• ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ TRONG CÔNG GIÁO VÀ HỒI GIÁO - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    23/ 05/ 2022
    Trong thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi các giám mục thuộc hội thánh công giáo về tương quan giữa đức tin và lý trí năm 1998 Đức Thánh Cha có viết: “Đức tin và lý trí là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, một khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình” (xc. Xh 33,18; Tv 27,8-9; 63,2-3; Ga 14,8; 1Ga 3,2). Có lẽ đây cũng là ý của Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong bài thuyết trình tại đại học Regensburg (Đức) ngày 12 tháng 9 năm 2006, bài thuyết trình có nhan đề “Glaube, Vernunft und Universität— Erinnerungen und Reflexionen” (Đức tin, lý trí và đại học: những hồi ức và suy niệm). Trong bài thuyết trình này, Đức Giáo hoàng Benedict XVI có trích dẫn lời của hoàng đế Manuel II Palaiologos vào thế kỷ 14, vị hoàng đế theo đạo Thiên chúa cuối cùng của đế chế La Mã trước khi Constantinople sụp đổ vào năm 1453, nói về Hồi giáo (Islam) và chính điều này đã gây ra phản ứng chống đối dữ dội tại các quốc gia theo tôn giáo này. Lời nhận xét của vị hoàng đế này về Hồi giáo, theo đúng bản tiếng Anh của tòa thánh Vatican, như sau: “Hãy cho ta thấy Muhammad đã đem lại điều gì mới mẻ và các ngươi chỉ tìm thấy đó là những điều vô nhân đạo và tàn ác, như mệnh lệnh của ông ta là phải phổ biến đức tin mà ông ấy rao giảng bằng thanh gươm”. Khi trích lại câu nhận xét này của vị hoàng đế Manuel II, Đức Giáo hoàng muốn phân biệt rõ, một bên là quan điểm của Thiên chúa giáo (đại diện là hoàng đế Manuel II) rằng: “không hành động phù hợp với lý trí là đi ngược lại với bản tính của Thiên chúa”, với quan điểm của Hồi giáo (đại diện là Theodore Khoury, một học giả Hồi giáo), cho rằng Allah (Thiên chúa) vượt cao hơn lý trí của con người và ý chí của Ngài không thể bị bất kỳ nguyên tắc nào, kể cả lý trí, giới hạn. Khi trích dẫn câu nói của hoàng đế Manuel II, Đức Giáo hoàng Benedict XVI muốn chỉ ra một đặc điểm mà vị hoàng đế kia phản đối nơi Hồi giáo “truyền đạo bằng gươm” (forced conversion) và cho rằng điều thực hành này mâu thuẫn với lời dạy trong kinh Qur'an rằng “trong tôn giáo không có sự ép buộc”. Đức Giáo hoàng Benedict XVI muốn nói rằng giữa thực hành và giáo lý Islam có sự mâu thuẫn. Theo quan điểm thần học kinh viện hậu Tôma Aquinô (mà Đức Giáo hoàng Benedict XVI chấp nhận): Thiên chúa là Logos (Lý tính nhập thể) và con người là vật thụ tạo của Ngài (Imago Dei) nên con người khi hành động phải căn cứ trên các nguyên tắc của Lý tính và các nguyên tắc này không hề mâu thuẫn với Đức tin. Trong khi Allah của Hồi giáo lại siêu vượt cả các nguyên tắc của Lý tính. Nghĩa là Allah có quyền mâu thuẫn với chính Ngài nếu Ngài muốn. Theo Đức giáo hoàng Benedict XVI, một cuộc đối thoại thực sự giữa các tôn giáo phải có cơ sở trên các nguyên tắc rộng rãi nhất của Lý tính. Sau khi bị phản ứng dữ dội Tòa thánh có ra thông cáo giải thích lại ý nghĩa “thực sự” của bài thuyết trình nói trên của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhấn mạnh rằng ý của Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chống lại bạo lực bất kể vì lý do gì hay xuất phát từ bất kỳ tôn giáo nào (chứ không phải chỉ nói riêng Islam). Xem ra lời biện luận này cũng chẳng có giá trị bao nhiêu trong việc làm giảm sự công kích nhằm vào bài thuyết trình. Với vai trò đứng đầu Hội thánh Công giáo, Đức Thánh Cha luôn luôn phải đương đầu với hai yêu cầu mâu thuẫn nhau trong việc đối thoại với các tôn giáo khác: Bảo vệ đức tin và bản chất đặc thù của Công giáo (defend genuine Catholic faith and identity) Phê phán những thực hành sai trái (ví dụ bạo lực) nơi các tôn giáo khác nhưng vẫn phải tôn trọng các tôn giáo đó,  ví dụ phải tôn trọng đức tin và bản sắc đặc thù của Hồi giáo (chẳng hạn việc một nhà thần học Hồi giáo nổi tiếng cho rằng Allah đứng cao hơn cả lý trí và Ngài có thể vượt qua mọi quy luật mà chính Ngài đã đặt ra)
  • LUẬT PHÁP: THƯỚC ĐO ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    31/ 05/ 2022
    Tiến trình hình thành các định chế dân chủ, nếu nhìn theo viễn cảnh toàn cầu, luôn luôn được đi kèm theo một sự phê phán nghiêm khắc thực tiễn chính trị. Những biến đổi mau lẹ tại nước Mỹ sau năm 1985 đã khơi dậy sự quan tâm của quần chúng đối với vấn đề quan hệ giữa chính trị và đạo đức. Trước năm 1985 sự phê phán thiếu dân chủ thường hướng về Liên Xô (cũ) và các quốc gia Đông Âu, nhưng sau năm 1992 sự phê phán đó lại quay về chính bản thân định chế dân chủ tại Hoa Kỳ. Người lãnh đạo trong thế giới hiện nay thường là mục tiêu cho những sự phê phán dựa trên hai hệ thống tiêu chuẩn hoàn toàn trái ngược nhau: một mặt phải thoả mãn một lý tưởng đạo đức thật hoàn mỹ và hầu như không thể đạt đến được đối với một con người bình thường, nhưng mặt khác quần chúng cũng đồng thời đòi hỏi người lãnh đạo có ý thức thực tế cao độ và làm việc có hiệu quả và năng suất cao nhất. Nếu muốn trở thành một thánh nhân hoàn toàn đạo đức, một nhà lãnh đạo rơi vào một trạng thái hoàn toàn bất định và thông thường trở thành những kẻ bảo thủ và hẹp hòi. Dĩ nhiên sự phán xét thiếu hay có đạo đức hay không hoàn toàn là thuộc phạm vi chủ quan của riêng nhà lãnh đạo và chưa chắc đã phù hợp với thực tế. Nhưng điều này không dẫn đến hệ quả dùng phương tiện biện minh cho cứu cánh: một người lãnh đạo vừa có đạo đức vừa có năng lực không hề là một sự mâu thuẫn. Trường hợp cựu thủ tướng Lý Quang Diệu tại Singapore và Thủ tướng Chu Dung Cơ tại Trung Quốc là hai ví dụ điển hình trong thế giới hiện đại. Nhưng đạo đức của người lãnh đạo là đạo đức như thế nào, đạo đức theo mô hình Nho giáo (như Trung Quốc cổ đại), hay đạo đức theo mô hình Thiên chúa giáo (như Âu châu thời Trung Cổ), hay theo mô hình Phật giáo (Sri Lanka, Ấn Độ thời vua Asoka, Miến Điện thời U Nu..), hay đạo đức theo mô hình chủ nghĩa Khai sáng sau thời Cách mạng Pháp? Nếu chấp nhận và chọn lựa một trong những mô hình trên đây người lãnh đạo lập tức rơi vào sự chống đối của những nhóm ủng hộ các hệ thống đạo đức khác. Thế nào là luật pháp? Hiểu về đạo đức như thế nào?  Luật pháp bao gồm những điểm căn bản sau đây:  (1) quyền con người như được thừa nhận trong hiến pháp; (2) hệ thống pháp lý (dân luật, luật hình sự, luật tố tụng) nhằm thể hiện và bảo vệ các quyền con người căn bản trong các hoàn cảnh đặc thù, cụ thể; (3) các định chế chính trị dùng để thể hiện và bảo vệ quyền con người với tư cách là một công dân (Quốc Hội và các cơ quan dân cử khác).  Thế nào là quyền con người hay nhân quyền? Các học giả thường khởi sự bằng cách truy nguyên ngược trở về khái niệm bản chất người và dùng đó làm cơ sở để biện luận cho khái niệm "nhân quyền". Thật ra những quyền làm người căn bản phát sinh từ một kinh nghiệm đau thương mang tính chất huỷ diệt và những người đầu tiên đề xướng chúng muốn khẳng định rằng một kinh nghiệm tương tự không thể tái diễn. Một triết gia người Nga, Vladimir Solovyov viết: "Nhiệm vụ của luật pháp không phải là biến thế giới tồi tệ này thành vương quốc của Chúa, nhiệm vụ của nó chính là tránh không cho thế giới này rơi vào địa ngục trước thời hạn. “Quyền con người không phát xuất từ một lý tưởng hay triết học trừu tượng nào cả. Chúng phát xuất từ nhận thức rằng: "Những chuyện như thế không được phép xảy ra nữa.”  Đạo đức bao gồm những yêu cầu mang tính chất vô điều kiện, và không nhằm thoả mãn các nhu cầu cá nhân, mà hướng đến những bổn phận hay nghĩa vụ phải thực hiện bất chấp sự thiệt hại đối với quyền lợi cá nhân. Chẳng hạn khi giúp đỡ người nghèo mà còn kỳ kèo, tính lợi tính hại, thì nền tảng đạo đức của hành vi đó không còn tồn tại nữa. Dĩ nhiên đây là một định nghĩa theo khuynh hướng triết học Kant, nhưng chúng tôi chấp nhận định nghĩa này do tính chất tuyệt đối của nó. Luật pháp chính là phương tiện mang tính định chế duy nhất để giúp thế giới không rơi vào "địa ngục" bằng cách khẳng định và bảo vệ những quyền con người căn bản. Thật là ngây thơ khi cho rằng con người trên khắp thế gian sẽ được toàn thiện toàn mỹ và đoàn kết lại với nhau trong một giấc mơ dân chủ đại đồng, nhưng nhân loại vẫn có thể hợp tác với nhau để ngăn không cho thế giới rơi vào sự hỗn loạn và tan rã do thiếu chất keo pháp lý. Trong thực tế điều này có nghĩa là tiến trình dân chủ hoá các định chế chính trị phải đi song song với tiến trình pháp lý hoá các cơ cấu quyền lực. Sự góp sức của báo chí trong việc thúc đẩy hai tiến trình song song này đảm nhiệm một sứ mệnh quan trọng: nhắc cho mọi người nhớ rằng, luật pháp là thước đo đạo đức của người lãnh đạo.
  • HỌC HÀNH VÀ THI CỬ - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    06/ 06/ 2022
    Chuyện học ở Việt Nam luôn luôn là đề tài quan tâm hàng đầu của người dân. Già trẻ lớn bé, bạn có thể phỏng vấn bất kỳ ai, đều có ý kiến bình luận, chê bai, chửi bới, trong khi nếu bạn hỏi: “Theo anh/chị thì học để làm gì?” tôi dám cá mười ăn một là người được hỏi sẽ há hốc mồm trợn mắt nhìn bạn như thể bạn mới ở bệnh viện tâm thần chui ra: “Cái gì? Học là để....là...để...biết chết liền!” Nói chung, mọi người không quan tâm đến cứu cánh của việc học vì xưa nay việc học ấy chỉ có một mục đích khó nói ra: học là để làm quan hay ít nhất cũng kiếm được việc làm lương cao, lộc hậu, đi nước ngoài. Cái gọi là “giáo dục khai phóng toàn diện” ghi chình ình ngay cổng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn (TP.HCM) chỉ là khẩu hiệu marketing cho vui chứ thực chất thì cả ban giám hiệu nhà trường chỉ lo tổ chức hội nghị các nhà tuyển dụng là chính! Nhớ khi xưa xem bộ phim Tể Tướng Lưng Gù, rõ ràng không phải chuyện lịch sử có thật, nhưng tác giả đã dựa vào rất nhiều chi tiết lịch sử để làm bối cảnh cho câu chuyện nên diễn biến rất sống động, hào hứng. Trong hai tập đầu tiên đã thấy diễn ra cảnh trường thi đời Càn Long vô cùng bát nháo. Bỏ ra trăm lạng bạc đã mua được đề thi. Cảnh các thí sinh "mở máy quay phim" trong phòng thi ai đã cắp sách đi học, đi thi, chắc chắn đều quen thuộc. Buồn cười nhất là khi nội vụ đổ bể, vua Càn Long cho thi lại, ra vế đối "một đàn chim nhạn bay về Nam," anh chàng "tiến sĩ trăm lạng" ung dung đối lại "hai con vịt quay đi về Bắc!" Học hành nham nhở kiểu này thì anh chàng “tiến sĩ” kia cũng nên đem quay luôn là đúng nhất. KẾT LUẬN: Nhiều người chửi bới Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc nhưng họ không thấy rằng văn hóa Việt Nam là bản sao trung thực nhất của văn hóa Trung Quốc. Vậy chúng ra phải xây dựng một bản sắc văn hóa mới cho Việt Nam trên nền tảng nào?
  • ĐIỆN ẢNH, VĂN HỌC VÀ CHỮ A MÀU ĐỎ - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    13/ 06/ 2022
    Chữ A Màu Đỏ (The Scarlet Letter) là một kiệt tác văn học Mỹ thế kỷ 19. Tác giả là Nathaniel Hawthorne (1804-1864), một nhân viên sở thuế hải quan trong bang Massachusetts. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết nói trên cũng nằm ngay trong bang Massachusetts. Bến cảng Plymouth, trong thế kỷ 17 đã bao lần đón những tín đồ Thanh Giáo (Puritans) Anh vượt biển tìm tự do tín ngưỡng, ngày nay vẫn giữ nguyên khung cảnh ngày xưa để thu hút khách tham quan. Câu truyện thật đơn giản nhưng cũng đầy kịch tính: nàng Hester Prynne, đã có chồng tại Anh, đến Mỹ lập nghiệp. Nghiệp đâu thì chưa thấy đã thấy “nợ”: Hester sa vào lưới tình với chàng mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmelsdale và có thai. Đây là một tội nghiêm trọng trong cộng đồng các tín đồ Thanh Giáo. Kẻ có tội có thể bị tử hình bằng phương pháp treo cổ. Thống đốc bang đề nghị khoan hồng cho Hester nếu nàng chịu khai tên “tác giả” đứa con đang nằm trong bụng. Nhưng Hester cương quyết từ chối. Toà xử nàng phải đeo một chữ A màu đỏ trước ngực suốt đời. “A” có nghĩa là “adultery” (ngoại tình). Chàng Arthur đau khổ, hối hận, cũng âm thầm tự khắc lên thân thể một chữ A tương tự. Chồng của Hester sau đó cũng từ Anh vượt biển đến nơi và khi biết vợ phản bội đã dùng một tên giả định cư ngay cùng một thị trấn với Hester và Arthur để “truy tầm” ra thủ phạm đã cho ông mọc sừng và trả thù thật đích đáng. Tác phẩm này lại mới được chuyển thể điện ảnh (cùng tên với tác phẩm) với hai ngôi sao Demi Moore và Gary Oldman. Demi Moore đẹp não nùng trong vai một phụ nữ cương quyết đấu tranh cho tình yêu khiến khán giả quên tuốt đi rằng nếu tác giả Nathaniel Hawthorne được phép sống lại để chiêm ngưỡng cuốn phim này chắc chắn ông sẽ khóc thét lên và lìa trần lần thứ hai. Trong phim chàng Arthur và nàng Hester biến thành Romeo và Juliet của Mỹ, yêu nhau mùi mẫn bốc trời mây. Gary Oldman thủ vai một người hùng đầy nam tính, trong khi nạn nhân bị cắm sừng, chồng Hester, được mô tả như một thứ quỉ Satăng đầy nham hiểm, độc ác. Cuối cùng “chàng” liên kết với mọi da đỏ cho “quỉ mọc sừng” một trận te tua, cứu nàng chạy thoát được dây thừng treo cổ, dông thẳng qua bang California và sống hạnh phúc ở đó. Khán giả chắc chắn ra về trong sự hả hê vì một kết thúc có hậu, không biết rằng Hawthorne tác giả đang chưởi thề ở bên kia thế giới.   Trong tiểu thuyết thì khác hẳn. Chàng Arthur bị chết trong tâm trạng dằn vặt đầy hối hận khi đi lạc ra khỏi con đường của Chúa đã vạch ra cho một tu sĩ. Ngay cả ông chồng sau khi trả được thù cũng chết trong sự ân hận nên đã để toàn bộ gia sản cho cô bé Pearl, con của Hester và Arthur. Kết thúc thật nặng nề, buồn thảm. Bao nhiêu học giả đã thảo luận tác phẩm này mà vẫn không đưa ra được một giải thích thoả đáng: tác giả Hawthorne đứng về phe nào: phe của Hester đấu tranh cho tự do yêu đương hay phe đạo đức Thanh Giáo lên án tất cả mọi xúc cảm lãng mạn là phi luân, vô đạo đức? Thật ra thì Hawthorne đã tránh né đưa ra một chủ đề thật minh bạch. Trong nhân vật Hester chúng ta tìm thấy lời biện luận hùng hồn cho một tình yêu rực cháy, bất chấp mọi qui luật xã hội, thách thức nền tảng của tôn giáo. Nhưng trong nhân vật Arthur chúng ta lại tìm thấy một lời khẳng định ngược lại: tình yêu là tội lỗi xấu xa, việc anh sa ngã chỉ chứng tỏ giáo lý Thanh Giáo hoàn toàn đúng: con người ai cũng là tội nhân trong con mắt Chúa. Phải nắm vững giáo lý của Thanh Giáo chúng ta mới hiểu được tâm trạng của Arthur hay nhân vật Goodman Brown trong truyện ngắn Young Goodman Brown mà mọi nhà phê bình đều cho là truyện ngắn hay nhất của Hawthorne. Arthur không hề cho rằng việc anh làm là đúng, trong khi Hester khẳng định sự thật phải phát xuất từ con tim, nơi cư ngụ của những đam mê cuồng nhiệt, bất chấp tiếng nói tỉnh táo của lý trí. Phân tích cuốn tiểu thuyết này chúng ta phải tách cặp tình nhân này ra làm hai tuyến chủ đề đối lập nhau: Hester tượng trưng cho tình yêu hiểu như một khát vọng mạnh mẽ vượt ra khỏi mọi sự khống chế. Arthur tượng trưng cho tình cảm tôn giáo đồng hoá sự gần gũi nam nữ chỉ chứng minh tính động vật sẵn có trong con người và ngăn cản hắn hướng đến các mục tiêu tâm linh cao cả. Và dĩ nhiên Hawthorne không về phe ai cả. Ông không đưa ra câu trả lời cuối cùng vì trong cuộc sống không hề có những câu trả lời cuối cùng, những giải pháp dứt khoát một lần cho mãi mãi về sau. Mỗi một con người phải tự tìm lấy đáp số cho các ẩn ngữ trong cuộc sống. Cũng như Hester tin tưởng rằng rồi một thế giới tươi sáng sẽ đến trong tương lai khi quan hệ nam nữ được xác lập trên một nền tảng đem đến hạnh phúc cho nhau, nhưng nàng không cho mình có đủ khả năng để làm một đấng tiên tri. Một thiên thần sẽ mang đến tin vui trong một tương lai xa vời, nhưng thiên thần đó trong trắng, tinh khôi, chứ không dơ bẩn, tội lỗi như nàng. Trong những ý nghĩ này của Hester dường như chúng ta đã chứng kiến sự kết thúc buồn thảm của một trái tim nồng nhiệt. Cuộc đời mà nàng đang sống, đang phải sống, không có lời giải đáp và cũng không mở cửa dẫn đến một lời giải đáp. Kẻ đóng lại cánh cửa từ bên ngoài chính là luân lý của Thanh Giáo.
  • TRUYỀN THỐNG NHẬN THỨC TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC (P1)
    20/ 06/ 2022
    Tóm lược một bài phỏng vấn giáo sư Tu Weiming (Đỗ Duy Minh) bằng Trung Văn đăng trong tuyển tập Nho Gia truyền thống đích hiện đại chuyển hoá do Nhạc Hoa biên tập (Trung Quốc Quảng Bá Điện Thị Xuất Bản Xã, 1992, từ trang 173 đến 191). Bản dịch Việt văn: TS. Dương Ngọc Dũng Sáng tạo ra triết học bằng cách giải thích truyền thống Người phỏng vấn: Thưa Đỗ Duy Minh tiên sinh, ngài đã nhiều lần nhấn mạnh "sự hiểu biết đồng tình" (đồng tình liễu giải) đối với các nhà tiên triết cổ đại, do đó đã tiến hành giải thích truyền thống trên một quy mô lớn. Tuy nhiên tôi cảm thấy một trong những căn bệnh tệ hại của văn hoá Trung Quốc chính là do ý nguyện giải thích truyền thống quá mạnh mẽ, bất luận thời gian nào, không gian nào, bất luận phải đối diện với bất kỳ loại thách đố nào, cũng tìm mọi cách truy cầu đáp án từ truyền thống, tìm mọi cách hấp thụ sức mạnh từ truyền thống. Theo phong cách như vậy, hơn hai ngàn năm giới trí thức chỉ còn biết đứng trước một số kinh điển chắp tay sùng bái, đánh mất cả sức mạnh sáng tạo, đánh mất luôn cả khả năng thích ứng, cuối cùng tạo ra một thứ "tự mình chích thuốc độc vào bản thân" (tự thể trúng độc), khiến cho toàn thể xã hội bị sa lầy, đình trệ giữa một thứ bệnh thái thâm trọng. Ngài giải thích ra sao về vấn đề này? Đỗ Duy Minh: Tôi cho rằng sự kiện này có liên quan đến vấn đề ý thức lịch sử của người Trung Quốc, tức là vấn đề nhân quả và cải cách. Từ đời Hạ đến đời Thương, từ Thương đến Chu, người đời sau đối với người đời trước luôn luôn có mối liên hệ nhân quả và cải cách, điều này có mối quan hệ rất mật thiết với tính kế thừa trong văn hoá Trung Quốc.  Trước tiên chúng ta cần phải phân biệt hai loại hình sáng tạo. Loại hình sáng tạo thứ nhất mang tính chất đột phá. Tính chất này biểu hiện tương đối rõ ràng trong lĩnh vực khoa học. Khoa học phát triển, đôi khi có những bước đột phá các lý luận đi trước, phủ định các lý thuyết đi trước, có khi làm sụp đổ các quyền uy đi trước, sau đó một loại mô hình mới xuất hiện. Loại gãy đổ địa tầng ở bên trong nội bộ như vậy hết sức tự nhiên, mang ý nghĩa tiến bộ, nhảy vọt. Nhưng không hiếm người quan sát cho rằng sự đứt gãy địa tầng không hẳn nghiêm trọng như chúng ta tưởng.  Còn có một loại hình sáng tạo thứ hai, chẳng hạn sáng tạo văn học, cho dù tác phẩm văn học có sáng tạo gì hết sức mới mẻ đi nữa, việc vận dụng ngôn ngữ cũng phải phù hợp với quy tắc hoặc văn pháp có sẵn, những quy tắc này không thể bị vi phạm. Anh chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với văn pháp sáng tạo ra những điều mới mẻ trong một phạm vi giới hạn tự giác. Điều này cũng giống như cuộc vận động cổ văn thời Bắc Tống, trong thời kỳ này đã xuất hiện một số văn hào như Âu Dương Tu, Tô Thức hay Hoàng Đình Kiên, tất cả đều vận dụng cổ văn thuần thục, thực sự đã đạt đến trình độ "bổ phong tróc ảnh" (bắt gió đuổi ảnh) mà văn học bạch thoại hiện đại vẫn chưa sao với tới được. Do đó, sử dụng một cách cực kỳ thuần thục và linh hoạt ngôn ngữ mọi người vẫn thường vận dụng cũng là một hình thái sáng tạo ra cái mới. Loại hình sáng tạo này không giống như loại hình sáng tạo trong khoa học. Nó có tính kế thừa nhất định. Truyền thống Trung Quốc, nếu nói theo ngôn ngữ phương Tây, thông qua việc giải thích mà sáng tạo ra triết học, tức là sáng tạo theo quan điểm của thuyên thích học. Anh nhất định phải hấp thu dưỡng chất từ kinh điển truyền thống rồi mới có thể biểu hiện được quan điểm đặc sắc của riêng anh. Những quan điểm đặc sắc này cũng có thể giúp cho anh hoặc người khác đối với vấn đề vi ngôn đại nghĩa trong kinh điển tiến hành một sự xiển dương và phát huy tiến bộ được một bước. Đây là một loại hình tiến bộ tuần hoàn mà vòng tròn mỗi lúc mỗi được khoáng trương rộng rãi thêm ra. Truyền thống Trung Quốc là một loại truyền thống có ý thức lịch sử rất mạnh mẽ. Tôi không thể nào tiếp thu được quan điểm của một số người đối với văn hoá Trung Quốc cho rằng đây là nền văn hoá có định hướng sùng bái quá khứ, không chịu nhìn về tương lai. Tôi cho rằng văn hoá Trung Quốc là nền văn hoá "suy trần xuất tân" (khai triển cái cũ, làm xuất hiện cái mới), từ trước đến nay vẫn có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Nếu không văn hoá Trung Quốc không thể là nền văn hoá vừa trọng cổ vừa trọng kim được. Trên thế giới có rất nhiều nền văn hoá vô cổ hữu kim hay vô kim hữu cổ, nhưng văn hoá hữu cổ hữu kim thì tương đối hiếm. Nền văn hoá truyền thống có sức sống mãnh liệt giống như văn hoá Trung Hoa là một hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị. Truyền thống văn hoá Trung Quốc có tính kế thừa, đã biểu hiện được sức mạnh hưng thịnh của nó trong một thời gian dài. Nếu nói theo ngôn ngữ Kinh Dịch, đây là thành quả của việc "tự cường bất tức" (tự mình nỗ lực tiến bộ không ngơi nghỉ), không thể giản đơn cho rằng văn hoá Trung Quốc là một hiện tượng "tự thể trúng độc". Có nhiều người cho rằng sức sống trong văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh sáng tạo trong lĩnh vực triết học, đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ Tiên Tần, sau đó dần dần suy thoái, cho dù ngay trong thời kỳ tương đối sung mãn cũng không thể so sánh với thời Tiên Tần. Quan điểm này tôi không thể tán thành. Tôi cho rằng văn hoá Trung Quốc có nguồn gốc thâm viễn, dòng chảy mạnh mẽ đi rất xa (nguyên viễn lưu trường, ba lan tráng khoát), có khí phách kiêm dung rất lớn, mỗi thời đại đều có cống hiến đặc biệt mang sắc thái tinh tế hiển minh. Khi bàn đến lịch sử tư tưởng Trung Quốc, chắc chắn cần phải quan tâm đến những giai đoạn quan trọng, mỗi giai đoạn đều có nội dung phong phú phi thường, cần phải phát xuất từ nhiều giác độ khác nhau để lý giải các nội dung này.  Ngoài ra vẫn còn một vấn đề nữa. Trước đây chúng ta vẫn xem văn hoá Trung Quốc là khởi nguyên từ một nguồn gốc duy nhất (nhất căn nhi phát), khởi thuỷ từ lưu vực sông Vị thuộc hạ lưu sông Hoàng Hà, dần dần phát triển rộng ra. Tôi cho rằng hiện nay rất ít người tiếp thu được quan điểm này. Văn hoá Trung Quốc thực ra bắt nguồn từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau, có văn hoá Trung Nguyên, văn hoá Tây Bắc, văn hoá Sở thuộc Trường Sa, văn hoá Ngô Việt ở Trường Giang, văn hoá Quảng Đông và Vân Nam. Văn hoá Trung Nguyên có bình diện phát triển tương đối rộng rãi, bao gồm văn hoá Tề, Lỗ, văn hoá Yên, Triệu, có nhiều hình thức và chủng loại khác nhau, giữa các nền văn hoá này có sự tác động qua lại (hỗ tương kích đãng), hoà hợp với nhau, dần dần phát triển thành một nền văn hoá tương đối thống nhất. Có thể nói văn hoá Trung Quốc mỗi thời đại đều có sức sống riêng biệt, đều có sự phát triển đặc thù, đều có sự sáng tạo riêng biệt. Từ trước thời Thương, Chu, cho đến bách gia thời Tiên Tần, phái kinh học và sử học đời Lưỡng Hán, huyền học thời Ngụy Tấn, Phật Giáo Tùy Đường, Lý Học đời Tống Nguyên, khảo chứng học đời Thanh cho đến các học thuyết phát sinh sau thời Nha Phiến chiến tranh nhằm thích ứng với phương Tây, cho đến thời hiện đại, mỗi một thời kỳ đều có những vấn đề đặc biệt rất đáng được nghiên cứu, thảo luận. Chúng ta không thể sử dụng mô thức hiểu biết về thời Tiên Tần để giải thích thời Lưỡng Hán, cũng không thể dùng mô thức hiểu biết thời Lưỡng Hán để hiểu thời Ngụy Tấn, không thể dùng mô thức hiểu biết thời Ngụy Tấn để hiểu thời Tùy Đường. Bất kể từ phương diện văn hoá chính trị hay phương diện cấu trúc văn hoá đều không thể hiểu Trung Quốc, một quốc gia có nội dung văn hoá học thuật vô cùng phong phú, một cách đơn giản, thiển cận như vậy được. (Còn tiếp)
  • TRUYỀN THỐNG NHẬN THỨC TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC (P2)
    27/ 06/ 2022
    Tóm lược một bài phỏng vấn giáo sư Tu Weiming (Đỗ Duy Minh) bằng Trung Văn đăng trong tuyển tập Nho Gia truyền thống đích hiện đại chuyển hoá do Nhạc Hoa biên tập (Trung Quốc Quảng Bá Điện Thị Xuất Bản Xã, 1992, từ trang 173 đến 191). Bản dịch Việt văn: TS. Dương Ngọc Dũng Sự hình thành ý thức duy ngã độc tôn trong văn hoá Trung Quốc Người phỏng vấn: Khi mọi người bàn đến tính bảo thủ cố hữu trong bản thân văn hoá Trung Quốc, thông thường vẫn nêu lên vấn đề "độc tôn" (chỉ có ta là đáng tôn trọng). Như vậy cũng có thể nói, từ cổ chí kim, văn hoá Trung Quốc đều có ý thức duy ngã độc tôn, một loại khuynh hướng mục hạ vô nhân (mục không nhất thiết), khuynh hướng này không những đả kích các luồng văn hoá đến từ nước ngoài, mà còn làm gia tăng thêm nọa tính của văn hóa Trung Quốc nữa. Ngài nghĩ sao về vấn đề này?  Đỗ Duy Minh: Vấn đề này Phí Chính Thanh (John K. Fairbank) cũng đã bàn đến rồi. Có quan điểm như sau: do Trung Quốc là một nước lớn có cái gọi là "lễ nghi thiên triều", có ý thức duy ngã độc tôn, xem những ngoại nhân đều là những dân tộc phải đến triều cống, vì họ có những điều cần phải cầu xin ở chúng ta, còn chúng ta thì chẳng cần phải cầu xin gì ở họ. Một khi họ đã đến Trung Quốc thì chúng ta phải dùng một loạt những chế độ lễ nghi để cải biến họa thành những thần tử có nhiệm vụ kính bái thiên triều. Từ đời Đường trở đi tình hình đều như thế cả, cho đến đời Minh thì phát triển thành một loại ngông cuồng tự đại tương đối rõ ràng, loại ngông cuồng tự đại này khiến cho Trung Quốc khó lòng đối phó với sự thách đố của văn hoá Tây Phương một cách thực tế, một cách rốt ráo được. Cái gọi là "Nam man, Đông Di, Tây Nhung, Bắc Địch", tất cả đều không đáng nhắc đến, chỉ có Trung Quốc mới là hạt nhân của văn minh. Điều này biểu hiện ra một loại văn hoá hết sức cường liệt, thậm chí một loại chủ nghĩa sô-vanh chủng tộc. Tôi cho rằng đối với những trạng huống nêu trên, tất yếu cần phải tiến hành phân biệt ở những tầng lớp sâu hơn. Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc quả thật có một loại tư tưởng văn hoá xem mình là trung tâm, nhưng đằng sau bối cảnh rộng lớn này thì tình hình cụ thể rất phức tạp. Đời Đường văn hoá Trung Quốc phát triển đến đỉnh cao, nhưng đời Đường không có chủ nghĩa xem văn hoá Hoa Hạ là trung tâm, mà lại có tinh thần bao dung, tổng hợp rất lớn. Sau đời Đường, Hán tộc tại Trung Quốc không những rơi vào cảnh quốc gia bại nhược mà phải còn chịu sự uy hiếp đặc biệt lớn của các dân tộc thảo nguyên (như Mông Cổ), dân tộc sâm lâm (như Kim), do đó quan điểm văn hoá trung tâm của Trung Quốc và kinh nghiệm về sinh tử tồn vong mà nó phải gánh chịu có tương quan mật thiết. Đặc biệt trong thời gian gần một ngàn năm lịch sử, quan niệm duy ngã độc tôn rất khó có sức thuyết phục. Đời Tống đối với Liêu, Kim, Nguyên nhiều lần đã phải cam chịu xưng "thần". Chu Hi, một nhà tư tưởng có ý thức văn hoá Hoa Hạ rất mạnh mẽ, nhưng vẫn có những cảm giác lo lắng, sợ hãi sâu sắc, ông lo sợ rằng động lực của trung tâm thế giới không còn thuộc phạm vi Trung Quốc nữa, không những thế Trung Quốc đã bị ngoại nhân xâm lược và phải đối diện với cái hoạ vong quốc. Đến đời Nguyên, tròn tám mươi năm, hoàn toàn chịu sự can thiệp quấy nhiễu của văn hoá dị tộc, thành phần trí thức bị biến thành một thứ "xú lão cửu" (lão già hủ lậu, hôi thối). Cho đến đời Minh, tình hình phòng vệ biên cương luôn luôn phức tạp, căng thẳng, một mặt phải lo Mông Cổ, vì Mông Cổ có khả năng hưng khởi trở lại, một mặt khác phải lo đối phó Mãn Châu. Tình cảnh biến hóa thịnh suy khôn lường, ngay cả hoàng đế cũng bị bắt giữ, trong tình huống như thế, muốn có ý thức ngông cuồng tự đại cũng không phải là việc dễ dàng. Cảm giác về mối nguy cơ rất mạnh mẽ thể hiện trong tác phẩm của Vương Phu Chi và khẩu hiệu do Cố Viêm Võ đề xuất: "thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách" (chuyện quốc gia còn hay mất, ngay kẻ thất phu cũng có phần trách nhiệm), tất cả cho thấy không phải đây là ý thức duy ngã độc tôn, tự ngã trung tâm, mà nên nói rằng đó là ý thức lo âu về sự tồn vong của dân tộc.   Cái gọi là ý thức duy ngã độc tôn, chủ yếu hình thành vào đời nhà Thanh. Mãn Thanh là một vương triều do những kẻ xâm lăng vào Trung Quốc kiến lập nên. Với mục đích hoàn thành việc khống chế các vấn đề nội bộ, chính phủ nhà Thanh thái dụng sách lược văn hoá hoàn toàn giống với sách lược của Nho Gia. Tôn Khổng độc Kinh (tôn sùng Khổng Tử, nghiên cứu kinh điển Nho Gia), đó là những điều chính quyền nhà Minh không làm được thì nhà Thanh đã làm được. Có thể nói vương triều nhà Thanh đã hoàn toàn giải trừ được vũ trang của các phần tử trí thức Trung Quốc, khả năng phán đoán của giới trí thức đối với một số vấn đề lớn cũng bị chính trị làm cho rối loạn. Đồng thời, giới trí thức, đặc biệt là giới trí thức Hán tộc, khi không còn có khả năng tề gia trị quốc, họ có cảm giác mình hoàn toàn bị phân ly với thời đại, không còn thuộc về thời đại này nữa. Cho nên, cái gọi là bệnh ngông cuồng tự đại của thiên triều vẫn chưa phát triển đầy đủ sau đời Tống, và ý thức duy ngã độc tôn của đời Thanh cũng là do thời gian cả trăm năm không tiếp xúc với ngoại bang, đối với văn hoá Tây Phương hoàn toàn chẳng hiểu biết gì về hoàn cảnh khó khăn do chính bản thân tạo ra. Người phỏng vấn: Nhưng mà chúng tôi e rằng rất khó mà dùng hoàn cảnh suy bại của quốc gia để phủ nhận sự tồn tại của ý thức duy ngã độc tôn. Vào thời Hán Vũ Đế, Đổng Trọng Thư yêu cầu "bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật," điều này đúng là một khẩu hiệu bài trừ các loại tư tưởng khác biệt với mình về phương diện học thuật hay phương diện văn hoá. Sau khi cái gọi là Nho Thuật của Đổng Trọng Thư trở thành văn hóa chính thống của Trung Quốc, tinh thần "bãi truất" và "độc tôn" e rằng đã trở thành tính cách đặc thù trong văn hoá Trung Quốc. Ngay cả khi đất nước lâm vào cảnh suy vi, cũng rất dễ dàng kích phát những tình cảm "độc tôn" tiến lên một bước, vì những người yếu đuối đối với vấn đề tự tôn đôi khi cũng có mặc cảm, không những thế mà mặc cảm này đôi khi còn trở nên thái quá nữa. E rằng đây là hiện tượng "mặc cảm tự ti biến thành mặc cảm tự tôn" (cảm tình đích hồi lưu) chăng?    Đỗ Duy Minh:  Về vấn đề "duy ngã độc tôn" tôi cho rằng có thể lý giải từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất, Nho Học đảm nhiệm chức năng hình thái của một loại quốc giáo, phân tích cho cùng đã duy trì được tại Trung Quốc trong một thời gian rất dài, có ảnh hưởng rất lớn. Góc độ thứ hai, Nho Học tại Trung Quốc, ngoài việc đóng vai trò hình thái ý thức chính thống, đối với xã hội Trung Quốc, đặc biệt đối với nhiều tầng lớp dân chúng, thông qua rất nhiều con đường khác nhau mà phát sinh ảnh hưởng. Tôi cho rằng chúng ta đã cường điệu quá đáng ảnh hưởng của Nho Học chính thống thuộc phạm vi nhà nước. Tuy vấn đề đời Hán xuống chiếu ban hành "độc tôn Nho Thuật" là có thật, nhưng Hán Vũ Đế không phải là người chấp nhận tư tưởng Nho học, ông ta hoàn toàn giống như Tần Thuỷ Hoàng, rất thích lập nên những chiến công hiển hách, bị bọn phương sĩ mê hoặc, hơn nữa còn có tư tưởng Pháp gia rất mạnh, ví dụ như việc ông sử dụng Tang Hoằng Dương là một thắng lợi của phái Pháp Gia, điều này có phản ánh trong tác phẩm Diêm thiết luận. Hơn nữa, Ngụy Tấn, Tuỳ Đường đều không phải là các triều đại tôn sùng Nho học, mãi cho đến đời Nguyên, Tứ Thư Ngũ Kinh mới trở thành tiêu chuẩn cho chế độ khoa cử. Tôi không phủ nhận ảnh hưởng rất lớn của Nho Gia trong văn hoá chính trị Trung Quốc, đóng vai trò như một nguyên tắc chuẩn mực trong việc trị nước, nhưng phân tích cho rốt ráo vẫn còn có sự thẩm thấu trong đó nhiều nhân tố thuộc tư tưởng Pháp gia. Tôi chỉ muốn cảnh giác với quan điểm của nhiều người: Nho Giáo sở dĩ có thể thấm nhập đến mọi phương diện trong đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, hoàn toàn không phải là nguyên nhân chính trị, mà còn dodo rất nhiều nhân tố khác. Chúng ta có thể nhớ lại, Nho Gia trong đời Hán mặc dù có địa vị rất cao, nhưng đối với lý thuyết Hoàng Lão đang thịnh hành trong xã hội vẫn không thể tùy tiện phê phán. Ngụy Tấn có thể nói là thời kỳ mà Nho gia dần dần nắm được địa vị, đương thời trọng thị tông tộc, giảng cứu gia pháp, làm cho Nho học, đặc biệt là Kinh học  và Lễ học phát triển trong cấu trúc kiến lập xã hội. Nhưng rất khó giải thích điều này từ góc độ chính trị hoá. Do việc Trung Quốc bị ngoại tộc xâm nhập, một số lớn gia tộc chạy về phương Nam, và do ý muốn duy trì địa vị gia tộc, tất yếu cần phải có một số quy phạm, lý tưởng. Đến thời nhà Đường, kinh học và lễ học của Nho Gia càng được phát triển rộng rãi (đại hành kỳ đạo). Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, từ thời Ngụy Tấn cho đến đời Đường, tư tưởng chủ đạo vẫn là tư tưởng Phật Giáo và huyền học, nếu xét trên bình diện hệ tư tưởng, mãi cho đến đời Tống, Nho Gia mới được trùng tân phục khởi, các học thuyết thân, tâm, tính, mệnh mới được mọi người đề xuất, đối với Phật Giáo trở thành một đối ứng mang tính sáng tạo mạnh mẽ. Do đó, khi xem xét vấn đề Nho Giáo, không thể nào chỉ căn cứ vào góc độ "độc tôn Nho thuật" hay "nhất chi độc tú" (chỉ có một cành xinh đẹp) để giải thích, mà phải xem xét những đường kinh mạch của Nho Giáo thẩm thấu trong khắp mọi tầng lớp xã hội. Từ đời Hán đến nay, bất kể là triều đại nào, nếu muốn tiến hành kiến lập các cấu trúc chính trị đều cần đến vai trò của Nho gia. Điều này có thể đóng vai trò hữu quan trong văn hoá chính trị cùng với Nho Gia, phản ánh một cách mạnh mẽ rõ ràng ý thức lịch sử và tinh thần cảm thụ văn hoá đặc biệt của người Trung Quốc. Không biết điều này có làm tăng trưởng ý thức duy ngã độc tôn hay bệnh ngông cuồng tự đại của người Trung Quốc hay không? Tôi cho rằng trong vấn đề này có nhiều hoàn cảnh cụ thể mà chúng ta hoàn toàn chưa nắm rõ. Đời Thanh quả thực chúng ta đã biết như thế, nhưng nhất định phải có những nguyên nhân và duyên cớ sâu xa bắt nguồn từ các thời đại đi trước.
  • CHÂU GIANG CỐ SỰ CỦA TRƯƠNG THẮNG HỮU - TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG
    04/ 07/ 2022
    Trương Thắng Hữu là một tên tuổi khá xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam. Thậm chí ngay cả những nhà Trung Quốc học cũng hiếm người biết đến ông, nhưng tại Trung Quốc thì tên tuổi Trương Thắng Hữu chẳng còn xa lạ gì với độc giả của tờ Quang Minh Nhật Báo. Bản thân Trương Thắng Hữu từng nhiều năm gắn bó với tờ báo này với nhiều chức vụ quan trọng khác nhau sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán năm 1982. Tác phẩm của ông tập hợp lại cũng khá đồ sộ, hầu hết đều chưa được dịch sang Việt ngữ, và hầu hết chuyên về thể loại phóng sự mang đậm sắc thái lịch sử trong nghĩa bao quát nhất của từ này. Châu Giang Cố Sự chính là một tác phẩm tiêu biểu của thế loại này. Nhân vật chính của tác phẩm đương nhiên là dòng Châu Giang, một nhân chứng sống động của lịch sử Trung Quốc hiện đại với biết bao thăng trầm biến đổi, những vật và chuyển mình "thoát thai hoán cốt" (như chính lời của tác giả) đi từ bờ bên này của tối tăm và đau khổ để sang đến bờ bên kia của phồn vinh và hạnh phúc. Và cuộc hành trình thực sự vẫn chưa kết thúc: bờ bên kia vẫn còn xa tít, nhưng đã nhận thấy tương đối rõ ràng, những kẻ "dò đá qua sông" (mô thạch quá hà) đã bớt tranh cãi với nhau về định hướng. Bây giờ thì họ tranh cãi về những chủ đề khác: Thế nào là phát triển bền vững? Bảo vệ sinh thái là trách nhiệm của chính quyền hay của nhân dân? Tĩnh hình "một tay bảo vệ, tay kia phá hoại" hiện nay đang làm suy thoái nghiêm trọng tình hình quản lý tài nguyên và sinh thái tại Trung Quốc. Và còn nhiều vấn đề khác nữa thuộc đặc sản riêng của bối cảnh Trung Quốc vừa công nghiệp hóa vừa phải xây dựng một thể chế dân chủ pháp trị tương thích với đà phát triển của xã hội. Tác giả Trương Thắng Hữu trong tác phẩm này dã trình bày cuộc cải cách tại khu vực Châu Giang, mà điểm đột phá chính là Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến (Thâm Trấn), một cách tương đối có hệ thống, ngắn gọn, và không thiếu chiều sâu. Có thể nói đây là phiến đoạn lịch sử Thâm Quyến trong thời kỳ gay go nhất, mang tính sống còn, của lịch sử đất nước Trung Quốc. Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, theo sự trình bày của tác giả, hiện ra trong tầm mắt của độc giả như những nhà bảo sanh hay phòng thí nghiệm trong đó tất cả người dân Trung Quốc đều chăm chú và hồi hộp theo dõi sự ra đời của một tư tưởng mới, một sản phẩm mới, một thế hệ mới. Quá trình thai nghén, sinh ra, lớn lên và trưởng thành của Thâm Quyến cùng chính là quá trình phát triển nói chung của đất nước Trung Quốc trong nỗ lực thoát ly sự ám ảnh dai dẳng của lối tư duy tả khuynh của thời kỳ đã qua. Bài học của Trung Quốc phải chăng cũng có thể là bài học của Việt Nam? Nghiên cứu lịch sử cải cách của Trung Quốc hiện đại không phải chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tri thức lý thuyết đơn thuần: việc nghiên cứu này có thể giúp những người trong cương vị lãnh đạo rút ra những bài học thực tiễn, những kinh nghiệm cụ thể để ứng dụng vào việc giải quyết hay dự báo những vấn đề thuộc chính sách kinh tế - xã hội - sinh thái vĩ mô. Đánh giá một cuốn sách cũng phải căn cứ vào ý đồ của tác phẩm. Tuy không được phát biểu một cách rõ ràng nhưng ý đồ của tác giả và tác phẩm cũng có thể nhận xét được qua phong cách và nội dung trình bày cũng như qua cấu trúc hình thức của tác phẩm. Cuốn sách rất ngắn (chỉ có 117 trang), rất nhiều hình ảnh màu minh họa, và không hề có thư mục tham khảo. Tác giả cũng không hề trích dẫn từ bất kỳ chuyên gia nào trong khi trình bày. Như vậy tác phẩm này nhắm vào các độc giả trung bình, thích hiểu biết nhưng không muốn mất nhiều thì giờ, không muốn bị hoa mắt nhức đầu vì các dẫn liệu phức tạp, nói chung là các độc giả phổ thông. Cuốn sách đương nhiên không dành cho những người có trình độ chuyên môn cao. Muốn đi sâu hơn, chúng tôi đề nghị bạn đọc nên tham khảo Trung Quốc năm 2007-2008 (Đỗ Tiến Sâm chủ biên, NXB. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008), Giờ phút then chốt (Hứa Minh chủ biên, bản dịch Việt ngữ của Đào Văn Lưu, NXB. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2003), Trung Quốc: Con rồng lớn Châu Á của Daniel Burstein & Arne de Keijzer (bản dịch Minh Vi, NXB. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008), Biến đổi cơ cấu giai tầng ở Trung Quốc trong thời kỳ cải cách và mở cửa (Phùng Thị Huệ chủ biên, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008), Đại hội XVII Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Đỗ Tiến Sâm chủ biên, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008), Trung Quốc cải cách và mở cửa (Nguyễn Văn Hồng chủ biên, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2003), Trung Quốc với tham vọng trở thành siêu cường quốc như thế nào? (Ted Fishman, bản dịch của Ngọc Tiến, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007), Báo cáo phát triển Trung Quốc: Tình hình và triển vọng (Đỗ Tiến Sâm chủ biển, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2007). Đây chỉ là một số nhỏ mang tính tiêu biểu trong rừng sách mênh mông viết về quá trình cải cách tại Trung Quốc hiện nay. Nếu có một nhược điểm nào đó trong sự trình bày của tác giả thì chắc chắn đó là những mảng tối, những phương diện tiêu cực trong quá trình cải cách, đổi mới hầu như không hề được đề cập tới, nếu có thì cũng rất sơ sài, thoáng qua, như thể ánh sáng rực rỡ của cuộc cải cách đã khiến tác giả bị lóa mắt, không còn đủ khả năng nhận ra những mặt trái nghiêm trọng trong sự phát triển siêu tốc hiện nay tại Trung Quốc, những điều mà Hứa Minh trình bày rất sâu sắc trong cuốn Giờ phút then chốt. Những sự kiện chấn động thế giới như trận động đất tại Tứ Xuyên, sự kiện Trần Hy Đồng và Vương Bảo Sâm, mưa a-xít tại miền Nam Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, và biết bao sự kiện kinh tế xã hội khác, hầu như không hề được tác giả nhắc đến hay phân tích triệt để. Nhưng, như đã nói, với một tác phẩm có độ ngắn và ý đồ như trên, chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở tác giả, vốn có một mục đích khiêm tốn hơn: trình bày ngắn gọn lịch sử ba mươi năm cải cách kinh tế tại Thâm Quyến.
popup

Số lượng:

Tổng tiền: