ Cách mạng. Tuy nhiên, sau đợt bùng phát bạo lực ngắn ngủi trong Triều đại Khủng bố (1793-1794), mọi thứ đã lắng xuống, và sau năm 1815, trật tự mới không thể thay đổi được đặt ra, trong đó những thành quả của Cách mạng sẽ dần trở nên hiện thực hơn. Hoặc Hegel từng hy vọng như vậy.
Hegel rất kiên định trong sự ngưỡng mộ của mình đối với Cách mạng Pháp - ông luôn kỷ niệm nó vào ngày 14 tháng 7 - bởi ông cho rằng nó đại diện cho thời điểm quyết định trong tính hiện đại của châu Âu. Nó đưa vào thực tế sự chuyển dịch trong lịch sử từ ‘một số người được tự do’ (như ở Hy Lạp và La Mã) sang ‘tất cả đều được tự do’, hay nói cách khác, nó biến hiện tượng không có ai thuộc quyền tối cao của bất kỳ ai khác trở thành một thực tế: không ai cả, không phải chủng tộc này đối với chủng tộc khác, không phải phụ nữ đối với đàn ông, không phải nông nô đối với địa chủ, không phải thường dân đối với quý tộc. Một khi mọi người đã nắm bắt được tư tưởng tự do và bình đẳng này, thì vị thần đèn không thể bị bỏ lại trong chiếc chai. Trật tự cũ về sự phục tùng tự mang tính tất định đã không còn nữa, ít nhất là trên lý thuyết, bởi vì, một khi ‘Geist’ đã phát triển, thì chính ý tưởng về sự phục tùng mang tính tất định tự nó không còn có ý nghĩa gì nữa.
Cùng với đó, mọi thứ khác, từ cuộc sống gia đình đến cấu trúc của nhà nước, cũng sẽ phải thay đổi. (Nó chắc chắn liên quan đến việc loại bỏ lối sống truyền thống hơn so với những gì mà chính Hegel sẵn sàng thừa nhận). Nó cũng không phải là bất cứ điều gì được minh chứng ngay lập tức và đầy đủ trong thực tiễn châu Âu thế kỷ XIX. ’Tất cả mọi người đều được tự do’ không có nghĩa là, hễ khi con người vùng lên thì áp bức sẽ biến mất, mà nó có nghĩa là một bức tranh hoàn toàn mới về cá thể hành động đã xuất hiện lần đầu trên thế giới. Quan trọng nhất, nó báo hiệu một sự thay đổi trong quan niệm về công lý. Không còn là một yếu tố siêu hình của trật tự thế giới vĩnh cửu, công lý giờ đây đã là đặc tính cơ bản của một vương quốc tự do và của các công dân bình đẳng.
Với kết cục của cuộc Cách mạng Pháp, thế giới hiện đại đã mang hình hài mới của nó như một ‘hình thái đời sống’. Tất nhiên, nó liên quan đến một loạt các quyền tổng quát và trừu tượng mang tính phổ quát, vốn đã được nhà triết học Anh John Locke phổ biến vào thế kỷ XVII (quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản), nhưng quan trọng hơn, nó tạo nên đời sống thấm nhuần đạo đức, bao gồm việc sống theo những lý do có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho cộng đồng nhỏ của riêng ai, trở thành một phần thiết yếu của trạng thái tâm lý hiện đại của chúng ta. Nó đã làm cho hai đặc điểm đó của đời sống trở thành hiện thực bằng cách đưa chúng vào các cách thức hành động và các thể chế cụ thể hơn. Ví dụ, tầm quan trọng tuyệt đối của các mối quan hệ của tình yêu và tình bạn và trong các gia đình được định hướng xung quanh việc nuôi dạy con cái trở thành những cá nhân độc lập, những người cũng sẽ trở thành các công dân tốt. Nó làm cho nhà nước pháp quyền trở thành một nguyên tắc hiến định và do đó vĩnh viễn biến địa vị của người dân từ thần dân trở thành công dân của một nhà nước hợp hiến. Nó cũng đảm bảo một không gian của đời sống - Hegel gọi nó là ‘xã hội dân sự’ - kết hợp các lực lượng sản xuất mới được phát hiện của thị trường với một tập hợp các thể chế bên trong nó được cho là sẽ kiềm chế và chế ngự các lực lượng phá hoại của chủ nghĩa tư bản đang đe dọa ăn mòn và bóp méo các cực mang tính nền tảng của tình yêu và tình bạn ở một đầu, cùng với quyền công dân và công lý ở đầu kia.
Trong thập kỷ cuối cùng của đời mình, Hegel ngày càng lo lắng về các quan điểm của chính mình về kết cục lịch sử này. Mặc dù ông đã chỉ ra với các sinh viên của mình rằng việc các nước châu Âu gây chiến với nhau là hoàn toàn phi lý - ông đúng về điều đó, nhưng ông đã sai về việc liệu nó có xảy ra hay không - ông cũng ngày càng bi quan về việc liệu thị trường tư bản có thể thực sự kiềm chế được các thể chế khác của xã hội dân sự hay không (mặc dù ông không bao giờ từ bỏ ý tưởng rằng nó có thể). Ông cũng lo lắng rằng chủ nghĩa cá nhân thái quá mà thị trường luôn kích thích chúng ta đi theo sẽ đủ mạnh để khiến toàn bộ tiến trình trở nên bất khả. Trên thực tế, như ông nói với lớp học về triết học lịch sử của mình vào năm 1831, sự không tương thích này giữa chủ nghĩa cá nhân cực đoan hiện đại với các nhu cầu cần thiết của một đời sống xã hội và chính trị hài hòa và ổn định đã tạo nên xung đột, một ‘nút thắt’ như ông gọi, đó là nơi ông đã để lại dấu ấn lịch sử sau năm 1830. Khi thị trường cạnh tranh dẫn đến một xã hội cạnh tranh và không nhất thiết phải mang tính hợp tác, dân chúng chia thành các phe phái và điều này khiến bất kỳ chính quyền nào cũng không thể quản trị tốt được, vì chính quyền dường như sẽ chỉ là một phe tạm thời cai trị những người khác. Ông cũng nói với các học trò rằng trong tương lai chính nút thắt này sẽ phải được tìm cách tháo gỡ. Hegel bất ngờ qua đời chỉ vài tháng sau khi nói ra điều này.
Từ những phân tích trong quá khứ về các hình thái của đời sống xã hội, cuối cùng chúng ta cũng có được một quan niệm triết học gần như đầy đủ hơn về quyền tự quyết của con người. Các cá nhân là mang tính tự ý thức, siêu hình về mặt xã hội trong sự tự ý thức của họ; chính những sự tự ý thức này đã khiến các cá nhân trở nên hiện hữu và cụ thể trong các dạng thức khác nhau của đời sống, và các dạng thức của đời sống này dần dần tự hủy hoại chính chúng trong lịch sử. Nói một cách ẩn dụ, ‘Geist’ (‘chúng ta’) đã đi đến kết luận này bằng cách buộc mình phải tự cho rằng tất cả mọi người đều tự do và bình đẳng, và nó không thể quay về theo lối cũ một cách duy lý được nữa. Vì mọi thứ xảy ra trước đó đã đổ vỡ, ‘chúng ta’ giờ đây buộc phải hướng suy nghĩ của mình về cách chúng ta đã biến ý tưởng đó thành hiện thực và, với quan điểm mới của chúng ta đối với chân lý không thiên vị, ‘chúng ta’ đã phát hiện ra chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính của mình, cùng với sự coi thường của chúng ta đối với bối cảnh tự nhiên của mình thực sự mâu thuẫn với tất cả những gì chúng ta đã tự trở thành.
Cái mà ‘chúng ta’ giờ đây đã học hỏi được, trên bình diện triết học và thực tiễn, đó là, từ các dạng thức của cá nhân hành động được giả định trong các thành bang dân chủ của Hy Lạp cổ đại đi đến những cái tôi tự xa lánh xã hội của thời sơ kỳ hiện đại của châu Âu, tất cả con đường dẫn tới quan điểm hậu-cách mạng rằng “mọi người đều tư do”, lịch sử thế giới không gì khác hơn là cái cách mà ý tưởng về tự do và bình đẳng đã bị chính chúng ta ép buộc vào chính mình, và giờ đây đòi hỏi phải được hiện thực hóa. Vậy từ điểm này, ‘chúng ta’ sẽ kết thúc tại đâu?. Hegel đã khuyên rằng, triết học sẽ không cho chúng ta biết được điều đó. Con cú của Minerva (nữ thần thông thái) chỉ bay sau khi Mặt trời đã lặn. Tự do và bình đẳng vẫn là điều không thể nhượng bộ, cả hai đều đòi hỏi phải được hiện thực hóa, nhưng nút thắt về cách hiện thực hóa cả hai yếu tố này vẫn còn bị ràng buộc./.
*
VỀ TÁC GIẢ
Terry Pinkard là giáo sư triết học của Đại học Georgetown tại Washington, DC. Ông nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về truyền thống triết học Đức từ Kant tới nay. Ông là tác giả của nhiều chuyên khảo, trong đó có ‘Hegel: A Biography’ (2000).
*
Nguồn: Pinkard, Terry (2019). “The Spirit of History”. Aeon.co, June 13, 2019. URL = < https://aeon.co/essays/what-is-history-nobody-gave-a-deeper-answer-than-hegel >