“XƯỚNG Y” VÀ “CỔ PHÁP” CÓ NGHĨA LÀ GÌ? - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG

12/ 04/ 2022

Trong THIỀN UYỂN THANH QUI 禪 苑 清 規 (卍續藏 (X) » 第 63 冊 » No.1245) do Tôn Trách 宗 賾 biên soạn năm 1103 có một đoạn dài nói về việc xướng y chi pháp 唱 衣之法 (tức là bán đấu giá quần áo, XƯỚNG 唱 là hô to giá của món đồ đang được đấu giá) có thể tóm tắt như sau: các quần áo và vật dụng cá nhân của vị sư quá cố được đem trưng bày trong một sảnh đường sau khi việc bán đấu giá đã được thông báo bằng cách niêm yết lên bảng. Khi có chuông báo các nhà sư tiến vào sảnh đường. Trước hết cần phải tụng kinh cho vị sư đã chết, sau đó việc bán đấu giá được tiến hành bởi vị duy na 維 那 (phiên âm tiếng Phạn karmadana). Vị duy na này biết rõ giá trị của các món đồ đem đấu giá và tình trạng mới hay cũ của chúng. Vị này có nhiệm vụ nhắc nhở các nhà sư khác không nên quá “hăng máu” trong việc trả giá để khỏi ân hận về sau. Trừ phi kho tu viện có thêm các mặt hàng khác để đấu giá trong một kỳ bán đấu giá phụ gọi là ký xướng 寄 唱 còn không có đồ đạc nào khác của các vị sư khác được đem ra bán cùng một lúc. Sau đó kết thúc là việc tụng kinh cho vị sư quá cố. Số tiền thu được trong việc bán sau khi trừ vào tiền phí tổn ma chay nếu còn dư sẽ được chia cho các vị sư tụng kinh hay tham gia trong tang lễ hoặc đơn thuần chỉ xuất hiện trong buổi bán đấu giá. Nếu vị sư quá cố khá giàu, nghĩa là số tiền bán được khá lớn một phần tiền gọi là “trừu phần” sẽ được trích ra nộp vào quỹ chung của tu viện. Tất cả biên bản về cuộc bán đấu giá đều được lưu trữ trong sổ sách của tu viện.

Cũng theo tác phẩm THIỀN UYỂN THANH QUI nói trên thì nếu một tu viện trưởng về hưu hay phải rời tu viện do tuổi già sức yếu hay do bất kỳ lý do nào khác, các vật dụng tư trang cá nhân của vị đó cũng được bán đấu giá theo phương pháp tương tự.

Một văn bản quan trọng khác là BÁCH TRƯỢNG THANH QUI 百 丈 清 規 (大正新脩大正藏經 Vol. 48, No. 2025) do Đức Huy 德 輝 biên tập lại vào năm 1336-1338 căn cứ trên bản luật gốc của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải 懷 海 (749-814) biên soạn tại Bách Trượng Sơn (trong tỉnh Giang Tây bây giờ). Tác phẩm biên tập lại vào đời Nguyên này cũng mô tả chi tiết các cuộc bán đấu giá trong tu viện nhưng không gọi là xướng y mà gọi là CỔ PHÁP 估法. Tác phẩm này nói thêm: “Để tránh tiếng ồn ào hỗn loạn nên gần đây đã du nhập phương pháp rút thăm” (近 來 為 息 喧 亂 多 作 鬮 拈 法 cận lai vị tức huyên loạn đa tác cưu niêm pháp. CƯU 鬮 = gắp lấy, dùng vật gì đấy để bói, thí dụ: thám cưu = rút thẻ.).  Sau khi bán đấu giá nếu còn dư lại món gì các nhà sư trong tu viện không mua thì sẽ đem bán ra cho quần chúng ngoài tu viện. Theo một văn bản BÁCH TRƯỢNG THANH QUI vào đầu thế kỷ XVIII có kèm theo lời bình giải thì giá các món đồ này chỉ bằng 70% giá thị trường ưu tiên bán cho các nhà sư du tăng (hành đơn 行 單). Tập tục này có tên là CỔ XƯỚNG 估 唱 (cổ = trả giá). Căn cứ trên các tài liệu này chúng ta có thể suy đoán rằng việc bán đấu giá trong các tu viện Phật giáo bắt đầu suy tàn dần vào cuối đời nhà Nguyên.

Đó là tình hình trong các tu viện Trung Quốc, còn Phật Giáo Ấn Độ thì sao?

Một văn bản Luật Tạng được dịch vào thời Sơ Đường là Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Ni Đà Na Mục Đắc Ca 根本說一切有部尼陀那目得迦( ĐẠI CHÍNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH 大正新脩大正藏經 cuốn 24, No. 1452) do Nghĩa Tịnh 義 淨 (635-713) dịch  lại cũng nói rằng tại Ấn Độ phải xử lý các tư trang cá nhân của vị sư quá cố bằng cách bán đấu giá.

Nguyên tác Phạn ngữ của bộ Luật Tạng nói trên là Mūlasarvāstivāda vinaya (Nghĩa Tịnh chỉ dịch một phần trong bộ Luật Tạng khổng lồ này, dày hơn 8 ngàn trang, bản dịch sang ngôn ngữ Tây Tạng, ấn bản Derge, gồm 13 tập). Bộ Luật Tạng này chủ yếu thông dụng ở Tây Tạng và Mông Cổ. Tại Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu tăng ni hành trì theo Tứ Phần Luật. 

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

Gregory Schopen, Buddhist Monks and Business Matters (University of Hawai’i Press, 2004). Schopen là chuyên gia hàng đầu thế giới về Luật Tạng, đặc biệt là bộ luật Mūlasarvāstivāda vinaya có nhắc đến ở trên.  

Yifa, The Origins of Buddhist Monastic Codes in China (University of Hawai’i Press, 2002). Đây là bản dịch trọn vẹn bộ THIỀN UYỂN THANH QUI của Tôn Trách sang tiếng Anh với nhiều chú giải hết sức giá trị.

TS. Dương Ngọc Dũng - Giám đốc Điều hành Thư Hiên Dịch Trường

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: