TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, TOÀN CẦU HÓA VÀ CÁC CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

20/ 02/ 2023

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, TOÀN CẦU HÓA VÀ CÁC CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Anton Korinek & Joseph E. Stiglitz 

NBER Working Papers, No. 28453, tháng 2/2021 

Nguyễn Trung Kiên lược dịch (kỳ 1/3)

 

 

TÓM TẮT 

Tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) và các dạng công nghệ tự động hóa liên quan có nguy cơ đảo ngược những thành tựu mà các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi đã đạt được khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới trong nửa thế kỷ qua, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Các công nghệ mới có xu hướng tiết kiệm lao động, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra các động lực mà sẽ mang lại lợi ích cho các nước phát triển theo xu hướng “kẻ-chiến-thắng-ăn-cả”. Chúng tôi phân tích các động lực kinh tế đằng sau những bước phát triển này và mô tả các chính sách kinh tế sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước đang phát triển và các quốc gia mới nổi, trong khi tận dụng được các thành tựu tiềm năng từ tiến bộ công nghệ. Chúng tôi cũng mô tả các cải cách đối với hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu của chúng ta nhằm chia sẻ lợi ích của AI rộng rãi hơn với các nước đang phát triển.

 

1. GIỚI THIỆU 

Những nỗi lo ngại về tình trạng mất việc làm và sự gia tăng bất bình đẳng do AI và các dạng công nghệ tự động hóa có liên quan đang tràn ngập khắp thế giới. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi thậm chí còn có nhiều lý do để lo ngại hơn so với các nước có thu nhập cao, vì lợi thế so sánh của họ trong nền kinh tế thế giới dựa vào nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Sự sụt giảm lợi nhuận của các yếu tố lao động và tài nguyên thiên nhiên cũng như các động lực do công nghệ thông tin mới mang lại, theo kiểu “kẻ-chiến-thắng-ăn-cả”, có thể dẫn đến sự suy thoái hơn nữa tại các nước đang phát triển. Điều này sẽ làm xói mòn những thành tựu kinh tế - dấu ấn của sự thành công trong phát triển suốt 50 năm qua, và đe dọa những tiến bộ đã đạt được trong việc giảm nghèo và bất bình đẳng. 

Trong phần lớn nửa thế kỷ qua, người ta đã cho rằng những tiến bộ trong công nghệ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - được thể hiện bởi lời thuyết giảng “tất-cả-các-bên-đều-có-lợi” - đặc trưng của chủ nghĩa tân tự do. Tuy nhiên, không bao giờ có bất kỳ lý thuyết kinh tế nào nói rằng những tiến bộ trong công nghệ NHẤT THIẾT sẽ mang lại lợi ích cho tất cả; và nhiều nghiên cứu kinh tế đã cảnh báo rằng điều này có thể không đúng, và tiến bộ công nghệ có thể tạo ra cả người thắng lẫn kẻ thua cuộc. Miễn là những người chiến thắng và kẻ thua cuộc từ tiến bộ công nghệ nằm trong cùng một quốc gia, ít nhất vẫn có khả năng để các giải pháp chính sách trong nước có thể bù đắp cho những người thua cuộc. Tuy nhiên, khi tiến bộ công nghệ làm suy giảm tỷ giá trao đổi hàng hóa (terms of trade) và do đó làm giảm lợi thế so sánh của toàn bộ các quốc gia, các giải pháp chính sách trong nước không đủ để bù đắp cho những người thua thiệt trong tiến trình tiến bộ công nghệ, và toàn bộ các quốc gia có thể bị thiệt hơn. 

Bài nghiên cứu này lập luận rằng những lo ngại về tác động của tiến bộ công nghệ đối với các nước đang phát triển có thể được biện minh - các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với một loạt thách thức mới trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng chỉ ra rằng vẫn có các biện pháp chính sách nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực để những tiến bộ trong công nghệ có thể dẫn đến một thế giới với sự thịnh vượng ‘phổ quát’ hơn. Những điều này bao gồm cả các chính sách trong nước và chiến lược phát triển cũng như sự hợp tác quốc tế và sự cần thiết phải đặt lại các quy tắc toàn cầu nhằm điều chỉnh nền kinh tế thông tin. 

Chúng tôi bắt đầu bằng cách đưa ra hai mô hình đơn giản nắm bắt các đặc tính chính của AI và các công nghệ liên quan làm cơ sở cho những lo ngại về tiến bộ công nghệ gần đây. AI có khả năng tiết kiệm tài nguyên và tiết kiệm lao động, làm mất giá trị các nguồn lợi thế so sánh của nhiều nước đang phát triển, làm xấu đi các tỷ giá trao đổi hàng hóa của các nước này và có khả năng làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn nếu xét theo giá trị tuyệt đối. Chúng tôi cho thấy rằng các đổi mới công nghệ có thể tiết kiệm lao động ngay cả trong dài hạn khi vốn dự trữ trong nền kinh tế đã điều chỉnh theo những phát triển công nghệ mới. Một số quốc gia (ví dụ như Trung Quốc) đã trải qua một sự chuyển đổi kinh tế đủ sâu đến mức lợi thế so sánh của họ đã thay đổi, để họ có thể nằm trong số những người chiến thắng trong cuộc cách mạng AI. Tuy nhiên, đối với các quốc gia khác, AI có thể ngăn cản hoặc đảo ngược sự hội tụ đối với tiêu chuẩn sống với các quốc gia giàu có mà họ đã trải qua trong nhiều thế kỷ qua. 

Các công nghệ thông tin như AI cũng có xu hướng làm phát sinh độc quyền tự nhiên, tạo ra một nhóm nhỏ các công ty được gọi là các ‘gã công nghệ khổng lồ’ đóng tại một vài quốc gia hùng mạnh nhưng cung cấp dịch vụ cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tốc độ và hướng tiến bộ công nghệ do thị trường lựa chọn nói chung là không tối ưu. Điều này tạo ra khả năng thúc đẩy sự đổi mới trong AI và các công nghệ khác theo hướng tăng phúc lợi xã hội toàn cầu, chẳng hạn bằng cách bảo tồn Trái Đất, hoặc tạo ra các cơ hội việc làm mới, hơn là thay thế lao động mà đang tạo ra nhiều thất nghiệp và bất bình đẳng hơn. Với định hướng đổi mới công nghệ phần lớn được đặt ra bởi các chính sách ở các nước tiên tiến, không có gì giả định rằng quá trình đổi mới công nghệ sẽ có những hình thức như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi các nước tiên tiến xác định được động lực phổ quát của đổi mới công nghệ, thì vẫn có phạm vi thích ứng đối với các công nghệ sử dụng nhiều lao động hơn ở các nước đang phát triển. 

Lùi lại một bước, chúng tôi đánh giá những lo ngại đã từng được thảo luận về tiến bộ công nghệ là chính đáng ở mức độ nào, dựa trên những gì chúng tôi biết vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều sự không chắc chắn về tác động của trí tuệ nhân tạo, ngay cả giữa các chuyên gia trong lĩnh vực này. Vài người cho rằng AI là ít quan trọng hơn so với những đổi mới công nghệ quan trọng khác trong thế kỷ XX, và sẽ tác động khá hạn chế đối với nền kinh tế, trong khi những người khác đi xa như dự đoán rằng AI sẽ thúc đẩy tiến bộ công nghệ nhanh hơn so với những gì loài người từng chứng kiến trước đây. Chúng tôi cũng thảo luận về cách hài hòa đối với những niềm lạc quan giữa các nhà công nghệ trong thập kỷ qua với dữ liệu kinh tế cho thấy năng suất tăng khá khiêm tốn trong giai đoạn này - được gói gọn bởi cái gọi là ‘câu đố về năng suất’. Cuối cùng, chúng tôi phân tích cách các động lực tạo ra bởi sự tiến bộ trong AI tương tác với những phát triển gần đây khác, đặc biệt là với đại dịch COVID-19, với động lực tăng trưởng dân số và với nhu cầu Chuyển đổi Xanh. 

Với tất cả những điều không chắc chắn xung quanh AI và áp dụng những hiểu biết của chúng tôi về định hướng đưa yếu tố đổi mới công nghệ vào nghiên cứu kinh tế, chúng tôi nhận thấy rằng phúc lợi sẽ được tối đa hóa nếu định hướng nghiên cứu của chính chúng tôi theo hướng mà giá trị gia tăng xã hội mong đợi của phân tích kinh tế là lớn nhất và đặc biệt cần suy nghĩ khó về các sự kiện tiềm ẩn có thể gây xáo trộn cho xã hội của chúng ta.

Để hiểu được bản chất lịch sử của những gì đang diễn ra, chúng ta hãy nhìn vào lịch sử rộng lớn hơn của tiến bộ công nghệ. Nhân loại đã trải qua phần lớn lịch sử của mình ở giai đoạn Malthus, trong đó phần lớn dân số sống ở mức tự cung tự cấp. Cuộc Cách mạng Công nghiệp nâng cao mức sống đã bắt đầu cách đây hơn hai thế kỷ và chỉ là một đốm sáng trong lịch sử nhân loại. Đối với các nước đang phát triển, kỷ nguyên tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trên nền tảng đẩy mạnh sản xuất đã tạo nên Kỳ tích Đông Á kéo dài trong nửa thế kỷ qua – một thời kỳ kéo dài chỉ bằng một phần tư lịch sử của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Có thể dễ dàng hình dung rằng bây giờ chúng ta đang đi vào một thời đại khác. Thậm chí còn có nguy cơ rằng những tổn thất về tỷ giá trao đổi hàng hóa được tạo ra bởi sự tiến bộ trong AI có thể đẩy các nước đang phát triển trở lại thời kỳ tăng trưởng nhờ gia tăng dân số - vốn đã đặc trưng cho phần lớn lịch sử của chúng ta. Nhưng cuộc Cách mạng Công nghiệp cũng mang lại nhiều bài học về cách quản lý sự đổi mới công nghệ theo hướng tích cực: các cuộc cách mạng công nghệ rất dễ gây gián đoạn, nhưng hành động tập thể có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực và tạo ra một môi trường trong đó lợi ích được chia sẻ rộng rãi. Bản chất sử dụng lao động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp mở ra Kỷ nguyên Lao động trong đó lợi ích kinh tế của người lao động cũng làm thay đổi các động lực chính trị theo hướng có lợi cho họ, nhưng có nguy cơ là tiến bộ nhờ tiết kiệm lao động trong tương lai có thể đảo ngược lại xu thế này. Sự suy giảm của ngành sản xuất đặt ra câu hỏi về mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong quá khứ, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng một mô hình phát triển mới tuân theo chiến lược đa hướng hơn có thể hình thành được.

 Câu hỏi về chính sách chủ chốt đối với các nước đang phát triển là làm thế nào để họ có thể cải thiện khả năng đạt được kết quả tốt từ tiến bộ công nghệ. Chúng tôi phác thảo một bộ chính sách cụ thể để đảm bảo rằng các tiến bộ công nghệ dẫn đến sự thịnh vượng được chia sẻ rộng rãi và giảm thiểu các tác động tiêu cực của chúng đối với phân phối thu nhập. Đánh thuế và phân phối lại là một biện pháp đầu tiên để bù đắp cho những người thua thiệt bởi tiến bộ công nghệ, mặc dù phạm vi phân phối lại có thể bị hạn chế ở các nước đang phát triển. Các chính sách chi tiêu có mục tiêu có thể đáp ứng nghĩa vụ kép bằng cách tạo thu nhập cho người lao động và mang lại lợi tức xã hội có giá trị - ví dụ, đầu tư vào giáo dục hoặc cơ sở hạ tầng đều sử dụng nhiều lao động và tăng cường vốn con người và cơ sở hạ tầng vật chất của các quốc gia, cả hai đều giúp giảm khoảng cách kỹ thuật số và để đảm bảo rằng mọi công dân đều có thể tham gia vào các cơ hội mà công nghệ kỹ thuật số mang lại. Để thay thế mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu dựa trên sản xuất, các nước đang phát triển có thể thúc đẩy tiến bộ công nghệ và áp dụng công nghệ theo những hướng mới, một phần bằng cách tận dụng các cơ hội mà AI và các công nghệ kỹ thuật số hiện đại khác mang lại trong nông nghiệp và dịch vụ

Cuối cùng, chúng tôi mô tả một loạt các chính sách ở cấp liên-quốc gia nhằm cải cách hệ thống quản trị toàn cầu của chúng ta theo cách cho phép các nước đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn từ những tiến bộ trong AI và các công nghệ thông tin khác, đồng thời giải quyết những mặt trái của những công nghệ mới này. Một chế độ thuế toàn cầu cho thời đại kỹ thuật số sẽ cho phép các quốc gia tăng thuế đối với các giao dịch diễn ra trong biên giới của họ. Và một mức thuế toàn cầu tối thiểu đối với vốn có thể khuyến khích đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm vốn/sử dụng lao động. Chính sách cạnh tranh cũng ngày càng là một lĩnh vực chính sách vượt ra khỏi biên giới quốc gia vì dấu ấn của những gã khổng lồ kỹ thuật số hoạt động trên quy mô toàn cầu được hưởng những ưu đãi từ chính quyền, và do đó bóp méo cạnh tranh. Các chế độ sở hữu trí tuệ hiện tại không phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của các nước đang phát triển và có thể cải cách được. Hơn nữa, việc giải quyết chính sách thông tin bao gồm quy định về dữ liệu ở cấp liên quốc gia sẽ mang lại tiếng nói cho các nước đang phát triển – những quốc gia mà hiện giờ vẫn không thể ảnh hưởng đến việc thiết kế các chính sách đó.

Phần còn lại của bài viết này được tổ chức như sau. Trong phần thứ hai, chúng tôi giới thiệu hai mô hình đơn giản để đưa ra cái nhìn tổng quan về những rủi ro của tự động hóa và sự gián đoạn do AI có thể gây ra trong lĩnh vực kinh tế. Trong phần thứ ba, chúng tôi thảo luận về những bất ổn xung quanh bản chất và mức độ của các tác động cũng như bối cảnh rộng lớn hơn. Phần thứ tư xem xét những gì chúng ta có thể học được từ bức tranh lịch sử lớn hơn về tiến bộ công nghệ. Phần thứ năm trình bày vai trò quan trọng của chính sách chính phủ trong việc quản lý các tác động của tiến bộ công nghệ và cho phép chia sẻ rộng rãi những lợi ích của đổi mới công nghệ. Phần thứ sáu phân tích cách hệ thống quản trị toàn cầu của chúng ta cần được cập nhật để cho phép các nước đang phát triển tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí của những tiến bộ công nghệ trong AI và các công nghệ kỹ thuật số khác.

 

2. NHỮNG RỦI RO TIỀM ẨN CỦA TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ

 Trong gần như toàn bộ nửa thế kỷ qua, đã có giả định rằng tiến bộ công nghệ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - được thể hiện bằng lời thuyết giảng đặc trưng của chủ nghĩa tân tự do. Giả định này không được hỗ trợ bởi lý thuyết cũng như bằng chứng. Thật vậy, lý thuyết kinh tế luôn cho rằng những tiến bộ trong công nghệ có thể tạo ra kẻ thắng người thua và không nhất thiết mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và một số quốc gia có thu nhập cao khác trong nửa thế kỷ qua cho thấy những lo lắng như vậy là chính đáng: phần lớn lợi ích của tăng trưởng đã thuộc về những người đứng đầu và một phần lớn những người ở dưới cùng của chuỗi phân phối thu nhập bị suy giảm thu nhập trên thực tế.

Trong các phần tiếp theo, chúng tôi giới thiệu một số kết quả phân tích mô tả lý do tại sao những tiến bộ trong AI có thể vừa tiết kiệm lao động hoặc tiết kiệm tài nguyên, vừa có thể khiến một số quốc gia đang phát triển trở nên tồi tệ hơn.

 Trong bối cảnh của một nền kinh tế cạnh tranh, chúng ta có thể coi tiến bộ công nghệ là sự dịch chuyển các đường đẳng lượng để nắm bắt những yếu tố đầu vào mà nền kinh tế cần để tạo ra một lượng đầu ra nhất định. Trong bảng bên trái của Hình 1, chúng tôi minh họa sự tiến bộ trong nền kinh tế trong đó sản lượng được tạo ra bằng cách kết hợp vốn (𝐾𝐾) và lao động (𝐿𝐿) để tạo ra một sản lượng nhất định; chúng ta có thể sử dụng nhiều vốn hơn hoặc nhiều lao động hơn. Tiến trình dịch chuyển các đường đẳng lượng vào bên trong hàm ý rằng chúng ta cần ít đầu vào hơn để tạo ra một đầu ra nhất định. (Trong một nền kinh tế có nhiều hàng hóa, chúng ta cũng có thể nắm bắt được tiến bộ công nghệ dịch chuyển ra gần với đường giới khả năng sản xuất, phản ánh cách thức sử dụng vốn dành cho một yếu tố nhất định để sản xuất các hàng hóa khác nhau: tiến bộ có nghĩa là chúng ta có thể tạo ra được nhiều sản lượng hơn từ một yếu tố đầu vào nhất định) Nhưng sự gia tăng khả năng sản xuất này nói chung không cho chúng ta biết lợi ích thu được từ quá trình tiến bộ công nghệ sẽ được phân phối như thế nào.

VỀ TÁC GIẢ

Anton Korinek là Giáo sự Kinh tế học tại Khoa Kinh tế, Đại học Virginia.

Joseph E. Stiglitz là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Columbia. Ông từng được trao Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, và từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton.

*

Nguồn: http://www.nber.org/papers/w28453

  

  

  

  

  

  

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: