• NGHIỆP BÁO, CÔNG LÝ VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    11/ 07/ 2022
    Ngày 25 tháng 9 năm 1996, chương trình truyền thanh tại Orlando, Florida có một cuộc nói chuyện nhằm tưởng niệm em bé Ursula Sunshine Assaid đã bị giết chết một cách dã man mười bốn năm trước. Lúc đó bé gái Ursula mới được 5 tuổi, theo hình chụp, là một em bé rất kháu khỉnh, xinh xắn, nhưng em có một bà mẹ hết sức vô tâm. Bà ta yêu và say mê một cách mù quáng tên nhân tình là Donald McDoughal, một tên dã man có một không hai đã tra tấn bé Ursula. Cô bé đã bị bỏ đói cả tuần lễ và cuối cùng chính tay Donald đánh đập em đến chết ngay trước mặt bà mẹ đã mất hết tính người. Người kể lại câu chuyện này một cách hết sức thống thiết trên đài truyền thanh là Rollins. Đúng vào lúc 8 giờ 30 là giờ bé Ursula trút hơi thở cuối cùng cách đây 14 năm, Rollins yêu cầu tất cả những thính giả nghe chương trình của ông có một phút mặc niệm. Không ai nghe lại câu chuyện thảm sát trẻ em này mà không cảm thấy hoang mang, căm phẫn. Họ không hiểu tại sao lại có thể có những bà mẹ và tình nhân dã man đến như thế. Tại sao Susan lại đồng tình với Donald để tra tấn và giết chết chính con ruột của bà? Nhưng trong trại giam, nơi Donald đang "tạm trú" và rất có khả năng được tha trong thời gian sắp tới nhờ sự biện hộ của luật sư, thì không hề có ai mặc niệm gì cả. Một tù nhân tên là Arba Earl Barr, 33 tuổi, đang thi hành án giam tại Nhà Tù Avon Park (Avon Park Correctional Institution), cũng lắng nghe câu chuyện thống thiết của bé Ursula. Tên Barr này cũng là một tay tù tội nợ ngập đầu, lãnh án đến 114 năm tù về tội cướp giật và bạo hành. Ngày 1 tháng 10, theo báo cáo của cảnh sát, trong khi Barr và Donald cùng với 200 tù nhân khác đang sinh hoạt ở sân trại giam sau bữa ăn chiều, Barr đã dùng một cây gậy sắt và đập Donald đến chết ngay trước mặt mọi người. Donald đã bị đánh đến chết y hệt như bé Ursula mười bốn năm trước. Nghiệp báo, công lý, hay tác động của truyền thông? Các nhân viên cảnh sát trại giam nói rằng họ cũng đã đề phòng việc này sau khi nghe bài nói chuyện trên đài phát thanh của Rollins nên đã đặt Donald trong chế độ bảo vệ. Một nhân viên cảnh sát tiết lộ rằng một cú điện thoại nặc danh đã gọi đến trại giam và đề nghị thưởng 1000 đô la cho bất cứ ai giết chết Donald. Sau năm ngày bị biệt giam để bảo vệ, Donald nằng nặc đòi thả hắn ra. Ngay buổi chiều hôm hắn được thả, Donald đã bị Barr dùng gậy sắt đánh chết. Vai trò của đài truyền thanh trong cái chết của Donald như thế nào? Đài phát thanh phủ nhận việc đề cập đến phần thưởng 1000 đô la, nhưng đài không chịu cung cấp cuộn băng ghi âm tất cả những cú điện thoại trao đổi trong buổi nói chuyện hôm đó. Cần ghi chú thêm một chuyện rất ít xảy ra tại Việt Nam: khi một người điều khiển chương trình trên truyền hình hay truyền thanh tại Mỹ, anh ta thường khuyến khích khán thính giả tham gia đóng góp ý kiến bằng cách gọi điện thẳng đến đài để trao đổi trực tiếp. Cũng rất có thể trong những câu trao qua đổi qua lại như vậy một người nào đó trong cơn phẫn nộ đã đề nghị thưởng 1000 đô cho bất cứ ai đập chết "thằng khốn nạn" đó. Barr thú nhận với luật sư của hắn rằng nhiều tù nhân cũng nghe cuộc nói chuyện của Rollins và bàn tán sôi nổi với nhau. Nhiều tù nhân đề nghị dùng mền phủ kín Donald để đập cho hắn một trận nhừ tử. Thậm chí còn có tù nhân còn gọi điện đến cho chương trình phát thanh của Rollins để đề nghị phương án "trùm mền đánh chết" này. Trở lại nhân vật chính Donald McDoughal. Sau khi giết chết bé Ursula hắn bị toà kết án 34 năm tù. Susan bị án ngộ sát (manslaughter) là 15 năm. Đã hai lần Donald suýt chút nữa được công lý dung tha, nhưng tiểu bang Florida lại siết chặt các đạo luật liên quan đến việc phóng thích phạm nhân nên Donald lại phải nằm yên chờ thời. Nhưng một tuần trước khi Donald bị giết trong tù, tòa án tối cao tiểu bang Florida đã lật ngược lại các thay đổi trước đây và như thế Donald rất có khả năng sẽ được phóng thích vào thứ sáu tuần trước. Công lý nước Mỹ lại chuẩn bị ném ra xã hội một tên sát nhân có tầm cỡ, nhưng "may mắn thay" hắn đã đền tội ngay trước khi được thả ra, mặc dù nhân vật "thi hành án" lại là một tên cũng thuộc dạng chẳng ra gì trong xã hội.  Rollins hoàn toàn chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến cái chết của Donald trong tù, mặc dù chính bài nói chuyện đầy "cảm hứng" của anh đã dẫn đến việc Donald bị đánh chết. Anh khẳng định: "Chúng tôi chỉ là những người phát biểu ý kiến cá nhân và giúp cho người khác có thể nói lên ý kiến của họ." Anh cho biết nhiều người vẫn tiếp tục gọi điện và gửi fax đến đài nhờ chuyển tiền thưởng cho "chiến sĩ thi hành công lý" Arba Earl Barr. Phản ứng đối với câu truyện này chắc chắn là hết sức đa dạng. Nhiều người có thể cho rằng cái chết của Donald thể hiện một loại công lý vô hình, nếu không muốn nói thẳng ra là luật quả báo đã chi phối cái chết của Donald. Nhiều người có thể nghiêm khắc đặt vấn đề trách nhiệm của các phương tiện truyền thông. Không thể không nhớ lại vai trò của các parapazzi (phóng viên săn ảnh) đã góp phần gây ra cái chết của công chúa Diana. Dĩ nhiên so sánh giữa nàng Diana xinh đẹp, nhân hậu và tên giết người dã man Donald McDoughal thì thật là bất công, nhưng vai trò của các phóng viên thì như nhau trong hai trường hợp. Đặc biệt là nhân viên điều khiển chương trình Rollins có phương pháp trình bày hết sức hấp dẫn và đầy kích thích, người bình thường nghe còn nổi lòng căm giận muốn quan toà lôi ngay tên sát nhân ra pháp trường, huống hồ gì mấy tay anh chị hầm hố máu "đã hâm nóng sẵn" trong tù. Nhưng đa số là thỏa mãn trước việc công lý được "thi hành ngoài vòng pháp luật" theo kiểu phim ảnh Charles Bronson và họ sẵn sàng "mặc niệm" cho hương hồn Donald McDoughal bằng cách gửi tiền tặng cho Arba Earl Barr.
  • QUẤY RỐI TÌNH DỤC Ở MỸ - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    18/ 07/ 2022
    Điều nghịch lý nhất khi tìm hiểu về văn hoá Mỹ là tại một xứ sở vốn nổi tiếng về chuyện tự do thoải mái (đặc biệt là chuyện tình dục) lại có những phản ứng hết sức cực đoan đối với vấn đề quan hệ nam nữ. Giáo sư Alan Dershowitz, dạy luật lại đại học Harvard, kể rằng một số nữ sinh viên dọa sẽ kiện ông tội “quấy rối tình dục” (sexual harassment) vì trong giảng khóa ông đã bỏ khá nhiều thì giờ phân tích những vụ án hiếp dâm. Giáo sư Dershowitz nhắc thêm: đối tượng chính của giảng trình là nghiên cứu luật hình sự (tức phải bao gồm việc phân tích những vụ án như hiếp dâm, sát nhân..vân..vân). Một giáo sư khác, J. Donald Silva, đã bị một nữ sinh viên đệ đơn kiện về một so sánh kỹ thuật có liên quan đến “múa bụng” (belly dancing). Trường đại học cho rằng giáo sư Silva phạm tội “quấy rối tình dục” nên yêu cầu giáo sư thôi việc để đi khám bệnh tâm thần. Giáo sư Silva làm đơn kiện trường đại học New Hampshire và ông thắng, buộc trường đại học phải thu nhận ông vào giảng dạy trở lại.  Vấn đề gây bức xúc trong giới luật gia Mỹ hiện nay chính là không có một định nghĩa thỏa đáng về thuật ngữ “quấy rối tình dục.” Trước hết là một định nghĩa căn bản: “quấy rối tình dục” là dùng quyền lực của một “ông chủ” chẳng hạn để đòi “được phục vụ” với một “cô nhân viên” nào đó và khi bị cô ta từ chối đã cho cô ta nghỉ việc. Danh từ luật gọi trường hợp này là quid pro quo harassment (quấy nhiễu bằng cách trả thù: quid pro quo= tiếng La Tinh có nghĩa là “ăn miếng trả miếng”). Trường hợp thứ hai mà hệ thống pháp lý Mỹ thừa nhận là “quấy rối tình dục bằng cách tạo ra một môi trường thù nghịch” (hostile environment sexual harassment), có nghĩa là theo đạo luật này bạn có quyền kiện sở làm của bạn treo quá nhiều hình Playboy khiến bạn không thể “tập trung” công tác được. Giáo sư Dershowitz cực lực phản đối trường hợp thứ hai này vì ông cho rằng nó chẳng hề “quấy rối” cũng chẳng liên quan gì đến “tình dục”. Trường hợp giáo sư Graydon Snyder của viện Thần Học thuộc trường đại học Chicago bị một nữ sinh viên kiện là một ví dụ điển hình. Trong suốt ba mươi năm giảng dạy thần học giáo sư Snyder luôn luôn dùng một ví dụ duy nhất để giải thích sự khác biệt giữa Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo: một người đàn ông bị té từ trên mái nhà xuống và tình cờ rơi vào đúng một người đàn bà đang nằm phía dưới. Cú rơi này “đặc biệt” đến nỗi nó tạo thành một tư thế hết sức “vui vẻ.” Theo quan điểm luật Talmud của Do Thái Giáo, người đàn ông không có tội vì khi thực hiện hành động, anh không hề nghĩ gì về hành động đó (nói theo kiểu Việt Nam là “không cố ý, chỉ vô tình thôi”). Nhưng theo quan điểm Thiên Chúa Giáo (trong Tân Ước) nghĩ tức là làm rồi, chẳng hạn thèm muốn một phụ nữ trong tâm trí thôi cũng đủ để cấu thành tội gian dâm. Sự phân biệt thần học này quá vi tế nên chúng tôi không kéo dài ở đây, nhưng điểm chính là cái ví dụ bình thường trên đây của giáo sư Snyder đã bị một nữ sinh viên diễn giảng là “gây ra một môi trường thù nghịch mang tính chất quấy rối tình dục trong lớp” và cô đã đệ đơn kiện giáo sư Snyder. Cô nhấn mạnh thêm thí dụ trên đã cấu tạo nên cái gọi là “thái độ không cảm xúc trước sự hiếp dâm” (insensitivity to rape) vì mấy tên hiếp dâm luôn luôn biện hộ là “chúng tôi không hề có ý xấu, chúng tôi không hề “nghĩ” đến chuyện đó, chúng tôi chỉ có làm..đại thôi.” Thay vì chấn chỉnh cô sinh viên thưa gửi bậy bạ, nhà trường lại đồng quan điểm với cô ta và đình chỉ công tác giảng dạy của giáo sư Snyder, yêu cầu ông phải đi chữa bệnh tâm thần vì đã gây ra một “môi trường thù nghịch” trong lớp.   Vấn đề chính là thuật ngữ hay khái niệm “quấy rối tình dục” ở đây càng ngày càng được mở rộng ý nghĩa. Ban đầu nó chỉ thị một chuyện “ăn nằm” cụ thể do một cá nhân ở một vị trí quyền lực cao hơn đòi hỏi nơi người nhân viên thuộc cấp của mình. Nhưng dần dần ngay cả những “sự vô tình đụng chạm” cũng được liệt kê vào phạm trù QRTD, cuối cùng là ngay cả ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, cũng bị lôi cổ vào nốt. Điều này xâm phạm điều tu chính thứ nhất (First Amendment) trong hệ thống luật pháp Mỹ vì điều này ghi rõ “đảm bảo quyền tự do ngôn luận” của nhân dân. Đã cho phép nhân dân tự do ngôn luận, sao lại có thể xử phạt “nhân dân” tội “QRTD bằng ngôn ngữ” được? Năm 1992 hãng bia Stroh bị các nữ nhân viên đệ đơn kiện khi hãng này tung ra một phim quảng cáo trong đó có cảnh các người đẹp mặc áo tắm bikini ôm sẵn mấy thùng bia Stroh nhảy dù xuống các đấng đàn ông đang cắm trại ở phía dưới. Trong đơn tố cáo các nữ công nhân này cho rằng chủ hãng Stroh đã tạo ra một “môi trường thù nghịch” trong hãng bia do đoạn phim quảng cáo nói trên. May mà tòa đã bác đơn kiện của các nữ công nhân “quá đáng” này, nếu họ thắng kiện không biết họ còn sẽ tung ra những “độc chiêu kiện tụng” gì nữa. Theo ngôn ngữ triết học Phật Giáo, cái chúng ta nhận ra trong thế giới thực tại phản ánh chính “tâm tư” của chúng ta. Nếu đã bị tình dục ám ảnh thì nhìn bất cứ cái gì cũng có thể suy diễn ra là cái đó có liên quan đến..”cái đó”. Và nếu đẩy vấn đề cho đến cái hệ quả logic cuối cùng của nó thì luật pháp hiện nay nếu muốn tránh kiện tụng lôi thôi cần phải giao luôn cho các quý cô soạn thảo cho chắc, vì ở Mỹ chỉ có đàn ông mới có nguy cơ bị kết án QRTD chứ còn phụ nữ thì không biết QRTD là gì và để chế giễu các luận điệu ngây thơ này mà Michael Crichton viết cuốn Disclosure đã được chuyển thể thành cuốn phim nổi tiếng cùng tên với nữ diễn viên Demi Moore đóng vai bà sếp “QRTD” một nhân viên dưới quyền do Michael Douglas thủ vai. Nếu giờ đây ngay cả ngôn ngữ cũng bị kết án là vấn đề tự do ngôn luận trở thành một giấc mơ viễn vông trong quá khứ vì bất cứ bạn nói cái gì cũng có thể được phụ nữ diễn giải thành QRTD. Chẳng hạn một câu nói hết sức tầm thường như “Trời đang mưa, khoan về đã” cũng có thể bị kiện ra tòa vì có mục đích “rủ rê đối phương không nên ra về mà nên ở lại để làm chuyện bậy bạ” như bài hát “Đường Xa Ướt Mưa” của Đức Huy cho thấy. Một câu hỏi thông thường như “Anh ấy ra chưa?” cũng có thể bị truy tố về tội “QRTD bằng phương tiện ngôn ngữ”. Nói chung, mọi sự sẽ rối loạn và ai nấy trước khi muốn phát biểu một câu gì nên mời sẵn luật sư đứng bên cạnh.
  • CÓ NÊN SỐNG THEO BẢN TÍNH TỰ NHIÊN CỦA MÌNH? - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    25/ 07/ 2022
    Rất nhiều những đầu sách viết cho giới trẻ thường sử dụng một câu trích dẫn mà nhiều bạn rất thích: “Hãy sống theo bản tính của mình!” “Tôi là thiên tài, bạn cũng thế!” Nếu đây chỉ là một khẩu hiệu nhằm tiếp thêm động lực vào những tâm hồn đang chơi vơi, mất phương hướng do nhiều nguyên nhân phức tạp không thể giải thích được thì nó rất đúng, vì trong cái thế giới vốn đã có nhiều dối trá thì thêm một lời dối trá nữa cũng chẳng làm tình hình phức tạp hơn chút nào. Nhưng khi nhìn lại câu slogan trống rỗng này chúng ta sẽ thấy nó có dáng dấp của một sự ngụy biện. Trước hết, câu này có nghĩa là gì? Đây là những giả định (assumptions) tiềm ẩn trong lời khuyên này: 1-Bạn có sẵn một thứ “bản tính” bẩm sinh nào đó, theo kiểu Mạnh Tử (“nhân chi sơ tính bản thiện= human nature is good) hay Tuân Tử (“nhân chi sơ tính bản ác= human nature is evil). 2-Sống theo bản tính “đích thực” của mình thì sẽ “thành công” hay “hạnh phúc.” Đây là một loại ngụy biện vì nó liên quan đến những “thành phần” khác chưa được xác định rõ: 1-Có bằng chứng gì cho thấy con người có một thứ “bản tính” cố định (giang sơn dị cải, bản tính nan di)? 2-Nếu sống theo cái “bản tính” này chúng ta có thể được “hạnh phúc” hoặc “thành công” hay không? Hay là cứ sống “hòa đồng vui vẻ” với mọi người, chạy theo các xu hướng thời đại thì chúng ta sẽ dễ “thành công” và “hạnh phúc” hơn? 3-Nhưng thế nào là “thành công”? Thước đo tiêu chuẩn của nó là gì? Của ai? Của thời nào? Mozart thành công hơn hay Sơn Tùng thành công hơn? 4-Mà “hạnh phúc” là cái gì? Nếu như thế thì việc dùng chất kích thích, gây nghiện như ma túy thì có thể mang lại “hạnh phúc” không? Hoặc ví dụ nếu “xâm hại một ai đó” mà mang lại “hạnh phúc” cho một người thì người đó có nên tiếp tục “đấu tranh” cho “hạnh phúc” của đời mình không? Trong triết học có một thứ ngụy biện gọi là Cái gì tự nhiên thì tốt (Naturalistic Fallacy). Nhưng khi chúng ta suy nghĩ sâu hơn về điều này thì chúng ta nhận ra là không có khái niệm nào mơ hồ, gây tranh cãi nhiều hơn là khái niệm “tự nhiên”, ví dụ ăn uống “tự nhiên” hay ăn mặc “tự nhiên” là thế nào? Là ăn một con cá còn sống mà không qua bất kỳ bước sơ chế và chế biến nào? Hay rằng phải ăn mặc như ông ADAM hay bà EVA trong vườn địa đàng là tốt nhất? Sinh ra một đứa trẻ nhưng không cần dạy dỗ mà đem chúng vào rừng thì sẽ là tốt nhất chăng? Nói năng “tự nhiên” tức là cứ nói thẳng những điều mình suy nghĩ trong đầu cho đối phương biết: “Anh là một thằng ngốc nhất hành tinh!” hay là theo lối “giả tạo” thông thường (cái mà chúng ta gọi là “phép lịch sự”)? Thật ra lịch sử của nhân loại chính là một quá trình thuần hóa tất cả những bản năng động vật của con người, giúp con người trở nên văn hóa hơn, văn minh hơn, trở nên “con người” hơn. Vậy thì cái nào tốt hơn? “Tự nhiên” hay là “văn hóa”? Ngay cả thảo dược cũng phải qua chế biến mới dùng được, chứ không phải hái “dâm dương hoắc” trong rừng nhai nuốt thì xem như đã uống Viagra. Cái gọi là “mật ong rừng nguyên chất” đầy vi khuẩn độc hại không thể hái xuống “dùng” trực tiếp được. Nhiều ngư dân đã “khép lại cuộc đời” trước thời hạn chỉ vì ăn mật cá sống ngoài biển theo kiểu “tự nhiên là tốt nhất” như vậy. KẾT LUẬN: 1- Con người không có một “bản tính” cho sẵn. Con người đã tạo ra “bản tính” đó trong quá trình trưởng thành và thích nghi với những khó khăn, hạn chế trong cuộc sống thực và tương tác với các thành viên khác cùng chia sẻ một cộng đồng văn hóa. 2- Con người là một sản phẩm phức hợp và phức tạp của 4 yếu tố: di truyền sinh học, xã hội, văn hóa, và môi trường tự nhiên, nhưng con người vẫn có một đặc điểm hết sức “con người” đó là: Khả năng vượt qua tất cả những yếu tố đó thông qua sự học hỏi cái mới. Tất cả các động vật khác được biết cho đến hiện nay đều thua xa loài người về khả năng này. 3- Nhưng khi phát biểu “Hãy sống theo bản tính của bạn!” chúng ta chỉ muốn nhắc nhở rằng “anh chỉ có một cuộc đời để sống, vậy hãy sống theo những mục đích, đam mê của riêng mình, không cần phải chạy theo các xu hướng xã hội đang thịnh hành” thì câu nói này có thể chấp nhận được theo nghĩa quán dụng phổ thông của nó. Đương nhiên, vì là một thành viên văn hóa-xã hội cụ thể, chúng ta không thể “chọn lựa” những kiểu “đam mê” và “mục đích” mâu thuẫn với các chuẩn mực văn hóa-xã hội. Ví dụ khó lòng có thể chấp nhận một người chọn “sở thích giết người” làm mục tiêu “cao cả” của đời mình và “cương quyết” thực hiện “mục tiêu” đó. Chỉ e rằng bạn chưa kịp thực hiện “đam mê” này thì đã bị xã hội xa lánh và chung tay “gửi” bạn vào bệnh viện tâm thần!
  • GIỚI THIỆU ẤN BẢN CAMBRIDGE CÁC TÁC PHẨM CỦA IMMANUEL KANT
    27/ 10/ 2021
    Chủ biên: Paul Guyers và Allen W. Wood; xuất bản từ năm 1992. Đây là ấn bản toàn tập tiếng Anh đầu tiên các tác phẩm của Immanuel Kant - một nhân vật vẫn có sức ảnh hưởng nhất trong triết học hiện đại. Mục đích của Ấn bản Cambridge chính là mang lại bản dịch cẩn thận và chính xác từ các ấn bản tiếng Đức hiện đại hay nhất của Kant theo một định dạng thống nhất, phù hợp với cả các học giả lẫn sinh viên nghiên cứu Kant. Khi hoàn thành, bộ Cambridge Edition sẽ bao gồm tất cả các tác phẩm đã xuất bản của Kant, cùng với tuyển tập đáng kể từ những tác phẩm chưa xuất bản của ông như Opus Postumum, Handschriftliche Nachlass, những bài giảng, thư từ. Mỗi tập sẽ có bộ công cụ biên tập (những chú thích về sự kiện và ngôn ngữ, thư mục, và bảng từ vựng). Các tập đã xuất bản: Theoretical Philosophy, 1755–1770 (1992; Triết học lý thuyết 1755-1770). Theoretical Philosophy after 1781 (2002; Triết học lý thuyết sau 1781). Do Gary Hatfield, Michael Friedman dịch Critique of Pure Reason (1998; Phê phán lý tính thuần túy). Practical Philosophy (1996; Triết học thực hành), bao gồm Critique of Practical Reason (Phê phán lý tính thực hành). Critique of the Power of Judgment (2000; Phê phán năng lực phán đoán). Do Eric Matthews dịch Opus Postumum (1993; Di cảo). Kant: Natural Science (2002; Kant: Khoa học tự nhiên). Anthropology, History, and Education (2007; Nhân học, lịch sử, và giáo dục). Do Robert B. Louden, Günter Zöller dịch và biên tập Religion and Rational Theology (1996; Tôn giáo và thần học thuần lý). Do Allen W. Wood, George di Giovanni dịch và biên tập Lectures on Logic (1992; Những bài giảng về logic học). Lectures on Anthropology (2012; Những bài giảng về nhân học). Do Robert R. Clewis, G. Felicitas Munzel dịch Lectures on Metaphysics (1997; Những bài giảng về siêu hình học). Karl Ameriks, Steve Naragon dịch và biên tập Lectures on Ethics (1997; Những bài giảng về đạo đức học). Peter Heath dịch và biên tập. Kant: Lectures and Drafts on Political Philosophy (2016; Kant: Những bài giảng và bản thảo về triết học chính trị). Kenneth R. Westphal dịch. Correspondence (1999; Thư từ). Notes and Fragments (2005; Chú thích và đoản văn). Paul Guyer dịch và biên tập. Các bản dịch tiếng Việt từ tác phẩm gốc tiếng Đức của Kant: Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Văn học, 2005. Phê phán lý tính thực hành. Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Tri thức, 2007. Phê phán năng lực phán đoán. Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Tri thức, 2007. Nguồn: https://www.cambridge.org/core/series/cambridge-edition-of-the-works-of-immanuel-kant/703660AAB7838A41309D7E80AD5C8EEE
  • GIỚI THIỆU BỘ THE HISTORY OF CONTINENTAL PHILOSOPHY (ALAN D. SCHRIFT)
    27/ 10/ 2021
    Từ Kant đến Kierkegaard, từ Hegel đến Heidegger, những triết gia lục địa đã định hình quỹ đạo của tư tưởng phương Tây từ thế kỷ 18. Mặc dù người ta đã viết nhiều về các nhà tư tưởng khổng lồ này, các sinh viên và học giả vẫn chưa có một hướng dẫn chuẩn mực với toàn bộ phạm vi của truyền thống lục địa. Là tác phẩm tham khảo toàn diện nhất từ trước đến nay, bộ lịch sử 8 tập History of continential philosophy trình bày trọn vẹn chủ đề này và tái định hướng sự hiểu biết của chúng ta về nó. Bắt đầu bằng một tổng quan về triết học Kant và sự tiếp nhận nó ban đầu, bộ History lần theo sự tiến hóa của triết học lục địa thông qua những gương mặt lớn cũng như những phong trào như chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, thông diễn học, và hậu cấu trúc luận. Tập cuối phác thảo tình trạng hiện nay của lĩnh vực này, soi rọi những chủ đề đương đại như nữ quyền luận, toàn cầu hóa, và môi trường thông qua những tác phẩm của các nhà tư tưởng quá khứ và hiện đại. Một cách xuyên suốt, các tập này khảo sát những gương mặt triết học quan trọng và những phát triển trong những bối cảnh văn hóa, chính trị, và lịch sử của họ. [Là] Bộ sách tham khảo đầu tiên thuộc loại này. History of continential philosophy được những chuyên gia quốc tế được công nhận viết và biên tập với cam kết giải thích những phong trào, văn bản, nhà tư tưởng phức tạp trong những tiểu luận nghiêm ngặt nhưng không có từ chuyên môn khó hiểu phù hợp với sinh viên và những nhà chuyên môn day dân. Các tập này cũng làm rõ những tranh luận đang tiếp diễn về bản chất của triết học phân tích và lục địa, khảo sát những đặc điểm riêng biệt, đôi khi trùng lấp, và những cách tiếp cận của từng truyền thống. Cung cấp một tổng quan hữu ích về những chủ đề lớn và vẽ ra những bản đồ đường đi cho những bối cảnh của chúng, bộ History mong muốn sẽ là một nguồn tham khảo đầu tiên và sau cùng cho các sinh viên cũng như học giả.     Tập 1: Kant, phái Kant, và chủ nghĩa duy tâm: các nguồn gốc của triết học lục địa (Thomas Nenon biên tập) Lời giới thiệu (Thomas Nenon) 1. Bước chuyển sang triết học siêu nghiệm của Kant (Thomas Nenon) 2. Những nhà phê bình sơ kì với Kant: Jacobi, Reinhold, Maimon (Richard Fincham) 3. Johann Gottfried Herder (Sonia Sikka) 4. Play và sự mỉa mai: Schiller và Schlegel bàn về các triển vọng giải phóng của mỹ học (Daniel Dahlstrom) 5. Fitche và Husserl: Thế giới-cuộc sống, Cái khác, và sự phản tư triết học (Robert Williams) 6. Schelling: Triết gia của sự bất hòa bi kịch (Joseph Lawrence) 7. Schopenhauer bàn về sự nhận thức và tri giác thẩm mĩ và thường nghiệm (Bart Vandenabeele) 8. G.W.F. Hegel (Terry Pinkaard) 9. Từ lí tính của Hegel đến cách mạng của Marx, 1831-1848 (Lawrence Stepelevich) 10. Saint-Simon, Fourier, và Proudhon: chủ nghĩa xã hội Pháp, “không tưởng” (Diene Morgan) Tập 2: Triết học thế kỷ XIX: những phản hồi cách mạng trước trật tự hiện tồn (Alan Schrift, Daniel Conway biên tập) Lời giới thiệu (Daniel Conway) 1. Feuerbach và những nhà Hegel cánh tả và cánh hữu (William Roberts) 2. Marx và chủ nghĩa Marx (Terrell Carver) 3. Soren Kierkegaard (Alastair Hannay) 4. Dostoyevsky và triết học Nga (Evgenia Cherkasova) 5. Sự sống sau cái chết của Thượng Đế: Nietzsche đã nói như thế (Daniel Conway) 6. Thông diễn học: Schleiermacher và Dilthey (Eric Sean Nelson) 7. Triết học duy linh Pháp (F.C.T.Moore) 8. Sự nổi lên của xã hội học và các lí thuyết của nó: từ Comte đến Weber (Alan Sica) 9. Những diễn biến trong triết lí khoa học và toán học (Dale Jacquette) 10. Peirce: chủ nghĩa dụng hành và tự nhiên sau Hegel (Douglas Anderson) 11. Mĩ học và triết học nghệ thuật, 1840-1900 (Gary Shapiro) Tập 3: Thế kỉ mới: chủ nghĩa Bergson, hiện tượng luận và những phản ứng trước khoa học hiện đại (Keith Ansell-Pearson và Alan Schrift biên tập) Lời giới thiệu (Keith Ansell-Pearson) 1. Henri Bergson (John Mullarkey) 2. Phái Kant mới ở Đức và Pháp (Sebastain Luft và Fabien Capelleres) 3. Sự nổi lên của xã hội học Pháp: Emile Durkheim và Marcel Mauss (Mike Gane) 4. Truyền thống lục địa và truyền thống phân tích: Frege, Husserl, Carnap, và Heidegger (Michael Friedman và Thomas Ryckman) 5. Edmund Husserl (Thomas Nenon) 6. Max Scheler (Dan Zahavi) 7. Heidegger sơ kì (Miguel de Beistegui) 8. Karl Jaspers (Leonard Ehrlich) 9. Hiện tượng luận ở quê nhà và ngoại quốc (Diane Perpich) 10. Triết lí khoa học ở lục địa thời sơ kì (Babette Babich) 11. Ludwig Wittgenstein (John Fennell và Bob Plant) 12. Freud và triết học lục địa (Adrian Johnston) 13. Những phản ứng trước sự tiến hóa: chủ thuyết tiến hóa của Spencer, chủ nghĩa Bergson, và sinh học đương đại (Keith Ansell-Pearson, Paul-Antoine Miquel, và Michael Vaughan) Tập 4: Hiện tượng luận: những phản ứng và phát triển (Leonard Lawlor biên tập) Lời giới thiệu (Leonard Lawlor) 1. Biện chứng, sự dị biệt, và cái khác: Sự Hegel hóa hiện tượng luận Pháp (John Russon) 2. Chủ nghĩa hiện sinh (S.K.Keltner và Samuel Julian) 3. Sartre và hiện tượng luận (William McBride) 4. Mĩ học lục địa: hiện tượng luận và chống hiện tượng luận (Galen Johnson) 5. Merleau-Ponty ở các giới hạn của hiện tượng luận (Daniel Tate) 6. Sự biến chuyển mang tính thông diễn học của hiện tượng luận 7. Heidegger hậu kì (Dennis Schmidt) 8. Thần học hiện sinh (Andreas Grossmann) 9. Tôn giáo và đạo đức học (Felix Murchadha) 10. Triết học của khái niệm (Pierre Cassou-Nogues) 11. Triết học phân tích và triết học lục địa: bốn cuộc chạm trán (Dermot Moran) Tập 5: Lí luận phê phán đến cấu trúc luận: triết học, chính trị, các khoa học nhân văn (David Ingram biên tập) Lời giới thiệu (David Ingram) 1. Carl Schmitt và chủ nghĩa Marx phương tây sơ kì (Christopher Thornhill) 2. Các nguồn gốc và sự phát triển của mô hình của lí luận phê phán sơ kì trong tác phẩm của Max Horkheimer, Erich Fromm, và Herbert Marcuse (John Abromeit) 3. Theodor Adorno (Deborah Cook) 4. Walter Benjamin (James McFarland) 5. Hannah Arendt: tư duy lại cái chính trị (Peg Birmingham) 6. Georges Bataille (Peter Tracey Connor) 7. Chủ nghĩa Marx Pháp vào thời đỉnh cao của nó (William McBride) 8. Chủ nghĩa hiện sinh da đen (Lewis Gordon) 9. Ferdinand Saussure và cấu trúc luận ngôn ngữ học (Thomas Broden) 10. Claude Levi-Strauss (Brian Singer) 11. Jacques Lacan (Ed Pluth) 12. Chủ nghĩa dụng hành hậu kì, chủ nghĩa thực chứng logic, và ảnh hưởng của chúng (David Ingram) Tập 6: Hậu cấu trúc luận và thế hệ thứ hai của lí luận phê phán (Alan Schrift biên tập) Lời giới thiệu (Alan Schrift) 1. Chủ nghĩa Nietzsche Pháp (Alan Schrift) 2. Louis Althusser (Waren Montag) 3. Michel Foucault (TimothyO’Leary) 4. Gilles Deleuze (Daniel Smith) 5. Jacques Derrida (Samir Haddad) 6. Jean-Francois Lyotard (James Williams) 7. Pierre Bourdieu và sự thực hành triết học (Derek Robbins) 8. Michel Serres (David Bell) 9. Thế hệ thứ hai của lí luận phê phán (James Swindal) 10. Gadamer, Ricoeur, và di sản của hiện tượng luận (Wayne Froman) 11. Khúc quanh ngữ học trong triết học lục địa (Claire Colebrook) 12. Tâm phân học và khát vọng (Rosi Braidotti và Alan Schrift) 13. Luce Irigaray (Mary Mader) 14. Cixous, Kristeva, và Le Doeuff: ba nhà nữ quyền Pháp (Sara Heinamaa) 15. Giải cấu trúc và trường phái Yale của phê bình văn chương (Jeffrey Nealon) 16. Rorty giữa những nhà lục địa (David Hiley) Tập 7: Sau hậu cấu trúc luận: những chuyển tiếp và biến đổi (Rosi Braidotti biên tập) Lời giới thiệu (Rosi Braidotti) 1. Chủ nghĩa hậu hiện đại (Simon Malpas) 2. Triết học Đức sau 1980: Các chủ đề ngoài trường phái (Dieter Thomae) 3. Di sản cấu trúc luận (Patrice Maniglier) 4. Triết học Ý giữa 1980 và 1995 (Silvia Benso và Brian Schroeder) 5. Triết học lục địa ở Cộng hòa Séc (Josef Fulka, Jr.) 6. Thế hệ thứ ba của lí luận phê phán: Benhabib, Fraser, và Honneth (Amy Allen) 7. Chủ nghĩa Spinoza Ý và Pháp (Simon Duffy) 8. Dân chủ cấp tiến (Lasse Thomassen) 9. Những nghiên cứu hậu thực dân và nghiên cứu văn hóa (Iain Chambers) 10. “Khúc quanh đạo đức học” trong triết học lục địa trong những năm 1980 (Robert Eaglestone) 11. Triết học nữ quyền: trưởng thành (Rosi Bradotti) 12. Triết học tôn giáo của lục địa (Bruce Ellis Benson) 13. Khúc quanh ngôn hành và sự nổi lên của triết học hậu phân tích (Jose Medina) 14. Ngoài vùng biên: triết học trong thời đại chuyển tiếp (Judith Butler và Rosi Braidotti) Tập 8: Các xu hướng mới nổi trong triết học lục địa (Todd May biên tập) Lời giới thiệu (Todd May) 1. Tư duy lại về giới: Judith Butler và triết học nữ quyền (Gayle Salamon) 2. Những phát triển gần đây trong mĩ học: Badiou, Ranciere, và những người đối thoại với họ (Gabriel Rockhill) 3. Tư duy lại chủ nghĩa Marx (Emily Zakin) 4. Tư duy sự kiện: triết học của Alain Badiou và tác vụ của lí luận phê phán (Bruno Bosteels) 5. Tư duy lại triết học Anh-Mỹ: phái Kant mới của Davidson, McDowell, và Brandom (John Fennell) 6. Tư duy lại khoa học với tư cách những nghiên cứu khoa học: Latour, Stengers, Prigogine (Dorothea Olkowski) 7. Công dân châu Âu: một góc nhìn hậu thực dân (Rosi Braidotti) 8. Thuyết hậu thực dân, thuyết hậu đông phương luận, thuyết hậu tây phương luận: quá khứ chưa bao giờ qua và tương lai chưa bao giờ đến (Eduardo Mendieta) 9. Triết học lục địa và môi trường (Jonathan Maskit) 10. Tư duy lại trật tự thế giới mới: những phản ứng trước toàn cầu hóa/ bá quyền của Mỹ (Todd May) Nguồn: https://press.uchicago.edu/ucp/books/book/chicago/H/bo10462669.html
  • GIỚI THIỆU BỘ A HISTORY OF PHILOSOPHY (COPLESTON)
    27/ 10/ 2021
    A History of Philosophy là bộ lịch sử triết học phương Tây của tu sĩ dòng tên người Anh Frederick Charles Copleston, in lần đầu gồm 9 tập trong giai đoạn 1946-1975. Theo The Encyclopedia Britannica, tác phẩm này đã trở thành “văn bản tham khảo tiêu chuẩn cho hàng ngàn sinh viên đại học, nhất là ấn bản bìa mềm in ở Mỹ”. Từ năm 2003, bộ này tăng lên thành 11 tập, do được thêm vào 2 tác phẩm khác được Copleston xuất bản trước đó. Tổng quan Tác phẩm bao quát một phạm vi rộng của triết học phương Tây từ tiền-Socrates đến John Dewey, Bertrand Russell, George Edward Moore, Jean-Paul Sartre và Maurice Merleau-Ponty. Dự kiến ban đầu gồm ba tập bàn về triết học cổ đại, trung đại, và hiện đại, và viết để dùng làm SGK trong các chủng viện Công giáo, tác phẩm này tăng lên thành 9 tập được xuất bản trong giai đoạn 1946-1975 và trở thành một tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn dành cho các nhà triết học và sinh viên triết học nhờ tính khách quan của nó. Tập 10 và 11 được thêm vào bộ này vào năm 2003 (sau khi Copleston qua đời vào năm 1994) bởi nhà Continuum (về sau trở thành nhà Bloomsbury). Tập 10 Russian Philosophy được xuất bản vào năm 1986 dưới nhan đề Philosophy in Russia. Tập 11 Logical Positivism and Existentialism được xuất bản dưới nhan đề Contemporary Philosophy, bản chỉnh sửa 1972 (tập tiểu luận này xuất bản lần đầu năm 1956) Bộ sách này đã được dịch sang tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Trung, Romania, Ba Lan, và Ba Tư. Tóm tắt nội dung Sau đây là tóm tắt chi tiết của 11 tập (không phải mục lục đầy đủ): Tập 1: Hy Lạp và Rome Xuất bản lần đầu năm 1946, tập này gồm: Triết học tiền-Socrates Giai đoạn Socratic Plato Aristotle Triết học hậu-Aristotle Như những tập khác trong bộ này, tập này do Image Books (Doubleday) in thành 2 phần, phần đầu kết thúc với chương Plato, phần sau bắt đầu với chương Aristotle. Gerard J. Hughes ghi nhận rằng trong những năm về sau, Copleston nghĩ tập đầu là “tồi tệ” và ước gì ông có thời gian để viết lại. Tập 2: Augustine đến Scotus Xuất bản lần đầu năm 1950, tập này, vốn có nhan đề ban đầu là Triết học trung đại, gồm: Những ảnh hưởng trước thời trung đại (bao gồm Thánh Augustine) Phục hưng Carolingian Thế kỉ X, XI, XII Triết học Do thái và Hồi giáo Thế kỉ XX (bao gồm Thánh Bonaventure, Thánh Thomas Aquinas và Duns Scotus) Copleston còn viết một tác phẩm nhan đề Medieval Philosophy (1952), về sau được sửa chữa và mở rộng thành A History of Medieval Philosophy (1972). Tác phẩm này bàn về những chủ đề giống như tập 2 và 3 của bộ History. Copleston còn viết quyển Aquinas (1955), bàn mở rộng thêm phần trình bày về nhà tư tưởng này trong tập 2. Tập 3: Ockham đến Suarez Xuất bản lần đầu năm 1953, tập này còn mang tít phụ Late Medieval and Renaissance Philosophy và bàn về: · Thế kỉ XIV (bao gồm William of Ockham) · Triết học phục hưng (bao gồm Francis Bacon) · Kinh viện học của thời Phục Hưng (bao gồm Francisco Suárez) Copleston còn viết một tác phẩm nhan đề Medieval Philosophy (1952), về sau được sửa chửa và mở rộng thành A History of Medieval Philosophy (1972). Tác phẩm này bàn về những chủ đề giống như tập 2 và 3 của bộ History. Copleston còn viết quyển Aquinas (1955), bàn mở rộng thêm phần trình bày về nhà tư tưởng này trong tập 2. Tập 4: Descartes đến Leibniz Xuất bản lần đầu năm 1958, tập này còn mang tít phụ The Rationalists và bàn về: René Descartes Blaise Pascal Nicolas Malebranche Baruch Spinoza Gottfried Leibniz Tập 5: Hobbes đến Hume Xuất bản lần đầu năm 1959, tập này còn mang tít phụ Bristish Philosophy và bàn về: Thomas Hobbes John Locke Isaac Newton George Berkeley David Hume Tập 6: Wolff đến Kant Xuất bản lần đầu năm 1959, tập này còn mang tít phụ The Enlightenment và bàn về: Khai minh Pháp(bao gồm Jean-Jacques Rousseau) Khai minh Đức Sự nổi lên của Triết học lịch sử (bao gồm Giambattista Vico và Voltaire) Christian Wolff Immanuel Kant Tập 7: Fichte đến Nietzsche Xuất bản lần đầu năm 1963, tập này còn mang tít phụ 18th and 19th Century German Philosophy và bàn về: Johann Gottlieb Fichte Friedrich Wilhelm Joseph Schelling Friedrich Schleiermacher Georg Wilhelm Friedrich Hegel Arthur Schopenhauer Sự biến chuyển của chủ nghĩa duy tâm  (bao gồmLudwig Feuerbach và Max Stirner) Karl Marx và Friedrich Engels Søren Kierkegaard Thuyết Kant mới Friedrich Nietzsche Copleston còn viết những tác phẩm riêng về hai triết gia được bàn trong tập này: Friedrich Nietzsche: Philosopher of Culture (1942) và Arthur Schopenhauer: Philosopher of Pessimism (1946). Ông còn được Bryan Magee phỏng vấn đề Schopenhauer trên BBC Television vào năm 1987. Tập 8: Bentham đến Russell Xuất bản lần đầu năm 1966, tập này còn mang tít phụ Utilitarianism to Early Analytic Philosophy và bàn về: Chủ nghĩa duy nghiệm Anh (bao gồm John Stuart Mill và Herbert Spencer) Phong trào duy tâm ở Anh (bao gồm Francis Herbert Bradley và Bernard Bosanquet) Chủ nghĩa duy tâm ở Mỹ (bao gồm Josiah Royce) Phong trào dụng hành (bao gồm Charles Sanders Peirce, William James, và John Dewey) Cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa duy tâm (bao gồm George Edward Moore và Bertrand Russell) Tập 9: Maine de Biran đến Sartre Xuất bản lần đầu năm 1975, tập này còn mang tít phụ 19th and 20th Century French Philosophy và bàn về: Từ Cách mạng Pháp đến Auguste Comte (bao gồm Maine de Biran) Từ Auguste Comte đến Henri Bergson Từ Henri Bergson đến Jean-Paul Sartre (bao gồm Maurice Merleau-Ponty) Tập 10: Triết học Nga Mặc dù (theo Gerard J. Hughes) tập 10 của bộ History về triết học Nga từng được dự định viết, tác phẩm của Copleston trong lĩnh vực này gồm 2 quyển không nằm trong bộ này: Philosophy in Russia (1986) và Russian Religious Philosophy (1988). Tác phẩm đầu (được nhà xuất bản ban đầu tuyên bố là “nên được xem cách thỏa đáng là tập đi kèm bộ này) được thêm làm tập 10 bởi Continuum vào năm 2003 (mặc dù nó cũng được bán dưới nhan đề gốc cho các thư viện cho đến năm 2019) Ivan Kireevsky, Peter Lavrov, và các triết gia Nga khác Triết học ở Dostoevsky và Tolstoy Tôn giáo và triết học: Vladimir Solovyov Plekhanov, Bogdanov, Lenin và chủ nghĩa Marx Nikolai Berdyaev và các triết gia lưu vong khác Tập 11: Chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh Được in làm tập 11 trong ấn bản của Continuum từ năm 2003, Chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh là một tập tiểu luận từng được in trong quyển Contemporary Philosophy (1956) của Copleston. Nó bàn về chủ nghĩa thực chứng logic và chủ nghĩa hiện sinh . Tiếp nhận và di sản Viết bài điểm sách cho tập 1 vào năm 1947, George Boas nhận xét rằng “Không có diễn giải [của trường phái Thomistic của Copleston] nào gây hại nhiều cho độc giả của tác phẩm học thuật này. Đa số chúng được để trong ngoặc, như thể chúng được chèn vào để khuyến cáo các chủng sinh rằng dân ngoại sẽ không tiếp thu chúng. Chúng có thể bị loại bỏ, và lịch sử triết học cổ đại ad usum infidelium (đối với dân ngoại đạo) là lịch sử tốt hơn nhiều những bộ lịch sử thông thường. […] Rõ ràng ông biết rõ tác phẩm đời xưa, nếu như ông không cảm thấy mình phải là một Eusebius hiện đại, ông đã có đủ kiến thức để viết bộ lịch sử đích thực. Mặt khác, ông cũng phân chia thời kì và tổng quát hóa. […]. Người ta có thể dành những lời khen tặng cao nhất cho sự uyên bác của Cha Copleston. Thật không may ông đã không thể sử dụng nó để viết một nghiên cứu thật sự độc đáo về những ý niệm triết học. Về tính khách quan của tác phẩm này, Martin Gardner, làm ta nhớ những nhận xét ông đã nêu trước đó, ghi nhận: “Tu sĩ dòng Tên Copleston đã viết bộ lịch sử triết học nhiều tập tuyệt vời. Tôi không nghi ngờ gì về những gì ông tin về học thuyết của đạo Công giáo”. Viết bài điểm sách cho quyển Philosophy in Russia in năm 1986 (được bán từ năm 2003 như tập 10 của ấn bản Continuum), Geoffrey A. Hosking lưu ý rằng tác giả công bằng với những nhà tư tưởng vô thần và chủ nghĩa xã hội như với những nhà tư tưởng tôn giáo, những người mà ông, với tư cách là một thành viên của Society of Jesus, được cho là thông cảm hơn. Và ông nói rằng đó là “một khảo sát có năng lực đáng nể”. Nhưng ông kết luận: “tôi thú nhận có hơi thất vọng vì kinh nghiệm phong phú của Copleston đã không đưa ra những trực quán độc đáo hơn, và nhất là không thôi thúc ông khảo sát câu hỏi quan trọng nhất trong mọi câu hỏi thực hành mà triết học Nga đặt ra”. Viết vào năm 2017, nhà triết học Christia Mercer khen ngợi tác phẩm là “một nghiên cứu minh bạch đáng khâm phục và có tham vọng lớn lao” nhưng nhận xét rằng mặc dù tác giả bao gồm “những nhà huyền học như Master Eckhart (1260-1328) và những nhà kinh viện dòng tên như Francisco Suárez (1548–1617), ông gần như hoàn toàn bỏ qua các sáng tác tâm linh phong phú về mặt triết học của những tác giả nữ quan trọng cuối thời trung đại, ông đã quy giản toàn bộ triết học về một chuỗi các tác giả nam vĩ đại, mỗi người đáp lại người đi trước mình”. Nhà triết học và thần học Benedict M. Ashley đã so sánh A History of Philosophy với những bộ lịch sử triết học nổi tiếng nhất như sau: “Một số bộ lịch sử triết học, như bộ sách đáng khâm phục của Frederick Copleston, chỉ cố gắng đưa ra lý giải chính xác về nhiều triết học khác nhau trong bối cảnh lịch sử chung. Những bộ khác, như Bertrand Russell trong bộ History of Western Philosophy kỳ cục của ông hay Etienne Gilson trong quyển The Unity of Philosophical Experience xuất sắc của ông đưa ra một lập luận để binh vực một lập trường triết học chuyên biệt” The Washington Post: “Tường thuật của Copleston về triết học phương Tây từ lâu đã trở thành một tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn, vốn quen thuộc nhất với giới sinh viên ở dạng bìa mềm nhỏ gọn. Copleston viết sáng sủa, nhưng không có sự hạ thấp của bộ Story of Philosophy dễ đọc hay những thiên vị của bộ History of Western Philosophy khiêu khích của Russell. Nói cách khác, các tập sách của Copleston vẫn là nơi để bắt đầu cho bất kì ai muốn học hỏi về những tư biện lý thuyết của con người về chính mình và thế giới”. Gerard J. Hughes trong The New Catholic Encyclopedia, đã mô tả tác phẩm là “một hình mẫu về tính minh bạch, khách quan, và chính xác về học thuật, đến nay vẫn là tác phẩm chưa bị vượt qua về tính dễ đọc và cân bằng” The Cambridge Encyclopedia of the Jesuits: “[Một bộ lịch sử” khồng lổ 9 tập […] được xuất bản giữa năm 1946 và 1974, Copleston qua đó mà nổi tiếng. Được The Times of London mô tả là “bộ lịch sử toàn diện về suy tư triết học từ tiền-Socrates đến Sartre” (02/04/199), bộ lịch sử của Copleston trở nên nổi tiếng vì nó được viết bằng sự uyên bác về học thuật , phạm vi toàn diện về nội dung, và lập trường tương đối khách quan”. The Review of Metaphysics: “Sử gia triết học nổi tiếng nhất trong thế giới Anh ngữ, và một người mà nhiều người đã mang ơn” Jon Cameron (University of Aberdeen): “Đến nay bộ lịch sử của Copleston vẫn là một thành tựu phi thường và vẫn phản ánh chân thực những tác giả nó bàn trong một tác phẩm nặng về trình bày như thế”. Tháng 09/1979, The Washington Post báo cáo rằng: “Tác phẩm bán chạy nhiều tập [A] History of Philosophy (9 phần, 17 tập) của Frederick Copleston đã bán được 1.6 triệu bản” Các ấn bản Copleston, Frederick (2003). A History of Philosophy Vols 1-11. Great Britain: Continuum. ISBN 978-0826469489. Copleston, Frederick (1962–1975). A History of Philosophy. New York, USA: Image Books (Doubleday) Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/A_History_of_Philosophy_(Copleston)#Editions.
  • GIỚI THIỆU LOẠT SÁCH THE ROUTLEDGE GUIDES TO THE GREAT BOOKS
    27/ 10/ 2021
    Routledge Guides to the Great Books là những quyển sách giới thiệu tuyệt diệu các tác phẩm đã định hình văn minh phương Tây. Các quyển này khảo sát các lập luận và ý tưởng nằm trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất từ một số nhà tư tưởng xuất sắc nhất từng sống, từ Aristotle đến Marx và Newton đến Wollstonecraft. Mỗi quyển này bắt đầu bằng phần giới thiệu ngắn về tác giả của tác phẩm và hoàn cảnh họ đã sáng tác quyển này và kết thúc bằng phần khảo sát ý nghĩa lâu dài của tác phẩm. Routledge Guides to the Great Books do đó cung cấp cho người học ở khắp nơi những giới thiệu trọn vẹn về những tác phẩm quan trọng nhất của mọi thời. Loạt sách này bổ sung cho bộ Routledge Philosophy Guidebooks. Triết học cổ đại và trung đại The Routledge Guidebook to The New Testament (Kinh thánh Tân ước) The Routledge Guidebook to Plato's Republic (Cộng hòa của Plato) The Routledge Guidebook to Aristotle's Nicomachean Ethics (Đạo đức học cho Nicomachus của Aristotle) The Routledge Guidebook to Augustine's Confessions (Tự thú của Augustine) The Routledge Guidebook to Aquinas' Summa Theologiae (Tổng luận thần học của Thomas Aquinas) Triết học cận đại The Routledge Guidebook to Machiavelli's The Prince (Quân vương của Machiavelli) The Routledge Guidebook to Galileo's Dialogue (Đối thoại của Galileo) The Routledge Guidebook to Hobbes' Leviathan (Leviathan của Hobbes) The Routledge Guidebook to Descartes' Meditations (Những suy niệm của Descartes) The Routledge Guidebook to Locke's Essay Concerning Human Understanding (Tiểu luận về giác tính con người của Locke) The Routledge Guidebook to Berkeley’s Three Dialogues (Ba đối thoại của Berkeley) The Routledge Guidebook to Smith's Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc của Adam Smith) The Routledge Guidebook to Mill's On Liberty (Bàn về tự do của Mill) The Routledge Guidebook to Paine's Rights of Man (Quyền con người của Thomas Paine) The Routledge Guidebook to Thoreau's Civil Disobedience (Sự bất tuân dân sự của Thoreau) The Routledge Guidebook to Wollstonecraft's A Vindication of the Rights of Woman (Biện hộ cho quyền phụ nữ của Wollstonecraft) The Routledge Guidebook to Hegel's Phenomenology of Spirit (Hiện tượng học tinh thần của Hegel) The Routledge Guidebook to Kierkegaard's Fear and Trembling (Kính sợ và run rẩy của Kierkegaard) The Routledge Guidebook to James’s Principles of Psychology (Những nguyên lý tâm lý học của James) Triết học thế kỷ 20 The Routledge Guidebook to Moore's Principia Ethica (Principia Ethica của Moore) The Routledge Guidebook to Einstein's Relativity (Thuyết tương đối của Einstein) The Routledge Guidebook to Gramsci's Prison Notebooks (Những ghi chép trong tù của Gramsci) The Routledge Guidebook to Heidegger's Being and Time (Tồn tại và thời gian của Heidegger) The Routledge Guidebook to Wittgenstein's Philosophical Investigations (Những khảo sát mang tính triết học của Wittgenstein) The Routledge Guidebook to Rawls’ A Theory of Justice (Lý thuyết công lý của Rawls) The Routledge Guidebook to Foucault's The History of Sexuality (Lịch sử tính dục của Foucault) Truy cập Routledge để biết thêm thông tin: https://www.routledge.com/The-Routledge-Guides-to-the-Great-Books/book-series/RGGB?pd=published,forthcoming&pg=3&pp=12&so=pub&view=list
popup

Số lượng:

Tổng tiền: