HUYỀN THOẠI VỀ HENRY KISSINGER

15/ 05/ 2023

HUYỀN THOẠI VỀ HENRY KISSINGER

So với những người ủng hộ Henry Kissinger, những người chỉ trích ông, và với những gì mà chính bản thân ông tin tưởng, thì vị trí Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Nixon của Kissinger ít được chú ý hơn nhiều so với chính con người ông.

Thomas Meaney, The New Yorker, 11/5/2020

Nguyễn Trung Kiên lược dịch

 

 

Năm 1952, ở tuổi hai mươi tám, Henry Kissinger đã thực hiện điều mà một sinh viên sắp tốt nghiệp năng nổ sẽ làm khi họ chuẩn bị cho tương lai học thuật của mình: ông bắt đầu xuất bản một tờ tạp chí. Ông chọn một cái tên rất hoành tráng, ‘Confluence’ [Hợp lưu], và tranh thủ những cộng tác viên lừng lẫy: Hannah Arendt, Raymond Aron, Lillian Smith, Arthur Schlesinger, Jr., Reinhold Niebuhr. James Smilelin, một chuyên viên xuất bản, người ủng hộ tạp chí, đã mô tả chàng Kissinger trẻ tuổi là “một người hoàn toàn chân thành (kiểu người Đức cực kỳ nghiêm túc), người đang cố gắng hết sức để thực hiện một công việc lý tưởng”. Giống như sản phẩm đầu tiên khác của ông, Hội thảo quốc tế Harvard - một hội thảo hè quy tụ những người tham gia từ khắp nơi trên thế giới mà qua đó Kissinger đã tình nguyện theo dõi những người tham dự giúp cho FBI - tờ tạp chí này đã mở các kênh để ông tiếp cận không chỉ với các nhà hoạch định chính sách ở Washington, mà còn với các nhà tư tưởng Do Thái gốc Đức thế hệ trước, với kinh nghiệm chính trị đã được hình thành vào đầu thập niên 1930, khi nền Cộng hòa Weimar bị thay thế bởi chế độ Đức Quốc xã.

Đối với những người theo chủ nghĩa tự do trong thời Chiến tranh Lạnh, vốn từng chứng kiến sự khuấy động của chủ nghĩa phát-xít đối với mọi thứ, từ chủ nghĩa McCarthy đến sự phát triển của văn hóa đại chúng, nền cộng hòa Weimar là một câu chuyện mang tính cảnh báo, về việc trao một quyền lực nhất định cho những người sống sót. Kissinger đã bén rễ từ giới trí thức Weimar, nhưng ông không bị ấn tượng đối với triển vọng gây ảnh hưởng của họ. Mặc dù sau đó, ông đã gợi lên ký ức về chủ nghĩa phát-xít để biện minh cho tất cả các bên, trong cuộc chơi quyền lực, nhưng trong giai đoạn này, ông đã tạo dựng danh tiếng như một người không khuất phục quy tắc “nước Mỹ trên hết”. Ông đã khiến những người đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ phải kinh sợ bằng cách cho đăng trên tờ tạp chí ‘Confluence’ một bài báo của Ernst von Salomon, một nhân vật cực hữu, người đã thuê một lái xe để giúp những kẻ đã ám sát Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Weimar có thể chạy trốn. “Bây giờ tôi đã tham gia cùng bạn với tư cách một ác quỷ mặc áo choàng đỏ trong bộ môn nghiên cứu về ma quỷ”, sau này Kissinger nói với một người bạn mình, đùa rằng việc đăng bài báo đó thể hiện “sự đồng cảm với chế độ toàn trị, thậm chí là với Đức quốc xã, ở trong tôi”.

Trong hơn sáu mươi năm, cái tên Henry Kissinger đã trở nên đồng nghĩa với học thuyết về chính sách đối ngoại được gọi là “chủ nghĩa hiện thực”. Trong thời gian làm cố vấn an ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao cho Tổng thống Richard Nixon, việc ông sẵn sàng nói thẳng thắn đối với việc theo đuổi quyền lực của Hoa Kỳ trong một thế giới hỗn loạn đã mang lại cho ông cả danh tiếng lẫn tai tiếng. Sau đó, một vụ kiện chống lại ông được dựng lên, và được củng cố bởi một loạt các tài liệu được giải mật ghi lại các hành động của ông trên toàn cầu. Seymour Hersh, trong cuốn “The Price of Power” [Cái giá của quyền lực] (1983), mô tả Kissinger như một kẻ bị bệnh hoang tưởng có một không hai; Christopher Hitchens, qua tác phẩm “The Trial of Henry Kissinger” [Phiên tòa xét xử Henry Kissinger] (2001), đã phong cách hóa cuộc tấn công bằng cuốn sách của mình như là một bản cáo trạng để đòi truy tố Kissinger như một tội phạm chiến tranh.

Nhưng Kissinger, vốn sắp đến sinh nhật thứ chín mươi bảy, giờ không còn bị lan truyền tình cảm căm ghét như vậy nữa. Khi các nhà phê bình trước đây len lỏi vào trung tâm chính trị và vươn lên nắm quyền lực, thì niềm đam mê của họ đối với việc tấn công Kissinger đã nguội lạnh. Hillary Clinton, với tư cách là một sinh viên luật tại Đại học Yale, từng lên tiếng phản đối vụ đánh bom Campuchia của Kissinger, đã mô tả “những quan sát sắc sảo” mà ông đã chia sẻ với bà khi bà là Bộ trưởng Ngoại giao, được viết trong một bài phê bình dạt dào tình cảm cho cuốn sách gần đây nhất của ông, rằng “Kissinger là một người bạn”. Trong một trong những cuộc tranh luận trong mùa bầu cử Tổng thống năm 2008, John McCain và Barack Obama từng trích dẫn Kissinger như là sự ủng hộ cho việc lựa chọn vị thế (mang tính đối nghịch) của họ đối với Iran. Samantha Power, nhà phê bình nổi tiếng nhất về sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng, đã nhận giải thưởng Henry A. Kissinger do chính ông trao tặng.

Kissinger đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà sử học và nhà xuất bản. Có những nghiên cứu phân tâm học kể về những người bạn gái của ông, những bản tóm tắt các câu trích dẫn của ông, và những cuốn sách hướng dẫn kinh doanh về nghệ thuật đàm phán của ông. Hai trong số những đánh giá quan trọng nhất gần đây đã xuất hiện vào năm 2015: tập đầu tiên của tiểu sử được chính Kissinger ủy quyền của Niall Ferguson, đã đánh giá Kissinger một cách thông cảm từ quan điểm của phái hữu, và tác phẩm “Kissinger’s Shadow” [Cái bóng của Kissinger] của Greg Grandin, đã đánh giá ông từ quan điểm của phái tả. Từ những quan điểm đối lập, họ đã hội tụ trong việc đặt câu hỏi về sự phong phú của chủ nghĩa hiện thực của Kissinger. Trong tác phẩm của Ferguson, Kissinger là một người theo chủ nghĩa lý tưởng trẻ tuổi, theo đuổi mọi chính sách đối ngoại thời hậu chiến và liên tục gắn bó với các ứng cử viên Tổng thống đầy rẫy sai lầm, cho đến khi cuối cùng ông gặp may mắn với Nixon. Tác phẩm Grandin, mặc dù nói theo ngôn ngữ của những người theo chủ nghĩa hiện thực, - “đáng tin cậy”, “mang tính liên kết”, “cân bằng quyền lực” – có một cái nhìn về hiện thực đầy phóng túng như thể tác giả là người theo chủ nghĩa tương đối đầy cấp tiến.

*

Heinz Kissinger sinh năm 1923 tại Fürth, một thành phố ở Bavaria. Gia đình ông chạy trốn đến New York ngay trước khi cuộc thảm sát Kristallnacht nhằm vào người Do Thái của Hitler, rồi định cư ở Washington Heights, một khu phố mà đôi khi được gọi là Quốc xã đệ Tứ bởi có rất nhiều người Đức nhập cư. Họ nói tiếng Anh ở nhà, và Heinz biến âm thành Henry. Khi còn trẻ, ông thể hiện một vài phẩm chất đáng chú ý, ngoài nhiệt huyết với chiến thuật bóng đá phòng thủ của Ý, và chút mánh khóe để tư vấn cho bạn bè đối với sự say mê lập chiến công của của họ. Khi còn là một thiếu niên, trước khi đi học, ông làm việc trong một nhà máy sản xuất bàn chải cạo râu, và khao khát trở thành một kế toán viên.

Năm 1942, Kissinger nhập ngũ vào quân đội Hoa Kỳ. Tại Camp Claiborne, Louisiana, anh kết bạn với Fritz Kraemer, một người Mỹ gốc Đức mười lăm tuổi, người mà Kissinger sẽ gọi là “người có ảnh hưởng lớn nhất trong những năm tháng định hình của tôi”. Một người lính cứu hỏa mê Nietzsche đến mức tự nhại lại triết gia - ông đeo kính một mắt, che một bên mắt tinh của mình, để khiến mắt có thị lực yếu hơn phải làm việc nhiều hơn - Kraemer tuyên bố ông đã trải qua những năm cuối cùng của nền cộng hòa Weimar, chiến đấu với cả những người Cộng sản và Đức Quốc xã Áo nâu - nhóm bán vũ trang, hạt nhân đầu tiên của Đức Quốc xã, ở trên đường phố. Ông có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị và luật pháp quốc tế, và theo đuổi sự nghiệp đầy triển vọng tại Hội Quốc Liên trước khi trốn sang Hoa Kỳ vào năm 1939. Ông cảnh báo Kissinger không được cạnh tranh với các trí thức “khéo léo” cùng với những toan tính lạnh lùng về lợi ích-chi phí của họ. Tin rằng Kissinger là người “say mê sự hài hòa của lịch sử”, ông nói với bạn, “Chỉ khi nào không ‘toan tính’, bạn mới thực sự có tự do, điều khiến bạn khác biệt với những kẻ tầm thường”.

Đối với tất cả các cuộc tranh luận về đặc tính Đức của Kissinger, trải nghiệm không thể phai nhòa trong thời tuổi trẻ của ông là khi đang phục vụ trong Sư đoàn bộ binh 84, khi nó đang càn quét khắp châu Âu. “Anh ấy là người mang đặc tính Mỹ nhiều hơn bất cứ người Mỹ nào tôi từng gặp”, một bạn đồng ngũ của ông nhớ lại. Sự chiến thắng của Hoa Kỳ trên chiến trường châu Âu, với các cơ hội để nhanh chóng đảm nhận các vị trí quyền lực, đã khiến ông trở nên hồi hộp. Năm 1945, Kissinger tham gia giải phóng trại tập trung Ahlem, ở ngoại ô Hanover và được tặng Huy hiệu Bronze Star của quân đội Hoa Kỳ để ghi nhận vai trò của ông trong việc hạ gục một đội bộ binh của lực lượng Gestapo.

Năm 1947, Kissinger theo học tại Đại học Harvard nhờ Đạo luật G.I., đạo luật quy định các ưu đãi dành cho cựu binh Hoa Kỳ trong Thế chiến II, với dự định nghiên cứu khoa học chính trị và văn học Anh. Ông tìm thấy một người cố vấn thứ hai, William Yandell Elliott, một giáo sư lịch sử có nhiều mối quan hệ rộng, thành viên nhóm tinh hoa ‘Wasp’ – những người đang cố vấn cho nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề quốc tế. Kissinger trẻ tuổi ít quan tâm tới các nhân vật tiêu biểu của ‘chính trị-dựa trên-thực tiễn’ [Realpolitik], như Clausewitz và Bismarck, mà quan tâm nhiều hơn tới “các nhà triết học về lịch sử” như Kant và các nhà phân tích về sự tan rã của nền văn minh như Arnold Toynbee và Oswald Spengler. Từ những nhà tư tưởng này, Kissinger đã đưa ra quan điểm của riêng mình về cách lịch sử vận động. Đó không phải là một câu chuyện về sự tiến bộ của tự do, hay ý thức giai cấp, hay về chu kỳ sinh ra-trưởng thành-và suy tàn; đúng hơn, đó là “một loạt các sự cố vô nghĩa”, đã được hình thành một cách thoáng qua trong ý chí của con người. Khi còn là một lính bộ binh trẻ, Kissinger đã học được rằng những người chiến thắng đã rà soát lại lịch sử để mạ vàng lên chiến thắng của họ, trong khi những kẻ bại trận tìm kiếm nguyên nhân lịch sử cho sự thất bại của mình.

Cả Ferguson và Grandin đều nắm bắt được một câu trong luận văn tốt nghiệp đại học của Kissinger, có tựa đề là “Ý nghĩa của lịch sử”: “Không thể hòa hợp được tự do và tất yếu nếu không có một trải nghiệm hướng nội”. Một thế giới quan mang tính chủ quan sâu sắc như vậy ở Kissinger có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng chủ nghĩa hiện sinh của Pháp đã tới Harvard, và bản luận văn này đã trích dẫn Jean-Paul Sartre. Cả Sartre và Kissinger đều tin rằng đạo đức được quyết định bằng hành động. Nhưng đối với Sartre, hành động tạo ra khả năng hình thành nên trách nhiệm cá nhân và tập thể, trong khi đối với Kissinger, sự bất định về đạo đức là điều kiện cho tự do của con người.

*

Năm 1951, trong khi theo đuổi các nghiên cứu của chương trình tiến sĩ, Kissinger làm cố vấn cho Văn phòng Nghiên cứu Hoạt động của Quân đội, nơi ông làm quen với xu hướng chiến tranh tâm lý của Bộ Quốc phòng. Đối với đồng nghiệp của Kissinger tại Harvard, vốn thường điều chỉnh lý lịch nghiên cứu của họ theo nhu cầu của an ninh của nhà nước Hoa Kỳ, thì luận án tiến sĩ của ông về Hội nghị Vienna - hội nghị năm 1814 để phân chia lại châu Âu sau chiến tranh Napoleon,  và hậu quả của nó dường như là một thứ đồ cổ kỳ quái. Nhưng luận án được xuất bản của ông đã nhắc đến vũ khí nhiệt hạch ngay trong câu đầu tiên, và chỉ ra cho độc giả trong chính quyền ở Washington một sự tương đồng lịch sử không thể nhầm lẫn: các nỗ lực của Đế quốc Anh và Áo nhằm ngăn chặn nước Pháp của Napoléon là những bài học để Hoa Kỳ đối phó với Liên Xô.

Kissinger đôi khi được gọi là Metternich của Hoa Kỳ, ám chỉ đến chính khách người Áo, người đã tạo lập nền hòa bình sau thời Napoleon. Nhưng ở đây, cân nhắc đến sự nghiệp của những chính khác mà ông nhắc đến, ông đã nhấn mạnh những hạn chế của mô hình Metternich:

"Cái thiếu sót ở Metternich là một thuộc tính mà sẽ cho phép tinh thần vượt qua bế tắc ở rất nhiều cuộc khủng hoảng của lịch sử: khả năng trầm tư mặc tưởng trước vực thẳm, không phải với sự tách rời đối với tinh thần của một nhà khoa học, mà như một thách thức để vượt qua, hoặc bị diệt vong, trong tiến trình lịch sử… Đối với những người đã trở thành huyền thoại, thì việc họ trở thành huyền thoại không phải bởi những gì họ biết, thậm chí không phải bởi những gì họ đạt được, mà bởi những nhiệm vụ họ tự đặt ra cho mình".

Kissinger đang lướt qua các nhà khoa học xã hội xuất sắc xung quanh mình, những người nghĩ rằng cuộc đối đầu đầy chết chóc trong Chiến tranh Lạnh có thể được giải quyết bằng các mô hình thực nghiệm và mô hình hành vi, thay vì sự huyên hoang mang tính hiện sinh.

Năm 1954, Harvard đã không nhận Kissinger làm giáo sư như ông đang hy vọng, nhưng vị trưởng khoa, McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Kenney và Johnson, đã đề nghị ông tham gia Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nơi Kissinger bắt đầu quản lý một nhóm nghiên cứu về vũ khí hạt nhân. Ở Washington thời Eisenhower, vũ khí hạt nhân mới có thể làm nên sự nghiệp của nhà nghiên cứu. Năm 1957, Kissinger xuất bản cuốn sách đã giúp ông trở thành một nhân vật của công chúng, “Nuclear Weapons and Foreign Policy” [Vũ khí hạt nhân và Chính sách đối ngoại]. Nó lập luận rằng chính quyền Eisenhower cần phải tự chế tạo vũ khí hạt nhân chiến thuật để sử dụng trong các cuộc chiến thông thường. Chỉ dự trữ vũ khí hạt nhân cho các kịch bản ngày tận thế mà không tự chế tạo sẽ khiến Hoa Kỳ không thể đáp trả quyết liệt đối với các cuộc xâm lược sẽ ngày càng gia tăng của Liên Xô. Kissinger tưởng luận án của mình mang tính khiêu khích, như ông không thể biết rằng vị Tham mưu trưởng liên quân đã nói với Tổng thống Eisenhower nhiều điều tương tự như vậy trong nhiều năm qua.

Vào cuối thập niên 1950, Kissinger không cần phải lựa chọn để trở thành một học giả hay một trí thức vị công chúng, một quan chức hay một chính trị gia. Mỗi không gian hoạt động của ông đều nâng cao giá trị của ông trong những không gian kia. Ông là một nhà tư vấn để tìm kiếm các ứng cử viên Tổng thống; với giả định rằng việc tham gia cùng giới trí thức quý tộc Hoa Kỳ trong nhóm ‘Wasp’ là con đường tối ưu nhất để giành quyền lực, ông đã dành nhiều năm dạy kèm cho Nelson Rockefeller, con trai tỷ phú John D. Rockefeller (Phó Tổng thống dưới thời Ford) về chính sách đối ngoại. Năm 1961, Bundy, người đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống John F. Kennedy, đã thuê Kissinger làm cố vấn. Kissinger cuối cùng cũng được giảng dạy tại Harvard. Các giáo sư tại Harvard phản đối rằng cuốn sách về vũ khí hạt nhân của ông là vô đạo đức, nhưng Bundy đứng ra dàn xếp, và thuyết phục Quỹ Ford tài trợ cho sự nghiệp giảng dạy của Kissinger.

*

Kissinger khó có thể nằm trong số các nhà tư tưởng chính sách đối ngoại thời bấy giờ. Liệu ông có thuộc về những chiến lược gia tài giỏi và xuất chúng nhất của Hoa Kỳ, như George Kennan nhà ngoại giao, từng tư vấn cho Tổng thống Truman về chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô, và Nicholas Spykman (người hoạch định chiến lược địa chính trị cho các tổng thống Hoa Kỳ sau Đại chiến II)? Thông thường, ông được xếp vào các học giả có xu hướng ít phòng thủ, những người như nhà xã hội học Hans Speier và nhà lý thuyết chính trị Albert Wohlstetter. Những người này liên tục di chuyển giữa các giảng đường và phòng thí nghiệm của tập đoàn RAND, nơi họ phàn nàn về những người biểu tình và đưa ra những bài thuyết trình đáng sợ về một cuộc tận thế bởi chiến tranh hạt nhân.

Gewen thích đặt Kissinger trong số các trí thức Weimar di cư ưu tú hơn, mặc dù “những tương đồng về gia tộc” mà ông phát hiện ra khó có thể xác định được.  Arendt không bao giờ nồng nhiệt với ông, nhưng cả hai đã chia sẻ một sự thất vọng về những hành động sớm của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Trong cuốn sách của bà, 'On Revolution' [Về cách mạng], Arendt đã lo lắng rằng các quốc gia hậu thuộc địa, thay vì chọn việc sao chép các thể chế chính trị của Hoa Kỳ, sẽ tuân theo kịch bản giải phóng kinh tế của chủ nghĩa cộng sản thông qua cách mạng. Kissinger lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải phát huy tốt hơn ý thức hệ của mình, và ông đã làm thế như một nhà truyền giáo nhiệt thành, vượt xa những gì Arendt từng dự định. Kissinger nói trong một cuộc phỏng vấn với Mike Wallace vào năm 1958: “Một xã hội tư bản, hay, điều thú vị hơn đối với tôi, một xã hội tự do, là một hiện tượng mang tính cách mạng hơn so với chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XIX. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục các cuộc tấn công tinh thần”. Đây là sự thôi thúc, không phải của một trí thức phê phán, mà là của một người không còn nghi ngờ gì về sứ mệnh toàn cầu của Hoa Kỳ.

Một người di cư khác có quan điềm gần gũi hơn với Kissinger là Hans Morgenthau, cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực hiện đại trong chính sách đối ngoại. Hai người gặp nhau tại Harvard và duy trì một tình bạn học thuật mà sẽ tàn phai dần sau nhiều thập kỷ. Gewen viết: “Không có nhà tư tưởng nào có ý nghĩa với Kissinger hơn là Morgenthau”. Giống như Kissinger, Morgenthau đã trở nên nổi tiếng với một cuốn sách đầy ảnh hưởng về chính sách đối ngoại, “Politics Among Nations” [Nền chính trị giữa các quốc gia] (1948). Và ông chia sẻ niềm tin của Kissinger, rằng chính sách đối ngoại không thể để lại cho các nhà kỹ trị với các sơ đồ và số liệu thống kê. Nhưng, không giống như Kissinger, Morgenthau không sẵn sàng hy sinh các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực của mình để tạo dựng ảnh hưởng chính trị. Vào giữa thập niên 1960, khi làm cố vấn cho Chính quyền Johnson, ông đã công khai chỉ trích Chiến tranh Việt Nam, một cuộc phiêu lưu mà ông cho rằng sẽ gây nguy hiểm cho vị thế siêu cường của Hoa Kỳ, khiến Johnson phải sa thải ông.

Hoa Kỳ chưa bao giờ thiếu các chính khách có khả năng truyền đạt tầm nhìn về lợi ích quốc gia của họ cho công chúng. Nếu Kissinger là một người theo chủ nghĩa hiện thực, thì theo nghĩa này, việc kiểm soát sự hình dung về chính sách đối ngoại trong công chúng trở thành mối ưu tiên. Morgenthau, mặc dù cũng nhấn mạnh về quyền lực của nhà nước, tin rằng sự hình dung đó không khác quá nhiều so với khả năng của nhà nước để thực thi quyền lực của mình. Nếu Hoa Kỳ làm đảo lộn trạng thái cân bằng tinh tế này, như ông tin rằng nó đang như vậy đối với những gì nó đang thực hiện tại Việt Nam, thì các quốc gia khác, vốn thực tế hơn trong đánh giá của họ, sẽ tận dụng được lợi thế. Điều tốt nhất mà một người theo chủ nghĩa hiện thực có thể làm là thích nghi với các tình huống, làm việc hướng tới lợi ích quốc gia theo nghĩa hẹp, trong khi các quốc gia khác hành động theo hướng của họ. Những quan niệm lý tưởng hóa về sự tiến bộ của loài người không có chỗ trong ý đồ của ông. Gewen viết, đối với Morgenthau, “chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi trong các vấn đề quốc tế”, “nhưng sự chuẩn bị cho chiến tranh là tất yếu”. Các cuộc chiến tranh được tiến hành bởi những người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ ít tàn phá hơn so với những cuộc chiến do những người theo chủ nghĩa lý tưởng hóa vốn tin rằng họ đang chiến đấu vì nền hòa bình phổ quát.

Morgenthau đã thất vọng khi Kissinger ủng hộ cuộc Chiến tranh Việt Nam trước công chúng, mặc dù Kissinger đã thừa nhận riêng với ông rằng Hoa Kỳ không thể chiến thắng. Điều này đã khiến Kissinger gần gũi hơn với nhà lý luận chính trị Sheldon Wolin - một người Do Thái di cư khác, người đã chiến đấu trong chiến tranh và học tại Harvard với William Yandell Elliott, sử gia và nhà cố vấn chính trị cho sáu đời tổng thống Hoa Kỳ, để phân tích sâu về bản năng nghề nghiệp của Kissinger. Wolin quan sát thấy, nhìn bề ngoài, sự xuất hiện của Kissinger sẽ không phù hợp với thái độ bài giới tinh hoa của Nixon. Nhưng việc ghép đôi là hoàn hảo: Nixon cần một người có thể nâng cao chủ nghĩa cơ hội của ông hướng tới một mục đích cao hơn và khiến ông cảm thấy mình là một nhân vật vĩ đại trên sân khấu lịch sử. Như Wolin đã viết, “Không điều gì có thể giúp an ủi với tâm hồn cằn cỗi và sự thiếu tài ăn nói đó của Nixon hơn là tiếng nói đầy thẩm quyền của Tiến sĩ Kissinger, người thường xuyên nói một cách đầy hiểu biết về ‘ý nghĩa của lịch sử’ ”. Sau này, Kissinger thích đề cập đến những nỗi lo ngại về việc cộng tác với với Nixon: ông đã rất thành công trong việc huy động truyền thống học thuật của dòng họ mình ở Washington, đến nỗi ông suýt được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng thống của Nixon, ngay cả khi Nixon đã lựa chọn ứng của viên đảng Dân chủ, Hubert Humphrey, vào vị trí này.

 *

Năm 1972, khi nhà báo người Ý Oriana Fallaci yêu cầu Kissinger giải thích về sự nổi tiếng của mình, ông nói, “Điểm chính nảy sinh từ việc tôi đã luôn hành động một mình”. Các nhà phê bình và những người bảo vệ đều có xu hướng chấp nhận sự tự đánh giá này, nhưng hồ sơ của ông cho thấy một nhân vật trần tục hơn, người đã đồng hóa các giả định về chính sách đối ngoại đang thịnh hành. Động thái gây tranh cãi nhất của ông có những điềm báo rõ ràng. Tổng thống Johnson cũng đã bí mật ném bom Campuchia, và vào năm 1965, ông đã bỏ qua tội diệt chủng của Suharto ở Indonesia, với quy mô vượt xa so với cuộc diệt chủng tại ở Đông Timor mà Kissinger từng ủng hộ. Các biện pháp can thiệp được Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm ngăn chặn việc loại bỏ Allende đã kéo theo sự tham gia của hàng chục quốc gia ở Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Kể từ khi rời chính trường, Kissinger hiếm khi thách thức sự đồng thuận, chứ chưa nói đến việc đưa ra những đánh giá bất lợi gây phiền phức, như đặc trưng vốn có George Kennan, người đã cảnh báo Tổng thống Clinton chống lại sự bành trướng của NATO sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là một hướng dẫn để đo lường bản năng của Kissinger chống lại những người thực sự theo chủ nghĩa hiện thực, chẳng hạn như nhà khoa học chính trị của Đại học Chicago John Mearsheimer. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mearsheimer đã cam kết rất cao với nguyên tắc “cân bằng quyền lực” đến nỗi ông đưa ra đề nghị nổi bật là cho phép phổ biến hạt nhân tại nước Đức thống nhất và khắp Đông Âu. Kissinger, vốn không thể nhìn ra ngoài đường chân trời của Chiến tranh Lạnh, đã không thể tưởng tượng ra bất kỳ mục đích nào khác để phục vụ cho cho sức mạnh của Hoa Kỳ ngoài việc theo đuổi quyền lực tối cao toàn cầu.

Mặc dù Kissinger đã chỉ trích chủ nghĩa can thiệp của các nhà bảo thủ mới, nhưng hiếm khi có một cuộc phiêu lưu quân sự của Hoa Kỳ, từ Panama đến Iraq, đã không đạt được sự chấp thuận của ông. Trong tất cả những suy ngẫm về trật tự thế giới, ông đã không nghĩ sự trỗi dậy của Hoa Kỳ để trở thành một siêu cường toàn cầu đã diễn ra một cách ngẫu nhiên và tình cờ như thế nào. Không có yếu tố nào báo hiệu điều này tại Hoa Kỳ với truyền thống cộng hòa từ trước cuộc Đại chiến Hai.

Mặc dù Kissinger có thể không bắt nguồn từ các câu châm ngôn mà ông biết đến nhiều nhất, thật khó để tìm thấy các cuộc thảo luận về chúng mà không đề cập đến sự nghiệp của ông. Như Grandin đã chỉ ra, học thuyết “một phần trăm” của Phó Tổng thống Dick Cheney - ý tưởng cho rằng một nhà nước phải hành động để chống lại kẻ thù nếu có cơ hội tốt nhất mà họ có thể làm hại kẻ thù đó, thì ông chính là người theo trường phái Kissinger; và khi Karl Rove, cố vấn chính trị của George W. Bush, từng nói một câu nổi tiếng: “Chúng tôi tạo ra thực tại của riêng mình”, ông đã lặp lại những lời của Kissinger từ bốn mươi năm trước. Vào năm 2010, các luật sư của Chính quyền Obama đã sử dụng tiền lệ của Nixon và Kissinger đối với việc ném bom Campuchia như là một phần trong lập luận của họ để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tiêu diệt nghi phạm khủng bố tại chiến trường Afghanistan bằng máy bay không người lái. Bộ Tư pháp lập luận rằng hành động quân sự ở những nơi như Yemen là hợp lý khi các mối đe dọa được công nhận đã lan rộng ở đó. Vụ ám sát chỉ huy Iran Qassem Suleimani gần đây của Chính quyền Trump, với ý định làm cho người Iran sợ hãi để họ ngừng các chiến dịch quân sự tại Trung Đông, phù hợp với tư tưởng về “sự tín nhiệm” của Kissinger.

“Các nhà sử học có thể học được rất nhiều điều về những năm sau Thế chiến II chỉ bằng cách nghiên cứu những thăng trầm của người nổi tiếng Kissinger”, Gewen đánh bạo kết luận như vậy ở cuối cuốn sách của mình. Mối quan hệ nguy hiểm đến từ phần cuối của cuốn sách của ông. Người ta có thể đi xa hơn: sân khấu trình diễn chính của “chủ nghĩa hiện thực” kiểu Kissinger nằm trong sự kiểm soát danh tiếng về mình của chính ông, trong việc ông biến một màn trình diễn theo quy ước thành một biểu tượng của sự điêu luyện trong ngoại giao. Đôi khi dường như có một sự đồng thuận mang tính vô thức giữa Kissinger và những kẻ nói xấu ông. Nếu tất cả các tội lỗi của nhà nước an ninh Hoa Kỳ có thể đẩy hết cho Kissinger, thì tất cả các bên sẽ đều có được những gì họ cần: vị trí của Kissinger như một nhân vật của lịch sử thế giới sẽ được đảm bảo, và những người phê phán ông có thể coi chính sách đối ngoại của ông là một ngoại lệ chứ không phải một quy tắc. Sẽ thật thoải mái khi tin rằng những người Mỹ theo đuổi chủ nghĩa tự do có khả năng nhìn thấy rằng chính trị không chỉ là vấn đề của phong cách cá nhân, và hồ sơ lịch sử sẽ chiếm ưu thế, nhưng sự sùng bái lâu dài của Kissinger chỉ ra một khả năng còn khó chấp nhận hơn: Kissinger chính là người Mỹ chúng ta. ♦

(Được xuất bản trong ấn bản in ngày 18 tháng 5 năm 2020, với tiêu đề là ‘The Wages of Realism [Những hậu quả của chủ nghĩa hiện thực]’).

* Thomas Meaney là một thành viên của Max Planck Society tại Gottingen; và tại Quincy Institute for Responsible Statecraft, một think-tank tại Washington, D.C, nghiên cứu về việc sử dụng quyền lực trong quan hệ quốc tế một cách có trách nhiệm.

(Nguồn: https://www.newyorker.com/.../18/the-myth-of-henry-kissinger)

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: