• HỘI THẢO CÀ PHÊ HỌC THUẬT ĐH THÁI BÌNH DƯƠNG - CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ TRONG KỶ NGUYÊN COVID
    29/ 11/ 2021
    Khoảng đầu tháng 10 năm nay, hàng ngàn người dân đã rời thành phố Hồ Chí Minh kéo về quê ở các tỉnh miền Đông và miền Tây gây ra ùn tắt kéo dài trong đêm, ngay khi chính quyền thành phố cho phép người dân di chuyển sau hơn 2 tháng thực hiện biện pháp chống dịch covid-19 “ai ở đâu ở đấy”. Có bao nhiêu người hồi hương? Họ là ai và làm gì ở thành phố này? Họ đã ở vào tình cảnh như thế nào mà cứ “về quê rồi tính” bất chấp khuyến cáo ở lại của chính quyền? Trong phần I của buổi nói chuyện, diễn giả Nguyễn Đức Lộc đã đưa ra mô tả xã hội học về “nhóm người yếu thế”, tức phần lớn những người tạm rời thành phố về quê tránh dịch trong đêm đầu tháng 10. Nhóm này đã được hình thành nhanh chóng sau Đổi mới kinh tế 1986 từ số người di cư đông đảo từ các vùng quê đến Thành phố để tìm việc làm và cơ hội đổi đời. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, số tiền nhóm này gửi về quê hằng năm lên đến 6 tỉ đô la, không hề ít hơn lượng kiều hối của đồng bào hải ngoại gửi về nước hằng năm cho thân nhân. Vậy mà họ phải sống trong những không gian chật hẹp ở thành phố, làm việc trong điều kiện tương đối bấp bênh, đặt mình trong tình trạng vong thân/ tha hóa, và thiếu vắng đời sống tinh thần. Diễn giả cung cấp dữ liệu tương đối toàn diện về nhóm này ở đô thị Việt Nam, đặt hoàn cảnh Việt Nam trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi mô hình kinh tế với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism) trên thế giới vào những năm 70 và 80. Những dữ liệu xác đáng, tuy chỉ mang tính mô tả khoa học, không khỏi khiến người nghe liên tưởng đến những phê phán “con người một chiều” (one-dimensional man) của Herbert Marcuse trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1964 ở Mỹ, cũng như những cách đặt vấn đề của phái mác-xít với vấn nạn nghèo đói, bị bần cùng hóa của tầng lớp công nhân, vô sản vào thế kỉ XIX ở các đô thị châu Âu dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong phần II, diễn giả Đinh Hồng Phúc giới thiệu tổng quan về trường phái khắc kỷ cổ đại. Trường phái này thịnh hành cách đây hơn 2000 năm và cũng từng chứng kiến cơn đại dịch khủng khiếp thời đó. Phái khắc kỷ quan niệm triết học là hành động, và tập trung suy tư về “lối sống tốt” (good way of life). Họ đã tiếp tục phát triển các bộ môn logic học, đạo đức học, và vật lý học của truyền thống Hy Lạp, và có nhiều quan niệm khác nhau khi kết hợp chúng với triết học để hình thành một thể tri-hành thống nhất. Những lời dạy thực tế của phái khắc kỷ về kiểm soát cảm xúc, phát triển đức hạnh, và phán đoán chính xác là những bài học thiết thực trong ứng xử ở đời, nhất là trong những hoàn cảnh xã hội ‘cấp bách’ và khác thường như đại dịch bệnh. Bài học quan trọng nhất từ họ là: có những thứ bên ngoài xảy đến mà ta không thể tác động, và có những thứ bên trong ta có thể tác động được. Ta hãy tập trung vào cái sau, chẳng hạn cảm xúc, phán đoán, và hành động của ta. Con người ta thường đau khổ vì tưởng tượng hơn nhiều so với đau khổ thực sự gây ra trên thực tế. Bài học này ắt hẳn rất bổ ích khi người ta phải đối diện với dịch bệnh, và ở trong tình huống có quá nhiều yếu tố mình không thể tác động được. Trong phần Q&A, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. (1) Làm thế nào để phân định đúng/ sai trong thực tiễn hành động ? Một câu hỏi thoạt trông có vẻ như là một câu hỏi về kỹ thuật ra quyết định (decision making skill) nhưng xét về sâu xa là câu hỏi về lý thuyết chân lý (theory of truth), vốn đã được hỏi trong suốt hàng ngàn năm của lịch sử tư tưởng. (2) Làm thế nào để triết học không chỉ cung cấp những câu trả lời trừu tượng, hình thức cho thực tiễn cụ thể, cấp bách? Thay vì chỉ dừng ở những lời khuyên lý thuyết chung chung như ‘hãy biết tư duy phản biện’, ‘hãy tự phản tư’ sáo rỗng của trường ốc, làm thế nào để tiến một bước xa hơn trên thực tế? Vượt qua vực thẳm giữa lý thuyết và thực tiễn đã luôn là giấc mơ ‘tri-hành hợp nhất’ của triết học. Triết học, trên thực tế, đã có những bước tiến lớn khi cố gắng trả lời câu hỏi này với học thuyết về ‘thực tiễn’ (praxis) của phái mác-xít và châm ngôn dụng hành (pragmatic maxim) của chủ nghĩa dụng hành đương đại. Có lẽ ngày nay đa số người ta đều đồng ý: các ý tưởng phải được cọ xát trên thực tế và thực tiễn chính là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.
  • INTERNAL TALK 17 - CHỮ "TU" TRONG "TU THÂN" - LÊ VĂN CƯỜNG - 29 thg 11, 2021
    30/ 11/ 2021
    Tu là gì? Hiểu về tu thân và đích hướng tới Cơ chế Thân-Tâm-Tuệ Ý nghĩa và kết luận Tu là sửa, theo cách hiểu của diễn giả về giáo pháp Phật giáo, đó là sửa cái tâm và sửa nhận thức. Emerson từng nói một ý tương đồng với thuyết nhân quả nghiệp báo của nhà Phật: “Gieo một ý nghĩ, bạn gặt một hành động; gieo một hành động, bạn gặt một thói quen; gieo một thói quen, bạn gặt một tính cách; gieo một tính cách, bạn gặt một số phận”. Diễn giả cho rằng tu thân bao gồm tu sửa thân, tâm, tuệ. Về thân, ta thực hành ăn uống và nghỉ ngơi điều độ. Ta cũng phải luôn quán sát tâm mình, rõ biết các tâm tham, sân, si để chúng không dẫn ta đến hành động sai lầm. Để trau dồi tuệ, ta phải luôn học tập và thực hành không ngừng. Kết thúc bài thuyết trình, diễn giả trích lại một bài kệ trong Kinh Pháp Cú: Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm Ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy.
  • INTERNAL TALK 18 - ÁI KỶ - HIỂU THẾ NÀO? - NGUYỄN THỊ THẢO - 06 thg 12, 2021
    07/ 12/ 2021
    - Định nghĩa ái kỷ và ái kỷ cực đoan - Biểu hiện của ái kỷ và ái kỷ cực đoan - Một số ví dụ về ái kỷ cực đoan trong đời sống và văn chương - Q&A Mở đầu bài nói, diễn giả đưa ra khái niệm ái kỷ và ái kỷ cực đoan vì cho rằng đang có sự nhập nhằng trong việc sử dụng từ ái kỷ hiện nay để chỉ một loại bệnh lý rối loạn nhân cách. Ái kỷ đơn thuần nghĩa là yêu bản thân mình, là coi trọng sức khỏe, nhu cầu và hạnh phúc của bản thân. Ái kỷ cực đoan là trạng thái quá say mê hoặc ngưỡng mộ về ngoại hình hoặc năng lực của bản thân. Người ái kỷ xem mình bình đẳng với người khác, họ nhận thức rõ giá trị của bản thân, không cần sự công nhận hay ngưỡng mộ từ người khác; họ cũng nhận thức rõ khuyết điểm của bản thân và nỗ lực cải thiện chúng. Người ái kỷ cực đoan lại cho rằng mình luôn vượt trội hơn người khác, luôn tin rằng mọi luật lệ không áp đặt lên họ. Họ luôn luôn muốn nhận được sự khen ngợi, ngưỡng mộ từ những người xung quanh. Họ hành động như thể họ không có bất kỳ sai sót, mọi việc họ làm đều đúng. Trong cuộc sống hiện nay, có một số hành động được xem là ái kỷ cực đoan. Những hành động khoe thân, coi trọng lượt like, comment,… là một số ví dụ điển hình của ái kỷ cực đoan. Trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió, nàng Scarlett O’Hara cũng được xem là một trong những nhân vật kinh điển có tính cách ái kỷ cực đoan. Nàng thích làm trung tâm của các bữa tiệc, thích được đàn ông xoay quanh và ca tụng. Nàng cũng không tuân theo luật lệ hay quy chuẩn của thời đó, nàng thách thức những khuôn phép của một phụ nữ quý phái, nàng sẵn sàng cướp người yêu của em gái mình để đạt được được thứ nàng muốn.
  • INTERNAL TALK 19 - GÓC NHÌN - HUỲNH QUỐC HIỆP - 13 thg 12, 2021
    14/ 12/ 2021
    Định nghĩa góc nhìn Yếu tố tác động đến góc nhìn Ảnh hưởng của góc nhìn đến cuộc sống Cách cải thiện góc nhìn Q&A Góc nhìn theo nghĩa đen là góc độ của ánh mắt tiếp nhận hình ảnh của đối tượng tới mắt, góc nhìn bảo đảm tính chân thật nguyên dạng đúng nhất của đối tượng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường dùng nghĩa bóng của từ này theo nghĩa tương tự như “cách nhìn”, “quan điểm” - một thái độ hoặc cách thức cụ thể mà qua đó một người nghĩ về điều gì đó. Góc nhìn bị tác động bởi tư duy và cảm xúc. Nhận thức và cảm nhận khác nhau sẽ tạo nên những góc nhìn khác nhau. Thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực sẽ giúp loại bỏ rào cản tư duy, sẵn sàng tiếp nhận những điều mới, nhận thức những giá trị mới, tăng khả năng thấu cảm, cải thiện cuộc sống. Nhà văn Jonhan Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”. Muốn cải thiện góc nhìn cần trải nghiệm nhiều hơn, tách mình ra khỏi quan điểm cũ, kinh nghiệm cũ, xem xét, đánh giá mọi thứ ở những khía cạnh khác, quan sát toàn diện hơn để lựa chọn góc nhìn phù hợp nhất. “Con không bao giờ thực sự hiểu một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…” – Bố Atticus, Giết con chim nhại (1960)
  • TRANH BIỆN DBA DB8 1 - THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC & HẠNH PHÚC TRONG GIA ĐÌNH
    21/ 12/ 2021
    Tiếp nối chặng đường Internal Talk của năm 2021, Thư Hiên thực hiện chương trình tranh biện DBA DB8 vào mỗi thứ hai. Chủ đề buổi tranh biện thứ nhất là: bạn không thể đồng thời có được thành công trong công việc và hạnh phúc trong gia đình cùng một thời điểm. Thành công trong công việc là khi đạt được điều gì đó, một mục tiêu nào đó trong sự nghiệp. Hạnh phúc trong gia đình là khi gia đình đạt được sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương, tôn trọng nhau và được thỏa mãn cả về thể chất lẫn tinh thần. Đội phản đối cho rằng “thành công trong việc” và “hạnh phúc trong gia đình” là hai mệnh đề độc lập, không phải cái này kéo theo cái kia và ngược lại. Đội này cho rằng một người có thể không có cả hai, có thể có một trong hai và cũng có thể có cả hai thứ cùng một thời điểm. Nếu cố gắng đủ thì đến một ngày con người ta sẽ đạt được cả hai. Đội đồng ý với chủ đề cho rằng mọi thứ trong cuộc sống đều tương tác với nhau chứ không độc lập, anh dành thời gian cho cái này nhiều hơn thì phải bớt thời gian cho cái kia. Kể cả khi trong quá trình hướng đến thành công mà chưa đạt được nó, ta đã phải hy sinh rất nhiều thời gian cho gia đình, song bản chất của hạnh phúc của gia đình là cần kết nối, cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, là một thứ rất dễ tan vỡ khi ta không dành thời gian chăm bẵm. Liệu đến khi chạm đến được thành công rồi thì liệu gia đình có còn gắn kết để được gọi là “hạnh phúc” hay không? Bạn có thể đồng thời có được thành công trong công việc và hạnh phúc trong gia đình cùng một thời điểm không?
  • TRANH BIỆN DBA DB8 2 - LÀM VIỆC VÌ TIỀN, CÓ NÊN KHÔNG?
    30/ 12/ 2021
    Buổi tranh biện thứ 2 diễn ra với chủ đề: Làm việc vì tiền, có nên không? Đội ủng hộ đi làm vì tiền bảo vệ quan điểm của mình bằng những luận điểm về tính thiết yếu của tiền khi mà đó là phương tiện giải quyết phần lớn các vấn đề trong cuộc sống - chúng ta không thể sống mà không có tiền. Đội còn cho rằng đi làm vì tiền thì những mục tiêu trong công việc sẽ mang tính ổn định và bền vững hơn vì mục tiêu được lượng hóa thành con số rõ ràng, mang tính lũy tiến theo thời gian, nảy ra động lực phát triển trong công việc, tạo ra nhiều giá trị bên lề khác. Đội phản đối với đề tài cho rằng không nên đi làm chỉ vì tiền mà còn vì những thứ khác: niềm vui, hạnh phúc, nâng cao giá trị của bản thân,… Đội cho rằng đi làm vì niềm vui thì chắc chắn vẫn có tiền, đi làm vì tiền chưa chắc có niềm vui. Dù là làm việc vì tiền thì cuối cùng cũng là để phục vụ những nhu cầu khác để được thoải mái, tận hưởng cuộc sống mà không phải bận tâm cơm áo gạo tiền quá nhiều. Có lẽ với vai trò là một “phương tiện”, là “trung gian” trao đổi hàng hóa, giá trị, tiền không phải là cứu cánh của bất cứ thứ gì mà chúng ta làm trong cuộc sống mà chỉ là để phục vụ cho một mục đích riêng nào đó của mỗi cá nhân. Có thể lắm, 8 tiếng trung bình làm việc một ngày là vì chính 8 tiếng đó, cũng có thể lắm, 8 tiếng đó là vì 16 tiếng còn lại. Chúng ta làm việc vì điều gì? Và nên làm việc vì điều gì?
  • TRANH BIỆN DBA DB8 3 - PHỤ NỮ LÀ NHỮNG NHÀ QUẢN LÝ TỐT HƠN NAM GIỚI?
    07/ 01/ 2022
    Buổi tranh biện thứ ba diễn ra với chủ đề “Phụ nữ là những người quản lý tốt hơn nam giới” Đội ủng hộ chủ đề bảo vệ quan điểm của mình bằng nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có khả năng lãnh đạo tốt hơn nam giới của Zenger Folkman. Phụ nữ quản lý hiệu quả hơn đối với 12/15 nhiệm vụ (bán hàng, tiếp thị, dịch vụ khách hàng, vận hành, nhân sự đào tạo, quản lý tổng hợp,…) mà nghiên cứu xét tới. Và trên 16 thang năng lực lãnh đạo để đánh giá các nhà quản lý, phụ nữ tỏ ra vượt trội hơn nam giới ở nhiều khía cạnh: năng lực chủ động, năng lực phát triển bản thân, năng lực xây dựng mối quan hệ, năng lực thiết lập mục tiêu dài hạn,… Đội phản đối phản biện lại đội ủng hộ bằng chính nghiên cứu đó của Zenger Folkman khi mà nam giới được đánh giá cao hơn hẳn trên một năng lực là phát triển tầm nhìn chiến lược. Đội cho rằng không có thông số về tỉ trọng tầm quan trọng của mỗi loại năng lực thì không có căn cứ để cho ra kết luận tổng thể năng lực lãnh đạo của nữ giới tốt hơn, vì không có căn cứ nào đánh giá 36/49 mục nghiên cứu mà nữ giới chiếm ưu thế là quan trọng hơn 13/49 tiêu chí còn lại. Thực tế cho thấy các bảng xếp hạng các nhà lãnh đạo hầu như không có nhiều sự góp mặt của nữ giới. Liệu phụ nữ có là những người quản lý tốt hơn nam giới?
popup

Số lượng:

Tổng tiền: