• ĐẠI KIỆT TÁC TRIẾT HỌC "MỘT NGHIÊN CỨU VỀ CÁC NGUYÊN TẮC NHẬN THỨC CỦA CON NGƯỜI" CỦA GEORGE BERKELEY
    06/ 12/ 2021
    Công trình triết học Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người (1710) là một đại kiệt tác của George Berkely, được ông xuất bản lúc 25 tuổi, giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử thuyết duy nghiệm nói riêng và lịch sử triết học phương Tây nói chung. Luận điểm trung tâm của nó là mệnh đề cho rằng thế giới vật lý không thể tồn tại độc lập với tinh thần đang tri giác, qua câu cách ngôn “esse est percipi” (tồn tại là được tri giác). Mục đích của George Berkeley khi viết công trình này, theo như lời ông, là: “Mục đích của tôi là cố gắng, nếu có thể, phát hiện xem đâu là những nguyên tắc đã đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học; đến mức những người thông thái nhất cũng đã tưởng rằng sự ngu dốt của chúng ta là vô phương cứu chữa, và cho rằng tình trạng ấy xuất phát từ sự trì độn tự nhiên và những giới hạn của các quan năng của chúng ta.” Công trình này đã được dịch giả Đinh Hồng Phúc và Mai Sơn dịch ra tiếng Việt, với sự hiệu đính của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, và đã được Nxb. Tri thức xuất bản năm 2013. Trang nhan đề của ấn bản lần thứ nhất (1710) Trang bìa của bản dịch tiếng Việt (2013) Trong phần Dẫn nhập, Berkeley chủ yếu tập trung phê phán học thuyết của Locke về các ý niệm trừu tượng như là một nguyên tắc sai lầm cơ bản đã “đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học” (§4). Đối với Locke, và nhiều triết gia khác, trí óc hay tinh thần “có năng lực tạo ra những ý niệm trừu tượng” (§6) bằng cách thực hiện thao tác tách biệt trong tư tưởng các yếu tố hay các thuộc tính của các sự vật cá biệt ra thành những cái cấu thành đơn giản để rút ra yếu tố hay thuộc tính mà các sự vật cá biệt đều có chung, tức những cái phổ biến. Berkeley công kích học thuyết này bằng luận điểm cho rằng thao tác trừu tượng hóa các ý niệm như thế là điều ta không thể làm được, và nguồn gốc của sai lầm ấy chính là quan điểm ngộ nhận về công dụng của ngôn ngữ: mục đích của ngôn ngữ là truyền đạt các ý niệm của ta và mọi tên gọi (names) có nghĩa đều biểu thị một ý niệm trừu tượng. Đối với Berkeley, ngôn ngữ chỉ biểu thị các ý niệm phổ biến (general ideas) chứ không biểu thị bất cứ một ý niệm trừu tượng nào. Do đó, phương cách để ta có thể đi đến chân lý và tránh mọi sai lầm là hãy “loại bỏ trở ngại và sự lừa dối của những từ ngữ ra khỏi những đệ nhất nguyên nhân của nhận thức” (§25). Cấu trúc của sách gồm phần: Dẫn nhập (gồm 25 tiểu đoạn) và Phần I (gồm 156 tiểu đoạn). Toàn bộ nội dung của phần I được Berkeley triển khai thành 156 tiểu đoạn một cách liền mạch nhau. Về sau, để giúp độc giả nắm bắt nội dung trình bày của Berkeley được dễ dàng hơn, các nhà biên tập các tác phẩm của Berkeley đã phân chia phần I thành các nhóm tiểu đoạn như sau: 1) Đối tượng và chủ thể của nhận thức (§§1-2); 2) Những luận cứ ủng hộ thuyết phi vật chất (§§3-33); 3) Những luận cứ phản bác và trả lời (§§34-84); và 4) Những hệ quả và áp dụng quan niệm của Berkeley (§§85-156). Trước hết, trong nhóm tiểu đoạn đầu tiên, Berkeley xác định đối tượng và chủ thể của nhận thức con người. Các đối tượng của nhận thức là các ý niệm, và các ý niệm này gồm ba loại: “các ý niệm đã in sâu vào các giác quan”, “các ý niệm được ghi nhận khi lưu ý đến những xúc cảm của tâm hồm và những hoạt động của tinh thần”, và “các ý niệm được hình thành nhờ ký ức và trí tưởng tượng”. Chủ thể của nhận thức, theo Berkeley, không phải là những con người cá nhân (persons), mà là “tinh thần”, hay còn gọi bằng những cái tên khác là: “tâm trí”, “linh hồn” hay “bản ngã”. Đây là một thực thể tri giác năng động, hoàn toàn khác với ý niệm, là cái tri giác các ý niệm, là nơi để các ý niệm hiện hữu: “sự tồn tại của một ý niệm  là ở chỗ nó được tri giác”. Từ chỗ xác định được đối tượng và chủ thể của nhận thức, Berkeley bắt đầu khai triển những luận cứ ủng hộ cho thuyết phi vật chất (immaterialism) của mình qua 30 tiểu đoạn tiếp theo. Luận cứ xuất phát cho thuyết phi vật chất của Berkeley là “không có bất cứ bản thể nào khác ngoài tinh thần” (§7). Luận cứ này được nêu ra để phản bác lại học thuyết về ý niệm trừu tượng là học thuyết cho rằng mọi đối tượng khả giác là các tồn tại độc lập, hoàn toàn khác với các tồn tại được tri giác. Đối với Berkeley, lối phân biệt này tỏ ra không chính đáng ở chỗ sự trừu tượng hóa đã vượt ra khỏi phạm vi tác động của nó. Tôi chỉ có thể trừu tượng hóa một đối tượng nào đó trong chừng mực tôi nhận biết đối tượng ấy một cách biệt lập, chứ tôi không thể tách nó ra khỏi tri giác của tinh thần ở nơi tôi về chúng như là một thực thể tự tồn: “Mọi vật thể tạo nên cái cấu trúc vĩ đại của thế giới, đều không có một sự tự tồn nào ở bên ngoài một tinh thần” (§6). Như vậy, thế giới chỉ có một bản thể duy nhất là tinh thần, còn cái gọi là “vật chất” (matter) hay “cơ chất” (substratum) của các ý niệm không thể nào được coi là bản thể. Theo Berkeley, vì các sự vật mà ta ý thức trực tiếp đều có các tính chất hạng hai và vì các tính chất ấy chỉ hiện hữu trong tinh thần, cho nên cái ta ý thức chính là “các ý niệm trong tinh thần”, chứ không phải là các đối tượng thuộc thế giới bên ngoài. Hơn nữa, căn cứ theo nguyên tắc về tính tương tự, chỉ có ý niệm mới giống với ý niệm, chứ không giống với bất cứ cái gì không thể tri giác được, ông suy ra rằng không có cái tương tự với ý niệm nào ở trong cái gọi là vật chất cả. Ông khẳng định: “Bất kỳ màu sắc hay quảng tính nào, hay bất kỳ tính chất khả giác nào đều tuyệt nhiên không thể tồn tại trong một chủ thể vô tư tưởng, bên ngoài tinh thần”. Về điểm này, rõ ràng Berkeley đang “đặt vấn đề” đối với thuyết duy vật, cụ thể là mấy vấn đề như sau: Một là, chính ý niệm về vật chất (hay bản thể hữu hình) là một ý niệm đầy mâu thuẫn, ở chỗ nó cho rằng các tính chất chỉ ở trong bản thể tinh thần lại có thể ở trong bản thể không phải tinh thần. Hai là, thuyết duy vật đang dẫn ta tới thuyết duy thực gián tiếp về tri giác, và từ đó dẫn tới thuyết hoài nghi. Các ý niệm tuy không thể tự tồn, nhưng chúng được các nhà duy vật giả định là bản sao của các hiện hữu độc lập với tinh thần (§15). Nhưng các đối tượng của giác quan biến đổi liên tục, trong khi đó các bản gốc của chúng lại được cho là bất biến, cho nên chúng không thể nào là bản sao trung thực các bản gốc của chúng được. Ba là, khái niệm về vật chất là vô nghĩa (§17), bởi lẽ các khái niệm về bản thể và cơ chất, về cái nâng đỡ cho quảng tính là cái gì rất mơ hồ và trừu tượng đến mức không thể hiểu được. Tiếp theo việc nêu luận cứ chủ đạo rằng không thể có bất cứ đối tượng nào tồn tại ở bên ngoài tinh thần, vì những đối tượng như thế, về nguyên tắc, là không thể tri giác được, Berkeley tiến hành xem xét và đáp trả các luận cứ phản bác triết học học thuyết phi-vật chất (từ tiểu đoạn §34 đến tiểu đoạn §84). Sự đáp trả các luận cứ phản bác ấy cũng chính là những phát biểu của ông về học thuyết duy tâm của mình, về sau người ta gọi là thuyết duy tâm chủ quan (subjective idealism). Về đại thể, các luận cứ phản bác này có thể gom lại thành các nhóm chính: 1) luận cứ từ phía những người bình thường; 2) luận cứ từ phía các nhà khoa học; và 3) luận cứ từ phía tôn giáo. Trước hết, với các luận cứ phản bác từ phía những người bình thường, Berkeley trả lời rằng hệ thống triết học của ông không phủ nhận sự tồn tại của bất cứ cái gì có thể tri giác, không phủ nhận những gì mắt thấy tai nghe, – chúng có tồn tại hay không thì cũng chẳng có chuyện trời rung đất chuyển nào hết miễn là chúng hãy làm ơn “ở trong tinh thần” giùm ông; điều ông phủ nhận là các nhà duy vật cứ khăng khăng về sự tồn tại của một bản thể không thể tri giác nào đó được gọi là “vật chất” hay “bản thể hữu hình” nâng đỡ cho các tồn tại có hình dạng, quảng tính, vận động, v.v. Đối với các luận cứ phản bác từ phía khoa học, Berkeley trả lời rằng hệ thống triết học của ông không có hại gì cho khoa học cả, nếu lĩnh vực này được hiểu một cách đúng đắn. Công việc của khoa học không phải là đưa ra sự giải thích siêu hình học mà là phát biểu các quy luật vận hành quan sát được trong giới tự nhiên sao cho rõ ràng nhất. Vì thế thuyết duy tâm và thuyết phi vật chất của ông không những tương thích với sự thực hành khoa học đúng đắn, mà chúng còn thực sự hữu ích để khoa học loại trừ các khái niệm hàm hồ gây cản trở bước đường nhận thức của con người. Cuối cùng là các luận cứ phản bác từ phía tôn giáo. Berkeley cho rằng dù ngôn ngữ của Kinh thánh có nói đến “vật chất” (các thực tại núi sông, cây cỏ, con người, v.v.,) nhưng không cùng cách hiểu với nhà duy vật về khái niệm ấy, tức vật chất là một cơ chất trơ ì không thể tri giác. Và do chỗ vai trò đích thực của ngôn ngữ là “biểu thị các quan niệm của chúng ta, hay các sự vật chỉ trong chừng mực chúng được ta nhận biết” (§83), nên nguyên tắc trình bày của ông không có gì mâu thuẫn với phép tắc của ngôn ngữ. Thêm nữa, các trường hợp về phép màu trong Kinh thánh (cây quyền trượng của Moise biến thành con rắn, nước biến thành rượu), học thuyết ấy không làm cho chúng mất linh nghiệm, bởi lẽ nó thừa nhận việc “cây quyền trượng đã biến thành con rắn” và “nước đã biến thành rượu” là có thật. Do đó, tương tự như đối với hai nhóm luận cứ nói trên, thì với nhóm luận cứ này, thuyết phi vật chất của ông không nguy hiểm như người ta lầm tưởng. Sau khi trả lời các luận cứ phản bác có thể có từ nhiều phía khác nhau, Berkeley dành 49 tiểu đoạn tiếp theo, từ §85 đến §134, để xem xét những lợi ích mà học thuyết của ông có thể mang lại cho các hoạt động nhận thức của con người, cụ thể là đối với triết học, các môn khoa học và cả tôn giáo nữa. Về đại thể, lợi ích mà học thuyết phi vật chất có thể mang lại cho triết học là ở chỗ nó loại bỏ hết các “câu hỏi khó và tối nghĩa mà người ta đã hoài công phí sức để suy xét” (§85), và một khi làm được điều đó thì thuyết hoài nghi cũng như thuyết vô thần sẽ không còn cơ sở nào để tồn tại, người ta sẽ tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian trong việc tìm chân lý. Đối với khoa học, những lợi ích mà học thuyết này mang lại được Berkeley xem xét ở “hai lĩnh vực lớn” là khoa học tự nhiên và toán học. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, mục đích của ông là chống lại luận điểm của các nhà hoài nghi rằng bản chất thực của sự vật là cái gì ta không thể biết về nguyên tắc. Cơ sở của luận điểm này là cách giải thích khoa học của cơ học Newton. Quan điểm của Berkeley là về nguyên tắc bao giờ ta cũng lĩnh hội được cái bản chất thực của sự vật. Các nhà khoa học không nên cố công đi tìm nguyên nhân tác động trong giới tự nhiên, bởi lẽ các nguyên lý của cơ học không thể giúp ta giải thích được những quy luật cơ bản của tự nhiên như lực hút và sự cố kết của sự vật. Cách giải thích theo nguyên tắc “sự tương tự giữa các sự biến” ở các nhà khoa học rất dễ sa đà vào xu hướng tuyệt đối hóa, “biến nó thành định lý tổng quát”, do đó sẽ “gây thiệt hại nặng nề cho chân lý” (§106). Nguyên lý triết học của thuyết phi vật chất sẽ giúp cho các nhà khoa học nhận ra rằng sự tương tự lớn nhất của mọi sự biến là coi thế giới tự nhiên là công trình của một Tác nhân khôn ngoan và lòng lành, tức Thượng đế, và cách giải thích duy nhất đúng đắn các sự biến ấy là bằng những nguyên nhân tối hậu, chứ không phải những nguyên nhân tác động. Các tiểu đoạn cuối cùng của Các nguyên tắc từ §135 đến §156, chủ đề Berkeley bàn là các tinh thần và Thượng đế. Vì tinh thần là “bản thể hay cái nâng đỡ duy nhất trong đó các tồn tại không-tư duy hay các ý niệm có thể hiện hữu” (§135), đồng thời, theo nguyên tắc về tính tương tự, chỉ có ý niệm mới tương tự với ý niệm, nên ta không thể tạo ra một ý niệm về tinh thần. Chúng ta chỉ có thể tạo ra một khái niệm về tinh thần mà thôi. Khái niệm khác với ý niệm ở chỗ nó không đưa ra một bức tranh chứa nội dung xác thực về sự vật được biểu thị, trái lại nó là kết quả của sự phản ánh giữa ý niệm của ta với những ý niệm trong tâm trí của người khác theo nguyên tắc tương tự. Cứ cho là ta không có ý niệm về các tinh thần ở người khác, ta vẫn có thể suy ra được sự hiện hữu của các tinh thần ấy qua việc quan sát những biến đổi trong các ý niệm ta tri giác. Ta có thể rút ra được khái niệm về tinh thần từ việc ta quan sát bản ngã hay linh hồn của mình, rồi từ đó “thông qua linh hồn của mình mà ta biết được linh hồn của người khác” (§140). Sở dĩ ta làm được như vậy là nhờ có tác lực (agency) của Thượng đế, tác lực này hiện diện khắp nơi và cung cấp một hậu cảnh ổn định trên đó diễn ra mọi quan hệ nhân quả để ta có thế nắm bắt được tinh thần của những người khác. “Chỉ có mỗi mình Ngài là đấng, dùng lời quyền năng của mình mà nâng đỡ vạn vật, duy trì mối tương giao ấy giữa các tinh thần, qua đó các tinh thần có thể tri giác sự tồn tại của nhau” (§147). Có thể thấy, toàn bộ dự án triết học của Berkeley được triển khai trong công trình Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người này là biện minh cho những chân lý trong Phúc âm về sự hiện hữu của Thượng đế như là bản thể đích thực của mọi tồn tại, mọi trật tự tự nhiên và như là nguồn suối của mọi nhận thức của con người. Vì thế, triết học, cụ thể là thuyết phi vật chất, của ông không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc đánh đổ mọi quan niệm lầm lạc về Thượng đế và khơi gợi nơi người đọc một “xúc cảm sùng kính về sự hiện diện của Thượng đế” để họ “biết tôn kính và hoài bão những chân lý bổ ích của Phúc âm” (§156). Đ.H.P.
  • BỘ SÁCH "NHỮNG NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN"
    13/ 12/ 2021
    Bộ sách bao gồm 9 cuốn của các nhà tư tưởng lớn: 1. Nhà Tư Tưởng Lớn - Adam Smith Trong 60 Phút 2. Nhà Tư Tưởng Lớn - Habermas Trong 60 Phút 3. Nhà Tư Tưởng Lớn - Hegel Trong 60 Phút 4. Nhà Tư Tưởng Lớn - Heidegger Trong 60 Phút 5. Nhà Tư Tưởng Lớn - Kant Trong 60 Phút 6. Nhà Tư Tưởng Lớn - Rousseau Trong 60 Phút 7. Nhà Tư Tưởng Lớn - Sartre Trong 60 Phút 8. Nhà Tư Tưởng Lớn - Nietzsche Trong 60 Phút 9. Nhà Tư Tưởng Lớn - Freud Trong 60 Phút Về tác giả, Dr.Walther Ziegler là tiến sĩ triết học và giáo sư đại học. Ông là tác giả của nhiều sách về triết học. Nhờ kinh nghiệm lâu năm làm báo, ông thành công trong việc diễn giải những kiến thức phức tạp một cách lôi cuốn và dễ hiểu. Về bộ sách, mỗi cuốn sách viết về một triết gia lớn trên thế giới, tập hợp toàn bộ tư tưởng của một triết gia, được trình bày vỏn vẹn trong gần 200 trang sách, bạn có thể chỉ cần 60 phút để đọc hết. Phải giỏi quán xuyến thế nào để có thể trình bày thành một hệ thống kiến thức đầy đủ và phức tạp như thế! Walther Ziegler đã cống hiến cho bạn đọc những tư tưởng nòng cốt của từng triết gia, cùng với những lời trích dẫn và nhiều ví dụ nhằm mang đến những tác phẩm của các triết gia ở các khía cạnh dễ hiểu, thú vị, và mang tính thời sự cao. Trong cuốn Nhà tư tưởng lớn – Kant trong 60 phút, Walther Ziegler đã trình bày những công trình, tư tưởng của Kant một cách rõ ràng và mạch lạc. Kant đã quan tâm đến những câu hỏi thật đơn giản. Bằng cách nào các hình ảnh và các nhận thức đến trong đầu chúng ta? Chúng ta có thể biết điều gì một cách chắc chắn và điều gì thì không? Đâu là điều ta có thể hi vọng? Hay như trong cuốn Nhà tư tưởng lớn – Sartre trong 60 phút, sự thật của một con người nằm ở đâu? Liệu nó đã được cố định hay tìm thấy đâu đó rồi? Sartre cho rằng, trong đời mỗi người, chúng ta không ngừng phát hiện và phân tích mình. Chúng ta cũng luôn luôn tìm hiểu và phân tích cả những người quanh mình, khi ta nghĩ tới họ, nói, viết về họ - kể cả khi họ còn sống hay đã chết. Có lẽ việc xác định ta là ai là một quá trình suy xét không ngừng nghỉ về chính ta trong phương cách ta sống ở đời, trong mối tương giao giữa ta và người khác, trong những hoàn cảnh ta phải đương đầu. Xác định ai đó chỉ đơn giản qua tên gọi hay danh phận là hời hợt lắm chăng? Bạn muốn dấn mình vào lãnh địa triết học? Mời bạn hãy đến với bộ sách này. Bộ sách hiện có tại Thư Hiên, mời bạn ghé lấy!
  • NHỮNG QUYỂN SÁCH VĨ ĐẠI CỦA THẾ GIỚI PHƯƠNG TÂY 3
    20/ 12/ 2021
    Tập 31 René Descartes Nhưng quy tắc hướng dẫn tâm trí Phương pháp luận Những suy niệm siêu hình học Các phản bác chống lại Những suy niệm và những trả lời Hình học Benedict de Spinoza Đạo đức học Tập 32 John Milton Những bài thơ ngắn Thiên đường đã mất Sam-sôn đấu sĩ Areopagitica Tập 33 Blaise Pascal Những lá thư tỉnh lẻ Suy tưởng Những tiểu luận toán học và khoa học Tập 34 Sir Isaac Newton Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên Quang học Christiaan Huygens Khảo luận về ánh sáng Tập 35 John Locke Một lá thư về sự bao dung Khảo luận thứ hai về chính quyền Một tiểu luận về giác tính con người George Berkeley Các nguyên lý của tri thức con người David Hume Một truy vấn về giác tính con người Tập 36 Jonathan Swift Gulliver du ký Laurence Sterne Cuộc đời và ý kiến của quý ông Tristram Shandy Tập 37 Henry Fielding Tom Jones: đứa trẻ vô thừa nhận Tập 38 Charles de Secondat, Baron de Montesquieu Tinh thần pháp luật Jean Jacques Rousseau Luận về nguồn gốc bất bình đẳng Luận về kinh tế chính trị Khế ước xã hội Tập 39 Adam Smith Truy vấn về bản chất và nguyên nhân của của cải của các dân tộc Tập 40 Edward Gibbon Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (phần 1) Tập 41 Edward Gibbon Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (phần 2) Tập 42 Immanuel Kant Phê phán lý tính thuần túy Đặt cơ sở cho siêu hình học đức lý Phê phán lý tính thực hành Trích từ Siêu hình học đức lý Lời tựa và lời giới thiệu cho các yếu tố siêu hình học của Đạo đức học với ghi chú về Lương tâm Giới thiệu tổng quát về siêu hình học đức lý Khoa học pháp quyền Phê phán năng lực phán đoán Tập 43 Văn bản lập quốc Hoa Kỳ Tuyên ngôn độc lập Các điều khoản hợp bang Hiến pháp Mỹ Alexander Hamilton, James Madison, John Jay Luận cương chủ nghĩa liên bang John Stuart Mill Bàn về tự do Chính thể đại diện Thuyết công lợi Tập 44 James Boswell Cuộc đời Tiến sĩ  Samuel Johnson Tập 45 Antoine Laurent Lavoisier Các biến đổi của hóa học Jean Baptiste Joseph Fourier Lý thuyết phân tích nhiệt Michael Faraday Những nghiên cứu thực nghiệm về điện Tập 46 Georg Wilhelm Friedrich Hegel Triết học pháp quyền Triết học lịch sử Tập 47 Johann Wolfgang von Goethe Faust Tập 48 Herman Melville Moby Dick; hay, Cá voi trắng Tập 49 Charles Darwin Nguồn gốc các loài Dòng dõi con người, và Quá trình chọn lọc liên quan đến giới tính Tập 50 Karl Marx Tư bản Karl Marx và Friedrich Engels Tuyên ngôn của đảng cộng sản Tập 51 Count Leo Tolstoy Chiến tranh và hòa bình Tập 52 Fyodor Mikhailovich Dostoevsky Anh em nhà Karamazov Tập 53 William James Các nguyên lý tâm lý học Tập 54 Sigmund Freud Nguồn gốc và sự phát triển của tâm phân học Những bài chọn lọc về chứng Hysteria Sự khai sáng về tính dục đối với trẻ em Những triển vọng tương lại của liệu pháp tâm phân học Những quan sát về tâm phân học ‘hoang dã’ Diễn giải giấc mơ Về chứng ái kỷ Bản năng và những thăng giáng của chúng Sự dồn nén Cái vô thức Nhập môn tổng quát về tâm phân học Sâu xa hơn nguyên lý khoái cảm Tâm lý học đám đông và phân tích cái tôi Cái tôi và cái nó Những tự ti, triệu chứng, và sự lo hãi Những suy nghĩ trong thời gian chiến tranh và chết chóc Văn minh và những bất mãn của nó Những bài giảng dẫn nhập mới vào tâm phân học
  • YÊU SÁCH CỦA ANTIGONE - JUDITH BUTLER
    27/ 12/ 2021
    Công trình Yêu sách của Antigone, với nhan đề phụ là Thân tộc giữa sự sống và cái chết, là sự kết tinh các bài giảng của nữ triết gia Mỹ Judith Butler, tại các trường đại học danh giá như Đại học California, Cornell và Princeton, về vở kịch Antigone của Sophocles, một vở kịch có ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử triết học Tây phương. Sự xuất hiện Yêu sách của Antigone là một sự kiện trọng đại trong đời sống học thuật Mỹ trong hai mươi năm qua. Công trình này đã được tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, một giảng viên trẻ và tài năng của Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, dày công biên dịch (Nxb. Phụ Nữ, 2021). Đây là một bản dịch công phu và xuất sắc của chị, và qua việc biên dịch công trình này, chị đã có đóng góp thiết thực trong việc tiếp sinh khí cho đời sống học thuật của chúng ta. Yêu sách của Antigone của Judith Butler là một sự nỗ lực muốn nhận thức lại mối quan hệ giữa thân tộc và nhà nước qua hình tượng nhân vật Antigone trong bi kịch Hy Lạp cổ đại, và qua đó đưa ra một lối đọc mới về hình tượng này trong bối cảnh chính trị xã hội đương đại. Trong công trình này, Judith Butler tra vấn lại cách đọc thống trị trong lịch sử tư tưởng khởi từ Hegel, qua Lacan đến Irigaray về vấn đề tính đại diện của hình tượng Antigone. Với Hegel, nàng Antigone đại diện cho hệ thống thân tộc, thuộc lĩnh vực gia đình, còn nhân vật Creon thì đại diện cho hệ thống chính trị, thuộc lĩnh vực xã hội. Mối quan hệ xung đột giữa hai nhân vật này là sự biểu hiện của mối xung đột giữa thân tộc và nhà nước, và theo logic của diễn trình biện chứng của Hegel, mối xung đột này sẽ được hòa giải theo cách gia đình sẽ bị ... tiêu tan trong nhà nước. Kế tục di sản Hegel, Lacan đặt nàng vào cõi Tượng (the symbolic), tức lĩnh vực lý tưởng hóa của thân tộc và tách biệt với lĩnh vực xã hội, Irigaray coi nàng là đại diện cho sự chuyển đổi từ luật dựa trên người mẹ (maternity) của thân tộc sang luật dựa trên người cha (paternity) qua biểu trưng "máu". Hệ quả của cách đọc này là nàng Antigone, nói cách khác là người nữ, không có bất cứ chỗ đứng nào trong đời sống xã hội với tư cách là công dân. Butler cho rằng đây là cách đọc sai về Antigone, bởi lẽ với tư cách là một nhân vật chính trị, nàng "nhấn mạnh một chỗ khác, không phải chính trị như một câu hỏi về tính đại diện, mà là khả thể chính trị xuất hiện khi các giới hạn cho sự đại diện và tính có thể đại diện có thể bộc lộ ra." (tr.34). Để phản biện lại cách đọc này, bà diễn giải lại thế đứng "bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quan hệ không tạo ra vị trí rõ ràng trong thân tộc" (tr. 118), một mạng lưới trong đó "các đơn vị thân tộc trở nên nhập nhằng không thể phân giải được" (tr. 118). Thân tộc vừa là tình cảnh số phận của Antigone vừa là tập hợp các thực hành mà nàng thực hiện. Trong thế đứng ấy, hành động của nàng dẫn nàng đến chỗ "lặp lại lệch chuẩn của một quy chuẩn". Trong một chỉnh hợp xã hội mọi thứ được biện minh theo quy chuẩn, liệu các trường hợp lệch chuẩn có được biện minh cho sự tồn tại của mình hay không hay chúng sẽ bị tiêu biến đi theo cách nào đó để đảm bảo cho sự vận hành của hệ thống quy chuẩn được trơn tru? Yêu sách của Antigone chính là yêu sách đòi quyền được tồn tại của những thân phận bị đẩy đưa theo dòng số mệnh như bao con người có diễm phúc giữ được vị trí quy chuẩn khác. Yêu sách của nàng đâu có gì lớn lao, chỉ là quyền được than khóc thôi, nhưng sao vẫn là một cái gì xa vời vợi. Sách hiện có ở Thư Hiên, mong bạn có thể ghé qua thưởng lãm.
  • TỒN TẠI VÀ HƯ VÔ: LUẬN VỀ HỮU THỂ HỌC HIỆN TƯỢNG HỌC (1943) CỦA JEAN-PAUL SARTRE
    04/ 01/ 2022
    Jean-Paul Sartre (1905-1980) là một trong những triết gia tiêu biểu của thế kỷ 20. Sự phát triển của tư tưởng triết học của Jean-Paul Sartre có thể phân chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, triết học của Sartre chủ yếu xoay quanh cái cá nhân (l'individu), bắt đầu bằng Tính siêu việt của Tự ngã (1936); giai đoạn thứ hai, triết học của Sartre đi từ cái cá nhân đến cái xã hội (le social), mở đầu bằng các bản thảo Les cahiers pour une morale / Các ghi chép lược thảo cho một nền đạo đức (1946-7, xuất bản lần đầu năm 1983). Công trình Tồn tại và Hư vô: Luận về hữu thể học hiện tượng học / L'Être et le Néant: Essai d'ontologie phénoménologique (1943) chính là tập đại thành tư tưởng triết học của Sartre ở giai đoạn thứ nhất trong sự nghiệp triết học của ông. Đây là một công trình đồ sộ và rất khó đọc, nên việc nắm bắt được các vấn đề trong sách này là một thử thách quá lớn đối với đông đảo bạn đọc. Vì thế, chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Gary Cox, một triết gia đương đại có nhiều công trình nghiên cứu về Jean-Paul Sartre và chủ nghĩa hiện sinh, để bạn đọc có thể nắm bắt những ý chính của Tồn tại và Hư vô, qua bản dịch của dịch giả Đinh Hồng Phúc. Dưới đây là toàn văn bài viết của Gary Cox. Bản gốc tiếng Pháp của Tồn tại và Hư vô (1943) do Nxb. Gallimard ấn hành Bản dịch tiếng Anh năm 1956 của Hazel E. Barnes Kiệt tác của Sartre, công trình triết học chính của ông. Tuy không phải là công trình dày nhất, khoảng độ hơn sáu trăm trang, nhưng nó là công trình quan trọng nhất và gây nhiều ảnh hưởng nhất. Hầu hết các triết gia trên thế giới, khi phân tích thuyết hiện sinh của Sartre họ đều tập trung vào công trình này. Có lẽ, không có một cuốn sách đơn lẻ nào có thể có thẩm quyền được coi là ‘thánh kinh’ của chủ nghĩa hiện sinh, nhưng Tồn tại và Hư vô chắc chắn là một trong những viên đá đặt nền cho trường phái tư tưởng hiện sinh. Với quy mô và cao vọng của nó, với độ dày đặc và phức tạp về cấu trúc và ngôn ngữ của nó, công trình này muốn sánh ngang với các văn bản đồ sộ đầy sức nặng và thách thức của nền triết học Lục địa, như Tồn tại và Thời gian (1927) của Heidegger, Thế giới như ý chí và biểu tượng (1818) của Schopenhauer, hay Hiện tượng học tinh thần (1807) của Hegel, vốn là những công trình đưa ra một cái nhìn chủ toàn, thống nhất và toàn diện, theo cách riêng của chúng, về các đặc điểm bản chất của thân phận con người. Câu hỏi hay mối quan tâm lâu bền của Sartre trong Tồn tại và Hư vô ít nhiều giống với mối quan tâm của ba vị triết gia, vốn là ba nguồn ảnh hưởng chính của ông: Hegel, Husserl và Heidegger. Bản tính của “cái tồn tại” [ám chỉ “con người”. N.D] đang có và đang là mối quan hệ với thế giới, tức là ý thức về thế giới và tác động đến thế giới, tất phải là cái gì? Khi sử dụng phong cách và phương pháp biện chứng của những nguồn triết học ảnh hưởng tới ông làm phương tiện hữu hiệu để bóc ra những mối quan hệ nội tại và nền tảng đang hiện hữu giữa các hiện tượng khác biệt nhau rõ nét, Sartre cho rằng loại tồn tại duy nhất có thể hiện hữu như là mối quan hệ với thực tại hay thế giới là cái tồn tại đang tồn tại, tự mình, hư vô; cái tồn tại mà là một sự phủ định hay sự không-tồn tại. Một số học giả chuyên nghiên cứu về Sartre cho rằng dịch cho chính xác nhan đề tiếng Pháp L’Être et le Néant sang tiếng Anh thì phải dịch là Being and Non-Being [Tồn tại và Không-tồn tại], nhưng cách dịch Being and Nothingness trong tiếng Anh giờ đây đã nhuốm màu ẩn ngữ linh thiêng tới mức không một nhà xuất bản nào dám thay đổi nó. Điều chắc chắn là chính sự năng động phức hợp của mối quan hệ giữa tồn tại và không-tồn tại, hay nói đúng theo ngôn ngữ của Sartre là giữa tồn-tại-tự-mình và tồn-tại-cho-mình, ở ngay tâm điểm của Tồn tại và Hư vô. Công trình này khai triển các mô tả trên diện rộng cả mối quan hệ giữa tồn-tại-cho-mình và tồn-tại-tự-mình lẫn mối quan hệ giữa một tồn-tại-cho-mình này với một tồn-tại-cho-mình khác, đó là những mô tả nêu bật lên những hàm ý và những tình tiết phức tạp, dường như vô tận, mở rộng đến mọi phương diện của việc sống ở đời của cá nhân con người – ý thức, tính thời gian, sự hiện thân, hành động, ham muốn, tự do, lo âu, trách nhiệm, ngụy tín, tồn-tại-cho-kẻ-khác, luân lý v.v. Trong Tồn tại và Hư vô, có vô vàn những ví dụ, minh họa, liên tưởng, thức nhận, gợi ý, và chỉ dẫn cho ta thấy tài năng thiên bẩm của Sartre và làm cho triết học của ông trở nên hết sức thú vị đáng để ta nghiên cứu, phê phán và phát triển nó. Chính vì cứ chỗ nào Sartre cố gắng đề cập đến những hàm ý khác nhau của tư tưởng phức tạp của ông thì các luận cứ trong Tồn tại và Hư vô có phần rối rắm và sự tiến triển của tác phẩm khá là quanh co. Sartre có xu hướng muốn tát cạn vấn đề, và “hoàn tất” Tồn tại và Hư vô, hay thậm chí những phần quan trọng của nó, độc giả phải mất nhiều thời gian và công sức để cùng Satre ngao du một chặng đường dài nhưng đầy thú vị khi ông vẽ nên một tấm bản đồ lãnh thổ rộng lớn và phức tạp. Độc giả nào chí tâm cuối cùng cũng sẽ nhận ra rằng cuốn sách này thật là khắt nghiệt, thậm chí là tàn nhẫn, trong việc nó theo đuổi một chiều hướng và luận đề bao trùm, dựng lên một lý thuyết thấu đáo, hết mực trung thực và khá mạch lạc về thực tại người. Bắt đầu bằng việc khảo sát hữu thể học về tồn tại và không-tồn tại, cuốn sách đi tới chỗ giải thích rằng ý thức là không-tồn tại khi nó được biểu hiện ở cấp độ các hiện tượng hay cấp độ hiện tượng học. Ý thức được mô tả đa dạng và công phu, như là cái đang hiện hữu cho mình chứ không phải là tự mình (ở đây thuật ngữ của Sartre là ‘tồn-tại-cho-mình’), là sự thiếu vắng tồn tại đang hoài công cố gắng đạt tới sự đồng nhất với chính mình bằng cách khắc phục sự thiếu vắng ấy, là cái tự bản chất là có tính ý hướng, tính thời gian, hiện thân và tự do. Luận đề sự tự do triệt để của Sartre phái sinh trực tiếp từ triết học tinh thần của ông. Mỗi một cá nhân là một hữu thể đang bay trong kích thước thời gian từ sự hư vô hiện tại của mình tới sự trùng khít với chính mình trong tương lai, một thứ không bao giờ đạt được. Mỗi một cá nhân là một ý hướng tương lai hóa, và chính trong tương lai để ngỏ đó xác định anh ta và mục tiêu anh ta nhắm đến đó là con người là tự do. Với tư cách cốt yếu là tự do [cẩn thận!!! Sartre thường tránh dùng từ “bản chất”!!], con người không thể không tự do, ta phải chọn ta là ai và ta làm gì và mọi toan tính lẫn tránh trách nhiệm bằng cách không chọn cho mình sự lựa chọn nào hết đó sẽ tạo nên sự ngụy tín. Một chủ đề chính của cuốn sách là các hiện tượng then chốt như ý thức, tự do, và ngụy tín diễn ra như thế nào và được quy định bởi những mối quan hệ với người khác ra sao. Sartre mô tả các cấu trúc hữu thể học nền tảng của hiện tượng tồn-tại-cho-người-khác trước khi đắp da thịt cho các bộ xương hữu thể học qua lối phân tích sắc sảo về các mối quan hệ cụ thể với người khác. Ông mô tả tài tình hiện tượng yêu, ghét, ham muốn tình dục, khổ dâm, bạo dâm và dửng dưng, qua việc giải thích một cách hoàn toàn nhất quán với luận đề bao trùm của ông: cái gì là cốt yếu đối với chúng, các hiện tượng ấy nảy sinh từ chính bản tính của việc ta sống ở đời như thế nào và chúng có quan hệ mật thiết với nhau ra sao. Trong lúc đó, khi tiếp tục phần việc chính là phân tích các quan hệ cụ thể này, ông ban thưởng cho độc giả của mình sự giàu có các thức nhận khơi gợi suy tư về bản tính và ý nghĩa của các hiện tượng khác nhau khác liên quan đến người Khác như khỏa thân, khiêu dâm, ân huệ và bị làm nhục. Cho dù trong Tồn tại và Hư vô, còn nhiều điều cần phải phê phán và làm sáng tỏ, nhưng sự thức nhận sâu sắc của Sartre, tính sáng tạo trí tuệ của ông, năng lực phi thường mà ông thể hiện xuyên suốt tác phẩm qua việc nhận diện và mô tả bản tính cốt yếu và sự liên kết của tất cả các phương diện của thân phận con người là rất đáng kể và là nguồn cảm hứng lớn lao. (trích dịch từ Gary Cox, The Sartre Dictionary - Continuum, 2008)
  • BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP CỦA RENÉ DESCARTES
    10/ 01/ 2022
    René Descartes (1596-1650) là nhà toán học, nhà khoa học và triết gia vĩ đại người Pháp. Theo Bách khoa toàn thư Britanica, ông được coi là "người đặt nền tảng cho triết học hiện đại" bởi ba lý do: một là, ông là người đầu tiên bác bỏ chủ nghĩa Aristotle của triết học Kinh viện; hai là, ông đã xác lập phiên bản hiện đại đầu tiên cho thuyết nhị nguyên thân xác-tinh thần, từ đó làm nảy sinh vấn đề thân xác-tinh thần, và ba là, ông cổ súy sự phát triển của một nền khoa học dựa trên cơ sở quan sát và thực nghiệm. Bàn về phương pháp, tên đầy đủ của nó Bàn về phương pháp hướng dẫn lý trí của ta một cách đúng đắn và tìm kiếm chân lý trong các ngành khoa học, của René Descartes là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học hiện đại. Điều thú vị là vào thời ấy, người ta trước tác bằng tiếng Latinh, nhưng Descartes lại viết tác phẩm này bằng tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ được cho là rẻ rúng, thiếu thông thái, không thể dùng để diễn đạt các vấn đề học thuật. Lý do cho điều này là ông muốn bất cứ ai có những cảm nghĩ lành mạnh bình thường đều có thể đọc được sách của ông, như cách nói hóm hỉnh của ông là để ... "các bà cũng có thể hiểu triết học". Trang nhan đề tác phẩm Bàn về phương pháp của Descartes, ấn bản lần thứ nhất 1637 Bản dịch của Trần Thái Đỉnh với nhan đề Phương Pháp luận Bản dịch của Nguyễn Văn Châu và Cao Văn Luận với nhan đề Phương Pháp luận Tác phẩm này gồm sáu phần: 1) mấy nhận định về các khoa học; 2) những quy tắc chính của phương pháp; 3) mấy quy luật luân lý rút ra từ phương pháp; 4) chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế và linh hồn con người; 5) trật tự các vấn đề Vật lý học; và 6) những điều cần thiết để tiến xa hơn trong việc tìm hiểu tự nhiên. Qua hình thức tự truyện, Descartes thuật lại quá trình ông học tập trong nhà trường. Ngoài việc học các môn văn chương, thần học, triết học, khoa học, ông còn tìm đọc mọi loại sách, kể cả sách cấm, trong thư viện. Kết quả của việc dành hết thanh xuân cho việc học, Descartes "thấy mình bị vướng vào nhiều nghi hoặc và nhiều sai lầm". Ông nhận xét về các môn học như sau: hầu hết các môn học đều không được xây dựng trên một cơ sở lý thuyết vững chắc ngoại trừ toán học, nhưng dù có nền tảng vững và chắc, nhưng ngặt nỗi nó lại không giúp ích được nhiều cho sự phát triển của khoa học. Trên cơ sở nhận xét này, Descartes suy ngẫm lại quy trình kiến tạo tri thức khoa học trên cơ sở quan sát thấy những tòa nhà, đô thị hay dân tộc nào được thiết kế hay quản lý bởi một thứ duy nhất, như kiến trúc sư, nhà quản trị hay luật sư, thì đẹp và tốt hơn so với những gì được tiến hành một cách tự phát. Để đi đến những nhận thức mới mẻ, cần phải gạt bỏ hết những hiểu biết đã có sẵn trong đầu, xác lập một phương pháp tư duy mới, và trên cơ sở đó xây dựng lại nền tảng của các ngành khoa học. Ông đề ra bốn quy tắc: thứ nhất, không bao giờ coi điều gì là đúng khi ta chưa biết rõ về nó; thứ hai, để giải quyết các vấn đề khó khăn, hãy phân chia chúng ra thành nhiều phần, càng nhiều càng tốt; thứ ba, tư duy phải theo trình tự, từ những gì đơn giản tiến dần đến cái phức tạp; và cần phải giả định rằng mọi sự đều có trình tự của chúng; và cuối cùng, kiểm kê lại những gì mình làm để chắc chắn không bỏ sót điều gì. Giống như xây dựng lại căn nhà, trong khi phá dỡ nhà cũ và chờ có nhà mới, ta cần một căn nhà ở tạm. Công việc xây dựng lại tư tưởng cũng cần một "căn nhà tạm", đó là những châm ngôn luân lý mà Descartes phải tuân thủ khi áp dụng phương pháp. Có ba châm ngôn: một là, tuân theo luật lệ và tập tục của xứ sở với một thái độ dung hòa, tránh mọi sự cực đoan; hai là, phải hết sức kiên định và cương quyết trong hành động của mình; và ba là, cố gắng làm tốt nhất tất cả những gì trong quyền hạn và năng lực của ta. Với bốn quy tắc và ba châm ngôn này, Descartes ra sức tìm kiếm nền tảng mới thật sự vững chắc cho khoa học và triết học. Cái nền tảng thực sự vững chắc ấy có nghĩa là cái gì đó mà ta không thể hoài nghi được nữa. Ông tiến hành công việc này bằng một thí nghiệm tư tưởng. Ông thử hoài nghi tất cả mọi thứ trên đời, kể cả chính bản thân sự hiện hữu của ông, để rồi từ đó ông phát hiện ra có một thứ ông không thể hoài nghi được nó là bản thân việc ông đang hoài nghi. Hành vi hoài nghi này tự nó là một hành vi tư duy, tức cái Cogito. Vậy cơ sở duy nhất chân thật và vững chắc cho tri thức triết học và khoa học chính là Cogito hay "cái Tôi tư duy". Đây chính là khám phá vĩ đại của Descartes trong sách này. Phần năm của sách, Descartes nêu vắn tắt những ý kiến đã được phát biểu ở các tác phẩm khác về các quy luật và hiện tượng vật lý của thiên nhiên, và nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người và con vật, ở chỗ con người có linh hồn, con vật thì không. Các con vật chỉ là những cỗ máy tự động, hoạt động của con vật chỉ là sự vận hành máy móc của các cơ quan nội tạng được sắp xếp theo cách nào đó.  Descartes dành phần cuối cùng của sách để nói lên những suy tư trăn trở của mình về tiền đồ của khoa học trong tình cảnh mối quan hệ căng bức giữa các chân lý khoa học với những quyền uy tôn giáo-chính trị. Các bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt của tác phẩm này hiện có tại Thư Hiên. Mời bạn ghé qua thưởng lãm.
  • THUYẾT HIỆN SINH LÀ MỘT THUYẾT NHÂN BẢN CỦA JEAN-PAUL SARTRE
    17/ 01/ 2022
    Thuyết Hiện sinh là một thuyết nhân bản vốn là một bài diễn thuyết Sartre phát biểu trước công chúng ở Câu lạc bộ Maintenant vào ngày 12 tháng Mười năm 1945, sau đó được Nhà xuất bản Nagel in thành sách và phát hành năm 1946. Bản gốc tiếng Pháp tác phẩm Thuyết Hiện sinh là một thuyết nhân bản của Nxb. Nagel Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Đinh Hồng Phúc (Nxb. Tri thức, 2015)  Trong số các tác phẩm lừng danh của Jean-Paul Sartre, cuốn sách mỏng này là tác phẩm được đọc nhiều nhất trong gần 80 năm qua, bởi lẽ khác với các tác phẩm được viết bằng một thứ văn phong hàn lâm, dày đặc các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu khác, nó là tác phẩm có tính cách đại chúng nhất, được viết với văn phong giản dị và sử dụng rất ít các biệt ngữ triết học; hơn nữa, nó chứa đựng tất cả các vấn đề trung tâm trong tư tưởng hiện sinh của Sartre, vì thế đọc tác phẩm này những người bình dân có thể hiểu được căn bản triết thuyết của ông. Trong khuôn khổ bài điểm sách này, chúng tôi chỉ đề cập tới quan niệm của Sartre về con người, còn những vấn đề khác có thể sẽ được chúng tôi trình bày trong dịp khác. Trước tình cảnh thuyết hiện sinh bị chỉ trích từ nhiều phía, nhất là người phái Kitô giáo và phái Marx, Sartre thấy mình có trách nhiệm phải minh định lại lập trường của thuyết hiện sinh.  Trước hết, ông xác định có hai nhánh của thuyết hiện sinh: thuyết hiện sinh Kitô giáo do Karl Jasper và Gabriel Marcel đại diện và thuyết hiện sinh vô thần do ông và Martin Heidegger đại diện. Điểm chung của cả hai nhánh này là các triết gia hiện sinh đều lấy "hiện hữu đi trước bản chất" làm ý niệm nền tảng.  Với luận đề "hiện hữu đi trước bản chất", Sartre muốn chống lại thuyết duy bản chất trong truyền thống lịch sử siêu hình học Tây phương, vốn là thuyết cho rằng về mặt logic bản chất luôn đi trước sự hiện hữu. Di sản triết học này, Sartre phê phán, tất yếu sẽ dẫn đến xu hướng định mệnh luận trong vấn đề về thân phận con người, và vì thế thủ tiêu sự tự do của con người. Theo Sartre, đối với sự vật và các loài vật khác, bản chất của chúng bao giờ cũng có trước sự hiện hữu của chúng, nhưng con người thì ngược lại, cái gọi là "bản chất" của một người chỉ định hình qua các dự phóng và hành động sống của người ấy; nói cách khác, muốn có bản chất thì con người phải hiện hữu trong cuộc đời này trước đã. Từ đó, Sartre đi đến nguyên lý đầu tiên của thuyết hiện sinh với tư cách là một thuyết nhân bản: "Con người không là gì khác ngoài những gì mình tự tạo nên" (tr. 33). Con người là một hữu thể tự do, nhưng để tránh rơi trở lại quan niệm duy bản chất, Sartre lưu ý với ta rằng bản thân tự do không phải là thuộc tính của con người mà là một thân phận sống ở đời của con người. Với tư cách ấy, con người trước hết là một dự phóng (projet), nghĩa là phải "ném mình vào một tương lai" để mở ra những khả thể hay những chân trời tồn tại cho chính mình. Trong sự dự phóng, con người phải đối mặt với sự lựa chọn (choix): lựa chọn những gì mình sẽ trở thành. Khi lựa chọn mình sẽ là gì hay sẽ là ai, con người đã chọn lấy cho mình những hành vi để hiện thực hóa sự lựa chọn đó, và do đó anh ta sẽ không tránh khỏi ý thức trách nhiệm (responsabilité) về mọi quyết định của mình. Tự do của con người là tuyệt đối thì trách nhiệm của anh ta cũng là tuyệt đối. Nhưng điều này không hàm ý một thứ chủ nghĩa cá nhân, bởi lẽ theo Sartre, khi lựa chọn thì đương nhiên đó là hành vi cá nhân, nhưng khi làm như thế, ta đã "chọn tất cả mọi người" (tr. 35), "khi chọn lấy chính tôi, tôi đã chọn con người." (tr. 37). Trên cơ sở ý niệm về tự do và trách nhiệm, Sartre đề cập đến ba kích thước hiện sinh của con người: lo âu, bị bỏ rơi và tuyệt vọng. "Con người là sự lo âu" (tr. 37), điều này có nghĩa số phận của ta không tách khỏi số phận của người khác, mọi quyết định hành động của ta đều có liên đới với người khác, do đó khi hành động, ta "không thể thoát khỏi cái cảm thức về trách nhiệm toàn diện và sâu xa của mình". Vì thế, lo âu (angoisse) là một phần của hành động, một kích thước hiện sinh của con người. Mọi sự chối bỏ lo âu đều là hành vi ngụy tín. Tình trạng bị bỏ rơi (délaissement) chỉ là một cách nói rằng Thượng đế không hiện hữu và con người phải tự mình gánh lấy những hệ quả của hành động của mình. Trong tình trạng ấy, con người không có một điểm tựa nào để bám lấy, con người không còn cách nào khác là "buộc phải phát minh ra con người". Sự tuyệt vọng (désespoir) là cách nói rằng khi thực hiện hành động, ta chẳng có ai hay cái gì để nương cậy, ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi.  Từ những điều nói trên Sartre khẳng định thuyết hiện sinh không phải là một thứ thuyết tịch tĩnh (quiétisme) ru ngủ con người, mà là một học thuyết hành động qua cách nó định nghĩa con người bằng hành động; và nó cũng không phải là một lối mô tả bi quan về con người, mà là một học thuyết lạc quan qua cách nó cho thấy số phận của con người là do chính con người tự mình tạo nên. Đ.H.P.
popup

Số lượng:

Tổng tiền: