• CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (3)
    05/ 04/ 2023
    CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (3) Roger Faligot Nguyễn Trung Kiên trích dịch  (Kỳ 3)  (Kỳ 1 Kỳ 2  )     Ẩn đằng sau cặp kính đen, Lý Khắc Nông có tâm hồn của một nhà báo. Ông sinh ra tại tỉnh An Huy nghèo khó ở miền Đông vào năm Kỷ Hợi (1899). Với dáng người đẫy đà, bộ ria mép và phong thái vui vẻ, ông được mệnh danh là “Đức Phật cười”. Thời trẻ, ông đến Pháp theo chương trình vừa học vừa làm, và có thể trong thời gian đó, ông đã trở thành một trong những đặc vụ đầu tiên của Chu Ân Lai. Dù thế nào, ông đã có ba mươi năm làm gián điệp phục vụ “các vị quan cách mạng”. Sau khi trở về Trung Quốc, Lý làm việc như một nhà báo. Năm 1926, ông trở thành Phó Tổng biên tập của tờ ‘Quốc dân Nhật báo' của Quốc dân Đảng và là người ủng hộ chiến dịch Bắc phạt của Tưởng Giới Thạch, mặc dù vào thời đểm ông đã bí mật trở thành một chiến binh cộng sản. Ông trở lại Thượng Hải vào năm 1928, nơi ông tiếp tục làm việc với tư cách là một nhà báo và cho Đặc Khoa. Ông dự định được đảm nhận vai trò là nhà mật mã riêng của Tưởng Giới Thạch. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông đã thành công trong việc đột nhập Bộ Tổng tham mưu của quân đội Quốc dân Đảng, và do đó có thể gửi cho “Ngũ Hào” và Khang Sinh các bản sao điện báo trên bàn làm việc của ông. Ông là một phần của mạng lưới bao gồm Tiền Tráng Phi, một nhà cộng sản khác, người đã trở thành thư ký cho Từ Ân Tăng, người đứng đầu cơ quan mật vụ BIS của Quốc dân Đảng. Trong khi đó, Nhiếp Vinh Trăn, người cũng từng ở Paris và hiện là chuyên gia về điên tín không dây, được giao nhiệm vụ thiết lập một đài phát thanh ở Hồng Kông. Tháng Năm năm 1930, ông đến Thượng Hải, cũng dưới vỏ bọc là một nhà báo, và cùnng hoạt động với Trần Canh, như ông giải thích trong hồi ký của mình: “Ngoài tôi, những người khác chịu trách nhiệm cụ thể bao gồm Trần Canh, Lý Cường và những người khác… Đó là khoảng thời gian căng thẳng và thú vị. Chúng tôi đã cố gắng đưa một số đồng chí có năng lực cao vào các bộ phận chủ chốt của địch - Lý Khắc Nông, Tiền Tráng Phi và Hồ Để. Với sự giúp đỡ của họ, chúng tôi có thể truy cập liên tục vào thông tin về các tổ chức khác nhau và chúng tôi biết kẻ thù đã phát hiện ra đồng đội nào. Đôi khi, chúng tôi thậm chí còn nhận được thông tin chi tiết về các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của quân đội Tưởng Giới Thạch”. Một khía cạnh khác trong các trách nhiệm của “Ngài Vương”, bí danh của Trần Canh, là cung cấp hỗ trợ hậu cần cho dịch vụ tình báo của ông cho các đặc vụ từ Moscow. Mặc dù nhiệm vụ này có vẻ mâu thuẫn với các quy định an ninh chặt chẽ tại chỗ, nhưng nó đã được Quốc tế Cộng sản ra lệnh như một phần trong kế hoạch thành lập một văn phòng Viễn Đông và cung cấp hỗ trợ cho các nhân viên của Quốc tế Cộng sản thuộc GRU đã được cử tới Trung Quốc để giúp Tướng Berzin hoành thành các nhiệm vụ. Những người này bao gồm Jean Cremet và Richard Sorge, hai người gặp nhau vào tháng Một năm 1930. Cremet chủ yếu làm việc tại Khu Tô giới Quốc tế Thượng Hải, làm việc với Cục Viễn Đông với tư cách là thanh tra lưu động cho các đảng cộng sản khác trong khu vực (Nhật Bản, Philippines, Đông Ấn Hà Lan, v.v…). Như các báo cáo của ông gửi Trung tâm đã chỉ ra rõ ràng, ông đã được cử đi giúp Hồ Chí Minh thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương, Hồng Kông và Macao. Ông cũng được cử đi thuyết phục Trần Độc Tú, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người đã đoạn tuyệt với phong trào vào năm 1927, quay trở lại và thăm Stalin ở Moscow. Điều này có vẻ như đây hẳn phải là một cái bẫy, gợi ý đến mối liên hệ của Trần với Trotsky đang bị lưu đày. Cremet đóng giả một thương nhân người Bỉ giàu có tên là René Dillen, trên danh nghĩa ông có hộ chiếu giả. Ông hoạt động cho đến mùa Xuân năm 1931, sau đó ông biến mất khỏi tầm quan sát của Matxcơva - sau khi ảo thuật gia Cố Thuận Chương đào ngũ. Trong khoảng mùa hè Hăm 1930, ông đã được gửi đến để đàm phán việc mua vũ khí tại Thượng Hải, rồi trở về bằng việc hộ tống chiếc tàu của Đệ bát Lộ quân Quảng Tây, một vùng du kích được tổ chức trên vùng lãnh thổ của người Khách Gia đang được lãnh đạo bởi Đặng Tiểu Bình, một đồng chí cũ trong thời kỳ hoạt động ở Paris. Tuy nhiên, trong cuộc hải hành, người cộng sản Breton phi thường ấy đã mất tích trong một cơn bão. “Ông bị kéo xuống vực sâu, đến vương quốc của Long Vương”, như người ta vẫn nói vậy bằng tiếng Trung Quốc. Ông chết đuối trên biển cả. Cơn thịnh nộ nổi lên ở Matxcơva: chuyện gì đã xảy ra với ông ấy? Một đồng chí người Pháp khác, Joseph Ducroux, người rất quen thuộc với châu Á, được cử đến để tìm kiếm ông. Trên thực tế, lúc này nghiêng về quan điểm của của Trần Canh và Trotsky, Cremet đã quyết định tự đạo diễn vụ mất tích của chính mình, với sự giúp đỡ của Clara và André Malraux. Ông là một trong những người đào tẩu quan trọng đầu tiên của Quốc tế Cộng sản dưới thời cai trị của Stalin. Trong khi đó, Richard Sorge có phần may mắn hơn - ít nhất là vào lúc này. Ông đã thiết lập một chốt giám sát mới của Liên Xô ở Thượng Hải. Mặc dù ông là đối tượng bị chỉ trích từ trong GRU do tính hữu dụng của mình, nhưng ông đã giúp tổ chức chuyến thăm của một số lãnh tụ của ĐCSTQ tới Liên Xô, bao gồm Chu Ân Lai và Vương Minh. Sorge tiếp tục do thám Nhật Bản, nơi ông bị bắt và bị treo cổ vào năm 1944, mặc dù thông tin mà ông thu thập được ba năm trước đó đủ để cảnh báo Stalin rằng Hitler đang chuẩn bị xâm lược Liên Xô. ẢO THUẬT GIA HỌ CỐ ĐÀO NGŨ Joseph Ducroux đã không thành công trong cuộc điều tra về sự biến mất của người đồng chí của mình, người mà ông từng làm việc cùng trong Ban Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Tất cả những người mà ông tham khảo ý kiến, dù là người Trung Quốc hay người Đông Dương, đều không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về những gì có thể đã xảy ra với Cremet. Đơn giản là ông ấy đã biến mất. Ducroux đã viết một cuốn hồi ký chưa được xuất bản vào thập niên 1950, trong đó ông kể lại cuộc tìm kiếm Cremet diễn ra như thế nào: “Trên đường từ Paris đến Viễn Đông, tôi dừng lại ở Moscow vào tháng Hai năm 1931 và được ở trong một tư gia trong thành phố, nơi chỉ có Abramov [người đứng đầu OMS] và một đồng chí người Pháp đến thăm. Tôi không có liên hệ trực tiếp với Quốc tế Cộng sản. Trong một trong những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, Abramov đã tâm sự với tôi rằng đã lâu lắm rồi Quốc tế Cộng sản mới có tin tức về Cremet, kể từ khi ông rời khỏi Moscow vào năm 1929. Ông nói với tôi cái tên mà ông ngụy trang để di chuyển, mà tôi đã quên… Ông có hộ chiếu Bỉ. Abramov yêu cầu tôi đi khắp các khách sạn ở Thượng Hải và Hồng Kông để xem liệu tôi có thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của Cremet hay không, và sau đó tôi đã thực hiện, gặp phải vô số trở ngại và không tìm được gì ở cả hai thành phố. Tất nhiên, tôi không thể đến thăm từng khách sạn ở hai cảng quốc tế lớn này. Nhưng những người tôi đã đến hỏi thăm đều không có dấu vết của người đàn ông đang mang cái tên Bỉ này. Tôi đã mất dấu Cremet hoàn toàn”. Chán nản, Ducroux tiếp tục chuyến đi của mình và tiếp tục đến Singapore, nơi ông được tranh thủ để giúp đỡ các Đảng Cộng sản non trẻ ở vùng Biển Nam (bao gồm Malaysia, Đông Ấn Hà Lan và Miến Điện). Nói cách khác, ông đã đảm nhận sứ mệnh mà Cremet bỏ dở. Ngày 27 tháng Tư năm 1931, ông chuyển đến khách sạn Raffles nổi tiếng ở Singapore với cái tên Serge Lefranc. Ducroux có lẽ không biết chuyện gì đã xảy ra ở Thượng Hải kể từ khi ông rời thành phố - một sự kiện gây vang dội gây chấn động đầy ẩn ý diễn ra trong Đặc Khoa và rộng hơn là ĐCSTQ. Ảo thuật gia Cố Thuận Chương đã đào ngũ khỏi ĐCSTQ. Ngày 25 tháng Tư năm 1931, sau khi rời thành phố với các lãnh đạo đảng khác, như thường lệ, nhà ảo thuật họ Cố đến Vũ Hán để thực hiện các trò ảo thuật làm vỏ bọc cho nhiệm vụ của mình. Khi ở đó, ông bị phát hiện đang ở trên đường phố với trẻ em mọi lứa tuổi xung quanh, bởi một kẻ chỉ điểm của Quốc dân Đảng, một đảng viên cũ của ĐCSTQ, người đã báo động cho các đặc vụ Quốc dân Đảng tại địa phương. Họ tấn công Cố, bắt giữ ông, và một sĩ quan BIS địa phương đã gửi điện tín đến Nam Kinh để thông báo tin tức tuyệt vời này. Kẻ thù tồi tệ nhất của các đảng viên Quốc dân Đảng, một trong những nhân vật quan trọng nhất của ĐCSTQ, đã bị mắc bẫy hệt như một con chuột cống. Nhưng người đứng đầu BIS, Từ Ân Tằng, đã rời văn phòng để đi khiêu vũ với tình nhân; điều này đã giúp cho Tiền Tráng Phi, người đứng đầu bộ phận mã hóa nhưng quan trọng hơn là một đảng viên cộng sản nằm vùng tại trụ sở Quốc dân Đảng, có thời gian để cảnh báo cho một mật thám quan trọng khác ở Cục Điện báo Trung ương Thượng Hải, Lý Khắc Nông. Lý lần lượt cảnh báo cho Trần Canh, người đứng đầu Tiểu ban 2. Trong những giờ sau đó, Chu Ân Lai, Khang Sinh, Trần Vân (cấp phó mới của Khang), Lý Cường (trưởng bộ phận truyền thông), và Hướng Trung Phát đã tìm được những ngôi nhà an toàn cho khoảng 500 nhà cộng sản. Họ cũng ra lệnh cho Lý Khắc Nông và Trần Canh rời thị trấn. Một lần nữa, Nhiếp Vinh Trăn thấy mình ở trên chiến tuyến, khi ông kể lại: “Chúng tôi may mắn có được đồng chí Tiền Tráng Phi làm việc trong văn phòng của BIS ở Nam Kinh, người đã giúp chúng tôi tránh được một thảm họa lớn hơn. Khi Tiền, một người cực kỳ thông minh và có năng lực, biết được rằng Cố đã đào ngũ, Tiền đã đi thẳng đến Thượng Hải để báo cho Ủy ban Trung ương về tình hình cấp bách. “Tôi đến gặp đồng chí Chu Ân Lai, nhưng đồng chí không có ở nhà. Tôi nói với ‘chị’ Đặng [vợ của Chu] và cảnh báo cô ấy hãy chạy trốn. Trong hoàn cảnh như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hành động trước kẻ thù. Chính Chu Ân Lai là người lo liệu mọi việc. Mọi văn phòng của Ủy ban Trung ương và mọi người trong số các đồng chí mà Cố đã biết đã được chuyển đến một địa điểm mới. Tất cả các liên hệ với Cố đã bị phá vỡ. Làm việc cả ngày lẫn đêm, chúng tôi chỉ mất hai ngày để hoàn thành công việc”. Chu và các đồng đội hành động chính xác. Cố Thuận Chương ngay lập tức phục vụ trung thành cho Trần Lập Phu và Từ Ân Tằng, những điệp viên bậc thầy của Quốc dân Đảng. Ngoài ra, ông đồng ý đứng đầu một bộ phận chống cộng đặc biệt, và viết một cuốn sách hướng dẫn về cuộc chiến chống lại cơ quan mật vụ cộng sản. Trong những ngày sau đó, các cuộc tranh luận đã làm rõ rằng nhà ảo thuật họ Cố thực sự đã tiết lộ tất cả những gì ông biết về tổ chức ngầm của ĐCSTQ. Bất chấp tất cả các biện pháp phòng ngừa mà những người cộng sản đã thực hiện, đã có nhiều vụ bắt giữ tại các thành phố khác nhau. Vào ngày 21 tháng Sáu năm 1931, Hướng Trung Phát, tổng bí thư của ĐCSTQ kể từ sau Đại hội Moskva năm 1928, bị bắt khi đang trốn trong một cửa hàng trang sức trên Đại lộ Joffre cùng với tình nhân của mình, một vũ công ở quán rượu. Ông cũng đề nghị đào ngũ để về với Quốc dân Đảng, nhưng ông đã bị bắn trước khi những người cai ngục của ông nhận được lệnh ân xá ông, do Tưởng Giới Thạch ký. Là một phần trong kế hoạch phản ứng của mình, Chu Ân Lai quyết định tái cấu trúc bộ phận tình báo của ĐCSTQ. Ban lãnh đạo của các hoạt động tình báo đặc biệt lúc này được tạo thành từ một nhóm gồm 5 chiến binh. Khang Sinh, hiện là người có nhiều quyền lực nhất, xung quanh ông là bốn người khác đã từng được đào tạo tại Liên Xô và cam kết trung thành về tư tưởng: Trần Vân, Quảng Huệ An, Kha Khánh Thi và Phan Hán Niên. Trong một cuộc phỏng vấn tại Đài Loan vào nửa thế kỷ sau đó, do tác giả cuốn sách này thực hiện, ông Quan Thư Tử - người sau này cũng đào ngũ sang Quốc dân Đảng, nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ Khang Sinh trong thời kỳ đó. Tôi vừa trở về sau khi học tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Moscow. Tôi đã phải lẩn trốn trong khách sạn Normandie ở Thượng Hải. Tôi gặp Khang trong một căn hộ thuộc thế giới ngầm. Anh rất niềm nở và khác biệt, mặc dù anh hút thuốc lá suốt. Chúng tôi phải đối phó với một vấn đề lớn khác của Moscow: Hilaire Noulens, người đứng đầu văn phòng Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, đã bị bắt. Tôi vưa mới thấy Noulens: ông ấy có chùm chìa khóa lớn nhất mà tôi từng thấy trong đời, cho tất cả các căn hộ bí mật mà ông trông coi”. Thật vậy, cùng thời điểm vị tổng bí thư của Đảng bị trừ khử, Moscow biết được một thất bại nặng nề hơn nữa sau vụ đào tẩu của Cố Thuận Chương. Ngày 15 tháng 6, Hilaire Noulens, với tư cách là đặc vụ của Quốc tế Cộng sản, cùng vợ ông, đã bị bắt tại Thượng Hải. Cặp vợ chồng vẫn im lặng và không khai bất kỳ điều gì, rồi bị tống vào tù. Mãi đến năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô, con trai họ mới tiết lộ tên thật của họ: Yakov Rudnik và Tatiana Moisseenko. Nhưng từ giấy tờ của họ, được cảnh sát giải mã, hàng chục điệp viên Liên Xô gốc phương Tây tại Thượng Hải đã bị lộ. Nhiều người đã trốn sang Liên Xô. Thật kỳ lạ, người được biết đến nhiều nhất trong số những điệp viên được xác định vào thời điểm đó, Richard Sorge, vẫn bị theo dõi nhưng không bao giờ bị bắt. Tuy nhiên, một mối nghi ngờ vẫn tồn tại: ngày 1 tháng Sáu năm 1931, Joseph Ducroux, người Pháp, bí danh “Lefranc”, đã bị bắt tại Singapore. Các nhân viên của Tiểu ban Đặc biệt đã tìm thấy trên người ông một cuốn sổ đã được mã hóa rất phức tạp, với địa chỉ Hộp thư bưu điện ở Thượng Hải: HILANOUL BP 208. Thực tế Ducroux có phải là người gián tiếp chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của văn phòng Thượng Hải của Quốc tế Cộng sản hay không? Hay ông nằm trong số những người bị Cố Nhuận Chương tố cáo, và các sĩ quan Anh chỉ đơn giản là chờ đợi trước khi bắt ông, như một cú đá cuối cùng vào cái cây sắp đổ? Ngày 6 tháng Sáu, lại có một bước lùi khác: Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) bị bắt tại quận Cửu Long, Hồng Kông. Ducroux đã gặp ông trước khi lên đường sang Malaysia, nhưng chi tiết về ông cũng được phát hiện trong các giấy tờ của Hilaire Noulens, được các thám tử làm việc cho Pat Givens, cảnh sát trưởng Anh ở Thượng Hải, phát hiện. Cảnh sát thuộc địa của Nữ hoàng Anh đã hoạt động trên khắp vùng tam giác Thượng Hải - Singapore - Hồng Kông. Đối với Khang Sinh, cuộc đào tẩu của Cố không hẳn là xấu. Điều đó có nghĩa là ông có thể mở rộng lãnh địa của mình, và nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Tiểu ban thứ 4 của Đặc Khoa, chịu trách nhiệm mã hóa và truyền tin. Chu Ân Lai cũng bật đèn xanh cho Quảng Huệ An để thực hiện các cuộc xử tử trả thù, điều đã giúp Quảng trở thành người đứng đầu mới của Tiểu ban thứ 3. Quảng, biệt danh “Chú bé Sơn Đông”, bắt đầu bằng việc ra lệnh giết ba phụ nữ: vợ của Cố và hai người hầu người Quảng Đông. “Con dao găm của Ngũ Hào” không biết thương xót. Toàn bộ gia đình của Cố bị chôn sống trong các hang động được đào và bịt kín bên dưới thành phố, như một bức điện từ cơ quan mật vụ Pháp tiết lộ: “Cố Thuận Chương đào ngũ, cả gia đình ông ta bị ám sát, vụ việc bị phanh phui sau vụ bắt giữ Vương Liêu Đích Tử, một tòng phạm với Chu Ân Lai, kẻ đã thú nhận vụ ám sát 11 người vào tháng Sáu năm 1931. Các xác chết được tìm thấy tại ngã ba giữa số nhà 37 phố Ngải Đương Lợi và Đường Prosper Paris, số 33 trong cùng một khu nhà ở Khu Tô giới Pháp, và trong Khu Định cư Quốc tế, số 6 đường Sien Teh Feung”. Theo Bộ An ninh Pháp, ngày 7 tháng Một năm 1933, một cuộc họp của các cán bộ cộng sản đã diễn ra ở Zao-ka-dou, nơi mà việc tái cấu trúc GPU của Trung Quốc đã được thống nhất: phải có một nhóm điều tra được thành lập để theo dõi những kẻ phản đảng; các đơn vị cần thiết để bảo vệ cho các lãnh tụ của đảng; và một “đội cận vệ” để loại bỏ những kẻ phản bội. Những quyết định này là một dấu hiệu cho thấy mức độ thâm nhập mà ĐCSTQ bí mật một lần nữa phải đối mặt. Hai tháng sau cuộc họp này, Trần Canh, cựu giám đốc của Tiểu ban số 2, đã bị bắt, khi đang ẩn náu tại nhà của nhà văn vĩ đại của Lỗ Tấn. Người Pháp mô tả ông là “người đứng đầu Tiểu ban số 2”, mặc dù trên thực tế, ông đã bị thay thế hai năm trước đó bởi một đặc vụ ngoại hạng khác, Phan Hán Niên. Bị bắt trên đường Bắc Kinh vào ngày 24 tháng Ba năm 1933, Trần bị kết án một tuần sau đó và giao cho cảnh sát Trung Quốc. Trong mắt Quốc dân Đảng, “Ngài Vương” quan trọng đến mức ông bị chuyển đến Nam Xương, nơi ông bị chính Tưởng Giới Thạch thẩm vấn. Nhưng vào cuối cuộc thẩm vấn, vị lãnh tụ của Quốc dân Đảng đã nhớ lại việc Trần đã cứu mạng mình như thế nào trong trận chiến ở miền Bắc, đã quyết định thả tù nhân của mình, và yêu cầu ông thương lượng một thỏa thuận với các “vị tướng công sản” đang cùng bị giam trong trại của ông. Vào tháng Năm, Trần Canh “vượt ngục”, và chạy trốn đến vùng Giang Tây đang bị Liên Xô kiểm soát. Ông vẫn là nhà người cộng sản và là một chỉ huy trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao. Sáu tháng sau, một báo cáo của viên cảnh sát trưởng mới của Pháp, Louis Fabre-Fiori cuối cùng đã bị cách chức vì tội tham nhũng và thông đồng với việc Thanh Bang mua thông tin về Cố Thuận Chương, người mà vào thời điểm này đã trở thành người đứng đầu một lữ đoàn chống cộng đặc biệt. Báo cáo của Pháp đã đưa ra chi tiết về Toán Áo Xanh, tổ chức bán quân sự gồm 3.000 người do anh em nhà Trần lãnh đạo, và tiết lộ cơ cấu tổ chức của các dịch vụ đặc biệt của họ: 1. Cơ quan tình báo bao gồm: a) bộ phận tình báo quân sự (Vương Bài Linh); b) một cơ quan tình báo bí mật (Cửu Kiến Trung, Ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng); 2. Một bộ phận điều hành (Cố Thuận Chương), chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động khủng bố, tuyển dụng chủ yếu các sinh viên tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng Phố. Được tạo thành từ các phòng giam bí mật ở Thượng Hải, Hồng Kông, Quảng Châu, Bắc Kinh. Đứng đầu danh sách đen của Quốc dân Đảng đối với những người công sản cần trừ khử là Triệu Dung, hay còn được biết đến với cái tên Khang Sinh. Khang đã một tay điều hành các hoạt động tình báo đặc biệt tại Thượng Hải, nhưng bây giờ có vẻ như cơ hội của ông đã hết. Chu Ân Lai đã hội quân với Mao. Khang Sinh, bậc thầy về múa rối, đã đến Moscow để làm tay sai vặt cho Stalin. KHANG SINH ĐẾN MOSCOW Đầu năm 1933, Khang Sinh được cử đến Moscow để tham gia ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản. Cuộc cách mạng ở châu Âu đang bùng phát khi Hitler lên nắm quyền. Nó bắt buộc phải được hồi sinh ở châu Á. Khang đã được đào tạo về các phương pháp gián điệp và an ninh nhà nước mới của Liên Xô . Ông cũng tham gia vào công tác tuyên truyền - agitprop. ‘Agitprop’, truyền bá thông tin sai lệch và lừa dối đều là vũ khí quan trọng như thu thập thông tin tình báo. Vào cuối năm 1933, Khang đã đăng một bài báo trên tạp chí ‘Quốc tế Cộng sản’ với tựa đề “Chiến dịch Quốc dân Đảng lần thứ 6 và chiến thắng của Hồng quân Trung Quốc”. Có lẽ đây là một phân tích đơn giản nhằm tìm cách tạo ra sự đoàn kết của giai cấp vô sản trên toàn thế giới với cách mạng Trung Quốc. Nhưng nó có thể nhằm mục đích nhận được sự ủng hộ từ Stalin và các chiến lược gia của ông đối với những nhà lãnh đạo đã từ bỏ cuộc nổi dậy ở thành thị để ủng hộ phong trào du kích dựa vào nông thôn - đặc biệt là vị lãnh tụ cộng sản mới, Mao Trạch Đông, và đội quân nông dân của ông. Năm sau, Khang Sinh trở thành đồng tác giả một cuốn sách mỏng với đồng chí Vương Minh, một người cộng sản Trung Quốc thuộc ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, người sẽ trở thành tổng bí thư lâm thời tiếp theo của ĐCSTQ, sau khi hoàn thành khóa đào tạo ở Liên Xô. Cuốn sách mỏng ‘Cách mạng Trung Quốc ngày nay’ đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng thông qua bộ máy tuyên truyền của Willi Münzenberg trong Quốc tế Cộng sản. Khang Sinh được kỳ vọng là sẽ cẩn thận sao chép các phương pháp mới của Liên Xô. Các kỹ thuật của GPU, cảnh sát mật, là những gì mà phong trào cộng sản mạnh mẽ của Trung Quốc đang cần có. Khang chắc chắn đã tán thành những gì André Malraux viết hai năm trước đó: “Quốc tế Cộng sản không có lựa chọn nào khác… Mục đích của nó là cung cấp cho giai cấp vô sản Trung Quốc, càng nhanh càng tốt, ý thức giai cấp mà họ cần có để cố gắng nắm chính quyền… Tôi phải thừa nhận rằng một cơ quan mật vụ kiểu Nga, thậm chí là một cơ quan mật vụ mạnh hơn thế, chắc chắn là một trong những giải pháp khả thi”. Khang tập trung vào việc giám sát các sinh viên Trung Quốc tại cả Đại học Tôn Trung Sơn và KUTV, trường Đại học Cộng sản của giai cấp cần lao phương Đông. Theo chỉ dẫn, ông theo dõi những người theo chủ nghĩa Trotskist của cựu lãnh đạo ĐCSTQ, Trần Độc Tú. Nhưng trên hết, “Sư phụ Khang” đã học được cách hòa nhập. Ông đắm mình vào kiểu hoang tưởng tập thể do Stalin đặt ra, đó là để lại dấu ấn vĩnh viễn tại Trung Quốc. Vào năm 1935, “nhà mật thám vĩ đại” của Trung Quốc thậm chí còn suýt đoạt mạng của một trong những nhà lãnh đạo cộng sản lớn, Hồ Chí Minh. Khang là một thành viên trong ủy ban điều tra về những sai sót sau vụ sụp đổ các mạng lưới điệp viên ở Hồng Kông, Thượng Hải và Singapore vào năm 1931. Người phụ trách nghiên cứu hồ sơ của Nguyễn Ái Quốc là Dmitri Manuilsky, Trưởng Ban Kỹ thuật của Quốc tế; Vera Vassilieva, Trưởng Ban Đông Dương; và Khang Sinh. Manuilsky vẫn giữ thái độ trung lập về vụ việc, ông càng phải làm như vậy vì ông chắc chắn có nguy cơ bị quy trách nhiệm vì đã phái hai người Pháp, Cremet và Ducroux, tham gia vào phi vụ thất bại đó. Nguyễn Ái Quốc phải đối mặt với sự quy trách nhiệm cho tình bạn của ông với Borodin, cựu phái viên của Quốc tế Cộng sản, người sau đó đã bị thanh trừng; hoặc sự trốn thoát của Nguyễn khỏi một nhà tù của Anh ở Hồng Kông vào năm 1932. Hay Nguyễn đã từng làm việc với tư cách là một đặc vụ của Cục Tình báo Anh? Rõ ràng Khang Sinh ghét Nguyễn, và đồng chí Vassilieva đã phải dùng tất cả các kỹ năng ngoại giao của mình để cứu Nguyễn vào phút chót, khi cho rằng việc Nguyễn bị cảnh sát Anh bắt chỉ đơn giản là do sự thiếu kinh nghiệm của anh. Trong khi đó, đối thủ của Stalin, Sergei Kirov, bị ám sát ở Leningrad vào ngày 1 tháng 12 năm 1934, một khúc dạo đầu cho ‘Các vụ án’ ở Moscow. Khang Sinh đã nỗ lực phi thường, và được đền đáp khi được phép tham gia vào một cuộc thanh trừng tàn khốc trong hàng ngũ những người cộng sản châu Á đang lưu vong ở Muscovite. Trong căn phòng của mình ở khách sạn Lux, nơi ông đang sống với vợ Tào Dật Âu và tình nhân Tô Mai (người mà, thật tình cờ, cũng là em gái của vợ ông), Khang thậm chí còn thiết lập một GPU thu nhỏ của riêng mình, “Văn phòng trừ khử bọn phản cách mạng”. Hàng trăm thanh niên Trung Quốc ở Mátxcơva tin theo chủ nghĩa cộng sản đã bị chỉ điểm, gửi tới các trại tập trung, hoặc bắn chết bởi tay chân của Lavrentiy Beria, người đứng đầu tổ chức NKVD mới. Trong số đó, có Tân Âu Dương, cựu lãnh đạo Cục Hai của Đặc Khoa tại Thượng Hải (từng do Khang Sinh đứng đầu), có lẽ do bị quy cho là một kẻ “Trotskyist.” Không nghi ngờ gì nữa, ‘Các vụ án ở Moscow’ là nguồn cảm hứng cho cuộc thanh trừng hàng loạt, được gọi là Chiến dịch Chỉnh đốn Diên An, do Khang chủ trì vào năm 1942 với sự ủy quyền của Mao. Đến giữa thập niên 1930, Khang Sinh đã hoàn toàn hòa nhập vào bộ máy cảnh sát mật của Stalin. Họ đã tin tưởng ông. Đặc biệt, ông được giao trách nhiệm để mắt đến một vị khách đáng xấu hổ, “Nicholas Elizarov”, thực tế là Tưởng Kinh Quốc, con trai của lãnh tụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Năm 1925, anh được cử đến Mátxcơva để học tập, trong thời kỳ Liên Xô ủng hộ Quốc dân Đảng. Cuộc xung đột đẫm máu giữa Quốc dân Đảng và những người cộng sản vào năm 1927 có nghĩa là giờ đây anh trở thành con tin hơn là một vị khách. Anh thậm chí đã bị buộc phải viết một bản tố cáo chính cha mình, Tưởng Giới Thạch - người được cho là xảo quyệt và độc ác. Nhưng Stalin đã tha cho cả hai cha con: có mọi dấu hiệu cho thấy Stalin có khả năng sớm phải tiếp tục mối liên minh giữa Liên Xô với Tưởng để chống lại quân Nhật, và vì vậy, vào giữa tháng Tư năm 1937, chàng trai trẻ Tưởng được đưa trở về Trung Quốc cùng với người vợ Nga tóc vàng của anh tên là Fayina Ipatevna Vakhreva - từ lâu nàng vẫn là một bí mật của nhà nước Xô-viết. Không lâu sau khi Tưởng Kinh Quốc rời Liên Xô, hai người con trai Trung Quốc nổi tiếng khác lại lên đường đến đó, họ là con của Mao. Hai tháng trước đó, Khang Sinh đã được cử đến Pháp trong một nhiệm vụ bí mật khác. Đó không phải là chuyến đi Paris đầu tiên của ông. Năm 1936, ông đã ở Paris vài tháng trong thời gian chính phủ của Mặt trận Bình dân nắm quyền, trước khi đến Tây Ban Nha với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản để điều tra các Lữ đoàn Quốc tế, được thành lập để chiến đấu thay mặt cho những người cộng hòa Tây Ban Nha. Nhưng lần này, vào mùa Đông năm 1936–1937, ông được cử đi tìm hai “người di cư bất hợp pháp”, những đứa con mà Mao đã có vào thập niên 1920 với người vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ: Ngạn Thanh và Ngạn Anh. Đây là một trong những mánh khóe mới mà Stalin đã đưa ra: để giữ cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ luôn bị kiểm soát chặt chẽ, ông đã giam giữ các thành viên trong gia đình của họ, giống như một thứ chiến lợi phẩm. Rắc rối trong trường hợp này là, trong khi Tưởng Giới Thạch luôn dành tình cảm thực sự cho con trai mình, thì Mao Trạch Đông dường như ít quan tâm đến các con của ông hơn. Đúng là trong thời gian chờ đợi, từ tháng Mười năm 1934 đến tháng Mười năm 1935, Mao đã dẫn đầu Vạn Lý Trường Chinh, cuộc rút lui chiến lược với quãng đường dài 12.000 km để tránh quân đội Quốc dân Đảng, và cuộc hành quân của một đội quân gồm 120.000 chiến binh của ĐCSTQ, được giám sát bởi nhiều người Khách Gia, trong đó chỉ còn có 20.000 người đến được Diên An ở tỉnh Thiểm Tây. Ở đó, tại vùng nông thôn heo hút nhất của Trung Quốc, một nhà nước cộng sản phôi thai đã được thành lập. Vào tháng Một năm 1935, Hội nghị Tuân Nghĩa được tổ chức, trong đó Mao đã nắm được quyền lực của ĐCSTQ và tách mình khỏi các lý thuyết của Liên Xô về cách tiến hành chiến tranh cách mạng. Cuộc nổi dậy ở thành thị chỉ dẫn đến thất bại. Mũi nhọn của cuộc cách mạng là giai cấp nông dân. Chu Ân Lai hội quân với Mao và nắm quyền ngoại giao. Tên của một số tướng lĩnh của ông đã quá quen thuộc với chúng ta: Chu Đức, Trần Nghị và Diệp Kiếm Anh, đã từng hoạt động với Chu ở châu Âu và đóng những vai trò quan trọng, cũng như Trần Canh, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo ở Thượng Hải. Nhà nước non trẻ chỉ thiếu một người đứng đầu cơ quan mật vụ và một bộ trưởng nội vụ có ý chí sắt đá. Stalin đã cử Khang Sinh, cùng với một số cố vấn Liên Xô đến Quốc tế Cộng sản, để chuẩn bị cho chiến thắng cuối cùng, và sự ra đời của cái chỉ có thể gọi là Nhà nước giám sát Trung Quốc. Với sự trớ trêu đáng chú ý, Khang Sinh đã sử dụng các phương pháp mà ông học được ở Moscow để cuối cùng thanh trừng những người Xô-viết và những người ủng hộ họ khỏi cơ quan mật vụ của Mao.     * CHƯƠNG 2 CƠ QUAN MẬT VỤ CỦA MAO Vào ngày 1 tháng Năm năm 1995, một lễ kỷ niệm nhẹ nhàng nhưng xúc động đã diễn ra tại Bắc Kinh. Thay mặt Tổng thống Boris Yeltsin, nhà Hán học nổi tiếng đồng thời là Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Rogachev đã trao tặng danh hiệu cao nhất của nước Nga cho một mật vụ Trung Quốc, để ghi nhận những đóng góp của ông trong việc bảo vệ Liên Xô. Đây là một buổi lễ kỷ niệm kép, cho cả điệp viên Trung Quốc được vinh danh và cho cả Liên bang Xô-viết, quốc gia mà sau đó đã bị giải thể bởi sự thúc đẩy của chính Yeltsin. Nhưng các quan chức Nga không quên những người đã đóng góp cho chiến thắng của Liên Xô chống lại Đế chế thứ Ba, trong cái mà họ gọi là “Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Và đây là một cơ hội tuyệt vời để tăng cường tình hữu nghị Trung-Nga mới được phục hồi. Tên của người mật vụ, vừa tròn 100 tuổi vào năm 1995, là Diêm Bảo Hàng, và các điệp vụ mà ông đã thực hiện thực sự có ý nghĩa: vào tháng Năm năm 1941, ông là một trong những người đã cảnh báo Điện Kremlin về việc Hitler sắp tấn công Liên Xô. Bốn năm sau, thông tin về việc ông làm gián điệp cho quân đội Nhật Bản đã giúp Stalin mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Nhật Bản. Con trai của ông Hàng, Diêm Minh Phục, thay mặt cha nhận huy chương với đôi mắt ngấn lệ. Diêm Minh Phục đã tự mình đứng đầu một cơ quan tình báo chính trị quan trọng, “Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất” (Tongzhan Gongzuo Bu), cho đến tháng Sáu năm 1989, khi ông bị cách chức vì bày tỏ sự đồng tình với các sinh viên biểu tình cho dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, ông chủ trì một tổ chức phi chính phủ liên quan đến “hoạt động từ thiện”. Là người có nguyên tắc mạnh mẽ, Diêm Minh Phục tự hào về người cha mà ông đã theo chân vào thế giới tình báo chuyên nghiệp. Ông, giống như cha mình, sinh ra ở Mãn Châu. Năm 1941, khi ông mới mười tuổi, cha của ông - một luật sư đồng thời là một mật thám - đã trở thành một thành viên của nhóm thân tín xung quanh vợ của Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh, và vị tướng Quốc dân Đảng Trương Học Lương. Mặc dù Trương là một đảng viên nòng cốt của Quốc dân Đảng, nhưng ông đã tuyên bố rõ ràng rằng mình từng bắt cóc Tưởng Giới Thạch vào tháng Mười Hai năm 1936, để ép buộc Tưởng gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại người Nhật. Thật vậy, dưới ảnh hưởng song song của Liên Xô và ngay sau đó là Hoa Kỳ, những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhà cộng sản đã thành lập một liên minh mới, Mặt trận thống nhất thứ Hai, để chống lại quân đội của Hirohito, đạo quân xâm lược đất nước sau cuộc tấn công ban đầu vào Thượng Hải vào tháng Tám năm 1937. * VỀ TÁC GIẢ Roger Faligot là nhà báo điều tra và là tác giả của nhiều chuyên khảo về tình báo châu Âu và châu Á. * Nguồn: Roger Faligot (2019). 'Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping'. London: Hurst, 2019
  •  CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (2)
    04/ 04/ 2023
     CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (2) Roger Faligot Nguyễn Trung Kiên trích dịch  (Kỳ 2)  (Kỳ 1)     CÁC ĐIỆP VIÊN TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TÁC PHẨM ‘ĐỊNH MỆNH CON NGƯỜI’ Chu Ân Lai đến Hồng Kông ngày 1 tháng Chín năm 1924. Từ đó, ông tiếp tục đến Quảng Châu, nơi ông gia nhập nhóm sĩ quan điều hành Học viện quân sự Hoàng Phố, được thành lập theo sự thúc giục của người Nga và Tôn Dật Tiên, để góp phần vào sự hình thành quân đội quốc gia nhằm chiến đấu với các lãnh chúa tại miền Bắc Trung Quốc. Nhiều đồng chí từ thời còn ở châu Âu đã cùng ông gia nhập nhóm này, bao gồm Diệp Kiếm Anh, Trần Nghị và Nhiếp Vinh Trăn. Học viện được đặt dưới sự giám hộ của Mikhail Borodin, đại diện thường trực của Quốc tế Cộng sản (QTCS) tại Trung Quốc, và tướng Blücher, người đứng đầu phái bộ cố vấn quân sự của Liên Xô. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên khôn ngoan theo thời gian. Với một lực lượng lên tới 30.000 đảng viên, đảng này đã liên minh với Quốc dân Đảng, và một số nhân vật cao cấp của phong trào cộng sản - như Trần Độc Tú và Mao Trạch Đông - đã trở thành một phần của liên minh lãnh đạo chung, mặc dù chịu sự chi phối của những người Quốc dân Đảng. Rõ ràng, sự liên kết kép trong quân đội quốc gia đang phát triển dần này đã tạo ra sự mơ hồ nhất định, với “nhà máy sản xuất sĩ quan” Hoàng Phố đào tạo cả những người cộng sản và các đảng viên Quốc dân Đảng. Borodin đã chọn một vị tướng trẻ đầy triển vọng, Tưởng Giới Thạch, để điều hành trường học, với Chu Ân Lai làm trưởng phòng chính trị. Ngoài ra, trong đoàn tùy tùng của Borodin còn có một nhân vật gầy guộc quen thuộc khác từ thời ở Paris: Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh trong tương lai. Tuần trăng mật giữa những người Quốc dân Đảng và những người cộng sản đã đạt đến đỉnh điểm khi người đứng đầu Học viện và người đứng đầu Quân đội Cách mạng Quốc gia, Tưởng Giới Thạch, gửi con trai của mình, Tưởng Kinh Quốc, đến học tại Moscow. Điều khá ngạc nhiên là Tưởng Giới Thạch đã đặt ra một kế hoạch bí mật: sau khi đánh bại các lãnh chúa, ông quyết định đã đến lúc phải loại bỏ những người cộng sản. Giai cấp tư sản Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì trong việc hỗ trợ ông, nhất là vì những người cộng sản đã độc lập tổ chức các cuộc đình công lớn ở Quảng Châu, Hồng Kông và Thượng Hải. Khi cuộc đình công lớn ở Quảng Châu bắt đầu vào năm 1926, Tưởng đã quyết định trừng phạt những người cộng sản. Việc bắt giữ Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo khác là một phát súng cảnh cáo. Trần Độc Tú, người đứng đầu ĐCSTQ, nghĩ rằng những người cộng sản cần phải tránh xa những người Quốc dân Đảng, mặc dù Borodin, nói bằng giọng điệu của ông chủ mình (Stalin), đã không đồng ý. Điều này không ngăn cản Borodin đề phòng: vào tháng Mười năm 1926, ông đã gửi vệ sĩ của mình, Cố Thuận Chương, đến Vladivostok, để làm quen với các kỹ thuật gián điệp và kỹ thuật tiến hành cách mạng. Đồng chí Cố là một nhân vật khá phi thường: sinh năm 1902 tại khu ổ chuột Thượng Hải, tuổi thơ ông trôi dạt trong các quán bar, tiệm thuốc phiện, ngoại tình với phụ nữ, ứng xử theo lối của thế giới ngầm và được tuyên thệ vào Thanh Bang. Ông trở thành một ảo thuật gia xuất sắc với nghệ danh Hoa Quang Khải, biểu diễn các buổi xiếc cực kỳ nổi tiếng của mình trong các hộp đêm và sòng bạc nổi tiếng như Grand Monde và Bách hóa Sincere. Ai có thể ngờ rằng ảo thuật gia Cố đã bí mật gia nhập ĐCSTQ? Sau khi trở về từ Liên Xô, Cố, cùng với Khang Sinh, lãnh đạo mới của một quận ủy tại Thượng Hải, đã tổ chức một nhóm tuần tra của những người cộng sản để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Quốc dân Đảng. Vào tháng Ba năm 1927, Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu Quốc dân Đảng, đã thành lập quân đội và chính phủ của mình tại Nam Kinh, thủ đô miền Nam. Chỉ trong vài tuần, cho đến ngày 12 tháng Tư năm 1927, mọi thứ bắt đầu sụp đổ đối với những người cộng sản. Tưởng đã vượt xa họ. Vụ thảm sát những người cộng sản đã diễn ra, như nhà báo người Mỹ Harold Isaacs đặt tiêu đề cho cuốn sách của mình, là “bi kịch của cuộc cách mạng Trung Quốc”. Nhà văn trẻ André Malraux sau đó đã xây dựng cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết 'Man's Fate' [Định mệnh con người] của mình dựa trên những sự kiện bi thảm này. Khi ĐCSTQ đang lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy, hàng nghìn tội phạm từ Thanh Bang đã nói về sự tàn sát của các chiến binh và cảm tình viên cộng sản. Chính quyền và cảnh sát trong các Khu tô giới nước ngoài đã làm ngơ trước cuộc tắm máu đang diễn ra bên ngoài bức tường của họ tại khu phố của người Trung Quốc. Chu Ân Lai, La DiNông, Cố Thuận Chương và Khang Sinh tìm cách trốn trong Khu tô giới của Pháp, nơi họ dành nhiều ngày để lên kế hoạch tổ chức lại Đảng trong khi chờ đợi mọi thứ dịu xuống. Tại những nơi khác ở Trung Quốc, bức tranh hầu như không tươi sáng hơn: vào tháng Chín, tại Hồ Nam, Mao Trạch Đông phải trải qua cuộc nổi dậy ‘Thu hoạch mùa Thu’ đầy thảm khốc, mà vài người sống sót sau đó đã lánh nạn ở vùng sa mạc miền núi Giang Tây trước khi thành lập đội quân cộng sản của riêng họ. Sau đó, vào tháng 12 năm 1927, một cuộc nổi dậy khác, Cuộc nổi dậy Quảng Châu, đã bị nghiền nát; khoảng 15.000 người cộng sản đã bị tàn sát. TRÒ CHƠI NƯỚC ĐÔI CỦA ĐẠI ÚY PICK Tình hình này là một thảm họa đối với những người Xô-viết. ĐCSTQ không chỉ bị tàn sát thảm khốc tại một số thành phố lớn của Trung Quốc trong sự trỗi dậy của Quốc dân Đảng; tệ nữa hơn, cảnh sát Trung Quốc đã xông vào đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh, bắt giữ các nhà ngoại giao và thu giữ các tài liệu lưu trữ. Cảnh sát cũng bắt giữ vị lãnh tụ mới của ĐCSTQ, Lý Đại Chiêu, “Lênin của Trung Quốc”, vốn đang trú ẩn ở đó. Ông bị tử hình không qua xét xử vào ngày 28 tháng Tư năm 1927. Một lượng lớn các tài liệu của Đại sứ quán đã được tập hợp và giải mã, nêu chi tiết các cách thức QTCS và chính phủ Liên Xô thiết lập mạng lưới các tổ chức tình báo ở Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta biết rằng việc phát hiện ra sự thiết lập này nhờ một phần lớn bởi việc nghe lén, vốn không phổ biến vào thời điểm đó, bởi người Anh - chuyên gia trong lĩnh vực này. Tổ chức chịu trách nhiệm nghe lén, Trường Điện tín quân sự và Mật mã của Chính phủ Anh (GC & CS), đã thiết lập các trạm nghe lén tại mọi thị trấn lớn có quân đội Anh đồn trú trên khắp Đế quốc Anh từ năm 1920. Tại Trung Quốc, các trạm này được đặt tại Hồng Kông và Thượng Hải. Nỗi sỉ nhục mà Moscow phải chịu chỉ tăng lên khi Đới Lực, người đứng đầu cơ quan tình báo của Tưởng Giới Thạch, có các tài liệu dịch và được xuất bản dưới dạng một cuốn sách trích xuất từ các điện tín quân sự của các điệp viên Liên Xô. Một báo cáo được gửi đến Paris bởi cơ quan tình báo Pháp, cũng đã tham khảo các tài liệu này, tóm tắt một lượng thông tin khổng lồ, đã bị thu giữ, và các điệp viên Liên Xô đã thật ngây thơ khi không mã hóa cũng như phá hủy các tập tài liệu sau khi sử dụng xong. Tài liệu số 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 liên quan đến gián điệp và phản gián của Liên Xô. Tài liệu số này 7, đề năm 1925, phác thảo tổ chức chung của cơ quan tình báo ở miền Nam; trong số những điều khác, nó tiết lộ rằng vào thời điểm đó, Liên Xô đã chuẩn bị gửi các điệp viên bí mật đến Hà Nội và Hải Phòng, Macao và Hồng Kông. Tài liệu số 8 là một báo cáo về thu thập thông tin tình báo ở Quảng Đông vào tháng 11 năm 1925. Tài liệu số 9, 10 và 11 đề cập tới việc đối phó với hoạt động phản gián ở Quảng Đông, và cung cấp thông tin thú vị về việc thành lập, phát triển, tổ chức và hoạt động của một tổ chức tình báo ở Quảng Đông được mô phỏng chính xác dựa trên mô hình tình báo quân đội Nga (Cheka). Và bởi một tin xấu thường biến thành hai, nên vào tháng Năm năm 1927, một đặc vụ được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của GRU ở Trung Quốc đã đào thoát. Pat Givens, người gốc Ireland, chánh thanh tra của Sở Cảnh sát Thượng Hải hẳn đã rất sợ hãi để có thể “thẩm vấn” và “đánh gục” tay điệp viên GRU giàu kinh nghiệm này. Nhưng Evgeny Mikhailovich Kojevnikov, còn được biết đến với cái tên là “Morskoy”, “Dorodin” “Hovans” và “Đại úy Pick” này là ai? Ông được biết đến rộng rãi là một sĩ quan Sa hoàng đã ủng hộ Cách mạng Bolshevik năm 1917, trước khi tham gia cùng Borodin tại Trung Quốc. Từ năm 1926, ông làm việc cho người đứng đầu lực lượng tình báo quân sự Liên Xô tại Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế, ông đã được Givens tuyển dụng nhiều tháng trước đó và đang bí mật báo cáo mọi điều ông biết về hoạt động của các điệp viên bí mật làm việc tại ngân hàng Dalso-Asian Dalbank, vai trò của các phóng viên của trong Hãng thông tấn Tass, và các nhà hoạt động của những người cộng sản Trung Quốc. Với vai trò của một điệp viên hai mang - người ta có thể gọi ông là kẻ lừa đảo tình báo - đã được trình bày chi tiết trong một tuyên bố được đưa ra vài năm sau bởi Cố Thuận Chương, người đã từng một nhà ảo thuật trở trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lực lượng tình báo của ĐCSTQ: “Lúc đó tôi còn là vệ sĩ của Borodin, và là một mật vụ ở Hàng Châu và Vũ Hán. Tôi phát hiện ra rằng Eugène Pick, người làm việc cho Borodin với tư cách là một sĩ quan phụ tá, đã đánh cắp từ sếp mình một cuốn sổ tay và một bản báo cáo về các tàu nước ngoài cập cảng Hàng Châu và bán cho lãnh sự Pháp. Pick đang làm điệp viên cho một số lãnh sự quán nước ngoài.” Pick nói với những thượng cấp người Anh của mình rằng vào ngày 18 tháng Tư năm 1927, ông đã nhận được lệnh từ Borodin để ám sát Tưởng Giới Thạch – người chịu trách nhiệm về vụ tàn sát những người cộng sản ở Thượng Hải gần đây, và vào ngày 1 tháng Năm, ông đã nhận được một mệnh lệnh từ giám đốc INO, S.L. Wilde. Có vẻ như ông đã mất cảnh giác và bị lộ, trong hai tuần sau đó, theo một báo cáo phản gián bị rò rỉ của Pháp, Pick gần như bị bắt cóc bởi một đơn vị đặc công do một tay “Trần mặt rỗ” nào đó đứng đầu. Chính dưới bút danh của ông, “Đại úy Eugène Pick”, người Nga đào tẩu này đã biên soạn cuốn sách ‘Trung Quốc trong sự kìm kẹp của những người Bolshevik’, trong đó ông đã tiết lộ một danh sách hàng chục điệp viên Liên Xô hoạt động tại Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì nữa, những danh sách về về các điệp viên này, thường đi kèm với những ám chỉ mang tính bài Do Thái, không phải do Pick viết một mình, mà là kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo của Anh, Pháp và Quốc dân Đảng. Thật vậy, theo tài liệu lưu trữ của Nga, Pick không khác gì một đặc vụ cấp dưới, người đã được Cơ quan Tình báo Anh lúc đầu dự định cho làm chỉ điểm viên. Điều này hầu như không quan trọng. Ấn phẩm gây khiêu khích đầy sắc bén này này là một vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ. Cuốn sách, có tác động đáng kể trên toàn thế giới, đã củng cố hình ảnh của Tưởng Giới Thạch khi sẵn sàng hạ bệ “Con Rồng Đỏ” Mao Trạch Đông. André Malraux đã tham khảo cuốn sách của Pick cho một số tập nhất định trong tác phẩm ‘Định mệnh con người’ của ông, bao gồm cả vụ ám sát thất bại dành cho Tưởng. Năm 1933 Malraux đã giành giải thưởng Prix Goncourt. Cùng năm đó, Hergé đang viết một tập trong bộ sách ‘Các cuộc phiêu lưu của Tintin’, với tựa đề 'The Blue Lotus' [Sen xanh], trong đó Dawson, cảnh sát trưởng thiếu năng lực của Lực lượng Cảnh sát Anh, người đang bức hại phóng viên trẻ Tintin, có nhiều tương đồng với Pat Givens. Đó là Givens, người Ailen, cho đến năm 1936, chịu trách nhiệm diệt trừ các đặc vụ cộng sản, ông đã được trao Huân chương Ngọc bích từ chính Tưởng Giới Thạch để tuyên dương sự phục vụ trung thành của mình. Đó cũng là Givens, người đứng đầu Chi nhánh Đặc biệt, người đã thao túng toàn bộ vụ Pick từ đầu đến cuối. Như chúng ta sẽ thấy, Malraux đã tô điểm cho cốt truyện của cuốn tiểu thuyết của mình bằng những giai thoại mà ông nghe được từ một người cộng sản đào ngũ sản khác mà ông gặp ở Thượng Hải vào năm 1931: Phó Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Pháp, Jean Cremet. CÁC CHIẾN DỊCH ĐẶC BIỆT Mộ gã “Triệu Dung” đầy bí hiểm, với bí danh Khang Sinh, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã nằm vùng trong Khu tô giới của Pháp, mà cảnh sát Quốc dân Đảng của Đới Lực không được phép vào - ngay cả khi Đới, điệp viên chính của Quốc dân Đảng, đến để cầu cứu sự giúp đỡ vị cảnh sát trưởng Étienne Fiori và các thanh tra cảnh sát Trung Quốc. Chánh thanh tra Hoàng Kế Vinh, giống như Đới Lạp, một thành viên của Thanh Bang. Gã “Hoàng mặt rỗ” này, như cách ông được đặt biệt danh, hẳn sẽ tự hào khi biết rằng ông là nguồn cảm hứng cho nhân vật chính trong bộ phim 'Shanghai Express' của Josef von Sternberg, với Marlene Dietrich trong vai diễn Lily Thượng Hải đầy quyến rũ. Khang Sinh đã rời khỏi Khu tô giới của Pháp để xem một bộ phim khác, một bộ phim của Harold Lloyd, tại Nhà hát Carlton trên đường Park. Đây là vỏ bọc cho nhiệm vụ bí mật của ông, cùng với với “Ngũ Hào”, người đang chuẩn bị rời Trung Quốc để tới Liên Xô để thực hiện nhiệm vụ. Ngũ Hào, tất nhiên, chính là Chu Ân Lai với lòng kiên trì sắt đá, người đã giao trách nhiệm hoạt động tình báo cho Khang trong suốt thời gian ông vắng mặt. Vị trí thức trẻ, con trai của một địa chủ đến từ phía Bắc tỉnh Sơn Đông - quê hương của Khổng Tử - đã không lãng phí thời gian, vì La Diệc Nông đã giao cho ông nhiệm vụ thiết lập mạng lưới gián điệp và xâm nhập vào lực lượng của kẻ thù. Trong khi những người cộng sản đang bị bắn và bị chặt đầu ở quận Hạp Bắc tại Thượng Hải, Khang đã xoay sở để không bị lộ. Người thanh niên có văn hóa cao và rất giỏi giang này đã trở thành thư ký riêng cho Ngu Hiệp Khanh, Chủ tịch Phòng Thương mại, với sự giúp đỡ của những người phục vụ cũng gốc từ Sơn Đông, người đã giúp ông tìm được việc với vị doanh nhân giàu có này. Ngu là một thành viên của Thanh Bang, và, giống như tất cả các thành viên khác trong ngành công nghiệp, tài chính và thương mại, đứng về phía ông chủ, bạn của ông, Đỗ Nguyệt Sinh, người đã bật đèn xanh cho vụ sát hại những người cộng sản theo yêu cầu của Tưởng Giới Thạch. Khi họ uống trà, hút thuốc phiện và tán gẫu về các các công ty đang trên đà hưng thịnh của họ, Ngu và Đỗ không có lý do gì để nghi ngờ rằng người trí thức trẻ đeo kính gọng vàng, đang viết tay các đơn đặt hàng và hóa đơn ở phòng bên cạnh lại là người đứng đầu một nhóm gián điệp cộng sản. Làm sao họ có thể biết anh là người chịu trách nhiệm thiết lập một mạng lưới mới, để chuẩn bị cho sự trả thù của những người cộng sản? Tháng Tám năm 1927, Chu Ân Lai và vợ ông, Đặng Dĩnh Siêu, cải trang thành một cặp buôn bán đồ cổ, rời Thượng Hải đến Đại Liên. Từ đó họ đi tàu tới Moscow. Dưới bí danh Trần Quang, Chu cùng người vợ trẻ của mình vào khách sạn Lux, một tòa nhà đổ nát, nơi trú ngụ của những người đứng đầu QTCS và các đặc vụ bí mật chuẩn bị rời đi làm nhiệm vụ, bao gồm cả gã người Pháp Jean Cremet (phòng 27) và gã người Đức Richard Sorge (phòng 19). Để tiếp tục che giấu hành trình của mình, Chu cũng được đặt một biệt danh Nga, Mos Mosinin. Ngay sau khi đến Moscow, cặp đôi này đã được gửi đi đào tạo gián điệp tại Trường Gián điệp GRU trên Đồi Lenin, nơi họ học các kỹ năng gián điệp, mã hóa và kỹ thuật phát sóng không dây mới nhất. Mùa Xuân năm 1928, “cặp buôn bán đồ cổ” này đã tham gia Đại hội ĐCSTQ được tổ chức ở ngoại ô Moscow, bên trong một nhà điều dưỡng thuộc sở hữu của GPU. Stalin tuyên bố nó được tổ chức bên ngoài Trung Quốc vì lý do an ninh, nhưng không ai phải chịu thất bại vì điều này: đó là một cách thông minh để Moscow giữ quyền kiểm soát hướng đi mới của ĐCSTQ. Tám mươi bốn đại biểu đã tham gia, cùng với 100 quan sát viên, hầu hết trong số họ là sinh viên của Đại học Tôn Dật Tiên tại Moscow, nơi những thanh niên Trung Quốc trẻ tuổi đang tắm mình trong niềm hoan lạc của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội miễn cưỡng ủng hộ các chiến thuật chính của các nhà lãnh đạo QTCS, những người mà họ đã gặp ngay trước đó: ĐCSTQ phải chuẩn bị cho một động lực cách mạng mới. Nhiệm vụ chính hiện đang thuộc về ĐCSTQ là sự chinh phục quần chúng. Không tiếp tục tiến hành các cuộc nổi dậy, ĐCSTQ phải kiểm soát hoạt động của các phe phái trong Đảng, và xem xét rằng các đơn vị này sẽ là cơ sở cho một phong trào quần chúng rộng lớn mà sẽ mở rộng ra cho toàn bộ nhân dân Trung Quốc. Nói cách khác, ĐCSTQ - mặc dù có những tổn thất đáng kể, hiện có 40.000 đảng viên - nên khuyến khích thành lập các tổ chức quân sự ở cả thành phố và nông thôn. Mặc dù Mao Trạch Đông, người đầu tiên thiết lập các căn cứ ở nông thôn, đã vắng mặt, nhưng con đường hiện đã mở ra cho cuộc Vạn Lý Trường Chinh này của ông đã giúp ông lên nắm quyền trong suốt hai mươi năm. Trong khi đó, Chu Ân Lai và các thủ lĩnh “vùng đô thị” như Lý Lệ Liên, Trương Quốc Đào và Hướng Trung Phát đã trở về Trung Quốc với mục tiêu sau đây: tạo ra một cấu trúc chiến đấu hiệu quả, với các cơ quan tình báo là tiên phong. Khi trở lại Thượng Hải vào tháng 11 năm 1928, Chu Ân Lai đã tiếp quản việc chuyển đổi một đơn vị sĩ quan cận vệ nhỏ ở đó, bây giờ đổi tên thành “Trung ương Đặc khoa” (Zhongyang Teke), gọi tắt là Đặc khoa, để thực hiện các hoạt động đặc biệt. Cố Thuận Chương, ảo thuật gia, được giao nhiệm vụ giám sát các nhiệm vụ này cùng với Chu, được hỗ trợ bởi tổng thư ký mới của ĐCSTQ, một cựu thủy thủ tên là Hướng Trung Phát, người từng là lãnh đạo của ‘Hồng Bang’ - Hội Tam Hoàng, và là một đối thủ không đội trời chung của Thanh Bang. Đặc khoa đã thiết lập các căn cứ bí mật trên toàn bộ Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông. Nhưng Thượng Hải vẫn là trung tâm của cuộc chiến ngầm này. Một chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Trung Quốc đã nói với tôi vào năm 2008 rằng các sĩ quan tình báo vẫn cho rằng, với một sự luyến tiếc quá khứ nhất định, có một mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động tình báo ngày nay của Trung Quốc với và tổ chức ban đầu do Chu Ân Lai thành lập vào thời điểm này. Các Đặc khoa bao gồm bốn tiểu ban: Tiểu ban 1 chịu trách nhiệm bảo vệ chặt chẽ của các nhà lãnh đạo, chuẩn bị sẵn các căn hộ, nơi họ có thể ngủ lại và tổ chức các cuộc họp; Tiểu ban 2 chịu trách nhiệm về thông tin tình báo và phản gián; Tiểu ban 3, ‘Lính canh Đỏ’, là một đội có bảo vệ trước những người được gọi là 'Đại Câu Đôi' và xử lý việc loại bỏ những kẻ phản bội. Cuối cùng, Tiểu ban 4 chịu trách nhiệm liên lạc. Kể từ thời điểm này, dưới sự lãnh đạo của Khang Sinh, Đặc khoa cũng chịu trách nhiệm chính về an ninh, một lực lượng cảnh sát bí mật được giao nhiệm vụ giám sát chính để theo dõi bạn bè của chính ông. Nhà văn và tiểu thuyết gia Hàn Tố Âm, cha là người Trung Quốc gốc Khách Gia và mẹ là người Bỉ, lần đầu tiên phỏng vấn Chu Ân Lai vào năm 1956 cho một cuốn tiểu sử mà cuối cùng bà đã xuất bản gần ba mươi năm sau đó. Mô tả của bà về chức năng cảnh sát này rất hay: “Đặc khoa giữ hồ sơ mọi đảng viên của Đảng, thu thập tất cả các loại thông tin, trừng phạt sự phản bội, quản lý các đài phát thanh. Nó cũng tổ chức các đội bảo vệ và các chỉ huy cảnh giác, những người thực hiện các vụ giết người không qua xét xử đối với những kẻ bị nghi ngờ phản bội lợi ích của Đảng, những kẻ gây ra sự rò rỉ thông tin hoặc là nguyên nhân khiến các đảng viên khác bị bắt hoặc bị giết. Bí mật, một đặc điểm mà Chu đã bắt đầu tập luyện trong thời gian ở Paris, trở thành một yếu tố thiết yếu của cấu trúc cộng sản”. Để ngăn chặn rò rỉ thông tin, các đặc vụ Đặc khoa không được phép có bất kỳ mối quan hệ nào với các chiến binh đảng khác. Tổ chức này đã bị ngăn cách đến mức ngay cả tên của nó cũng không được biết đến. Đối với cư dân Thượng Hải, nó được biết đến với cái tên rùng rợn là “con dao găm của Ngũ Hào”; rất ít người biết đến cái biệt danh này của Chu Ân Lai. Nhưng cái tên rõ ràng đã được chứng minh bằng bạo lực mà những kẻ hành quyết Đặc khoa đã ám sát những người bất đồng chính kiến, những người kháng chiến, những kẻ đào ngũ và những đối thủ khác. Người của Khang Sinh và Cố Thuận Chương đã không dừng lại ở việc giết những kẻ phản bội hoặc người cung cấp thông tin: họ sẽ tàn sát cả gia đình. Ở điểm này, họ không khác mấy so với đám tay sai của Tưởng Giới Thạch, nhưng họ cũng làm sống lại một truyền thống tra tấn tinh vi của Trung Quốc cổ đại, nguyên tắc là cái chết được thực hiện càng chậm thì càng gây ra nỗi kinh hoàng.     Viên ngọc trên vương miện của Đặc khoa là Tiểu ban 2, chịu trách nhiệm về tình báo và xâm nhập. Nó có nhiều kết nối được phân thành nhánh, khai thác các mối quan hệ dựa trên gia đình, cộng đồng và địa lý, để thâm nhập vào môi trường văn hóa và nghệ thuật đầy sống động của Thượng Hải. Trong thế giới này, Đặc khoa tạo thành một đội quân nhỏ gồm những người đưa tin, những kẻ buôn lậu và người cung cấp thông tin. Đôi mắt và đôi tai của Ngũ Hào đã được tập trung vào các câu lạc bộ võ thuật, các nhóm văn hóa và tôn giáo, thế giới của âm nhạc, sân khấu và điện ảnh, “gái bán hoa” trong nhà thổ, và các hộp đêm của người Nga, nơi một số các “cô gái lịch sự” có “làn da trắng nhưng trái tim đỏ”. Khang Sinh, mặc dù bị ám ảnh bởi chủ nghĩa khiêu dâm Trung Quốc cổ đại từ thời nhà Minh, cũng là một khách quen của các hãng phim Thượng Hải. Đây là nơi ông gặp lại một người bạn thời thơ ấu từ Sơn Đông, có thể là người yêu cũ, giờ là một ngôi sao điện ảnh tên là Lan Ping (‘Táo Xanh’). Sau đó, cô trở nên nổi tiếng hơn với tên Giang Thanh, được biết đến với cái tên ‘Mao phu nhân’. Bằng cách khai thác tất cả các sợi tơ khéo léo này, một mạng lưới kết nối kiểu tơ nhện, hệ thống ĐCSTQ bí mật đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: sử dụng tình trạng tham nhũng đặc hữu trong thành phố để thâm nhập vào Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và lực lượng cảnh sát nước ngoài.   CÁC GIÁN ĐIỆP CỦA TƯỞNG PHẢN CÔNG   Tưởng Giới Thạch thường được xem là một nhà chiến thuật tài ba và là một nhà hoạt động chính trị vô song, người đã thay thế thành công các đối thủ của mình trong Quốc dân Đảng, nhưng là một chiến lược gia yếu. Ông có thể đã giành chiến thắng trong trận chiến cho Thượng Hải bây giờ. Nhưng liệu ông có thể chinh phục miền Bắc? Thống nhất Trung Quốc bằng sự thất bại của những người cộng sản? Chiến thắng trong chiến tranh? Nó đã được định hình là một cuộc xung đột kéo dài, theo một lý thuyết phôi thai đang được phát triển bởi Mao - người về lâu dài sẽ được công nhận là chiến lược gia tốt hơn của cả ĐCSTQ lẫn Quốc dân Đảng.   Dù thế nào, Tưởng Thống chế - hay còn gọi là “Gemo”, như ông thường được biết đến - đã đè bẹp những người cộng sản ở Thượng Hải và có ý định theo đuổi sự thống nhất đất nước bằng cách chinh phục miền Bắc. Nếu thành công trong việc cai trị toàn bộ đất nước, Tưởng sẽ phải dựa vào các gián điệp bậc thầy đầy hung dữ và bất khả xâm phạm như kẻ thù của họ. Các đồng chí thân nhất của Tưởng là hai anh em, Trần Quả Phu và Trần Lập Phu. Họ, giống như ông, đến từ Chiết Giang, có liên hệ với Thanh Bang, và chịu trách nhiệm về tình báo chính trị của cả Quốc dân Đảng và ‘phe Áo xanh’, một nhóm dân quân lấy cảm hứng từ các phong trào phát-xít châu Âu.   Người đứng đầu quyền lực nhất trong hoạt động tình báo của Gemo là Đới Lực. Sinh năm 1897, vào năm Dậu, ông cũng đến từ Chiết Giang. Giống như anh em nhà Trần, ông mồ côi cha từ nhỏ, và đến năm mười bốn tuổi, ông trở thành một người lính phục vụ lãnh chúa. Ông gia nhập Học viện quân sự Hoàng Phố, nơi ông kết bạn với nhiều người cộng sản trước khi trở thành người hành quyết họ.   Đới đã thiết lập một cơ quan tình báo mới, Cục Điều tra và Thống kê (Diaocha Tongzhi), sau đó được tổ chức lại và đặt dưới sự kiểm soát của quân đội, được đổi tên thành Quân Thống (军统), mặc dù nó vẫn được công chúng biết đến rộng rãi hơn với cái tên “LNS”. Là một thành viên đáng tin cậy của Thanh Bang, Đới trở thành đội trưởng của cảnh sát quân sự vào năm 1927 và đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt những người cộng sản ở Thượng Hải. Thân thiện và lịch sự với khuôn mặt được mô tả là “giống đầu sóc”, Đới tàn bạo kinh khủng. Trên khắp Trung Quốc tràn ngập những câu chuyện về sự tra tấn những người bị rơi vào tay ông, bao gồm cả việc dùng heroin quá liều. Tất cả những điều đó khiến ông mang biệt danh “Himmler của Trung Quốc”. Tin đồn lan rộng, được khuếch đại mạnh mẽ bởi tuyên truyền của những người cộng sản, điều này có thể được giải thích bởi thực tế là một số tù nhân cộng sản nổi tiếng đã chọn “sự quy phục” và để khỏi phải chết chết trong đau đớn tột cùng.   Ngày nay, tiểu sử viết về Đới Lạp đã được viết lại khách quan hơn. Ông được cho là đã thiết lập một mạng lưới gồm 100.000 đặc vụ ở Trung Quốc và đã tổ chức một cỗ máy khổng lồ có mạng lưới chân rết vượt ra ngoài Trung Quốc, nhờ một cựu sĩ quan Hoàng Phố khác, tướng Đường Nguyệt Lương, người tổ chức cơ quan tình báo quốc tế sử dụng một mạng lưới tùy viên quân sự. Một hệ thống gây ảnh hưởng đã được xây dựng, với Tống Mỹ Linh, vợ của Tưởng Giới Thạch, đứng đầu. Nó nhằm mục đích làm cho Hoa Kỳ của Roosevelt chuyển từ vị trí trung lập sang hỗ trợ Quốc dân Đảng chống lại người Nhật. Đới Lạp cũng là người tiên phong trong việc ngăn chặn thông tin quân báo. Với sự giúp đỡ của một chuyên gia mã hóa và giải mã người Mỹ, Herbert O. Yardley, ông đã có thể thiết lập một hoạt động tình báo tiên tiến. Trong thập niên 1920, các hoạt động tình báo của Tưởng Giới Thạch có thể ngăn chặn các thông tin quân báo cho phép ông đè bẹp các lãnh chúa. Vấn đề duy nhất là hoạt động tình báo cực kỳ tinh vi này đã bị các đặc vụ cộng sản đánh lừa.   TRẦN CANH VÀ BRETON CỦA THƯỢNG HẢI Với nhận thức muộn màng, không thể phủ nhận rằng chính sách của Stalin về việc giải tán ĐCSTQ là có lợi cho hoạt động gián điệp của những người cộng sản. Một số chiến binh không bao giờ tự nhận họ là những người cộng sản và vẫn chưa bị lộ thân phận, giống như những nốt ruồi trong mê cung của các cơ quan thuộc Quốc dân Đảng: Nhóm Áo xanh, BIS, quân đội quốc gia, tình báo liên lạc, v.v... Sự thâm nhập sâu này được điều khiển bởi Trần Canh, một chiến binh phụ trách Tiểu ban 2 - cơ quan tình báo bí mật của Đặc Khoa. Sinh ra ở Hồ Nam năm 1904 vào năm con Rồng, trong một gia đình địa chủ giàu có, ông học với một gia sư riêng, đọc sâu về triết học Nho giáo, bao gồm cả những phẩm tính của lòng hiếu thảo. Điều này đã không ngăn cản ông trốn nhà ở tuổi mười ba để gia nhập quân đội cộng hòa của Tôn Dật Tiên. Sau một thời gian làm lãnh đạo công đoàn trên các tuyến đường sắt và là người tổ chức đình công, ông gia nhập ĐCSTQ. Ông được đào tạo thành một sĩ quan tại Học viện quân sự Hoàng Phố, nơi ông tốt nghiệp khóa đầu. Trong chiến dịch quân sự ở miền Bắc, ông đã trải qua một sự kiện đóng vai trò quan trọng trong những diễn biến sau này: trong một cuộc phục kích, ông đã cứu mạng Thống chế Tưởng Giới Thạch. Nhưng Trần Canh chỉ là anh hùng trong một ngày: năm 1926, cùng với Cố Thuận Chương, ông được gửi đến Liên Xô để hoàn thành chương trình đào tạo tại GPU. Trở về Trung Quốc, sau khi tham gia vào các cuộc nổi dậy thất bại khác nhau, ông đã tiếp quản tình báo Đặc Khoa ở Thượng Hải dưới bí danh là “ngài Vương”. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là làm sáng tỏ một bí ẩn: vụ bắt giữ La Diệc Nông - một chiến binh quả cảm, thiện chiến, chịu trách nhiệm thiết lập cơ quan tình báo phôi thai, vào ngày 14 tháng Tư năm 1928 trên đường Gordon, cùng vụ ám sát ông sau đó, diễn ra ngay sau khi ông bị bắt và bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc. Với sự giúp đỡ từ các mối liên lạc của Cố Thuận Chương trong giới cảnh sát và những người bạn cũ của ông ở Thanh Bang, Trần phát hiện ra rằng một phụ nữ nói tiếng Đức đã tiếp cận Cơ quan Tình báo nước ngoài của Vương quốc Anh và đề nghị trao trả hàng trăm nhà cộng sản để đổi lấy một khoản tiền đáng kể. Để chứng minh mình đáng tin cậy, cô đã cho người của Pat Givens địa chỉ của La. Kẻ phản bội là một phụ nữ tên là Hà Trị Hoa. Cô là vợ cũ của Chu Đức, cựu lãnh chúa đã trở thành một vị tướng cộng sản và nằm trong số những người đã trải qua thời kỳ ở Paris. Cô đã từng sống với Chu ở Đức, vào thời điểm “vừa học vừa làm”. Sau khi ở lại Liên Xô, cô đã tham gia ban thư ký của lãnh đạo ĐCSTQ tại Thượng Hải, nơi cho phép cô truy cập vào danh sách các đảng viên. Với sự phản bội hoàn toàn lý tưởng cộng sản, cô đã lên kế hoạch bán hết những đồng đội cũ của mình và sử dụng khoản tiền này để bắt đầu một cuộc sống mới ở nước ngoài. Sự trả thù của những kẻ trong “đội chó săn” không còn lâu nữa. Những kẻ giết người đã đến nhà của kẻ phản bội và tìm thấy cô trên giường với người chồng mới. Họ đã chĩa khẩu súng ngắn Mauser 7,65 của mình vào cặp vợ chồng. Bị trúng đạn và bị thương nặng nhưng vẫn còn sống, Hà Trị Hoa đã bỏ lại xác của chồng và biến mất. Tuy nhiên, những kẻ giết người của Đặc Khoa đã tìm cách khôi phục danh sách các tên và, đáng kể nhất, để phát đi thông điệp đáng sợ rằng “con dao găm của Ngũ Hào” không bao giờ ngủ. Nó không biết thương hại hay hối hận. Tuy nhiên, trong số tất cả các hoạt động xâm nhập được thực hiện bởi cơ quan của Đới Lực, thành công nhất lại là sự im lặng: các nghiệp vụ mã hóa và liên lạc. Chiến binh chịu trách nhiệm cho những nhiệm vụ này là Lý Khắc Nông. Lý đáng để nghiên cứu sâu hơn một chút, vì sau này ông sẽ trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong thế giới gián điệp Trung Quốc.  (còn tiếp) * VỀ TÁC GIẢ Roger Faligot là nhà báo điều tra và là tác giả của nhiều chuyên khảo về tình báo châu Âu và châu Á. * Nguồn: Roger Faligot (2019). 'Chinese Spies: From Chairman Mao to Xi Jinping'. London: Hurst, 2019.
  •  CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (1)
    01/ 04/ 2023
     CÁC ĐIỆP VIÊN TRUNG QUỐC: TỪ CHỦ TỊCH MAO TỚI TẬP CẬN BÌNH (1) Roger Faligot Nguyễn Trung Kiên trích dịch           Vào đầu thế kỷ XX, có 400 triệu người sống tại Trung Quốc, với diện tích 11 triệu km vuông. Nhiều vùng lãnh thổ khác từng thuộc Trung Quốc đã bị thôn tính trong các cuộc xâm lược liên tiếp của nước ngoài. Với việc ký kết Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, người Anh đã được nhượng lại Hồng Kông, được biết đến với cái tên Hương Cảng. Các “hiệp ước bất bình đẳng khác”, vốn dẫn đến việc hình thành các Khu nhượng địa – toàn bộ vùng đất thuộc các thành phố lớn thuộc sở hữu của “những người mũi lõ”, cũng như việc bị các cường quốc nước ngoài áp đặt đền bù thiệt hại do chiến tranh, đã tàn phá nền kinh tế Trung Quốc. Năm 1900, tại Bắc Kinh, các tòa công sứ của nước ngoài đã bị bao vây trong suốt Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, một cái tên do các nhà báo nước ngoài đặt. Đến cuối cuộc vây hãm kéo dài năm mươi lăm ngày, cuộc nổi dậy đã bị nghiền nát bởi một lực lượng viễn chinh quốc tế, và Từ Hi Thái hậu, một đồng minh của Nghĩa Hòa Đoàn, đã bị lật đổ. Hoàng đế Mãn Châu cuối cùng, Phổ Nghi, bị buộc phải thoái vị khi mới lên sáu tuổi vào năm 1912. Một Trung Hoa dân quốc mới, đứng đầu là nhà lãnh tụ theo chủ nghĩa dân tộc Tôn Dật Tiên, đã nhanh chóng trở thành một chế độ độc tài dưới ách thống trị của Viên Thế Khải – vị tư lệnh phương Bắc. Lịch sử tình báo hiện đại của Trung Quốc bắt đầu từ mười năm sau những sự kiện này, trong Khu tô giới Thượng Hải thuộc Pháp, một hải cảng trên sông Hoàng Phố, một nhánh của sông Dương Tử. Ba trăm nghìn người Trung Quốc đã sống trong Khu tô giới. Thật vậy, câu chuyện về chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc và hoạt động tình báo bí mật của nó là một phần của chủ nghĩa cộng sản tại Pháp; vào những năm 1920, Thượng Hải có biệt danh là 'Paris của phương Đông'. Người Pháp không phải là người phương Tây duy nhất đã giành được nhượng địa từ các hoàng đế Mãn Thanh. Khu tô giới quốc tế tại Thượng Hải thuộc về người Anh và người Mỹ, những người có quyền hạn với 750.000 người dân Trung Quốc sống tại đó, trong khi một triệu người khác sống ở các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động Trung Quốc là Hạp Bắc và Nam Đao. Không cần đến bàn tính để chỉ ra rằng chỉ có 30.000 người phương Tây – “lũ bạch quỷ”, với lực lượng cảnh sát, quân đội và hệ thống pháp lý của riêng họ đã áp đặt luật lệ của họ lên một nửa cư dân thành phố. Các luật này có thể thay đổi, bởi các cường quốc phương Tây, giống như giai cấp tư sản Trung Quốc, đã làm ngơ trước việc Thượng Hải thời đó không chỉ là một trong những thành phố sôi động nhất thế giới, cả về kinh tế và văn hóa; mà nó còn là thiên đường của cờ bạc, vũ khí và buôn bán thuốc phiện, và là trung tâm buôn bán gái mại dâm phương Tây, các hoạt động gián điệp và vô số hoạt động lừa đảo và đồi bại khác. Một người dàn xếp đầy quyền năng của thế giới ngầm đặc biệt này: Vu Xảo Khanh, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc, đồng thời là một doanh nhân lớn và là một nhân vật cấp cao trong ‘Thanh Bang’ (青帮), một tổ chức bí mật toàn năng, là người giật dây cho toàn bộ các hoạt động đáng kinh ngạc này tại Thượng Hải. Người đứng đầu tổ chức tội phạm này, Đỗ Nguyệt Sênh, có một người anh em “chí cốt”, Félix Bouvier: chủ sở hữu của cả Canidrom, trường đua chó xám của Thượng Hải, và sòng bạc Grand Monde, nơi các công chúa Nga, những kẻ buôn bán vũ khí từ Mỹ và các gián điệp Nhật Bản chơi những canh bạc lớn, hệt như trong bộ phim bất hủ năm 1932, 'Shanghai Express'. “Ngài Đỗ”, bố già trong giới mafia của Thượng Hải, cũng đã gia nhập vào nhóm những nhân vật có ảnh hưởng này, giống như vị tướng trẻ tuổi theo chủ nghĩa dân tộc và nhà lãnh đạo tương lai của Trung Hoa Dân quốc, Tưởng Giới Thạch, cùng Étienne Fiori - người trước đây từng làm điệp viên tại Ma-rốc, và hiện cả hai người đứng đầu Cục Cảnh sát đặc biệt trong Khu nhượng địa của Pháp và tích cực trong các hoạt động tội phạm của nhóm mafia Corsican, vốn cũng đang thông đồng với Thanh Bang. Fiori trông thấp bé, tóc tai bờm xờm và nụ cười móm mém, hoạt động tội phạm chính của hắn là sự tham gia vào nhóm “Grande Combine”, một mạng lưới nô lệ da trắng bao gồm các cô gái trẻ người Pháp tại đảo Corse của Pháp bị bắt cóc và đưa đến nhà thổ lớn nhất thế giới tại Thượng Hải, để đổi lấy những viên thuốc phiện được “Ngài Đỗ” gửi tới Marseille. Nhưng thương vụ này hầu như không dành cho thị trường xuất khẩu. Một khối lượng thuộc phiện khổng lồ đã được tiêu thụ trong 800 tiệm thuốc phiện tại Thượng Hải, trong đó khách hàng được phục vụ bởi khoảng 3.000 ‘kẻ du đãng’, như cách người ta gọi những kẻ đầu sai của Thanh Bang. Thế giới bệnh hoạn và đồi bại này đã bắt đầu có khả năng miễn dịch với mọi sự trấn áp. Bị ảnh hưởng bởi Cách mạng Nga và các giáo sư của họ, những thanh niên Trung Quốc trẻ tuổi - những sinh viên tại Đại học Aurora và các thành viên của Nghiệp đoàn Phu xe kéo tay mới thành lập đã xác định rằng phương Đông sẽ sớm chuyển sang màu đỏ của cách mạng. MAO LẨN TRÁNH CẢNH SÁT PHÁP Vào tháng Bảy năm 1921, mười hai đại biểu đại diện cho năm mươi bảy chiến binh từ các tỉnh khác nhau trên khắp Trung Quốc đã gặp nhau tại một địa điểm được cho là bí mật, trong nhà người họ hàng của một đại biểu: số nhà 160 đường 160 Wantz trong Khu nhượng địa của Pháp. Trong phòng khách nhỏ, dưới ánh sáng lờ mờ, khói thuốc lá mù mịt, gạt tàn được truyền qua truyền lại và trà được phục vụ trước khi những người tham dự tranh luận với hai đại diện của Quốc tế Cộng sản, “Maring” và “Nikolsky”. “Maring”, một người đàn ông Hà Lan tên là Henricus Sneevliet, đã truyền đạt lập trường của Moscow: ý tưởng thành lập một đảng cộng sản thật tuyệt vời, nhưng điều quan trọng là nó phải liên kết với Quốc dân Đảng, đảng quốc gia do Tiến sĩ Tôn Dật Tiên thành lập, để thực hiện cuộc cách mạng dân chủ bắt đầu mười năm trước với sự lật đổ hoàng đế Mãn Thanh cuối cùng. Sau ba ngày thảo luận đầu tiên kéo dài đến tận khuya, họ chuyển đến ký túc xá của trường nữ sinh trên đường August Auguste-Boppe, nơi các đại biểu cuối cùng đã ngủ lại sau những buổi họp mệt mỏi này (các nữ sinh đang nghỉ hè). Vào buổi tối trong ngày thứ tư của cuộc tranh luận nảy lửa, một người đàn ông tướng mạo kỳ dị gõ cửa trước, nói rằng ông đang tìm kiếm một người tên là Lý hoặc Trương, hai cái tên rất phổ biến. Sau đó, ông xin lỗi vì đã nhầm địa chỉ, rồi quay gót và rời đi. Đó là một trong những sĩ quan cảnh sát của Fiori. Theo lời khuyên của đặc phái viên Maring, các đại biểu đầu trốn chạy vội vàng, “hệt như bầy chuột, tay ôm lấy tai”, như cách diễn đạt của người Trung Quốc. Bản năng của họ thật chính xác: mười phút sau cảnh sát Trung Quốc, do một sĩ quan Pháp dẫn đầu, đã xông vào nhà. Lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như chưa bắt đầu và nó đã phơi bày một mạng lưới ngầm gồm những kẻ chỉ điểm, cảnh sát mật và gián điệp. Người Trung Quốc có xu hướng hướng tin theo thuyết định mệnh hơn là lựa chọn sự chán nản. Ngày hôm sau, không có hai đại diện của Quốc tế Cộng sản, các đại biểu đã di chuyển cuộc họp của họ đến một chiếc thuyền du lịch, họ đi thuyền quanh một hồ nước ở Chiết Giang, một tỉnh ở phía tây nam Thượng Hải. Nói mà không làm thì cũng như không, như một câu cách ngôn của đạo Khổng; họ tranh luận với nhau trong khi ngắm những con sếu hoang bay lượn và dáng đi thanh tú của những quý bà thanh lịch mang theo ô trong buổi dạo chiều. Trong khung cảnh quyến rũ đó, họ đã phê chuẩn các quyết định của mình trong ngày họp thứ năm này, và quyết định đặt tên cho cho tổ chức mới của họ là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, hoặc Gongowderang trong Bính âm). Dựa trên mô hình của Nga, biến thể non trẻ hơn này đã áp dụng một chương trình đơn giản: thành lập quân đội cộng sản, lật đổ giai cấp tư sản và thiết lập một chế độ của giai cấp vô sản, trong đó sự khác biệt về tài sản và giai cấp sẽ bị bãi bỏ. Như đồng chí ‘Lý Ninh’ (Lenin) đã khẳng định, mỗi đảng cộng sản phải được tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”, trong đó không tồn tại các phe phái, và các nhà cách mạng chuyên nghiệp sẽ bị ràng buộc bởi một khuôn khổ kỷ luật sắt. Lãnh tụ của những người Bolshevik Trung Quốc này là một tổng thư ký vừa được bầu, một trí thức thông minh được truyền cảm hứng từ triết lý Khai sáng và Cách mạng Pháp năm 1789: Trần Độc Tú. Trong số các đại biểu trẻ tuổi, có một người đàn ông đến từ Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, được biết đến với trí thông minh và sự dè dặt. Trong tương lai, ông sẽ được biết đến với cái tên Mao Trạch Đông, “Mặt Trời Đỏ”, và chỉ một chút nữa thôi là ông đã bị giam trong một nhà tù Pháp. Quốc tế Cộng sản sẽ thích ĐCSTQ đã chọn một người linh hoạt hơn so với vị diễn giả huyên hoang trẻ tuổi này, ví dụ như ai đó bắt đâu ý tưởng về một “mặt trận thống nhất” với Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, Moscow đã đồng ý thỏa mãn các nhu cầu và việc học tập của đảng mới vì đảng này phù hợp với Moscow. Trong khi đó, vào cuối năm 1921, Maring, vốn ít nhiều nghi ngờ nhóm trí thức này, đã gặp Tôn Dật Tiên - người đã thành lập chính quyền của mình ở miền Nam, tại Canton (Quảng Châu ngày nay). Ông đề nghị Tiến sĩ Tôn tiếp nhận sự viện trợ của Moscow, và thậm chí không hỏi ý kiến của Tôn về các đồng chí Trung Quốc trong ĐCSTQ. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ thân mật giữa Quốc dân Đảng với nhà nước Liên Xô sắp được thành lập. Mục tiêu tiếp theo, theo Lenin, là thống nhất thành một đất nước Trung Quốc lớn hơn, vốn đã bị tàn phá bởi các lãnh chúa, thông qua một chính phủ cánh tả, mà với sự liên minh với Moscow sẽ phá vỡ sự cô lập chính trị đang tàn phá Liên Xô mới hình thành. ĐCSTQ mặc dù có chút lo lắng, đang háo hức bắt đầu cuộc cách mạng, và sau đó, đã lùi lại bởi họ được khích lệ bằng lời hứa về một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, có một khoảnh khắc mà dường như sẽ không bao giờ được sang tỏ. Ai là người đã phản bội cuộc họp tuyên bố thành lập của Đảng? Và làm thế nào để giải quyết bí ẩn này, ngoài việc thiết lập một cuộc điều tra và tạo ra một mạng lưới gián điệp nhỏ? Cuốn sách này sẽ kể câu chuyện về việc một ngày nào đó cấu trúc phôi thai này sẽ trở thành mạng lưới tình báo bí mật lớn nhất thế giới. La Diệc Nông, một sinh viên trẻ đến từ Hồ Nam giống như Mao, sau đó sẽ được gửi đến Moscow để được đào tạo về nghề gián điệp và việc tiến hành cách mạng, chịu trách nhiệm điều tra về việc cuộc họp thành lập Đảng bị bại lộ. Điều này tiết lộ rằng sự xâm nhập của cảnh sát Pháp có một lời giải thích đơn giản, và Quốc tế Cộng sản chính là manh mối. Dường như hai sứ giả trẻ tuổi đến từ Tổ chức Thanh niên của Quốc tế Cộng sản, mang các trợ cấp tới cho các đồng chí Trung Quốc của họ, đã bị các đặc vụ của Fiori theo dõi kể từ khi họ đến Thượng Hải. Theo như những gì có thể xác định, họ là Henri Lozeray và Jacques Doriot, cả hai đều đến từ Saint-Denis, một vùng ngoại ô phía Bắc Paris. Nhận ra rằng họ đang bị cảnh sát bám đuôi, các chàng trai trẻ cẩn thận chọn một đường vòng ngoắt nghéo để tham gia cùng các đại biểu khác trong cuộc họp. Nhưng hẳn là các liên lạc viên của họ đã ít thận trọng hơn. Sau khi trở về Pháp, qua ngả Moscow, hai người này đã giúp thành lập chi bộ Paris của ĐCSTQ, và, như chúng ta sẽ thấy, họ đã giúp đỡ một chiến binh nổi tiếng, người sáng lập thực sự của mạng lưới tình báo của những người cộng sản Trung Quốc. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục dõi theo họ, khi họ lên một con tàu đến Vladivostok và sau đó bắt một chuyến tàu tàu tốc hành xuyên Siberia đến Paris, qua ngả Moscow và Berlin. CÁC MẠNG LƯỚI NGƯỜI TRUNG QUỐC CỦA NHỮNG NGƯỜI XÔ-VIẾT Trong khi đó, như chúng ta sẽ thấy, những người Xô-viết đã không ngồi yên. Tại Moscow, cơ quan tình báo bí mật của họ, Cheka, được thành lập bởi một người gốc Ba Lan, Felix Dzerjinsky, với biểu tượng là thanh kiếm và lá chắn của đấu sĩ. Lưỡi kiếm sắc bén của thanh kiếm đại diện cho cơ quan tình báo nước ngoài đầy hiệu quả của Cheka, INO. Tấm khiên đại diện cho cảnh sát chính trị, có nhiệm vụ là loại bỏ những kẻ phản cách mạng và những gián điệp của các đế quốc tại Nga, bắt đầu với những điệp viên thuộc Cơ quan Tình báo Anh và Phòng Nhì (cơ quan tình báo quân sự nước ngoài của Pháp). Cheka đang tiến hành một cuộc chiến đầy tàn nhẫn chống lại cả hai cơ quan tình báo này, vốn được cho là đang đe dọa tới sự sống còn của nhà nước cách mạng, với một một nhóm chống lại những người Bolshevik ngày càng hoạt động kín đáo. Kể từ đầu thập niên 1920, Cheka, được đổi tên thành GPU vào năm 1922, đã hoạt động rất mạnh tại Trung Quốc, với hai mục tiêu. Đầu tiên là tuyển mộ các đặc vụ người Trung Quốc để thông báo cho Moscow về ý định của các vị lãnh chúa, các đế quốc đang nắm những khu nhượng địa, những người Nga da trắng bị lưu đày chuẩn bị về nước, những người theo chủ nghĩa dân tộc trong Quốc dân Đảng và những người chỉ điểm vốn đã trở thành những kẻ phản cách mạng. Đó là một kế hoạch khổng lồ. Việc Cheka tài trợ cho các hoạt động tình bảo của cả ĐCSTQ non trẻ lẫn Quốc dân đảng cũng là một chiến lược để kiểm soát cả hai đảng này. Cheka không phải là tổ chức duy nhất hoạt động sau hậu trường. Đồng thời, cơ quan tình báo của Hồng quân, Razvedoupr (hay còn gọi là GRU), do Tướng Arvid Seibot đứng đầu, cũng đang hoạt động. Ở mọi quốc gia trên thế giới, GRU đang theo dõi tiềm năng quân sự cũng như giám sát các bộ phận quân sự của các đảng cộng sản, vốn được hình thành từ Hồng quân. Jan Berzin, người gốc Latvia, giám đốc Cục Ba (phụ trách tình báo), đã sớm trở thành người đứng đầu GRU, và sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động ở châu Á. Tại Trung Quốc, theo thỏa thuận với Tôn Trung Sơn, mạng lưới tình báo quy mô lớn này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, dưới cùng một cái tên đó - cũng tham gia giám sát thông qua các hoạt động tư vấn cho Học viện quân sự Hoàng Phố, được thành lập bởi những người Quốc Dân đảng Trung Quốc. Năm 1927, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Liên Xô tại Quảng Đông là Đại tá Semion Aralov - người từng lãnh đạo GRU vào năm 1918, dưới thời Trotsky. Chúng ta đã nghe nói về tổ chức thứ ba của Nga hoạt động tại Trung Quốc, ít liên quan tới các hoạt động chính trị so với Cheka hay GRU: Quốc tế Cộng sản, được thành lập năm 1919 để thúc đẩy cuộc cách mạng thế giới. Các hoạt động bí mật của nó được tổ chức bởi bộ phận Tình báo Liên lạc Quốc tế (OMS), do một nhà cách mạng cũ tên là I. Rum Piatnitsky tổ chức. Những hoạt động này bao gồm chuyển tiền và tài trợ cho các đảng, công đoàn và ủy ban, và đào tạo các đặc vụ về kỹ năng bí mật, bao gồm mã hóa và truyền tin nhắn không dây, giả mạo tài liệu và tham gia đào tạo các điệp viên bí mật. Tổ chức hoạt động gián điệp của Liên Xô tại Trung Quốc đã hình thành. Điệp viên nước ngoài thường trú đầu tiên của Cheka ở Bắc Kinh, Aristarkh Rylski (tên thật là Aristarkh Riguin), được thay thế vào năm 1922 bởi nhà ngoại giao-điệp viên gốc Armenia, Yakov Davtian, người từng thực hiện nhiều điệp vụ tại Pháp dưới cái tên “Jean Jan”. Không lâu sau khi đến Bắc Kinh, Davtian đã phàn nàn với Meyer Trilisser, người đứng đầu INO tại Moscow, rằng ông đang chịu áp lực lớn bởi khối lượng công việc khổng lồ mà mình phải giải quyết. Mặc dù cực kỳ thú vị nhưng khối lượng công việc vô cùng nặng nề và đầy thách thức. Người ta phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Khoảng cách từ Moscow, chất lượng kém của các liên lạc viên, thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau giữa ông và Cheka đã khiến mọi thứ trở nên phức tạp. “Tôi chưa bao giờ làm việc chăm chỉ như vậy trong đời - ngay cả tại INO - khi tôi làm việc ở đây, thần kinh của tôi chưa bao giờ bị căng thẳng như vậy”. Nhưng đồng chí Davtian đã tỏ ra dung cảm một cách đầy miễn cưỡng, bởi vì như Trung Quốc, như ông nói, “là trung tâm của nền chính trị thế giới, không chỉ là điểm yếu của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu mà còn cả của chúng ta”. Và ngay cả khi Riguin và Davtian không hoạt động tốt, các “khu dân cư” của INO - hay các trạm tình báo, ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Thẩm Dương, Trường Xuân, Cáp Nhĩ Tân, Quảng Châu và Thượng Hải đã phát triển mạnh, như đã được chứng thực bởi một bản báo cáo đáng khích lệ của Davtian một năm sau khi ông đến Trung Quốc: “Công việc đang diễn ra tốt đẹp. Nếu các đồng chí theo dõi các tài liệu mà tôi đã gửi, các đồng chí sẽ thấy rằng tôi đã thành công trong việc mở rộng mạng lưới của chúng ta trên khắp Trung Quốc, có nghĩa là không có gì quan trọng có thể xảy ra mà chúng ta không được cảnh báo. Mạng lưới liên lạc của chúng ta đang mở rộng. Nhìn chung, tôi có thể nói rằng không ai trong số những người Nga da trắng sống ở Viễn Đông mà không bị theo dõi. Tôi biết mọi thứ xảy ra, thường là ngay cả trước khi nó thực sự diễn ra”. Vào ngày 11 tháng Hai năm 1923, Davtian đã gửi một thông điệp về các trụ sở tình báo tại Moscow: “Tôi đã mở rộng đáng kể các hoạt động của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi có mạng lưới điệp viên thích hợp ở Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh và Thẩm Dương. Tôi đã thiết lập một bộ máy quản trị quan trọng ở Cáp Nhĩ Tân. Chúng tôi có kế hoạch thâm nhập vào hoạt động tình báo tại Nhật Bản và một mạng lưới chỉ điểm viên rộng rãi ở Thượng Hải”. Tại Bắc Kinh, tình báo quân sự Liên Xô (GRU) được đại diện chính thức bởi Tướng Anatoli Gekker, người là tùy viên quân sự của Đại sứ quán Liên Xô tại đó cho đến năm 1925. Một trong những nhiệm vụ chính thức của Gekker lúc đó là giúp các cố vấn quân sự Nga làm việc chặt chẽ với quân đội Quốc dân Đảng nhằm giám sát việc thành lập một đoàn huấn luyện tình báo quốc gia, và giám sát một điệp vụ tình báo có biệt danh là “Trường trung học” (中学), được điều hành bởi một nhân vật cấp cao ở Quốc dân Đảng, một người từng là giáo viên tên là Đàm Phẩm Tam. Vì thế, Liên Xô đã giám sát cả cơ quan tình báo non trẻ của những người cộng sản Trung Quốc và của Quốc dân Đảng, mà lãnh đạo của họ, Tôn Trung Sơn, tiếp tục ủng hộ một liên minh với Moscow cho đến khi ông qua đời vào tháng Ba năm 1925. Bộ máy quân sự hiện tại chính thức này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong thực tế, phần lớn hoạt động tình báo của GRU ở Trung Quốc, giốn như hoạt động tình báo của Cheka/GPU ở Liên Xô, đã được tiến hành bởi những các đặc vụ bí mật ‘ngoài ngành’, dù họ tạm trú hay thường trú ở đó. Dấu vết của họ có thể được tìm thấy trong hàng trăm báo cáo tình báo Pháp mà tôi đã tham khảo, qua đó tôi đã có thể tạo ra một ‘Bản Danh sách’ các gián điệp Nga thực sự tại Trung Quốc trong những thập niên 1920 và 1930. Đây là một công việc khá phức tạp, vì chúng ta đang nói về một thế giới nơi mọi người đều có nhiều bí danh, tên giả và hộ chiếu giả mạo, vốn từng có rất nhiều trong kho lưu trữ của các lãnh sự quán Pháp ở Thượng Hải và Thiên Tân trong thời kỳ chiến tranh. Không phải chỉ có ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiết lập mạng lưới điệp viên ngầm trong các khu nhượng địa của Pháp và các khu tô giới quốc tế tại Thượng Hải và Hồng Kông. Ở Paris cũng vậy, các chiến binh trẻ trong chương trình vừa học vừa làm đã được học về các nghiệp vụ bí mật. Họ đã phải dũng cảm đối mặt với lực lượng cảnh sát Pháp, với hoạt động phản gián và cơ quan tình báo quân sự nước ngoài vốn đã được chỉ thị để trừ khử họ tận gốc. Từng được trao các huy chương trong Thế chiến thứ Nhất, Cảnh sát trưởng Louis Ducloux và Charles Faux-Pas-Bidet từ Sûreté (cơ quan an ninh của Pháp) và Đại tá Henri Lainey, người đứng đầu cơ quan tình báo và phản gián (SCR), đã phải chuyển trọng tâm công việc của họ để chống lại làn sóng đang lên của chủ nghĩa Bôn-sê-vích và các điệp viên của nó. Cái gọi là “mối nguy hiểm màu vàng” vẫn đang tiếp tục, nhưng tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Quốc và Đông Dương đòi hỏi sự cảnh giác cao độ và là một vấn đề rất được quan tâm đối với Đế quốc Pháp tại châu Á. Đối với các chiến binh từ Viễn Đông, học cách cắt đuôi và tránh cạm bẫy của các điệp viên bậc thầy trên đường phố Paris, Lyon và Marseille có nghĩa là họ đã đóng một vai trò trong cuộc chiến trong bóng tối này. NGƯỜI KHÁCH GIA CỦA CHU ÂN LAI ĐẾN PARIS Người Khách Gia của Trung Quốc từng là tộc người di cư; do đó, tên của tên của họ có nghĩa là “những gia đình làm khách”. Trải qua nhiều thế kỷ, họ chạy trốn khỏi người Mông Cổ và tìm nơi ẩn náu: trên vùng đồng bằng miền trung Trung Quốc, phía nam sông Hoàng Hà, bên sông Ngọc ở Hồng Kông, tại Quảng Châu và những nơi khác. Họ dũng cảm trong chiến tranh hệt như trong các cuộc phiêu lưu của mình. Nhiều người đã rời khỏi Trung Quốc. Họ tạo thành một nhóm dân tộc riêng biệt, với phương ngữ bất khả xâm phạm, và các biểu tượng và nghi lễ rất khác biệt so với những người còn lại của cộng đồng người Hoa di cư. Trong triều đại nhà Thanh (1644-1912), mái tóc dày của họ là sự minh chứng cho việc họ từ chối việc bày tỏ lòng trung thành với những người chinh phạt Mãn Châu thông qua việc cạo đầu và chỉ giữ một bím tóc. Phụ nữ có quyền ngang với nam giới, ít nhất là quyền làm việc trên cánh đồng. Một tộc người Khách Gia không cúi đầu trước bất cứ ai. Một tộc người Khách Gia bất khuất. Một dấu hiệu của điều này là, không giống như các dân tộc thiểu số khác tại Trung Quốc khác, những người cha Khách Gia đã không ép buộc con gái mình phải bó chấn và bị teo để biến chúng thành đối tượng của sự ham muốn. Khi đến tuổi trưởng thành, những người con gái Khách Gia chỉ kết hôn với những con trai Khách Gia khác, bởi họ coi giới tư sản Thượng Hải, quan lại Bắc Kinh và nông dân Trường Sa là gớm ghiếc, với đôi chân “khổng lồ” của họ. Người Khánh Gia là một dân tộc đầy kiêu hãnh. Hồng Tú Toàn huyền thoại, vị thủ lĩnh hừng hực lửa chiến đấu của cuộc nổi loạn Thái Bình (1850-1864), là một người Khách Gia. Tầm nhìn của Hồng là sự thành lập một vương quốc hòa bình trên trái đất. Tia lửa cách mạng này đã gây ra một cuộc nội chiến; theo anh em Élisée và Onésime Reclus, những nhà địa lý Pháp nổi tiếng nhất vào thời điểm đó, sự đàn áp sau đó đã khiến 12 đến 15 triệu người Trung Quốc bị chết. Trường thiên tiểu thuyết về Thái Bình Thiên Quốc đã làm kinh hoàng cả thế giới và truyền cảm hứng cho Jules Verne tạo ra một nhân vật tên là Vương, một triết gia, trong tác phẩm ‘The Tribations of a Chinaman in China’. Không biết những đặc vụ của Pháp trong chiến tranh và các các sĩ quan tình báo quân sự thực sự đã đọc các tác phẩm anh em nhà Reclus theo chủ nghĩa không chính phủ hay các tác phẩm của Jules Verne hay chưa? Chúng ta không thể biết, nhưng họ chắc chắn đã theo dõi những khổ nạn của người Hoa ở Pháp vào tháng Bảy năm 1922. Trong khi không nghi ngờ gì về lịch sử phức tạp của người Khánh Gia, các thám tử đã liên tục theo dõi thế giới đầy sôi nổi của các sinh viên và công nhân Trung Quốc tại Pháp. Nhiều sinh viên Trung Quốc đã tham gia tuyên truyền trong cộng đồng di cư để bảo vệ tự do học thuật, và họ đã tham gia cả Quốc dân Đảng theo chủ nghĩa dân tộc do Tôn Dật Tiên lãnh đạo – chính ông cũng là người Khách Gia, và một nhóm mới đã thâm nhập vào họ: Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập ở Thượng Hải với tiền từ Moscow và sự giúp đỡ của các nhà cộng sản Doriot và Lozeray. Dưới các tên giả, những thanh niên Trung Quốc ở Paris này tham gia vào các hoạt động bí mật, hoạt động trong các phòng giam bí mật. Một trong những người Khách Gia đó là cậu bé “Thập” đến từ Tứ Xuyên, với khuôn mặt trẻ trung và mái tóc đen huyền bay trong gió, anh không ai khác chính là Đặng Tiểu Bình, người làm việc trong nhà máy của Renault và được đặt biệt danh là “Ngài Rô-nê-ô”, bởi ông đã dành buổi tối để in ‘Tuổi trẻ mới’ và ‘Bình minh Đỏ’, những cuốn sách nhỏ bằng tiếng Hoa. Ai có thể tưởng tượng rằng ông sẽ trở thành Chủ tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào sáu mươi năm sau? Hay, trong số những người Khách Gia trong nhóm cộng sản Paris, có không dưới ba nguyên soái tương lai của Quân đội Giải phóng Nhân dân? Bộ ba này sẽ đóng một vai trò trong mọi giai đoạn của lịch sử các điệp vụ bí mật: Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh và Chu Đức. Theo báo cáo của cảnh sát bí mật của Pháp, các nhà cộng sản trẻ tuổi người Khách Gia gặp nhau lần đầu tiên vào mùa Xuân năm 1922, tại căn hộ của Henri Lozeray, bí danh “Gardon”: số 15 đường Goncourt, tại Quận 11 ở Paris. Lozeray, người làm công việc sắp chữ, là người đứng đầu các vấn đề thuộc địa trong Liên Đoàn Thanh niên Cộng sản [thuộc Quốc tế Cộng sản (ND), và mặc dù vừa bỏ lỡ sự ra đời của ĐCSTQ tại Thượng Hải, ông đã là người tham gia đầu tiên vào sự thành lập phân bộ của Đảng ở châu Âu. Cuộc họp trong căn hộ của ông được tổ chức bởi một nhân viên khác của Renault, một người vận hành máy tiện có biệt danh là ‘Ngô Nhất’. Vị lãnh tụ tương lai của Việt Nam, Hồ Chí Minh, cũng ở đó, dưới bí danh của ông, Nguyễn Ái Quốc; cảnh sát đã xây dựng một hồ sơ đồ sộ về ông , kể từ khi ông tham dự cuộc họp thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Ông làm công việc chỉnh sửa các bức ảnh và sửa chữa đồ sứ, và dùng bí danh “Ferandand”. Trên thực tế, ông là một đặc vụ của Quốc tế Cộng sản, và tình bạn của ông với Breton Jean Cremet, một ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản Pháp, đã không che giấu được các nhà đương cục về sự tham gia bí mật của ông vào cuộc đấu tranh này. Các mật thám Pháp cũng đã khoanh vùng một tòa nhà ở số 17 đường Godefroy, cạnh vùng Gobelins của Paris, gần Place d'Italie, nơi một khu phố Tàu nhỏ đang phát triển. Một thanh niên trẻ tuổi tự xưng là Stephen Knight, ăn mặc như một quý ông người Anh và mang hộ chiếu Anh, sống ở tầng hai. Anh tự nhận là một doanh nhân đến từ Hồng Kông. Mô tả của anh khớp với Ngô Nhất, người đã ở căn hộ của Lozeray, và họ thực sự là một người: con trai của một quan chức từ Chiết Giang, phía tây nam Thượng Hải, một chàng trai trẻ mang tinh thần cấp tiến từ rất sớm. Tên thật của anh là Chu Ân Lai. Sau từ bỏ gia đình, anh đã sống ở Nhật Bản một thời gian trước khi đến châu Âu. Vào tháng 11 năm 1920, Chu, bí danh Ngô Nhất, đã đến Marseille trên tàu Bordeaux, một tàu buôn của Pháp. Với bản năng tự nhiên trong hoạt động bí mật, trong hai năm, ông điều hành các nhóm cộng sản Trung Quốc ở Pháp, Bỉ và Đức. Sau khi các sinh viên đóng giả công nhân này chiếm đóng Tòa Công sứ Trung Quốc tại Paris, cảnh sát đã bắt giữ anh, nhưng, không biết danh tính thực sự của anh, chỉ quyết định áp tải anh đến Marseille, nơi anh sẽ bị trục xuất khỏi Pháp để trở về Trung Quốc. Anh xoay xở để bí mật nhảy khỏi đoàn tàu khi nó đang di chuyển qua vùng nông thôn rộng lớn, và do đó thoát khỏi những kẻ áp giải anh.   Chu hoạt động bên cạnh các đồng chí người Khách Gia trung thành, vốn cũng có năng khiếu trong hoạt động bí mật, và trở nên thân thiết với một chàng trai trẻ tên là Nhiếp Vinh Trăn, người quê Tứ Xuyên như Đặng Tiểu Bình. Ông đã học với Đặng tại Đại học Grenoble và sau đó tại Charleroi ở Bỉ, nơi ông chịu ảnh hưởng của các nhà nhà xã hội Bỉ. Được Chu dùng bởi có đầu óc khoa học, ông là chuyên gia về mã hóa và nhắn tin không dây. Ông làm kỹ sư tại Creusot và Renault. Sau này, ông trở thành một nguyên soái trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, và là một trong những người sáng chế ra bom nguyên tử. Phản gián Pháp không chỉ phụ thuộc vào những người chỉ điểm. Các nhân viên bàn giấy ở Bộ Nội vụ tại Paris đã đưa ra những ước tính sắc sảo. Họ nhận ra rằng Moscow hẳn phải đang trợ cấp cho người Trung Quốc, với các đặc vụ Quốc tế Cộng sản người Pháp đóng vai trò trung gian. Một người cấp tiến dày dạn kinh nghiệm tên Suzanne Girault chịu trách nhiệm chuyển tiền. Sinh ra ở Thụy Sĩ, nơi lần đầu tiên cô gặp Lenin, cô đã từng làm giáo viên tiểu học ở Nga, nơi cô được tuyển vào Ban Liên lạc Quốc tế của Quốc tế Cộng sản (OMS) vào năm 1919. Đó là lý do để cô được giao nhiệm vụ bàn giao các khoản tiền khá lớn cho các nhóm cách mạng khác nhau, bao gồm cả người Trung Quốc. Mùa hè năm 1924, Chu Ân Lai trở về Trung Quốc. Mãi đến khi tới Hồng Kông, cảnh sát Pháp mới phát hiện ra ai là người ẩn đằng sau bí danh Stephen Knight, và quý ông người Anh và người lao động Trung Quốc Ngô Nhất chỉ là một người.
  • DÂN SỐ GIÀ CỦA TRUNG QUỐC ĐE DỌA THẬP KỶ MẤT MÁT KIỂU NHẬT BẢN
    29/ 03/ 2023
    Dân số già của Trung Quốc đe dọa một thập kỷ mất mát kiểu Nhật Bản Chính sách một con tàn bạo của Bắc Kinh đã giải quyết tình trạng quá tải dân số nhưng liệu nó có đi quá xa? Pak Yiu, Grace Li, CK Tan; và Mitsuru Obe - biên tập viên của Nikkei Nikkei Asia, 22/03/2023 Nguyễn Trung Kiên lược dịch     Nằm ở cửa sông Dương Tử và Hoàng Hải, thành phố Nam Thông của Trung Quốc có rất nhiều cư dân cao tuổi, thoạt nhìn có vẻ giống như một cộng đồng hưu trí. Những người cao tuổi đang làm việc của thành phố bảo vệ cổng nhà máy, điều hành các cửa hàng tạp hóa, rửa dụng cụ ăn uống, phục vụ thực khách tại các quán ăn địa phương, làm việc cực nhọc trên cánh đồng canh tác cây cải dầu, và làm các công việc khác. Về mặt nhân khẩu học, Nam Thông ngày nay là thành phố có dân số già nhất ở Trung Quốc. Dựa trên Tổng điều tra dân số quốc gia của Trung Quốc vào năm 2020, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% trong tổng số 7,7 triệu cư dân của Nam Thông - gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc là 18,7%. Được biết đến là cái nôi của nền công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, nơi các nhà máy dệt đầu tiên của đất nước được xây dựng vào thập niên 1890, vinh quang trước đây của Nam Thông bắt đầu phai nhạt vào thập niên 1990, khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các thành phố Tô Châu và Thượng Hải lân cận đã khiến người dân địa phương rời bỏ quê hương mình. Ngày nay, cư dân của thành phố này đang già đi nhanh chóng. Do đó, Nam Thông đưa ra cách nhìn khác vào quá khứ của Trung Quốc, nhưng cũng là một cái nhìn thoáng qua về tương lai của Trung Quốc: theo các dự đoán chính thức của Trung Quốc, lịch sử nhân khẩu của thành phố này giống với tương lai nhân khẩu của toàn bộ đất nước sẽ trông như thế nào vào năm 2035 nếu các xu hướng hiện tại được duy trì. Nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập, và các hiệu thuốc bán nhiều tã cho người lớn hơn so với cho trẻ em. Tại quận Như Đông, một quận ở Nam Thông, xu hướng thậm chí còn gay gắt hơn, với 39% dân số trên 60 tuổi. "Những người trẻ tuổi không thích kiểu lao động khổ sai này", Vương Kiều nói trong khi dọn bàn tại một quán ăn ở Huyện Như Đông. Vương và đồng nghiệp của bà đều đã ngoài 70 tuổi. "Họ thích làm việc ở các thành phố lớn hơn." Đến năm 2035, ước tính có khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% dân số, theo dự đoán của chính phủ. Và tỷ lệ người già trên người trẻ dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên một cách mất cân bằng sau khi số ca tử vong vượt quá số ca sinh vào năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1961. Những người cao tuổi ở Nam Thông, Trung Quốc, tranh thủ trò chuyện. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 30% dân số thị trấn. (Ảnh CK Tân) Vào tháng 1 năm 2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận điều mà các học giả và nhà kinh tế đã dự đoán - rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2022, giảm mạnh ít nhất là 850.000 người, đẩy tổng mức dân số Trung Quốc xuống còn 1,412 tỷ người. Lần cuối cùng dân số Trung Quốc giảm từ năm này qua năm khác là vào năm 1961, khi các chính sách kinh tế thất bại của Mao Trạch Đông, được gọi là Đại nhảy vọt, đã giết chết hàng triệu người, mặc dù sự gia tăng dân số tạm lắng được thực thi đó chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết rằng, ngày nay, sự suy thoái sẽ kéo dài và có khả năng không thể đảo ngược, và được thiết kế bởi chính sách một con, một nỗ lực do nhà nước Trung Quốc duy trì nhằm giảm mức sinh từ năm 1980 đến năm 2016. Nhìn vào các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, các chuyên gia cảnh báo rằng, ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn rất tồi tệ. Tiếng chuông báo thức vang lên Với dân số giảm vào năm ngoái, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế lớn của châu Á cũng đang theo xu hướng tương tự. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Singapore, Thái Lan và Đài Loan cũng đang thu hẹp diện tích, trong khi tốc độ tăng dân số đang chậm lại ở Việt Nam, Philippines và các nơi khác. Ở những quốc gia may mắn nhất, tình trạng lão hóa xảy ra khi đất nước tương đối thịnh vượng - nghĩa là nhiều người cao tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí thoải mái. Chẳng hạn, Nhật Bản đã chứng kiến thu nhập trung bình của mình đạt mức của các nước phát triển nhất trước khi dân số của quốc gia này bắt đầu ổn định, mức cao nhất tương ứng với sự kết thúc của "nền kinh tế bong bóng" vào cuối thập niên 1980. Lauren Johnston, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết: “Nhật Bản già đi sau khi giàu có. Và vì vậy, chúng ta có được thế hệ người già giàu có sau chiến tranh này, hay những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em, những người đã sống cuộc sống thoải mái ở mỗi giai đoạn so với những người lớn tuổi và và những người sinh sau họ." Mặt khác, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số trong những hoàn cảnh kinh tế rất khác: Bởi chưa phải là quốc gia có thu nhập cao, nên sự suy giảm dân số có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, bởi lượng lớn người về hưu sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn bao giờ hết trong toàn bộ dân cư. Nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán rằng Trung Quốc đang đứng trước thảm họa khi lực lượng lao động của họ tiếp tục bị thu hẹp, quỹ lương hưu cạn kiệt và hệ thống chăm sóc sức khỏe dành cho người già của họ trở nên quá tải. Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới 1,1 vào năm 2022. Tỷ lệ 2,1 là cần thiết để duy trì dân số. ông Thái Chân Ngô, Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, chịu sự giám sát của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết: “Tổng tỷ suất sinh là 1,3 hoặc thấp hơn không phải là điều chúng ta muốn thấy”. "Chúng tôi tin rằng nếu tỷ lệ sinh có thể được duy trì ở mức 1,5-1,6 thì sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội của chúng ta." Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán rằng dân số Trung Quốc có thể bị đẩy xuống còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là cứ 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ. Tuy nhiên, khía cạnh gây tò mò nhất của quả bom dân số là Trung Quốc đã tự thả quả bom này xuống. Tình trạng thiếu trẻ em hiện nay bắt nguồn từ ba thập kỷ rưỡi kìm hãm sinh đẻ bắt buộc, chính sách một con được đưa ra vào năm 1980 và kết thúc vào năm 2016. Song song với cải cách kinh tế, chính sách một con nhằm hạn chế quy mô nhưng nâng cao “chất lượng” dân số Trung Quốc. “Kiểm soát tăng trưởng dân số một cách có kế hoạch sẽ có lợi cho sự phát triển có kế hoạch của nền kinh tế quốc gia”, Thủ tướng Trung Quốc vào năm 1978 là Hoa Quốc Phong cho biết, đồng thời công bố mục tiêu đưa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của nước này xuống dưới 1% vào năm 1981. Trung Quốc cuối cùng đã đạt được tỷ lệ đó vào năm 1998, sau vô số ca phá thai và triệt sản cưỡng bức. Chính sách một con đã gây thiệt hại cho nhiều gia đình, bao gồm cả các trường hợp giết trẻ sơ sinh được báo cáo. Và bi kịch thực sự là chính sách một con có lẽ không cần thiết để hạn chế tỷ lệ sinh: Ngày nay, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm vì những lý do tương tự như ở hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới - như là tác dụng phụ của tăng trưởng kinh tế, tuổi thọ cao hơn, nhiều quyền tự do dân sự hơn và phụ nữ được tiếp cận giáo dục rộng rãi hơn. Năm 2016, chính sách một con được nới lỏng để cho phép sinh hai con. Sau khi cuộc điều tra dân số năm 2020 gióng lên hồi chuông cảnh báo, nó đã được sửa đổi thêm để cho phép ba người. Nhưng ngay cả như vậy, hầu hết các cặp vợ chồng đều chọn sinh một con và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tiếp tục giảm. Các cặp vợ chồng cũng trì hoãn việc sinh con. Tuổi sinh con trung bình ở Trung Quốc đã tăng gần ba năm, tăng lên 28,8 vào năm 2021 từ 26,1 vào năm 2000. Bất ổn kinh tế là yếu tố khác dẫn đến tỷ lệ sinh giảm: Ít người kết hôn hơn do chi phí duy trì đời sống gia đình cao hơn và những thay đổi pháp lý khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn. Ít cuộc hôn nhân hơn đồng nghĩa với việc sinh ít hơn. Các giá trị gia đình gia trưởng truyền thống lâu đời vẫn kỳ thị những bà mẹ đơn thân và những đứa con ngoài giá thú, vì vậy việc có con ngoài giá thú vẫn còn hiếm. Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Bắc Kinh, trong số các ca sinh của phụ nữ sinh từ năm 1980 đến 1989, 1,2% là sinh con ngoài giá thú. Tỷ lệ thực tế có thể cao hơn do các ca sinh của các bà mẹ chưa lập gia đình thường không được đăng ký. Các chính sách hà khắc về COVID-19 của Trung Quốc cũng đóng vai trò nào đó, kéo dài sự bất ổn và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Ngày càng nhiều thanh niên ở Trung Quốc đang nổi loạn chống lại những yêu cầu không ngừng của cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội bằng cách chọn không tham gia các hoạt động xã hội. Không làm gì cả - được gọi là "nằm bẹp", hay “tang ping” trong tiếng lóng của giới trẻ - đã trở thành xu hướng. Năm ngoái, trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa vào tháng 5, cụm từ "thế hệ cuối cùng" đã lan truyền nhanh chóng, thu hút tâm trạng vô vọng và thờ ơ lan rộng, góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Lão hóa trước thời hạn Cho đến rất gần đây, các nhà nhân khẩu học của Trung Quốc đã không nhận ra rằng họ đã đi quá xa. Năm 2000, giới lãnh đạo cao nhất công bố quyết định tuân thủ chính sách một con, nói rằng "dân số quá đông vẫn là vấn đề hàng đầu" ở nước này. "Trong vài thập kỷ tới, với tiền đề duy trì tỷ lệ sinh thấp, dân số của chúng ta sẽ dần dần chuyển từ mức tăng trưởng thấp sang mức tăng trưởng bằng 0, và tổng dân số sẽ bắt đầu giảm dần sau khi đạt đến đỉnh điểm (gần 1,6 tỷ người)," tuyên bố cho biết. Gần đây nhất là vào năm 2013, chính sách một con đã được ca ngợi công khai vì đã đạt được các mục tiêu đã đề ra. Mao Quần Nam, phát ngôn viên của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình vào thời điểm đó, cho biết chính sách này đã "giảm bớt áp lực dân số một cách hiệu quả đối với tài nguyên và môi trường" và "thúc đẩy tiến bộ kinh tế và tiến bộ xã hội nhanh chóng". Thậm chí, năm 2017, Hội đồng Nhà nước dự kiến dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 ở mức 1,45 tỷ người, theo một tài liệu kế hoạch hóa dân số. Tất cả các dự báo đã được chứng minh là sai lệch, với sự sụt giảm dự kiến đến sớm hơn gần một thập kỷ so với dự kiến. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia già hóa dân số khác ở châu Á cho thấy rằng, bất kể hậu quả tồi tệ như thế nào, Trung Quốc cũng không thể làm gì đối với dân số già hóa của mình. Dân số già nhất châu Á cư trú tại Nhật Bản, nơi có 29% dân số từ 65 tuổi trở lên. Quốc gia này đã thử nhiều biện pháp để ngăn chặn sự suy giảm nhân khẩu, từ việc khuyến khích nghỉ làm cha đến trả tiền mặt cho các cặp vợ chồng có con. Các phương pháp đã không thành công cho đến nay: Nhật Bản năm ngoái đã công bố mức thấp kỷ lục là 811.604 ca sinh vào năm 2021. Vào tháng 2, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố một loạt các biện pháp đầy tham vọng nhất của Nhật Bản nhằm tăng dân số, hứa hẹn sẽ hỗ trợ kinh tế nhiều hơn cho các gia đình và mở rộng hệ thống chăm sóc trẻ em của quốc gia. Nhưng bất chấp sự hoảng loạn của nước láng giềng, Trung Quốc dường như không hề bối rối. Nhiều nhà kinh tế nói rằng mặc dù tình hình của Trung Quốc không tốt nhưng cũng không hoàn toàn xấu. Johnston tại Đại học Sydney cho biết: “Người Trung Quốc đã theo dõi câu chuyện nhân khẩu kinh tế học này từ lâu,” đồng thời cho biết thêm thế hệ tiếp theo sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều. "Trung Quốc có ít người trẻ hơn, nhưng về trung bình, họ sẽ thịnh vượng, giàu có và có học thức hơn rất nhiều [so với các thế hệ trước]." Các biện pháp đối phó đã được triển khai Tuy nhiên, Trung Quốc không bỏ qua vấn đề này. Các nhà chức trách đã đưa ra nhiều chiêu trò ngọt ngào, bao gồm phần thưởng bằng tiền mặt và tăng thời gian nghỉ kết hôn có lương, để giúp các cặp đôi kết hôn và sinh con. Một bài báo xuất bản vào tháng 8 năm ngoái trên tạp chí “Cầu thị”, tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình thế tiến thoái lưỡng nan và cho biết việc giải quyết sự suy giảm sẽ đòi hỏi "những nỗ lực lâu dài và gian khổ". "Tiền thưởng thậm chí không đủ để mua sữa bột", một bà mẹ họ Vương ở Thâm Quyến cho biết. Bà Vươngcó một cô con gái 4 tuổi và không có ý định sinh thêm con. "Có thể các biện pháp này có thể khuyến khích một số gia đình kém hơn, nhưng đối với những bậc cha mẹ có học thức cao với mức sống cao, họ sẽ không sinh con chỉ với số tiền ít ỏi như vậy." Các nhà nhân khẩu học cũng hoài nghi. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản và Hàn Quốc không tăng bất chấp những ưu đãi tương tự. Vận Châu, một nhà nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học Michigan, cho biết: “Việc tăng dân số, thông qua các cách cưỡng chế ngầm hoặc cưỡng chế rõ ràng, sinh nhiều con hơn không phải là cách nên làm”. "Nhưng thay vào đó, nó nên được xem xét đến phúc lợi và phúc lợi của dân số hiện tại." Trung Quốc đã gợi ý tăng tuổi nghỉ hưu, vốn thuộc hàng thấp nhất thế giới, ở mức 60 đối với nam, 55 đối với nữ văn phòng và 50 đối với nữ làm việc trong các nhà máy, nhưng vẫn chưa có thay đổi chính thức nào được đưa ra. Việc tái cấu trúc cơ quan hành pháp của Hội đồng Nhà nước vào tuần trước, chuyển chương trình chăm sóc người cao tuổi sang Bộ Nội vụ, cho thấy vấn đề già hóa dân số đã trở thành ưu tiên quốc gia cần được coi là một vấn đề phúc lợi. Cũng trong ngày 14 tháng 3 vừa qua, Kim Vĩ Cương, Chủ tịch Viện Khoa học Lao động và An sinh Xã hội Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng nước này đang xem xét nâng tuổi nghỉ hưu dần dần, mỗi năm vài tháng. Mất hàng chục năm Đánh giá theo kinh nghiệm của các xã hội khác trong cùng hoàn cảnh già hóa dân số, sự suy giảm dân số của Trung Quốc sẽ được cảm nhận qua hệ thống kinh tế của nó. Ví dụ, ở Nhật Bản, vấn đề này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động, tiêu dùng chậm lại, khu vực sản xuất bị thu hẹp lại, thâm hụt ngân sách lớn hơn và lãi suất thấp hơn. Nhưng mối quan tâm trước mắt là tác động của nó đối với nhu cầu nhà ở. "Thập kỷ mất mát" của Nhật Bản với tăng trưởng kinh tế gần bằng 0 kèm theo giảm phát đã bắt đầu sau khi bong bóng thị trường bất động sản vỡ vào năm 1991, một phần do sự bùng phát của dân số già. Đột nhiên có tình trạng thừa cung bất động sản trong khi nhu cầu giảm dần. Các chuyên gia chỉ ra độ trễ chỉ 15-20 năm giữa Nhật Bản và Trung Quốc về mặt trưởng thành nhân khẩu học: dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm vào năm 2015 ở Trung Quốc so với năm 1995 ở Nhật Bản; sự suy giảm dân số bắt đầu vào năm 2022 ở Trung Quốc so với năm 2008 ở Nhật Bản. Vào thời điểm dân số bắt đầu giảm, độ tuổi trung bình của dân số Nhật Bản là 37, bằng với độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc vào năm 2020. “Cấu trúc dân số của Trung Quốc [hiện nay] tương tự như của Nhật Bản vào khoảng năm 1990, khi Nhật Bản bước vào thời kỳ suy thoái dài hạn,” ông Chí Hồng Quan, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu thị trường vốn Nomura, chỉ ra. Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức tương tự như Nhật Bản, với số người trong độ tuổi lao động ít hơn trong dài hạn và chi phí an sinh xã hội tăng mạnh. Tình hình có thể khó khăn đối với một quốc gia không có mạng lưới an toàn phát triển tốt như Nhật Bản, Randall Jones, một thành viên chuyên nghiệp tại Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Nhật Bản của Đại học Columbia, chỉ ra. "Tôi sẽ ít lo lắng hơn về khía cạnh tài chính, nhưng lo lắng hơn về tình trạng nghèo đói của người cao tuổi; không biết người cao tuổi sẽ đối phó với tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng của mình như thế nào," ông nói. Nhiều người về hưu lớn tuổi ở Trung Quốc dựa vào tiền trợ cấp hưu trí nhà nước như một nguồn thu nhập quan trọng sau nhiều năm làm việc với mức lương thấp. Những công nhân như ông Cố, 59 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Đông phía đông, nghỉ hưu ở tuổi 60, tương đối trẻ so với tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà kinh tế cho biết hệ thống lương hưu hiện tại do chính quyền cấp tỉnh quản lý nhưng sẽ cần phải được cải cách. Đối với ông Cố, việc nghỉ hưu đã cận kề. Sau gần bốn thập kỷ đưa đón công nhân sản xuất đến một nhà máy địa phương, ông sẽ sớm có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và đi dạo trong công viên với các cháu của mình. Nhưng những người 50 tuổi phải đối mặt với mối quan tâm mà nhiều người lớn tuổi ở các vùng nông thôn chia sẻ. Ông đã hy vọng sẽ tiết kiệm đủ tiền từ khoản trợ cấp của mình để đưa các cháu của mình đi học và đảm bảo một cuộc sống đơn giản và suôn sẻ cho chúng. "Một mặt, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc hai cháu gái của mình", ông Cố nói với Nikkei. “Mặt khác, lương hưu của tôi không nhiều với tư cách là một người dân nông thôn, vì vậy tôi vẫn muốn tìm một công việc mới nếu có cơ hội.” Trong hệ thống hưu trí phân mảnh của Trung Quốc, chính quyền các tỉnh nghèo hơn nhận được tiền mặt từ các khu vực giàu có hơn. Nhà nước trả lương hưu khi bạn đã nghỉ hưu có nghĩa là lực lượng lao động tích cực trả lương hưu cho những người nghỉ hưu. Đối với ông Cố, số tiền chưa đến 3.000 nhân dân tệ (436 USD) mà ông nhận được hàng tháng từ lương hưu nhà nước là đủ để mua hàng tạp hóa và sinh hoạt tại một quận nhỏ tại Sơn Đông. Số tiền còn lại ít ỏi nếu có cũng không đủ để ông thực hiện ước mơ chăm sóc các cháu. Sinh năm 1963, ông Cố là một trong số gần 30 triệu trẻ sơ sinh ở Trung Quốc vào năm đó. Bây giờ ông sẽ cùng với hơn 10 triệu người đàn ông khác trên khắp đất nước chuẩn bị nghỉ hưu trong năm nay – số lượng người nghỉ lơn trong một một năm lớn nhất của Trung Quốc từ trước dến nay. Quá trình đô thị hóa và dòng người lao động nhập cư đổ về các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng đồng nghĩa với việc các chính quyền nông thôn có ít người đóng tiền vào các chương trình hưu trí địa phương hơn. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã cảnh báo trong một báo cáo vào năm 2019 rằng quỹ hưu trí của nước này sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035, nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề. Bản chất bấp bênh của vấn đề này đã được đưa ra ánh sáng vào tháng trước khi những người về hưu tổ chức một cuộc biểu tình hiếm hoi. Hàng trăm người hưu trí đã tập trung trên các đường phố ở trung tâm thành phố Vũ Hán để phản đối những thay đổi đối với chính sách bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ làm giảm các khoản thanh toán bảo hiểm của họ. Tăng chi tiêu chăm sóc sức khỏe cho dân số già đồng nghĩa với việc tăng chi phí an sinh xã hội. Tại Nhật Bản, nợ công của chính phủ đã tăng lên 256% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021 từ mức 147% vào năm 2001, theo OECD, chủ yếu do chi tiêu an sinh xã hội, như lương hưu, chăm sóc người già và bảo hiểm y tế, đã tăng mạnh. Trung Quốc cũng đang cảm thấy căng thẳng hơn về tài chính. Theo báo cáo tham vấn Điều IV của IMF vào năm 2022, nợ của nước này, bao gồm cả các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, dự kiến sẽ đạt 155% trong 5 năm. Nước này đã bắt đầu thực hiện các bước hướng tới thiết lập chương trình lương hưu quốc gia. Một hệ thống phân phối lại đã được bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm nay để giúp đỡ các khu vực có dân số già đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho những người về hưu. Nhưng Donghyun Park, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói: "Có rất nhiều cơ hội để cải thiện hệ thống tài chính của Trung Quốc, và nói chung những sự cải thiện này sẽ làm cho nền kinh tế hiệu quả và năng suất hơn –điều mà Trung Quốc cần vì dân số đang già đi và lực lượng lao động thu nhỏ lại." Tương lai mờ mịt Mặc dù tỷ lệ sinh giảm có thể không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung lao động, nhưng sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 1% mỗi năm từ năm 2035 đến năm 2050, Tomoyuki Fukumoto, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Đại học Osaka, cựu tổng giám đốc tại Vụ Quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), dự đoán. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ để trở thành cường quốc kinh tế và trở thành công xưởng của thế giới. Điều đó sẽ phải thay đổi. Như đã xảy ra ở Nhật Bản, các nhà sản xuất có thể bắt đầu rời khỏi đất nước một cách chậm chạp, dẫn đến một vòng luẩn quẩn là nhu cầu trong nước giảm và đầu tư trong nước ít hơn. Đổi lại, sẽ có ít việc làm hơn và sự sụt giảm hơn nữa trong tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh. "[Thay đổi dân số] sẽ có những tác động từ góc độ công ty và những quyết định đó của các công ty cũng sẽ định hình tình trạng kinh tế và tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc cũng như vai trò của Trung Quốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu", Tô Duyệt, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit cho biết. Với việc Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm vị trí hàng đầu với tư cách là quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ định hình lại nền kinh tế của mình. Các nhà sản xuất đã tìm kiếm những nơi bên ngoài Trung Quốc như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ để có lao động rẻ hơn. Đất nước này sẽ phải chuyển từ sản xuất giá trị thấp và chuyển lên chuỗi giá trị hướng tới những người lao động có tay nghề cao hơn. Đầu tư vào các lĩnh vực như khoa học và công nghệ có thể thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng. Johnston của Đại học Sydney cho biết: "Trung Quốc phải tìm ra cách để cho phép lao động có chất lượng phát huy hết tiềm năng của mình. Đây là một việc khó. Việc thành lập một nhà máy và gửi nông dân vào nhà máy là khác nhau. Để cho phép những người có học thức phát triển rủi ro hơn." Chúng ta hãy trở lại quận Như Đông để gặp Lý Quách Quân, một người thợ sửa xe trung niên, đợi bên ngoài cổng trường trung học cơ sở Xá Hà để đón cô con gái mới bắt đầu năm nhất. Vào thời kỳ đỉnh cao cách đây 15 năm, trường dạy học cho khoảng 3.000 học sinh. Sau khi sáp nhập với một số trường học ở Huyện Như Đông khi dân số giảm dần, trường hiện có khoảng 1.000 học sinh. "Truyền thống của Trung Quốc về ‘yang'er fanglao’ [nuôi dạy con cái để chúng có thể chăm sóc bạn khi bạn về già] đã bị phá vỡ," ông Lý nói. Lý và vợ ông đang chu cấp cho bốn người cha mẹ của họ cả bên nội lẫn bên ngoại, nhưng anh nghi ngờ liệu con gái mình có thể làm được điều tương tự hay không. "Mọi thứ đều có tính cạnh tranh," ông Lý giải thích, "từ giáo dục đến sự nghiệp. Liệu con gái tôi có thể vượt qua và tiếp tục tìm bạn đời hay không thì vẫn còn phải xem xét”. “Nhìn vào xu hướng các bạn trẻ tránh xa hôn nhân hiện nay, tôi không có bất kỳ niềm hi vọng nào”, ông Lý nói rồi im lặng thở dài. (Nguồn: https://asia.nikkei.com/.../China-s-aging-population...)
  • MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (4)
    28/ 03/ 2023
    MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Hành trình cùng Bergson, Proust và Nabokov  (Ulrike Barthelmeß & Ulrich Furbach, Springer, 2023,  Nguyễn Trung Kiên lược dịch [Kỳ 4]) (Mời đọc Kỳ 1 ở đây: MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (1) | Thư Hiên Dịch Trường (exlibrishermes.com) Kỳ 2 ở đây: MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (2) | Thư Hiên Dịch Trường (exlibrishermes.com)  Và kỳ 3 ở dây: https://exlibrishermes.com/mot-cai-nhin-khac-ve-tri-tue-nhan-tao-3     Mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí cũng là một chủ đề trung tâm trong truyền thống keos daif hàng thiên niên kỷ của các trường phái và các kỹ thuật hướng dẫn yoga khác nhau. Đã có trong các tác phẩm cơ bản về yoga, Yogasutra của triết gia Patañjali (có lẽ sống vào khoảng thế kỷ II và III SCN), tất cả các khía cạnh có thể có của thể chất, tâm trí và ý thức đều được xử lý. Do đó, Patañjali trình bày con đường của yoga như là bộ cấu trúc gồm tám liên kết, trong đó việc làm chủ cơ thể thông qua các bài tập (asana), kiểm soát hơi thở (pranayama), làm chủ các giác quan và sự tập trung đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi đó mới có thể đạt được thiền định và trạng thái ý thức đặc biệt gọi là samadhi. Có thể tìm thấy cách xử lý chi tiết về sự phát triển của yoga trong nhiều tài liệu, ở đó người ta cũng hiểu rất rõ rằng đối với sự truyền bá của yoga hiện đại ở phương Tây kể từ thế kỷ XIX, việc nhấn mạnh vào cơ thể chứ không chỉ truyền thống triết học đã có. đã đóng một vai trò quan trọng.  Trí tuệ nhân tạo và thuyết siêu nhân  Chúng ta từ lâu đã quen với việc nâng cao khả năng tinh thần của mình. Cho dù đó là bàn tính để cải thiện sức mạnh tính toán của chúng ta hay Wikipedia như một nguồn tri thức phổ biến, con người đã quen với việc sử dụng các công nghệ mới để nâng cao hoặc bổ sung chúng. Tất nhiên, điều này cũng đúng với cơ thể: báo cáo thường niên năm 2016 của Hiệp hội Chỉnh hình và Phẫu thuật chỉnh hình Đức liệt kê 137.000 ca cấy ghép khớp háng nhân tạo. Cấy máy tạo nhịp tim và tim nhân tạo đã trở nên phổ biến. Đây chỉ là một vài ví dụ; trong lĩnh vực phát triển bộ phận giả để thay thế cơ thể người và đặc biệt là trong việc kiểm soát các bộ phận giả này, có những bước phát triển thực sự thể hiện sự tương tác giữa cơ thể (bộ phận) nhân tạo và tâm trí. Trong các bộ phận giả của cánh tay điện cơ, các tín hiệu thần kinh được tạo ra bởi sự co cơ, sau đó được bộ phận giả sử dụng làm tín hiệu điều khiển. Tuy nhiên, cũng có thể kiểm soát trực tiếp hoạt động của não bộ; ở đây, kích hoạt các cấu trúc não được sử dụng trực tiếp để điều khiển bộ phận giả.  Vì vậy, chúng ta có thể nói với lương tâm rõ ràng rằng việc mở rộng, bổ sung hoặc đổi mới con người bằng các hệ thống kỹ thuật là hoàn toàn có thật. Trong văn chương khoa học viễn tưởng, con người được mô tả là những người máy có cơ thể được tăng cường bởi các thành phần nhân tạo. Các ví dụ của chúng tôi cho thấy điều này từ lâu đã trở nên phổ biến. Bây giờ, chúng ta có thể đánh giá thêm sự phát triển này, và khi làm như vậy, tất nhiên chúng ta cũng có thể tính đến sự phát triển nhanh chóng hơn nữa trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.  Giả sử sự phát triển của công nghệ cho đến nay, sử dụng cái được gọi là Định luật Moore làm cơ sở tính toán, thì có thể dự đoán cách tiếp cận của điểm kỳ dị. Định luật Moore dựa trên một dự đoán của Gordon Moore vào năm 1965, trong đó ông tuyên bố rằng số lượng bóng bán dẫn có thể được đặt trong một mạch tích hợp đang tăng gấp đôi mỗi năm. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân này trong công nghệ máy tính đã được chứng minh là đúng trong vài thập kỷ qua, vì vậy có vẻ không thực tế khi giả định mức tăng trưởng tương tự trong tương lai. Điểm kỳ dị đề cập đến một bước ngoặt mà tại đó sự tương tác giữa con người và trí tuệ nhân tạo đã trở nên tiên tiến đến mức xuất hiện một siêu trí tuệ tự phát triển và con người chúng ta không còn có thể kiểm soát được nữa. Một đại diện nổi bật của luận điểm này là Ray Kurzweil. Trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, “The Singularity Is Near: When Humans Transcend Biology”, nhà khoa học máy tính, nhà phát minh và doanh nhân nổi tiếng Kurzweil phân tích sự phát triển của nghiên cứu AI và dự đoán rằng vào năm 2029, chúng ta có thể mô phỏng toàn bộ bộ não con người trong một chiếc máy tính kỹ thuật số. Những hệ thống như vậy sau đó có thể được phân tích và phát triển để đến năm 2045, chúng sẽ tự sửa đổi và phát triển hoàn toàn để Điểm kỳ dị có thể diễn ra. Sau đó, siêu trí tuệ này có thể lan rộng từ hành tinh của chúng ta cho đến khi nó chiếm lĩnh toàn bộ vũ trụ. Điều này nghe giống như khoa học viễn tưởng hiện đại, nhưng nó chắc chắn có nguồn gốc từ triết học và thậm chí cả thần học. Chính khía cạnh nhân loại trở thành một với vũ trụ gợi nhớ đến những lời dạy của Pierre Teilhard de Chardin. Vị Tu sĩ Dòng Tên, nhà thần học và nhà khoa học tự nhiên này đã viết về sự phát triển hơn nữa của con người vào đầu thế kỷ XX. Các bài viết của ông đã bị Vatican từ chối, và chỉ sau khi ông qua đời vào năm 1955, chúng mới được xuất bản và nhận được nhiều sự chú ý. Trong cuốn sách quan trọng của mình, “Der Mensch im Kosmos” [Con người trong vũ trụ], de Chardin mô tả nhân loại và vũ trụ đang tiến hóa và tiến tới một điểm cuối, “Điểm Omega”, nơi con người, vũ trụ và Chúa trở thành một. Quan điểm này cũng được các nhà vũ trụ học đương đại đưa ra.  Có thể thuật ngữ “chủ nghĩa xuyên nhân loại” cũng xuất hiện trong chủ đề này. Hướng của chủ nghĩa độc tài vừa được mô tả chắc chắn có thể được hiểu là một hình thức của thuyết siêu nhân. Trong các hình thức khác của chủ nghĩa siêu phàm, sự siêu việt đến trí tuệ siêu việt không phải là vấn đề quá quan trọng, thay vào đó loài người được cho là sẽ phát triển hơn nữa, có thể cả với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại. Chủ nghĩa xuyên nhân loại nhằm mục đích kéo dài đáng kể tuổi thọ, tăng cường trí thông minh và phúc lợi chung của con người thông qua hỗ trợ công nghệ. Đối với hướng siêu nhân học, chịu ảnh hưởng bởi những lời dạy của Teilhard de Chardin, thuật ngữ “chủ nghĩa siêu nhân học Cơ đốc giáo” cũng được sử dụng.  Điều đáng chú ý là sự kết hợp giữa con người và công nghệ trong chủ nghĩa xuyên nhân loại thậm chí có thể được dung thứ theo quan điểm của Cơ đốc giáo. Ngược lại, người ta thường thấy sự miễn cưỡng hoặc hoài nghi đối với robot thường xuyên hơn nhiều. Trong một bài nghiên cứu, chúng tôi lập luận rằng việc tạo ra robot có thể được hiểu theo văn hóa Cơ đốc, phương Tây của chúng tôi như một nỗ lực để tạo ra sự sống. Suy cho cùng, điều này có nghĩa là con người cho rằng mình làm những việc giống như thần thánh. Những nỗ lực như vậy đã được mô tả nhiều lần, ví dụ như Tháp Babel hoặc việc tạo ra Golem (con quái vật được làm từ bùn cũng giống như con người nhưng mạnh và khỏe hơn loài người) ở Praha, và luôn dẫn đến sự trừng phạt của con người giả định. Tuy nhiên, trong trường hợp của chủ nghĩa siêu nhân, không phải những sinh vật mới và sống được tạo ra bởi con người, mà là con người được phát triển hơn nữa và hoàn thiện. Điều này chắc chắn có thể được hiểu theo nghĩa của học thuyết sáng tạo của Cơ đốc giáo.  Bắt đầu từ sự đối kháng của cơ thể và tâm trí, chúng ta đã thảo luận về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí đã thay đổi như thế nào trong lịch sử văn hóa. Từ thời kỳ Baroque đến Thời đại Khai sáng, cơ thể và tâm trí đã hoàn toàn tách biệt; tâm trí là đặc điểm nổi bật của con người và biệt lập với thể xác. Chỉ trong thời kỳ Cổ điển, sự hài hòa của tâm trí, cơ thể và cảm giác mới được tìm kiếm lại, điều mà chúng tôi đã chỉ ra với ví dụ về Chủ nghĩa Cổ điển Weimar (phong trào trong văn học Đức nhằm thiết lập chủ nghĩa nhân văn mới từ sự tổng hợp các ý tưởng từ Chủ nghĩa Lãng mạn, Chủ nghĩa Cổ điển và Thời đại Khai sáng).  Một sự phát triển tương tự có thể được quan sát thấy trong lịch sử (tương đối ngắn) của AI. Trong những ngày đầu của AI, mọi người có xu hướng tập trung vào những chiếc máy tính càng thông minh càng tốt; giả thuyết xử lý biểu tượng thống trị nghiên cứu. Có thể nói, robot là một chiếc máy tính có thể di động, có bộ não trên bánh xe. Tương tự như thời kỳ cổ điển, mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí đã thay đổi cơ bản ở đây do cách tiếp cận “AI mới”. Cơ thể và việc hòa nhập vào môi trường được coi là điều kiện tiên quyết cơ bản cho hành vi thông minh – giống như quá trình tiến hóa đã dạy chúng ta. Nếu một người đi theo những người theo chủ nghĩa siêu phàm, thì quá trình tiến hóa sẽ tiếp tục đến điểm kỳ dị, nơi cơ thể, tâm trí và AI trở thành một.  Thời gian và Ký ức  Khi đề cập đến việc biểu diễn các quá trình thời gian, AI cần có một cách tiếp cận khác biệt về thời gian. Thời gian và ký ức đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của chúng ta. Làm thế nào để chúng ta quản lý để cư xử đầy đủ? Khi chúng ta nhớ, chúng ta quay lại quá khứ và hình dung nó. Chúng ta làm rất nhiều việc mà không cần suy nghĩ, nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo, nhạy bén và sáng tạo hoặc hướng tới tương lai. Vì vậy, thời gian đóng vai trò quan trọng trong quá trình ghi nhớ.  “Tôi luôn ngạc nhiên khi nhìn thấy những học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Thật không thể tin được, tôi chỉ có cậu bé này học lớp năm, cậu ấy mới bắt đầu và cậu ấy đã chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp! Tôi thường không thể tin được. Ngược lại, tôi nhớ rất rõ những ngày đi học của tôi kéo dài thê thảm như thế nào, năm kéo dài, tuần, giờ kéo dài. Cuối cùng thì khi nào tôi mới được phép ra ngoài một mình vào buổi tối, lấy bằng lái xe? Cuối cùng, kỳ thi rời trường, dường như không thể đạt được. Nhưng những kỳ nghỉ hè cũng kéo dài lâu hơn nhiều, tôi dành vô số ngày dài bất tận trong bể bơi ngoài trời, mùa đông mang đến những buổi chiều kéo dài để tôi có thể đi xe trượt tuyết hoặc trượt băng.”  Tôi không đơn độc trong việc cảm nhận nhận thức thay đổi về thời gian. Nhà biên kịch người Pháp Eugène  Ionesco giải thích nó dưới dạng thói quen: “Thói quen đánh bóng thời gian; người ta lướt qua nó như lướt trên sàn gỗ được đánh bóng quá nhẵn”.  Ông gợi ý như một liều thuốc để giải độc thói quen bằng việc đi du lịch nhiều. Tôi chắc chắn có thể đồng ý với điều này, bởi vì khi tôi đi du lịch, ngày dường như dài hơn một lần nữa, những điều chưa biết và những điều mới mẻ đối lập với những điều đã ăn sâu và những điều quen thuộc cũ. Nhưng người ta sợ rằng ngay cả những chuyến du lịch lâu dài cuối cùng cũng sẽ bị khuất phục trước sự hao mòn của thói quen. Thói quen hình thành khi chúng ta lặp lại hoặc thực hành điều gì đó để làm chủ tốt hơn các chuỗi chuyển động hoặc hành vi và do đó đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta. Nó không thể bị tắt và cuối cùng là nền tảng cho khả năng học hỏi, lưu trữ và truy xuất tri thức của chúng ta.  Do đó, thời gian đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ và ký ức. Đối với tri thức, việc học, nhớ và cả quên đều phụ thuộc vào yếu tố thời gian, mà như chúng ta đã thấy ở trên, có thể được nhìn nhận một cách hoàn toàn khác. Nhưng thời gian được nắm bắt hay hiểu như thế nào?  Kể từ Aristotle, ý tưởng đã thịnh hành rằng thời gian chỉ đơn thuần là một chuyển động có thể đo lường được, đến từ quá khứ, nắm bắt hiện tại và hướng tới tương lai, trôi qua độc lập với cuộc sống của một người. Triết gia người Pháp Henri Bergson có quan điểm hoàn toàn khác. Vì chúng ta sẽ phải đề cập đến Bergson thường xuyên hơn nên chúng tôi muốn giới thiệu ngắn gọn về ông ở đây.  Henri Bergson  Henri Bergson, sinh năm 1859 tại Paris và qua đời ở đó năm 1941, là con trai của cha mẹ là người Do Thái, cha là người Ba Lan, mẹ là người Anh. Ông học trường song ngữ (tiếng Pháp và tiếng Anh) và đạt được kết quả học tập xuất sắc, điều này giúp ông có thể vào Trường Sư phạm phố Ulm (ENS), trường ưu tú của Pháp. Ở đó, ông học triết học cùng một năm với các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Jean Jaurès và Emile Durkheim - người đã thiết lập tính độc lập của xã hội học như một khoa học và vì lập trường duy lý của mình, ông trở thành đối thủ của nhà triết học chống chủ nghĩa duy lý Bergson. Sau khi học xong, ông kết hôn với người em họ của tiểu thuyết gia theo trường phái tượng trưng Marcel Proust, người có chu kỳ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” – cuốn tiểu thuyết vốn sẽ mang dấu vết của mối quan hệ trí tuệ gần gũi với Bergson.    Sau này, giống như những trí thức Pháp khác, lần đầu tiên trở thành một giáo viên trung học và viết những tác phẩm triết học nhỏ và cuốn sách đầu tiên của ông, “Thời gian và ý chí tự do: Một bài tiểu luận về những sự kiện trực tiếp của thức” (1910). Năm 1896, ông xuất bản bài báo lớn thứ hai của mình, “Matière et mémoire. Essais sur la Relation du corps à l'esprit” (Vật chất và Trí nhớ 1912), trong đó ông cũng tính đến nghiên cứu não bộ mới nhất. Sau đó, ông được giao giảng dạy tại École Normale Supérieure vào năm 1897 và sau đó nhận được một ghế trong triết học hiện đại, mà ông đã giữ cho đến năm 1922. Trong bài tiểu luận năm 1901 “Le Rire” (Tiếng cười 1911), Bergson đã phát triển một lý thuyết về truyện tranh và đề cập đến câu hỏi làm thế nào cuộc sống có thể được mô tả: “Le comique: du mécanique plaqué sur du vivant…” (Truyện tranh: máy móc chồng chất lên cuộc sống)”. Đồng thời, ông đã phát triển lý thuyết về sáng tạo nghệ thuật khiến ông trở thành nhà tiên tri của các nghệ sĩ và nhà văn theo chủ nghĩa tượng trưng. Ông cũng thu hút sự chú ý ở nước ngoài.   Tại Đại hội các nhà triết học quốc tế lần thứ nhất tại Paris vào tháng 8 năm 1900, ông đã có bài giảng “Sur les origines psychologiques de notre croyance à la loi de cauité” (Nguồn gốc tâm lý của niềm tin của chúng ta vào luật nhân quả), thể hiện khuynh hướng phi duy lý của Bergson Tác phẩm lớn thứ ba, “L'Évolution créatrice” (Tiến hóa sáng tạo, 1911), xuất bản năm 1907, là một đóng góp cho thuyết tiến hóa, thuyết quyết định luận mà Bergson đã chỉ trích. Tác phẩm này được Giáo hội kiểm duyệt. Năm 1911, tại Đại hội các nhà triết học quốc tế ở Bologna, Bergson trình bày bài giảng “L'Intuition philosophique” (Trực giác triết học), đề cập đến tầm quan trọng của trực giác - được hiểu là một phương pháp triết học chính xác - trong suy nghĩ của con người.   Bergson đã được trao nhiều danh hiệu và bằng khen và được giao nhiệm vụ ngoại giao trong Thế chiến thứ nhất. Giống như Albert Einstein, người mà ông đã thảo luận chi tiết về khái niệm và bản chất của thời gian, ông là thành viên của Ủy ban Hội Quốc Liên, tổ chức tiền thân của UNESCO. Năm 1927, ông được trao giải Nobel Văn chương, chủ yếu cho các tác phẩm “Le rire” và “L'évolution créatrice”. Trong tác phẩm cuối cùng của mình “Hai nguồn gốc của đạo đức và tôn giáo” (1932), ông tiếp cận các tư tưởng Cơ đốc giáo, nhưng ông không cải đạo, vì ông không muốn phản bội đạo Do Thái của đồng bào ông, những người ngày càng phải đối mặt với sự trả thù. Vì vậy, trên 80 tuổi, ông từ bỏ các giải thưởng, danh hiệu và các đặc quyền liên quan. Năm 1940, trong khi xếp hàng chờ đợi hàng giờ để đăng ký trở thành người Do Thái, ông mắc phải một ca bệnh viêm phổi nặng và không thể hồi phục. Một năm sau ông qua đời.  Quay lại khái niệm về thời gian của Bergson, đó là một khối xây dựng quan trọng trong triết lý của ông. Mặc dù ông công nhận không-thời gian vật lý, “le temps” (thời gian), có thể được đo lường một cách định lượng bằng đồng hồ, nhưng ông phản đối nó bằng một dạng thời gian khác, không thể chia thành các đơn vị như giây hoặc phút và được coi là định tính như thời gian đã trải qua hoặc đã sống của cá nhân, mà ông gọi là “la durée” (thời lượng). Trong ngôn ngữ hàng ngày, khi chúng ta nói về thời gian cảm nhận hoặc tuổi cảm nhận, chúng ta có thể tiến gần hơn một chút đến khái niệm “durée”. Thời gian chủ quan được hiểu là khoảng thời gian, không phải là một tập hợp các điểm rời rạc, những khoảnh khắc riêng biệt, có thể đo lường được. Nó nói về một chuỗi liên tục các nội dung có tính chất cá nhân xảy ra một cách tự phát, không thể đảo ngược và định hình tiểu sử của cá nhân, chứ không phải là những nội dung đã được học thông qua sự lặp lại, hình thành các kiểu thói quen và tính tự động cố định mà chúng ta áp dụng mà không cần nhớ các tình huống học tập. Bergson nói, khi chúng ta thuộc lòng một bài thơ, chúng ta thường không có lịch sử ghi nhớ và lặp lại trước mắt. Nó – giống như tất cả các hoạt động dựa trên thói quen trong cuộc sống của chúng ta – hiện diện theo phản xạ.  Mặt khác, thời lượng có thể so sánh với cái cây lớn lên và thay đổi, tự bảo tồn và thay đổi cùng một lúc. Nó tạo thành cá nhân, thay đổi theo những kinh nghiệm được thêm vào, từ đó hướng đến những hình ảnh ký ức hiện có và tạo thành một cái gì đó mới mẻ, sáng tạo. Trái ngược với những gì thuật ngữ có thể gợi ý – thời lượng có thể được coi là một cái gì đó vĩnh viễn, không đổi – nó có thể thay đổi liên tục và tiếp tục phát triển. Khoảng thời gian này là cơ sở của trực giác, một cách tiếp cận để đạt được cái nhìn sâu sắc nhằm tìm cách nắm bắt con người một cách toàn diện, cụ thể là một sinh vật có trí óc và một sinh vật sống hoạt động trong tự nhiên.    Hai thành phần thời gian “durée” và “temps” tương ứng với “moi intérieur”, cái tôi thực sự, và “moiconnelnel”, cái tôi bề ngoài, thông thường, thích nghi với hoàn cảnh nhất thời. Trong con người thật, dựa trên thời lượng, “élan vital” (động lực sống) đơm hoa kết trái, mang lại cho con người sự tự do phát triển và hoàn thiện bản thân. Tìm lại quá khứ như một khoảng thời gian là chủ đề cốt lõi trong bộ trường thiên tiểu thuyết của Proust, “Đi tìm thời gian đã mất”.  Thời gian trong hệ thống nhân tạo  Tất nhiên, việc biểu diễn thời gian cũng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu AI. Một mặt, nó có thể được sử dụng để xác định trình tự của các sự kiện hoặc hành động, nhưng mặt khác, nó cũng có thể được sử dụng để làm cho nội dung sự thật của các tuyên bố phụ thuộc vào thời gian. Người ta có thể lập luận rằng thời gian không rời rạc nhưng không ngừng tiến bộ. Chúng ta không thể chèn một điểm thời gian vào giữa hai điểm thời gian liên tiếp trực tiếp nếu chúng ta tiến hành một cách rời rạc. Thật vậy, trong vật lý học, thời gian cũng được biểu diễn bằng một số thực. Khi đó, thông thường, các hàm phụ thuộc vào thời gian cũng là các hàm liên tục, do đó, các công cụ toán học thông thường có thể được sử dụng để mô tả các hàm này. Quan niệm và cách trình bày thời gian này tương ứng với “thời gian” của Bergson; nhưng “durée” cũng có thể được tìm thấy trong ngữ cảnh AI.  Ở đây, chúng ta có một lựa chọn thay thế là phân phối bằng cách biểu thị trực tiếp thời gian và thay vào đó sử dụng các sự kiện để chỉ ra các điểm trong thời gian. Ví dụ, đây là cách người ta thường tiến hành khi viết công thức nấu ăn: “Đun nóng hành tây trong chảo cho đến khi hành chuyển sang màu trong mờ, sau đó cho gạo vào trong khi đảo đều”. Ở đây, hành tây mất bao lâu hoàn toàn không có liên quan gì, điều quan trọng là chúng chuyển sang màu trong mờ. “Cuối cùng, cơm được nấu chín, liên tục thêm chất lỏng cho đến khi mềm và dẻo”. Chắc chắn cần nhiều thời gian hơn cần thiết để nấu hành trước khi sự kiện này xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không quan tâm đến các khoảng thời gian tuyệt đối; điều thú vị chỉ đơn thuần là sự xuất hiện của sự kiện và thực tế là chúng có thể được sắp xếp theo thứ tự. Với cách tiếp cận này, cũng dễ dàng – khác với trường hợp rời rạc ở trên – trượt một biến cố mới vào giữa hai biến cố liên tiếp: “Đang nấu cơm thì cắt rau…”. Thay vì làm cho các điểm thời gian trở nên rõ ràng, các sự kiện được sử dụng để đặt tên cho các điểm thời gian hoặc khoảng thời gian và liên kết chúng với nhau.  Một khả năng khác là loại bỏ hoàn toàn tham chiếu đến thời gian và thay vào đó chỉ biểu thị các trạng thái khác nhau: Nếu chúng ta lấy một robot lắp ráp làm ví dụ, thì chúng ta quan tâm đến trình tự các trạng thái mà bộ phận được lắp ráp đang ở đó. Ví dụ, chúng ta có thùng xe không có động cơ và không có bánh xe, thùng xe có động cơ và không có bánh xe, cuối cùng là xe thành phẩm. Cỗ xe đi qua một loạt trạng thái, tất nhiên chúng được tạo ra trong thời gian, nhưng thời gian không được đề cập rõ ràng.  Khái niệm Ghi nhớ của Bergson  Do đó, khái niệm “durée” của Bergson gần giống nhất với cách tiếp cận trong AI về đặc trưng thời gian thông qua các sự kiện riêng lẻ. Những suy ngẫm của ông về trí nhớ dựa trên tầm quan trọng đặc biệt của tính tạm thời trong đời sống con người. Nhiều năm trước khi xuất bản tác phẩm “Vật chất và Ký ức”, Nietzsche đã tuyên bố trong chuyên luận “Về Lợi ích và Bất lợi của Lịch sử đối với Cuộc sống” rằng tri thức về thời gian là nền tảng cho sự hình thành trí nhớ của chúng ta. Trí nhớ của con người chỉ được phát triển theo cách khác biệt như vậy bởi vì hắn là một sinh vật lịch sử và do đó mang tính thời gian. Động vật chỉ sống trong hiện tại và do đó có vẻ hạnh phúc, vì chúng không biết gánh nặng của quá khứ cũng như những lo lắng của tương lai.  Đối với Bergson, khoảnh khắc tạm thời là rất quan trọng để phân biệt giữa hai loại ký ức: ký ức máy móc hoặc theo thói quen và ký ức thuần túy. Bộ nhớ cơ học bao gồm các thói đã học và tính tự động hiện diện mà không cần suy nghĩ nhiều.  Bộ nhớ thuần túy lưu trữ quá khứ của cá nhân, bất kể nội dung có luôn luôn truy cập được hay không. Do đó, điều này có nghĩa là những gì không được nhận thức một cách có ý thức, nội dung vô thức, cũng được tính. Đây là ý tưởng mà Freud sẽ tiếp tục sau này, ngay cả khi ý tưởng của ông khác với ý tưởng của Bergson.  Bây giờ, làm thế nào để sự tương tác của linh hồn và cơ thể hoặc tâm trí và cơ thể hoạt động? Trong các nghiên cứu của mình về “Vật chất và ký ức”, Bergson kết luận rằng cơ thể, luôn hướng đến hoạt động, có chức năng thiết yếu là giới hạn đời sống của tinh thần vì mục đích hoạt động. Điều này được hiểu như thế nào? Cơ thể đảm bảo rằng nó có thể tồn tại về mặt sinh học và do đó được cung cấp mọi thứ nó cần để sống. Nó sử dụng nhận thức để sàng lọc các yếu tố của thế giới bên ngoài phù hợp hoặc quan trọng đối với sự tồn tại của nó. Bằng cách này, con người chỉ tiếp xúc với những phần của thế giới mà cấu trúc hữu cơ của hắn cho phép hắn nhận thức và giúp hắn chuẩn bị cho các hành động của mình. Theo Bergson, nhiệm vụ của cơ thể không phải là lưu trữ các ký ức của tâm trí, mà là chọn ký ức hữu ích cho hành động hiện tại và làm cho nó có ý thức bằng hiệu quả của nó. Một nhận thức đã được ghi nhớ, hài hòa với nhận thức hiện tại, do đó được gọi lên và điều chỉnh nhận thức về kích thích giác quan hiện tại. Do đó, trong nhận thức, hai hành động đan xen vào nhau: lựa chọn một kích thích giác quan hiện tại hướng tới một hành động trong tương lai và xử lý đồng thời hành động tương tự từ quan điểm của quá khứ được ghi nhớ.  Ký ức không phải lúc nào cũng xuất hiện (xem ký ức theo thói quen). Tiêu chí lựa chọn của chúng là sự phù hợp tối ưu của chúng để hoàn thành và làm rõ tình huống nhất thời. Những hình ảnh ký ức bị loại bỏ vì chúng có vẻ không hữu ích hoặc thậm chí nguy hiểm sẽ bị loại bỏ vào lĩnh vực của vô thức hoặc – theo nghĩa tâm linh – bị kìm nén. Nhưng những ký ức tương tự như nhận thức đi vào các chuyển động tương ứng với nhận thức. Để minh họa điều này, một lần nữa chúng ta hãy dựa vào so sánh của Bergson về ký ức với một cái cây: ký ức bắt nguồn từ sâu thẳm của quá khứ. Hành động ghi nhớ là cả hiện tại và quá khứ. Ấn tượng ban đầu vẫn còn trong độ trễ và có thể truy xuất được cho đến thời điểm nó được cập nhật bởi hoạt động của bộ nhớ. Khái niệm của Bergson cũng phù hợp với sự phân chia bộ nhớ hiện tại thành kiến thức khai báo và thủ tục. Chúng ta muốn theo dõi hai dạng trí nhớ này trong khi chạy hoặc đi bộ trong rừng. Vậy thì hãy bắt đầu: Đầu tiên chúng ta chỉ đi bộ hoặc chạy, chúng ta có thể làm điều đó mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Làm thế nào điều đó xảy ra? Khi chúng tôi bắt đầu tập đi khi còn là những đứa trẻ mới biết đi, điều đó không được tự nhiên cho lắm. Khi quan sát chúng bước những bước đầu tiên, chúng ta nhận ra rằng hình thức di chuyển này không hề quen thuộc với chúng ta và chúng ta phải học một cách chăm chỉ. Em bé sẽ cố gắng, miễn là em đã học cách ngồi dậy sau khi bò, để kiểm soát cảm giác thăng bằng. Nó vẫn muốn bám vào đồ đạc và đòi vòng tay giúp đỡ của cha mẹ. Những trải nghiệm giác quan của nó – có thể bao gồm cả cảm giác đau khi bị ngã – đầu tiên được lưu trữ trong bộ nhớ cảm giác (bộ nhớ siêu ngắn hạn) và sau đó là bộ nhớ ngắn hạn (bộ nhớ làm việc) chỉ trong vài giây. Với sự lặp lại và thực hành động tác một cách thích hợp, cuối cùng nó sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn. Vì nó được cho là luôn sẵn sàng để thu hồi, nên nó có một đường tắt, nghĩa là nó thậm chí không cần phải được thực hiện một cách có ý thức mà hiện diện một cách vô thức. Bộ nhớ lưu trữ các chuyển động cơ đơn giản, chủ yếu là vô thức này được gọi là thủ tục (từ tiếng Latinh: procedere going forward) hoặc tiềm ẩn (từ tiếng Latin implicatus: vướng víu, có tuyên bố, không rõ ràng). Khi chúng ta đi xe đạp hoặc lái ô-tô, khiêu vũ, buộc dây giày, chơi đàn piano, chúng ta có thể dựa vào những gì mình đã học, tất nhiên những điều này sẽ hiệu quả hơn khi chúng ta luyện tập nhiều hơn. Bộ nhớ cho những hành động này nằm ở vùng dưới vỏ não và thường hoạt động ngay cả khi có rối loạn trí nhớ. Vì vậy, chúng ta chạy mà không ý thức về việc chạy, vì vậy chúng ta có đầu óc tự do. Trong rừng hoặc trong công viên, cũng có một số yếu tố đáng lo ngại có thể cản trở chuyển động được giải phóng này, không phụ thuộc vào suy nghĩ có ý thức. Có lẽ có một vài gốc rễ hoặc trở ngại mà chúng ta ghi nhớ. Nếu không, chúng ta có thể thưởng thức những lợi ích của việc đi bộ và rừng. Trong nghiên cứu của nhà thực vật học Stefano Mancuso về trí thông minh của thực vật, ông lưu ý rằng chúng ta giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy sự tập trung dễ dàng hơn khi có mặt chúng. ông nhìn thấy những lý do cho điều này trong quá khứ của chúng ta và kiến thức bản năng rằng loài của chúng ta không thể tồn tại nếu không có thực vật. Mối quan hệ của chúng ta với khu rừng có lẽ thuộc về những trải nghiệm cổ xưa của chúng ta, điều này cũng được tiết lộ bởi những hình thức văn học lâu đời nhất: những câu chuyện cổ tích. Trong khi chạy, có thể nảy sinh những suy nghĩ và ý tưởng – chưa được gọi tên – nảy sinh mà có lẽ chỉ chờ được đưa vào sử dụng trong những điều kiện thoải mái: một vấn đề cũ chưa được giải quyết, một lộ trình giải quyết, một sự kết hợp mới của các kết nối tinh thần. Chúng có thể đã tách rời khỏi chủ sở hữu ban đầu của chúng trong không gian trống và đang tìm cách kết nối lại. Điều này có thể được gọi là “liên kết tự do”, một kiểu chuẩn bị cho công việc sáng tạo. Những suy nghĩ được đánh thức này bắt nguồn từ ký ức mang tính tuyên bố (tiếng Latinh: declarare, tuyên bố, giải thích) hoặc rõ ràng (tiếng Latinh: Expenseus, rõ ràng). Một mặt, nó lưu trữ các tình tiết, sự kiện và sự kiện từ cuộc sống của chính mình trong ký ức tình tiết (tiếng Hy Lạp: epeisódion, cái vẫn còn ở tương lai) và tri thức độc lập với cuộc sống của chính mình, cái gọi là kiến thức thế giới của một người, ví dụ kiến thức chuyên môn, sự kiện lịch sử, chính trị, công thức nấu ăn, v.v. trong bộ nhớ ngữ nghĩa (từ tiếng Hy Lạp: semainein: chỉ định). Toàn bộ vỏ não mới liên quan đến trí nhớ khai báo, vỏ não trước và vỏ não thái dương bên phải đặc biệt là trong trí nhớ tình tiết, và thùy thái dương đặc biệt là trong trí nhớ ngữ nghĩa. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về trí nhớ và trí nhớ ở con người ở phần sau. Tóm lại, bắt đầu từ quan niệm về thời gian của Bergson, chúng ta đã thảo luận về những quan niệm khác nhau về thời gian. Chúng ta đã thấy rằng một sự phân biệt tương tự được sử dụng trong các hệ thống AI. Thời gian có thể được biểu diễn và thực hiện dưới dạng một chuỗi các điểm trong thời gian hoặc dưới dạng một chuỗi các sự kiện hoặc trạng thái. Thời gian đó cũng đóng vai trò trung tâm để ghi nhớ, chúng ta cũng đã thấy vai trò này của thời gian trong tác phẩm của Bergson. Ở đó, mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí trong việc ghi nhớ cũng được giải quyết. (còn tiếp)    
  • MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (3)
    27/ 03/ 2023
    MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO Hành trình cùng Bergson, Proust và Nabokov  (Ulrike Barthelmeß & Ulrich Furbach, Springer, 2023,  Nguyễn Trung Kiên lược dịch [Kỳ 3]) (Mời đọc Kỳ 1 ở đây: MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (1) | Thư Hiên Dịch Trường (exlibrishermes.com) và Kỳ 2 ở đây: MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (2) | Thư Hiên Dịch Trường (exlibrishermes.com)   *   Chương 3. Tâm trí và Cơ thể TÓM TẮT Trong chương này, chúng tôi thảo luận về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như trong các nghiên cứu khoa học và triết học. Hoàn cảnh lịch sử và điều kiện sống của con người quyết định chính đến thái độ của họ đối với mối quan hệ này. Chúng tôi đề cập đến sự phát triển của các ý tưởng của trường phái Baroque, thời đại Khai sáng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa Hiện thực và cuối cùng là các nhà triết học về sự sống của thế kỷ XX. Sự phát triển tương ứng trong AI có thể được gán cho sự chuyển đổi của các hệ tư tưởng tương ứng.  * Trong AI, mối quan hệ giữa máy móc và hiệu suất phân tích hay máy tính kỹ thuật số (bộ nhớ, đơn vị số học và đơn vị điều khiển) và điều khiển chương trình đóng một vai trò quan trọng. Do đó, mục tiêu đưa máy móc đến tư duy tự chủ gắn liền với câu hỏi tư duy hoạt động như thế nào ở con người. Do đó, chúng tôi theo đuổi câu hỏi về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí ở con người. Trong trường học, đặc biệt là trong các tiết học thể dục, bạn luôn được nghe câu nói “mens sana in corpora sano” (tinh thần minh mẫn trong cơ thể khoẻ mạnh). Một công thức rất đơn giản, thậm chí đã góp phần và vẫn góp phần đề cao một nguyên tắc tư tưởng nào đó, ít nhiều nói lên rằng, để có tinh thần minh mẫn thì cần có cơ thể khỏe mạnh. Nhưng sự quy kết đơn giản về tâm trí và cơ thể lại dựa trên một sự diễn giải sai lầm chết người, hay đúng hơn là dựa trên một cách trích dẫn sai, bởi vì trích dẫn này bị thiếu. Nhà châm biếm người La Mã Juvenal (60–127  SCN) đã chế giễu người La Mã, những người đã đưa ra những yêu cầu ngớ ngẩn với các vị thần, chẳng hạn như ước được giàu có, quyền lực, xinh đẹp và thành công. Ông nghĩ rằng các vị thần đã biết điều gì là tốt cho con người. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cầu xin một điều gì đó, bạn nên cầu chúc cho sức khỏe tinh thần và thể chất: “Orandum est, ut sit mens sana in corpore sano” [Chúng ta phải cầu nguyện cho tâm trí lành mạnh trong cơ thể khỏe mạnh]. Thông điệp rất rõ ràng: cơ thể khỏe mạnh không nhất thiết phải có tâm hồn khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này có thể hoặc nên được mong muốn. Juvenal cũng giáng một đòn mạnh vào các vận động viên thể thao xuất sắc cùng thời với ông, những người thường bị cho là thiếu khả năng tinh thần. Chúng tôi không muốn loại trừ việc một cơ thể khỏe mạnh có thể chứa đựng một tâm trí lành mạnh, nhưng chúng tôi bác bỏ liên kết hàm ý một chiều.   Sự đối kháng của cơ thể và tâm trí không chỉ gặp trong câu nói này. Bất cứ khi nào chúng ta xử lý chủ đề tinh thần, tâm trí hoặc ký ức, thì đối tác của nó là cơ thể sẽ tham gia cùng nó dưới một hình thức nào đó giống như một vệ tinh. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ lành mạnh cân bằng giữa cơ thể và tâm trí về cơ bản được tìm kiếm trong y học. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết quan trọng để tồn tại trong tự nhiên. Con người là sinh vật tự nhiên muốn tồn tại và sinh sản trong và với sự giúp đỡ của tự nhiên. Vì vậy, hắn làm rất tốt để giữ cho cơ thể và tâm trí của mình khỏe mạnh. Không có gì ngạc nhiên khi người ta phát hiện ra rằng đi bộ trong rừng rất tốt cho cơ thể và tâm trí. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng không khí trong rừng chứa hàm lượng hạt bụi cực thấp (chỉ khoảng 1–10% nồng độ ở các thành phố) và oxy, hương thơm thiết yếu và sự yên tĩnh có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong trường hợp của người đi rừng, huyết áp đã giảm đáng kể, dung tích phổi tăng lên và độ đàn hồi của động mạch cũng được cải thiện. Có vẻ như không khí trong rừng đặc biệt tốt cho hệ tim mạch. Các nhà khoa học tại Trường Y khoa Nippon ở Tokyo đã phát hiện ra rằng đi bộ trong rừng dường như kích hoạt các tế bào tiêu diệt ung thư và tác dụng này kéo dài ít nhất bảy ngày sau khi đi bộ. Thậm chí còn có suy đoán rằng những người đi bộ trong rừng được hưởng lợi từ phytoncydes; đây là những chất mà các loài thực vật tạo ra để tự bảo vệ chúng khỏi mầm bệnh. Tác dụng đối với tâm trí và tinh thần của cả người khỏe mạnh và người bệnh cũng đã được nghiên cứu, và khu rừng đã được chứng minh là có tác dụng giải tỏa tâm trí, nâng cao tâm trạng và lòng tự trọng, đồng thời giảm căng thẳng. Lịch sử của mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí   Tất nhiên, mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí, hay cơ thể và linh hồn, luôn là chủ đề của triết học và thần học. Nó đã chịu những biến động mạnh mẽ trong quá trình lịch sử. Điều này là do tinh thần tương ứng của thời đại, mà quan điểm của họ về thế giới và con người được định hướng theo các điều kiện tương ứng của cuộc sống.  Thái độ đối với thể chất trong thời kỳ Baroque (từ khoảng năm 1600 đến năm 1750) khá mâu thuẫn. Vào thời kỳ này, con người phải chịu áp lực rất lớn: cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (từ năm 1618 tới năm 1648) bên trong Đế quốc La Mã thần thánh, những thảm họa đi kèm như bệnh dịch, nghèo đói, đói khát, chuyến bay tập trung mọi suy nghĩ và cảm xúc vào sự hiện diện khắp nơi của cái chết. Phương châm sống là “memento mori” (hãy nhớ rằng mi là kẻ phàm). Có hai phản ứng trái ngược với điều này: cực đoan quay sang vật chất hoặc cực đoan quay lưng lại với vật chất. Một mặt, người ta lao vào những thú vui của thế giới này của cuộc sống để tận dụng lợi thế của ở đây và bây giờ theo phương châm “carpe diem” [khuyến khích tận dụng thời điểm hiện tại mà không chờ đợi tương lai]. Những thú vui nhục dục của Baroque và sự vui tươi của phong cách nghệ thuật Rococo trong hậu kỳ của thời Baroque là nhờ sức hấp dẫn này. Mặt khác, một người tuyệt vọng trước sự đe dọa của cái chết và cam chịu “vanitas” (tiếng Latinh có nghĩa là vẻ ngoài trống rỗng, hư vô, phù phiếm): khi mọi thứ phải nhường chỗ cho thời gian, người ta nên coi thế giới này là trống rỗng, và niềm hy vọng của con người sẽ đến thế giới bên kia. Thể chất trải qua sự mất giá mạnh mẽ trong thái độ này đối với cuộc sống. Vì mọi thứ đều chỉ ra sự phân hủy có thể xảy ra của cơ thể người, nên bất cứ thứ gì nhắc nhở một người về nó đều bị kìm nén. Người ta nghĩ đến những khu vườn và công viên của nhà kiến trúc cảnh quan người Pháp André Le Nôtre (1613-1700), những nơi tìm cách khuất phục sự tự nhiên, sự phát triển hoang dã của thực vật thông qua sự sắp xếp hình học và việc cắt tỉa bụi cây và hàng rào thích hợp. Thời trang nhằm đánh lạc hướng khỏi các kích thước tự nhiên thực sự của cơ thể và do đó là sự phân hủy của cơ thể trong tương lai. Hình tướng che giấu bản thể, vì bản thể phải chịu số phận.  Sau cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, thời đại Khai sáng đã làm sáng tỏ sự mê tín và sự đầu hàng buồn tẻ của con người trước số phận. Thuật ngữ Thời đại Khai sáng, trong tiếng Pháp ‘Siècle des Lumières’ (thế kỷ của ánh sáng) làm rõ rằng đó là một luồng tư tưởng tìm cách dẫn dắt con người ra khỏi bóng tối của hàng thế kỷ vô minh để bước vào ánh sáng của sự thật. Nó muốn đem ánh sáng vào bóng tối của cuộc đời. Nó đặt con người vào trung tâm của sự quan tâm và cho hắn ý thức về chính bản thân hắn. Tâm trí – như một đặc điểm nổi bật của con người – bị cô lập khỏi cơ thể. René Descartes, triết gia, nhà toán học và nhà khoa học tự nhiên ở thế kỷ XVII, nên được nhắc đến ở đây với tư cách là người sáng lập ra cái gọi là thuyết nhị nguyên bản thể. Từ ông có câu nói “cogito ergo sum” [Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại]. Ông cho rằng có hai chất khác nhau: vật chất và tinh thần; mọi thứ bị phân hủy thành hai chất này. Ông vẽ một bức tranh về con người tiếp nhận các kích thích thông qua các giác quan (chất liệu vật chất) và truyền chúng đến não, sau đó chúng tác động lên tâm trí phi vật chất. Lời kêu gọi “sapere aude” (dám biết) của Kant nhằm vào khả năng suy nghĩ và sức mạnh ý chí của con người, những người nên sử dụng trí tuệ của mình theo ý chí tự do của mình, điều này phân biệt con người với con vật vốn chịu sự chi phối của vật chất. Tuy nhiên, sự nhiệt tình đối với những lời chỉ trích do Thời đại Khai sáng kích động cũng đã kêu gọi các nhà triết học tham gia vào cuộc điều tra, vốn ít được chú ý cho đến lúc đó, về bản chất của con người. Bằng cách này, họ muốn nói đến “bản chất động vật” của con người, tức là những gì con người có chung với động vật, bản năng sinh sản, bản năng tự bảo tồn, v.v.  Ví dụ, nhà triết học và nhà văn Pháp Marquis de Sade (1740-1814) tin rằng con người vốn đã xấu xa, tức là thú tính và ham muốn tình dục, và đã soi sáng một cách sống động – và hân hoan – những góc tối nhất của trái tim và những thôi thúc bị kìm nén trong các tác phẩm của ông. ông tin rằng bản chất của con người khiến ông làm điều ác với dục vọng. Hai cuốn tiểu thuyết phiêu lưu khiêu dâm “La Nouvelle Justine” và “Juliette” bày tỏ lòng tôn kính đối với con người bản năng tuân theo quy luật hủy diệt của tự nhiên một cách mù quáng và đắm chìm trong lạc thú mà không hối hận. Juliette vô đạo đức trở nên giàu có và hạnh phúc, trinh nữ đạo đức Justine bị sét đánh chết - ngay cả thiên đường cũng đứng về phía Juliette! Các tiểu thuyết là một phản ứng đối với con người đức hạnh của thiên nhiên kiểu Rousseau.  Rousseau cho rằng bản chất con người sẽ tốt nếu nền văn minh không tạo ra con người như hiện tại. Trong tác phẩm chính của mình “Émile, hay là Về giáo dục”, ông mô tả quá trình nuôi dạy một cậu bé phần lớn tránh xa những ảnh hưởng của xã hội, bộc lộ bản chất của chính mình trong không khí cởi mở và phát triển thành một người trưởng thành có thể hòa nhập với xã hội.  Ý tưởng về con người tự nhiên, đối lập với con người văn hóa như một cái gì đó cao hơn, được các nhà thơ thuộc trào lưu văn học “Sturm und Drang” (“Bão tố và căng thẳng”) tại Đức đưa ra. Thiên nhiên trở thành mẫu mực của nguyên thủy, nguyên tố, thần thánh và không còn được sắp xếp hợp lý như trong Thời đại Khai sáng. “Kẻ mạnh”, kẻ tự cứu mình, được coi là con người thực sự: ví dụ: Götz von Berlichingen của Goethe hay Karl Moor của Schiller, người mà suy nghĩ và hành động tạo thành một thể thống nhất, người làm chủ các sức mạnh tinh thần, tinh thần và thể chất của mình, người luôn trung thực với chính mình và không ngại đương đầu với cả thế giới – ngay cả khi phải trả giá bằng sự hủy diệt.  Chủ nghĩa cấp tiến này nhường chỗ cho khái niệm ôn hòa về chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa cố gắng đạt được sự hài hòa giữa cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Đã có trong luận án của khoa y về “Ueber den Zusammenhang der thierischen Natur des Menschen mit seiner geistigen” [“Về mối quan hệ giữa bản năng động vật và bản chất tinh thần của con người”]. Schiller giải thích rằng một người đau khổ về tinh thần có thể bị bệnh về thể chất, và bất kỳ ai bị bệnh về thể chất đều có thể hồi phục nhờ những trải nghiệm tích cực về tinh thần. Điều kiện vật chất ảnh hưởng đến tinh thần và ngược lại. Ông kết luận, “... der Mensch ist nicht Seele und Körper, der Mensch ist die innigste Vermischung dieer beiden Substanzen” [“con người không phải là linh hồn và thể xác, con người là sự pha trộn mật thiết nhất của hai chất này”].  Schiller cũng đã trải nghiệm sự tương tác biện chứng giữa tâm trí và cơ thể trong chính cơ thể mình theo đúng nghĩa đen và thể hiện điều đó trong tác phẩm của mình. Schiller, người mắc nhiều bệnh tật (sốt rét, viêm phổi, các triệu chứng chỉ trở nên tồi tệ hơn do bị ngược đãi), đã chiến đấu trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình - ông chỉ sống đến 46 tuổi - chống lại sự suy thoái của cơ thể với sự giúp đỡ của sức mạnh tinh thần của ông thông qua công việc sáng tạo có kỷ luật. Bác sĩ khám nghiệm tử thi sau khi ông qua đời đã viết trong những phát hiện của mình rằng người ta phải tự hỏi làm thế nào mà người đàn ông tội nghiệp đến thế lại có thể sống lâu như vậy trong hoàn cảnh này. Schiller cũng phản đối cơ quan nhà nước, hoàn cảnh chính trị mà Schiller phải sống, sự kìm hãm sự phát triển cá nhân của ông bởi kẻ chuyên quyền Karl Eugen von Württemberg  với lý tưởng về một quốc gia tự do, vốn không tưởng được ủng hộ nhiệt thành. Ông tìm cách vượt qua sự không thể chịu đựng được của các điều kiện thể chất cũng như chính trị với lý tưởng về một thái độ và hình thức chính phủ tự do. Nhân vật Hầu tước Posa trong tác phẩm “Don Carlos” của ông nói: “Thưa ngài, hãy ban cho tự do tư duy!”. Thế giới của tâm trí cho ông phạm vi để tạo ra một thế giới lý tưởng, tốt đẹp hơn. Ở Wallenstein, người ta nói rằng chính tâm trí tạo nên cơ thể. Thuật ngữ “Spielraum” (trung giới) đề cập đến phương pháp mà Schiller và cũng là tinh thần đồng đội của ông, Goethe sử dụng để đạt được mục tiêu của họ. Trung giới là thẩm mỹ, là hư cấu nghệ thuật cho phép con người trải nghiệm bản thân như một thực thể lý tưởng toàn diện bên ngoài cuộc sống hàng ngày khiến hắn xa lánh, thoát khỏi những ràng buộc hiện sinh.  Bối cảnh của chiến lược này là chính trị. Các tác phẩm kinh điển của Weimar lo sợ rằng sự thái quá của Cách mạng Pháp có thể lan sang Đức. Các vụ hành quyết hàng loạt được chứng kiến bởi những người chứng kiến nhằm thỏa mãn mong muốn trả thù của họ. Cuộc cách mạng lẽ ra phải tạo ra công lý đã biến thành những hành động bạo lực tùy tiện nhằm thỏa mãn khát vọng quyền lực của các cá nhân. Sự bất an, sợ hãi và kinh hoàng - la terreur - đã chiếm lấy. Phong trào khởi xướng bởi lý trí đã bị xâm nhập và tan rã bởi những xung lực do bản năng điều khiển: “Cách mạng luôn ăn thịt chính những đứa con đẻ của nó!”. Do đó, các tác phẩm kinh điển muốn giáo dục mọi người trở thành những con người nhân đạo, biết sử dụng hợp lý sức mạnh thể chất cũng như tinh thần của mình, và không trở thành con mồi cho những xung động của giới bình dân. Liều lượng hợp lý của lý trí và cảm xúc sẽ ngăn họ tuân theo bản năng của mình và khiến họ hành động thận trọng. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về khía cạnh này sau khi xem xét “ý chí tự do”.  Chủ nghĩa lãng mạn coi nguyên tắc cổ điển về cân bằng tình cảm và lý trí như một chiếc áo nịt ngực bó chặt. Chủ nghĩa lãng mạn tự coi mình là đối trọng với “lý trí thuần túy” của Thời đại Khai sáng, lý tưởng của thời kỳ chủ nghĩa cổ điển và thời đại công nghiệp mới nổi. Nó tập trung vào thế giới của cảm giác, tâm trạng và cảm xúc, có tính nguyên thủy, kỳ diệu và huyền bí. Thiên nhiên trong sự độc đáo và vô tận của nó, sinh động trong mắt nó, là biểu tượng cho cảm giác của con người. Nó nhìn thấy trong khái niệm cổ điển một sự rút ngắn các khuynh hướng của con người, thậm chí là một sự thiến các tiềm năng của con người. Đâu là chỗ cho những điều tuyệt vời, bí ẩn, không thể giải thích được? Tại sao phải loại trừ những lĩnh vực của cuộc sống khiến người ta cảm động nhưng không thể giải thích được? Do đó, chủ nghĩa lãng mạn quy định tính ưu việt của cái vô lượng, cái mơ hồ, cái kỳ ảo, cái vô thức, cái bí ẩn, cái phi lý. Trên tất cả, những người theo chủ nghĩa lãng mạn muốn một điều: đó là thoát khỏi những gì họ coi là những kẻ phàm tục đầy ngột ngạt, những kẻ thuộc giai cấp tư sản vốn luôn thoải mái trong thế giới hời hợt của họ. Chuyến bay của họ khỏi thực tế cũng là do tình hình chính trị đầy hỗn loạn. Sự khôi phục, bắt đầu với Đại hội Vienna, đã dập tắt hy vọng hình thành một nhà nước dân tộc Đức với bản hiến pháp tự do. Quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra ngày càng làm suy thoái con người vì lợi ích kinh tế của họ. Sự tự nhận thức của cá nhân trong xã hội, được những người theo chủ nghĩa cổ điển khao khát, đã được chứng minh – trong con mắt của những người theo chủ nghĩa lãng mạn – là ảo tưởng. Vì vậy, tất cả những gì còn lại là chuyến bay hướng nội và khao khát một thế giới trong mơ. Cái trung bình, cái hữu hạn, cái bình thường - hiện thực - có được ý nghĩa bí ẩn, cao hơn, và sự xuất hiện của cái vô hạn thông qua phương thuốc lãng mạn hóa. Với cái giá phải trả là thực tế, thế giới vật chất và thể chất có thể trải nghiệm được, linh hồn phù du và khó nắm bắt cũng như tinh thần vui tươi, mơ mộng có một sự bùng nổ.  Tuy nhiên, theo thời gian, câu thần chú của chủ nghĩa lãng mạn phải nhường chỗ cho áp lực của thực tế chính trị và sự thất vọng của những công dân bị áp bức: các vị công tước, hầu tước và bá tước đã lôi kéo người dân của họ vào cuộc chiến chống lại Napoléon với lời hứa về một hiến pháp đảm bảo các quyền tự do dân sự và sự tham gia của công dân vào các hoạt động xã hội. chính phủ. Thay vào đó, các điều kiện trước cách mạng đã được khôi phục, các biện pháp phục hồi đã được thông qua. Mọi người ngày càng thấy rõ họ phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của họ như thế nào. Sự tồn tại của họ được xác định bởi thực tế của môi trường xung quanh, cơ sở sinh học và xã hội học của họ. Tính cách và số phận của con người được quyết định bởi thời gian lịch sử mà họ sống, tâm lý di truyền cũng như môi trường (xem Karl Marx, Auguste Comte, Hippolyte Taine và Charles Darwin). Do đó, cuộc đối đầu với chủ nghĩa lãng mạn đã diễn ra. Chủ nghĩa thực chứng của những người theo chủ nghĩa hiện thực đặt vật chất, cái có thể đo lường bằng kinh nghiệm và được xác định bởi lý trí và logic, lên hàng đầu. Các trào lưu hiện thực khác nhau (ít nhiều về chính trị, ít nhiều về văn học, ít nhiều về khoa học) dẫn đến những biểu hiện tương ứng khác nhau và đôi khi triệt để của chủ nghĩa duy vật. Khía cạnh thể chất chiếm thế thượng phong ở đây. Việc quy giản con người một chiều thành những gì khoa học tự nhiên có thể nắm bắt được và thuyết tất định luận dựa trên điều này bị các nhà triết học về sự sống phản bác, do Henri Bergson phát triển tại Pháp và Wilhelm Dilthey tại Đức. Con người được nhìn thấy trong sự toàn vẹn của hắn; kinh nghiệm cụ thể của con người, được định hình bởi các điều kiện xã hội và lịch sử, bởi lý trí cũng như bởi trực giác, bản năng, động lực và ý chí, là trung tâm của cách suy nghĩ của họ. Nhà triết học và hiện tượng học Merleau-Ponty đặt ra cách nhìn thứ ba về phía cái hoặc là của cơ thể và tâm trí bằng cách cố gắng khắc phục hoàn toàn sự phân chia của Descartes thành cơ thể và tâm trí (res extensa và res cogitans) thông qua hiện tượng học về cơ thể của Merleau-Ponty. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng cả hai yếu tố, cơ thể và tâm trí, đều ở trong mối quan hệ căng thẳng, rằng chúng đã mang những ý nghĩa khác nhau trong quá trình lịch sử, và chúng được liên kết với nhau bởi bản chất, thời điểm của tự nhiên hay sáng tạo.   AI: Trí thông minh không có cơ thể? Trở lại với Descartes: Ông hiểu con người như một loại máy móc cơ khí cũng có linh hồn tách biệt và độc lập với thể xác (tức là tự trị). Một quan điểm tương tự có thể được quy cho những người mới bắt đầu nghiên cứu AI. Cơ thể như vậy chỉ đóng một vai trò phụ: cogito ergo sum [Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại].  Lấy một cỗ máy tinh vi và hiệu quả làm bộ não, trang bị cho nó một vài cảm biến và cố gắng giải quyết một “nhiệm vụ trí tuệ”. Ví dụ như chơi cờ, hiểu các văn bản ngôn ngữ tự nhiên, phân tích hình ảnh hoặc giải các bài toán. Những robot đầu tiên cũng được chế tạo theo nguyên tắc này – một máy tính trên bánh xe có nhiều nhất là một vài cảm biến. Một trong những hệ thống di động đầu tiên được phát triển tại phòng thí nghiệm AI của Stanford và hiện được coi là hệ thống giúp đặt nền móng đầu tiên cho các hệ thống robot tự trị hiện đại. Hệ thống này được gọi là Shakey – nó là một cấu trúc có kích thước bằng con người với các thiết bị điện tử trên bánh xe, được kết nối bằng dây cáp với máy tính thực tế ở phòng bên cạnh. Thiết bị điện tử của Shakey bao gồm các cảm biến và bộ truyền động, máy tính thực tế vẫn còn quá lớn để có thể sử dụng được vào thời điểm đó. Cái tên này xuất phát từ đặc điểm là robot phải tạm dừng lâu (nơi máy tính đang làm việc) giữa mỗi hành động mà nó thực hiện, dẫn đến chuyển động của robot bị rung. Một lần nữa, nguyên tắc đằng sau hình thức nghiên cứu người máy này là lập trình một máy tính mạnh mẽ để máy tính di động có thể tự giải quyết các nhiệm vụ. Đây chủ yếu là những nhiệm vụ lập kế hoạch đơn giản trong một thế giới đơn giản bao gồm các khối có hình dạng và màu sắc khác nhau. Sau đó, robot được cho là tìm một khối cụ thể và di chuyển nó theo cách đã định trước. Một thành công lớn của nghiên cứu người máy ban đầu này là việc phát triển và sử dụng các ngôn ngữ lập trình đặc biệt để giải quyết các nhiệm vụ như vậy.  Vì vậy, hiệu suất của robot về cơ bản được xác định bởi hiệu suất của máy tính, bộ não – cogito ergo sum.  Xuyên suốt quá trình nghiên cứu về AI, thuyết nhị nguyên của Descartes đã ở dạng cái gọi là giả thuyết xử lý biểu tượng. Điều này khẳng định rằng bất kỳ dạng hành vi hoặc hành động thông minh nào cũng phải đạt được bằng một hệ thống xử lý ký hiệu.  Giả thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu AI chấp nhận làm cơ sở hoạt động. Điều đó có nghĩa là cách tiếp cận của các máy tính hiện có phù hợp để lập trình các hệ thống thông minh hoặc nhận thức. Một mặt, nguồn gốc của quan điểm này bắt nguồn từ Thời đại Khai sáng, như đã thảo luận ở trên, nhưng mặt khác, chúng chạm đến toàn bộ nền tảng của khoa học máy tính lý thuyết. Vào thập niên 1920, các nhà triết học và toán học đã tự hỏi ý nghĩa của việc một thứ gì đó có thể tính toán được. Vì vậy, rất lâu trước khi có máy tính ở dạng hiện tại, đã có cuộc thảo luận về việc liệu có chức năng nào (theo nghĩa toán học) không thể tính toán được hay không. Độc lập với nhau, nhiều loại máy tưởng tượng khác nhau đã được phát triển để định nghĩa thuật ngữ “có thể tính toán được”.  Phổ biến là mô hình trừu tượng của một cỗ máy của Alan Turing, cỗ máy Turing được đặt theo tên ông. Nó có một cuộn băng trên đó các ký tự có thể được viết và xóa lại. Băng có chiều dài không giới hạn và có thể được coi là một bộ nhớ lý tưởng, có sẵn tùy ý. Phía trên băng có một đầu đọc/ghi, đầu này có thể đọc ký tự trên trường bên dưới và cũng có thể in một ký tự mới trên băng. Hơn nữa, đầu này có thể di chuyển băng sang trái hoặc sang phải theo từng trường một. Đây đã là toàn bộ phần cứng (tưởng tượng) của máy Turing. Nó cũng có phần mềm, một chương trình điều khiển hoạt động của đầu đọc/ghi. Nó bao gồm một chuỗi các hướng dẫn, chẳng hạn như “khi ký tự 1 được đọc, hãy thay thế ký tự đó bằng một khoảng trắng và di chuyển đầu một khoảng trắng sang bên phải”. Bây giờ, hãy viết một bài toán đã cho trên băng, ví dụ 111 + 11111, vì vậy hãy “cộng 3 và 5” và bắt đầu chương trình với hướng dẫn cho đầu đọc/ghi. Cuối cùng khi máy dừng lại và có chuỗi 11111111 trên băng, bạn nói rằng máy đã tính toán đây là kết quả của đầu vào. Mô hình máy này có vẻ đơn giản, nhưng nó mạnh mẽ đến mức có thể dùng để mô tả hoạt động của các máy tính thông dụng ngày nay. Tất cả các kiểu máy thay thế khác đã được phát triển cho đến nay cũng có thể bắt nguồn từ máy Turing. Do đó, có lý do để tin rằng kiểu xử lý biểu tượng này đủ mạnh để giải quyết các nhiệm vụ nhận thức và thông minh. Bản thân Turing đã đặt ra câu hỏi liệu máy móc có thể suy nghĩ ngược về thập niên 1950 hay không. Chúng ta sẽ thảo luận điều này chi tiết hơn trong Chương 11 về ý thức. Trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu AI, sự phụ thuộc vào giả thuyết xử lý biểu tượng này đã dẫn đến những thành công ngoạn mục, và tất nhiên, có những nhiệm vụ thú vị và đầy thách thức khác trong các lĩnh vực con của AI này. Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 1980, một quan điểm đã được thiết lập mà sau đó được gọi là “Nouvelle AI”. Rodney Brooks là một trong những người tiên phong của loại AI mới này, ông đã mô tả rất hấp dẫn trong bài báo của mình “Voi không chơi cờ vua”.  Thay vì chỉ dựa vào giả thuyết xử lý biểu tượng để phát triển các hệ thống thông minh, ông đề xuất các hệ thống neo đậu trong thế giới vật chất bằng các cảm biến và bộ truyền động. Ông lập luận, chỉ bằng cách này, con người mới có thể tạo ra trí thông minh. Brooks lấy ví dụ về sự tiến hóa – ông lập luận rằng các hệ thống nhân tạo trước tiên nên được dạy cách di chuyển, phản ứng và tất cả những gì cần thiết để tồn tại. Ông nói, chỉ khi đó, lý luận, cách giải quyết vấn đề, ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn mới có thể được giải quyết. Theo một nghĩa nào đó, điều này có nghĩa là dành nhiều không gian hơn cho thể chất trong quá trình phát triển các hệ thống thông minh. Brooks phát triển robot giống bọ cánh cứng có lõi máy tính rất đơn giản và ông cho thấy rằng những robot này có thể sử dụng nó để học cách phối hợp chân và sử dụng chúng để di chuyển. Do đó, Brooks thiết lập một hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và người máy coi cơ thể và tâm trí là một thực thể duy nhất, trong đó không bộ phận nào có thể được phát triển tách biệt với nhau. Tất cả điều này thực sự không có gì đáng ngạc nhiên, nếu người ta xem xét nhiều kết quả từ tâm lý học và khoa học thần kinh về vấn đề cơ thể-tâm trí. Ở đây, chúng ta cần đề cập đến hai hiện tượng: thứ nhất là tác dụng của cơn đau ảo. Những người bị cắt cụt một phần cơ thể thường có thể cảm thấy rõ ràng nỗi đau ở phần không còn đó. Bộ não có lẽ mô phỏng chi bị đau thông qua một dạng ký ức. Thứ hai, có một thí nghiệm, lần đầu tiên được mô tả, mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tự thực hiện: Ngồi xuống bàn, đặt cả hai tay lên mặt bàn, một tay giả sử tay trái, bị che khuất bởi một cái hộp hoặc những thứ tương tự mà người ta không thể nhìn thấy nó. Thay vì che tay trái, hãy đặt một chiếc găng tay cao su lên trên để nó được đặt bên cạnh tay phải ở nơi mà tay trái thường nằm. Bây giờ, một người trợ giúp vuốt ve bàn tay trái được che phủ và bàn tay cao su, hoàn toàn đồng bộ. Sau một thời gian, chúng ta “cảm thấy” bàn tay cao su giống như một phần cơ thể của chính mình. Có thể nói, bộ não đã mở rộng cơ thể. Có nhiều biến thể khác nhau của thí nghiệm này, trong đó người ta thậm chí có thể thực hiện mà không cần thủ thuật che giấu bàn tay và người thử nghiệm thậm chí có thể cảm thấy bàn tay nhân tạo thứ ba là của mình.  (còn tiếp)  
  • NGUYỄN HUY THIỆP
    22/ 03/ 2023
    NGUYỄN HUY THIỆP Thomas A. Bass Nguyễn Trung Kiên dịch [Tưởng niệm 2 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)] Nguyễn Huy Thiệp đến gặp chúng tôi trong trang phục áo sơ-mi trắng dài tay, hở cổ, quần dài xanh đậm và đôi dép xăng-đan. Mặt lấm tấm mồ hôi, và ông xin lỗi vì đã đến muộn, giải thích rằng ông vừa đạp xe 15 km trên chiếc xe đạp mà ông vẫn đạp quanh Hà Nội để tập thể dục, kể cả vào ngày mà nhiệt độ lên tới 30 độ C với độ ẩm cao. Thiệp giới thiệu với tôi vài tờ tạp chí tiếng Việt đăng bài ông viết, kể về việc ông viết truyện ngắn nổi tiếng ‘Tướng về hưu’ của mình như thế nào. Tôi cảm thấy những bài báo này thể hiện một bước ngoặt đầy hạnh phúc trong cuộc đời của ông. Sau ba mươi năm sống trong sự ghẻ lạnh của nền chính trị tại Việt Nam, cuối cùng ông cũng nhìn ánh sáng cuối đường hầm. Thiệp có gò má cao đặc trưng của người miền Bắc, trên khuôn mặt tròn với vẻ tinh quái ở tuổi 65. Ông luôn mỉm cười. Ông pha trò. Hãy tưởng tượng Picasso được cấy ghép từ Riviera đến Hà Nội với đôi mắt nâu luôn liếc nhìn. Thiệp nói lắp, như thể những câu nói được kéo dài về tận tám trăm năm trước, khi những người nô lệ Chàm được đưa lên phía bắc Hà Nội, nơi họ định cư tại ngôi làng là quê hương của Thiệp ở ngoại ô thành phố và mang theo đạo Phật, mà mẹ của Thiệp và sau đó chính ông bắt đầu tu tập. Tôi để ý thấy Thiệp có cái dái tai to và dài ẩn dưới mái tóc nâu bạc, mà người Việt quen gọi là ‘tai Phật’. Là nhân vật hàng đầu của phong trào Đổi mới trong thập niên 1980, mặc dù có lẽ không nổi tiếng ở ngoài nước như Bảo Ninh hay Dương Thu Hương, nhưng Thiệp là nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất. Ông là người tạo ra phong cách văn chương xuất sắc, và là người sáng tạo ra lối kể chuyện đa nghĩa – một cú hích để đẩy nền văn chương Việt từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sang chủ nghĩa hiện đại. Sau khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, không người cầm bút nào có thể tiếp tục viết theo lối cũ mà họ từng theo trước đó. Ông định nghĩa lại các chuẩn mực bằng cách lần lượt công bố các truyện ngắn mà ngay lập tức trở thành kinh điển. Thiệp bắt đầu sự nghiệp thành công nhanh chóng của mình từ năm 1987, và đến năm 1988, ông đã xuất bản tuyển tập truyện ngắn và được mọi người ca tụng là là ‘năm của Nguyễn Huy Thiệp’. Năm 1989, bộ phim “Tướng về hưu” ra mắt, đến năm 1990 thì Thiệp được bầu làm Hội viên Hội Nhà văn. Nhưng đây cũng là năm mà các tuyển tập truyện ngắn của ông bắt đầu biến mất khỏi các cửa hàng sách. Báo 'Nhân dân', tờ báo của đảng, đã đăng hai bài viết công kích Thiệp, cho rằng ông đã ‘phản bội cách mạng Việt Nam bằng cách lật đổ những anh hùng thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam’ và rằng ông đã 'bị lừa gạt bởi ảo ảnh hão huyền của Sài Gòn trước năm 1975’. Chiến dịch tố giác tiếp tục cho đến năm 1991, khi công an đột kích vào nhà Thiệp, mang theo sách và bản thảo của ông, và tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Đây cũng là một bước ngoặt của nền văn học Việt Nam, khi cuộc thử nghiệm 5 năm ngắn ngủi của đất nước với công cuộc Đổi mới đã kết thúc bằng thời đại đen tối vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thiệp nói: “Tôi muốn có một cuộc sống bình thường”, nhắc lại điều mà tôi nhận ra rằng đó là câu thần chú của mọi nghệ sĩ, nhà văn Việt Nam, những người hy vọng tránh được tù tội. ’Tôi không cảm thấy thoải mái với các chính trị gia. Đó là cách truyền thống của người dân ở đây để tránh xa chính trị’. Tôi đã sắp xếp để dành buổi chiều cùng Thiệp tại quán cà phê Nhân, nơi gặp gỡ yêu thích của ông trong thành phố. Nơi lui tới của các nghệ sĩ và nhà văn này nằm trong một tòa nhà gần Hồ Gươm, trung tâm lịch sử của Hà Nội. Sau hai mươi phút đi xe từ ngoại ô vào thành phố, Thiệp gọi một cốc sắn dây, rất tốt để làm mát cơ thể đang quá nóng. Ông nói: “Lịch sử gia đình tôi là nguồn cảm hứng cho truyện ngắn ‘Tướng về hưu’. Ông tôi có hai bà vợ. Bà vợ thứ hai thật độc ác, giống như người vợ trong câu chuyện. Bà ấy tàn nhẫn đến mức bố tôi buộc phải rời miền Bắc để vào Sài Gòn. Ông làm thuê cho cộng đồng người Hoa và sau đó vào đại học để học kỹ thuật. Ông nhận được công việc giám sát viên đường sắt thuộc địa, nơi ông chuyên xây dựng cầu và đường. Người Pháp đã trả công xứng đáng cho ông. Ông ở lại miền Nam cho đến năm 1945 thì gia nhập lực lượng cách mạng và về sống ở miền Tây Bắc, nơi ông làm việc cho tòa án. Ông là một viên quan to, cưỡi ngựa và mặc một bộ đồ trắng’. Thiệp kể về việc cha ông gặp rắc rối như thế nào khi đưa ra đề nghị thả một nhóm tù nhân. Sự việc này tái xuất hiện trong một câu chuyện khác của Thiệp. Thiệp nói, gia đình ông là một trong những gia đình lâu đời nhất ở Hà Nội. Họ có thể tìm dòng dõi của mình từ tám trăm năm trước. Họ bắt đầu mất dần từng mảnh đất trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong thế kỷ XX. Không còn lại gì, cho đến khi một thửa đất - mảnh vườn ngoại ô Hà Nội, nơi gia đình thường lui tới để nghỉ ngơi để trốn cái nóng của thành phố - được trả lại cho họ vào năm 1960. Đây là nơi Thiệp hiện đang sinh sống. Tôi nhận ra rằng mình đang nói chuyện với một người quý tộc trên chiếc xe đạp, một người Hà Nội già đang lăn lộn khắp thành phố hệt như một tay bán hàng rong, ngoại trừ chiếc xe đạp của ông là một chiếc đắt tiền với đôi lốp xe sáng bóng. Không có tài liệu tiểu sử nào về Thiệp mà tôi từng đọc nhắc đến cha ông đang cưỡi ngựa hay bận bộ đồ trắng. Các tài liệu ấy chỉ nhắc đến mẹ ông và cách bà bị buộc phải rời khỏi thành phố và sống như một nông dân ở nông thôn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Xem ảnh do một người bạn chung chụp, tôi mới biết có bức tượng Phật khổng lồ đang ngự trong vườn nhà Thiệp. Ông nói: “Tôi dựng tượng Phật năm 1991. Tôi dựng nó khi đang gặp khó khăn. Đó là phản ứng của tôi với chính quyền. Mất ba tháng rưỡi để xây dựng bức tượng và tốn kém như một ngôi nhà. Tôn giáo đã giúp tôi cân bằng những xung đột quanh mình’. Tôi đề nghị ông giải thích. Thiệp nói: “Năm 1991, công an đã đột nhập vào nhà tôi. Họ lấy tất cả sách báo và bản thảo của tôi và buộc tội tôi phá hoại sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Tôi đã bị thẩm vấn trong mười ngày liên tiếp. Họ đối xử với tôi như một kẻ bất đồng chính kiến. Tôi đã bị sốc. Đây là một lời cảnh tỉnh cho tôi.’ Đổi mới, một sự thử nghiệm ngắn ngủi của Việt Nam, giống perestroika, đã kết thúc. Thiệp nói: “Đây là lúc chính quyền bắt đầu khủng bố các tác giả ở Việt Nam. Tôi nhận ra công việc của mình có thể ảnh hưởng đến gia đình. Họ gọi tôi là kẻ phản bội. Họ đối xử với tôi như một nhà bất đồng chính kiến. Tôi quyết định hành động chậm lại. Tôi sẽ tạm dừng trong bài viết của mình. Rủi ro quá lớn.’ Ông nói: “Tôi không ngừng viết, nhưng đã ngừng ngây thơ. Tôi sẽ viết một cách thận trọng hơn. Tôi sẽ kiềm chế trong việc viết lách của mình. Tôi sẽ cẩn thận hơn. Tôi đã thay đổi chủ đề và ngôn ngữ của mình. Trước đây tôi là người lập dị và kiêu ngạo. Bây giờ tôi sẽ cẩn trọng hơn.” Thiệp bắt đầu viết những bài luận khó hiểu về Phật giáo và che giấu những tuyên bố của mình bằng tư tưởng bí truyền. “Tôi quyết định viết những câu chuyện lạc quan hơn, những câu chuyện tươi sáng hơn,” ông nói. Tôi hỏi rằng công an văn hóa có trả lại sách và bản thảo cho ông không. ‘Không, họ không trả. Dù sao thì chúng cũng là rác rưởi’, ông nói về những bài viết đầu tiên của mình. Tôi dừng lại một chút, trước khi nhớ ra rằng Thiệp đang nói về những truyện ngắn xuất bản trước năm 1991, hay nói cách khác, về những truyện ngắn đã giúp ông nổi tiếng. Ông nói: “Chính trị ở phương Đông giống như một con rồng. ’Khi nó vui, bạn có thể chơi đùa với nó, nhưng khi nó tức giận, nó có thể ăn tươi nuốt sống bạn.’ Ông quay lại nói về Đức Phật trong khu vườn của mình. “Viết lách giống như một tôn giáo. Nhà văn ngồi thiền, phải giữ sự thiền định của mình. Bạn sẽ bị tổn thương nếu bạn đánh mất tâm trí thiền định của mình”. Khi Thiệp đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1998, nhiều người với niềm hi vọng được đến gặp một tác gia lớn đã bị thất vọng. Ông rất khó hiểu và phức tạp với triết lý của mình đến nỗi những người phiên dịch của ông đã dịch sai ý. Thiệp càng để tâm trí mình chìm đắm trong những trừu tượng Phật giáo, thì các nhà kiểm duyệt càng chiến thắng. Tôi hướng cuộc trò chuyện trở lại sự nghiệp ban đầu của ông. Ông nói: “Trước năm 1991, tôi viết bằng bản năng. Tôi thích viết khi còn nhỏ, mặc dù cha tôi phản đối việc tôi trở thành nhà văn.’ Nền văn học của Thiệp pha trộn các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc với văn học Pháp. Ngoài ra còn có một số lượng lớn những câu chuyện dân gian Việt Nam, mà Thiệp được nghe trong suốt một thập kỷ sống ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. ‘Tôi muốn kết hợp hai nền văn hóa Đông và Tây,’ ông nói về một bộ ‘Tổng tập’ của mình gồm gồm năm mươi truyện ngắn, bảy vở kịch dài và đầy đủ, nhiều bài tiểu luận, ba tập kịch bản phim, và một cuốn tiểu thuyết được xuất bản bằng tiếng Pháp, Nos Vingt Ans [Tuổi hai mươi yêu dấu]. * Thiệp được nuôi dưỡng bởi một người mẹ theo đạo Phật, người ông ngoại đã giới thiệu văn học Trung Quốc cho ông, và những người thầy khác, bao gồm một linh mục Công giáo và các giáo sư của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nơi ông học lịch sử. Sau khi tốt nghiệp năm 1970, Thiệp được đưa đến sống giữa người Hmông và các dân tộc thiểu số khác ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Ông ở đó trong một thập kỷ, dạy các lớp phụ đạo cho cán bộ cộng sản. Ông thích tìm hiểu về thế giới đầy linh hồn của những người miền núi, và dường như, họ đánh giá cao việc tìm hiểu về thế giới thần thoại của ông. Phương pháp dạy của Thiệp là mượn sách ở thư viện tỉnh, vốn đã sơ tán lên núi để bảo quản. Ông đã đọc rất nhiều tài liệu và lịch sử thế giới và sau đó kể những câu chuyện về những cuốn sách này cho học sinh của mình. Dostoevsky và Camus trộn lẫn với các chủ đề về kinh tế và triết học biến thành những bài giảng tuyệt vời. Thiệp không cần phải mượn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông đã sống chung với nó. Năm 1980, Thiệp rời khỏi rừng vì đói và chán chường. Ông làm thêm bảy năm nữa với tư cách là một họa sĩ, thợ đá và buôn hàng chợ đen, trước khi đăng truyện đầu tiên trên báo ‘Văn nghệ’, tờ báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói: “Vào năm 1986, điều kiện xã hội ở Việt Nam rất tồi tệ. Xã hội hỗn loạn và nghèo đói. Vì mất đi sự hỗ trợ từ Liên Xô, Việt Nam đã mở cửa với thế giới bên ngoài. Viết lách trở nên dễ dàng hơn. Trước năm 1986, các nhà văn đã từng bị bắt. Nhưng sau năm 1986 và sự khởi đầu của công cuộc Đổi mới, xã hội đã có sự cởi mở và việc viết lách trở nên khả thi”. Thiệp nói về truyện ngắn đầu tiên của mình, công bố năm 1987: “Tôi thật may mắn. Thời điểm của tôi đã đến. Tôi viết bằng bản năng. Tôi đã viết bởi niềm vui của việc viết lách. Mọi người chờ đợi những câu chuyện của tôi ra mắt.”. Thiệp hoạt bát khi nói chuyện. Ông cười nhiều và giậm chân để nhấn mạnh. Tôi hỏi Thiệp liệu ông có gặp khó khăn khi tác phẩm của mình được xuất bản sau khi nhà ông bị công an văn hóa khám nhà hay không. ‘Đúng vậy, sau năm 1991 có lệnh bí mật của lãnh đạo. Không ai có thể nhắc đến tên tôi hoặc xuất bản tác phẩm của tôi. Tác phẩm của tôi đã bị ‘kiểm duyệt’. Ngày càng mất nhiều thời gian hơn để xuất bản”. Ông nói: “Tôi đã cố gắng điều chỉnh tác phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Tôi tự kiểm duyệt nội dung. Đôi khi nó đã được sửa chữa bởi các biên tập viên. Thông thường, họ quá nhiệt tình hoặc quá sáng tạo, đặt bình luận của họ lên đầu các câu chuyện của tôi. Tôi phải chấp nhận rằng những câu chuyện của tôi sẽ bị kiểm duyệt bởi những tay kéo kiểm duyệt vốn không biết văn học là gì. Văn học Việt Nam ra đời trong thời đại cách mạng. Nó đã được sử dụng như một công cụ chính trị, điều này làm cho nó trở nên đẫm mùi ý thức hệ. Nó không đủ tinh tế. Rất khó để trở thành một nhà văn ở Việt Nam. ‘ * Khi bóng tối dần buông xuống thành phố, chúng tôi quyết định đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, cách quán cà phê vài bước chân. Thiệp mở khóa xe đạp và dắt nó theo. Bờ Hồ tấp nập người tan sở, các đôi uyên ương hẹn hò, những người cùng nhau chơi cờ tướng, tập Thái Cực Quyền, hay tản bộ trong không khí ấm áp vào buổi tối như chúng tôi. Tôi đang nhìn chằm chằm ngôi đền nhỏ nằm trên hòn đảo xanh tí hon đánh dấu trung tâm lịch sử của Hà Nội thì Thiệp đề nghị chúng tôi sang đường. Các dòng xe máy và ô-tô lao vun vút qua chúng tôi. Thiệp đạp xe đến trước cửa một khách sạn mới sang trọng, Apricot, được đặt theo tên của phòng trưng bày nghệ thuật Hà Nội đã tài trợ cho hoạt động sang trọng này. Ông chủ khách sạn, người tình cờ đang đứng trên bậc thềm, chào đón Thiệp một cách trang trọng và mời chúng tôi vào trong tham quan. Thiệp gửi xe đạp cho người gác cổng. Chúng tôi bước vào sảnh đợi gắn đèn chùm với một nghệ sĩ dương cầm đang trình tấu bên chiếc đại dương cầm, và dạo qua những bức tranh về đời sống nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đi thang máy lên tầng hai và đi bộ về phía trước. Ở đây chúng tôi tìm thấy một loạt các tủ kính trưng bày với hàng chục đĩa sứ. Phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Thiệp cho thấy ông làm gì khi ông không viết. Các đĩa màu trắng được minh họa bằng những hình vẽ đậm màu xanh lam — chân dung tự họa, vài dòng thơ, hình ảnh những người làm việc trên cánh đồng, hình ảnh minh họa từ các câu chuyện và thần thoại Việt Nam. Một vài tấm hình vẽ Thiệp trong thời gian bị bệnh gần đây. Một tấm vẽ một người phụ nữ đang đốt sách. Hình ảnh bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian về một bác sĩ đã chết, và vì ông đã chết, người vợ của ông cho rằng những tác phẩm của ông là vô giá trị. Mặt sau những chiếc đia có những dòng chữ thảo là những đoạn trích từ nhật ký hoặc những suy nghĩ hay bình luận của Thiệp về cuộc sống hàng ngày của ông. Bây giờ tôi mới nhận ra nguồn gốc của nụ cười nhăn nhúm của Thiệp. Bị kiểm duyệt chặn kể chuyện, ‘Picasso của Hà Nội’ của chúng ta sinh tồn bằng cách bán những chiếc đĩa đã được ông vẽ trang trí. Ông cũng đã mở quán ăn. Từ nhiều năm nay, Thiệp mở quán ăn bình dân Hoa Ban bên bờ sông Hồng. Người dân địa phương gọi quán ăn này là ‘Kiếm sắc’, tên của một trong những câu chuyện nổi tiếng của Thiệp. Nhưng cái tên, theo tiếng lóng của Việt Nam, cũng có nghĩa là ‘chặt chém’ hoặc ‘bán quá đắt’. Tôi hỏi chủ nhân của Khách sạn Apricot xem những chiếc đĩa sứ của ông Thiệp có phải là bộ sưu tập lâu dài của khách sạn không hay chúng được bán. Ông nói: “Điều đó phụ thuộc vào giá cả”. Tác phẩm gây dư luận của Nguyễn Huy Thiệp là bộ ba truyện lấy bối cảnh những năm 1800, có tên là ‘Kiếm sắc’, ‘Vàng lửa’ và ‘Phẩm tiết’. Các truyện ngắn này khiến cho các nhân vật lịch sử của Việt Nam trở nên sinh động. Bằng cách ‘trần tục hóa’ những nhân vật này, Thiệp bộc lộ sự tàn bạo và yếu đuối của họ. Trong ‘Vàng lửa’, người lính đánh thuê đóng vai người kể chuyện của Thiệp kết luận rằng Việt Nam là ‘cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó’. Người kể chuyện của Thiệp nói rằng con của cô gái bị hiếp dâm này chính là Nguyễn Du. Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng đã viết nên thiên sử thi ‘Truyện Kiều’ của Việt Nam. Bản thân Kiều đã là một câu chuyện về sự cưỡng đoạt. Nó kể về câu chuyện của một thiếu nữ trẻ tự nguyện trở thành gái mại dâm ở Trung Quốc để cứu cha mình khỏi bàn tay của con nợ. Phăng, người kể chuyện, nói: “Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình”. Cuộc tấn công vào bậc đại thi hào của Việt Nam đã gây sốc cho độc giả của Thiệp, nhưng Thiệp nghĩ rằng ông chỉ đơn thuần chỉ ra điều hiển nhiên. Có nên cảm thấy lạ lùng chăng khi mà pho sử thi dân tộc của Việt Nam, bài thơ mà mọi trẻ em Việt Nam học thuộc lòng, kể về câu chuyện của một cô gái bị bán vào động mại dâm ở Trung Quốc? Phăng nói: “Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó nhỏ bé xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi lại vừa tàn nhẫn…” Câu chuyện đầu tiên và vẫn là câu chuyện nổi tiếng nhất của Thiệp là ‘Tướng về hưu’, tác phẩm được ông đăng trên báo ‘Văn nghệ’ năm 1987. Truyện kể về một vị tướng già, không thích hợp với cuộc sống ở Việt Nam hiện đại, trở về đơn vị rồi hy sinh. Bản chất hám lợi của nước Việt Nam đương thời được thể hiện rõ qua người con dâu của vị tướng già tên là Thủy. Đây là nhân vật mà Thiệp nói được lấy nguyên mẫu từ lịch sử gia đình của chính mình. Thủy là một ‘phụ nữ hiện đại’, một bác sĩ tại một bệnh viện phụ sản, người đã mang thai nhi bị bỏ ra khỏi bệnh viên để mang về nhà cho chó béc-giê ăn – đàn chó mà cô nuôi để bán trên thị trường chợ đen. Bị kẹt giữa bi kịch gia đình này này là người con trai bất hạnh của vị tướng già, người cố gắng hài hoà nhưng không thành công, giữa bản năng thương mại của người vợ và quy tắc đạo đức lỗi thời của cha mình. Câu chuyện đầy tính khiêu khích này được xuất bản chỉ vì Nguyên Ngọc - mới được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo ‘Văn nghệ’ - đã tìm thấy nó trong đống bản thảo và dám in nó. Sau một thập kỷ sáng tác trong thầm lặng, Thiệp đã có rất nhiều truyện ngắn sẵn sàng công bố, và Nguyên Ngọc đã công bố chúng, nhiều nhất có thể, liên tiếp và nhanh chóng, cho đến khi ông bị sa thải vào năm 1988. Điều này đánh dấu sự kết thúc cho sự bùng nổ văn hóa ngắn ngủi của Việt Nam, và chẳng bao lâu nữa, công an văn hóa sẽ tìm gặp Thiệp. Năm 2008, hai mươi năm sau khi bị sa thải, Nguyên Ngọc đăng một bài luận về văn học Việt Nam đương đại trên ‘Journal of Vietnamese Studies’. Ông nói rằng Việt Nam thời hậu chiến đã sản sinh ra ba nhà văn lớn: tiểu thuyết gia Bảo Ninh, người không còn xuất bản tiểu thuyết, Phạm Thị Hoài, sống lưu vong ở Berlin, và Nguyễn Huy Thiệp, người hiện đang nghiên cứu triết học Phật giáo và vẽ trên đĩa sứ. Cho đến khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, văn học Việt Nam bị mắc kẹt trong một chuỗi lặp lại vô tận của những câu chuyện theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa về những người lính dũng cảm và những người nông dân cao quý. Độc giả quá ngán ngẩm, khiến tờ ‘Văn nghệ’ buộc phải đình bản bởi không còn đủ tiền để mua giấy và trả tiền in. Điều đầu tiên Nguyên Ngọc thực hiện với tư cách là Tổng Biên tập mới của tờ báo là tiếp cận với đống truyện bị từ loại vì chúng phản ánh quá trung thực những vấn đề nhức nhối của cuộc sống. Ngay sau khi được giới thiệu trên văn đàn, truyện ngắn ‘Tướng về hưu’ đã xô đổ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó đã du nhập vào văn học Việt Nam những chủ đề hiện đại và môi trường xung quanh của cuộc sống hiện đại. Không còn có một quan điểm trung tâm hay thẩm quyền đạo đức nào nữa. Thay vào đó là sự mơ hồ và tất cả những bóng mờ cùng sự thỏa hiệp của hiện tại. Thiệp đã quay ngược về quá khứ trong văn học Việt Nam, diễn giải lại nó, và phóng chiếu nó về tương lai mà ông đã cố gắng sáng tạo ra, trong một đợt công bố truyện ngắn hàng loạt, tất cả các thể loại văn học đặc trưng cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam những năm 1980. Ông kể những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày làm rung chuyển khung hình, để những khoảng trống của sự tự ngẫm nghĩ xuất hiện trong thực tế được chấp nhận. Ông diễn đạt lại những câu chuyện dân gian Việt Nam với guồng quay hiện đại. Nhưng gây sốc hơn cả là ba câu chuyện lịch sử dẫn đến việc nhà ông bị công an văn hóa khám nhà. Nguyên Ngọc cho biết, các tác phẩm của Thiệp ‘gây xôn xao dư luận’ của Thiệp, và đã giúp Nguyên Ngọc chứng kiến số lượng phát hành báo ‘Văn nghệ’ của ông tăng vọt. “Tất cả các nhà văn, mặc dù họ có thể không nói một cách cởi mở như vậy, nhưng đều nhận ra một điều rất quan trọng: họ không thể viết theo cách mà họ từng viết trước đây." Những xáo trộn do cú gây chấn động văn đàn của Thiệp được Nguyên Ngọc gọi là ‘văn học sử thi đầy tính trữ tình cách mạng’ của Việt Nam. Thay vì những câu chuyện về những chiến binh dũng cảm và những người nông dân cao quý, những thể loại mới đã được phát minh hoặc hồi sinh, bao gồm ‘phóng sự tiểu thuyết’, hồi ký, phóng sự phi hư cấu và ‘ một vụ mùa bội thu của truyện ngắn’. Ngoại trừ các tác phẩm của Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài, ‘sức mạnh của tiểu thuyết để khái quát về xã hội vẫn còn rất yếu’, Nguyên Ngọc nói. ‘Văn học đã chọn một thể loại khác để làm công việc mà tiểu thuyết chưa thể làm được, một thể loại mà tự nó, do đặc điểm riêng của nó, đòi hỏi sự khái quát: truyện ngắn’. Ngọc nói: “Nhà văn nổi bật nhất… vẫn là Nguyễn Huy Thiệp, và bên cạnh là Phạm Thị Hoài. Từ rất sớm, ông đã bắt đầu viết từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng một cách tiếp cận đa diện đến mức khiến độc giả thường xuyên sửng sốt… Trong quá trình đó, ông đã khởi xướng nền văn học Việt Nam hiện đại mà chúng ta có thể gọi là ‘văn học tự vấn’. Nhờ đó, một luồng sinh khí mới đã lan tỏa trong văn học Việt Nam, từ văn học nó đi vào xã hội… Có thể nói đây là lần đầu tiên trong văn học, người Việt Nam dấn thân vào việc tự vấn một cách dứt khoát như vậy"./. [Đây là một đoạn trích đã được chỉnh sửa từ Thomas A. Bass’s Censorship in Vietnam: Brave New World (Nhà xuất bản Đại học Massachusetts: 2017).]   *   Nguyễn Đình Đăng Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) (1990) sơn dầu trên canvas, 97 x 130 cm (sưu tập tư nhân) * [VỀ BỨC TRANH MINH HỌA CỦA NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG] SỰ GẶP GỠ CỦA CÁC TƯ TƯỞNG Nguyễn Đình Đăng Năm 1989, khi tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Nga, một người bạn cho tôi xem mấy số báo Việt Nam, trong đó tôi đọc được vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng tôi được đọc một nhà văn Việt Nam đầy phấn khích đến như thế. Tôi đã đọc tất cả các truyện ngắn mới của ông Thiệp với một cảm giác tựa như đọc truyện trinh thám của Conan Doyle – tức là, đọc một mạch không dứt từ đầu đến cuối. Hồi đó, nếu ai đó nói về văn học Việt Nam đương đại, thì cái tên đầu tiên và duy nhất hiện ra trong tâm trí tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thích vẽ chân dung những người mà sắc đẹp và/hoặc tài năng của họ khiến tôi ngưỡng mộ. Vì thế, sau khi tôi từ Nga về Hà Nội vào tháng Giêng 1990, việc đầu tiên tôi làm là đi tìm Nguyễn Huy Thiệp để vẽ chân dung. Tôi tìm ra ông đang làm công việc của một người can lại các hình minh hoạ để in sách giáo khoa tại nhà xuất bản Bộ Giáo dục. Giấc mơ nghệ sĩ Tôi mời ông Thiệp đến nhà tôi để vẽ ký hoạ chi tiết chân dung ông bằng bút chì. Tôi cũng vẽ ký hoạ nghiên cứu hai bàn tay, bàn chân của ông, chân dung ông ngồi trên ghế bành. Tôi còn đến cả quán cà-phê ông thường lui tới để vẽ cái ghế bành ông hay ngồi tại đó. Phần còn lại của bố cục sơn dầu là tưởng tượng của tôi. Trên nền sau lưng ông tôi vẽ các nhân vật từ các truyện ngắn nổi tiếng của ông, trong đó có cả vua Quang Trung, mà tôi vẽ đầu lộn xuống dưới, và vua Gia Long có bộ mặt được tạo bởi hình một phụ nữ khỏa thân. Ở góc trên bên trái bức tranh, tôi vẽ chân dung các bậc thầy văn chương và văn hóa thế kỷ XIX và XX, Victor Hugo, Sigmund Freud, Anatole France, Guy de Maupassant, Alexander Solzhenitsyn, Fyodor Dostoevsky, và Boris Pasternak – những người mà tôi thấy có sự tương đồng trong tác phẩm của họ và tác phẩm của ông Thiệp. Các chân dung của các vĩ nhân này hiện ra như những đám mây. Ở phía bên phải tôi vẽ cảnh đoàn lạc đà đi trên sa mạc với mấy con chó chạy đằng sau (Chó cứ sủa, đoàn lạc đà cứ đi). Đàn lạc đà biến dần thành đàn chim bay lên trời. Trong tranh, ông Thiệp ngồi trên ghế salon nhà tôi. Cái ghế bay lơ lửng trên một bậc tam cấp làm bằng đá hoa cương như thể đó là những bậc thang dẫn lên đỉnh Parnassus. Sóng biển đập vào một phía bậc tam cấp. Bên kia là đại dương mênh mông đưa những gợn sóng dài và hùng vĩ đến một bức tường đầy những lỗ đạn đang rỉ máu. Ếch nhái, rắn rết bò dưới chân ông. Tên gốc của bức tranh chỉ đơn giản là Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng vào đầu những năm 1990, ông Thiệp là một nhà văn ‘có vấn đề’. Các truyện ngắn của ông gây ra các tranh cãi nảy lửa trong làng văn và báo giới, cũng như trong công chúng nói chung. Vì thế trước buổi khai mạc triển lãm cá nhân của tôi tại Hà Nội năm 1991, các đồng nghiệp hoạ sĩ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đề nghị tôi đổi tên bức tranh. Thế là tên bức tranh trở thành Giấc mơ nghệ sĩ. Tôi không chắc công chúng xúc động vì bức tranh lắm, vì tôi nghĩ ít người biết mặt ông Thiệp. Bà vợ đại sứ Anh quốc tại Hà Nội khi đó muốn mua bức tranh này nhưng chúng tôi không thỏa thuận được về giá. Bức tranh này hiện thuộc sở hữu của một nhà sưu tập mỹ thuật người Pháp. https://nguyendinhdang.wordpress.com/tag/nguyen-huy-thiep/
popup

Số lượng:

Tổng tiền: