PHI-THẾ GIỚI: CÁC NHẬN THỨC CỦA TRUNG QUỐC VỀ TRẬT TỰ QUỐC TẾ PHƯƠNG TÂY

13/ 03/ 2023

 PHI-THẾ GIỚI: CÁC NHẬN THỨC CỦA TRUNG QUỐC VỀ TRẬT TỰ QUỐC TẾ PHƯƠNG TÂY

Matti Puranen

Nguyễn Trung Kiên lược dịch  

 


 

 

“Trật tự quốc tế tự do” và các ý tưởng cốt lõi của nó, như dân chủ, nhân quyền hay thương mại tự do, đã gặp phải một số thách thức ngày càng tăng trong thập kỷ qua; tuy nhiên, lại thiếu sự thách thức dành cho các mô hình về trật tự. Trong Chiến tranh Lạnh - đặc biệt là trong những thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ Hai - sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế cộng sản và lợi thế hàng đầu của họ trong công nghệ vũ trụ dường như đã chứng minh rằng học thuyết Mác-xít – Lêninít đã thực sự cung cấp ý thức hệ và mô hình phát triển mang tính thay thế cho toàn bộ nhân loại Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các cường quốc đã không thể đề xuất bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào cho trật tự chính trị hiện tại, vốn đang được cấu thành bởi các nhà nước-dân tộc với nền kinh tế thị trường và các chính thể ít nhiều dân chủ.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang cố gắng xây dựng một tầm nhìn thay thế. Tại Trung Quốc, sự suy giảm trật tự quốc tế do các nước phương Tây lãnh đạo, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc để vươn lên vị trí truyền thống là “quốc gia trung tâm” hàng đầu, đang được coi là dòng chảy lịch sử gần như không thể tránh khỏi.

Dàn lãnh đạo ngày càng tự tin của Trung Quốc xoay quanh Chủ tịch Tập Cận Bình đang lập luận rằng, thực sự, có một ‘con đường Trung Quốc’ độc nhất có thể đưa ra các giá trị và thể chế truyền thống của Trung Quốc như là giải pháp cho các vấn đề toàn cầu chung của chúng ta, và được trình bày chính xác như là một giải pháp thay thế cho ‘các tư tưởng phương Tây’ như dân chủ tự do hoặc kinh tế thị trường. Nghiêm Học Thông, có lẽ là học giả nổi tiếng nhất về chính trị quốc tế của Trung Quốc, đã lập luận tương tự rằng, vì Trung Quốc thật sự là một trong các cường quốc đang trỗi dậy, nên nó cũng sẽ là suối nguồn tiềm năng nhất cho một hệ tư tưởng toàn cầu mới, trong dài hạn, để thay thế chủ nghĩa tự do .

Việc tìm kiếm một “con đường Trung Quốc” cũng có thể được tìm thấy trong giới học thuật Trung Quốc về chính trị học quốc tế. Các học giả Trung Quốc đang ngày càng lập luận rằng chính trị học quốc tế không nên được nghiên cứu chỉ dựa vào các lý thuyết phương Tây về quan hệ quốc tế, như chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự do, vì chúng chỉ dựa trên kinh nghiệm lịch sử của phương Tây và do đó chỉ dựa trên quan niệm hẹp của ‘phương Tây’ về chính trị quốc tế, và, quan trọng hơn, về những gì mà nền chính trị quốc tế có thể trở thành trong tương lai.

Thay vào đó, các khái niệm và triết lý chính trị cổ đại của Trung Quốc, như Khổng giáo hay Pháp gia, đang được nghiên cứu lại. Chúng được coi như là từng cung cấp những sự khôn ngoan chính trị vốn đang bị lãng quên tạm thời, vì vậy nên được khai thác ngay bây giờ, khi cả Trung Quốc và thế giới đang bước vào kỷ nguyên đầy thách thức của cạnh tranh đa cực và các mối đe dọa toàn cầu đang trỗi dậy. Những ý tưởng và lý thuyết mới này không chỉ là mối quan tâm triết học. Trong môi trường học thuật được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, chúng có thể được coi là một sự mở rộng của các diễn ngôn chính trị chính thức, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Đảng kiểm soát các định hướng lớn của giới hàn lâm, nhưng các ý tưởng đang chi phối này chảy ngược lên để tác động đến sự lãnh đạo chính trị trong mối quan hệ hai chiều. Do đó, như đã được Trương Phong của Đại học Quốc gia Úc nói rõ, giới trí thức của Trung Quốc “có ảnh hưởng lớn hơn so với giới trí thức ở nhiều nước phương Tây, một cách nghịch lý, bởi hệ thống chính trị đàn áp của Trung Quốc biến cuộc tranh luận về của giới trí thức thành một hình thái chính trị thay thế”.

Một trong những thành quả có ảnh hưởng nhất của sự phục hưng tư tưởng truyền thống Trung Quốc này là “lý thuyết ‘thiên hạ’ ”. Lý thuyết ‘thiên hạ’ cố gắng sử dụng một khái niệm chính trị / triết học cổ xưa của Trung Quốc về ‘thiên hạ’ ( 天下) để tạo ra một tầm nhìn quốc tế cho toàn thế giới. Đồng thời, lý thuyết ‘thiên hạ’ được sử dụng để chỉ trích trật tự quốc tế đang thịnh hành và khuôn khổ thể chế cũng như ‘tư tưởng chính trị phương Tây’ đằng sau nó, cả hai đều được coi là không thể giải quyết các vấn đề của thế giới toàn cầu hóa.

Do đó, từ các cuộc thảo luận và tranh luận xung quanh lý thuyết ‘thiên hạ’, xuất hiện một câu chuyện thú vị về “phương Tây”, vừa là một nền văn minh lịch sử vừa là một tác nhân chính trong nền chính trị thế giới. Thay vì đứng trên đỉnh cao của tính hiện đại, câu chuyện do Trung Quốc kể đã mô tả phương Tây trong thế bị Trung Quốc tấn công, tự cho mình là trung tâm, và không thể hiểu chính trị quốc tế từ ‘quan điểm thế giới’. Chương sách này tập trung vào các câu chuyện kể của Trung Quốc về phương Tây trong nền chính trị thế giới được phát triển bởi các học giả về chính trị quốc tế Trung Quốc. Dữ liệu nghiên cứu bao gồm các chuyên khảo cũng như các bài báo hàng đầu trên các tạp chí Trung Quốc, như tạp chí “Kinh tế và Chính trị Thế giới” (世界经济与政治) – những công trình sẽ thảo luận và phát triển lý thuyết ‘thiên hạ’ và các khái niệm cốt lõi của nó.

TÌM KIẾM MỘT QUAN ĐIỂM VỀ THẾ GIỚI CỦA TRUNG QUỐC

Sau khi ‘nhà cầm lái vĩ đại’ Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc bắt tay vào một dự án ‘cải cách và mở cửa’, trong đó xã hội Mao-ít bị tan rã thành từng mảnh. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được tư nhân hóa và trật tự xã hội dựa trên nền tảng giai cấp và chiến tranh giai cấp đã bị giải thể. Các công ty nước ngoài một lần nữa đã được cho phép và thậm chí được mời đầu tư vào Trung Quốc.

Một sự điều chỉnh tương tự đã diễn ra trong không gian ý thức hệ của Trung Quốc. Khi các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu, Trung Quốc cũng bắt đầu cải cách hệ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản Mao-ít. Phép tu từ ‘đấu tranh giai cấp’ đã được bỏ đi trong bản Hiến pháp mới năm 1982, và các yếu tố xã hội chủ nghĩa còn bị suy yếu hơn nữa trong các sửa đổi hiến pháp sau này. Trong những năm 1990, chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một ý thức hệ chỉ đạo của Trung Quốc đã trở nên gần như một cái vỏ rỗng. Các khái niệm như ‘kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ hay ‘chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc’ đã và vẫn đang bị vứt bỏ, và ý nghĩa của chúng ngày càng trở nên mơ hồ tại một đất nước Trung Quốc mới của những tòa nhà chọc trời lấp lánh và những doanh nhân bận rộn, chạy quanh với những cốc cà phê Starbucks trên tay.

Trong những năm 1949-1978, chủ nghĩa Mao là học thuyết thiêng liêng đưa ra câu trả lời cho hầu hết mọi câu hỏi mà người ta có thể hỏi. Nó đưa ra một bản sắc rõ ràng về người Trung Quốc là ai (người mang sứ mệnh tiên phong trong cuộc cách mạng cộng sản thế giới), họ đã chống lại ai (các nhà tư bản, những kẻ theo chủ nghĩa xét lại, những kẻ thù giai cấp), và nơi mà đất nước của họ đang hướng tới (hướng tới điều không tưởng của chủ nghĩa cộng sản). Quan trọng hơn, ‘chủ nghĩa Mao khoa học’ cũng mang lại sự chính danh hóa mạnh mẽ cho đảng Cộng sản đang cầm quyền và các chính sách cấp tiến của nó.

Trong thời kỳ cải cách, ý thức hệ cộng sản đã không thể trả lời các câu hỏi về bản sắc, và cũng không thể cung cấp cho đảng nhiều tính chính danh. Sự chính danh hóa xuất phát từ thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách đáng kinh ngạc, nhưng không khó để thấy rằng sự phát triển này là do các cải cách dựa trên nền kinh tế thị trường thực dụng chứ không phải dựa trên bất kỳ nguyên tắc xã hội chủ nghĩa nào.

Từ quan điểm của thế giới nói chung, tình hình cũng tương tự. Trong thời kỳ cao trào của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, danh hiệu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho những người cánh tả cực đoan ở khắp mọi nơi. Sau các cuộc cải cách, Trung Quốc đã không thể đưa ra một tầm nhìn thay thế đáng tin cậy cho thế giới, mặc dù công bằng mà nói, họ cũng không cố gắng thực hiện điều đó. Trong chính sách đối ngoại ‘náu mình chờ thời’ của Trung Quốc sau cải cách, sự không can thiệp và tôn trọng chủ quyền nhà nước là những nguyên tắc rất mạnh mẽ.

Tất cả điều này đã thay đổi. Dần dần, ý thức hệ cộng sản đã được thay thế bằng một loại chủ nghĩa dân tộc duy văn hóa, trong đó các tư tưởng, hệ tư tưởng và triết học truyền thống của Trung Quốc đã được phát huy. Từ những năm 1980, chính phủ trung ương đã tài trợ cho các nghiên cứu về Nho giáo bằng cách thành lập các viện nghiên cứu và cung cấp nguồn tài chính cho các dự án nghiên cứu tập trung vào Nho giáo và các triết lý truyền thống khác. Hơn nữa, trong thời đại của Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, ngay cả chính lãnh đạo quốc gia cũng ngày càng sử dụng các khái niệm truyền thống như ‘hòa hợp’ hay ‘nhân loại’, đến mức Valerie Niquet đã phát minh ra một nhãn hiệu cho các bài hùng biện mới này của đảng: ‘các cuộc nói chuyện đầy màu sắc Khổng giáo’ [confu-talk]. Tập Cận Bình cũng thường nhấn mạnh đến khái niệm ‘tự tin về văn hóa’ ( 文化自信 [văn hóa tự tín]), vốn tuyên bố rằng thay vì dựa vào ‘tư duy phương Tây’ hay ‘các giá trị phương Tây’, Trung Quốc có truyền thống văn hóa-trí tuệ lâu đời và lừng lẫy mà nó có thể dựa vào.

Mối quan tâm ngày càng tăng đối với văn hóa truyền thống này thường được gọi là ‘cơn sốt học tập truyền thống’ (国学热 [quốc học nhiệt]). Nó hy vọng sẽ khám phá ra một bản sắc mới, một thế giới quan mới và một tính chính danh mới cho một Trung Quốc hậu công sản từ quá khứ đế quốc của nó. Trong giới học thuật về chính trị quốc tế, các học giả đang nghiên cứu các tác phẩm kinh điển để tạo ra một ‘lý thuyết quan hệ quốc tế của Trung Quốc’, sử dụng lịch sử và triết học Trung Quốc làm nguyên liệu trong nỗ lực phát triển một khuôn khổ lý thuyết và quy phạm mang tính thay thế để diễn giải và hướng dẫn chính trị quốc tế.

Hiểu biết lý thuyết về chính trị quốc tế ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng học thuật của Hoa Kỳ. Khi Trung Quốc mở cửa, và khi các mạng lưới ngoại giao của họ bắt đầu lan rộng ra thế giới vào thập niên 1980, đất nước này phải đối mặt với nhu cầu về kiến thức và chuyên môn ngày càng tăng về quan hệ đối ngoại và chính trị quốc tế nói chung. Lĩnh vực quan hệ quốc tế của Trung Quốc, nếu thậm chí có một lĩnh vực như vậy, đã bị bào mòn trong những năm tháng thời Mao-ít, nhưng với sự giúp đỡ của các quỹ Ford, Rockefeller và Fulbright cùng các quỹ khác, thế hệ các học giả quốc tế đầu tiên về Trung Quốc lại chủ yếu nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Do đó, Trung Quốc về cơ bản đã hấp thụ các lý thuyết về quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, với các lý thuyết dòng chính (chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo) và thậm chí là cái tên của nó (国际关系 [quốc tế quan hệ]).

Sự quan tâm trong việc tạo ra một lý thuyết chính trị quốc tế của Trung Quốc bắt nguồn từ nền tảng này. Theo Tần Á Khanh, Giám đốc Đại học Ngoại giao Trung Quốc đầy uy tín, Trung Quốc không thể dựa vào truyền thống chính trị học quốc tế của Hoa Kỳ hay châu Âu, vì các vấn đề cốt lõi của họ phát sinh từ các nền tảng địa lý, lịch sử và xã hội khác với Trung Quốc. Do đó, theo ông Tần, việc tạo ra một lý thuyết chính trị quốc tế của Trung Quốc không phải chỉ có thể mà còn là bắt buộc. Đồng quan điểm này, ông Triệu Đình Dương, một trong những nhà phát triển lý thuyết ‘thiên hạ’ đáng chú ý nhất, đã kêu gọi ‘tư duy lại về Trung Quốc’ (重思中国 [trùng tư Trung Quốc]) , với hàm ý là Trung Quốc sẽ tái tạo một hệ thống triết học hoàn toàn là của mình để sử dụng.

CÁC KHÁI NIỆM VÀ TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC ĐỂ THAY THẾ ‘PHƯƠNG TÂY’

Sự phát triển của tiến trình lý thuyết hóa này đã tập trung vào ba dòng hoặc trường phái tư tưởng: đầu tiên là ‘trường phái Thanh Hoa’ của Nghiêm Học Thông về quan hệ quốc tế và học thuyết về ‘chủ nghĩa hiện thực đạo đức’; thứ hai, Tần Á Khanh và ‘lý thuyết liên thuộc trong quan hệ chính trị quốc tế’ của ông; và thứ ba, lý thuyết ‘thiên hạ’. Cả ba trường phái này đều áp dụng các khái niệm truyền thống của Trung Quốc như là vật liệu thô để xây dựng lý thuyết, và do đó, có nhiều ý tưởng chồng chéo giữa chúng. Ví dụ, tất cả các trường phái thường nhấn mạnh đến đạo đức và ‘sự lãnh đạo nhân đạo’ như là nguyên tắc chỉ đạo trong chính trị quốc tế, và quan tâm đến tình trạng quan hệ của các đơn vị chính trị trong các hệ thống lớn hơn. Tất cả các trường phái cũng coi đó là mục tiêu cốt lõi của chúng để đưa ra một số hướng dẫn quy phạm về cách ổn định trật tự quốc tế và về cách kết hợp với Trung Quốc một cách hòa bình vào hệ thống đó. Chức năng kép này mang di sản của tư tưởng Mác-xít, trong đó lý thuyết (理论 [lý luận]) chủ yếu được xem là “hành động chính trị mang tính hướng dẫn”, thay vì chỉ đơn giản là phân tích hoặc giải thích các sự kiện. Do đó, một cách tương tự, lý thuyết quốc tế của Trung Quốc cũng vì thế mà đóng vai trò là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tuyên bố cốt lõi của lý thuyết ‘thiên hạ’ đang phát triển mạnh ngày nay là, trong phần lớn lịch sử của mình, Trung Quốc là trung tâm của một trật tự quốc tế Đông Á độc đáo, hệ thống ‘thiên hạ’. ‘Thiên hạ’ được phân cấp chặt chẽ và được tổ chức tập trung, nhưng nó cũng là một hệ thống ‘hài hòa’ và lỏng lẻo, cho phép sự đa dạng văn hóa trong không gian của nó. Đó là một phương pháp thay thế để tổ chức các mối quan hệ quốc tế trước khi các cường quốc phương Tây áp đặt trật tự kiểu Westphalian của họ trên toàn thế giới [mỗi nhà nước đều có toàn quyền trên vùng lãnh thổ của nó (ND)]. Theo các nhà lý thuyết ‘thiên hạ’, nghiên cứu các nguyên tắc và thể chế của trật tự cổ xưa này có thể mang lại nhiều hiểu biết sâu sắc cho việc cải cách trật tự quốc tế tự do đang gặp khó khăn hiện nay.

Cho dù một hệ thống hài hòa như vậy đã từng thực sự tồn tại hay chưa vẫn còn đang được tranh luận, nhưng hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng các nhà cai trị Trung Quốc đã tổ chức một thế giới quan ‘thiên hạ’ khá mạch lạc và không thay đổi. Kể từ những triều đại đầu tiên (triều đại nhà Chu, 1046-256 TCN), giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đã coi đó là sự cai trị toàn thế giới, “tất cả thiên hạ”, theo các nguyên tắc của Khổng giáo về sự cai trị nhân từ mang tính phân cấp. Trong vũ trụ quan này, hoàng đế được cho là ‘thiên tử’ (天子), và chính Trời được cho là một vị thần hoặc một thế lực vũ trụ siêu việt. Trời đã trao cho con trai ông, vị hoàng đế, một nhiệm vụ cho cai trị các vùng lãnh thổ trên mặt đắt - chỉ miễn là vị hoàng đế này thuận theo ý muốn của Trời. Trong vũ trụ quan này, không có “các nhà nước có chủ quyền”, vì mọi người dưới Trời đều nằm dưới quyền lực của hoàng đế. Các vương quốc nhỏ hơn hoặc các đơn vị chính trị khác mọi lúc mọi nơi sẽ cần phải chứng minh sự phục tùng của họ bằng cách gửi các sứ giả triều cống đến thủ đô của Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thiên tử không thể hành động độc tài, bởi vì “tất cả ở dưới trời” sẽ chỉ được bình an và thịnh vượng khi ông tuân theo các quy tắc của quyền sở hữu (礼) và hành động đúng đắn.

Loại vương quốc lấy dân tộc mình làm trung tâm mang tính phổ quát này tất nhiên không phải là duy nhất đối với Trung Quốc. Bằng các ví dụ khác, người ta có thể đề cập đến sự khác biệt nổi tiếng giữa người Hy Lạp và ‘dân man rợ’, và ý tưởng Hoa Kỳ là “một thành phố sáng chói trên các ngọn đồi” giữa các quốc gia khác. Benjamin Schwartz đã lập luận rằng điều độc đáo trong trường hợp của nền văn minh Trung Quốc là trong phần lớn lịch sử, Trung Quốc gần như bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới bởi các rào cản tự nhiên. Không giống như các vương quốc phổ quát ở nơi khác, đế chế Trung Quốc không bao giờ gặp phải bất kỳ đối thủ tiên tiến về văn hóa nào có thể phủ nhận vũ trụ quan ‘lấy Trung Hoa làm trung tâm’ của nó. Trái lại, việc các nước láng giềng chính của Trung Quốc - Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam - đã áp dụng hệ thống tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc, cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác, dường như đã chứng minh điều đó. Các bộ lạc du mục vùng Tây Bắc, mặc dù có thể đột kích các khu vực biên giới của Trung Quốc và thực hiện một số tàn phá nghiêm trọng, những vẫn bị coi chỉ là những kẻ man rợ. Họ cũng cuối cùng sẽ được khai hóa văn minh bởi uy quyền tối cao về đạo đức và văn hóa của Trung Hoa - vương quốc trung tâm.

Vũ trụ quan ‘thiên hạ’ này đã thống trị thế giới quan và triết học của đế chế Trung Quốc cho đến thế kỷ XIX, khi các cường quốc phương Tây đến cùng với các pháo hạm tiên tiến về công nghệ, và buộc nó phải sụp đổ. Vũ trụ quan chính trị phương Tây khác đáng kể với vũ trụ quan ‘thiên hạ’. Nó dựa trên một ý tưởng về các quốc gia bình đẳng và có chủ quyền sẽ tương tác trong trật tự quốc tế theo các luật và thể chế phổ quát nhất định. Cạnh tranh, ngoại giao, thương mại và chiến tranh là tất cả các hợp phần không thể thiếu của trật tự quốc tế này, thường được cho là đã được chính thức hóa trong Hiệp ước Westfalen năm 1648.

Suốt thế kỷ XIX, Trung Quốc dần biết rằng thế giới quan coi mình là trung tâm của ảo ảnh ‘tất cả dưới Trời’ là một ảo tưởng. Triều đại cuối cùng, nhà Thanh (1644-1911), đã giao động khi nó cố gắng tự định hướng trong điều kiện chính trị thay đổi nhanh chóng. Nó đã cố gắng áp dụng một số yếu tố của sức mạnh phương Tây (như công nghệ quân sự) để chống lại những kẻ xâm nhập, nhưng đồng thời nó đã cố gắng giữ vững các tư tưởng và vũ trụ quan của Khổng giáo. Nó không thể có cả hai. Đế chế Trung Quốc và hệ thống ‘thiên hạ’ xung quanh nó cuối cùng đã sụp đổ trong cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, sau đó Cộng hòa Trung Hoa dân quốc được thành lập.

Trong những năm đau đớn này, Trung Quốc buộc phải thừa nhận rằng thay vì là tất cả ‘mọi thứ dưới trời’, nó chỉ đơn giản là một quốc gia (国) trong một hệ thống các quốc gia lớn hơn (万国, [vạn quốc]). Khái niệm ‘thiên hạ’ sau đó đã được thay thế bằng khái niệm ‘thế giới’ (世界) của phương Tây. Cùng lúc đó, nhiều khái niệm mới khác, chẳng hạn như dân tộc (民族), người Trung Quốc (中国人), hoặc nhân dân (人民), phải được nhập khẩu vào ngôn ngữ Trung Quốc, khi mà trong sự hình thành khái niệm về thế giới của lý thuyết ‘thiên hạ’ đều không có chỗ cho những tư tưởng như vậy.

SỰ TRỞ LẠI CỦA ‘THIÊN HẠ’

Trong suốt thế kỷ XX, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia và vào cuối thế kỷ này, cuối cùng nó đã ổn định về chính trị và kinh tế. Bây giờ, khi việc tìm kiếm bản sắc hậu cộng sản của Trung Quốc đang được tăng cường, khái niệm ‘thiên hạ’ từng bị lãng quên nay đã được hồi sinh. Các nhà sử học, triết gia chính trị và học giả về chính trị quốc tế đang nghiên cứu khái niệm và tiềm năng của khái niệm này đối với tư duy về quốc tế của Trung Quốc.

Lý thuyết ‘thiên hạ’ ở dạng hiện đại lần đầu tiên được đề xuất bởi một nhà kinh tế tự do Thành Hồng, trong một bài viết ngắn nhưng đầy ảnh hưởng vào năm 1996, “Từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa ‘thiên hạ’”. Ý tưởng đã được đưa vào dòng tư tưởng chính bởi Triệu Đình Dương, một nhà triết học của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, với cuốn sách của mình, Tianxia System [Hệ thống thiên hạ], xuất bản năm 2005. Sau khi cuốn sách của Triệu được xuất bản, một cuộc thảo luận sôi nổi về tiềm năng của khái niệm này đã xuất hiện và vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù không bao giờ trở thành một mô hình lý thuyết hàng đầu, Triệu và Thành đã đưa ra ý tưởng về một thế giới quan độc đáo ‘trong chương trình nghị sự’, và nền học thuật Trung Quốc đã giải thích và phân tích tư duy chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng cách áp dụng tư tưởng của họ. Hơn nữa, ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng ngày càng đưa các khái niệm từ lý thuyết ‘thiên hạ’ vào các diễn ngôn mang tính tu từ trong chính sách đối ngoại của mình: chẳng hạn, Tập Cận Bình đã tuyên bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2015 rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm tạo ra ‘một thế giới thực sự chia sẻ bởi tất cả mọi người’ (天下为公 [thiên hạ vi công]).

Điều đã giúp thống nhất các nhà lý thuyết ‘thiên hạ’ chính là niềm tin rằng trật tự ‘thiên hạ’ mang tính ‘phân cấp’ của Trung Quốc ổn định và hòa bình hơn so với trật tự ‘vô chính phủ’ của phương Tây. Nó cũng bao gồm nhiều lý tưởng đạo đức có giá trị mà thế giới toàn cầu hóa có lẽ có thể thấy hữu ích. Một trong những tuyên bố chính về ‘thiên hạ’ là nó ‘không có bên ngoài’ (无外 [vô ngoại]). Bởi nó bao phủ tất cả dưới Trời, không thể tồn tại bất kỳ biên giới bên ngoài nào, và do đó mọi nền văn hóa, bộ lạc hoặc vương quốc đều được chấp nhận trong đó. Kể cả nếu có các nền văn hóa xa lạ và man rợ sống xa trung tâm, họ cung bị không được xem là bên ngoài của ‘thiên hạ’, mà chỉ đơn thuần là quá xa ảnh hưởng văn minh của nó. Với tư tưởng ‘thiên hạ’, tranh luận đã diễn ra, hài hòa và cởi mở với sự khác biệt, vì nhiều tôn giáo và hệ thống tư tưởng khác nhau (ví dụ Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Hồi giáo) cùng tồn tại trong hòa bình. Không có “người khác” trong ‘thiên hạ’, và cũng không cần phải cải biến người khác theo văn hóa của mình.

Một phép ẩn dụ chung khác mà các nhà lý thuyết đề xuất là ‘thiên hạ’ sẽ giống như một gia đình lớn (天下一家 [thiên hạ nhất gia]). Thay vì các quốc gia cạnh tranh khốc liệt như ở ‘phương Tây’, ‘thiên hạ’ được tưởng tượng là một gia đình lớn, với hoàng đế Trung Quốc là vị vua đáng kính và chính nghĩa, và các quốc gia nhỏ hơn, các vương quốc và các bộ lạc là những con hiếu thảo của họ. Một nhà nước con sẽ cần phải tôn trọng nhà nước cha, đổi lại, nó sẽ nhận được các lợi ích về an ninh, sự công nhận và các lợi ích kinh tế. Do đó, hệ thống phân cấp trong ‘thiên hạ’ không thể so sánh với “quyền bá chủ” như được hiểu trong truyền thống tư tưởng quốc tế của phương Tây. Các nhà lý luận này lập luận rằng, thay vì quyền lực tối cao của quân đội, một hệ thống ‘thiên hạ’ thực sự chỉ có thể dựa trên sự lãnh đạo gương mẫu về mặt đạo đức trong đó hệ thống phân cấp của hệ thống được chấp nhận và thậm chí được cổ xúy bởi tất cả các thành viên. Theo Triệu: “một mình nắm giữ quyền lực chính trị hoặc lãnh thổ không bằng ‘nắm được thiên hạ’. […] ‘Nắm được thiên hạ’ có nghĩa là có sự chấp thuận của xã hội và đại diện cho sự lựa chọn của dân chúng”.

Các nhà lý thuyết ‘thiên hạ’ thấy trật tự quốc tế tự do hiện nay của các quốc gia bình đẳng và có chủ quyền là hỗn loạn và không ổn định. Ngay cả khi trật tự được xác lập ổn định trong một thời đoạn ngắn của lịch sử, thì giờ đây nó đã trở nên lỗi thời khi thế giới toàn cầu hóa và liên kết ngày càng sâu sắc, cùng đối mặt với các vấn đề ngày càng gia tăng, như bất bình đẳng toàn cầu và biến đổi khí hậu, rằng không có quốc gia hay thậm chí là một nhóm các quốc gia có thể tự xử lý. Các nhà lý thuyết cho rằng khái niệm ‘thiên hạ’ giống như một hạt giống triết học, khi được gieo trồng, có thể phát triển thành một khuôn khổ cho một xã hội toàn cầu mang tính thay thế. Thay vì một hoàng đế, ‘thiên hạ’ mới có thể có một loại ‘thể chế thế giới’ nào đó mà sẽ giám sát lợi ích của toàn hành tinh và đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột chính trị.

Lý thuyết ‘thiên hạ’ đã gặp phải sự chỉ trích nặng nề cả trong và ngoài Trung Quốc. Đặc biệt là các nhà sử học, như Cát Triệu Quang, đã lập luận rằng trật tự ‘thiên hạ’ trong lịch sử chỉ là một ảo mộng không tưởng trong kinh điển của các học giả Nho giáo, và logic thông thường của nền chính trị dựa trên quyền lực vĩ đại thống trị ở Trung Quốc cũng giống như ở bất kỳ nơi nào khác. Ở phương Tây, các nhà Trung Hoa học nổi tiếng như William Callahan và June Teufel Dreyer cũng đã đưa ra những nhận xét quan trọng về tính chính xác lịch sử trong các lập luận cơ bản của lý thuyết này.

Điều đặc biệt cho các cuộc thảo luận xung quanh lý thuyết ‘thiên hạ’ là trật tự ‘thiên hạ’ trong cổ đại là như thế nào, và cách thức tổ chức ‘thiên hạ’ toàn cầu mới là những vấn đề đang tranh cãi nặng nề. Một số người, chẳng hạn như Triệu Đình Dương, cho rằng hình thức trung thực nhất của ‘thiên hạ’ chỉ có thể được tìm thấy trong hệ thống phong kiến đầy lỏng lẻo trong thời kỳ đầu của triều đại nhà Chu. Nhưng đối với những người khác, như Thành Hồng, ‘thiên hạ’ có nghĩa là đế chế thống nhất của Trung Quốc sau khi thành lập triều đại nhà Hán. Nhiều nhà lý thuyết ‘thiên hạ’ chỉ ra ‘hệ thống phụ lưu’ của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, và thậm chí còn có một phái theo chủ nghĩa tự do trong các nhà lý thuyết về ‘thiên hạ’ (Lưu Thanh, Từ Cát Lâm, Bạch Đồng Đông) cho rằng trật tự ‘thiên hạ’ mới không nên có một thể chế trung ương thống trị.

Nhưng ngay cả khi khái niệm về ‘thiên hạ’ còn khá mập mờ và được mô tả mơ hồ, thì tất cả các nhà lý thuyết đều đồng ý rằng ‘thiên hạ’ phải là một cái gì đó khác với ‘phương Tây’. Nó không thể đơn giản là một đế chế như các đế chế lịch sử khác, mà nó phải là một hệ thống chính trị quốc tế độc đáo của Trung Quốc. Tạo một bản sắc cho chính mình luôn cần ‘sự khác biệt, một tấm gương để phản ánh sự độc đáo của chính mình. Trong các cuộc thảo luận xung quanh lý thuyết ‘thiên hạ’, thì khái niệm ‘thiên hạ’, bất kể được định nghĩa như thế nào, luôn được đặt ra để chống lại một nền văn minh phương Tây trong tưởng tượng và hệ thống tư tưởng phương Tây.

Hầu hết các nhà lý thuyết dường như đồng ý với nhau về những đặc điểm của phương Tây, và phương Tây như là một khái niệm (西方 [Tây phương]) không thực sự có vấn đề hoặc đáng nghi vấn trong diễn ngôn về ‘thiên hạ’. Về mặt địa lý có vẻ như nó chỉ châu Âu và (hoặc) Hoa Kỳ, nhưng định nghĩa không bao giờ được xây dựng rõ ràng. Một loại bản chất luận tương tự cũng được áp dụng cho nền văn minh Trung Hoa, và những yếu tố được tận dụng. Với thứ chủ nghĩa nhị nguyên này, các nhà lý thuyết về ‘thiên hạ’ đang xây dựng một đại tự sự ‘theo kiểu phương Tây’ về nền văn minh phương Tây. Trong tự sự này, trật tự quốc tế đầy hỗn loạn hiện nay là kết quả của di sản triết học và hệ thống giá trị của phương Tây, vốn thiếu đi một tầm nhìn ‘mang tính thế giới’.

Văn minh phương Tây ở đây ở đây được hiểu như một hình ảnh và một sự tường thuật ít nhiều bị bóp méo về ‘phương Tây’ như một thực thể xã hội-văn hóa mang tính cố kết và là một tác nhân chính trong nền chính trị thế giới. Phép tu từ theo kiểu phương Tây cố gắng nén lại và biến thành thiết yếu vô số các nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống triết học dưới một nhãn hiệu đơn giản là ‘phương Tây’, rất giống với những gì mà thuật hùng biện ‘phương Đông’ đã cố gắng thực hiện với các khu vực rộng lớn và đa dạng của châu Á thành nhãn hiệu ‘phương Đông’. Văn minh phương Tây có thể được các kẻ thù của nó sử dụng để phác họa một hình ảnh vô nhân đạo và tàn bạo của phương Tây, nhưng nó cũng có thể được áp dụng cho các mục đích tích cực và toàn diện: ví dụ, Patrick Thaddeus Jackson đã lập luận về cách mà một nền văn minh lý tưởng hóa của phương Tây đã được tạo tác về mặt tu từ ra sau Chiến tranh thế giới thứ Hai để đưa Đức vào liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Liên Xô.

Hình tượng văn minh phương Tây không phải là một hiện tượng mới trong tư duy của người Trung Quốc. Kể từ khi triều đại nhà Thanh của Trung Quốc xung đột với các cường quốc phương Tây trong thế kỷ XIX, các trí thức Trung Quốc đã buộc phải suy nghĩ lại về vị trí của Trung Quốc trong thế giới rộng lớn hơn. Hình ảnh của phương Tây phải được cập nhật một cách tương tự: thay vì là những con thú lông đỏ được điều khiển bởi bản năng động vật, phương Tây sau đó được tưởng tượng là đại diện cho một nền văn minh khác, thậm chí có thể đứng ngang hàng với Trung Quốc.

Trong quá trình Trung Quốc mở cửa ra thế giới, phương Tây với tư cách là một thực thể tập thể đã trở thành một ‘cái khác’ đầy cực đoan và là chuẩn mực để trí thức Trung Quốc phản ánh thành tựu của chính Trung Quốc. Do đó, văn minh phương Tây tại Trung Quốc bao gồm cả khía cạnh lý tưởng hóa và hiện tượng hóa thành kẻ thù, và phương Tây được coi là một mô hình để học theo hoặc là một mối đe dọa để chống lại. Những người theo chủ nghĩa tự do của Trung Quốc đầu thế kỷ XX đã nhìn thấy khía cạnh tiêu cực trong truyền thống Trung Quốc, đồng thời, việc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa và Tây phương hóa của Trung Quốc là không thể tránh khỏi đối với sự sống còn của Trung Quốc. Những người khác, đại diện cho các quan điểm truyền thống hơn, lập luận rằng mặc dù phương Tây thực sự mạnh mẽ, nhưng nó thiếu chất lượng tinh thần. Do đó, Trung Quốc nên áp dụng các công nghệ phương Tây và đổi mới của chính phủ khi cần thiết, nhưng nó sẽ giữ nguyên ‘chất’ văn hóa và trí tuệ của Trung Quốc (中学为体 西学为用 [Trung học vi thể, Tây học vi dụng]).

Đối với nhiều người, đặc biệt là những trí thức chịu ảnh hưởng bởi truyền thống, phương Tây đóng vai trò là một công cụ mà từ đó Trung Quốc có thể phản ánh sự độc đáo của chính họ. Ví dụ, một trong những nhà triết học Nho giáo quan trọng nhất của thế kỷ XX, Lương Thấu Minh (1893-1988), đã dành riêng cho tác phẩm đáng chú ý của mình, Chất văn hóa Trung Quốc ( 国 化要 要) để so sánh các nền văn minh Trung Hoa và phương Tây cùng với những nguồn gốc văn hóa của chúng. Theo lời ông:

  

*

VỀ TÁC GIẢ

Matti Puranen là sinh viên tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Đại học Jyväskylä (Phần Lan). Ông nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử quan hệ quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt là về tư tưởng và tiến trình lý thuyết hóa về chính trị thế giới của Trung Quốc.

*

Nguồn: Matti Puranen, "A Non-world: Chinese Perceptions of the Western International Order". In: Marko Lehti, et al (eds.). 'Contestations of Liberal Order: The West in Crisis?' [Những tranh luận về Trật tự tự do: Phương Tây đang khủng hoảng?]. New York, NY: Routledge, 2020.

 

  • ĐỌC THÊM
popup

Số lượng:

Tổng tiền: