THUYẾT HIỆN SINH LÀ MỘT THUYẾT NHÂN BẢN CỦA JEAN-PAUL SARTRE

17/ 01/ 2022

Thuyết Hiện sinh là một thuyết nhân bản vốn là một bài diễn thuyết Sartre phát biểu trước công chúng ở Câu lạc bộ Maintenant vào ngày 12 tháng Mười năm 1945, sau đó được Nhà xuất bản Nagel in thành sách và phát hành năm 1946.

Bản gốc tiếng Pháp tác phẩm Thuyết Hiện sinh là một thuyết nhân bản của Nxb. Nagel Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Đinh Hồng Phúc (Nxb. Tri thức, 2015)

 Trong số các tác phẩm lừng danh của Jean-Paul Sartre, cuốn sách mỏng này là tác phẩm được đọc nhiều nhất trong gần 80 năm qua, bởi lẽ khác với các tác phẩm được viết bằng một thứ văn phong hàn lâm, dày đặc các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu khác, nó là tác phẩm có tính cách đại chúng nhất, được viết với văn phong giản dị và sử dụng rất ít các biệt ngữ triết học; hơn nữa, nó chứa đựng tất cả các vấn đề trung tâm trong tư tưởng hiện sinh của Sartre, vì thế đọc tác phẩm này những người bình dân có thể hiểu được căn bản triết thuyết của ông. Trong khuôn khổ bài điểm sách này, chúng tôi chỉ đề cập tới quan niệm của Sartre về con người, còn những vấn đề khác có thể sẽ được chúng tôi trình bày trong dịp khác.

Trước tình cảnh thuyết hiện sinh bị chỉ trích từ nhiều phía, nhất là người phái Kitô giáo và phái Marx, Sartre thấy mình có trách nhiệm phải minh định lại lập trường của thuyết hiện sinh. 

Trước hết, ông xác định có hai nhánh của thuyết hiện sinh: thuyết hiện sinh Kitô giáo do Karl Jasper và Gabriel Marcel đại diện và thuyết hiện sinh vô thần do ông và Martin Heidegger đại diện. Điểm chung của cả hai nhánh này là các triết gia hiện sinh đều lấy "hiện hữu đi trước bản chất" làm ý niệm nền tảng. 

Với luận đề "hiện hữu đi trước bản chất", Sartre muốn chống lại thuyết duy bản chất trong truyền thống lịch sử siêu hình học Tây phương, vốn là thuyết cho rằng về mặt logic bản chất luôn đi trước sự hiện hữu. Di sản triết học này, Sartre phê phán, tất yếu sẽ dẫn đến xu hướng định mệnh luận trong vấn đề về thân phận con người, và vì thế thủ tiêu sự tự do của con người. Theo Sartre, đối với sự vật và các loài vật khác, bản chất của chúng bao giờ cũng có trước sự hiện hữu của chúng, nhưng con người thì ngược lại, cái gọi là "bản chất" của một người chỉ định hình qua các dự phóng và hành động sống của người ấy; nói cách khác, muốn có bản chất thì con người phải hiện hữu trong cuộc đời này trước đã. Từ đó, Sartre đi đến nguyên lý đầu tiên của thuyết hiện sinh với tư cách là một thuyết nhân bản: "Con người không là gì khác ngoài những gì mình tự tạo nên" (tr. 33).

Con người là một hữu thể tự do, nhưng để tránh rơi trở lại quan niệm duy bản chất, Sartre lưu ý với ta rằng bản thân tự do không phải là thuộc tính của con người mà là một thân phận sống ở đời của con người. Với tư cách ấy, con người trước hết là một dự phóng (projet), nghĩa là phải "ném mình vào một tương lai" để mở ra những khả thể hay những chân trời tồn tại cho chính mình. Trong sự dự phóng, con người phải đối mặt với sự lựa chọn (choix): lựa chọn những gì mình sẽ trở thành. Khi lựa chọn mình sẽ là gì hay sẽ là ai, con người đã chọn lấy cho mình những hành vi để hiện thực hóa sự lựa chọn đó, và do đó anh ta sẽ không tránh khỏi ý thức trách nhiệm (responsabilité) về mọi quyết định của mình. Tự do của con người là tuyệt đối thì trách nhiệm của anh ta cũng là tuyệt đối. Nhưng điều này không hàm ý một thứ chủ nghĩa cá nhân, bởi lẽ theo Sartre, khi lựa chọn thì đương nhiên đó là hành vi cá nhân, nhưng khi làm như thế, ta đã "chọn tất cả mọi người" (tr. 35), "khi chọn lấy chính tôi, tôi đã chọn con người." (tr. 37).

Trên cơ sở ý niệm về tự do và trách nhiệm, Sartre đề cập đến ba kích thước hiện sinh của con người: lo âu, bị bỏ rơituyệt vọng. "Con người là sự lo âu" (tr. 37), điều này có nghĩa số phận của ta không tách khỏi số phận của người khác, mọi quyết định hành động của ta đều có liên đới với người khác, do đó khi hành động, ta "không thể thoát khỏi cái cảm thức về trách nhiệm toàn diện và sâu xa của mình". Vì thế, lo âu (angoisse) là một phần của hành động, một kích thước hiện sinh của con người. Mọi sự chối bỏ lo âu đều là hành vi ngụy tín. Tình trạng bị bỏ rơi (délaissement) chỉ là một cách nói rằng Thượng đế không hiện hữu và con người phải tự mình gánh lấy những hệ quả của hành động của mình. Trong tình trạng ấy, con người không có một điểm tựa nào để bám lấy, con người không còn cách nào khác là "buộc phải phát minh ra con người". Sự tuyệt vọng (désespoir) là cách nói rằng khi thực hiện hành động, ta chẳng có ai hay cái gì để nương cậy, ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi. 

Từ những điều nói trên Sartre khẳng định thuyết hiện sinh không phải là một thứ thuyết tịch tĩnh (quiétisme) ru ngủ con người, mà là một học thuyết hành động qua cách nó định nghĩa con người bằng hành động; và nó cũng không phải là một lối mô tả bi quan về con người, mà là một học thuyết lạc quan qua cách nó cho thấy số phận của con người là do chính con người tự mình tạo nên.

Đ.H.P.

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: